VIỆN SĨ HOÀNG TRINH Đây là một cuốn sách tôi đọc lần thứ hai, nhưng nó vẫn giữ nguyên vẻ hấp dẫn của một thế giới mới được biết đến.
Tôi không nói đây là cuốn tiểu thuyết vì tác giả cuốn sách đã ghi truyện ký. Nhưng có một sự thật là: Khi ta nghe một câu chuyện thực mà hay, ta thường nói “nghe như tiểu thuyết, đúng là tiểu thuyết!”. Điều này có khi phá những định đề văn học nào đó. Chẳng hạn như lấy văn học làm chuẩn để đánh giá những hiện thưc nào đó được thuật lại, hay là lấy hiện thực này làm cơ sở đánh giá sự sáng tạo trong văn chương. Sẽ là dài dòng và không thích hợp ở đây nếu biên những dòng cảm tưởng này thành nơi đối thoại lý luận. Cảm tưởng thật có thể nói lên là: đây là một cuốn tiểu thuyết (không phải về) mà là của người thực việc thực, một tác phẩm – tự nó một cuộc sống – tác phẩm hay, chân thật, hùng hồn đúng như thực tế lịch sử rành rành của nó. “Lịch sử là tiểu thuyết đã viết, tiểu thuyết là lịch sử có thể như vậy” (Edmond dé Goncourt).
Tôi chưa thật sự thỏa mãn lắm với vế câu đầu nói nổi tiếng này khi chọn nó để nói đến cuốn truyện. Nhưng dù sao nó cũng trúng với cảm tương ban đầu của tôi. Hay như tiểu thuyết, lịch sử mà hay như tiểu thuyết.
Khi nói tới Bình Xuyên, chỉ biết đến Bảy Viễn, một anh chị khét tiếng, Bình Xuyên đối với tôi lúc bấy giờ chỉ toàn là cướp, thảo khấu, lục lâm. Sau này nghe nói tới bác Mười Trí, bước đầu cũng nhận ra sự ngộ nhận nhưng vẫn cho là chắc không nhiều. Chỉ khi được tới thăm một số vùng Bình Xuyên sau ngày giải phóng, và nhất là sau khi hai lần đọc truyện ký này thì mới được tiếp xúc với lịch sử trong tư cách sự thật của nó. Bình Xuyên mà tham gia Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hoạt động bí mật, được kết nạp vào Đảng trước cả Cách mạng tháng Tám. Bình Xuyên mà chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đứng trong hàng ngũ Việt Minh, cướp chính quyền, đánh Nhật, đánh Tây, chiến sĩ có, chỉ huy có… Tám Mạnh, Hai Vĩnh, Ba Dương, Bảy Rô, Chín Mập, Ba Thu, Quốc Đăng… rồi Mười Trí mà tôi được nghe nói tới nhiều nhất. Hóa ra Bình Xuyên là thế. Cũng như Hòa Hảo không phải chỉ có Ba Cụt; Cao Đài không phải chỉ có Phạm Công Tắc. Bình Xuyên là ta, là ta từ nhiều chốn, nhiều nơi, nhiều ngả đến, với các lai lịch, số phận, tính cách dữ dộ khách nhau, cách đến quanh co, xuôi ngược khác nhau, kinh qua những cuộc thử thách, phân hóa quyết liệt, cuối cùng đã gặp nhau ở một tụ điểm: Cách Mạng.
BÁC SĨ NGUYỄN KHẮC VIỆN
Bình Xuyên, Nhà xuất bản Công an, thoạt tiên tôi nghĩ “lại là câu chuyện giật gân câu khách”. Nhưng vì từ trước đến nay tôi vẫn tìm hiểu về tổ chức Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo để hiểu cho được đặc trưng của cách mạng miền Nam nên tôi vẫn cố đọc. Và thật là một bất ngờ đầy thú vị, tôi đã bị cuôn sách 600 trang này lôi cuốn từ đầu đến cuối. Trước hết vì tính hấp dẫn của câu chuyện, quyền sách có thể xem như là Thủy Hử Việt Nam, một Thủy Hử của thế kỷ 20, một tác phẩm đầy kịch tính, với những nhân vật đậm nét. Là một người làm sử, tôi vui sướng tìm được ở đây một kho tư liệ quý về một giai đoạn hết sức phức tạp của cách mạng ở nước ta. Tác giả đã dày công thu thập tài liệu, gặp rất nhiều người, làm việc trong nhiều năm mới dựng lại được thiên sử này.
NGUYÊN BỘ TRƯỞNG NỘI VỤ MAI CHÍ THỌ Sách của Nhà xuất bản Công an Nhân dân đã có những đóng góp quan trọng nâng cao trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an nhân dân. Bản thân tôi là người lãnh đạo cũng đã khai thác một phần tri thức ở sách của Nhà xuất bản Công an Nhân dân như các cuốn Một trăm năm khoa học hình sự, Bút ký người dự thẩm, Người Bình Xuyên…
Tôi đã từng chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ nhưng cuốn Người Bình Xuyên mà các đồng chí xuất bản đã thực sự cuốn hút tôi.
NGUYỄN THẮNG – BÁO ĐOÀN KẾT (PHÁP) Một bất ngờ thích thú cho những bạn đã quen nhìn các tác phẩm của Nhà xuất bản Công an Nhân dân như một loại tiểu thuyết, một truyện kể lại sự việc đã xảy ra, thực chất có ít nhiều, nhưng chỉ là sự kiện tiểu thuyết hóa.
Người Bình Xuyên, nhìn bìa ngoài, không nhãn hiệu phân loại, chỉ thấy tựa sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản, năm ra mắt bạn đọc, thế thôi.
Mà cái tựa thật hấp dẫn, ít nhất là đối với dân Nam Bộ, cả một thời đã cuốn theo chiều gió, cái máu chuộng yên hùng hảo hơn tưởng đã mất đi tự đời nào vụt trổi dậy. Khơi lại tất cả tò mò chưa từng được thỏa mãn, những câu hỏi chưa bao giờ được giải đáp thảo đáng về những con người Lương Sơn Bạc – Bình Xuyên rất truyện Tàu mà lai là sản phẩm chính cống miền Nam, một thời chọc trời khuấy nước, rồi chìm ngấm, cuốn đi theo lịch sử.
…
Tình thế éo le gây cấn chẳng khác nào Đông Châu Liệt Quốc khiến ngòi bút chỉ chực hạ ngay câu “muốn biết sự việc ra sao, xin xem hồi sau phân giải”.
Nhưng nếu chỉ xem Người Bình Xuyên như một truyện Tàu không hơn không kém thì quá bất công. Với Nguyên Hùng, với những con người mà đường đời, xương máu dù muốn dù không, đã kết vào lịch sử đất nước, dân tộc. Nguyên Hùng không muốn xếp loại cuốn sách này, tiểu thuyết hay truyện ký, hẳn anh có lý do. Xin tôn trọng lý do của anh, chỉ mong anh tiếp tục sưu tầm kịp thời những tư liệu trực tiếp, từ cửa miệng những nhân chứng còn sống sót qua cơn sóng gió lịch sử.
Chưa phải là sử, mà ai là người có tham vọng viết lịch sử ngày vừa qua? Điều chắc chắn, đó là những mảng nóng hổi lịch sử, những tư liệu quý, và sau Người Bình Xuyên mà Nguyên Hùng đã để năm năm trời tìm kiếm tư liệu và viết nên sách, chúng ta nôn nóng chờ đợi đọc các tác phẩm sắp tới của anh.