Lử ra khỏi nhà. Hắn oách hơn hôm qua. Máy bay quan tư Phơ-rô-pông vừa thả xuống bao nhiêu là súng đạn, đồ ăn, thức uống và bộ quần áo sĩ quan cùng lon quan hai đã đính sẵn. Chỉ tiếc, bộ quần áo hơi cũ và rộng quá. Cầu vai chìa cả ra ngoài. Tay áo phải xắn. Cái quần còn tệ hơn, lùng thùng như váy. Thiếu mũ, đành phải quấn khăn. Bước ra sân, thấy cái cối ép chè, Lử liền giơ chân đạp mạnh. Gỗ dầm mưa dãi năng đã lâu, ải mục rồi, cái trục cối đổ đánh ình. Ở hiên, con chim hoạ mi choét một tiếng hãi hùng. Lử quay lại, lườm con chim, rồi khuỳnh tay, bước ra cổng.
Thôn xóm rầm rập người, ngựa. Tất cả các seo phải, binh thầu, sau cuộc nổi loạn ở Phéc Bủng, đều đã đến chào Lử. Lính dõng, cai, đội cũ đều bị Lử gọi vào lính. Có đứa mặt mày hớn hở. Có đứa ủ ê, lo sợ. Lử đeo súng đến từng nhà. Đứa nào ậm ừ thì chõ súng vào ngực: "Đ. mẹ có muốn theo thằng Pao Việt Minh không?”. Nhẹ hơn thì: "Từ mai, không cho mày ăn muối nữa nhé”. Tên lính cũ cuối cùng phải đá mấy cái nó mới nhận súng và Giống. Nể anh ta là con bà cô dòng họ, chỉ dùng lời. Nhưng, anh ta cứ lèo nhèo: "Thưa ông một, con bé cháu nó ốm quá". Tức mình, Lử túm cổ áo anh ta, xoay lưng lại, đá cho mấy cái ngã lăn dưới đất, lúc đó anh ta mới vừa khóc vừa chịu nhận súng.
Cho đến sáng nay, khi máy bay Pháp thả một lần nữa xuống mười lăm cái dù thì số người theo Lử đã tới hơn một trăm. Một trăm tên đủ làm loạn Can Chư Sủ rồi. Bãi đá chơi xuân thành nơi đóng quân. Ở đó, lửa cháy đùng đùng dưới đáy gần chục cái chảo to nấu cơm, ninh thịt. Giàng Súng chủ hội vui xuân, giờ là quản trị trưởng của lính.
Khi Lử đến, lão lý trưởng đang nói chuyện với lính:
- Anh em họ Giàng nghe tôi nói: bọn nheo làng (Người Kinh - hàm ý xấu) sắp thua hẳn ta rồi. Anh em ta đuổi nó đi để khỏi phải đóng thuế, khỏi phải đi dân công, khỏi mất thuốc phiện. Chủ tịch Pao chết rồi. Thằng A Sinh uỷ viên quân sự cũng theo ta rồi. Như vậy cả họ Giàng ta giờ là một. Thế nhé! Cứ theo lời tôi nói, anh em ạ.
Ngừng một lát, lão tiếp:
- Tôi nói thêm. Lực lượng ta giờ mạnh. Bên Pha Linh, Châu Quán Lồ nó cũng nổi lên rồi. Tàu bay của bố mẹ lại về cho ta súng, đạn, lương thực, thực phẩm. Bên Tàu, ông Xì Xám Mần chỉ huy quân đoàn 99 cùng 5.000 lính cũng sắp về tới biên giới. Ta phải nhanh lên. Ăn no rồi ta đi đánh thị trấn.
Cười hấc hấc, Giàng Súng gật gật đầu:
- Như vậy từ nay không phải đóng thuế nữa. Tất cả các thứ chui vào bụng ta thôi.
- Úi, ta với na nủ Lồ phối hợp thì Việt Minh chết. Tôi thấy na nủ rồi. Khác với người thường. Ngài chỉ có một mắt. Ngài cho mấy chúng tôi con hổ nhé. Còn con Seo Say ấy mà, thấy na nủ là nó mê liền…
Liến thoắng, nhưng tay lão Sếnh không quên cầm cái bát vục vào chảo thịt. Lử quay lại, quát:
- Này, ông Sếnh, công gì mà cũng ăn! Đây là thịt của lính.
Lão Sếnh trợn mắt:
- Hé hé… chào ông một. Sức tôi cầm súng được tôi đi ngay.
- Mở mắt ra xem nào!
Lão Sếnh buột rơi cái búi tóc:
- Ố! Ông đeo lon mới! Kính chào ngài quan hai ạ!
- Hứ! Rõ đồ trâu giẫm không biết đâu. Ông bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, thưa ông hai, sắp sáu mươi.
- Còn chơi gái được chứ?
- À, ừ…
Lử lừ mắt:
- Chơi gái được thì đi khiêng đạn được đấy!
Bọn người ngồi ăn quanh mấy cái chảo cười à à ngả nghiêng.
***
Đeo cái địu trúc chạy xuống bãi thả dù ở dưới bờ sông Chảy, lão Sếnh nhảy tâng tâng như con dê núi. Đến gần bãi dù, thấy thằng Pùa và A Sinh, hai người khiêng một hòm đạn đang ngồi nghỉ ở giữa lối, lão dừng lại, quát:
- Đi đi chứ! Ngồi chơi à?
Pùa quay lại. Lão Sếnh phùng má:
- Còn làm uỷ ban nữa hay thôi, thằng Việt Minh con kia nữa?
Pùa im. Lão Sếnh nhổ nước bọt, nhảy qua hai người. Lát sau lão quay lên, lưng gò địu vải, vẫn thấy A Sinh và Pùa ngồi đó.
- Này, nhanh lên còn đi ra trấn lấy các thứ, chúng mày.
Pùa lừ mắt. Lão Sếnh lầm bầm:
- Là con muỗi mà gớm nhỉ!
A Sinh gục mặt trên hai đầu gối. Sinh khóc. Sinh không đau nhưng Sinh thấy nhục. Một đời người, từng ấy cái nhục là quá nhiều rồi. Bị nó lừa, cởi trói cho nó tắm. Rồi bị nó bắt. Nhục quá! Nhục nữa là không nhảy được xuống vực như Pao, lại được nó tha chết. Thà rằng nó bắn chết. Đằng này, nó chỉ mặt: "Tao gia ơn cho mày vì hôm ấy mày đã cởi trói cho tao tắm!". Rồi bây giờ nó bắt đi khiêng đạn cho nó!
- Anh A Sinh! Pùa lay vai A Sinh.
Không ngẩng lên, đầu A Sinh cứ rập rập lên đầu gối.
- Anh A Sinh. Pùa nói - Hồi trước, một lần bị chúng trói, định giết, anh Pao em đã nhổ cả cây vông trốn. Anh trốn đi!
- A! Vẫn còn ngồi đây hả? Còn nhớ chủ tịch Pao à?
Nghe tiếng người the thé. Pùa ngẩng lên, lại nhận ra lão Sếnh. Hai anh em đứng dậy. Lão Sếnh xuống bãi dù, thồ một chuyến nữa. Pùa và A Sinh khiêng được hòm đạn về tới làng thì trời đã nhá nhem tối.
***
Tối, lửa bập bùng những đống lớn ngoài trời. Tiếng nói tiếng cười như thác cuốn không dứt. Người tựa như bị ngộ độc, cứ nhao lên, lăng xăng chạy đi chạy lại, nói cười huyên thuyên. Như ra khỏi vòng kiềm chế, những thói xấu lập tức dương nanh giơ vuốt. Lặng lẽ, những ước muốn, thèm khát thấp hèn như những con vật bò ra khỏi hang. Đêm nhộn nhạo cho thói hư tật xấu múa may tung hoành. Trộm cắp, đánh chửi nhau, hiếp đáp nhau đã trở thành chuyện thường tình.
Lử say lử đử. Lử vui lắm. Quan tư Phơ-rô-pông xứng đáng là bố mẹ hắn. Cho lon, cho tiền, cho súng, cho đạn. Cho hắn cả thói hung tợn. Hôm qua một bọn theo Seo Cấu đi cướp phố, lấy về được toàn giày vải. Cấu nói: Kho Việt Minh còn nhiều thứ lắm. Chỉ còn mỗi gái là không có. Gái, phải kiếm lấy thôi. Bọn lính cũng hiểu điều đó nên chập tối là đã nhằm sẵn từng cô, giờ hốc đá, bụi cây nào cũng có tiếng chí choé, rên rỉ. Còn Lử, Lử cũng đang đi tìm gái đây. Quan hai Giàng A Lử đi tìm gái đây.
Lử bước khật khưỡng, mắt lờ mờ, miệng nghêu ngao. Bỗng Lử mở choàng mắt. Tối sẫm. Cành lá ngón bên đường đen nhẻm, đâm ngọn nhòn nhọn.
- Anh Lử!
- A!
"A, cái cột đá ở đâu mọc ra giữa đường? Cái cột đá biết nói, lại nói gay gắt, run rẩy”. Lử giụi mắt. Trước hắn, một gương mặt mờ mờ, nhưng rõ là mặt con gái.
- Á! Seo Cả!
- Anh Lử, tôi hỏi: anh Pao đâu?
"Con này trông xinh thật. Nó đánh ngã mình mấy lần rồi đây”. Lử nghĩ, mặt bừng nóng:
- Này, Cả. Anh giờ làm quan hai. Trông lon đây thì biết. Em muốn làm vợ quan chứ?
- Tôi hỏi anh, Pao đâu?
- Hé hé… anh coi thằng Lồ chột à con muỗi thôi. Sao anh lại thua nó được. Theo anh làm vợ nhé!
- Bỏ tay tôi ra, Pao đâu?
- Hé hé… Thằng Pao, hả? Nó làm mồi cho kiến rồi. Em xem cái bướm to bằng chừng nào nào. Cho ta yêu nhé. Rồi ta đến nhà Giàng ly trang xin cưới chuộc em ra. Ta sẽ cưới em!
Lử vòng tay ghì người phụ nữ. Nhưng tay hắn bỗng lỏng rời, thõng thượt. Hắn thét một tiếng, sợ hãi. Người phụ nữ đã rũ xuống đất như một bẹ chuối ải mục Chị vừa chết ngất…
***
Trong nhà, đèn đóm không thắp, tối om. Ngoài sân, Giàng Súng sai lính đốt một đống lửa lớn từ lúc sâm sẩm. Bọn lính đến lại đi. Nhà hố pẩu hoá thành chỉ huy sở của Lử. Ngồi trong nhà nhìn ra hố pẩu chỉ thấy lố nhố mấy cái đầu đen và giọng ông quản ma rổn rảng:
- Chữ Cộng sản viết theo lối Tàu là thế này: Chữ Cộng trên là cái gông, dưới là hai bị đá. Còn chữ sản là đẻ con thì có cái đuôi như con khỉ nhé.
Đám người cười ồ ồ. Hố pẩu cười hay khóc? Quanh hố pẩu, Lử đưa về bao nhiêu là vải vóc, quần áo, dày dép, đèn pin, rượu thịt. Hố pẩu giờ bỗng giầu lên, thức gì cần cũng có. Hố pẩu khóc hay cười? Lử thoát chết, trở về, lên quan hai. Nhưng Pao còn đâu nữa. Lại súng nổ. Lại đánh nhau. Đánh nhau thì con người chỉ hư đi thôi. Đánh nhau thì dòng họ lại chia năm, xẻ bảy, và mới có mấy ngày mà đã lại nhộn nhạo bao nhiêu chuyện trộm cắp, cướp giật, ức hiếp rồi.
Chao ôi, lại nhớ hôm nào hai anh em Lử - Pao và thằng Pùa đẩy cái cối chè, lại nhớ lời Pao nói, trong cái buổi hai cha con bất đồng ý kiến với nhau. Giận Pao chỉ là giận thoáng qua. Thương Pao nhiều hơn. Pao khác hố pẩu, nhưng vẫn gần với hố pẩu hơn là Lử. Giận Pao chỉ là vì Pao theo kẻ khác. Ôi chao! Thằng Tây đã làm hư hỏng cả người Hmông. Giờ lại thêm Cộng sản Việt Minh. Còn có cách nào thoát được khỏi tay họ không?
Ngoài trời, bóng đêm dày nhập nhoạng ánh lửa, chốc chốc lại đùng một tiếng súng nổ. Những ngày tháng yên hàn thế là trôi tuột đi rồi, không trở về nữa rồi. Mà về làm gì nữa. Pao còn nữa đâu! Pao chết rồi. Nhưng Pao không có tội. Mà Lử cũng không có tội đâu, Pao à. Nước mắt ri rỉ chảy, nhỏ giọt ra gò má, lăn xuống cổ, hố pẩu mới biết mình khóc. Sờ tóc thấy tóc ướt, lại ram ráp, hố pẩu bỗng rùng mình.
Thằng Pùa đi đâu về, đứng ở ngoài hiên. Nó sờ soạng cái gì rồi bỗng thất thanh:
- Cha ơi! Con hoạ mi chết rồi!
Lão Giàng Súng bóp chết con chim của anh Pao rồi, cha ơi!
Hố pẩu lạnh buốt cả sống lưng. Tiếng Pùa như lưỡi thép xuyên suốt căn nhà.