Ngôn ngẩng mặt, một cơn gió mạnh thổi những hạt mưa vào nhà trực, táp vào má anh mát rượi. Ngôn nhìn ra bên ngoài, trời mưa như trút nước, những giọt mưa lao xuống với tốc độ khá lớn, nó chưa kịp nghỉ ngơi đã bị những giọt nước khác đập xuống tan tác. Chúng tạo thành những dòng chảy dường như bất tận, chẳng biết chúng đi đâu, xung quanh nhà trực của phi công là một màn mưa màu trắng, tinh khiết… Ngôn bước ra cửa, Sáu nhìn theo, Ngôn chìa hai tay ra hứng những giọt nước mưa từ mái nhà, xoa lên mặt, nước mát, Ngôn bừng tỉnh, Sáu nói đúng, “bản lĩnh của người lính, ý chí chiến đấu, vượt qua thử thách từ chính bản thân mình”. Ngôn trở vào, ngồi trên chiếc giường nhìn trời mưa. Xa xa là đường băng, ngay bên anh là đường lăn, có một chiếc xe con đang đi tới.
***
Chiếc com-măng-ca chở Thượng tá Nguyễn Văn Tiên dừng lại ở nhà trực ban bên cạnh sân đỗ nặng lúc này đã ngập nước, ông mặc áo mưa sĩ quan, bước vào nhà trực phi công. Hai phi công đứng dậy chào. Ông cởi áo, nói:
- Tôi làm việc với trung đoàn xong, ra đây thăm các đồng chí.
Sáu và Ngôn đứng dậy từ lâu, bộ quần áo kháng áp dính chặt hai chân, bó chặt phần bụng dưới, chỉ hở ở đầu gối, khẩu súng bên hông, trên cánh tay chiếc băng đỏ chữ vàng “Không quân Nhân dân Việt Nam” được cài bằng chiếc kim băng nhỏ, trên ngực lá cờ Tổ quốc to bằng nửa bàn tay, bên dưới ngôi sao vàng ghi số ký hiệu tên phi công. Thượng tá ra hiệu cho hai phi công ngồi, ông hỏi:
- Nhà trực như thế này, nắng, mưa như thế nào?
Sáu đứng dậy báo cáo:
- Thưa Tư lệnh, nắng thì nóng nhưng chịu được vì có quạt, mưa không dột nhưng tạt, nếu kín hơn một chút, có lẽ tốt. Nhưng, chúng tôi chịu được, không có vấn đề gì.
Sáu nhìn thẳng vào mắt Thượng tá Tư lệnh, nói gấp, dường như anh đang nóng ruột:
- Xin cho phép tôi được hỏi?
Tư lệnh gật đầu:
- Anh cứ hỏi. Tôi biết đến đâu trả lời ngay đến đó.
Sáu vẫn đứng nói:
- Thưa Tư lệnh, bao giờ chúng tôi được cất cánh chiến đấu?
Tư lệnh Không quân mỉm cười:
- Ta chờ địch đến…
Ông nhìn hai chiến sĩ lái máy bay còn rất trẻ, những ánh mắt ngây thơ, pha đôi chút sự hăng hái bồng bột, lãng mạn của tuổi trẻ trước cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới. Ông hiểu rất rõ họ. Hồi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cũng có tâm trạng như Sáu và Ngôn hôm nay. Hồi đó, ông vừa tốt nghiệp trường quân chính khu 8, được bổ nhiệm làm đại đội trưởng thuộc chi đội 17, ông chỉ huy một đại đội học viên phục kích đánh một trận vang dội tại Giồng Dứa. Cả đại đội học viên phục dưới một ao lục bình, xe bọn Pháp ì ầm vọng tới, người ông như muốn nổi lên trên mặt nước, không chờ đợi được, ông vọt lên dùng Thompson lia một băng, cả đại đội xông lên diệt 12 xe, hơn 30 tên Pháp chết tại chỗ, có một quan tư. Chiến thắng sớm, cả đại đội nhảy tưng lên, la hét om trời. Chẳng ai nghĩ, chỉ vài tháng sau cũng tại Giồng Dứa đại đội ông chịu một tổn thất nặng nề và lúc đó,… đã có người hoang mang, dao động. Thượng tá nói tiếp:
- Mới đây thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh quân chủng có một cuộc họp rất quan trọng, bàn chủ trương và các biện pháp cụ thể, rất cụ thể về sử dụng lực lượng, cách đánh và các mặt bảo đảm để cho không quân tiêm kích mở mặt trận trên không, quyết tâm đánh thắng trận đầu, xây dựng truyền thống vẻ vang cho Không quân nhân dân Việt Nam.
Thượng tá Tư lệnh muốn nghe trực tiếp người lái máy bay chiến đấu hiểu như thế nào về cuộc chiến đấu sắp tới, ông hỏi:
- Theo các cậu, làm thế nào để đánh thắng không quân Mỹ?
Sáu nhìn Ngôn, Ngôn đứng dậy:
- Thưa Tư lệnh, mặt trận trên cao bây giờ giữa không quân ta và không quân Mỹ giống nhau một cách kỳ lạ như thuở đầu Nam bộ kháng chiến. Chúng ta đều thua kém Mỹ về trang bị kỹ thuật, về trình độ bay. Chúng ta không nên đánh giá thấp tinh thần của phi công Mỹ. Tôi không nghĩ, nếu chúng ta có quyết tâm chiến đấu cao và đánh nhau trên vùng trời của ta, ta chính nghĩa, là tự nhiên ta thắng được Mỹ.
Sáu ngạc nhiên về cách suy nghĩ kỳ lạ của Ngôn. Ngay lúc này cả miền Bắc sục sôi khí thế, triệu người như một “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ý nghĩ khác đi sẽ bị trừng phạt rất nặng, huống hồ Ngôn đang nói chuyện trước tư lệnh không quân, ông ấy từng là chính trị viên tiểu đoàn 307 nổi tiếng thời chống Pháp ở Nam bộ, hiện ông ấy là ủy viên thường vụ Đảng ủy quân chủng, Đảng, bây giờ đang lãnh đạo tuyệt đối. Sáu hết sức bối rối, Ngôn vốn là bạn thân, anh và Ngôn gần như lúc nào cũng có nhau, ai cũng biết. Sáu lo lắng anh hết nhìn tư lệnh lại nhìn Ngôn. Ngôn rất bình tĩnh, anh thấy vị tư lệnh mang quân hàm ba sao hai vạch bên dưới và con chim ở bên cạnh. Tư lệnh ngồi im, thi thoảng gật đầu nhè nhẹ, và, điều đặc biệt, ông hết sức chăm chú, lắng nghe, ánh mắt của ông nhìn đôi mắt của Ngôn như thấp thoáng một vùng đồng bằng, sông nước… Ở đó, những người nông dân từ bao đời nay sống tự do và phóng khoáng, họ sẵn sàng moi ruột gan ra nếu họ tin tưởng, chẳng sợ bất kỳ một thế lực nào… Ngôn nhìn tư lệnh không quân, anh nói tiếp rành mạch:
- Thưa Tư lệnh, đặc điểm kỳ lạ ở trên không, ở trong buồng lái, không hề có tác động của ảnh hưởng đối với người bên cạnh về mặt tinh thần. Bọn Mỹ không phải là những tên ngu muội, phi công Mỹ được đào tạo căn bản, có nhiều giờ bay. Bọn chúng rất hãnh diện và kiêu ngạo là sĩ quan của một cường quốc số 1 thế giới. Chúng ta không nên coi họ là những kẻ đánh thuê không có đầu óc, không có lý tưởng. Tôi nghĩ, nếu chúng ta hiểu như vậy thì…theo tôi muốn đánh thắng không quân Mỹ, chúng ta phải khôn ngoan hơn. Người Trung Quốc có câu “mạnh dùng sức, yếu dùng mưu”. Chúng ta yếu hơn, phải nhiều mưu mẹo.
Tư lệnh nhìn ra bên ngoài, mưa đã bớt, những bọt nước phồng lên ở vũng nước cạn trên sân đổ nặng bị những giọt nước khác làm vỡ ra rồi những giọt nước tự trên trời lại làm phồng lên những bong bóng mỏng, mong manh. Ông nhìn Ngôn rồi khuyến khích:
- Cậu có ý nghĩ mạnh mẽ và quyết liệt. Theo cậu chúng ta phải làm sao?
Sáu đứng lên, bên cạnh Ngôn, nói:
- Thưa Tư lệnh, ở trên trời không hề có công sự, không có cây để ngụy trang, muốn đánh thắng có ba yếu tố: một là bình tĩnh, quan sát để bảo vệ mình; hai là phải giữ bí mật, tạo yếu tố bất ngờ bằng thế chiến thuật, phải nhìn thấy địch trước; ba là ngắm nhanh, bắn nhanh, chính xác. Tóm lại, muốn bắn rơi địch, đừng để địch bắn rơi mình.
Ngôn bổ sung gọn:
- Thưa Tư lệnh, theo tôi, ta không có gì phải sợ Mỹ, vũ khí trang bị của Mỹ hơn ta nhưng máy bay của ta cũng khá, chúng ta phải khổ luyện, mắt phải nhìn được xa, đừng để có góc chết trong quan sát, phải lợi dụng địa hình và yếu tố tự nhiên để che giấu, phải đánh gần, bóp cò là phải bắn rơi tại chỗ. Tư lệnh có biết con quạ không?
Thượng tá Nguyễn Văn Tiên ngơ ngác, ông biết con quạ nhưng cậu bé này định ám chỉ gì đây. Ông cảnh giác:
- Biết.
- Đặc điểm của con quạ, kia.