- Đặc công ở mặt đất, thọc sâu được vào tung thâm địch là do chúng ta biết tạo ra cách đi rất nhẹ, bịt mắt, bịt tai địch. Lợi dụng đêm tối và sơ hở trong bố phòng, tiếp cận, địch không biết rồi dùng hành động dũng mãnh, đánh hiểm, thắng lớn với lực lượng nhỏ. Không quân ta lên trời không có gì để ngụy trang ngoài các yếu tố thiên nhiên, có thể chúng ta lọt qua được một vài chiếc, nhưng thọc sâu vào tung thâm?đến bây giờ chúng ta chưa hình dung đội hình hành quân của không quân Mỹ, ở đâu là tốp cường kích, mà cường kích đội hình như thế nào chúng ta cũng chưa thấy, chúng ta mới chỉ biết đội hình cơ bản của không quân Mỹ. Khoa học quân sự ngày một phát triển, trình độ chiến thuật ngày một cao. Chúng ta cần nhớ, chiến thuật thay đổi theo sự phát triển của vũ khí và kỹ thuật quân sự. Người Mỹ chỉ còn giữ lại một phần rất nhỏ chiến thuật thời chiến tranh Triều Tiên mà chúng ta đã được học thời 1950-1953, họ sử dụng chủ yếu là F-84, F-86, tốc độ máy bay dưới tốc độ âm thanh, vũ khí trên máy bay là những khẩu súng cự ly xạ kích từ 200-400 mét. Cho nên chiến thuật không chiến và đội hình hành quân tập trung, đánh quần là chủ yếu… Bây giờ máy bay Mỹ đã có tốc độ rất lớn, có radar trên máy bay, vũ khí là tên lửa, chắc chắn chiến thuật sẽ rất khác, kỹ thuật xạ kích cũng sẽ khác. Về thế và lực toàn cục, lúc nào không quân ta cũng lấy yếu đánh với mạnh. Chúng ta không thể và không bao giờ có thể có lực lượng tương đương với địch. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho không quân ta chính là làm sao tạo được yếu tố bí mật, bất ngờ. Chúng ta sẽ đánh chiếc nào có điều kiện tốt nhất. Tôi nghĩ hôm nay chúng ta sẽ thảo luận kỹ về cách đánh và điều kiện như thế nào gọi là bí mật và bất ngờ? Chúng ta làm thế nào để đánh thắng trận đầu, đánh thắng liên tục bằng chính lực lượng của chúng ta…
Long kề tai Trần Lạc nói nhỏ:
- Anh thấy anh Luyện nói như vậy là…
- Tôi biết, đó là gánh nặng đặt lên vai của chúng ta. Những sĩ quan dẫn đường không quân trong những trận không chiến sắp đến.
Long nhìn Đào Đình Luyện. Dù đã gần đến tuổi 40, nhưng ông rất trẻ, tư duy sắc sảo. Ông biết rất rõ những con người ngồi trước mặt đây sẽ được ông tung lên trời, chính họ sẽ làm nên kỳ tích cho không quân nhân dân Việt Nam và cũng chính những con người này có thể sẽ trở thành những liệt sĩ đầu tiên ở mặt trận trên cao trong lịch sử nước nhà. Ông muốn họ sẽ là những người đầu tiên tạo nền móng cho chiến thuật của không quân nhân dân Việt Nam và họ phải hiểu được điều gì đang chờ họ ở phía trước, bằng một cái nhìn thật sáng suốt và tự nguyện. Lê Liên tranh thủ vẽ những hình thái chiến thuật. Nhìn các phi công, Lê Liên chợt nhận ra giữa Đào Đình Luyện và những phi công không hề có khoảng cách. Ông yêu họ. Nhưng bên trong, ông có điều gì đó trào lên rất lạ, gần như một kiểu tình thâm của ruột thịt.
Một lần, Lê Liên nói chuyện với Đào Đình Luyện về những trận đánh chưa diễn ra. Lê Liên biết Đào Đình Luyện từ rất lâu. Họ đã từng ngồi với nhau nhiều giờ liền trên đất bạn và ở Việt Nam. Chính tại mảnh đất Việt yêu dấu mà Lê Liên hiểu Đào Đình Luyện sâu hơn… “Mình biết, những ngày này, khi những chiếc Mig-17 về đậu thành hàng, oai lắm. Các vị lãnh đạo cấp cao, cho đến cấp cao nhất đến thăm và động viên đơn vị… điều đó khích lệ tinh thần chiến đấu của anh em, quý lắm. Những lời dặn dò của lãnh đạo là những chỉ thị vô cùng quan trọng cho chuẩn bị chiến đấu của chúng ta. Nhưng…”. Điều ông không nói ra Lê Liên đã hiểu, cuộc chiến đấu với một kẻ thù hùng mạnh mà chúng ta biết rất ít về họ là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Chúng ta lại càng không thể chiến đấu và chiến thắng bằng những khẩu hiệu, bằng những lời động viên mà cái cốt lõi chính là bản lĩnh của phi công. Lê Liên vốn là một sĩ quan dẫn đường trên không, anh càng hiểu rõ hơn người lái máy bay chiến đấu không hề có chính ủy bên cạnh, họ phải chiến đấu với chính bản thân họ, họ đối diện với kẻ thù bằng chính trái tim chân chính của họ. Ở trên trời không thể nghe tiếng gầm rú của động cơ, không nghe được tiếng nổ của tên lửa địch. Chỉ qua đôi mắt và đôi tai nghe mệnh lệnh chiến đấu của sở chỉ huy và nghe tiếng của đồng đội nhắc nhở địch cho mình, chỉ thấy những làn khói trắng của tên lửa và những chiếc máy bay địch ở xung quanh, phía trước mắt, phía sau lưng. Trên trời, không có cong sự, không có vật gì che chắn… Để trở thành một phi công chân chính, họ phải có bản lĩnh cá nhân rất cao, họ phải thắng bản thân mình trước khi chiến thắng quân thù.
Hồng bước dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm. Nàng không nhìn xung quanh, rảo bước. Trời chuyển mưa. Gió thổi mạnh. Cơn mưa giông đầu mùa chưa đến. Bầu trời chuyển động như có cái gì đó giằng co dữ đội, vừa âm u chuyển dịch. Những đám mây đen dồn đến. Gió thổi mạnh. Bỗng như có ai đó vén mây, mặt trời chiếu xuống mặt đất làm nên quầng sáng rồi sáng rỡ. Qua đền thờ vua Lê, Hồng bước vội sang ngã ba, rẽ vào nhà hàng Phú Gia, theo hàng số lẻ đến nhà số 313, Hồng bước vào, người đàn bà trong nhà reo lên:
- Hồng, có chuyện gì? Bộ em mệt hả?
- Em nghe nói anh Tư vừa gặp anh Ngôn, phải không chị Nga?
- Ừ, nó viết thư cho anh Tư rồi hẹn anh Tư lên với nó.
- Anh Ngôn có khoẻ không chị?
- Khỏe, nó là phi công mà.
- Vậy mà,… sao anh không viết thư cho em?
Người đàn bà tên Nga tuổi ngoài ba mươi, da trắng, đôi lông mày nhỏ như chiếc lá liễu vút cong, hiền lành, đồng hương của Ngôn, công tác ở Bộ Vật tư, nói như trách móc:
- Ừ, nhỉ. Cái thằng, nghe nói về nước đã lâu…
- Em nóng ruột quá, không biết có chuyện gì với ảnh không?
Người đàn ông đứng ngoài cửa nói vọng vào:
- Có chuyện, chuyện đó ở đây nè.
Nga và Hồng cùng quay ra, anh Tư, chồng Nga dựng chiếc xe đạp ở góc nhà. Anh bấm chiếc khóa vòng ở bên dưới yên xe, bước vào, nói:
- Nó gởi cho em hai lá thư, anh còn để ở ngăn kéo, một chiếc hôm nó mới về nước, còn một chiếc mới cách đây chừng một tuần. Lần nào nó gởi cho anh đều gởi cho em, anh vào trường em hai lần đều không có em.
Hồng thú nhận:
- Chắc là em lên trường.
Tư hỏi:
- Thế trường của em không còn ở,…
- Không, em quên mất, hèn gì… Anh Tư, em nghe con Dung nói, anh Ngôn gởi thơ cho anh, em tưởng...
Tư ngồi xuống bên cạnh Nga, hỏi:
- Tưởng nó,…?
- Không đâu, em với ảnh...