Long hết sức ngạc nhiên, dù anh đã biết Đào Đình Luyện là một sĩ quan cao cấp hiếm hoi, biết nhiều ngoại ngữ, nhưng thạo nhất là tiếng Pháp và tiếng Hoa. Điều đáng phục là ít khi ông dùng tiếng nước ngoài để nói với cấp dưới. Ông am hiểu rất sâu chữ Nôm, thuộc thơ Đỗ Phủ, Nguyễn Du. Ông đọc binh pháp Tôn Tử, Tam Quốc Chí, Sử ký Tư Mã Thiên bằng nguyên tác. Ông nghiên cứu rất kỹ phong cách quân sự của Napoléon, Koutouzov, Yukov. Ông say sưa nghiên cứu binh pháp của Trần Hưng Đạo, Quang Trung … Ông hiểu rõ, những bậc tiền bối thiên tài về quân sự đều là những người có tài thu phục nhân tâm, biết lắng nghe cấp dưới để bổ sung cho nhận định và quyết tâm chiến đấu của mình. Trong những ngày này, khi cuộc chiến đấu chưa thực sự đến, ông biết, muốn đánh thắng, phải vận dụng trí tuệ tập thể… Ông nhìn Nhân, Thành, lớp dẫn đường đầu tiên của trung đoàn. Ông liếc nhìn Trần Lạc, nhìn Long và các phi công của trung đoàn, nói:
- Mig-17 có ba khẩu súng, cự ly xạ kích không xa nhưng uy lực rất mạnh, góc đón bắn đơn giản, chính xác, dù lúc bắn tốc độ góc lớn. Bán kính lượn vòng nhỏ, ta sẽ nhanh chóng cắt bán kính nếu địch đi vào lượn vòng với chúng ta. Đó là điểm mạnh của Mig,…
Ông tiếp tục phân tích rất kỹ những điểm yếu của Mig, của phi công ta, đặc biệt là kỹ thuật nhảy dù khi lâm nạn…
Long nhìn theo bàn tay điều khiển chiếc Mig mô hình bằng nhôm của trung đoàn trưởng đoàn Sao Đỏ. Đôi lúc ông dừng lại, lấy phấn vẽ lên bảng các thông số của một phương trình toán học cao cấp, người ta đã đơn giản nó bằng những hệ số “K”để cho những người có trình độ văn hóa lớp 7 cũng có thể hiểu và tự tính toán được. Mọi người chăm chú nhìn theo bàn tay của ông, ông đang phân tích trạng thái máy bay địch để Mig có thể xạ kích … Còn Long, anh bị ám ảnh bởi những từ ngữ cũ, nhưng lại mới- “nhảy dù” và “lâm nạn”- mặc cho mọi người đang “bám” theo “địch” để xạ kích. Long đã từng học và tập nhảy dù vài lần trên chiếc AN-2, loại máy bay tới hai tầng cánh. Hồi đó, học nhảy dù, giáo viên hướng dẫn cho anh tự gấp dù cho vào áo, rồi giật thử, dù mồi bung ra kéo theo dù chính, anh hoàn toàn tự tin.
Vậy mà, khi cửa máy bay mở ra, bên dưới hun hút, chiếc dù mồi được nối với một sợi dây đã móc vào máy bay, tốc độ chiếc AN-2 chỉ trên dưới 180 km/ giờ, Long cảm thấy gió lướt qua thân máy bay vun vút đến ngộp thở… Có một cái gì đó rờn rợn, trong tâm linh, cái chết vụt đến, anh sợ hãi rụt chân co lại… liền sau đó, cũng bởi tâm linh sai khiến, Long sợ mọi người chê cười, sợ xấu hổ vì nhút nhát, anh nhảy đại ra khỏi máy bay. Gió lướt vụt qua tai, chưa kịp nghĩ cái gì xảy đến, Long nghe vài va chạm ở hai đùi, hai vai bằng cái giật rất mạnh, dù bung ra. Hai tay anh vội vã nắm chặt những sợi dây dù nhìn trời, nhìn xuống mặt đất, ngây ngất, sung sướng biết mình còn sống, trước khi thưởng thức cảnh đẹp của thiên nhiên… Long nhìn những phi công, họ hết sức tập trung nghe trung đoàn trưởng của mình. Long mơ hồ khi nghĩ đến chiếc Mig, nếu nó bị bắn rơi, đâu có ai biết tư thế chiếc máy bay sẽ nằm như thế nào? Quả tên lửa nổ sức mạnh của nó cỡ nào? Phi công bị bắn rơi có đủ tỉnh táo để kéo dù? Viên đạn đẩy dù ra khỏi máy bay nằm ở bên dưới chiếc ghế ngồi của phi công có hoạt động không? chân tay của những chàng trai này có còn phản xạ để tự co vào trong lòng hay bị đập vào thành máy bay nát vụn? rồi, dù có mở hay không? và với tốc độ không chiến trên 900 km/ giờ, cái gì sẽ đến với người lái máy bay lâm nạn?
Long bồi hồi, hết nhìn những phi công, lại nhìn Trung tá Đào Đình Luyện đang muốn những gì hiểu biết của ông phải đến với các chiến sĩ của ông. Đột ngột, Đào Đình Luyện chuyển đề tài, ông tâm sự:
- Các đồng chí có biết, những giờ đầu tiên không quân ta có mặt ở sân bay Nội Bài, ngay đêm 6 tháng 8 năm 1964, đài BBC của nước Anh đã đưa tin “Phi cơ Mig của Bắc Việt Nam đã có mặt ở sân bay Nội Bài”, ngay ngày 7 tháng 8 năm 1964 chiếc U-2 đã trinh sát, chụp ảnh toàn bộ trung đoàn chúng ta. Hôm qua Tư lệnh binh chủng không quân Nguyễn Văn Tiên đã trao đổi với tôi, ông ấy nói: “Đường bay của chiếc U-2 vừa là một sự răn đe, vừa là một thách thức đối với chúng ta. Bọn Mỹ ngang nhiên dòm ngó chúng ta, và việc Mig xuất hiện ở sân bay Nội Bài không còn là yếu tố bất ngờ đối với người Mỹ. Vấn đề là, chúng ta tự tạo ra bất ngờ cho từng trận không chiến…”. Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của Tư lệnh. Chúng ta cần phải tỉnh táo, cần phải trí tuệ. Người Mỹ hơn hẳn chúng ta về tất cả các mặt, phi công Mỹ được đào tạo căn bản, giờ bay nhiều. Chúng ta đều biết, ở trên không, giờ bay tích lũy, đồng nghĩa với kinh nghiệm điều khiển máy bay, là sức mạnh ở đôi bàn tay, là sự thuần thục theo thói quen. Người Mỹ có kinh nghiệm chiến đấu trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, trong chiến tranh Triều Tiên với không quân Trung Quốc. Tôi lưu ý tất cả vấn đề thực tiễn, để chúng ta thấy rằng, chúng ta yếu và thiếu. Vậy thì, người Việt Nam chúng ta sẽ san bằng cái yếu và thiếu đó như thế nào?Tôi đề nghị chúng ta đi sâu vào mổ xẻ để đi đến hành động thống nhất.
Thiếu tá Trần Lạc giơ tay, Đào Đình Luyện gật đầu, Trần Lạc đứng lên:
- Tôi xin phát biểu ý kiến cá nhân… Tôi hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề của đồng chí trung đoàn trưởng. Tại cơ quan quân chủng đã ba lần bàn về cách đánh, rằng chúng ta sẽ đánh như thế nào? Những buổi thảo luận nghiêm túc của các cơ quan, đồng chí Tư lệnh quân chủng và Tư lệnh không quân đều kết luận: “Chúng ta không có gì nghi ngờ về khả năng chiến đấu của chúng ta. Có đồng chí phi công đã nêu vấn đề quyết tử, sẵn sàng lao vào địch một đổi một. Chúng tôi và các đồng chí đều thống nhất, chúng ta chỉ có hơn 20 chiếc Mig-17, nếu một đổi một thì chỉ vài trận chúng ta sẽ hết sạch. Đó là nói một đổi được một. Nhưng cũng có thể với tinh thần”hữu dũng vô mưu “thì có thể chưa chắc chúng ta đã đạt được tỷ lệ đó. Còn,… không quân Mỹ, nhiều lắm… Điều đó không đúng với phương châm tác chiến của quân đội ta”. Riêng về bộ phận dẫn đường, chúng tôi cũng đã bàn về dẫn cho Mig-17 đánh với bọn Mỹ, chúng tôi đã bàn về lấy ít đánh nhiều, nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề hình thái chiến thuật cụ thể. Tại sở chỉ huy binh chủng cũng đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó giải quyết mối quan hệ giữa con người và phương tiện chiến đấu, chính trị và kỹ thuật được đặt ra hết sức nghiêm túc.
Phan ngồi phía sau Nhân và Thành vụt đứng lên, vội vã:
- Chúng ta có thể bàn cách đánh, chiến thuật không chiến… Nhưng, để bàn về yếu tố tinh thần, yếu tố chính trị và kỹ thuật như đồng chí trưởng ban dẫn đường, tôi đề nghị không bàn bởi vì yếu tố tinh thần chúng ta hơn hẳn bọn Mỹ, bọn lính đánh thuê làm gì có tinh thần chiến đấu. Còn mối quan hệ giữa chính trị và kỹ thuật, chúng ta coi chính trị làm gốc, tư tưởng đi đầu, không có chuyện so sánh với chính trị được, chính trị của chúng ta là chính trị ưu việt, cuộc chiến đấu của chúng ta là chính nghĩa, không thể bàn cãi.