Ngày như dài ra. Thời gian giãn rộng để chứa được nhiều công việc. Hay sắc lúa vàng trên nương toả ra một nguồn sáng ngất ngây phản quang lên bầu trời rộng bao la làm say lòng người?
Seo Cả sục liềm vào trong khóm lúa. Lúa chạm nhau, hạt nặng như hạt vàng. Vào công việc, chị trở lại với niềm vui. Vả chăng, chị cũng thấy lòng yên tĩnh dần. Lử mất hút và đã có lúc nó chẳng còn là hình ảnh ma quái ám ảnh chị nữa. Đêm, chị yên giấc. Ngày, chị tất bật với công việc. Giờ đây lại là ngày mùa. Đã tưởng gieo cay gặt đắng. Ngày chị đi gieo hạt mảnh nương này, Lử đang nổi loạn, kéo quân đi đánh Pa Kha. Lúc ấy chị mới thành vợ Lử. Chị gieo hạt mà nước mắt rơi còn nhiều hơn hạt. Có ngờ đâu buổi gặt lại đẹp trời và lòng dạ yên ả thế này.
Cảnh và đời đều đẹp cả.
Lúa vàng. Cây chua chát mặc quần áo mới. Gà rừng te te gáy, thanh trong, mỡ màng. Lão bìm bịp đệm nhịp trầm trầm cho sơn ca líu tíu, đàn sáo huyên náo giọng thanh cao và cô gõ kiến nghịch ngợm gõ nhạc mõ đều đều.
Trong nhộn nhịp buổi ngả chiều, kì lạ thay, tựa như từ trời cao thả xuống một tiếng sáo êm đềm. Ôi, tiếng sáo Hmông buông lúc chiều đang xuống. Sau bao nhiêu đắng cay, tủi cực, cứ tưởng không còn bao giờ lại được nghe, lại biết nghe tiếng sáo đằm thắm quen thân ấy nữa.
Pừ lê lê, pừ từ từ…
Pừ pừ pừ… Pừ lế lế…
Sáo ai vậy? Chẳng của ai cả. Sáo của trời đất, của lòng mình, của linh hồn Hmông vĩnh cửu từ thuở khai thiên.
Mãi tới lúc ngừng tay gặt nghỉ, Seo Cả mới nhận ra tiếng sáo ấy cất lên ở ngay dưới chân nương lúa nơi chị đang gặt và người thổi sáo lại chính là anh bộ đội Quang Ngọc quen thuộc với bản làng.
Trên nương lúa vàng cao bát ngát
Vọng xa tiếng suối reo, nghe rì rào
Bên khóm cây có từng đàn chim hót mừng
Lúa chín vàng Đồi nương cao
Có đoàn cô gái áo chàm
Nhanh tay gặt bông lúa thơm
(Bài hát của Nhạc sĩ Ngọc Quang - Lao Cai)
Đó là tiếng sáo của Quang Ngọc.
Say mê âm nhạc cổ truyền Hmông, Ngọc đã xin ở lại Can Chư Sủ. Âm nhạc, tốc ký của tình cảm, phải được tiếp thu ở ngay tại nơi sinh ra nó. Ở lại Can Chư Sủ, Ngọc làm anh cán bộ dân vận, tuyên truyền. Có cái tai thẩm âm, có giọng hát dẻo, Ngọc tập nói tiếng Hmông nhanh đến nỗi chỉ mấy tháng trời đã có thể nói chuyện tâm tình với dân bản ỏ đây như một người Hmông thật sự. Anh làm quen với nền âm nhạc của dân tộc này, học nhập tâm từ bài Khua kê, thiên thần thoại, trang tự sự lớn trình bày nguồn gốc lịch sử của dân tộc Hmông đến những điệu hát ru, khúc hát mồ côi, bài hát tình yêu, bản nhạc gậy tiền, tiếng nẩy của cái đàn môi, những câu đố, thành ngữ, tục ngữ thông minh, vui nhộn, được chọn lọc qua thời gian, dưới sự chở che của bầu trời thị tộc, còn đang sống trong ký ức của mọi người.
Vượt qua cái thời kỳ mô phỏng dân ca, sáng tác những bản nhạc phục vụ kịp thời như bản "Toàn dân tiễu phỉ", Ngọc đã phát hiện ra một ngành rộng lớn của dân ca và anh bị khuynh hướng đó, khuynh hướng trữ tình lôi cuốn, không sao cưỡng lại được.
Môi Ngọc bật mở. Mắt Ngọc đăm đăm. Tim Ngọc thổn thức. Tiếng sáo Ngọc ngân nga.
Seo Cả dừng tay gặt. Chị bỏ khăn, lau mồ hôi mặt. Tràn vào lòng chị một cảm giác thảnh thơi, thư thái. Trong giây lát, chị thấy mình trở lại với cuộc đời thuần hậu, ấp iu, dịu dàng. Trong giây lát, chị cảm thấy mình trong sạch như cánh hoa thơm và lòng yêu đời lan toả khiến chị lặng đi trong ngẩn ngơ.
Chị mải mê nghe sáo, nghe lòng mình biến động, không hay biết có một con thú mang mùi hôi và mưu mô độc ác đã đến trong bụi cây gần chị.
- Cả! Mày không nghe tao gọi à?
- Cả! Con chó cái khốn nạn! Mày bỏ đói bỏ khát tao! Mày không cho tao ngủ với mày! Mày dám quên tao à!
- Cả! Mày mải vui gì thế, con khốn khiếp! à mày nghe sáo của thằng bộ đội, hả!
Con thú rung bụi cây, Seo Cả ngoảnh lại, chị buông rơi cái liềm, hụt hơi: "Lử! Trời! Lử" Ma quỷ hiện hình giữa ban ngày! Chị để rơi cái khăn, lao xuống dốc nương, người lạnh ớn và cất tiếng gào thất thanh:
- Bà con ơi! Lử! Lử!…
Nương đồi rộng, không ai nghe tiếng chị. Mọi người cũng đang mải mê nghe khúc sáo chiều.
Lúc ấy tiếng sáo bỗng tắt phụt. Có tiếng đạn nổ sượt qua bên tai và Seo Cả bật thét kinh hoàng:
- Trời ơi! Bộ đội Quang Ngọc!
Ngọc nằm úp mặt dưới đất nương, lưng thẫm loang một khoang máu. Cái liềm ở cạnh sườn. Cây sáo nằm dưới đất.
- Thằng Lử! Thằng Lử giết anh Quang Ngọc rồi!
Mọi người chạy đến. Cũng là lúc Đắc cùng chiến sĩ Tếnh và gã thiếu niên Phừ đi tới. Đắc đến chậm quá. Chính vừa gọi điện vào, bảo anh thu xếp cho Ngọc trở ra tỉnh để đi học ở Nhạc viện Trai-cốp-xki Liên Xô.