Người đứng chật ních hàng hiên. Góc sân, cạnh chuồng lợn có cái đầu con trâu mới cắt, nghềnh ngàng hai cánh sừng, mắt còn mở ngầu ngầu dữ tợn. Bà cụ Xoá - bà nội Pao - Lử - Pùa - mất giờ thìn, ngày con Cừu, đã ba năm, dạo Pao còn ở nhà. Khi bà cụ mất, lễ nghi thủ tục đã làm đủ. Nhưng, tuần trăng trước, hố pẩu nằm mộng thấy bà cụ hiện về, sực tỉnh thức giấc, mồ hôi vã đầy người. Đời người đàn ông Hmông có hai cái lo lớn: lo cưới vợ cho con, lo làm ma trâu báo hiếu bố mẹ. Mấy năm loạn ly, ma trâu chưa lo được, giờ bà cụ đã đòi. Con trâu! Con trâu là cái mũ che nắng mặt trời cho bà cụ đi đường, là kẻ dẫn đường đưa hồn bà về với tổ tiên, lúc bà cụ nằm xuống chưa lo được, giờ chẳng thể nấn ná nữa.
Lễ cúng ma khô làm to vì cũng là dịp cúng sơn thần, thổ địa. Đèn thắp bằng mỡ lợn sáng trưng gian giữa. Trước bàn thờ nghi ngút khói hương là cái ghế buộc thanh tre khoác cái áo cũ của bà cụ. Mặt ghế đặt mâm cúng, có con gà luộc, bát cơm và chén rượu. Lễ cúng cũng là buổi tụ hội của cả làng. Thật ra thì cây to cây chia cành, người đông người chia nhà thôi, chứ phần lớn dân làng đều là người họ Giàng. Cùng họ, cùng ma. Cùng đạo lý, phong tục. Dòng họ, dù có khác biệt người này người kia về sự phong lưu, về số của cải, vẫn là sợi dây vô hình bền chặt giằng níu mọi người.
Ngồi trước mâm cúng, mặt hố pẩu lầm lì, thành kính và không giấu được nỗi buồn tủi. Tóc đã ngả màu gio. Chòm râu bạc theo tóc, khô xác. Nếp nhăn hai bên mép kéo cái cằm trễ xuống. Khổ thế! Ngày cúng lớn mà cũng chỉ bộ quần áo cũ hơn người. Làm ma trâu cúng mẹ là phải lý. Nhưng gặp lúc túng quá. Hai trăm đồng bạc trắng một con trâu. Lại phải vay mượn. Vay mượn thì được nhưng lấy gì mà trả? Nhà có hai con trai lớn là Pao và Lử thì hai đứa hai ngả, chẳng giúp được gì. Thằng Pùa còn nhỏ. Lại thêm việc tục huyền hồi đầu năm kia. Đời người già không có bạn buồn quá. Dòng họ vun đắp. Vậy là lấy bà vợ kế về, rồi hai năm qua, hai đứa trẻ ra đời, ốm đau quặt quẹo luôn. Thôi thì nhân dịp làm ma khô cho mẹ thì cúng chín ông sơn tinh giữ cõi, chín ông thổ thần giữ đất luôn thể, để các ngài phù hộ cho cả nhà, cả dòng họ.
Ngồi cạnh hố pẩu, là thầy cúng A Đa béo nục, đầu múp, hai má chảy xệ, cằm đùn hai lớp, ria mép xoắn nhọn chĩa hai bên mép đen sì. Lúc này lão ngồi trên một tấm ghế băng phủ khăn đỏ đặt trước bàn thờ. Cái ghế là con ngựa thần đi chu du tìm linh hồn lưu lạc. Đùi quặp chặt vào bụng ngựa, chân nhún trên đất, thân trên lắc lư theo nhịp ngựa phi, tay giơ cao rung chùm nhạc, miệng lão eo éo:
Ngựa mạnh ngựa khoẻ
Tiến lên nào!
Chạy nhanh lên.
Chạy nhanh đến không có dấu chân.
Ngựa khổng lồ.
Hãy dẫn quân lính ta đi.
Đi xa nữa đi.
Theo nhịp bài hát cúng, chốc chốc lão lại phắt một cái, nhảy lên ghế đứng, rồi lại phịch một cái, phệt xuống ghế ngồi, môi mím bật “brừ… brừ” như tiếng ngựa thở.
Ấy là lúc hồn lão rời khỏi thể xác, đi theo cái trục xuyên qua ba thế gian: Thiên đường, Địa ngục, Mặt đất để tìm ma, tìm hồn.
Thầy cúng A Đa là thầy cúng cao tay, có nhiều phép thuật. Lớp cúng nào thầy cũng bắt được hồn, cũng trừ được ma. Thôi thì đủ các loại ma. Ma cây, ma bụi rậm sai khiến hổ bắt lợn, bắt người. Ma ngọn suối phá hại sự sinh đẻ, làm sản phụ chết. Ma trong núi làm người gãy chân và sốt mê man. Ma ác nào thì cũng phải thua thầy.
Năm ngoái, hố pẩu lên càng cua, cũng đã mời thầy A Đa cúng. Cúng ba ngày, mất một lợn, một dê mới bắt được hồn ma. Hồn ma là những con sâu đen đào thấy ở cái rãnh cạnh nhà. Đầu năm thằng Pùa ốm, thầy khấn xong, đặt hai con gà, một con trắng, một con đỏ lên hai vai nó, rồi hát véo von như dụ dỗ: "Đến nhanh! Đến nhanh! Mọi thứ đã sắp sẵn cho mày! Trông xem những con gà đẹp này!" Quả nhiên, thoáng cái con ma hang đá mắc lừa đã dẫn thân đến cho thầy bắt.
Pao đứng ở hiên từ lúc nãy. Theo dõi buổi lễ, đến đây Pao bỗng thấy căn nhà chợt a lên một tiếng reo mừng rỡ. Thầy A Đa vừa từ lưng con ngựa thần đứng xuống đất. Một người đàn ông bưng chậu nước đi vào bếp, đổ ập vào miệng cái bếp lò. Trong khói bếp mịt mù, một dòng người từ gian nhà trong bưng bê mâm, bát, chai, hũ đi ra. Nét mặt ai nấy đều hỉ hả khác thường. Các ma ác thế là đã phải bỏ chạy cả rồi.
* * *
Cỗ đã dọn. Ba mươi bát xếp thành hai hàng trên tấm ván kê trước bàn thờ. Ba mươi bát, bát nào cũng giống bát nào: trong bát có đủ miếng thủ, miếng lòng, miếng gan, miếng thăn. Và các mâm gỗ cũng đã ngả ra, xếp thành hàng lối, ngay ngắn. Thằng Pùa từ trong nhà lách ra, kéo tay Pao: "Anh Pao, vào đi!”. Người trong nhà đang toá ra, Pao né vào cạnh cái quan tài ở hiên.
- Dà, cháu Pao! Mẹ cháu đẻ cháu dưới chòm cỏ ngải nên cháu xa làng lâu quá.
Có tiếng ai đó nói. Pao quay lại. Cha Pao vừa ló ở khung cửa.
- Cha! Cha! - Pao lắp bắp.
- Pao! Con… con đấy à, Pao?
- Cha! Pao kêu to một tiếng rồi đứng lặng. Ba năm là bao nhiêu ngày tháng nhớ, âu lo. Ba năm mà cha đã già xọp. Mặt hóp lại, chân tay cha khô khẳng, chẳng còn khí sắc, chẳng còn tuyết người như hồi xưa. Nước mắt trĩu nặng vành mi Pao. Cúi đầu, cố nén xúc động, hố pẩu quay ra sân, giọng nghẹn đắng:
- Mời các ông các bà, mời các cháu vào nhà đi! Pao nó về rồi đây này. Nào, nào…
* * *
Lão Sếnh tuần chay nào cũng có nước mắt, cỗ bàn nhà nào cũng có mặt. Lão bỏ đám hội họp ở nhà Giàng ly trang sang đây, giờ đập đập chân phủi bụi, co cẳng ngồi lên ghế ở sát ngay bàn thờ. Cái mặt đầy tàn nhang, tươi hớn:
- Nào, mời các cụ - Lão Sếnh nhấc chén - Ta uống rượu mừng, rượu hội ngộ, rượu vui vì cháu Pao trở về. Cháu Pao à, khà… rượu này làm người chết tỉnh dậy đây. Cháu về, lòng lão có con chim hót đấy. Cây có nấm, ở trên rừng cũng có nấm, ngâm dưới ao cũng có nấm. Cháu Pao à, người Hmông ta đã có na nủ Châu Quán Lồ, giờ lại có cháu làm quan to bên Việt Minh. Hế! Cháu đã thấy mặt na nủ Lồ chưa? Húi, ngài khác người thường. Hai mắt dồn một nên mắt ngài như sao. Ngài bắt được con hổ vằn. Này cháu, tướng mạo cháu cũng khá đấy. Mắt cháu tinh anh hơn mắt người. Tai cháu to hơn tai người.
Mâm cỗ trên bàn cao có năm người: Pao, A Sinh, lão Sếnh, thầy cúng A Đa và một người đã có tuổi, da đỏ đắn, dân làng vẫn gọi là ông già tam thất vì ông có một cái trại trồng cây thuốc quý đó ở đầu làng. Ông già tam thất và lão A Đa, Pao chưa quen. Mâm cơm hơi tẻ. Chỉ có lão Sếnh nói. Hết chuyện về na nủ Lồ, lại chuyện hổ, chuyện trâu, chuyện gái. Cái miệng có cái răng cửa gãy của lão chẳng để yên lúc nào.
- Ông quản ma này, tôi nằm mộng gặp một con trâu. Con trâu bảo tôi: Mình ơi, tôi phải làm trâu năm năm nữa. Thế là thế nào?
- Bà nhà ông đấy! - Thầy cúng A Đa đáp.
- A, thế cái răng tôi tự dưng gãy khục một cái là làm sao?
A Sinh đặt kịch chén rượu:
- Ông ghẹo cô Seo Say bị nó đuổi ngã chứ sao!
- Láo!
- Hì hì…
- Húi, con Seo Say mê tao thì có ấy! Làng này, không đứa nào bằng nó - Lão Sễnh cười tít mắt - Con Váy vợ ông tư được cái trắng và hai tảng mông to. Nhưng con gái Hmông không đứa nào có cái ngực to đẹp như con Say. Mà ông quản ma này. Nó, cái con Say ấy, nó đẹp thế mà anh đàn ông nào cũng chê… - Ghé tai thầy cúng rồi bật ngửa cổ, lão Sễnh cười khành khạch - Tốt mái hại sống á! Nhưng giờ nó mê na nủ rồi. Nó đang hỏi tôi đường đi Pha Linh. Này, hay ta cho gà trống Pao họ Giàng ta đến. Hả, cháu Pao. Có dám chơi không?
Mặt Pao im phắc. Tất cả đều xa lạ, như từ ký ức của Pao sống lại. Căn nhà cũng lạ. Cạnh Pao là cái cột chính, trên cột treo hàm xương lợn. cột này thờ ma lợn, cái cột cũng lạ.
Hình như Pao lạc đến đây. Cái cảm giác ấy ám ảnh Pao cho tới khi hố pẩu trong vai gia chủ đã mời khách vào các mâm và quay lại ngồi cạnh Pao.
- Mừng quá! Mời các bác, anh A Sinh…
Sau buổi cúng, bao âu lo rầu rĩ đã tiêu tan, con người thảnh thơi, nhẹ nhõm, lại thêm Pao trở về, có mừng nào mừng hơn, có vui nào vui hơn. Quay sang Pao, hố pẩu dịu dàng:
- Ăn đi, con. Nào, cạn chén, các bác, anh Sinh. Nhờ ông bà, tổ tiên chở che, không còn giặc giã, đường đi không dây quấn, dây quàng…
Pao rưng tưng. Nhấc đũa, Pao chọn một miếng gan gắp đặt vào bát cha. Thầy cúng A Đa ngẩng lên, hai con mắt nhỏ, dài, sắc hiểm chạm mắt Pao, lảng ra.
- Anh Pao xa quê núi lâu rồi chắc không nhớ - Thầy cúng A Đa liếm mép - Xưa, có hai người là Giàng Sì và Xì Gì, người Hmông ta, tài giỏi lắm. Hai người đi đây đi đó. Một hôm họ tới bờ biển nọ, thấy một con hạc làm tổ đẻ trứng. Họ liền rình lức hạc đi vắng, mới lấy trứng hạc, đục lỗ, hút hết lòng đỏ, lòng trắng, rồi lại đặt vào tổ hạc. Hạc không biết, cứ ấp. Ấp mãi không thấy trứng nở liền bay đi lấy lá chát về dịt kín lỗ hổng. Bốn mươi ngày sau, trứng nở ra hạc con.
- Ui! Giỏi thế! - Lão Sếnh kêu.
- Giàng Sì và Xì Gì mới rình lấy thứ lá đó đem chữa cho con giun, con kiến chết, các con này sống lại hết. Hai người trở về quê. Ở nhà, vợ con họ đã chết cả. Hai người bèn lấy lá thuốc chữa cho vợ con. Nhưng vì lâu rồi nên xương của vợ con họ đã tàn, thuốc không còn hiệu nghiệm nữa. Hai người buồn quá. Họ liền ném lá thuốc vào hang và bảo dân làng: Chúng tôi chết đây. Sau khi chết ba ngày chúng tôi sẽ hiện lên thành cô gái dạy các người cách cúng bái, chữa bệnh.
- Đấy là cái gốc của cúng bái - Thầy cúng lia mắt về Pao, đầy ác ý - Cái lý người Hmông cũng vậy. Đừng có bỏ!
Pao nhột người như chạm vào sâu róm. Đó là cái phản ứng xấu đầu tiên Pao nhận được. Hố pẩu không để ý tới việc đó, lại nhấc chén vui vẻ.
- Nào mời bác - Hố pẩu nhìn ông già tam thất - Cháu Dín đâu, sao không thấy nó sang, bác? Thằng Pùa nhà tôi nó hay lên trại chơi, bác phải nghiêm với nó bác nhé. Đừng cho nó vào vườn nghịch.
- Dà, cái vườn tam thất thì chả ai vào được đâu - Ông già tam thất cười - Mà cháu Pùa nó ngoan. Nó còn giúp tôi canh trại mà. Vừa rồi có bọn lính rút qua hỗn quá, định vào cướp… Chà, cây tam thất bảy năm mới có được củ to…
Lão Sếnh nghển sang, tay búi lại tóc, lô la:
- Khó thế đấy! Làm ăn giờ khó thế đấy. Ngày xưa có người Hmông ta đi tìm được một cái nước gọi là Nước Sung Sướng. Đường đi khổ lắm. Qua một hẻm núi có hai đao phủ gác, muốn qua phải tự cắt đầu mình. Rồi lại phải đánh nhau với thuồng luồng, rắn lớn. Nhưng đến được thì sướng lắm. Gà ở đó ăn tiền nhé. Lúa, ngô chín, tự nó bay về. Bí chín, tự nó lăn về. Về sau, có người đàn bà lúc lúa chín không chịu quét kho, không chịu quét sân, lúa ngô, bí chê bẩn không tự về nữa.
Như tìm được dịp, Pao đặt bát rượu, bắt chuyện:
- Thế thì ta phải quét dọn cho sạch trong sạch ngoài, cụ ạ. Đường đi đến Nước Sung Sướng gian nan nhưng bền lòng đi phải tới. Tới thì ta bền nơi ở, bền nơi làm.
Đó là câu nói dài đầu tiên của Pao, kể từ lúc vào bữa rượu. Giọng Pao trẻ, nhưng âm vang sắc thái thuần thục. Thầy cúng A Đa cúi xuống húp soạt một thìa canh, le lé liếc trộm Pao. Lúc ấy, đám đàn bà con gái ăn cỗ ở trong bếp đã lục tục ra về, ở mâm Pao ngồi ăn, câu chuyện đang đứng lại, thì chợt lão Sếnh đặt chân xuống đất đánh phịch, ngảnh ra sân, reo to: “Ông lý Giàng Súng!" và giọng thằng Pùa cất lên lanh lảnh ở hiên "Cha ơi! Anh Lử về…".
Hố pẩu Giàng Lầu lập cập đứng dậy. Bọn người tụ hội ở nhà trưởng Giàng Súng đã tan cuộc, đang bước vào sân. Giàng Súng áo ca pốt dạ, cắp ô đen, cao gầy, đi đầu. Theo sau là Lử và Seo Cấu.
- Mời ông lý! Mời ông lý - Hố pẩu vồn vã - Lử, con về đấy à? Mời anh Cấu, các anh…
Giàng Súng treo ô lên vách, xoa tay:
- Hố pẩu đừng gọi tôi là ông lý nữa. Đời mới đến rồi. Vả lại, quan là chức thôi, còn thì vẫn là dân. Như cháu Pao đây. Cháu Pao là quan to Việt Minh. Nhưng về tới làng thì lại là con cháu họ Giàng ta chứ. Mà đời mới thì ai cũng chẳng như ai. Có phải không, cháu Pao?
- Đúng quá rồi! - Seo Cấu gào, xấn tới ngồi chen vào giữa ông già tam thất và A Sinh.
Lử lừ lừ đi vào, chẳng nói chẳng rằng, đặt đít xuống ghế, lưng chạm vào sườn lão Sếnh. Mâm rượu bỗng phình to. Bà cô Doa bưng hai bát miến, một bát thịt tới tiếp thêm. Hố pẩu rót rượu vào mấy cái chén mới. Pao ngồi lui ra như để ngắm kỹ hơn mọi người và nhận thấy nhiều cái nhìn trộm chớp qua mặt mình. Không khí có gì như ngập ngừng, giống như tiết trời lửng lơ, không biết đi về đâu. Mâm cỗ chia thành hai nhóm tức khắc. Nhóm dưới: Lử, Seo Cấu, Giàng Súng, lão Sếnh ăn uống sùng sục. Nhóm trên chỉ nhấp rượu như để nghĩ ngợi cho thêm phần sâu xa. Âm thầm vui sướng nhất lúc này là cha Pao. Cha ngồi, không nói, mắt hiền từ hết nhìn Pao lại nhìn Lử. Các con đã về. Vậy là sau bao năm loạn ly điêu linh tan tác, mỗi con một ngả, giờ hai con đã trở về làng quê. Nâng chén rượu, chòm râu rung rung, mắt hố pẩu nhoà lệ:
- Ông bà tổ tiên họ Giàng để phúc đức cho con cháu.
Nhấc chén theo hố pẩu, Giàng Súng nghề ngà:
- Nào! Rượu mừng!
Pao đứng dậy, đĩnh đạc:
- Cha, con có mấy lời trước khi uống chén rượu này. Con đã đi theo Cách mạng. Được Cách mạng dạy dỗ, giờ, Cách mạng bảo con về làng ta cùng mọi người đoàn kết xây dựng đời mới. Vậy, chén rượu này là chén rượu đồng lòng, chén rượu đoàn kết!
Mấy chén rượu cùng nâng. Những cái đầu cùng ngửa. Không khí hưng hửng vui, nhưng sự chan hoà vẫn có một vẻ gượng gạo thế nào. Vả, ở nhóm dưới đang chộn rộn bỗng bật lên một tràng cười thật thô lỗ. Seo Cấu bá vai lão Sếnh, ngả ngốn:
- Bây giờ, chỉ có ông Phơ-rô-pông và bọn đi theo ông ấy là sướng thôi.
Lão Sếnh vỗ vai Lử, cười hắc hắc:
- Vợ chồng đánh nhau không bỏ được cái giường. Anh em đánh nhau cũng không bỏ được nhau đâu, ông Lử ơi!
Giàng Súng cầm đũa bới đĩa xào. Lão tìm cái gì? A! Tìm quả tim gà. Quả tim cắt đôi rồi. Lão gắp một miếng đặt bát Pao. Pao lặng lẽ nhón miếng tim bỏ ra rìa mâm. Vừa lúc, Lử ngồi thẳng dậy, thấy Giàng Súng vừa đặt vào bát mình nửa quả tim gà, liền xua xua tay, gắt: "Tôi không ăn tim đâu!”
Giàng Súng bật ngửa đầu, hể hả:
- Các cháu đi xa mà còn nhớ lý dòng họ đấy. Ngày xưa, họ Giàng ta ở cạnh nhà người Hán, hai nhà kết nghĩa thân gia. Một hôm, nhà họ Giàng ta mổ lợn cúng. Lúc múc thịt, không thấy quả tim, người anh mới hỏi người em. Người em nói không biết. Người Hán thấy vậy liền rỉ tai người anh: "Em anh nó ăn vụng đấy. Thật mắt tôi trông thấy mà!". Người anh tức giận bắt em phải mổ bụng ra xem. Bụng em mổ ra, quả tim không thấy, chỉ thấy cái nấm. Tới lúc xong buổi cúng, múc hết chảo thịt mới thấy quả tim dính, cháy ở đáy chảo. Từ đấy họ Giàng ta kiêng ăn tim, giữ lời nguyền: không nghe lời kẻ ngoài dòng họ!
- Phải rồi, người ngoài họ tộc độc bụng lắm - Ông già tam thất nói.
- Chỉ có họ Giàng ta tin nhau thôi - Giàng Súng nhìn Pao - Cháu Pao à, bóng dù phải che cán dù chứ nhỉ?
- Na nủ Lồ cũng tốt chứ! Ngài cho ta con hổ - Lão Sếnh phồng mồm nhồm nhoàm nhai.
Seo Cấu lắc đầu, đập tay xuống bàn đánh thình:
- Không có na nủ Lồ gì hết! Họ Giàng ta, hổ xám là ông Giàng A Lử.
Cả mâm cỗ chỉ có Lử là im lặng. Hắn tợp một hụm rượu và cứ ngậm hụm rượu trong mồm. Mặt hắn tái nhợt, hắn đã nốc đầy bụng rượu ở buổi ăn thề lúc nãy rồi. Và bây giờ, cái răng sâu lại tấy nhức.
- Lử, ăn đi con…
- Hố pẩu nhìn Lử, dịu giọng, xót thương. Lử đưa tay cúi xuống nhổ ngụm rượu vào chân bàn và đứng dậy, tay vẫn ấp má. Seo Cấu đứng dậy theo. Chợt ông già tam thất kêu: "Ơ, sao kéo cái túi tiền của tôi, ông Cấu". Cấu buông tay, cười hí hí rồi đi theo Lử. Lử bước khật khưỡng. Pao đứng dậy. Lử đang định đi đâu?
Bỗng… huỵch… Lử vướng cái bậc cửa, ngã dập xuống, nửa người ở ngoài hiên. Seo Cấu kêu: