Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Người Bình Xuyên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 99495 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Bình Xuyên
Nguyên Hùng

Chương 31

- Chuyện Phạm Hữu Đức như vầy: Nguyễn Bình tổ chức lễ Quốc tế lao động 1-5-47 tại Giồng Lớn. Nguyễn Bình khoái tổ chức chánh qui, ra lệnh làm mít tinh rầm rộ, huy động cả ngàn người tới dự. Cuộc mít tinh ngày Quốc tế lao động đó, sẵn có nhiều chi đội về hội nghị, Nguyễn Bình tính biểu dương lực lượng, chỉ định Hai Lung Chi đội 3 của mình làm tổng chỉ huy phó cuộc mít tinh. Nhờ ra trễ mà Hai Lung thoát nạn. Sáu chiếc máy bay, ba chiếc Phun lửa (Spitfire) với ba con cồng cộc (King Cobra) lên quần đảo, bỏ bom rồi bắn liên thanh cả tiếng đồng hồ. Cán bộ và đồng bào chết vô kể. Đèn măng sông thắp sáng choang, máy bay lên tắt không kịp, thành thử chúng cứ thả bom và bắn đúng mục tiêu. Nguyễn Bình đặt dấu hỏi “ai cho địch biết ngày giờ và địa điểm cuộc mít tinh?”. Chỉ có các chi đội trưởng các chi đội về Khu hội nghị mới biết tin này. Từ đó phăng ra Phạm Hữu Đức.
Đích thân Chính ủy Hai Trí đảm trách việc điều tra. Hai Trí nhận xét Chi đội 5 được đồng bào thành tiếp tế đầy đủ hơn các chi đội khác. Từ đó, ông ta phăng lần ra chánh văn phòng Chi đội 5 – ông Nhàn – có liên hệ mật thiết với bà con ở thành. Có thể ông Nhàn là đầu mối đưa gián điệp vô Khu, báo tin cho máy bay bắn đồng bào dự mít tinh. Tư Đức cũng bị Hai Trí “mời” về văn phòng Khu điều tra. Ông Nhàn và ông Đức bị “mời” riêng, nhưng tình cờ xui khiến hai đoàn gặp nhau tại bến đò. Ông Nhàn mới kêu lên “Anh Tư ơi, em bị bắt”.
Trong tình thế đó, Tư Đức buộc phải ra tay, “Hai Trí cho bắt Chánh văn phòng của mình thì chắc chắn bắt luôn mình”. Và trong cơn phẫn nộ, Tư Đức nổ súng bắn tiểu đoàn trưởng Kiều Mạnh Giá là người được Hai Trí chỉ định “mời” Chi đội trưởng Phạm Hữu Đức.
Tiểu đội trưởng Điền theo bảo vệ Kiều Mạnh Giá liền bắn Phạm Hữu Đức bị thương. Vệ sĩ Tư Đức bắn Điền chết tốt. Tự thấy mình đã gây ra hai cái chết cho Giá và Điền, Tư Đức tự kết liễu đời mình.
Mười Trí kết luận: “Do Hai Trí đa nghi như Tào mà trong một lúc ta mất ba cán bộ quân sự tài giỏi! Mình biết Tư Đức chết oan vì dòng họ Phạm của Tư Đức tham gia cuộc khởi nghĩa đánh dinh quan lớn Ca (Trần Tử Ca) chủ quận Hóc Môn. Đó là đời ông nội. Qua đời cha, than gia Hội kín bị đày đi Côn Đảo với Nguyễn An Ninh rồi chết ngoài đảo.
Còn Tư Đức thì sáng lập Đệ Tam Cộng Hòa với Nguyễn Hòa Hiệp. Khi Hiệp đầu Tây, Tư Đức ở lại được Nguyễn Bình giao Chi đội 5.
Bảy Viễn hỏi:
- Hai Lung có bị nghi ngờ?
- Bị chớ! Bởi Hai Lung là tổng chỉ huy phó cuộc mít tinh đó. Khi được mời lên văn phòng Bộ Tư Lệnh, Hai Lung đường hoàng xin gặp Chính ủy tức Hai Trí chứ không thèm tiếp chuyện với cán bộ điều tra tên Thơm. Hai Lung nói với Hai Trí:
- Chính ủy muốn hỏi Hai Lung có cách mạng triệt để không? Muốn biết điều này phải chịu khó theo dõi quá trình chiến đấu của Hai Lung. Kháng chiến gian khổ vô vàn, nhưng Hai Lung không bỏ cuộc. Mặc dù có nhiều cơ hội để trở lại cuộc sống nhung lụa, chính ủy dư biết anh rể Hai Lung là Maurice, tỉnh trưởng Gò Công đã nhiều lần gởi thư ân cần mời Hai Lung về để giao ghế phó tỉnh trưởng…
- Hai Lung không nên thắc mắc. Đây chỉ là thủ tục cần thiết. Không ai dám nghi ngờ lòng chung thủy với cách mạng của Hai Lung đâu. Thôi vậy là đủ rồi. Hai Lung có thể ra về…
Nghe chuyện của Phạm Hữu Đức, Bảy Viễn giật mình lẩm bẩm: “Giòi trong xương giòi ra”.Và tự nhiên hắn nghĩ ngay tới Tám Tâm. Từ ngày đầu quân vào Chi đội 9, Tám Tâm là thư ký văn phòng rất đắc lực, có tài viết diễn văn cho Bảy Viễn đọc. Nhưng chính cái tài viết văn này đã khiến Bảy Viễn sinh nghi. Câu kêu gọi anh em binh sĩ Bình Xuyên “nên đề phòng những kẻ bất lương sống phè phỡn trên xương máu đồng đội” đúng là Tám Tâm có ý chia rẽ cấp chỉ huy với binh sĩ. Năm Tài đã để ý Tám Tâm là rất sáng suốt, Bảy Viễn cũng cho người bí mật theo dõi hoạt động của Tám Tâm thì thấy rõ ràng Tám Tâm làm công việc của một chính trị viên mặc dầu hắn chỉ là thứ ký văn phòng chi đội. Nhiều bài thơ phổ biến trong các đơn vị tố cáo cấp chỉ huy ngu dốt, tham lam được truyền tay thưởng thức. Thấu tới tai Bảy Viễn mấy bài, hắn nghi Tám Tâm là tác giả:
… “Thằng hống hách, đứa thì thị uy,
Một phường xấc láo có ra chi.
Mở miệng chửi cha cùng mắng chú
Tánh tình hung tợn, luc ngu si”.

- Mở miệng chửi cha cùng mắng chú… Thằng Tám Tâm ám chỉ mình đây! – Bảy Viễn mở miệng là chửi thề. Điều đó cũng như ăn cơm, uống nước, khí trời để thở. Không thể mở miệng mà không chửi thề được!
Chẳng những làm thơ nói xấu các cấp bộ Bình Xuyên, Tám Tâm còn dám động tới Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Vài ngày sau khi Thầy Tư Hòa Hảo cùng đệ tử ruột là Năm Lửa rời Tổng hành dinh Bảy Viễn thì có bài thơ “Nhắn Giáo chủ” phổ biến trong các đơn vị.
… ‘Thầy tu mà chẳng phải thầy tu
Tu đặng bao lâu, mấy cửa chùa?
Máu chảy đầu rơi Thầy có biết?
Hỏi ai là bạn, rõ ai thù?”

- Rõ ràng Tám Tâm chửi xỏ chửi xiên Phật thầy Hòa Hảo, “thầy tu mà chẳng phải thầy tu” có nghĩa là “thầy tu mà chẳng phải thù Tây”. Nó chơi chữ thiệt là tài – Năm Tài giải thích cho Bảy Viễn biết là mình đã “nuôi ong tay áo”, “nuôi khỉ dòm nhà”.
Bảy Viễn giật mình:
- Đù.m… thằng Tám Tâm ăn cơm tao mà hại tui! Phải cho nó “mò tôm” mới được! Có vậy mới tránh được cái họ Phạm Hữu Đức.
Bảy Viễn cho gọi một vệ sĩ thân tín tới:
- Hội, mày là thằng Quốc dân đảng bị bắt, không có tao là mày “mò tôm” lâu rồi. Mày còn nhớ không?
Hội khúm núm:
- Em còn sống tới giờ này là nhờ hồng ân của Ngài Khu bộ phó, đời nào em quên cho được. Em sống để bụng, chết mang theo!
Bảy Viễn gật gù:
- Biết điều như vậy là tốt. Nay tao giao cho mày một nhiệm vụ: Mày thủ tiêu Tám Tâm cho tao!
- Thủ tiêu Tám Tâm! – Hội tái mặt kêu lên – Tám Tâm tội gì, thưa Ngài Khu bộ phó?
- Đ.m, nó là thằng Cộng sản, nó xâm nhập Bình Xuyên để chia rẽ chỉ huy với binh sĩ. Kể từ hôm nay, tao bố trí mày là trạo tam bản cho nó. Khi nào chèo tới khúc sống vắng, mày rút cột chèo đập nó cho tao. Làm được không?
Hội gật đầu nhưng không hăng hái lắm.
Mấy ngày sau, Hội đưa Tám Tâm đi xuống các đơn vị. Trời mưa to, hai thầy trò lên một chòi ruộng nghỉ tạm đụt mưa. Hội để Tám Tâm lên trước, lặng lẽ nhổ cột chèo bước lên sau.
- Hai tay chú làm sao run dữ vậy? – Tám Tâm dòm Hội chăm chú.
Hội càng thất sắc, mặt không còn hột máu. Hắn khựng lại như trời trồng. Tám Tâm càng ngạc nhiên:
- Mày làm gì vậy Hội?
Hội quăng cột chèo quỳ xuống:
- Thú thật với anh Tám là em nhận lịnh của Ngài Khu bộ phó phải thủ tiêu anh…
Đến lượt Tám Tâm toát mồ hôi lạnh. Anh chụp Hội lắc mạnh:
- Thật không? Đầu đuôi câu chuyện ra sao? Kể nghe!
Kể xong, Hội nói:
- Em không thể nào thủ tiêu một người như anh Tám được. Em không biết anh Tám có phải là Cộng sản hay không. Em chỉ biết anh Tám rất tốt với anh em. Làm trên văn phòng Ngài Khu bộ phó nhưng anh Tám ăn và ở chung với anh em binh sĩ. Trên văn phòng đèn điện sáng trưng nhưng anh Tám vui cảnh đèn dầu leo lét bên lán trại. Quần áo, thức ăn chị Tám từ trong thành tiếp tế, anh Tám không xài riêng mà chia xớt với anh em không liên lạc được gia đình. Anh Tám vui tánh, làm thơ ngâm vịnh cho anh em nghe. Anh em thích mấy câu ca ngợi chiến sĩ Bình Xuyên của anh:
… “Hễ là chiến sĩ Việt Nam
Không ham chức tước, chẳng ham bạc tiền
Đã là chiến sĩ Bình Xuyên
Không mê rượu thịt, chẳng thém gái xinh”.

Tám Tâm ôm đầu nghĩ ngợi: “Bọn Tài, Sang đã đánh hơi đựoc bài diễn văn mình viết cho Bảy Viễn đọc đêm mít tinh nhậm chức Khu bộ phó. Chúng đã ton hót với Bảy Viễn. Bảy Viễn nói là làm. May cho mình là thằng Hội này có cảm tình với mình. Gặp thằng khác là mình đã chết nhăn răng rồi. Bây giờ làm sao đây?”
Hội cũng nhìn Tám Tâm như chờ đợi. Tám Tâm nói:
- Bây giờ chú về báo cáo với Bảy Viễn như thế này: Giết thằng Tám Tâm chẳng khó gì. Nhưng cho nó sống thêm vài tháng nữa để bí mật phăng các đầu mối bắt trọn ổ. Thế nào Bảy Viễn cũng đồng ý.
Hội tươi tỉnh hẳn lên:
- Nhưng đó chỉ là tạm thời. Phải có cách nào bảo đảm lâu dài?
Tám Tâm gật:
- Tạm thời là như vậy đi. Rồi sẽ tính sau…
Không lâu sau khi Hội tiết lộ bí mật, Bảy Viễn gọi Tám Tâm lên văn phòng:
- Lê Duẩn vừa gởi biếu Chi đội 9 mấy thùng sách. Ở đây không ai ham đọc sách chính trị hơn anh. Vậy tôi phân công cho anh trông coi tủ sách của chi đội. Anh nên sắp xếp theo từng loại, vô sổ đàng hoàng. Ai mượn quyển gì cũng vô sổ để đúng kỳ hạn đòi nếu họ chưa trả. Sách ít nên phải quy định mỗi người chỉ mượn hai quyển, thời hạn mượn là hai tuần.
Tám Tâm nhận ba thùng sách. Sách xuất bản từ miền Bắc, sách xuất bản ở Nam Bộ, có cả sách của các Quân khu 7, 8, 9… Có những quyển anh nghe nói từ lâu mà tới nay mới được cầm trên tay. Như quyển “Trường kỳ kháng chiến nhất định thằng lợi” của Trường Chinh, “Tiểu sử Hồ Chủ Tịch” của nhiều tác giả. Danh từ chính trị của Trình Đình Trọng, Ván để chính đảng, Duy vật biện chứng pháp, Cách mạng du kích của Nam Tư… Tam Tấm sướng run, anh có cảm tưởng như mình vừa đào đựơc hủ vàng.
Năm Tài đứng nhìn Tám Tâm xếp loại mấy trăm quyển sách. Hắn nhìn chăm chú như con bạc “bắt nhãn” tay cái xổ đề “cu di”.
- Anh thích loại nào nhất?
Tám Tâm giật mình. Nãy giờ anh say mê với sách không biết thằng nguy hiểm đang rình rập. Với giọng thật tự nhiên anh trả lời:
- Tôi thích đọc sách. Điều này ai cũng biết. Nhưng tôi chỉ đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, kịch vui. Còn những thứ chính trị này thì khô khan như đất cục, nuốt làm sao vô! Nhất là sách nói về Đảng… Ngài Khu bộ phó giao thì tôi lãnh, nhưng dứt khoát là tôi không đọc. Tôi cũng không phổ biến những loại sách Cộng sản này xuống cho các đơn vị…
Năm Tài cười:
- Sách in ra là để đọc. Sao lại giấu cất? Anh cứ thảo một công văn cho biết văn phòng chi đội vừa nhận được mấy trăm quyển sách. Ai muốn đọc cứ đến văn phòng, gặp trực tiếp với Tám Tâm. Anh vô sổ đầy đủ như Ngài Khu bộ phó đã dặn. Mình còn phải báo cáo lên đồng chí Lê Duẩn về cách sử dụng sổ sách Xứ ủy tặng cho…
Năm Tài tưởng mình điểm nhưng Tám Tâm còn điếm hơn. Anh biết những lời lẽ ngọt ngào của Năm Tài là cái bẫy giăng bắt những người có cảm tình với chủ nghĩa Cộng sản để chúng bí mật thủ tiêu. Tám Tâm đã phát hiện nhiêu xác chết trôi sông trong những chuyến đi công tác xuống các đơn vị. Có lần anh thấy hai xác chết tấp vô bờ rạch. Anh cho tam bản rà lại gần. Đây là hai cán bộ người Bắc, một người tên Vũ Văn Hạp, đại đội trưởng, còn người thứ hai là Nguyễn Văn Mười, trung đội trưởng. Cả hai bị Tài, Sang cho người bắn lén từ phái sau tại mặt trận rồi đạp xuống sông.
Từ đó Tám Tâm mới nắm bằng cớ là Bảy Viễn cho ám sát các cán bộ người Bắc chiến đấu trong hàng ngũ Chi đội 9. Đây là do Tư Sang và Năm Tài ngày đêm xúc xiểm gây mâu thuẫn giữa Bảy Viễn và Nguyễn Bình. Hai tên này kích đầu óc anh hùng cá nhân của Bảy Viễn lên cao độ khiến Bảy Viễn không ưa Nguyễn Bình rồi từ đó ghét luôn những người Bắc. Trong Chi đội 9 có hai loại người Bắc, gọi là “Bắc kỳ cũ” và “Bắc kỳ mới”. Bắc kỳ cũ là những người, như Năm Bé, bỏ đất Hải Phòng lưu lạc vào Nam làm phu khuân vác ở Khánh Hội từ thuở mười tám đôi mươi tới nay đã tên dưới ba chục năm, nói tiếng Nam không còn chút gì giọng miền Bắc. Còn Bắc kỳ mới là những người mới vào Nam sau Cách mạng tháng Tám, như Nguyễn Bình. Bảy Viễn ghét Bắc kỳ mới mà tin tưởng và trọng dụng Bắc kỳ cũ. Năm Bé gia nhập bộ đội Bảy Viễn ngay từ đầu mặc dù Bảy Viễn ở Phú Thọ còn Năm Bé ở Xóm Chiếu. Lẽ ra thì Năm Bé gia nhập bộ đội Ba Dương cho tiện đường đất nhưng vì trước kia hai tay anh chị này đã từng chém lộn nhau tại bến đò Hàng Dệt trong một vụ tranh giành các bên ghe tàu trong Chợ Lớn. Vụ chém lộn này làm xôn xao cả vùng Tân Qui. Kết quả bất phân thắng bại, nhưng phe nào cũng nói mình đại thắng. Sẵn dịp vượt ngục chung với Bảy Viễn và kết bạn sống chết có nhau giữa cảnh trời đất bao la, Năm Bé chọn Bảy Viễn là chủ tướng. Moi việc quan trọng đã có Tài, Sang nắm trong ngoài, Năm Bé chỉ lãnh công tác món, làm xong việc này lãnh công việc khác. Dù vậy Năm Bé cũng hãnh diện được chung phòng với Ngài Khu bộ phó, có liên hoan lễ lạc được ngồi gần “đại ca”… Năm Bé thấy rõ càng lên cao, Bảy Viễn càng xa dần những người thân thiết cũ. Nhưng Năm Bé không thắc mắc bởi thói đời “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”…
Tám Tâm lúc nào cũng thủ thế. Không biết lúc nào lươi gươm treo trên đầu sẽ rơi xuống cổ. Thủ nhưng vẫn công. Tám Tâm sưu tầm tất cả những tội ác của Bảy Viễn , một mặt bí mật gởi ra ngoài cho cấp trên biết, một mặt là thơ và phổ biến trong các đơn vị. Bài thơ “Cười” của anh có mấy câu ám chỉ Bảy Viễn phè phỡn trên xương máu đồng bào:

“Cười chi Tổ quốc lúc binh đao!
Cười thấy đồng bào sát hại nhau
Cười lũ tham ô khoe ái quốc
Cười phường gian ác gọi đồng bào”…

Vì những bài thơ đả kích đó mà Tám Tâm ngày càng bị Năm Tài xúc xiểm với Bảy Viễn. Số phận của Tám Tâm có lúc như sợi chỉ mành treo chuông.

<< Chương 30 | Chương 32 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 295

Return to top