Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Khối mây hình lưỡi búa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 48024 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khối mây hình lưỡi búa
Lê Thành Chơn

Kỳ 7

Đỉnh đứng lên bục cao, quay lại nói:
- Thưa,…
Tư lệnh mỉm cười, lật quyển sổ cá nhân, ông nói:
-Để tôi ghi lại giây phút hôm qua, có lẽ cả đời tôi, sau này khó có thể trở lại.
Người sĩ quan trẻ mang quân hàm thiếu úy sững sờ nhìn vị tư lệnh của mình. Anh xúc động, đứng im nhìn tư lệnh rút cây bút máy. Ông vừa ghi, vừa nhìn lên bảng. Đỉnh thấy ngòi bút chầm chậm thả trên trang giấy theo ô kẻ trên tấm bảng đăng ký phi công trực ban, hàng đơn vị E921, người trực chỉ huy trung đoàn là Đào Đình Luyện. Biên đội 1 trực chiến: Phạm Ngọc Lan, tên gọi 501, số máy bay 2050. Lâm Văn Lích, tên gọi 502, số máy bay 3003. Biên đội 2 trực chiến: Trần Hanh, tên gọi 516, số máy bay 2002. Nguyễn Nhật Chiêu, tên gọi 518, số máy bay 2047. Thời gian hoàn thành trực cấp 3: 1300 (13 giờ). Vẻ thỏa mãn trên gương mặt Tư lệnh. Đỉnh cảm thấy ấm lòng. Anh hỏi:
- Thưa Tư lệnh, xong chưa?    
Tư lệnh trả lời:
- Rồi. Nhưng…
Đỉnh hỏi tiếp:
- Nhưng, thế nào ạ?
Tư lệnh:
- Nè, anh cảm thấy thế nào khi không quân ta xuất hiện và trực ban chiến đấu ?
Đỉnh nói theo bản năng:
- Thưa Tư lệnh, tôi cảm thấy rất tự hào, bắt đầu từ ngày 6 tháng 8 năm 1964 bầu trời Việt Nam là của người Việt Nam chúng ta.      
Tư lệnh bước tới gần người sĩ quan tác chiến, anh bước lên bục vỗ vai Đỉnh, nói:
- Trong cuộc đời cầm súng của tôi, tôi tự hào về những trận đánh oai hùng, làm cho quân Pháp sợ hãi trước đòn tấn công của quân ta, bây giờ tôi tự hào về không quân ta. Chẳng hiểu sao lòng tôi lâng lâng khó tả khi tận mặt nhìn thấy người Việt Nam chúng ta lái máy bay dân dụng, bây giờ chúng ta có máy bay chiến đấu. Nhưng, cậu thấy đó, ngày ngày, những chiếc U-2, loại máy bay trinh sát chiến lược vẫn cày bừa chụp ảnh chúng ta. Còn chúng ta thì còn chưa làm được gì chúng. Sắp tới, chúng ta sẽ phải đương đầu với không quân Mỹ, chúng nó rất mạnh. Còn chúng ta, chưa có kinh nghiệm, trang bị của chúng ta còn kém lắm. Có một điều chắc chắn, chúng ta chiến đấu trên đất nước của chúng ta…
Chuông điện thoại reo, Tư lệnh cầm máy:
- Alô ! Tôi Tiên đây. Vâng. Được. Chừng nào các anh bắt đầu… Được. Tôi đồng ý.
Tư lệnh vừa nói chuyện với trung đoàn Sao Đỏ. Trung tá Đào Đình Luyện xin ý kiến về ý đồ chiến thuật trong chiến đấu sẽ áp dụng cho buổi tập hôm nay. Đó là Mig-17 sẽ phải bay với độ nghiêng lớn, tạo bán kính hẹp và tập thắt vòng chiến đấu… 
***
Hà Nội chớm bước sang Thu, trời nóng ngột ngạt. Nhiều ngày liền không một hạt mưa. Gió như ngừng thổi, chẳng biết nó trốn đi đâu. Nhiều sĩ quan kéo giường ra bên ngoài phòng trực ban ở sở chỉ huy, giăng mùng trắng lốp một góc bên ngoài nhà trực. Long cầm trên tay chiếc quạt nan phe phẩy tìm những luồng gió nhân tạo từ tay mình. Chiếc chiếu đã cũ, nó hút nóng, nằm xuống như nằm trên lò than. Đêm xuống thấp thoáng bóng mây trôi qua vòm cây, đôi lúc cũng thấy trăng. Bất chợt tút lên tiếng một con ve sầu như lạc điệu giữa một nơi ồn ào náo nhiệt. Ít lâu, sau tiếng kêu của con ve sầu đầu tiên, chẳng biết bao nhiêu con cùng cất lên, chúng réo rắt, dò tìm nhau bằng tiếng động, tiếng vọng của tình yêu. Long quan sát, anh phát hiện được một con nhờ ánh đèn chiếu vào gốc cây. Long ngồi dậy thẫn thờ, anh tập trung nhìn… con ve sầu màu xám nâu, chuyển động trên cây. Đôi cánh nhỏ xíu chớp chớp, sáu cái chân cong như cái nơm cá, nó bám thân cây chỉ bằng hai chân, còn bốn chân ngoáy tròn… Con ve cái vẫn ca vang ở đâu đó, con ve đực giương cái mũi nhọn nhỏ xíu đảo qua, đảo lại dò tìm,… Và… khi chúng gặp nhau, cả hai cùng cất tiếng vang dậy. Chúng sung sướng, xoay tròn, quấn lấy nhau, đôi cánh chớp chớp mạnh mẽ rồi chậm dần, tiếng kêu của chúng cũng ngập ngừng, cho đến khi tiếng tình yêu của hai con ve chao chạm thì tiếng kêu của chúng im hẳn… Sau đó chúng lại hát vang cho đến tận đêm khuya…
Long không sao ngủ được, anh nhớ rất rõ buổi luyện tập sáng nay của trung đoàn. Trung tá Đào Đình Luyện đứng trước những phi công xếp thành đội hình hai hàng ngang. Ông nhìn lướt qua những gương mặt rất quen thuộc suốt tám năm cùng ăn, cùng học, cùng bay. Vì thế, ông thuộc tính cách, thói quen từng người từ trong sinh hoạt, cho đến cả những chuyện riêng tư. Ông nói:
- Các đồng chí, chúng ta về nước đã hai ngày, đã nghiên cứu đối tượng tác chiến. Vài ngày nữa, chúng ta sẽ thảo luận cách đánh và những vấn đề cốt lõi cho không chiến. Hôm nay chúng ta học hai bài. Đại đội 1 tập lượn vòng với độ nghiêng lớn, ứng dụng cho trường hợp phải cắt bán kính để đánh từ góc trong. Đại đội 2 sẽ tập động tác thắt vòng chiến đấu, độ cao 4.000 mét, chú ý an toàn, bây giờ chúng ta luyện tập ở mặt đất, khí tượng tốt sẽ thực hành bay.                  
Long ngồi dưới cánh chiếc Mig-17. Trung tá Đào Đình Luyện nhận ra Long, ông đến ngồi bên cạnh Long. Long hỏi:
- Anh Luyện, tôi muốn biết, anh và các phi công có yêu cầu gì đối với bộ phận dẫn đường, đặc biệt là dẫn đường ở sở chỉ huy không quân.
Trung tá móc từ trong túi quần bao thuốc lá Điện Biên, ông mời, Long từ chối, ông rút một điếu, châm lửa từ bao diêm còn mang nhãn hiệu “Hỏa Long” bằng chữ Hán. Ông khều que diêm, ngọn lửa xòe ra, điếu thuốc từ miệng ông đỏ hồng. Rít một hơi, ông nói:
- Không có dẫn đường, phi công không thể nào tự mình bay lên, tự mình gặp địch và tự mình bay về được. Tất cả các yếu tố tạo nên ưu thế chiến thuật cho phi công là do các sĩ quan dẫn đường đảm nhiệm. Tôi cho là, các anh như là một phi công của biên đội. Vì vậy, cần phải phán đoán đúng địch, dẫn chững chạc cho phi công phát hiện địch trước. 
Long nhìn người trung đoàn trưởng đoàn Sao Đỏ với ánh mắt thiện cảm, ông hiểu được công việc của Long và  ông chia sẻ, Đào Đình Luyện là người sĩ quan cao cấp đầu tiên hiểu đúng vị trí của sĩ quan dẫn đường ở sở chỉ huy. Long nhớ rất rõ… Hồi đó, vào giữa năm 1960 Long là sĩ quan trẻ được chọn cùng với sáu sĩ quan đi học nước ngoài, đào tạo một ngành lạ với hai môn học “tiêu đồ” và “lĩnh hàng”.Thời đó, tốp du học sinh Việt Nam lần đầu tiên vào học trường hàng không cao cấp ở Bắc Kinh với tâm trạng nặng nề, không phải vì vốn tiếng Hoa còn mỏng, người ta yêu cầu phải nghe trực tiếp, tự viết và trả lời bằng tiếng Trung Quốc… mà chính là cái ngành học. Long và các sĩ quan trẻ bảo nhau “Lĩnh hàng cũng na ná như nhận hàng, còn tiêu đồ là cái gì?”. Mọi người bàn nhau “Chẳng lẽ, đó là một nghề thủ tiêu chiến lợi phẩm”. Cho đến khi, bước vào lớp học chính trị, học lý luận để trang bị thêm tiếng Hoa, Long phải học trực tiếp, không qua phiên dịch các bài giảng, thực hành cũng bằng chữ Hán, kiểm tra viết cho đến làm báo cáo tốt nghiệp đều bằng thứ chữ  người Trung Quốc gọi là “chữ thánh hiền”. Một lần, Long hỏi, được thầy giáo chủ nhiệm giải thích rằng lĩnh hàng là ngành dẫn đường hàng không và nghề tiêu đồ là đánh dấu đường bay trên bản đồ. Nhưng, có lẽ, tác nghiệp trên bản đồ mới là thử thách để Long và các sĩ quan Việt Nam đến với tập chỉ huy chiến đấu của không quân… Thời đó, chẳng có máy móc cho các dữ liệu hàng không. Thầy giáo vẽ một đường bay trên bản đồ, trong đó “địch” sẽ vào đánh mục tiêu. Trên đường bay, theo tỷ lệ bản đồ, người ta ngắt ra từng khúc theo giả định tốc độ máy bay và dùng thước cự ly, vòng phương vị như một trạm radar để xác định tọa độ.

<< Kỳ 6 | Kỳ 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 818

Return to top