Chân như bằng đá, Pao bước những bước nặng nhọc. Làng vắng vẻ. Viền quanh những căn nhà, hoa păng xúa nở trắng, khô xác. Vào hè, cây đào xù lá, rung trong gió từ bãi đá thốc về. Nhà nhà gài thanh gỗ chéo trước cửa. Gà từng đàn lủi thủi, thấy Pao, rúc vội vào các bụi dong riềng xơ xác. Phía bên kia núi, súng vẫn tằng tằng vọng về. Đơn vị Na vẫn đang truy lùng bọn tàn quân của Lử.
Rẽ vào một ngõ nhỏ, Pao nhận ra có ba bốn bóng người vừa từ nhà Giàng ly trang đi ra. Miệng ai cũng ngậm một cái tăm. Thấy Pao, những người này cúi đầu không nhìn, không nói, né vào một bên đường.
Pao cũng gằm mặt, xếch khẩu poọc-hoọc, lầm lì bước:
- Úi, chào Giàng chủ tịch, Giàng chủ tịch đã về!
Pao ngẩng lên. Lão Sếnh! Lại vẫn cái mặt choăn choắt, hai con mắt đưa đẩy ranh khôn. Lão đi đôi giày vải nhầm chân nọ sang chân kia, thấy Pao không đáp, lão liền cúi đầu kính cẩn:
- Người già chào anh chủ tịch Pao ạ. Cú cáo cao chạy xa bay rồi. Chim câu hiền lành ta lại vui vầy với nhau, chủ tịch à!
Khốn nạn! Cái con thò lò này! Mày già quá hoá trẻ con hay mày là con dao hai lưỡi? Ý nghĩ cay độc chợt rực lên. Đột nhiên Pao chộp vai lão già. Pao tưởng có thể bóp nát lão ra ngay lập tức. Nhưng Pao bỗng buột tay, thở dài.
Lão Sếnh há cái mồm hốc hác không có răng cửa, cười nịnh:
- Chủ tịch à! Cái nước ma nước quỷ nó làm u mê người ta. Vua ma vua quỷ nó đạp tôi, dấu vết còn ở đít đây này. Húi, đừng để bụng nhé. Nó bắt tôi phải đi cướp mà. Tôi nộp lại chính phủ cả vải, cả giày, cả thóc ngay đây.
Sao nghe lão nói Pao thấy buồn quá. Bỏ lão, không nói một câu, Pao đi.
Pao đi qua trụ sở, đi qua các nhà trong xóm. Cuối cùng, chân Pao bước đến cổng nhà mình thì dừng lại, ngập ngừng.
Thằng Pùa, đang đẩy cối chè ở sân, buông cái cần cối, chạy ra. Đầu kia là con bé Dín, con gái ông già tam thất, nhem nhuốc, tóc xoã rối, đứng ngơ ngác.
- Anh Pao! Anh Pao!
Pao ôm chầm em trai, khoé mắt tự dựng ươn ướt:
- Em biết anh không chết! Em đi tìm anh mãi. Anh A Sinh về làng trước anh, vừa đến nhà hỏi anh.
- Anh bận an táng mấy anh bộ đội hy sinh.
- Anh vào nhà đi - Thằng Pùa kéo tay Pao - Dì đi nương. Cha đang sao chè. Anh Pao ơi, Giàng ly trang bóp chết con hoạ mi của ta rồi.
Cái sân lầy lỗ chỗ dấu chân lợn, chân ngựa, vết giày đinh. Rìa sân, rêu xanh đặc như đã qua mấy mùa mưa. Pao cúi xuống xếp mấy hòn đá làm lối đi. Ngẩng lên, thấy cái lồng chim hoạ mi lắc lư phía trên cái quan tài thâm đen và qua khe cửa thấy cha ngồi cạnh cái bếp khách, lặng câm một bóng.
Thốt nhiên, một linh cảm lướt qua, Pao quay lại, né một bên, nhường lối. Chầm chậm đi qua cạnh Pao bóng một phụ nữ vai lằn vệt ống nước nặng. Nước từ miệng ống võng vãnh rơi xuống đất.
Mặt Pao bỗng tối xầm.
Tới cái chuồng lợn, đặt chân ống nước xuống đất, phải gắng lắm người phụ nữ mới dựng được đầu ống nước vào gióng chuồng. Chị đứng thở, đưa tay quệt trán. Bụng chị lùm lùm. Khó nhọc, chị xoay người lại, vừa nhìn thấy Pao, liền vịn tay vào ống nước, mặt tối xầm.
Người phụ nữ ấy là Seo Cả.
Thảng thốt gọi thằng Pùa, Pao quay ra cổng, tiếng run trong gió:
- Em Pùa, anh ra trụ sở uỷ ban đây!
***
A Sinh đặt tờ giấy lên bàn, nhìn Pao:
- Tôi về hôm kia, quét dọn lại trụ sở. Người làng đem đến nộp lại hơn một tấn thóc, năm chục mét vải, gần một trăm đôi giày…
Pao thở dài. A Sinh tiếp:
- Giờ, anh Pao nghe tôi đọc tên những tên lẩn trốn theo Lử, xem còn sót ai không. Châu bảo lập danh sách họ mà.
Pao chống khuỷu tay trên bàn, nhìn qua cửa sổ. Cửa sổ ám khói đen thui. Cái bàn đầy vệt dao băm, hôi hôi mùi thịt bò.
- Giàng A Chú hai mươi mốt tuổi, Giàng Seo Trò ba mươi tuổi, Giàng Seo Toả ba mươi hai tuổi, Lý Seo Số hai mươi chín tuổi, Giàng A Tính mười tám tuổi, Cư A Chùa mười sáu tuổi, Giàng A Sùng hai mươi tuổi, Giàng Seo Lùng mười tám tuổi, Vàng A Chảo hai mươi hai tuổi.
- Hết cả trai làng rồi!
- Giàng A Lử ba mươi tuổi. Giàng Seo Vàng mười bảy tuổi. Lý Seo Lù hai mươi bốn tuổi, Giàng Seo Giống ba mươi hai tuổi.
- Giàng Seo Giống ở Phéc Bủng?
- Vâng, Giống con bà cô họ Giàng ấy.
Pao đấm tay lên mặt bàn:
- Hỏng hết con trai, đàn ông Hmông rồi!
A Sinh chép miệng:
- Hơn ba chục người theo Lử trốn trên rừng, còn nguyên súng đạn, anh Pao à. Giờ, Châu bảo phải tìm cách gọi họ về. Người về, súng đạn yêu cầu phải về theo.
Pao chớp chớp mắt:
- A Sinh à, hôm qua về làng, người đầu tiên tôi gặp là lão Sếnh. Tôi không ưa lão này. Nhưng lão nói có cái đúng. Cái nước ma nước quỷ… Hừ. Nước ma nước quỷ mà lập được thì người biến thành ma thành quỷ hết.
A Sinh lắc đầu:
- Tôi không tin bụng lão Sếnh. Nghe anh mà tôi bỏ qua tội lão thôi. Chứ, giờ tôi khôn rồi.
- Học khôn cả đời, Sinh ạ.
- Đúng thế - Còn khó khăn quá. Hôm về làng tôi thấy mấy người ở nhà lão Giàng Súng đi ra. Tôi cứ nghĩ không khéo rồi lại hớ, lại dại.
- Hớ sao được! Dại sao được!
- Lần này mà còn hớ, còn dại thì…
Mặt Pao nặng trịch. Pao nghẹn lời, không nói được.
Ngoài cửa sổ ló vào khuôn mặt thằng Pùa. Nó ở trại thuốc về. Ngó vào cửa sổ, nó ném vào cho Pao và A Sinh mấy quả chua chát, rồi lại tót đi.
- Thằng Pùa ra đây ở được không? - Đột ngột, Pao quay lại hỏi A Sinh.
- Được chứ.
- Tôi lo nhất cho nó. Nó phải nên người. Nó không thể thành ma thành quỷ. Tôi không muốn về nhà nữa. Nhà tôi là cái nhà ma rồi.
Sinh như lơ đãng:
- Anh đoán xem Lử nó trốn ở đâu?
- Không biết - Pao quay ra cửa sổ bỗng nhiên như nổi cơn uất - Khốn nạn thật. Lần này phải là cái cọc lim cắm xuống đây.
Nhưng Pao đã lập tức ngoắt vào, mặt chợt nhợt đi, nhạt như tờ giấy bản. Vừa thoáng qua cửa sổ bóng một phụ nữ.
- A Sinh đọc tiếp đi! - Pao lập bập.
- Hết rồi.
- Đọc lại! Đọc lại!
- Giàng A Chú hai mươi mốt tuổi, Giàng Seo Trô ba mươi tuổi…
Những tên tuổi lộn xộn trong óc Pao, nhưng óc Pao rỗng không như hang đá. Chỉ còn bóng người phụ nữ vác nước, dáng đi ộ ệ, gắng gượng mãi mới dựng được cái ống nước chiều ấy.
- Trời ơi!
Thình lình Pao đập mạnh tay xuống bàn.
- Gì thế, anh Pao?
- Ta phải cầm búa đập nát cánh cửa nhà ma nhà quỷ!
Hai con mắt đỏ như ứa máu, Pao từ từ gục mặt xuống bàn.
Cho đến lúc nghe thấy tiếng thằng Pùa ở ngoài cửa, Pao mới ngẩng dậy. A Sinh ngồi, mặt lần mần đỏ lên như đơn. Pao đi ra ngoài. Pùa vác một bó củi vầu khô ném bịch xuống đất, chạy vào nhà, leo lên cái gác để ngô, thóc.
Pao quay vào, người vẫn còn ngây ngấy.
- Còn việc gì nữa, A Sinh?
- Châu bảo, phải họp dân để ổn định.
- Còn gì nữa?
- Có cái giấy mời.
- Mời gì?
- Châu mời hố pẩu và lão Giàng Súng đi ăn cơm đoàn kết.
- Đoàn kết với lão Giàng Súng?
- Vâng, cái giấy mời nói vậy!
- Nghĩa là thế nào?
Pao cầm tờ giấy mời, ghé cạnh cửa sổ, đọc:
"Kính gửi ông Giàng Lầu và ông Giàng Súng,
Nhằm mục đích thắt chặt mối đoàn kết giữa các dân tộc và chính quyền châu, ban cán sự châu có tổ chức một bữa cơm liên hoan đoàn kết mừng thắng lợi của cuộc tiễu phỉ vừa qua.
Vậy kính mời hai ông, đại diện cho nhân dân Can Chư Sủ đến dự, tại trụ sở châu, thị trấn Pa Kha, hồi 4 giờ chiều ngày…
Nay trân trọng.
Trưởng ban cán sự châu Nguyễn Đắc (ký)
Pao cắn môi dưới, băn khoăn, rồi gọi Pùa:
- Pùa, xuống đây em. Giờ, em là liên lạc của uỷ ban nhé. Em đưa cái giấy này cho ông Giàng Súng đọc rồi đưa về cho cha. Đi ngay đi!
Pùa miết hai bàn tay vào vạt áo, trân trọng đón tờ giấy từ tay Pao.