Lệ Thúy ngồi ở đầu bàn, uống từng ngụm chè với dáng ung dung và sang trọng. Lạc đạp trở lại, những giọt mưa quất thẳng vào mặt, đèn đường đỏ quạch, xa xa trên cột điện những giọt mưa xối xả như bức màn thủy tinh lao xuống mặt đường. Lạc thấy từ cuối công viên hồ Bảy Mẫu một bảng vẽ bức tranh cổ động có hình ảnh một chiếc máy bay bị gãy đôi, lửa bùng ra ngay chỗ gãy. Trần Lạc mơ hồ, anh như bay trong mưa, chiếc máy bay gãy đôi, cháy bùng, giống như chiếc Mig-17 của không quân ta trong trận vừa rồi. Đầu óc anh dồn dập hiện ra những tình huống mà mọi người đặt lên bàn làm việc của anh câu hỏi: “Dẫn đường cho Mig-17 đánh trong tình hình địch mạnh hơn ta như thế nào?”. Hàng loạt câu hỏi về trận mất hai chiếc Mig-17 giữa trời quang đã đặt ra cho không quân ta cần phải đánh như thế nào? Về đến đơn vị, Lạc bước vào chiếc giường đơn đã giăng sẵn chiếc màn màu cỏ úa. Rút chân ra khỏi dép, co vào bên trong màn nằm nhẹ nhàng, gần như không có tiếng động nào, Lạc nghĩ chẳng ai biết anh ra đi và đã trở về. Ở bên kia phòng, vách cót mỏng, Long nghe bước chân Lạc trở về, thậm chí còn nghe tiếng thở dài của Lạc. Long biết Trần Lạc đang phải chịu áp lực từ nhiều phía. Ở đơn vị, anh là người chịu gánh nặng bởi những trận không chiến gần đây, trận nào cũng có hy sinh, số phi công hy sinh quá lớn so với thực lực của không quân ta. Sự hy sinh đó chúng ta không thể nào chịu đựng nổi. Trần Lạc còn phải chịu quá nhiều áp lực của gia đình, người phụ nữ của anh không hề thông cảm với anh, nàng sống theo bản năng và đã thay lòng. Lạc đau chính là vì sự bế tắc trong quan niệm về gia đình, cách xử sự và hướng giải quyết. Anh vừa phải tỏ vẻ cho cái hạnh phúc trong tưởng tượng, rằng anh là một người Hà Nội, có vợ là một cô giáo Hà Nội, có hộ khẩu ở Hà Nội, rằng nàng từng là sinh viên ở một trường đại học ở Hà Nội, bây giờ là một trí thức Thủ đô với bao mối quan hệ ngang dọc, trên dưới với những gia đình nổi tiếng. Anh cắn răng chịu đựng để được tiếng là một anh bộ đội hiền lành, thanh lịch trước bạn bè của nàng, trước đồng nghiệp và đồng đội của anh. Long nghe tiếng thở dài ngày càng nhiều của Lạc. Dường như anh không ngủ được, mà không ngủ được tại trên chiếc giường của anh, anh chẳng cần phải ý tứ. Long còn trẻ, tiếng thở dài của Lạc làm cho Long nao lòng. Anh nhớ lại, mới buổi chiều, Phó Tư lệnh quân chủng đã nhắc nhở Trần Lạc trong phương pháp nhận định về địch, trận hai chiếc Mig-17 bị bắn rơi, điều mà Long chưa bao giờ thấy người thủ trưởng của mình ngây ngô đến như vậy. Chuyện như sau:
Sĩ quan tác chiến Nguyễn Đức, trưởng đoàn tìm cứu dẫn đầu một toán sĩ quan đến tận nơi hai phi công hy sinh. Phan Thanh Nhạ và chiếc Mig-17 của anh rơi ở huyện Phổ Yên, còn chiếc Mig của Nguyễn Cương rơi ở Vĩnh Yên, hai chiếc cách nhau trên 80 km. Nguyễn Đức nói:
- Chúng tôi khẩn trương đi tìm và cứu nạn hai phi công của ta. Nhưng các anh đều hy sinh trong buồng lái, không nhảy dù, xác của hai anh đã được nhân dân mai táng và chôn ở nghĩa trang liệt sĩ huyện. Chúng tôi hỏi người dân địa phương mọi người đều nói thấy máy bay Mỹ. Theo như mô tả thì đó là loại F-4, biên đội hai chiếc, bay rất thấp, từ dưới bắn lên…
Trần Lạc ở phía sau, trong khu vực ngồi của sĩ quan dẫn đường, uể oải đứng lên:
- Ta bay ở độ cao 7.000 mét, bọn F-4 muốn phóng tên lửa phải vọt lên độ cao ít nhất là 4.000 mét. Không có lý do nào lên đến độ cao đó mà radar dẫn đường không phát hiện. Còn…
Trần Lạc ngập ngừng tìm lý lẽ rồi nói tiếp:
- Trên bản đồ không có tốp nào, nếu địch bay xa, làm sao đủ dầu để đến mục tiêu?
Long khều chân Trần Lạc, Lạc đã quên F-4 của bọn Mỹ có tới ba thùng dầu phụ và trở về thiếu dầu đã có máy bay tiếp dầu, thậm chí trên những chiếc F-4 cũng có thể tự tiếp dầu cho nhau. Phó Tư lệnh quân chủng Nguyễn Văn Tiên lớn tiếng:
- Anh Lạc, anh không tập trung rồi. Mới hôm qua anh nói khác. Anh cho rằng bọn Mỹ có thể bay xa hơn tính năng nhờ có tiếp dầu. Anh còn nhớ không?
Phó Tư lệnh quân chủng phụ trách không quân, tất cả mọi người coi anh là tư lệnh không quân. Nguyễn Văn Tiên không có ác ý, anh thẳng thắn vạch những cái sai của thuộc cấp một cách vô tư. Những người dự cuộc họp, đa số tỏ ra thông cảm vì ít nhiều biết tâm trạng của Lạc. Lạc giật mình, trở lại thăng bằng, ngồi xuống bên cạnh Long, mặt đỏ vì thẹn. Long nói nhỏ:
- Anh làm sao vậy?
Tan cuộc họp, Long nắm tay Lạc trở về phòng ngủ của Lạc. Lạc nói:
- Hình như mình nói điều gì đó không phải. Long, tớ nói gì vậy?
Long ngồi xuống bên Lạc:
- Anh có bao giờ nói như vậy đâu. Anh bảo trận Nhạ, Cương không phải do địch bắn. Chính anh mới hôm qua còn nói với anh Tiên rằng, chắc chắn do địch. Biên đội không thể bị tai nạn được. Bữa nay, tất cả những gì anh nói không phải từ chính trong đầu anh, tôi biết anh không tập trung.
Trần Lạc bật khóc. Anh nằm xuống chiếc giường gỗ có thành giường ở hai đầu, cọc màn, khung màn dành cho cấp thiếu tá của anh. Lạc không cởi giày, úp mặt lên gối, vai rung lên. Long ngồi xuống bên cạnh Lạc, nói nhỏ:
- Tôi nghĩ, chắc là có việc gì đó làm cho anh phân tâm, lo lắng dữ lắm?
Rút chiếc khăn mouchoir cũ màu nâu đã phai lau vội những giọt nước mắt và nước mũi, Lạc nói:
- Tớ quá đau khổ. Tớ không xứng đáng. Tớ muốn xin nghỉ. Tớ muốn về nhà, để…
- Anh nên suy nghĩ cho kỹ, có lẽ không nên chịu đựng một mình. Anh Lạc, anh có muốn tôi giúp anh?
Lạc giật mình, anh biết Long có tính cách mạnh mẽ, đã nói là làm. Lạc sợ đổ vỡ, sợ mọi người biết, sợ ảnh hưởng đến uy tín của vợ anh và anh sợ cho chính anh. Bởi vì, bây giờ, dù sao anh vẫn có một gia đình, dù cái ruột của gia đình đó đã thối, chỉ cần đụng tới, nó vỡ ra không gì có thể ngăn được. Lạc căm thù kẻ đã tàn phá gia đình anh, lung lạc vợ anh, biến người con gái mà anh đặt hết hy vọng, là niềm tự hào của gia đình trở thành một người đàn bà hư hỏng, dối trá, lừa lọc, biết che đậy những hành vi bỉ ổi. Có thể, Lệ Thúy chưa biết Trần Lạc đã biết, nàng vẫn đối xử với Lạc có cái gì đó vừa gượng gạo, vừa như không có chuyện gì xảy ra, vẫn là một Lệ Thúy chu toàn trong mọi việc, các con của Trần Lạc vẫn được chăm sóc chu đáo… Chỉ đến khi đứng trước người đàn ông đó, nàng mới là một con người khác. Đôi lần Lạc bắt gặp nàng ôm thằng đàn ông đó nồng nhiệt, bản năng, khác hẳn với dáng vẻ đạo mạo trước học trò, cũng rất khác với cảnh mà những khi chỉ có anh và nàng. Lạc nhìn Long. Long tâm sự:
- Anh Lạc, làm thằng đàn ông khó lắm, nhất là một thằng đàn ông thời chiến. Chúng ta hoàn toàn phó thác gia đình cho hậu phương. Nếu hậu phương mục nát làm sao chúng ta yên tâm chiến đấu.