Vấn đề giáo phái không đơn giản như Mỹ nghĩ. Bình Xuyên “bạo phát bạo tàn” còn Cao Đài và Hòa Hảo đến nay vẫn còn là hai điểm nóng của thời sự miền Nam.
Mỹ-Diệm giết Ba Cụt càng làm cho tín đồ Hòa Hảo căm thù chống đối. Đến trào Thiệu, Kỳ, Mỹ thấy rõ sai lầm trước kia, tung tiền mua chuộc các tay buôn thần bán thánh tụ tâp quanh Thánh địa Hòa Hảo.
Trước tình hình đó, vai trò của Sư thúc Hòa Hảo rất quan trọng. Một chuyến về thăm đồng bào miền Tây của Mười Trí vào thời điểm này là cần thiết.
Mười Trí vừa thi xong tốt nghiệp cấp hai văn hóa bổ túc thì được điện bí mật đi B thăm bà con Hòa Hảo ở miền Tây.
Trên đường về Nam, Mười Trí bùi ngùi xúc động. Nhớ ngày nào đọc chữ không chạy phải đánh vần từng chữ, chỉ biết ký tên mà bây giờ leo lên đến lớp bảy, thật là quá sức tưởng tượng. Nhưng điều làm Mười Trí vui mừng hơn hết là đám con của ông không còn dốt nát như cha nó ngày xưa. Thằng Ri đi học ngành y, là học trò cưng của giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng. Ông cũng khuyên con Trong cố gắng học để sau này trở nên bác sĩ sản khoa vì lúc mẹ sanh nó là do bà mụ vườn đỡ đẻ…
Đặt chân lên mảnh đất miền Tây, gặp lại đồng chí Mười Tôn là người thay ông phất cao ngọn cờ chống Mỹ cứu nước của những người Hòa Hảo chân chính, Mười Trí ôm hôn mà nước mắt chực trào ra.
“Chuyện đời thật oái oăm: mình là Sư thúc Hòa Hảo bất đắc dĩ. Nhưng càng đi sâu vào nhiệm vụ được giao phó, đặt hết tinh thần vào công tác vận động đồng bào Hòa Hảo tham gia kháng chiến chống quân xâm lăng, giành độc lập, mình đã tìm ra chân lý. Pháp trước rồi Nhựt sau nhận định “dân Nam Kỳ dám chết vì đạo dễ dàng hơn là dám chết vì nước”. Đó là chuyện ngày xưa, khi dân mình còn chìm đắm trong mê muội vì chính sách ngu dân của Tây. Nhưng kể từ ngày có Bác Hồ chỉ đường dẫn lối, dân trí được mở mang, nhất là sau ngày độc lập, rồi chín năm kháng Pháp, kế đến thời đánh Mỹ, ngày nay có thể nói ngược lại “dân Nam Kỳ dám chết vì nước dễ dàng hơn dám chết vì đạo”…
Mười Trí thẳng thắn nói rõ cảm nghĩ của mình sau thời gian về thăm đạo hữu với ông Mười Tôn. Cả hai đều nhất trí một khi dân trí được mở mang thì người dân biết phân biệt chính nghĩa với tà mị…
Bà con miền Tây nghe tin Sư thúc Hòa Hảo về thăm bổn đạo kéo nhau vô căn cứ thăm gần như công khai. Họ sống lại những ngày xa xưa, nhắc cho nhau nghe những kỷ niệm khó phai về các đại hội liên tôn tại Long Châu Hà những năm 50, 51.
Mười Trí tính ở lại tiếp tay với Mười Tôn trong công tác vận động Hòa Hảo chống Mỹ, nhưng cơn sốt ác tính buộc ông phải gấp rút ra Bắc điều trị.
*****
Trên đường sang Campuchia, Hai Vĩnh dừng chân nghỉ đêm tại một trạm bên dòng sông Đông Nai. Tình cờ anh gặp lại Bảy Môn cũng ghé lại trạm trên đường công tác. Hai Vĩnh kêu to lên:
- Anh Bảy. Đi đâu đó?
Bảy Môn nhận ra Hai Vĩnh:
- Anh Hai!
Cả hai ôm nhau mừng rỡ.
- Tôi lên Campuchia làm việc với Lâm Quốc Đăng đây. Anh có nhắn gì không?
Mắt Bảy Môn sáng rực lên:
Nhờ anh Hai nói với Tư Thược (Lâm Quốc Đăng) là Bảy Môn lúc nào cũng xứng đáng là đồng chí của anh Tư và anh Ba Thuận (Ba Thu)…
Một vài giây sau, Bảy Môn tâm tình:
- Nhờ hai anh này dẫn dắt mà bây giờ tôi được đứng trong hàng ngũ Đảng. Không có các anh thì bọn mình chỉ là những tên đánh thuê chém mướn như Bảy Viễn… Phải vậy không? Nhớ lại chuyện mình chém lộn ở Chợ Cũ mà buồn cười. Chẳng ra làm sao hết!
Hai Vĩnh gật gù:
- Xin mừng cho anh, mà cũng mừng cho tôi, mừng cho tất cả những tay giang hồ đã tìm được con đường tươi sáng, con đường vinh quang, con đường chiến đấu giải phóng quê hương…
Ngoài sân bỗng sáng hẳn lên. Mảnh trăng rừng thoát khỏi áng mây, tỏa ánh sáng vàng phơn phớt xanh xuống khu rừng già…
- Trông kìa! – Bảy Môn chỉ dòng sông lấp lánh ánh trăng như mời mộc, như quyến rũ.
Cả hai bước ra khỏi trạm di dọc theo bờ sông, thả hồn theo dòng suy nghĩ “Con sông này đổ ra biển, chắc chắn phải chảy ngang Rừng Sác. Chốn ấy có một thời chúng mình đã theo các bậc đàn anh cát cứ một vùng “dọc ngang nào anh biết trên đầu có ai”…
Những hình bóng cũ thoáng qua, kẻ mắt người còn: Ba Dương, Năm Hà, Tám Mạnh, Bảy Viễn, Mười Trí… Điểm lại, ngoài Ba Dương hy sinh quá sớm, trừ Bảy Viễn lưu vong trên đất khách, các bạc đàn anh Tám Mạnh, Năm Hà, Mười Trí đã giã biết kiếp giang hồ để xuôi theo dòng sông về với biển cả, biển cả dân tộc Việt Nam anh hùng.
NGUYÊN HÙNG Khởi thảo 1980-1983
Hoàn chỉnh 1985