Nguyệt ngồi bên trong nghe Ngôn nói, lòng buồn vô cùng. Nàng đã lường trước, nhưng chính từ miệng Ngôn, rõ ràng anh ấy … Dù sao, nếu có Sáu vẫn hơn. Nguyệt ngồi thừ không nói câu nào. Nga nhìn Nguyệt kêu lên:
- Nguyệt, sao vậy?
Nguyệt giật mình:
- Không, không sao. Tao chỉ buồn, mấy ngày Tết...
Nga hiểu, điều đơn giản nhất ai cũng biết, nó trở thành một truyền thống của dân tộc… Những ngày Tết, tục lệ, ăn ngon, mặc đẹp… Nhưng, quan trọng hơn, thiêng liêng hơn tất cả, đó là những ngày sum họp của gia đình. Đối với những đứa con của miền Nam trên đất Bắc, đó là những ngày tụ họp để kể về quê hương, để nhắc nhở nhau cố gắng học tập, để gặp gỡ và để tỏ bày…
***
Chiếc hàng không mẫu hạm Ranger được ký hiệu CVW-9 chở trên 80 máy bay bao gồm F-4B và A-4E do J. Paul, đô đốc bậc 2 chỉ huy được lệnh tiến vào phía Bắc vịnh Bắc bộ. Trong đội hình với Ranger còn có hàng không mẫu hạm Midway ký hiệu CVW-2 và hàng không mẫu hạm Coral Sea được ký hiệu CVW-15. Trong đội hình của mỗi chiếc hàng không mẫu hạm còn có hàng chục chiếc bảo vệ. Ranger được chỉ định hoạt động trong bước leo thang thứ 6, đánh vào tuyến đường 5 sau khi hàng không mẫu hạm USS Constellation đánh không có kết quả 2 cầu Lai Vu và Phú Lương trên tuyến đường số 5 nối từ Hà Nội đi Hải Phòng.
J. Paul ngồi trên chiếc RA-5C, trực tiếp trinh sát 2 chiếc cầu khá lớn bắc qua sông Rang thuộc nhánh sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Đó là cầu Lai Vu và Phú Lương. Đến gần mục tiêu, J.Paul ra lệnh cho viên phi công thả cần lái, bay dọc hai bên đường. Toàn bộ hai chiếc cầu nằm trong tầm ngắm của Paul. Chiếc F-4B yểm hộ ở phía sau, thi thoảng cắt ngang tuyến bay để cảnh giới đề phòng Mig. J. Paul biết rất rõ lực lượng bảo vệ cầu ngoài pháo cao xạ tầm trung, các cỡ súng của du kích rất mạnh. Và chiếc RA-5C của J.Paul bị súng phòng không bắn nhưng đạn không tới được. Phương án đánh cầu chắc chắn phải thay đổi… Chiếc RA-5C hạ cánh, J.Paul đi ngay vào phòng hành quân, chỉ thị cho sĩ quan quân báo:
- Đại tá, theo ông, vì sao Constellation đánh không trúng hai chiếc cầu bắc qua sông trên đường số 5?
Đại tá Diamond đứng nghiêm cầm quyển sổ lật ra, báo cáo:
- Thưa Đô đốc, tháng 9 năm 1965 không quân bắt đầu đánh tuyến đường Hà Nội – Lạng Sơn, tập trung vào cầu, không phá được chiếc nào vì cầu bắc qua sông nhưng ở địa thế rừng núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1965, Constellation đánh Hàm Rồng 5 đợt cầu cũng không sập. Ngày 19 tháng 9 CVW-14 đánh cầu Đò Lèn 3 lần cũng không trúng. Ngày 5 tháng 11, CVW-14 bắt đầu đánh cầu Lai Vu, ta mất 1 chiếc F-8E. Ngày 17 tháng 11, CVW 14 cho A-4E đánh liền 2 cầu nhưng không phá được. Ngày 1 tháng 12, 12 chiếc A-4E vào đánh lần thứ 3, chúng ta mất 1 chiếc A-4, cầu vẫn còn. Theo tôi, USS Constellation đánh không trúng do có tên lửa Sam-2, nhất là phi công chúng ta thiếu tập trung vì lo Mig cắn trộm.
J.Paul chau mày, hai ngón tay vuốt mũi, suy nghĩ hồi lâu, nói lập lờ:
- Vậy…?
- Thưa Đô đốc, ngày 23 tháng 12, Constellation tổ chức một đội hình rất mạnh tới 22 chiếc. Mig cất cánh, trời nhiều mây, họ chỉ bay ở phía Đông Hà Nội chừng 10km, các phi công chúng ta vẫn đánh không trúng, lại còn bị pháo cao xạ bắn rơi một chiếc. Thưa, cho tôi nói thật,…
J.Paul cho phép:
- Ông nói đi.
Diamond nói:
- Nếu tổ chức không tập như vừa qua, khó mà đánh sập cầu, ta lại còn bị thiệt hại khá lớn. Bắc Việt Nam khoe chỉ riêng 1965 đã bắn rơi của chúng ta tới 834 máy bay. Theo tôi biết, trong số đó pháo cao xạ hạ 158 chiếc, tên lửa hạ 73 chiếc và Mig bắn rơi 15 chiếc của chúng ta. Con số do Bộ Quốc phòng chính thức xác nhận là chỉ có hơn 300 chiếc bị bắn hạ và hơn số đó bị thương. Vì thế, theo tôi, phải coi lại chiến thuật oanh tạc.
J.Paul vẫn mặc bộ quần áo bay, không đeo quân hàm, hai chiếc túi ngực xếch ngược lên trên, phía bên trái có hàng tên phi công màu trắng. J.Paul đi loanh quanh chiếc bàn màu nâu, dáng suy tư, rồi tiến đến ấn một nút bấm ở đầu chiếc bàn chỉ huy. Ít phút sau, những sĩ quan chỉ huy quân báo, các liên đội phi hành đều có mặt. Paul chiếu lên màn ảnh, hai chiếc cầu được chụp không ảnh, chiếc ở phía Tây dài hơn chiếc phía Đông. J.Paul nói:
- Chiếc cầu ở phía Tây là Phú Lương, chiếc cầu ở phía Đông là Lai Vu. Hai chiếc cầu này có vị trí rất quan trọng trong chiến lược vận chuyển từ cảng Hải Phòng đi về Hà Nội và vào phía Nam. Cấp trên đã không hài lòng vì bước leo thang thứ năm lẽ ra ta phải đánh sụp xương sống của Bắc Việt. Trái lại chúng ta không thực hiện được nhiệm vụ mà còn bị Bắc Việt Nam bắn rơi một số nhỏ phi cơ như chúng ta đã dự kiến. Vấn đề là mục tiêu không bị phá hủy, mục đích của leo thang không đạt được, coi như ta thất bại. Ở đường số Một, không quân ở Thái Lan được giao đánh cầu Phủ Lạng Thương, chặt đứt tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, nối liền với tỉnh Quảng Tây của Trung Cộng. Tôi muốn quí vị cho biết đánh như thế nào? Đại tá Diamond, mời Đại tá.
Diamond người Mỹ gốc Haiti, da nâu, tóc quăn, râu quai nón, mắt to, trán cao, đứng lên:
- Thưa Đô đốc, tôi cho nguyên nhân của nó là yếu tố tâm lý. Từ trước đến nay, phi công chúng ta là những tay lái cự phách, chúng ta chưa hề thua bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Tại mặt trận Triều Tiên, đánh nhau với phi công Trung Cộng, chúng ta đã làm cho họ gãy cánh. Chắc quí vị còn nhớ, tại Thượng Cam Lĩnh, lúc đó tôi bay số hai cho Đô đốc của chúng ta. Với lực lượng gần ngang nhau, Đô đốc đã bắn rơi hai chiếc Mig-15, Mig-17 của Trung Cộng trong một trận, tôi bắn rơi một chiếc Mig-17. Theo tôi, Mig-17 không còn gì bí mật với chúng ta. Cũng tại Bắc Triều Tiên, bất chấp sự bảo vệ của pháo cao xạ, của Mig, những phi công kiêu hãnh của chúng ta đã oanh kích vào những chiếc phà đang di chuyển và đã biến chúng thành những tấm ván. Nên nhớ những chiếc phà này rất nhỏ so với những chiếc cầu to lớn kia, lại đang di chuyển chứ không cố định. Nhưng tại Bắc Việt Nam, hàng loạt cầu, kể cả những chiếc cầu ở rất xa Hà Nội, hầu hết chúng ta đã không đánh trúng. Thậm chí, cầu Hàm Rồng, chúng ta đánh gần ngàn lần nó vẫn còn nguyên. Tôi nghĩ rằng, đó chính là yếu tố tâm lý.
Crommell vừa được thăng trung tá, chỉ huy phi đoàn tiêm kích đứng lên, vuốt tóc theo thói quen, nói:
- Hầu hết các cầu ở Bắc Việt Nam đều có từ thời Pháp, kiểu giống nhau, đều sử dụng song hành, vừa làm cầu cho đường sắt, vừa cho xe hơi, bề ngang chừng 6 mét đủ cho hai làn xe xuôi ngược. Cầu như vậy là lớn, so với những mục tiêu chúng ta đã luyện tập. Ở trên không, cự ly bổ nhào cách cầu thường là 6km, lúc đó chiếc cầu như một sợi chỉ, nhỏ lắm, đến cự ly cách cầu 1.200 mét, theo lý thuyết sẽ cắt bom, máy bay tiếp tục lao xuống đến 600 mét mới ngóc đầu lên được. Như vậy đối với súng bộ binh và trọng liên 12 ly 7, chúng ta đã loại trừ. Pháo cao xạ 37 ly, ở góc độ chiến thuật, bất ngờ, với cách bay lắt léo, chúng ta có thể tránh được. Theo tôi cái chính làm phân tán tinh lực của chúng ta chính là Mig. Dù là Mig-17, nhưng ở trong tay Bắc Việt Nam, họ đã làm cho nó trở nên nguy hiểm hơn. Đó chính là nguyên nhân chúng ta tập kích không trúng các mục tiêu được chỉ định. Chỉ cần sai vài phần trăm của một ly giác, là chệch mục tiêu gần 10 mét. Ngắm và tấn công mục tiêu ở mặt đất đòi hỏi phải có trình độ cao, chính xác tuyệt đối… Trái lại chúng ta bị phân tán bởi Mig. Tôi đề nghị tăng lực lượng tiêm kích. Nếu lực lượng tiêm kích chắc chắn ngăn cản được Mig, tôi tin là những phi công ưu tú của ta sẽ đánh trúng mục tiêu.