Trong những anh bộ đội bước chân trên đường phố, người ta bắt gặp bóng dáng của những sĩ quan trẻ, mặc áo bốn túi, chân đi giày đen. Tiếng giày đế da nện trên đường phố như những tiếng nhạc hùng tráng thúc giục những trái tim xao xuyến, ao ước và đắm say ngoái nhìn mỗi khi chàng bước trên đường. Nên họ đập mạnh vào mắt các cô gái trẻ học sinh cuối cấp ba, những sinh viên các trường đại học. Nàng Bích Liên của Trần Lạc nằm trong số các cô gái Hà Nội thời đó. Nàng đẹp, giọng nói rặt Hà Nội, đặc biệt chữ “gi”được nhấn cong lưỡi rất điệu. Bích Liên sang trọng từ cách ăn mặc cho tới trang điểm. Thời đó các cô gái Hà Nội mặc áo không có li, cổ hai ve, cổ cánh nhạn, cổ lá sen theo mốt Thái Lan. Áo Bích Liên bao giờ cũng ôm tròn cơ thể nõn nà, những đường cong quyến rũ nổi lên làm mê đắm Trần Lạc. Anh đắm say Bích Liên. Ngoài nhan sắc mặn mà, xinh đẹp, hấp dẫn của một cơ thể tràn đầy sinh lực, cái mà Trần Lạc xao động mạnh nhất bởi nàng là gái Hà Nội, một cô gái thành thị với dáng dấp kiêu sa, đài các. Nhìn nàng cái gì chàng cũng thấy toát lên vẻ sang trọng mà thời đó là một của quý, một báu vật không dễ gì có.
Dần dà, theo thời gian, cái lãng mạn ban đầu nhường chỗ cho sự tính toán thực tế. Cuộc sống không phải chỉ là những lời nói hoa mỹ, những khẩu hiệu hùng hồn mà là nhà ở, tiện nghi, tiền bạc. Cái quan trọng bậc nhất mà người phụ nữ cần là sự chăm sóc của người đàn ông, là tình cảm đôi lứa, gần gũi xác thịt. Điều mà Trần Lạc bộc lộ nhược điểm lớn nhất, chính là ngày càng khô cứng về tình cảm, bởi cuộc sống trong quân ngũ, những lo toan cho những trận không chiến sắp đến, đầu óc không còn rảnh rang, không còn sự lãng mạn như trước. Trần Lạc lại yếu về sức mạnh đàn ông, nhiệm vụ của anh nặng nề, vắng nhà nhiều hơn và do đó anh cũng xa nàng thường xuyên hơn. Ngoài lương bộ đội, không có thu nhập nào khác, anh không đủ đáp ứng những đòi hỏi về vật chất, đặc biệt là về tình cảm của nàng. Thế là anh, không còn là hình bóng choáng ngợp như thuở xưa. Bây giờ, dưới mắt nàng, anh là một sĩ quan không còn “đi nhớ, ở thương”như trước. Nàng bắt đầu nhìn những người đàn ông khác, luôn ở bên cạnh nàng. Họ chăm chút nàng từ trang phục, mái tóc dài, chiếc cặp da đến chiếc áo sơ-mi trắng. Đặc biệt họ còn tâng bốc nàng bằng những câu: “Em là một đóa hoa rực rỡ, một phụ nữ trí thức, có tư duy sắc sảo”... Rồi một bữa nọ, sự vô tình va chạm đã làm cho nàng cảm nhận lời nói của một chàng: “Em thật sự tài năng hơn người, em phải được đối xử và chăm sóc tốt hơn” bỗng trở nên lung linh, huyền ảo và nàng đã cho hình bóng của Trần Lạc rời hẳn khỏi bộ nhớ của nàng. Trong đầu nàng, hình ảnh anh bộ đội mờ dần và dáng vẻ trí thức lịch lãm của gã đàn ông ở bên cạnh lúc nào cũng xuất hiện trong mắt của nàng, đến đỗi mỗi ngày không gặp chàng, Bích Liên không sao chịu nổi. Cuối cùng nàng đã nằm gọn trong vòng tay gã đàn ông ấy … Chuyện về Bích Liên sa ngã đến tai Trần Lạc. Anh rạc người, lo lắng và bất an. Lạc đã trở thành một người khác hẳn, không còn nhanh nhẹn, thông minh… mà trở thành một người sống hoài nghi, cáu gắt một cách vô lý. Nhiều đêm, khi tiếng kẻng điểm danh, vang những âm thanh dài, là lúc Lạc xếp gối, kéo chăn để dọc giữa giường, giống như người đang nằm ngủ, đôi dép để dưới giường, mũi quay ra như chủ nhân đang nằm trên giường nghỉ trưa. Tay xách đôi dép khác, lạc rón rén đi chân đất ra khỏi phòng ngủ, rời khỏi doanh trại đi về nhà. Nhón chân, nhìn qua cửa sổ nhà mình, Lạc tìm Bích Liên. Thấy Bích Liên ở nhà, anh trở về đơn vị. Hôm nào không thấy nàng, anh đi tìm. Chiếc xe Juinior màu mận chín của anh đi khắp Hà Nội, vào các công viên, đi đến nhà đối thủ. Anh rình, anh tìm cho ra Bích Liên . Có lần, anh thấy Bích Liên ôm hôn người đàn ông ở một quãng vắng, trong công viên hoặc ở cơ quan của nàng. Dường như Lạc chỉ cần thấy chớ không bắt quả tang. Lạc cũng không nặng lời với nàng mà chỉ âm thầm chịu đựng. Có người nói vì những đứa con. Có người nói anh giữ danh dự cho nàng. Có người lại bảo đó là bản chất của Lạc. Và anh suốt đời chịu đựng nỗi bất hạnh đó một mình, bởi vì Lạc muốn như vậy…
Long nhiều lần định tâm sự với Lạc. Nhưng rồi anh lại không nói điều mà anh biết đó là nhược điểm lớn nhất, là nỗi nhục của người đàn ông. Không nên khơi ra. Long bất ngờ nghe tiếng của Lạc:
- Này, Long.
Long hỏi lại:
- Anh định hỏi gì?
- Hôm nay, theo cậu, địch có vào không?
Long trả lời:
- Tôi nghĩ là không, trời mưa thế này…
Trần Lạc hỏi bâng quơ:
- Mưa, theo cậu lạnh hay nóng.
Long trả lời ngay, bởi vì điều đó anh đã có học thời còn là học viên bay khóa 1 Trường Hàng không Việt Nam ở Hải Phòng vào mùa xuân năm 1959:
- Lạnh.
Long chợt nhớ như mới ngày hôm qua. Vào cuối năm 1958, năm đó, anh còn rất trẻ, dường như chỉ trên dưới 20 tuổi. Một ngày mùa đông, anh đi dự một đám cưới, duyên số đã đưa anh đến với một cô gái mắt tròn, môi hồng, má còn lất phất măng tơ. Ngày hôm đó trời lạnh, mưa phùn, gió bay những sợi tóc tơ của nàng quấn vào cổ anh và cột chặt cuộc đời anh với nàng. Đến bây giờ, dù còn vất vả và thiếu thốn, anh đã có một gia đình đầm ấm, một đứa con gái đã hơn hai tuổi … Long quay lại. Lạc nói trong trạng thái mơ hồ:
- Vậy mà, lúc nào tớ cũng thấy nóng.
Long im lặng, anh biết bây giờ, chỉ cần gợi ý là Lạc nói ra, biết đâu điều đó sẽ gây khó xử cho anh ấy. Long rất hiểu điều đơn giản, mà ai cũng biết, bên trong tính cách của một gã đàn ông. Trong con người của Trần Lạc cái chất đàn ông ấy lại bị nén chặt bởi một hoàn cảnh, một môi trường với những mối ràng buộc gì đó tạo nên bi kịch. Long thấy Lạc rất đau đớn, như đang gồng mình cố giữ một nồi hơi không có van xả, áp suất ngày một tăng lên ghê gớm. Cái nồi hơi ấy chỉ cần một cơ hội sẽ nổ tung. Long an ủi, ẩn dụ:
- Anh Lạc, anh xem kìa, hình như mây đang trôi ngược trở lại.
Lạc nhìn trời lắc đầu:
- Nó vẫn đi, nó không thể nào trở lại.