Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Vùng Biên Ải

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 50108 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vùng Biên Ải
Ma Văn Kháng

Phần I - 12 -

Hai tay bị trói quặt sau lưng, Lử đi trước.


 


A Sinh chĩa khẩu súng mút-cơ-tông vào lưng hắn, đi sau.


 


Buổi trưa, mặt trời thả lửa nồng. Núi lầm lầm, như bao đời nay, già nua, khắc khổ. Gió ào ào từng đợt, xô cỏ gianh vàng xuộm ngả nghiêng. Ruộng xếp bậc giống như gợn nước. Nước đọng trên các ô ruộng cao, làm mảnh gương soi trời. Con ngựa ăn cỏ cằn dưới thung, quẫy đuôi cho bức tranh núi quê đỡ phần vắng lặng. Cảnh sắc quen quen là lạ. Xung quanh Sinh, cuộc sống cũng quen quen là lạ thế nào. Mấy tháng qua, dồn dập bao cái quen quen là lạ là thế. Đội dân quân xã thành lập. Sinh được cử làm uỷ viên quân sự kiêm xã đội trưởng. Thật tình là Sinh e ngại. Sinh chỉ giỏi khèn, lại vốn nghèo khổ, chữ biết võ vẽ, sao làm chỉ huy được. Nhưng Pao nói: Không ngại. Tôi cũng như Sinh thôi, hồi mới theo Cách mạng ấy. Sinh không có gốc rễ, dây rợ gì buộc với thằng đế quốc, thổ ty, Sinh trẻ tuổi, chưa biết sẽ học sẽ làm được. Thằng Tây, lũ thổ ty đã chạy nhưng nó còn muốn quay trở lại, vậy phải cầm súng mà giữ lấy làng bản. ấy thế, cầm súng thì Sinh không ngại, Sinh múa khèn đẹp như chim liệng, cá bơi, Sinh bắn súng cũng tài không kém. Sinh vô tư, hồn hậu, thật thà, xưa nay không dối trá ai, nói là làm, tin người như tin mình nên chắc mọi người cũng tin Sinh. Sinh làm xã đội trưởng, đêm nào cũng đi tuần quanh làng bản. Đi tuần thì cũng quen như việc đi canh con thú mỗi độ bắp trên nương chín vậy thôi. Nhưng còn việc này, áp giải người bị trói ra huyện thì thật còn lạ quá, Sinh chưa bao giờ làm qua. Lạ thật đấy!


 


Đi trước A Sinh, mặc dù tay bị trói, Lử vẫn bước phăm phăm. Có lúc lại chạy như ngựa xuống dốc. Gió xoa vuốt cái mặt quắt, cái đầu nổi u nổi cục của hắn. Tới một khúc ngoặt, thị trấn châu lỵ hiện ra trong thung lũng nắng sáng bừng bừng, hắn bỗng dừng lại, há hốc mồm.


 


"Cái gì thế?" Sinh đuổi kịp hắn, hỏi. Hắn hất hàm, cười, như muốn nói: Kìa, phố châu, đẹp không? Rồi lại chúi đầu, lao xuống dốc. Sinh chột dạ, vội đuổi theo. Nhưng không, hắn đã dừng lại, chờ Sinh, mũi phập phồng như mũi thỏ:


- Anh Sinh à, tay tôi bị trói, nhờ anh lấy cây sậy chống vào miếu Phật bà Quan âm hộ tôi.


 


Bên đường có một cái hốc đá trong dựng mấy cồ đá trông từa tựa hình ông Tiên, ông Phật. Cổ mỗi "ông" buộc một dải vải đỏ. Đó là miếu thờ Phật Quan âm. Phật thiêng lắm, qua đây bẻ một cây sậy gác vào cạnh miếu, thì được Phật phù hộ, xuống dốc không chồn gối, lên dốc không mỏi chân. Cạnh miếu lúc nào cũng ùn một đống sậy. Sinh bẻ hai cây sậy, một cho mình, một cho Lử, đặt cạnh miếu, quay lại hỏi Lử:


- Được chưa?


Lử toét miệng: "Được rồi”. Nét cười ở miệng hắn thật bạn bè. Rồi Lử quay đầu, nói như nói với bạn đường:


- Ta đi thôi, không nắng. Đường còn xa đấy, anh Sinh.


Sinh gật đầu, theo Lử. Lử đi chậm, thi thoảng lại ngoái đầu về sau:


- Anh A Sinh à!


- Gì thế?


- Nghe nói anh thổi khèn hay lắm. Nai nghe, quên uống nước. Chim nghe, quên cả hót. Dím nghe, quên cả đào hang.


- Tôi học ông thầy khèn thôi.


- Ông Giàng Súng bảo có lần anh thổi khèn mà hổ còn đứng nghe.


- Làm gì có thế!


- Thế thì anh không biết rồi. Ông Giàng Súng kể: một hôm ông ấy đang đi tìm bò lạc thì thấy một con hổ con đang rình con con bò lạc. Nó sắp nhún chân nhảy vồ con bò thì chợt khèn anh nổi. Thế là nó đứng ngẩn ra, nghe.


Sinh cười ngặt nghẽo. Lử bịa hay chuyện có thật? Hoá ra Lử cũng cũng biết nói chuyện tay đôi vui vẻ như mọi người. Thế mà sao có lúc hắn lại là quan một đồn trưởng. Lại độc ác giết cả ông già tam thất.


- Nghỉ một tý đi!


Lát sau, Sinh nói. Lử dừng lại, ngồi xoãi chân, lưng tựa hòn đá rêu. Sinh ngồi trên phiến đá bằng, súng ghếch vai. Kiến bò bụng rồi, Sinh mở túi bột ngô, vốc ăn. Bột ngô bùi, béo ngậy. Ăn một lúc lưng lửng dạ, quay sang, thấy Lử vẫn ngồi yên, mắt gà gà, cái yết hầu nhọn động đậy như là nuốt bọt, Sinh thấy chạnh lòng.


- Này!


Lử choàng mở mắt, ngơ ngác. Sinh hất hàm:


- Có đói không?


 


Lử nuốt đánh ực. Rõ là hắn đói. Nhưng hắn lắc đầu, rung rung hai bả vai, ra cái điều than van là còn đang bị trói. Chẳng lẽ cởi trói cho hắn ăn? Không được! Sinh đứng dậy, cầm túi bột ngô đến để trước mặt Lử. Lử cúi xuống nhìn, rồi ngẩng lên, mắt khim khíp. Sinh nhăn trán, ngồi xuống:


- Này, há mồm ra, tôi bón cho vậy.


Lử há mồm. Bột ngô vừa chạm đến môi, hắn đã gục xuống, cười rũ rượi.


- Sao thế?


- Tôi bằng đứa bé lên một tuổi rồi.


- Phải thế thôi. Dẫu có thương anh cũng chịu. Nào, ăn đi.


 


Lử há mồm. Mắt hấp him. Lướt qua mặt Sinh như đánh giá Sinh rồi lại phụng phệu nhai. Và nuốt ực ực ngon lành. Sinh nghĩ: Nó vẫn quen ăn bột ngô. Nó vẫn là người Hmông ta. Khốn khổ chưa, nó đói ngấu. Bỗng Sinh vụt đứng dậy. Gáy Sinh nhói giật, nhức buốt. Không gian có tiếng ve ve. Lử giãy giụa, đạp chân. Sinh nhấc súng. Lử đứng dậy, hốt hoảng.


- Ruồi vàng, chạy đi!


 


Sinh chạy, Lử chạy theo. Đúng là ruồi vàng. Ruồi vàng từ khu rừng vầu cạnh đường, ngửi thấy mùi mồ hôi người, kéo cả đàn nhao ra đuổi theo hai người. Hết khu rừng vầu, hết con dốc, tới dòng suối rộng ở chân núi, Sinh và Lử mới dừng lại, và cả hai cùng nhìn nhau, cười giốc từng hồi.


 


Mặt cùng lem luốc, bẩn thỉu, cả hai như vừa qua một trò chơi nghịch nghợm của trẻ con. Sinh thở hổn hển. Ngực phập phồng, Lử mệt bã. Bởi đêm qua Lử đã dùng đến tận cùng sức lực, giờ lại chạy một thôi dài. Chạy mà hai tay bị trói quặt ra sau, mất sức lắm. Đã thế, những nốt ruồi vàng đốt ngấm mồ hôi, lại tấy nhức và vừa ngứa vừa xót. Sinh bị đốt ít hơn, nhưng cũng gãi đầu, gãi gáy liên tục. Còn Lử chạy đã chậm, lại không có tay che đỡ, bị đến chục nhát, giờ chỉ biết quay đầu, ngúc ngoắc, rồi không chịu nổi, đành ngồi bệt xuống đất, chịn lưng vào tảng đá bên đường.


- Ngứa lắm hả?


- Ngứa! - Lử xẵng.


 


Mắt Lử có nước. Lử cay uất lắm, nhưng Lử cắn răng giấu mình, biết biến nước mắt căm giận thành nước mắt tủi thân. Gục đầu xuống tảng đá, Lử hưng hức khóc.


- Sao thế?


 


Đáp lại câu hỏi của Sinh, Lử lại nấc lên to hơn. Sinh gãi cổ. Tiếng khóc đàn ông ở giữa chốn quạnh quẽ này, nghe gai gai cả người.


- Đừng khóc nữa.


- Anh đừng can tôi, cứ để tôi khóc.


- Tại anh cả thôi. Sao anh lại tự mình gây ra tội ác to như thế?


- Tôi biết là tôi có tội chứ. Nhưng, tôi thương người Hmông ta. Người Hmông ta như cái kiềng, chảo nào đặt lên cũng được.


- Anh nói thế là thế nào?


- Tôi nói thế là tôi hiểu tội của tôi. Nhưng tội của tôi là do thằng Tây nó xui. Giờ người Kinh nó về, nó lại thay thằng Tây chỉ huy người Hmông ta hại nhau.


- Không phải thế đâu!


- Thế anh không thấy thằng quan người Kinh nó quát mắng thằng Pao em tôi à? Tôi nghĩ mà thấy nhục cho người Hmông ta.


Sinh ngẩn mặt. Sinh có thấy anh cán bộ Kinh to tiếng quát tháo Pao thật. Nhưng, chả lẽ anh ấy lại giống thằng quan Tây? Lử ngẩng lên, nước mắt ròng ròng:


- Anh Sinh, anh nghĩ tôi nói có phải không? Cả anh nữa, anh cũng bị thằng quan Kinh nó khiến nó sai. Anh giải tôi ra châu là theo lệnh nó. Sinh hạ giọng:


- Anh đừng oán tôi.


- Nào tôi có oán anh. Cả thằng Pao tôi cũng chẳng oán đâu. Anh em cùng máu mủ, ta cùng người Hmông, nỡ nào oán hận nhau. Tôi chỉ tiếc là ta để tay nọ chém tay kia. Tôi ra châu nếu bị người Kinh nó giết thì để tiếng xấu cho cả người Hmông ta. Sao người Hmông anh em lại giết nhau, lại để cho kẻ bên ngoài xúc xiểm hại nhau? Giống như ngày xưa để người Hán nó xúi bẩy đến mức giết nhau.


Sinh đứng dậy, lòng dạ tự dưng vẩn vơ thế nào. Lử nói thế, chưa hẳn đúng đâu. Nhưng sai thế nào, khỏ bẻ quá. Lúng túng, Sinh lội xuống suối, vỗ nước vào mặt. Quay lên, vẫn thấy Lử ti tỉ khóc. Sinh bỗng thấy mủi lòng.


- Này, đừng khóc nữa. Đến châu tôi sẽ nói với cán bộ…


- Chắc không được đâu.


- Được chứ. Người Kinh không giống thằng Tây đâu. Thôi, bây giờ ta tắm một cái cho trôi hết cái buồn đi. Nào, tôi thấy ngứa quá.


Lử sụt sịt:


- Anh tắm đi. Tay tôi bị trói thế này… Nhìn quanh, Sinh nhíu trán, ngần ngừ một lát rồi cúi xuống:


- Thế này anh Lử, tôi cởi trói cho anh, anh tắm trước đi.


Tay thoát vòng dây trói, Lử nhảy ùm xuống nước, quay lại:


- Mát quá, anh Sinh ơi, xuống đây tắm cho vui. Sinh lắc đầu. Sinh vẫn cầm cây súng, đứng trên bờ suối. Một lát, Lử lại ngoi đầu lên khỏi mặt nước, đập chân đập tay tùm tũm:


- Anh Sinh xuống tắm đi, rồi ta cùng đi. Sinh lại lắc đầu, miệng cười cười:


- Anh cứ tắm đi! Lúc sau, Lử tồng ngồng leo lên bờ đá, nhảy tưng tưng, lắc đầu cho nước trong tai ộc ra, rồi xỏ chân vào quần, nghiêng ngả cười khinh khích:


- Mát lắm, anh Sinh ơi, anh tắm đi. Thật không đâu mắt bằng suối quê ta. Tắm đi, rồi ta đi, kẻo muộn. Sinh cởi phăng áo. Làn nước suối xanh trong hấp dẫn quá. Quên bẵng phải trói Lử, Sinh đặt khẩu mút-cơ-tông lên hòn đá khô cạnh suối, vui vẻ:


- Anh Lử, ngồi trong ấy ngó hộ tôi khẩu súng nhé. Tôi tắm ù một cái rồi đi ngay thôi.


 

Sinh ào xuống nước. Nước mát lịm, vỗ về da thịt Sinh. Miệng Sinh hít hà khoái trá. Sinh lặn làm con rái cá. Sinh chổng ngược chân làm cây chuối như lúc múa khèn. Trên bờ, Lử mặc xong quần áo, mon men lại gần khẩu súng. Chốc chốc hắn lại khen Sinh bơi giỏi, lặn tài, lại chỏ hòn đá trắng, hòn đá đỏ dưới lòng suối đố Sinh lặn bê lên được. Sinh càng say trổ tài nhịn thở lâu dưới nước. Chỉ chờ có thế là Lử nhặt khẩu súng lên, mỉm cười, nhìn quanh: Hà, trước tiên phải khử cái thằng Sinh ngu ngốc này đã. Mẹ chúng mày!

<< Phần I - 11 - | Phần I - 13 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 263

Return to top