Trời đã tối hẳn. Những bầy đom đóm đậu trên hàng cây dọc bờ kinh chớp tắt, tạp một thứ anh sáng huyền ảo như thực như hư. Người chèo cất tiếng ca trầm lắng:
“Bảy trăm ngàn mẫu đất
Xớt chia bốn tỉnh miền Đông
Khăng khít biên thùy Chùa Tháp
Nằm bên cánh trái Cửu Long.
Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp Mười,
Mênh mông, bát ngát, đưng sậy lên hoang
Mùa nắng đất khô cỏ cháy
Mùa mưa nước ngập tràn lan
Cò trắng ngàn năm bay chẳng dứt,
Chân trời bốn phía rộng thênh thang…”
Bảy Viễn đang thả hồn theo lời thơ phổ nhạc ca ngợi cảnh đẹp của Đồng Tháp Mười thì đằng xa đã có ánh đền măng-sông chói lòa trên mặt kinh. Hai nhà “thủy tạ” từ từ lướt trên dòng nước. ảnh Hồ Chủ tịch họa to được kết hoa lá rực rỡ, hai bên có hai lá cờ phất phơ theo gió. Từ trong nhà thủy tạ, ban nhạc hòa tấu nhặt khoan. Các đội hợp sướng hát vang:
“Đúc gươm thiên vung cho nước nàh,
Cứu dân Việt Nam thoát ách xưa…
Chiếc thủy tạ thứ hai cũng không chịu thua. Tiếng đàn, tiếng hát cất lên cao vút:
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng…
Bác chúng em dáng thanh thanh, người cao cao…
Bác chúng em nước da nâu, râu hơi dài…
Bảy Viễn còn đang lắng nghe các cháu thiếu nhi thì tam bản cặp bến. Tiếng máy phát điện nghe rất gần. Ban tổ chức đã túc trực sẵn dưới bến, đưa đồng chí Khu trưởng vào khu vực triển lãm. Hai bên đường có treo đèn, con đường nhỏ đưa vô một khu rừng tràm, bên kia chiếc cầu bán nguyệt. Bảy Viễn hoa mắt trước công trình nghệ thuật tòan bằng tre, tràm và đệm bàng. Hỏi ra mới biết công trình này do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thực hiện. Bảy Viễn cũng được nhắc sơ qua chính ông Phát đã xây cất Hội chợ triễn làm Đông Dương năm 1942 tài vườn Ông Thượng, sau đổi tên là vườn Tao Đàn, cũng bằng tre lá.
Quan khách bước sang phòng triễn của họa sĩ Diệp Minh Châu. Tất cả đều đổ về bức họa “Đánh Trận Giồng Dứa”. Đây là chiến công của học viên trường quân chính khu 8 tiêu diệt đoàn xe của phái đoàn chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch. Trong số Việt gian đền tội có tên Trương Vĩnh Tống, Bộ trưởng bộ thông tin. Họa sĩ Diệp Minh Châu đã vẽ bức tranh nay ngay tại mặt trận. Ngoài ra còn rất nhiều bức tranh phản ảnh sinh hoạt kháng chiến như sản xuất nuôi quân, bình dân học vụ, bà mẹ chiến sĩ…
Bảy Viễn đang xem bỗng nhiên có người chạm nhẹ cánh tay.
Nguyễn Bình làm hiệu mời Bảy Viễn đến một góc vắng người:
- Tôi muốn nói chuyện riêng với anh vài vấn đề. Nói tại đây có tiện không?
- Tiện chớ! Vấn đề gì đó?
Nguyễn Bình đứng thẳng người, khoanh tay trước ngực, nhìn thằng vào mặt Bảy Viễn:
- Chúng tôi được tin là bọn Phòng Nhì đã chui vào hàng ngũ của anh. Chúng lại được anh trọng dụng…
- Chúng là ai vậy?
Nguyễn Bình cau mày:
- Anh thật tình không biết? Chúng là hai anh em Lại HữuTài và Lại Văn Sang. Hai tên này vô cùng lợi hại. Nhứt là Tài. Tôi muốn anh giao chúng nó cho tôi.
Bảy Viễn cười nhạt:
- Anh có bằng chứng? Tình báo của anh có chính xác?
Nguyễn Bình gật:
- Trước khi quyết định làm chuyện gì, chúng tôi phải nắm đủ bằng chứng. Tình báo của chúng tôi ít khi nào sai lầm. Thằng Tài đã nhiều lần tiếp xúc với các tổ chức phản động trên thành. Nếu tôi trưng đầy đủ bằng cớ, anh có giao nó cho tôi không?
Bảy Viễn nghiêm nghị:
- Tôi phải xem các bằng cớ đã… Còn vấn đề gì nữa?
Nguyễn Bình khoát tay:
- Vấn đề thứ hai không cấp bách bằng việc giao nạp thằng Tài. Đó là việc thu thuế trong bộ đội Bình Xuyên. Các Trung đoàn, các tỉnh đều tự túc để dân trong tỉnh được nhẹ gánh nuôi quân. Đó là con đường nên noi theo. Mình là bộ đội cách mạng mà lại dựa vào thuế sòng bạc, nhà chứa thì mất hết ý nghĩa. Nhưng vấn đề này tính sau. Cần giải quyết tên Tài sớm… Bao giờ anh có thể giao nó cho tôi?
Bảy Viễn lạnh lụng:
- Tôi vừa trả lời câu hỏi đó rồi! Tôi phải xem bằng cớ trước đã!
Nguyễn Bình cô ghìm cơn nóng:
- Ta tiếp tục đi xem tranh…
Trở về nới đóng quân, Bảy Viễn họp các gia tướng lại:
- Nguyễn Bình đòi tao giao hai anh em Tư Sang, Năm Tài cho nó, nhứt là Năm Tài. Nó quả quyết hai đưa bây là “Đơ dèm buyarô”.
Tài, Sang xám mặt:
- Ngài trả lời thế nào?
- Làm sao tao chịu giao hai đứa bây cho nó? Tao ậm ờ bảo nó trưng bằng cớ đã…
Tài lo lắng:
- Nó đoán mò hay nắm được bằng cớ rồi?
Bảy Viễn lắc đầu:
- Làm sao tao biết được! Có thể là nó đoán mò mà cũng có thể là nó nắm được bằng cớ - hắn vỗ trán thở ra – đấu trí với nó mệt óc quá.
- Bây giờ Ngài tính sao? – Năm Tài bám lấy chủ tướng.
- Đừng để nó đánh trước – Tư Sang góp ý.
Bảy Viễn cảm thấy nóng bức khó chịu. Y kéo áo thun tơ ra khỏi xà-rông, nhưng vẫn chưa thấy mát, cởi luôn ra, để lộ tấm lưng lực lưỡng, trước ngực có xâm hai con rồng chầu nguyệt, Năm Bé trao cho y một khăn lông ước tẩm nước hoa. Y lau mặt, cổ gáy, hai cánh tay, hai bàn tay rồi phe phẩy quạt:
- Dĩ nhiên là như vậy. Giao hai đứa bây thì dứt khoát là tao không giao. Mà không giao thì rắc rối lớn. Nó viện lẽ tao bao che cho bọn Phòng Nhì để làm ẩu. Đêm nay Tư Sang phải bố trí canh gác cẩn thận.
Năm Tài nói:
- Tình thế này phải tính trước mới được. Ông Lâm Ngọc Đường có căn dặn tôi như thế này: Nếu như ta thấy rõ Nguyễn Bình quyết tiêu diệt giáo phái thì tôt hơn hết là ta nên rút về thành. Người Pháp và Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân luôn luôn giang hai cánh tay đón tiếp các phần tử quốc gia trong hàng ngũ kháng chiến trở về với chính phủ Bảo Đại. Mình là người Quốc gia, tại sao lại đóng góp xương máu cho Cộng sản độc quyền yêu nước?
Năm Bé gật gù:
- Năm Tài nói đúng ý tôi. Mình là Quốc gia. Còn Việt Minh là Cộng sản. Không thể hợp tác được. Mình đi với chúng cũng trong một thời gian nào đó thôi. Chi bằng ngay bây giờ ta tách ra…
Bảy Viễn thở dài:
- Đầu Tây là điều tối kỵ. Theo kháng chiến, tao mới mở mặt mở mày. Ủy viên Quân sự, Tư lịnh Bình Xuyên, Khu bộ phó, Khu bộ trưởng. Vinh vang hết cỡ rồi. Với thằng Tây, tao chỉ là thằng ăn cướp, là tên tù vượt ngục…
Nằm Tài trổ tài thuyết khách:
- Ăn cướp cũng năm bảy đường ăn cướp. Ăn cướp của người giàu chia cho người nghèo là ăn cướp đáng tôn thờ, cũng như Tống Giang, Triệu Cái mà Ngài xem là thần tượng. Chống thực dân cũng là hảo hớn. Còn bây giờ thời thế đã thay đổi rồi. Nước nhà đã được độc lập, do tài tranh đấu ngoại giao của Cựu hoàng Bảo Đại. Những người có tài như Ngài sẽ được trọng dụng.
Bảy Viễn nghi ngờ:
- Có chắc không?
- Sao không chắc? Bây giờ đã đến lúc phải nói thật với Ngài: Hai anh em tôi là người của Phòng Nhì. Tình báo của Nguyễn Bình rất chính xác. Chỉ huy trực tiếp của hai anh em tôi là ông Lâm Ngọc Đường. Chúng tôi đã làm việc với đại úy Savani, giám đốc Phòng Nhì. Savani tuyên bố sẵn sàng tiếp đón bộ đội Bình Xuyên bất cứ lúc nào. Sẽ dành riêng môt khu vực cho Bình Xuyên đóng, lính Pháp không có quyền xen vào.
Bảy Viễn đăm chiêu:
- Mày nói nghe cũng hấp dẫn lắm! Nhưng người quân tử cũng chỉ có một con đường…
Năm Tài cười:
- Người ta nói “quân tử nhất ngôn là quân tử dại”. Đọc Thủy Hử, mình thấy cuối cùng đám Tống Giang, Triệu Cái cũng trở về với triều đình!... Theo tôi nghĩ, chúng ta lập một giang sơn riêng biệt ở Rừng Sác để chống Pháp là một chủ trương xuất chúng, vừa chống Pháp và vừa thủ thế, tự vệ, không cho Việt Minh xen và chi phối. Giai đoạn chống xâm lăng đã qua rồi. Bây giờ là giai đoạn kiến thiết xứ sở, hàn gắn những đổ vỡ mất mát. Nước nhà đã độc lập và đang cần những lực lượng võ trang như bộ đội Bình Xuyên để trừ gian diệt bạo, giừ gìn an ninh trật tự.
Bảy Viễn còn chống cằm suy nghĩ, Tư Sang bước vô, vẻ khẩn trương:
- Trinh sát của mình báo động! Dường như có thám báo đang rình rập chúng ta từ bên kia bờ kinh. Có thể Nguyễn Bình đã ra lịnh bao vây chúng ta làm áp lực buộc Ngài phải giao hai anh em tôi cho nó. Bây giờ Ngài tính sao?
Năm Tài sôi nổi:
- Ngài đã dứt khoát về chuyện ấy rồi. Bây giờ phải hành động thôi. Tôi sẽ bí mật về thành ngay đêm nay. Tôi sẽ chuẩn bị tất cả để đón rước Ngài cùng hai đại đội hộ tống. Trong khi chờ đợi, Ngài cứ dùng dằng với chúng. Hai ngày là tôi tới Sài Gòn, vận động một ngày nữa là ba. Ngài chỉ cần tranh thủ ba ngày, sau đó thì rút quân về thành. Đã có tôi đón tại vùng An Lạc, Phú Lâm.
Bảy Viễn thở dài thườn thượt:
- Tao không hề dự kiến được tình thế lạ lùng như thế này. Ngày ra đi theo kháng chiến, tao cũng đã hát bài Chính khí ca “một ra đi là không trở về”, bây giờ chưa đi tới đâu thì lại lò mò trở về, mặt mũi nào dòm ngó đồng bào Phú Thọ, Chợ Thiếc?
- Ngài về thành không phải là “hàng thần lơ láo, phận mình ra đi” đâu. Ngài bao giờ cũng vẫn là chiến sĩ quốc gia, Ngài đã làm xong nhiệm vụ chống xâm lăng, đuổi thực dân rồi, bây giờ Ngài trở về tái thiết xứ sở. Chỉ có vậy thôi – Năm Tài cố sức thuyết phục.
- Nhưng mình vẫn đóng trên khu vực thằng Tây…
Năm Bé xen vào:
- Mình chỉ tạm thời ở nhờ trên đất thằng Tây thôi. Vài năm nữa là quân đội Pháp rút về hết theo Hiệp định đã ký với Cựu hoàng Bảo Đại.
Bảy Viễn thiễu não:
- Về thành mang theo chỉ có hai đại đội thì yếu quá! Thằng Tây coi mình ra cái gì!
Năm Bé hăm hở:
- Chuyện đó anh Bảy không nên quan tâm. Anh Bảy muốn có bao nhiều cũng được. Tôi sẽ đi mộ lính cho anh Bảy. Em út của mình trên thành, muốn bao nhiêu chẳng có? Nhất là với tên tuổi anh Bảy nữa! Nhất hô bá ứng mà!
Bảy Viễn buồn bã phủi chân, khoát tay bảo Năm Tài:
- Đành vậy! Thôi đi đi! Ba ngày nữa tao sẽ rút quân theo mày.
Đêm ấy, Bảy Viễn trằn trọc thao thức không chợp mắt.