Con bạc
Ma Văn Kháng
Lỏng khỏng những lóng xương khô, đứng thì trông như cái cây rủ lá, đi thì đầu đổ đằng trước, tay vẩy phía sau, nhưng công bằng mà nói, thủ trưởng Văn Chửng của tôi hao hao giống như một nhân vật công chức trong các truyện ngắn của Sêkhốp, nghĩa là có cái vẻ bí ẩn và sang trọng tỉnh lẻ, nếu thêm cái áo bành tô, cái nơ đen gài cổ. Nhìn ông hôm nay với cái vẻ cô thần ở khuôn mặt lưỡi cày có cái mũi quặp như mỏ diều hâu và cái vẻ khác người ở thần thái điệu bộ, chẳng ai có thể nghĩ, ông đã có thời gian hơn bảy năm tham gia bộ đội, mà là bộ đội tên lửa, tức binh chủng hiện đại bậc nhất trong chiến tranh kia. Tất nhiên lúc ấy, từ chức danh giáo viên ngoại ngữ đầu quân, ông chỉ là sĩ quan phiên dịch thôi. Năm mươi tuổi tròn, nhưng ông Văn Chửng như một kẻ chủ trương sống cuộc đời độc thân, hoàn toàn khép kín. Suốt một ngày dài, giam mình trong căn buồng trên cửa gắn biển chức danh phó chủ nhiệm, ông đọc sách, tìm nguồn tư liệu, soạn bài, duyệt bản thảo cho tờ chuyên san của chúng tôi - một chuyên san xã hội học, bàn toàn những vấn đề triết lý cao siêu, thuộc một lĩnh vực hẹp, ít người đọc, mỗi quý phát hành nhõm có một lần.
Công việc của hơn chục nhân mạng già trẻ trong cơ quan vì vậy khá nhàn nhã. Nhàn nhã, nên nhịp điệu cuộc sống ở đây là rảnh rang đủng đỉnh, sớm chẳng vừa, trưa chẳng vội. Nhàn nhã nên cái tật nhòm ngó đời tư kẻ khác có cơ hội tha hồ khai triển. Công bằng mà nói, với công việc, ông Văn Chửng là một cán bộ mẫn cán. Hai năm nay, ông thay thế ông chủ nhiệm đã về hưu, nghĩa là đứng mũi chịu sào toàn bộ công việc của một cơ quan cấp vụ, nhưng vẫn chỉ được mang danh quyền chủ nhiệm, vậy mà ông vẫn chăm chỉ hết lòng với công việc và chẳng một lời thắc mắc, than vãn. Bấy giờ được một cán bộ như thế là tốt quá rồi. Lúc này, hống hách cửa quyền, thụt két là căn bệnh phổ biến của một số vị đứng đầu các cơ quan nhà nước. Lúc này, đồng tiền đi trước, công việc theo sau, khối anh tiếng là lãnh đạo mà bỏ bê công việc chỉ vì vài cái thiệt thòi vật chất nhỏ mọn thôi. Ông Văn Chửng không có những tính xấu đáng trách như thế. Còn như ông khác người ở sự độc thân, ở thái độ có vẻ như âm thầm tiết chế, cũng như ông có cái quan hệ rất lạ lùng với cô Bình, vợ một người đàn ông chột làm nghề cắt tóc ở cạnh cơ quan, thì cũng chỉ là đầu đề của những câu chuyện phiếm, vô hại, chẳng có quan hệ gì đến lợi ích cộng đồng mà trách cứ!
Quả thật, ông Văn Chửng giống như một kẻ mắc căn bệnh ám thị giới nữ. Ông chẳng giao tiếp với ai, ngoài cô Bình ba mươi sáu tuổi, sống bằng nghề chân gỗ, chuyên ghi số đề. Cô Bình đã có hai con, nhưng còn sắc nước lắm. Cô Bình đít bồ câu, đầu chim ngói, mặt nhỏ như cái niêu đất, nhưng xinh xẻo, hai mắt lúc nào cũng lúng la lúng liếng, cứ như đang còn gái tơ vậy. Cô Bình quen biết ông Văn Chửng từ lúc nào? Chả ai biết! Chỉ biết rằng đã cả chục năm nay cô Bình giữ độc quyền ra vào cái căn buồng thủ trưởng của chúng tôi. Một mình cô thôi. Một mình cô, ngày nào cũng như ngày nào, cứ quãng mười một giờ là tay ve vẩy, tay xách cặp lồng cơm, cô đi qua dãy phòng làm việc của chúng tôi, vào buồng ông Văn Chửng. Cô Bình đem cơm cho ông Văn Chửng ăn. Rồi cửa đóng lại, cô Bình ở đó đến hai giờ chiều mới đi ra, lúc đó tóc tai đã gọn gàng, quần áo đã phẳng phiu. Thóc mách, có người nói họ quan hệ với nhau như vợ chồng thật. Nhưng, mấy ông đứng tuổi ở cơ quan tôi thì lắc đầu quầy quậy: Làm gì có chuyện ấy. Văn Chửng thuộc loại pê-đê, hai người ấy chỉ âu yếm nhau thôi.
ấy thế, quanh cô Bình, ông Văn Chửng và quan hệ của họ luôn luôn có ý kiến trái ngược nhau. Kẻ bảo cô Bình là con đàn bà chuyên nghề đào mỏ, thấy anh chàng Văn Chửng độc thân là sán lăn vào lợi dụng; chứ anh chàng đực rựa này có gì mà hấp dẫn. Người ta nói: Văn Chửng khô chân gân mặt vừa đáng mặt đàn ông vừa có duyên thầm. Cái cô Bình thiếu là thiếu cái tình, cái tình lãng mạn và cái háo dục mà chồng cô không có. Liệu có thể tin được miệng lưỡi thiên hạ không? Chịu. Vì ngay như chuyện cô Bình giàu hay cô Bình nghèo, ý kiến cũng còn khác nhau lắm. Nhất trí với nhau, họa chăng là ở mấy anh em chúng tôi, mà cũng chỉ là nhận xét về mặt tính tình cô Bình thôi. Cô Bình đúng là tính khí hơi thất thường thật. Cô có tính đồng bóng. Lắm khi cô lên cơn ghen trắng trợn. Cứ như cô là vợ chính thức của ông Văn Chửng vậy. "Lại đi ăn bánh bao của con bỏ mẹ nào rồi, hả? Không ăn thì đổ cho chó nó ăn!". ấy là hôm cô đem cặp lồng cơm vào buồng, thấy ông Văn Chửng ôm bụng kêu no, không ăn được nữa. Tuy vậy, nóng là nóng xổi nóng thì vậy thôi. Lát sau lại thấy anh chị cười rúc rích, vô tình ngó vào còn thấy chị đè anh ra bón cho anh ăn nữa kia. Ông Văn Chửng được săn sóc từ miếng ăn đến manh áo mặc. Ông là kẻ vô lo. Vì từ việc lĩnh lương đến cái việc lĩnh nhuận bút ở các tờ báo, tạp chí mà ông cộng tác dịch thuật hay biên soạn, cô Bình lo hết. Đã cầm đến đồng tiền của nhau, tức quan hệ đến mức già nhân ngãi, non vợ chồng rồi. Quan hệ đến mức như vậy xét về nhiều mặt là rất chướng. Tuy vậy, phải nói ngay là cô Bình chẳng tỏ ra kín đáo ngại ngùng hay giấu giếm, che đậy gì hết. Đôi khi cô còn như là công khai đóng vai người vợ quyền uy, đáo để, lấn át cả ông nữa kia. "Rời tay con này ra ấy à thì rã họng. Như cứt chó phơi nắng bảy ngày ấy, có chó nó lấy mà bảo tôi kiềm chế". Thế đấy, đã có lúc cô Bình còn lu loa vậy.
Lạ cái là anh chồng cô Bình, một gã đàn ông chột dựng gương đặt ghế cắt tóc ở vỉa hè trước cơ quan chúng tôi, trông dữ tướng ra phết, lại chẳng bao giờ có ý kiến về quan hệ này. Có họa là anh ta đui điếc, chứ tuyệt không phải là nhắm mắt, bịt tai làm ngơ. Vì làm ngơ thế quái nào được. Ngay trước mắt anh ta, ngày nào mà cô Bình chẳng một lần ton tót đi vào cổng cơ quan, leo lên gác, chui vào buồng ông Văn Chửng. Chưa kể nhiều hôm, cô Bình tay ôm cái làn đựng đầy hương hoa, đồ cúng, tay ôm eo ông Văn Chửng, ngồi trên chiếc Wave phóng như bay, thấy chồng chẳng hề lúng túng, ngượng ngập lại còn giơ tay vẫy vẫy, nói với lại: "Đi chùa Trấn Quốc đây. Không ăn cơm nhà đâu đấy!".
Cái gì lạ lùng mà lặp đi lặp lại mãi cũng trở nên vừa tai, vừa mắt. Chả ai bình luận về họ nữa! Cuộc sống cứ tiếp tục đi theo lối quen. Ông Văn Chửng ngày ngày tới cơ quan, đóng cửa làm việc, đến trưa thì cô Bình mang cặp lồng cơm tới, rồi đầu giờ tầm chiều thì cô đi ra. Có lúc cô nổi giận đùng đùng. Có hôm tiếng cô cười vang rộn cả mấy gian buồng. Có buổi, cô xách cả một túi lớn giò chả và bia lon tới, xộc vào buồng chúng tôi, toang toang: "Này, ăn mừng hộ lão Văn Chửng đi! Hôm qua đề về con 38. Lão Chửng chơi 500 nghìn theo luật một ăn bảy mươi, xơi 35 triệu ngon ơ!". ấy thế, cô chơi đề, chơi xổ số hộ cả ông quyền chủ nhiệm của chúng tôi. Và như vậy, muốn hay không thì quan hệ giữa chúng tôi và cô Bình đã trở nên thân tình. Thân tình đến mức, khi chúng tôi trách cô sao cứ níu giữ, không cho ông Văn Chửng đi lấy vợ, thì cặp mắt một mí của cô long lên sòng sọc: "Đấy, cho tự do đấy! Có đứa nào nó rước hộ thì tôi đốt pháo ăn mừng". Thân tình nên đã có lúc cô hỏi thẳng chúng tôi: "Sao các cậu không đề nghị cấp trên cắt Q(*) cho lão ấy, cho lão ấy nhận chức chủ nhiệm chính thức đi, lão ấy có khuyết điểm gì đâu? Khổ! Sao đời lão ấy lại chịu nhiều thiệt thòi, buồn đau thế!". Nói câu sau cùng, đang vui vẻ là thế, mặt cô xịu ngay xuống. Còn cặp mắt cô lăn tăn ánh cười, thoáng cái đã lại sập xuống và hoe hoe đỏ như có điều gì uẩn khúc trong lòng không nói được ra.
Tuy nhiên, điều đặc biệt ai cũng nhận ra là giữa những náo động do cô Bình tạo ra, ông Văn Chửng vẫn là một hòn đảo âm u mù mịt. Ông chẳng trò chuyện gì với chúng tôi. Mặt ông chẳng biểu lộ vui buồn. Âm thầm, ông chỉ biết chúi đầu vào công việc, và chỉ giao lưu với thế giới bên ngoài, qua mỗi cánh cửa mở là cô Bình, người đàn bà đa tạp, thất thường, có tình cảm đặc biệt với ông, người đã dẫn dắt và uốn nắn ông hàng chục năm nay.
Ông Văn Chửng vẫn lặng lẽ một bóng hình hiền lành, đơn độc khác người. Cả tuần, ông không vắng mặt một buổi ở cơ quan, trừ ngày chủ nhật, và gần đây, khi chuyển sang tuần làm việc bốn mươi giờ, thì thêm ngày thứ bảy.
Nhưng tuần ấy, vào đầu giờ chiều ngày thứ sáu, khác với thường lệ, mở cửa bước ra không phải chỉ có cô Bình. Có cả ông Văn Chửng. Ông Văn Chửng mũ cátkét che trán, áo dài da, tay cắp cặp, lần này tự đặc tả theo mẫu một nhân vật công chức tỉnh lẻ thời xưa, khiêm nhường và lễ độ, chờ cho cô Bình đi khuất mới dừng lại trước phòng hành chính, khe khẽ và trịnh trọng: "Các bạn! Tôi xin phép nghỉ sớm một buổi chiều nhé". Ông báo cho chúng tôi biết, theo phép lịch sự thôi, chứ ông là ông chủ ở đây, điều đó chính ông biết rõ.
***
Nghỉ việc chiều thứ sáu đã là một việc chưa từng xảy ra đối với ông Văn Chửng. Vì con người này xưa nay vốn nghiêm túc về mặt thời gian lắm cơ. Tuy nhiên, điều đáng nghi ngại lại là sáng thứ hai, chúng tôi không thấy ông có mặt ở cơ quan. Ngong ngóng suốt buổi trưa, cho đến đầu giờ chiều thì chúng tôi lo ngại thật sự. Trước nay, ông quyền chủ nhiệm chưa bao giờ bặt vô tăm tích như thế.
Hay ông Văn Chửng ốm? Câu trả lời có ngay là không, khi hai nhân viên cơ quan chúng tôi đèo xe nhau đến tận nhà ông ở phố Ngọc Linh và trở về nói là nhà ông khóa trái cửa. Hay là ông quyền chủ nhiệm về quê? Vừa đặt câu hỏi đã thấy ngay là vô lý. Bao nhiêu năm nay có bao giờ thấy ông Văn Chửng nói về quê hương bản quán. Ông không có quê. Nói cách khác, ở quê ông giờ chẳng còn ai thân thích, ông chẳng còn dây mơ rễ má gì ở cái làng quê ngoại thành của ông cả. Ông sống một thân một mình. Ông tứ cố vô thân. Hay là ông thủ trưởng của chúng tôi đèo cô Bình đi lễ chùa? Vừa có người nói vậy, chúng tôi đã reo ầm ầm. Chứ còn gì. Cô Bình chăm lễ bái lắm. Người đàn bà này xem ra cũng có nhiều u uẩn, khúc mắc. Mà bây giờ đang là tháng bảy ta, tháng xá tội vong nhân, chùa chiền đang mùa hương khói! Chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trăm Gian... Quanh Hà Nội, có đến vài chục ngôi chùa đẹp nổi tiếng, đáng tiêu phí thời gian vào đấy lắm chứ. Nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại, lại thấy rằng, giải thích như thế thật không thỏa đáng; ông Văn Chửng của chúng tôi đâu có phải là con người không đàng hoàng.
Ngày thứ ba, buồng ông quyền chủ nhiệm vẫn im ỉm khóa. Bây giờ thì đám các ông nhiễu sự sau mấy ngày ngậm tăm mới phá lên cười: "Các chú thiếu nhạy cảm quá". Hiển nhiên là các ông nghĩ rằng, để che mắt anh chồng chột, dịp này hai anh chị dại gì mà không lợi dụng cơ hội nấp bóng chùa chiền, rủ nhau đi thật xa để tình tự cho thỏa tình thương nhớ. Lúc này là thời cởi mở, nhà trọ, khách sạn sẵn như quần áo secondhand, lại thông thoáng vô cùng.
Không, ông Văn Chửng của chúng tôi quyết không phải là hạng người ấy. Chúng tôi, mấy anh em trẻ tuổi, nhất quyết phản bác lại ý kiến của đám người nọ. Và như để chứng minh rằng chúng tôi đúng, chiều ngày thứ ba ấy, từ đâu trở về, cô Bình xộc lên cơ quan chúng tôi vẻ hớt hơ hớt hải khác thường. "Lão Văn Chửng của các cậu đi đâu mất mặt từ chiều thứ sáu?". Nghe cô hỏi giật, nhìn hai con mắt bồ câu của cô ngơ ngác, chúng tôi cũng sững sờ. Cô Bình trước nay vẫn là người rất thành thật. Thành thật trong cả sự dan díu với ông Văn Chửng! Và bây giờ chính cô cũng không biết ông Văn Chửng đi đâu mấy ngày qua. Cô Bình còn không biết thì hỏi ai có thể biết ông Văn Chửng đi đâu. Chả lẽ ông Văn Chửng đã biến vào vô tăm tích?
***
Ông Văn Chửng không biến vào vô tăm tích.
Ông đã trở về, trở về đột ngột trong sự mong đợi của chúng tôi. Sáng bửng ngày thứ tư, chúng tôi đến cơ quan đã thấy cửa buồng ông mở và ông đang đánh răng rửa mặt ở cái vòi nước cạnh sân. Thấy chúng tôi, ông quay lại. Khác hẳn mọi khi, mặt ông tươi tỉnh, thái độ ông vui vẻ khác thường. Một linh hồn xa lạ đã nhập vào ông, đã biến cải gương mặt, giọng nói ông. Không còn nỗi niềm âm u, mờ mịt xa cách. Tất cả đều sáng láng, rõ ràng và gần gũi. Mặt ông giãn ra, trắng hồng. Giọng ông trong trẻo vang lộng và trẻ trung như của một người khác vậy.
- Này! ở đây có cậu nào đã từng chơi tổ tôm chưa nhỉ? Chưa hả? Thế thì phải tập chơi đi thôi! Tập chơi đi!
Ông nói dồn dập, đột ngột và cũng đột ngột ông tiến vào buồng làm việc của chúng tôi. Đang kéo ghế ngồi xung quanh bàn trà, chúng tôi cùng quay cả lại. Ngạc nhiên vì sự xuất hiện của ông một phần, lại càng kinh ngạc hơn vì bỗng dưng ông lại mở đầu câu chuyện về thú chơi tổ tôm.
- Mời anh ngồi ạ.
- Thôi, khỏi! Mình nói một tý rồi còn phải làm việc - Xua tay, nuốt nước bọt, ông Văn Chửng nhướng hai con mắt lớn, không hề biết đến sự kinh ngạc của chúng tôi, chành cái miệng rộng, tiếp - Trước hết, quan trọng nhất là phải hiểu: Chơi tổ tôm, đó không phải là đánh bạc. Đó là thú chơi tao nhã, thanh lịch và...
- Có phải xưa các cụ vẫn gọi đó là đánh chắn không ạ?
- Không phải! Chắn cạ là tổ tôm đàn bà. Tổ tôm chính ra là thế này. Cỗ bài nó có 120 quân, được chia thành 6 phần. Năm phần năm người cầm, một phần để bốc nọc. Cần nhắc lại ngay rằng, đây không phải là phạm trù cờ bạc. Đây là thú chơi cao cấp, lịch sự và thanh tao nên hạng thứ dân chỉ có thể ngồi chầu rìa. Và vì nó là cao cấp, sang trọng nên không có dính dáng gì đến tiền nong. Cao cấp vì nó có nhiều nước, nước ăn nước bốc, loại nào cũng lắm nước cao. Bởi vậy, có anh đánh đến bạc đầu còn chưa biết hết các nước cơ mà. Ui chà, được cái ù chi nảy, tức là ù to nhất, nghĩa là chờ mỗi con chi, nhưng lại không phải mình mà lại phải là người khác bốc cơ, thế nên mới phải vỗ đùi cười ha há, sướng như lên tiên. Nghĩa là mê hơn mê gái. Mê đến mức đánh từ chập tối đến năm giờ sáng mà không biết mệt là gì sất cả, các cậu ạ.
- Thích nhỉ.
- ấy thế! Nhưng tôi xin nhắc lại rằng: đó không phải là cờ bạc. Cho nên gom nó thành một cụm từ tổ tôm - sóc đĩa là sai. Tổ tôm là thú chơi dân tộc, cao sang. Anh em cứ để ý mà xem, anh nào chơi tổ tôm, phong thái nó tao nhã, tinh tế, ý nhị khác hẳn người thường.
Lạ chưa! Chưa từng bao giờ chúng tôi được nghe ông Văn Chửng nói chuyện một cách cởi mở như thế, mà lại nói về tổ tôm với vẻ say sưa hăng hái như thế. Ông nhiệt liệt ca ngợi thú chơi tổ tôm. Ông nói, tổ tôm thuộc về dân tộc. Tổ tôm đã được xã hội hóa cao độ. Từ tổ tôm, chữ nghĩa nhảy ra ngoài đời vô khối rồi đấy. Ví dụ: chầu rìa, gàn bát sách, phỗng tay trên... Chà, chà! Nghe ông nói, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng mỗi một con người gần gũi với ta đây là cả một vùng bí ẩn hàm chứa bao điều chưa khám phá ra. Mới ngẫm ra rằng, chẳng bao giờ ta có thể giải tỏ được toàn bộ ẩn mật của chính ta và những người xung quanh ta.
- Tôi nhắc lại, lần cuối - Ông Văn Chửng nhấn mạnh trước khi quay ra cửa buồng chúng tôi - Tổ tôm không phải là món cờ bạc, một trong tứ đổ tường đâu. Nó là một thú chơi giải trí có tầm vóc văn hóa dân tộc. Và tôi nói điều này, anh em kiểm chứng hộ xem có đúng không nhé: Con người hơn con vật ở cái chỗ là nó biết thưởng thức cái thú vui tao nhã đó.
Kết luận một câu chắc nịch kèm một tiếng cười cụt ngủn, và giơ tay chào mọi người, ông Văn Chửng hấp tấp trở về buồng mình. Cũng đã đến giờ làm việc buổi sáng. Cũng là lúc, ở cầu thang có tiếng dép cô Bình.
* * *
Cô Bình xộc ngay vào buồng chúng tôi. Mặt hăm đỏ, mắt lóng lánh, môi mim mím, cô như đang nén cơn uất nghẹn.
- Các cậu có báo hôm nay không?
- Chị tìm báo gì?
- Báo An ninh thành phố chứ còn báo gì! Báo họ đăng tin bắt được một vụ đánh bạc, con bạc toàn là cán bộ nhân viên nhà nước ở phường Ngọc Linh.
- Cơ quan không đặt mua báo An ninh thành phố, chị ạ.
Cô Bình bỏ ra cửa. Liền đó chúng tôi nghe thấy cánh cửa buồng ông Văn Chửng cạch mở, rồi sập đánh rầm, và từ trong khe cửa lọt ra tiếng rít chói tai của cô Bình:
- Trời ơi! Ngu đâu có ngu đến thế, hở? Lại đi toe toe khoe với thiên hạ. Bị muỗi đốt ba đêm có sướng không? Giờ thì chó nó cắt Q cho. Thật là kiếm củi ba năm thiêu một giờ nhá! Thế có khổ thân tôi không!
Cô Bình khóc. Cao điểm của trạng thái tinh thần là tiếng khóc. Tiếng khóc của cô Bình ai oán và đau đớn lắm. Nghe cô khóc mới nhận ra rằng, chỉ có những người ruột thịt, những người đã trao xương gửi thịt cho nhau, là vợ là chồng của nhau mới khóc như thế! Tiếng khóc của cô Bình giải tỏa nỗi niềm sâu kín của cô! Tiếng khóc của cô Bình, may thay, đã giúp chúng tôi giải mã toàn bộ bí mật của mối quan hệ giữa cô với thủ trưởng của chúng tôi. Thì ra, cô Bình trước đây đã từng là vợ có hôn thú của ông Văn Chửng. Ông Văn Chửng lấy cô Bình khi ông là giáo viên giảng dạy tiếng Anh ở một trường trung học, còn cô là nhân viên cửa hàng lương thực. Chiến tranh, ông Văn Chửng nhập ngũ, làm sĩ quan phiên dịch trong một trung đoàn tên lửa có chuyên gia Nga. Cùng đơn vị, ông vào chiến đấu ở chiến trường Vĩnh Linh. Ông đã hy sinh tại miền đất đỏ bazan này. Giấy báo tử báo vậy khi đơn vị ông chuyển quân sâu vào chiến trường phía nam. Cô Bình để tang chồng ba năm rồi mới lấy anh thợ cắt tóc thương binh hỏng một bên mắt.
Chuyện này do chính anh thương binh treo gương đặt ghế mở cửa hàng cắt tóc ở trước cửa cơ quan chúng tôi kể. Anh chép miệng khi đọc báo và được biết, ông Văn Chửng của chúng tôi bị Công an gọi là con bạc, bị bắt quả tang trên chiếu tổ tôm và bị phạt hành chính hai triệu đồng:
- Khổ! Con bạc gì! Anh ấy hiền lắm. Đã nhiều lần, tôi bảo anh ấy, hay là anh trở về sống với cô Bình đi, nhưng anh ấy không nghe. Anh ấy là con người cao thượng. Đây chẳng qua là chơi để giải buồn thôi, tội cho anh ấy quá. Tội cho anh ấy quá.
Ôi, cái cuộc đời còn biết bao nẻo đường ngoắt ngoéo, có lắm chuyện cười dở, mếu dở, ít ai ngờ tới này!./.
Chú thích
(*) Một cách nói hài hước, tức chính thức làm Chủ nhiệm, không còn là Quyền chủ nhiệm.