Thông thường, khi tan sở xong là chàng đi về nhà. Nhưng có một hôm nọ chàng lại không về nhà. Qua hôm sau chàng nói với tôi:
- Tối hôm qua, anh đã đi đánh mặt chược!
Tôi chỉ cười mà không hỏi thêm gì nữa.
Có một hôm, vào buổi trưa, tôi đi mua thức ăn ở chợ về và đứng dưới đất chờ thang máy để lên phòng mình trên lầu. Bỗng tôi nghe phía sau lưng có tiếng người giận dữ nói với nhau:
- Ca ca, chính con đàn bà ấy đấy. Chính nó đã hại anh em chúng mình không còn đi học được nữa.
Tôi quay đầu nhìn lại thấy có hai đứa bé trai đang đứng sau lưng tôi, một đứa trạc chừng mười tuổi, còn một đứa lối mười bạ Cả hai đều mặc y phục cũ rách và đang đưa đôi mắt đầy giận dữ nhìn tôi lom lom.
Tôi thấy lạ nên chăm chú nhìn hai đứa bé ấy.
- Mụ tồi! Đứa bé trạc mười tuổi nói.
Tôi giật mình và càng kinh ngạc hơn nữa. Tôi tin chắc là đứa bé ấy vừa chửi tôi chứ không ai khác cả, vì lẽ ánh mắt của nó đang nhìn tôi đăm đăm.
Tôi bèn cất tiếng nhỏ nhẹ hỏi:
- Em bé, em vừa mắng ai vậy?
- Mắng bà chớ ai. Đứa bé trạc mười tuổi vừa trả lời vừa đưa tay chỉ thẳng vào người tôi.
- Mắng tôi à? Tôi sửng sốt đến lặng người đi.
Đứa bé lớn liền nắm lấy tay đứa bé nhỏ và bảo:
- Tiểu Ngưu, tụi mình hãy về nhà nói lại với má đi.
Nhưng bị đứa bé tên Tiểu Ngưu không chịu đi, nên bị thằng anh của nó nắm lấy tay lôi đi chỗ khác. Tiểu Ngưu vừa khóc vừa la lớn:
- Em muốn gặp cha... Em muốn đi học à...
Thằng anh nó dỗ:
- Tiểu Ngưu, đừng khóc nữa. Chúng ta hãy về cho má biết là họ đang ở tại nơi ấy.
Tôi cảm thấy lo sợ vô cùng, đến đỗi tay tôi phát run lên, tim tôi run lên và cả linh hồn tôi cũng run lên.
Tôi bối rối bước vào thang máy mà quên cả bấm nút, mãi đến khi thang máy đã lên tới tầng lầu cuối cùng bên trên tôi mới phát giác ra.
Khi đã vào tới trong phòng, tôi chẳng còn đầu óc đâu để nấu nướng nữa mà chỉ buông mình ngồi xuống ghế sa lông và lặng người đi. Con tôi khóc ré lên, có lẽ vì nó đang đói, nhưng tôi cũng chẳng còn đầu óc đâu để lo chăm sóc cho nó, bởi tôi đang đối đầu với một hiện thực đầy cay đắng và đầu óc tôi đang bị ám ảnh bởi một nỗi lo sợ khác thường.
- Y Sa!
Đó là tiếng gọi của chồng tôi. Tuy biết thế, nhưng tôi vẫn không buồn trả lời chàng chỉ lặng thinh trên ghế và cúi gầm mặt xuống.
Con tôi càng khóc to hơn, tiếng khóc như con heo bị giết, tôi nghe rất rõ nhưng vẫn ngồi yên ở đó.
- Y Sa! Trương Vĩnh Trọng đến gần bên tôi và cất tiếng gọi nho nhỏ.
Tôi vẫn ngồi bất động trên ghế, không nói một lời.
Trương Vĩnh Trọng tiến đến chiếc đi văng gần đó, tay bồng đứa bé và nựng nịu nó cho nó không khóc nữa.
Lát sau đứa bé đã nín khóc.
Trương Vĩnh Trọng bồng đứa bé đến bên cạnh tôi và cất tiếng hỏi:
- Y Sa, em hãy nói cho anh biết vì sao em không nói một lời nào hết vậy?
Tôi nhìn chàng mà chẳng nói gì.
- Hãy nói cho anh biết đi!
Trương Vĩnh Trọng dịu dàng bảo.
ánh mắt của tôi dừng lại trên gương mặt của chàng:
- Có phải vợ anh đang ở tại Hương Cảng không?
Gương mặt của chàng vụt biến hẳn sắc đi và đôi mắt chàng đảo qua đảo lại như kẻ trộm bị bắt gặp.
Tôi lạnh lùng nói tiếp:
- Anh hãy nói thật cho em nghe đi, chớ có giấu diếm gì em cả.
Chàng có vẻ trách tôi:
- Nhưng tại sao em lại nghĩ như thế?
- Vĩnh Trọng, vợ anh đã đến Hương Cảng và còn có cả con anh nữa, phải thế không?
Chàng bối rối hỏi:
- Em... Nhưng ai đã nói với em như thế? Em chớ nên nghe những lời nói dối đó. Ôi, anh còn biết nói với em như thế nào bây giờ? Y Sa, em...
- Em chỉ muốn biết sự thực mà thôi.
- Sự thực à? Nhưng anh có cái gì bí mật đâu?
- Anh có! Tôi khẳng định nói.
- Nhưng bí mật gì?
- Chính anh biết rõ hơn em nhiều!
Chàng có vẻ cầu khẩn nói:
- Em hãy nói cho anh biết đi. Việc gì mà phải quanh co như thế?
Tôi bèn đem câu chuyện tôi vừa gặp hai đứa bé dưới cầu thang và cả những câu mắng chủi của chúng mà thuật lại cho Trương Vĩnh Trọng nghe.
Trương Vĩnh Trọng bật cười:
- Em quả thật ngây thơ thật. rất có thể hai đứa bé ấy đã nhận lầm người, và sự thực thì chúng đã mắng người nào khác chứ có phải em đâu.
- Nhưng đứa bé ấy đã chỉ vào em mà mắng nhiếc như thế.
- Em chớ nên nghĩ quẩn như vậy. Thôi, em hãy đi nấu cơm đi. Thiên hạ vốn vô sự, em hà tất tự tìm lấy sự phiền não cho mình lam chi.
Tôi vừa bỏ đi ra sau bếp vừa cười nhạt nói:
- Em cũng hy vọng rằng đó là em tự tìm lấy sự phiền não mà thôi.
Qua chiều hôm sau, khi đã tan sở, Trương Vĩnh Trọng lại không về nhà. Đã 8 giờ tối rồi, tôi chờ chàng về dùng cơm, nhưng chàng vẫn chưa về tới, khiến lòng tôi cảm thấy lo âu phiền muộn không ít.
Tám giờ rưỡi, bỗng có tiếng chuông reo ở cửa. Tôi lật đật đi mở cửa vì nghĩ rằng đó là Trương Vĩnh Trọng đã về tới. Nhưng, khi cánh cửa vừa mở ra, tôi bỗng giật mình và ngạc nhiên hết sức khi thấy đó là một thiếu nữ, tuổi chỉ nhỏ hơn tôi đôi chút, đang đứng ở trước cửa.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Cô muốn tìm ai?
Cô ta cười ngạo nghễ đáp:
- Tôi tìm cha tôi.
Tôi chăm chú nhìn cô ta và hỏi tiếp:
- Cô tìm cha cô à? Cô có đi lầm địa chỉ chăng?
Cô ta quay mặt nhìn lại phía sau. Ngay trong lúc ấy, tôi chợt phát giác ra ở góc cầu thang xuất hiện hai người nữa. Tôi định thần nhìn kỹ thì nhận ra đó là hai đứa bé đã mắng tôi vào buổi trưa hôm qua dưới cầu thang.
Khi đã nhận ra điều đó, tôi bất giác phát run lên. Tôi rất sợ phải nhìn thấy hai đứa bé ấy, tôi rất sợ phải đương đầu với cái hiện thực hết sức là phũ phàng.
Cô gái ấy quay đầu lại phía hai đứa bé và hỏi:
- Có phải cô này đã cùng cha ở chung với nhau không?
Cả hai đứa bé đều đồng thanh đáp:
- Đúng rồi! Chính cô ta đấy. Chính cô ta đấy.
Cô gái ấy quay lại nhìn tôi với cái nhìn đầy phẫn nộ và hỏi:
- Cha tôi đâu rồi?
Tôi vụt trở thành yếu đuối hẳn đi và cúi đầu buồn bã trả lời:
- Ông ấy... chưa có về nhà.
Một trong hai đứa bé nói ngay:
- Tôi hổng tin.
Tôi tức giận nói:
- Các em không tin thì cứ vào trong này mà tìm xem!
Cô gái ấy đưa mắt nhìn tôi một lúc, rồi quay đầu lại nói với hai đứa em:
- Chúng ta hãy ngồi nơi đây mà chờ cha về đi.
Hai đứa bé đều chẳng nói gì và cùng nhau ngồi bẹp xuống bực cầu thang.
Tôi từ từ khép cánh cửa lại và cảm thấy lòng mình đau khổ vô biên. Thế là tôi đã phải đối diện với cái hiện thực tàn bạo phũ phàng thật rồi.
Càng lúc lòng tôi càng đau đơn như đứt từng khúc ruột.
Chẳng hiểu bao lâu sau, bỗng tôi nghe có tiếng quát tháo om xòm trước cửa vang lên:
- Mẹ nó, ai bảo chúng mày tìm đến đây làm gì? Có mau cút đi hết không?
Tiếng quát tháo đó chính là của Trương Vĩnh Trọng, tôi nghe rất rõ ràng. Tôi đứng lên, tiến lại cửa, nhìn ra bên ngoài xuyên qua chiếc lỗ nhỏ trên cánh cửa thì thấy Trương Vĩnh Trọng đang la mắng và dùng tay đẩy hai đứa con của chàng xuống cầu thang, nhưng chúng vẫn không chịu bỏ đi.
Đứa bé nhất vừa khóc vừa nói:
- Cha, con muốn đi học vậy cha hãy cho con tiền đóng học phí đi!
Trương Vĩnh Trọng nói:
- Chúng mày hãy về ngay đi, ngày mai tao sẽ cho chúng mày tiền.
- Cha gạt con. Chúng con về rồi thì cha lại không chịu về nhà.
- Tao nhất định sẽ về mà. Trương Vĩnh Trọng bực tức nói.
Đứa bé lớn chen vào nói:
- Cha, bao nhiêu tiền, cha đều cho người đàn bà xinh đẹp đó hết rồi. Chúng con ăn không no, mặc không lành. Mẹ nói cha là người không có lương tâm.
- Mẹ mày! Trương Vĩnh Trọng đuổi theo đứa bé ấy để đánh nó và mắng nhiếc. Đồ tiểu quỷ...
Nhưng cô gái nọ đưa tay ra cản Trương Vĩnh Trọng lại và lạnh lùng nói:
- Cha, em con nói rất đúng, cha thật là người chẳng có lương tâm.
- Mày... Trương Vĩnh Trọng khẽ buông một tiếng thở dài và cúi đầu xuống tỏ vẻ suy nghĩ. Con hãy đưa hai đứa nó về đi, ngày mai cha sẽ về gặp mẹ các con.
Cô gái có vẻ hoài nghi hỏi lại:
- Ngày mai à? Cha có về thật không?
Trương Vĩnh Trọng gật đầu.
Cô gái nói tiếp:
- Cha... Mẹ đang bịnh rất nặng, cần phải đưa đi bịnh viên, ngày mai cha phải về mới được.
Cô gái ngừng một chút rồi lại nói:
- Ngày mai.. con sẽ phải đi bán ba rồi.
Trương Vĩnh Trọng vội vàng hỏi:
- Tại sao thế? Tại sao con lại không tiếp tục làm việc tại bách hóa công ty ấy?
Cô gái cúi mặt đáp:
- Đi bán hàng thì kiếm chẳng được bao nhiêu tiền từ ngày cha không gởi tiền về nhà nữa, mẹ đã phải mượn rất nhiều tiền của Chu Bát Cô (cô tám), hiện ngay Chu Bát Cô đòi tiền lại tính cả vốn lẫn lời là 3500 đồng, thì chúng con biết lấy đâu ra tiền để trả cho người ta vì vậy mà Chu Bát Cô mới đề nghị con hãy đến làm việc tại quán rượu của người bạn cô ấy có thể được trả cho Chu Bát Cô bằng cách chia ra làm nhiều kỳ.
- Quán rượu ấy ở đâu?
- Tại Loan Tử (eo biển)
- Con khônng thể đi làm gái bán ba được.
- Con cũng không thích thế nhưng chẳng còn biện pháp nào khác hơn nữa. Vì mẹ vì sự sống của các em mà con phải hy sinh thân mình vậy.
Trương Vĩnh Trọng tỏ vẻ rất khổ tâm. Một lúc sau, chàng mới nói:
- Đêm đã quá khuya rồi, thôi các con hãy về đi, ngày mai cha sẽ về gặp má con.
Tiểu Ngưu nói:
- Nhưng con chẳng có tiền về xe đâu.
Cô gái hỏi:
- Sao vậy? Tiểu Ngưu, vừa rồi chị chẳng đã đưa cho em một đồng tiền là gì.
- Em đã mua hai ly cà rem ăn rồi. Em và ca ca cùng ăn với nhau.
Đứa bé lớn xác nhận:
- Phải, tiền đã mua cà rem hết rồi.
Cô chị lườm hai em:
- Chúng mày lúc nào cũng cà rem. Như chị đây, uống nước lạnh chẳng hết khát sao?
Trương Vĩnh Trọng thấy vậy bèn rút trong túi ra hai tấm giấy mười đồng mà trao cho đứa con gái và bảo:
- Đêm đã khuya rồi, con hãy dẫn hai em đi ăn cơm, rồi về nhà mau lên nghe không?
Cô gái cầm lấy tiền rồi dẫn hai đứa bé đi xuống cầu thang. Trương Vĩnh Trọng còn căn dặn với:
- Hãy thận trọng tiền bạc đó. Nếu con đánh mất thì chẳng còn tiền đầu mà đi xe về nhà đấy.
- Con biết rồi. Cô gái vừa đi vừa nói.
Sau đó, Trương Vĩnh Trọng chuyển mình lấy chìa khóa mở cửa phòng. Nhưng tôi lập tức mở cửa ra, chàng không khỏi giật mình và bối rối hỏi:
- Y Sa, em chưa ngủ sao?
- Chưa.
- Mọi hôm, giờ này em đã ngủ rồi. Nhưng, hôm nay...
Tôi ngắt ngang lời chàng ngay:
- Nhưng đêm nay em đã được xem một vở kịch hết sức cảm động, khiến cho tâm tình em không còn bình tĩnh được nữa.
Chàng mỉm cười, nụ cười đầy ngượng ngập, rồi bỏ đi vào phòng, cởi bỏ y phục bên ngoài ra và ngồi xuống giường.
Tôi đi vào theo và hỏi:
- Vĩnh Trọng, em vừa nói em đã được xem một vở kịch rất cảm động, anh có nghe không?
Chàng cúi xuống cởi giày và đáp:
- Anh đã nghe rồi.
Tôi lạnh lùng tiếp:
- Sự thực đã chứng minh là em không hề tự tìm lấy sự phiền não chút nào. Em đã đối diện với cái hiện thực hết sức đáng sợ!
Nghe tới nói câu ấy, chàng liền ngẩng đầu lên nhìn tôi trong khi đôi tay chàng đang cởi giày cũng vụt ngừng lại ngay.
Tôi cười nói:
- Vĩnh Trọng, em không trách anh đã giấu diếm em đâu.
Trương Vĩnh Trọng ngạc nhiên hỏi:
- Em đã nhìn thấy tất cả rồi à?
- Phải, em đã nhìn thấy tất cả rồi, nhìn thấy qua cái lỗ trên cánh cửa. Em là khán giả duy nhất đã được xem tấn kịch đó.
Trương Vĩnh Trọng cúi đầu trầm ngâm nghĩ ngợi và khẽ buông một tiếng thở dài đau khổ.
Tôi nói tiếp:
- Anh đối với em rất tốt, em rất cám ơn anh, nhưng em không muốn phá hoại gia đình hạnh phúc của anh. Sự vui sướng cũng như hạnh phúc của em đã xây dựng trên nỗi đau khổ của vợ và của con anh, đó là điều em hoàn toàn không muốn. Trước đây em đã không biết, nhưng hiện nay em đã biết rồi, em không thể nào tiếp tục chiếm hữu anh được nữa, em cần phải xa anh...
Chàng vụt ngẩng đầu lên hỏi lại tôi:
- Em sẽ xa anh?
- Đúng như thế, đó là điều mà em đã nghĩ kỹ lắm rồi.
Chàng đến bên cạnh tôi, nói:
- Em chớ dại dột như thế. Dù cho em có xa anh đi nữa, anh cũng nhất định không trở về với vợ anh đâu.
- Tại sao vậy?
- Em chớ hỏi lý do làm gì.
- Anh... anh vẫn còn có điều muốn giấu em.
Trương Vĩnh Trọng buồn rầu nói:
- Vợ. anh... đã làm điều không phải đối với anh. Cách đây mấy năm về trước, anh đã gặp điều bất như ý trong công việc làm ăn, nàng đã lui tới với một người đàn ông khác. Vì vậy mà anh và nàng đã gây gổ nhau và cuối cùng bắt đầu ở riêng mỗi người một nơi.
- Không có ly hôn à?
- Không. Nàng không bằng lòng ly hôn, vì lẽ sau khi xa anh xong, nàng mới phát giác ra gã đàn ông ấy không hề thành thật yêu nàng. Do đó, nàng trở lại vẫn xin anh tha thứ cho nàng, hy vọng trở về sống với anh. Nhưng cá tánh của anh rất cố chấp, anh không bằng lòng đáp ứng lời yêu cầu của nàng. Đó là tự nàng gây ra cái khổ cho mình thì chẳng nên oán trách ai cả.
- Nhưng con người rất khó mà không phạm lỗi. Chỉ trừ phi sau khi chết xong rồi mới không còn phạm lầm lỗi nữa, do đó anh nên tha thứ cho bà ta.
- Anh biết thế, nên gần đây, mỗi tháng anh đều có gởi một số tiền cho nàng sinh sống và nuôi mấy đứa nhỏ đi học. Thời gian đã làm cho anh thay đổi thái độ đối với nàng. Nhưng, từ ngày anh về chung sống với em, anh không còn có tiền để gởi cho mẹ con nàng nữa. Mỗi tháng anh chỉ lãnh có 1400 đồng, nên trong thực tại chẳng còn có khả năng để nuôi sống cả hai gia đình được.
Tôi cảm động nói lần nữa:
- Anh đối với em thật là tốt.
- Anh nói thật, anh đối với em là vì ái tình, anh cũng đối với em là vì rất thương cho sự bất hạnh của em.
- Nhưng anh cần phải trở về với gia đình anh. Em không muốn chiếm hữu anh suốt đời, em chỉ cần anh bạn cho em một phần mười tình yêu cũng đủ cho em mãn nguyện lắm rồi. Em không bằng lòng thấy con gái anh đi bán ba, em cũng không bằng lòng thấy mấy đứa con trai của anh ở đầu đường xó chợ, không có học hành gì cả. Vả lại, em sẽ có thể đi tìm việc làm, em không còn cần đến sự giúp đỡ tiền bạc của anh nữa.
Chàng cúi đầu xuống tỏ vẻ rất suy nghĩ.
Tôi khuyến khích chàng:
- Anh hãy xa em đi. Anh chớ nên làm cho em khó xử nữa. Anh đã cùng vợ anh chính thức thành hôn, nên anh cần phải về sống với nàng, có như vậy thì em mới vui được.
Trương Vĩnh Trọng trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Y Sa, em chớ nên đau khổ nữa. Anh sẽ tìm ra biện pháp để đối phó với vấn đề này.
Tôi quá đau đớn nên òa ra khóc nức nở.
Đêm hôm ấy, chúng tôi đều mất ngủ.
Qua hôm sau, đến mười giờ đêm, Trương Vĩnh Trọng mới về tới. Tôi hỏi chàng:
- Sao anh lại về khuya thế?
Sắc mặt chàng trở nên hết sức nghiêm trọng:
- Anh vừa ở Tỷ Loan về đây. Nàng thật là người không hiểu biết chút nào cả.
Tôi biết ngay tiếng "nàng " mà Trương Vĩnh Trọng vừa dùng là để ám chỉ vợ chàng. Tôi tò mò hỏi tới:
- Bà ta ra sao? Bịnh có nặng không?
Trương Vĩnh Trọng lắc đầu:
- Có bịnh hoạn gì đâu. Nàng ta chỉ làm bộ thế thôi. Anh còn lạ gì tâm lý của đàn bà nữa?
- Còn về chuyện của em, bà ta tính sao?
Trương Vĩnh Trọng cười có vẻ đắc ý:
- Nàng ta hăm dọa là sẽ đưa anh ra trước pháp luật. Nhưng đó là điều rất hay, bởi chẳng còn cách nào khác hơn nữa. Thật ra, anh đã đối xử với nàng hết tình hết nghĩa rồi, nhưng nàng không chịu hiểu thì thôi.
- Đó là vì bà ta yêu anh lắm đấy.
Trương Vĩnh Trọng cười nhạt:
- Chớ có nói đùa. Nếu bà ta yêu anh chân thật thì tại sao bà ta lại làm những việc không tốt đối với anh như vậy?
- Đã là con người thì khó mà tránh khỏi phạm lỗi lầm lắm.
Trương Vĩnh Trọng làm thinh. Tôi hỏi:
- Như vậy thì sự quan hệ của chúng ta có nên kết thúc không?
- Tại sao lại phải kết thúc chứ?
- Vì em không muốn cho anh phải phiền não.
- Anh hoàn toàn chẳng có gì để phiền não cả. Chúng ta nên tiếp tục duy trì hiện trạng là hơn.
Cái cảm tình của Trương Vĩnh Trọng đối với tôi thật là chân thành. Mỗi đêm chàng đều về với tôi, và không bao giờ tỏ ra lãnh đạm đối với tôi. Nhưng lòng tôi lại không vui chút nào. Tôi cứ luôn nghĩ đến đứa con gái của Vĩnh Trọng phải đi bán ba, và hai đứa con trai rất đáng thương của chàng không được đi học hành gì cả...
- Ta cần phải rời xa Vĩnh Trọng mới được. Tôi đã từng thầm nhủ như thế.
Nhưng sau khi xa Vĩnh Trọng ra, tôi sẽ đi đâu? Đương nhiên là đối với sự sống thì chẳng thành vấn đề, bởi hoàn cảnh gia đình của mẹ tôi không đến nỗi nào nghèo túng.
Nhưng tôi không thể không có một người chồng được. Đó mới chính là điều đáng nói.
Lý trí tôi thì bảo xa Vĩnh Trọng. Nhưng tình cảm tôi lại không muốn thế. Vì vậy mà tôi bị rơi vào trong một tình cảnh hết sức nan giải và khổ tâm.