Long rụt rè, nêu rõ chính kiến của mình:
- Thưa, tất nhiên, về yếu tố tinh thần, chúng ta không có gì phải bàn, phi công ta hừng hực khí thế lập công. Nhưng, đánh nhau với bọn Mỹ, chúng ta phải tính đến yếu tố kỹ thuật, trong đó kỹ thuật về điều khiển máy bay, kỹ thuật không chiến. Hiện nay, theo tôi, trình độ khoa học kỹ thuật chúng ta kém xa bọn Mỹ. Thưa Tư lệnh, tôi xin phép nói thật lòng … Chúng ta chấp nhận chiến đấu thì chúng ta cũng phải chấp nhận đối thủ. Bây giờ đã không thể có chuyện đổi đối thủ, mà là phải chấp nhận đối mặt với đối thủ, dù là một đối thủ khó chịu đến cỡ nào…
Long dừng lại đột ngột, anh cảm thấy tư lệnh khó chịu về cách nói như thuyết giảng của anh, điều mà anh biết không phù hợp trong lúc này. Tư lệnh cúi gầm mặt, hai hàm răng nghiến chặt, ánh sáng đèn rọi xuống mặt bàn, hất ánh sáng phản chiếu lên khuôn mặt khá lớn, da ngăm, đôi lông mày rậm, mắt to, cằm vuông, môi mím của ông. Ông nhận ra viên sĩ quan thấp hơn ông đến bảy cấp bậc nói những điều dễ gây nên khó chịu cho cấp trên. Ông biết rõ anh ta một người vốn bộc trực và thẳng thắn. Anh ta suy nghĩ và quan sát thế nào sẽ nói ra những điều mạnh mẽ, tự chủ, không dựa vào ý kiến của bất kỳ ai, nói cho cùng dù điều đó chỉ thiệt cho anh ta. Đối với ông, dù rất khó nghe, nhưng ông vẫn muốn biết anh ta có suy nghĩ gì mới.
Tư lệnh nhìn thẳng vào Long hỏi:
- Vậy, ý kiến của cậu về trận đánh ngày mai sẽ như thế nào, ta và địch?
Long thẳng thắn:
- Thưa Tư lệnh, anh Ngọc đã nói rất rõ về địch. Tôi nghĩ ngày mai người Mỹ sẽ đánh khác hơn hôm nay. Về ta, hai phương án của Tư lệnh đã đủ.
Tư lệnh nhìn rất lâu vào ánh mắt của Long. Ông đọc được trong đó sự e ngại thường tình của một sĩ quan trẻ. Ông biết rất rõ, xu thế tư tưởng buộc chàng sĩ quan này, dù cho có trực tính, có dũng cảm đến đâu, cũng phải dè chừng. Ông ôn tồn nói với Long:
- Tôi biết cậu định nói khác với điều cậu nói vừa rồi. Nhưng, thôi, để ngày mai.
Long hiểu, trong câu nói lấp lửng của Tư lệnh, có một điều ông không muốn tranh luận bởi vì chúng ta chưa có thực tiễn. Ông băn khoăn có thể ý kiến của số đông sẽ đúng. Nhưng, cũng có thể mọi việc sẽ khác xa với những điều mà cả ông và Long cùng nghĩ. Việc bây giờ là phải làm tất cả những gì có thể để giảm đến mức thấp nhất những tổn thất có thể xảy ra trong cuộc chiến đấu ngày mai. Ông ngồi xuống bên Đào Ngọc:
- Trận chiến đấu ngày mai sẽ rất khó khăn, công tác chuẩn bị cần phải làm thật tốt. Việc gì có thể làm được hôm nay không nên để ngày mai.
- Rõ, thưa Tư lệnh. Mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh tại sở chỉ huy đã làm xong.
Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên gật đầu. Ông bước ra khỏi sở chỉ huy không quân với những bước dài, cả người ông như dồn về phía trước với bao suy tư về những vấn đề ông chưa từng gặp phải. Trong khi đó, Đào Ngọc và Long trải tờ giấy bóng mờ cỡ lớn, trên đó có vòng phương vị nơi đặt trạm radar bên trong sân bay Bạch Mai. Chiếc bút chì đen mềm loại HB được vót nhọn, cây thước tam giác có nửa vòng tròn với những khắc độ và cự ly được đặt sẵn trên bàn, chiếc đồng hồ giờ có kim giây màu đỏ ở góc bàn. Phía trong nơi đặt máy liên lạc với trên không, bộ máy ghi âm với những cuộn băng có đường kính gần ba tấc gắn liền với chiếc máy đối không, ghi lại tất cả những cuộc đối thoại ở trên không và ở trên không với mặt đất. Tất cả đã sẵn sàng cho cuộc chiến đấu ngày 4 tháng 4 năm 1965.
***
Anderson cất cánh … đường băng phi trường Tákli rất dài và rộng đủ để có thể cất cánh từng hai chiếc song song và bốn chiếc nối đuôi. Toàn bộ đội hình 36 chiếc F-105D chỉ bằng động tác kéo dài hơn cất cánh bình thường thêm một phút, vòng lại 180 độ thông qua phi trường là đã tập hợp xong, đội hình 9 biên đội trải dài khá xa… Anderson chuyển hướng bay về hướng hồ Nonghan và lên cao 4.500 mét. Anderson quan sát đội hình bằng mắt thường, từng bốn chiếc nối đuôi, hùng dũng lướt qua những cánh đồng lúa và rừng Thái Lan, xanh thẫm, ngút ngàn. Ông ta gọi trung tá Bennett đang bay ở cuối đội hình:
- 484, biên đội tốt chứ?
Ben trả lời:
-Rất tốt, tôi vẫn nhìn thấy Đại tá.
- Tốt lắm.
Anderson đưa mắt quan sát bầu trời. Phía trước, bầu trời xanh, thi thoảng có những đụn mây như ngọn núi cao…. Theo quy định trong phương án tác chiến do viên sĩ quan hành quân phổ biến, toàn bộ đội hình mang bom của liên đoàn Anderson phải có mặt ở hồ Nonghan vào lúc 10 giờ. Bên trái theo hướng bay tới là sân bay dân dụng Chiang Khrua. Tại đó, biên đội của Anderson sẽ gặp 16 chiếc F-4H cất cánh từ sân bay Udon bay đến tập hợp vào đội hình của biên đội cường kích và nó sẽ yểm hộ trực tiếp trong đội hình cho đến mục tiêu. Anderson liếc nhìn chiếc đồng hồ giờ lấy theo giờ Hawaii gắn trên bảng đồng hồ, chiếc kim giây ở cuối đầu có đốm trắng để phi công có thể nhìn ban đêm. Nó đặt ở giữa. Phía trên, phía dưới, bên phải và bên trái nó hàng chục chiếc đồng hồ đảm nhiệm hàng trăm chức năng khác nhau, có chiếc chỉ độ cao, áp suất buồng đốt, nhiệt động cơ, chỉ vòng quay rồi chỉ tốc độ máy bay, chỉ độ nghiêng cánh, chỉ lượng bay lên, bay xuống, v.v… Đặc biệt nhất có lẽ là chiếc radar ngắm bắn là lớn hơn cả. Anderson còn được phổ biến, ngay trên buồng lái, phía bên trái có bốn máy gây nhiễu sóng điện từ, chỉ cần có lệnh mở máy, bốn công tắc được bật lên, tức khắc máy sẽ hoạt động và cả bốn máy sẽ là bức màn trắng hoàn toàn vô hiệu hóa radar đối phương, kể cả radar ở mặt đất và radar trên máy bay. Đồng hồ giờ đã nhích dần đến giờ quy định, đội hình hành quân của liên đoàn Anderson bay qua gần đến miền Đông nước Thái Lan, hồ Nonghan xuất hiện ở xa xa. Anderson liếc sang trái, ngay dòng sông đổ ra hồ, phi trường Chiangkhrua màu xám như một vệt bút chì đen giữa mảng màu xanh lá mạ. Anderson bấm micro:
- Gấu Mèo, Chim Ưng gọi. Tôi đã đến điểm “Zero”.
Tiếng Smith, trung tá chỉ huy phó liên đoàn 305, F-4D trả lời:
- Gấu Mèo nghe. Tôi đã nhìn thấy bạn. Tuyệt lắm. Chúng tôi đủ số lượng, bố trí như phương án “Báo Con”.
Anderson nhìn sang trái, 4 chiếc F-4 tập hợp vào đội hình, bên phải hai chiếc F-4 đi phía trước đội hình F-105. Ở phía sau Bennett báo cáo:
- Gấu Mèo, tôi thấy các anh ở phía sau và…