Đường dây đang đưa tiếng nói của Đắc từ phía Pha Linh về. Đúng là giọng Đắc, một giọng trẻ trung, chắc chắn, quyết đoán:
- Chúng tôi đã chuẩn bị xong. Đúng giờ G. sẽ nổ súng.
- Hoan nghênh!
- Xin chỉ thị của anh.
Chính cau mày. Một xúc cảm quen thuộc tràn vào anh. Đã bao lần rồi, Đắc từ mặt trận điện thoại về. Những lời căn dặn cuối cùng. Nghiêm trang mà thân thiết mà hồi hộp xiết bao. Trước mặt hai người là một thời đoạn lịch sử mà họ sẽ là người vinh dự mở màn. Xưa nay vẫn là vậy, lịch sử xã hội tuân theo quy luật khách quan, nhưng lại phụ thuộc vào ý chí, trình độ tổ chức và năng lực của con người.
- Nghe rõ không, Đắc?
Chính ngồi xuống, ống nói kéo căng dây ruột gà. Phải dặn Đắc lại một lần nữa. Trận này có ý nghĩa quyết định đây. Trận này là sự thực hiện đầy đủ nhất những chỉ thị, những tư tưởng chiến lược lớn, những sách lược uyển chuyển tinh tế của Trung ương và tất cả những kết quả nghiên cứu, thể nghiệm của tỉnh uỷ, của bản thân Chính. Kinh nghiệm ngang giá với máu xương. Đắc cần nhớ. Đắc cần thực hiện.
Giọng Chính cố giữ cho thật ngay ngắn mà sao anh vẫn thấy như không phải giọng của mình.
- Nhắc lại, Đắc nhé. Toàn bộ sự suy ngẫm từ thực tiễn của chúng ta đã khẳng định rằng cuộc tiễu phỉ thắng lợi nhất sẽ là cuộc chiến đấu ít đổ máu nhất. Đánh Pha Linh là đánh tan. Nhớ chưa? Đánh tan chứ không phải là đánh tiêu diệt. Bản chất của cuộc chiến đấu lần này là giải phóng dân ra khỏi tất cả các loại nanh vuốt.
Chính ghé sát miệng vào ống nói. Phải nói nữa. Cuộc đấu tranh này phức tạp và mới mẻ. Hàng loạt vấn đề đặt ra, muốn giải quyết được phải có đường lối, phương pháp đúng. Rất khó đấy! Không được đơn giản, không được giáo điều, máy móc, rập khuôn.
Thở ra nhè nhẹ, Chính cảm thấy như là đã chuyển được toàn bộ ý nghĩ, tư tưởng của anh cho Đắc.
- Đắc à, còn hỏi gì nữa không? Đó, quan trọng là những cái đó. Cá tính không phải là cái quyết định đâu?
- Tôi hiểu.
- Còn dặn gì không?
Đầu dây đằng kia ắng lặng một lát, rồi giọng Đắc chợt trầm xuống:
- Nếu tôi không trở về…
- Đắc!
- Nếu sau trận này tôi không trở về, nhờ anh nói với Thuý… tôi không bao giờ giận cô ấy. Gửi lời chào Thuý. Chào anh…
- Đắc, Đắc…
Chính gào trong ống nói. Nhưng anh cảm thấy ngay rằng tiếng nói của anh đã bị cắt ngang. Đường dây đã bị kẻ nào đó cắt đứt rồi.
Anh ngồi xuống và những câu nói cuối cùng của Đắc âm vang khiến lòng anh se lại. Chiến tranh, cuốc đấu tranh dữ dội, giằng xé biết bao mối tình. Những mất mát đau đớn. Những chia ly đứt ruột. Những xáo trộn khổ tâm. Lần ấy, Đắc vào hậu địch. Trở ra, Thúy đã không chờ đợi anh được nữa.
Chính nhớ đến nỗi đau của Pao, một nỗi đau tê dại cả tâm thể và triền miên. Phải là con người như thế nào mới vượt qua được nỗi đau ấy. Cả anh nữa, trách nhiệm lớn làm anh quên đi, nhưng mỗi khi nhớ lại cái buổi Châu chia tay anh đi mặt trận miền Tây, lòng lại nhoi nhói xót xa. Trong tỉnh uỷ, có một đồng chí tuổi đã cao, goá vợ từ năm 30 tuổi, ông nhất định ở vậy. Hỏi, thân thiết lắm ông mới kể: năm 1939, ông là bí thư huyện uỷ, ông phân công vợ đi công tác vào một vùng mật thám dày đặc. Vợ ông đi, không trở về. Ông ngẩn ngơ mất nửa năm; bây giờ ông vẫn có mặc cảm như chính ông là kẻ gây ra cái chết cho vợ.
Rời máy điện thoại, Chính bước ra cửa.
- Cán bộ Chính! Điện thoại lại bị đứt à? - Có tiếng nói của một thiếu niên.
Chính dừng lại. A! Cận vệ quân Giàng A Pùa! Từ hôm phát hiện phỉ có âm mưu ám sát Chính, chú ta đảm nhiệm việc canh gác cho anh. Những đêm Chính ngồi nghiền ngẫm, bàn bạc công việc với Pao, A Sinh, Na… chú ta ngồi ở sân lăm lăm súng trong tay.
- Để em đi tìm chỗ bị cắt cho.
Chính kéo chú bé:
- Hãy khoan! Anh nhờ một việc: tìm chỗ dây bị cắt xong, chú tìm hộ anh Khả. Anh Khả cao cao…
- Răng to to, xấu xấu á?
- Phải rồi. Bảo anh ấy về ngay trụ sở tìm anh nhé.
***
Pùa đeo khẩu trung chính. Khẩu súng so với chú không dài, nhưng trong chú vẫn nhỏ thó. Ấy là vì bộ quần áo chú mặc thùng thình. Bộ đội cho A Sinh một bộ, cho Pao một bộ. A Sinh không mặc, cất lên gác để dành, Pao cũng không mặc: "Dà, tao là chủ tịch xã, mặc quần áo lanh tiện hơn".
Pùa mặc, tuần giặt một lần, phơi khô lại mặc. Mặc quần áo bộ đội, Pùa thấy mình thành người lớn, lại ra dáng là đang làm nhiệm vụ quan trọng. Quan trọng thật chứ. Anh Chính phong là "quân cận vệ" kia mà. Pùa đi, tay vung vẩy.
Trên bãi đá, mươi anh du kích đang ngồi quanh Pao và A Sinh. Họ đang dự lớp huấn luyện. Pùa gọi: "Anh A Sinh ơi, đi với em không?” Sinh quay ra, tay xua xua, đầu lắc lắc. Vậy thì Pùa đi một mình.
Đường dây giăng theo đường mòn. Thỉnh thoảng lại quấn vào một cái cột. Cái cần cối chè gãy của nhà, Pùa và lũ trẻ khiêng ra chôn ở đây. Nó ở đúng đầu làng, chỗ ngã ba, một đường rẽ vào Phéc Bủng.
Đường dây đi mải miết. Sợi dây tài thật, nó chở tiếng người đi. Ngồi ở đây, nói được với người ở tít tận Pha Linh. Anh Chính chỉ huy cả tỉnh cũng từ đây. Lần nào anh Chính nói, Pùa cũng nghe. Chỉ mang máng hiểu thôi, nhưng thấy là quan trọng lắm.
Chuých chuých… Khíp khíp… A, bọn sẻ, bọn chào mào, lại có cả mấy con khiếu, con luôn. Khôn thật, đứng trên đường dây mà hót.
Chợt, đàn chim vù bay. Sợi dây nhựa đen rung rung, rung mãi. Pùa nhìn về phía trước. Có người đang kéo dây hay sao? Pùa chạy lên! Phựt, sợi dây đứt, bật lại, hai đầu dây bung bênh ở giữa trời.
"Có đứa cắt dây rồi!”. Pùa xộc vào vạt gianh, lia mắt. Nắng bập bùng sáng tối từng mảng đồi. Con châu chấu đạp càng tanh tách, xè xè bay. Không có bóng người.
Pùa rúc trong bãi cỏ gianh. Đang bò, chợt Pùa đứng dậy. Có một bóng người. Nó lại biến đâu rồi? Pùa ngỏng cổ. Cái khe kia có nhiều cây ổi Pùa đi thả trâu vẫn hay hái ăn, đúng là đường đi của người nọ rồi. Phải đón lõng. Bắt hoạ mi, bắt khiếu cũng phải đón lõng.
Nhặt mấy cồ đá, Pùa ném vào các bụi cây rồi lại chạy ngược lên. Đúng đầu lạch, Pùa dừng lại, ngồi xuống.
- Ai, đứng lại!- Pùa đứng vụt dậy, chĩa súng.
- Ơ!
Một cái mặt béo ú vừa ló ra. Lưng nó đeo cái địu. Nó ngúc ngoắc cái cổ to bự, ngoác cái miệng xoè hai thẻo ria đen nhọn, cười cười:
- Anh đây mà, chú em.
Pùa lừ mắt. Lão quản ma! Lão đeo địu đi từ sớm qua, chắc là đi tiếp tế cho bọn Lử.
- Hà hà… đi đào sâm nam suốt cả ngày mà chẳng được gì, em à. Em có biết ở đâu có không?
Lão nói dối. Pùa nghĩ, bước lại:
- Này, ông Đa. Con chuột có hai ba đường vào hang tôi biết cả rồi đấy.
- Dà dà…
Lão quản ma gằm mặt, đi qua trước mặt Pùa. Đợi lão đi một quãng, chú liền đuổi theo. Được một quãng chú đứng lại. Làm thế nào bây giờ nhỉ? Chú chợt nhớ: phải đi gọi anh Khả.