Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Người Bình Xuyên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 103341 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Bình Xuyên
Nguyên Hùng

Chương 30

Để đánh dấu ngày nhậm chức, khu bộ phó Bảy Viễn ra lệnh cho các đơn trong Liên khu Bình Xuyên tổ chức liên hoan tưng bừng, náo nhiệt. Các tổ đi săn càn rừng lướt bụi tìm cho được nai, cheo, heo rừng phục vụ quan khách từ các nơi tơi, kể cả khách trên thành. Tiệc liên hoan phải có dàn nhạc đủ cả tân lẫn cổ. Còn mít tinh thì tổ chức ngoài trời, mời hết tất cả các cơ quan đóng trong vùng và mở rộng cho dân chúng. Một bài diễn văn được soạn thảo cho ngài bộ phó đọc trước ba quân. Cũng trong dịp này, ngài Khu bộ phó phải mặc bộ đồ mới, rước thợ may từ trên thành xuống đo, cắt và máy cấp tốc. Tiếng “ngài” đặt trước chức tước Khu bộ phó là sáng tác của Năm Tài. Ban đầu Bảy Viễn vẫn còn lạ tai, nhưng về sau quen đi.
Suốt một tuần, cả văn phòng Khu bộ phó rộn rịp chạy đua với thời gian. Họa sĩ ở các đơn vị được tập trung lại, kẻ lo hội trường, người chạy sân khấu. Liên lạc thành ba chân bốn cẳng chạy đi tìm thợ may, nhạc sĩ. Nhân viên văn phòng lo bài diễn văn. Chánh văn phòng Năm Tài bảo Tam Tâm:
- Lâu nay nghe ngài Khu bộ phó khen anh Tám có tài thảo diễn văn, đây là dịp để anh Tám múa bút đó.
Tám Tâm thoái thác:
- Lúc đó chưa có thầy Năm. Bây giờ có thầy Năm, tôi đâu dám vẽ bùa trước cửa Lỗ Ban?
Năm Tài cười thích thú:
- Viết tiếng Pháp thì tôi ngoáy một chút là xong, nhưng viết tiếng Việt thì tôi chịu! Lại nữa… không quen nói láo.
Tám Tâm ngạc nhiên:
- Thầy Năm nói gì là vậy? Soạn diễn văn là nói láo sao?
Năm Tài gật lịa:
- Chớ sao! Qui dit politique dit mensonge (kẻ nói chính trị là kẻ nói dối). Anh Tám làm dùm tôi đi. Tôi còn lo viết thư mời quan khách trên thành xuống.
Tám Tâm không thể chối từ vì Năm Tài là thân tín của Bảy Viễn. Hắn nói sao, Bảy Viễn nghe vậy. Năm Tài cũng là “sếp” của anh, ra lệnh là phải tuân theo. Vả lại Tám Tâm cũng muốn nhân dịp này, khéo léo nhắn nhủ cùng binh sĩ Bình Xuyên cần cảnh giác đối với những người chỉ huy mình. Từ lâu Tám Tâm thấy rõ Bảy Viễn giao lưu với nhiều phần tử nguy hiểm qua trung gian của hai anh em Tài, Sang. Có lần Hộ pháp Phạm Công Tắc cùng Mười Trí xuống Tắt Cây Mắm gặp Bảy Viễn bàn việc cơ mật. Ngày ấy Năm Tài không cho Tám Tâm vào văn phòng dù anh là phó văn phòng. Thầy Tư Hòa Hảo tức Huỳnh Phú Sổ, cũng tới Tắt Cây Mắm cùng với đệ tử ruột là Năm Lửa to nhỏ với Bảy Viễn. Có chuyện nực cười là lúc ăn nhậu, Bảy Viễn và Huỳnh Phú Sổ ngồi mâm trên, dọn trên đi-văng gõ, còn Năm Lửa thì ngồi mâm dưới, dọn trên chiếu trải trên sàn chà là. Tám Tâm trông thấy Năm Lửa nhấp nha nhấp nhỏm, ăn không yên, chốc chốc lại ngóc đầu lên mâm trên, chờ Giáo chủ nhểu nhảo để lật đật khúm núm rút khăn trong tui áo Hùynh Phú Sổ lau miệng cho “Phật thầy”.
Như vậy là hai đạo lớn Cao Đài và Hòa Hảo đều có tới lui to nhỏ với Bảy Viễn vào lúc Bảy Viễn được phong chức Khu bộ phó. Tám Tâm còn thấy các “chính khách xa long” như giáo sư Lê Văn Hanh và các tay Lâm Ngọc Đường, Tư Thiên tự Morit Thiên bí mật vô ra. Theo hai tên này có cả đám vệ sĩ ăn mặc theo kiểu lính côm măng đô mang súng colt 12 ly mới toanh.
Tám Tâm để ba ngày soạn thảo bài diễn văn nhậm chức Khu bộ phó của Bảy Viễn. Nếu là bài diễn văn thông thường thì chỉ một buổi là xong, nhưng đây là bài diễn văn đặc biệt. Tám Tâm muốn “lồng” vô đó một câu nhắn nhủ anh em đội viên cảnh giác, nhưng không biết nhét vào chỗ nào. Bởi bài diễn văn này phải do Năm Tài kiểm duyệt trước khi trình lên ngài Khu bộ phó. Và sau cùng, anh đã tìm được một mưu chước nhỏ…
Bài diễn văn được Năm Tài khen hay và trình lên Bảy Viễn không thêm bớt chút nào. Trước ngày lễ, Tám Tâm bí mật đánh tráo một bản khác cũng đánh máy y như vậy nhưng có nhét vô một câu “động trời” như sau:
“… Anh em binh sĩ Bình Xuyên nên đề phòng những kẻ bất lương sông phè phỡn trên xương máu đồng đội”
Đêm mít tinh tại Tiều, thuộc xã Lý Nhơn, Ngài Khu bộ phó ngồi trên ghế “phô tơi” đặt trên khán đài cao, chủ tọa buổi lễ. Khi xướng ngôn viên kính mời Ngài Khu bộ phó đọc diễn văn, Tám Tâm hồi hộp chờ đợi… Bảy Viễn đọc câu động trời của anh một cách thản nhiên, không chút ngờ ngợ. Tiếng vỗ tay như sấm khiến hắn bất ngờ thích chí. Nhưng Năm Tài đứng ngồi không yên, hắn nhấp nha nhấp nhổm như đứng trên ổ kiến lửa, miệng lẩm bẩm:
- Làm gì có câu đó trong bài diễn văn? Mình đã kiểm duyệt kỹ mà! Sao lại vậy?
Chờ Bảy Viễn đọc xong, Năm Tài đến xin mượn bài diễn văn. Bảy Viễn càng thêm phấn khởi:
- Đ.m thằng Tám Tâm viết diễn văn hay thiệt! Khán giả vỗ tay như pháo Tết làm mình phát nôn!
Năm Tài rút viết păcke (parker) gạch đít câu động trời của Tám Tâm:
- Ai thêm vô câu này? Hồi kiểm duyệt không có! Tôi quả quyết là có ai thêm vô.
Bảy Viễn nhìn sơ qua, khoát tay:
- Chính câu đó mới “ăn tiền” đó mầy! Tao nhớ rõ trước đó khán giả nín khe làm tao mất hứng. Nhưng tới câu đó thiên hạ vỗ tay điếc con ráy… mà làm sao thêm vô cho được? Bài diễn văn đánh máy hẳn hoi, nhét vô chỗ nào?
Dù vậy Năm Tài cũng tìm Tám Tâm cự nự. Tám Tâm lật hồ sơ đưa ra một bản thứ hai cũng như vậy.
- Thầy Năm đã kiểm duỵêt rồi, ai dám thêm bớt chữ nào?
Năm Tài đành ngậm miệng, nhưng từ đó ngấm ngầm theo dõi Tám Tâm không một chút lơi lỏng.
Công việc rước dàn nhạc thành phố công phu hơn. Tư Sang chịu trách nhiệm về công tác này. Trong văn phòng Bảy Viễn có nhạc sĩ Ngọc Thới – là cháu vợ Bảy Viễn. Ngọc Thới quê xã Phước Lâm, Cần Giuộc, bà con với hội đồng Đống ở Đa Phước. Năm 45, Ngọc Thới cũng “nớp với giáo mang ngang vai”, chưa biết theo bộ đội nào thì gặp “dượng Bảy” bắt theo Chi đội 9. Ngọc Thới được dượng Bảy yêu cầu lập ban nhạc. Trong Chi đội 9 chỉ có Hai Dậu và Paul Thìn, không đủ, phải về thành rủ thêm. Đích thân Ngọc Thới về Sài Gòn, tới vũ trường Tabarin mời hai bạn thân là Lê Yên và Chí Minh. Chín Minh là nhạc sĩ tài hoa nhất Sài Gòn, chơi được nhiều nhạc cụ, vĩ cầm cũng như Tây ban cầm, dương cầm cũng như đàn gió. Nhưng lắm tài nhiều tật, Chín Minh ghiền rượu đến mức thượng thừa. Không có rượu thì dứt khoát không đàn được. Rượu càng nhiều thì tiếng đàn càng “thần sau quỷ khóc”. Ngọc Thới không dám nói thật mà chỉ “rủ chí Chín đi chơi”. Lê Yên cũng là dân thành thị, nếu biết Ngọc Thới đưa vô khu thì nhất định từ chối. Đến khi xuồng chèo khỏi Nhà Bè, Ngọc Thới mới dám nói thật. Chín Minh và Lê Yên bật ngửa ra, nhưng chuyện đã lỡ cùng đành nhắm mắt đưa chân.
Nhờ có ban nhạc thượng thặng từ Sài Gòn xuống, cuộc mít tinh và đêm liên hoan tưng bừng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Quan khách trên thành xuống lúc đầu cứ ngỡ Rừng Sác là nới “chó ăn đá, gà ăn muối”, không ngờ được gặp một thành phố mới dựng lên trên vùng hoang dã. Máy đền thắp sáng choang, dàn nhạc Chín Minh chẳng kém bất cứ dàn nhạc nào của đám Phi-lip-pin ở Sài gòn. Nước đá, la-ve, cà phê, hủ tiếp đầy đủ; cháo gà, chè đậu ở đâu cũng có. Riêng trên bàn thượng khách có cả Cô-nhắc, Mac-ten… Và thêm một chi tiết này mới “lé mắt thiên hạ”: có cả chục bông hoa biết nói vốn là “cave” trẻ đẹp thơm như múi mít, trên thành xuống chung vui với Ngài Khu bộ phó.
Bên cạnh dàn nhạc cổ cũng không chịu lép. Dàn nhạc cổ có Hai Dậu, Paul Thìn, Mười Nguyên, Mười Một. Các danh ca như Năm Cần Thơ, Ba Bến Tre cũng được mời xuống giúp vui. Bảy Viễn rất khoái ca cổ, càng về khuya càng rỉ rả sau câu vọng cổ mới “mùi”. Còn tân nhạc thì cũng cần để gây không khi tưng bừng của ngày vui lớn.
Những khuôn mặt không thể thiếu được đều tề tựu đầy đủ trong đêm liên hoan. Phạm Công Tắc, Huỳnh Phú Sổ, Lâm Ngọc Đường, Môrit Thiên, các Chi đội trường Chi đội phó bảy chi đội trong Liên khu Bình Xuyên tay bắt mặt mừng, rượu vào lời ra…
Tám Tâm thấy rõ vai trò quan trọng của hai anh em họ Lại trong đêm liên hoan này, nhất là Năm Tài. Hắn bặt thiệp, xã giao, khi thì đến bàn Lâm Ngọc Đường, Môrit Thiên nói mấy câu tiếng Tây thật giòn, lúc tới bên Phạm Công Tắc, Huỳnh Phú Sổ tán tỉnh vào lời rồi gật gù cười híp mắt với nhau.
Tiệc đang tưng bừng bỗng một loạt trây-đơ nổ vang rền khiến mấy em cave giật mình nhảy tới ôm cổ các quan khách. Tư Sang lập tức chạy ra ngoài – hắn chịu trách nhiệm về an ninh trật tự. Năm Tài bình tĩnh trấn an mọi người:
- Xin quý vị an tâm. Tiếng súng vừa rồi là anh em binh sĩ đón chào một vị quan khách tới trễ.
Đúng vào lúc đó Tư Sang trịnh trọng đưa Huỳnh Văn Nghệ, Khu bộ phó khu 7vào, Tám Nghệ đúng là một võ tướng, vạm vỡ, gọn gàng trong bộ quân phục ka-ki vàng. Sự xuất hiện bất ngờ của Tám Nghệ nhưng một ngọn sóng thần làm cả hội trường lặng trang. Bảy Viễn lật đật bước tới bắt tay:
- Chào Anh Tám! Tưởng anh Tám không tới được chớ! Thật là một vinh dự to lớn cho tôi được tiếp anh Tám đúng vào đêm nhận chức Khu bộ phó của tôi… Anh Tám ngồi đây – y trịnh trọng chỉ một ghế “phô-tơi” tên vệ sĩ vừa đặt kế bên “phô-tơi” của mình. Nhận thấy anh Tám Nghệ đang đứng đảo mắt nhìn quanh như tướng lãnh quan sát trận địa, Bảy Viễn vội vàng giới thiệu:
- Trong số quan khách hôm nay có Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, còn đây là ông Lâm Ngọc Đường và Tư Thiên là cơ sở của Bình Xuyên trong thành. Ngoài ra là các chỉ huy chi đội trong Liên khu Bình Xuyên mà anh tám biết rồi…
Tám Nghệ đi bắt tay từng người.
Bảy Viên giới thiệu tiếp:
- Anh Tám Nghệ đây là Khu bộ phó Khu 7 kiêm luôn chi đội trường Chi đội 10 đóng ở chiến khu Đ. Chắc quý vị đều nghe trận vang dội như Đồng Xoài, Bàu Cát… Đó là chiến công của anh Tám đây…
Tám Nghệ đứng lên cúi chào mọi người, khiêm tốn:
- Đó là chiến công chung của cả chi đội chớ đâu phải của riêng tôi…
Tiệc liên hoan lại tiếp tục. Hai Lung đứng lên có ý kiến:
- Tôi được xem tập Thơ Đồng Nai của anh Tám vừa được xuất bản trên giấy vàng nghệ, trình bày thật mỹ thuật. Trong đơn vị tôi ai cũng khoái. Ước chi được tác giả cho anh em thưởng thức vài câu!
Tám Nghệ đứng lên tươi cười:
- “Đến đây không hát thì hò, không phải con cò ngóng cổ mà nghe”. Anh Hai Lung đã yêu cầu thì tôi xin ngâm một bài. Bài này cùng nằm trong tập Thơ Đồng Nai. Đó là bài Bến Cũ, có lẽ hợp với không khí ở đây:
… Đây bến cũ, chốn muôn thuyền đợi sóng.
Buồm phập phồng như phổi nhịp bên hông,
Neo buông sâu như những sợi tơ lòng,
Thuyền lớn nhỏ đều chứa đầy hy vọng.
*
Thuyền lớn nhỏ đều chứa đầy hy vọng
Thuyền ra đi bến đã động lòng thương,
Ai phăng neo vội vã để đoạn trường
Nhưng gió mới căng buồm thuyền chuyển động.

Về đây thôi, hỡi những thuyền hy vọng.
Chở về đây những mộng đẹp xa xôi
Lưu luyến chi bến lạ chốn quê người
Kẻo bến cũ ngỡ thuyền xưa đà lạc lối…

Tiếng vỗ tay vang cả hội trường, Tám Tâm thích thú vì bài thơ có ý nghĩa cảnh tỉnh Bảy Viễn.
Sau đêm liên hoan nhậm chức Khu bộ phó, khach khứa ra về, cuộc sống trở lại nhịp điệu bình thường, Năm Tài giở giọng mỹ nhân ngư kéo Bảy Viễn trở về thực tế:
- Em út nói điều này, sợ Ngài Khu bộ phó không vui, nhưng vì nhiệm vụ không thể bỏ qua…
- Điều gì mà tao không vui? Nói mau đi!
- Ngài Khu bộ phó hứa nghe rồi bỏ qua thì em út mới dám nói.
Bảy Viễn tánh nóng như lửa:
- Nói mẹ nó ra đi, cứ rào đón hoài!
Năm Tài nói nhỏ:
- Nguyễn Bình vừa cho Ngài Khu bộ phó một cái bánh vẽ… Em muốn nói cái chức Khu bộ phó đó mà.
Bảy Viễn trợn trừng:
- Nói bậy! Bánh vẽ cái gì! Tám Nghệ đánh giặc rầm rầm, biết bao nhiêu chiến công nó mới leo lên tới chức Khu bộ phó, còn tao đánh đấm gì mà cũng ngang hàng với nó? Mày còn nói vô nói ra chỗ nào?
Năm Tài cười lạt:
- Tám Nghệ khác, Ngài bộ phó khác. Tám Nghệ đâu phải là tay giang hồ hảo hớn như Ngài bộ phó? Cho nên hắn phục Nguyễn Bình là phải. Còn Ngài không không thể hạ mình làm phó cho Nguyễn Bình. Nguyễn Bình là người Bắc, trôi sông lạc chợ vô đây, chưa thấy công trận gì đã tự xưng là Khu bộ trưởng, xem mọi người như kẻ dưới tay. Mình đâu có dại gì làm cho hắn hưởng?
Bảy Viễn cau mày suy nghĩ> Năm Tài nói tiếp:
- Bây giờ em út nói về cái chức Khu bộ phó – hắn đưa ra từ công văn – Đấy, nói có sách, mách có chứng, đây là quyết định phong chức Khu bộ phó đồng thời quy định về quyền hạn và nhiệm vụ hẳn hoi. Theo đây thì Bộ tư lệnh Khu muốn ra chỉ thị gì cũng phải mang hai chữ ký, một chữ ký không có giá trị. Như vậy, Ngài Khu bộ phó muốn ra chỉ thị phải cho người mang xuống Giồng Dinh để lấy chữ ký của Nguyễn Bình hay của chính ủy Hai Trí, hoặc lên chiến khu Đ để Tám Nghệ ký. Rõ ràng cái chức Khu bộ phó của ngài là cái bánh vẽ không hơn không kém.
Bảy Viễn như bị một gáo nước lạnh tạt vào mặt. Hắn khoát tay:
- Im đi! Để tao suy nghĩ đã! Đ.m. mày nói nhiều quá, tay nghe không kịp.
Năm Tài biết mình đã đạt được mục tiêu rồi, lặng lẽ bỏ đi để Bảy Viễn một mình ngồi suy nghĩ về cái chức Khu bộ phó. Không rõ ông ta có đồng ý với những lời lẽ của Năm Tài hay không, chỉ thấy ông ta xuống ghe mui ống đậu dưới bến tổng hành dinh.
Ghe mui ống là nét đặc trưng của cuộc sống bồng bềnh trên sông nước của chốn Lương Sơn Bạc kiểu Bình Xuyên. Nếu dân du mục trên sa mạc lấy lạc đà làm phương tiện di chuyển, thì dân Bình Xuyên xê dịch bằng ghe xuồng. Các chỉ huy đều có ghe, lớn nhỏ tùy theo chức tước. Cấp từ trung đội trở lên đi ghe lườn mui ống ghọn đẹp. Riêng Bảy Viễn có rất nhiều ghe mui ống, loại hai chèo thông thường và một chiếc bốn chèo để dùng trong những trường hợp khẩn cấp. Loại này lướt sóng nhanh như gió, dùng để vượt sông Lòng Tàu hay sông Soài Rạp trong những lúc giang đỉnh tuần tiễu lên xuống như thoi đưa. Trước mũi có đặt một “con gà cồ” – tiếng lóng để chỉ FM đầu bạc. Khi hữu sự thì con gà cồ sẽ “gáy” nguyên băng để giải vây. Trong ghe của Bảy Viễn có đầy đủ mọi thứ tiêu khiển. Máy hát với cả chồng đĩa “tròng vàng tròng bạc” của hãng ASIA, với những bản vọng cổ lâm ly như “Viếng mồ bạn” do nghệ sĩ Năm Nghĩa ca, hoặc những tuồng Huệ Dung, San Hậu v.v… Rượu đủ loại chất đầy khoang, toàn thứ đắt tiền như Mạc-ten, Cô-nhắc, sâm-banh, và không vài “cái tuốt” thuốc “Ách chuồn” hoặc “con mèo Craven A”… la ve, nước ngọt, cà phê, trà, sữa là thứ phải có mặt thường trực.
Bảy Viễn có rất nhiều vợ. Bà Vợ thứ nhất ở Cần Đước, sinh hai con gái tên Tính và định. Bà hai là má thắng Paul quê Chợ Đệm. Bà ba là má thằng Hoảnh (Vincent) quê ở Gò Dầu (Tây Ninh) cũng là dân lao động.
Bà Tư là cô đào hát bội của gánh Bầu Xá. Bảy Viễn lúc còn xưng anh chị ở Phú Thọ đêm đêm rất thích đi dạo mát và khi cao hứng vô các rạp hát xem cải lương và hát bội. Cách xem hát của anh chị cũng khác thường. sau khi nhậu lai rai ở các tửu lầu, bốc đồng lên xe kéo tới rạp hát, thấy gánh nào hấp dẫn thì xuống xe nhào vô xem. Một hôm Bảy Viễn gặp bầu Phước Georges chủ gánh “Huỳnh Kỳ tái sanh” đứng trước cửa rạp. (Trước đó, gánh Huỳnh Kỳ từ Pháp về bị chìm tàu ở Biển Đỏ, nay lập lại và ra mắt khán giả Sài Gòn). Bảy Viễn xuống xe tới bắt tay Georges, hỏi thăm xã giao. Ông bầu Huỳnh Kỳ móc túi trao một cọc thiệp mời nhưng Bảy Viễn cười thật tươi:
- Dân anh chị đi coi hát đâu cần thiệp, ông bầu – Rồi ung dung bước thẳng vô cửa, đám nhân viên soát vé dạt ra nhường lối cho y vào. Bảy Viễn tới hàng ghế đặc biệt dành cho khách quý. Ghế phải ngay giữa sân khấu, vào hàng thứ ba để khách quý không phải ngóc đầu lên mỏi cổ như hai hàng ghế đầu. Ghế danh dự cũng phải gần quạt máy nhưng không được ngay dưới quạt máy để tránh nạn lạnh “mỏ ác”…
Nhưng dù ghế có tốt đến đâu và tuồng có hay đến mấy, Bảy Viễn cũng không ngồi lâu. Hắn đi chơi chứ không phải đi coi hát. Coi vài màn rồi đi ra, qua rạp bầu Xá coi hát bội. Và đêm ấy, Bảy Viễn gặp cô đào hạp nhãn. Cô này là đào chánh của gánh bầu Xá. Hắn ngõ lời cưới cô đào chánh làm vợ bé. Cô đào đồng ý, bầu Xá chới với nhưng đành “bợ” xấp bạc của Bảy Viễn để kiếm cô đào chánh khác.
Bà Năm là cô Lúa, con gái hội đồng Đống xã Đa Phước. Bảy Viễn lạm dụng danh nghĩa ủy viên quân sự buộc Hội đồng Đống gả con gái cho hắn. Hồi đầu kháng chiến, cô Lúa ở trên một ghe mui ống đầy đủ tiện nghi cũng như bà Tư.
Ghe đậu trước tồng hành dinh ngài Khu bộ phó hôm đó thuộc quyền sở hữu của một cô vợ mới cưới của Bảy Viễn, không rõ là thứ mấy. Cô này vốn là một “tắc xi-gượt”, nói theo kiểu Hồng Kông (taxi-girl), dân làng chơi gọi là “ca ve” hay gái nhảy. Nàng ca ve này có kỹ thuật quyến rũ đàn ông nên những lúc “đau đầu” Bảy Viễn xuống ghe để được giải trí…
Dù là Năm Tài chê chức Khu bộ phó của Bảy Viễn là bánh vẽ, Bảy Viễn cũng thành lập đủ ban bệ, rườm rà, nổi đình nổi đám.
Ngoài các lán trại cho ban nhạc vừa mới “tậu”, hắn còn cho cất nhà khách để dân trên thành phố xuống có chỗ nghỉ ngơi tươm tất.
Nhà khách vừa cất xong, nàng ca ve bỏ ghe bầu lên chiếm ngụ làm của riêng. Đêm đêm nàng bắt dàn nhạc của Ngọc Thới và ông Chín Minh tới biểu diễn. Biết tánh Chín Minh chỉ chơi hay khi có rượu, nàng đãi ông mỗi đêm vài chầu. Tức thì mắt người nhạc sĩ tài hoa sáng hẳn lên, ông độc tấu vĩ cầm toàn những bài “cổ chiến” như dòng sông Danube (Đanuýp). Khu rừng Vienne (Viên) v.v… Đôi khi cao hứng, nàng ca ve mời Ngài Khu bộ phó “nhảy với em một bản”… Ở rừng sâu mà nàng ca ve vẫn đài các như ở thành, mặc kimônô áo ngủ bằng hàng mỏng – như khiêu khích, như mời mọc. Chính Ngài Khu bộ phó cũng xốn mắt ra lệnh dựng vách làm hàng rào để lính văn phòng không được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nóng bỏng của cô vợ mới cưới của ông Bảy.
Một hôm, Mười Trí từ Bình Hòa xuống tổng hành dinh Bảy Viễn bàn chuyện cơ mật. Ngày ấy Bảy Viễn có việc đi đâu đó, Mười Trí đi vòng vòng ngắm giang sơn Ngài Khu bộ phó. Bước lạc qua nhà khách, thấy nàng ca ve ăn mặc hở hang lạ đời, Mười Trí nhìn sững. Nàng ca ve xác láo hất hàm hỏi:
- Mày là ai? Ở đâu tới? Vô đây có việc gì?
Mười Trí nóng mặt:
- Tao là tao, còn mày là con nào?
Nàng ca ve cười ngạo nghễ:
- Tao là bà Khu bộ phó biết chưa, đồ nhà quê!
Mười Trí giận rụn:
- Mày là con đĩ chó chứ bà Khu bộ phó gì! Thằng Bảy Viễn không biết dạy vợ thì dạy dùm nó vậy – Mười Trí móc súng nổ một phát vỡ sọ nàng ca ve. Bắn xong, ông ung dung đi tìm Bảy Viễn. Không bao lâu thì Bảy Viễn về.
Mười Trí đưa khẩu súng còn bốc khói ra trước mặt Bảy Viễn:
- Vợ mới cưới của mày hỗn láo, tao vừa trị tôi, bây giờ mày tính sao với tao cũng được.
Bảy Viễn tái mặt, chạy qua nhà khách. Nàng ca ve nằm sõng sượt, tim đã ngừng đập. Bảy Viễn giận run, mặt hầm hầm, đi tới đi lui, mắt trừng trừng nhìn Mười Trí. Mười Trí vẫn ngồi khoanh tay trước ngực, khẩu súng sáu đặt trên bàn như chờ đợi.
Một lúc sau, Bảy Viễn nguội lại, ra lệnh cho nhân viên tẩm liệm người xấu số đưa đi chôn. Đêm ấy Bảy Viễn uống rượu say mèm. Hắn tiếc một bóng sắc kiều diễm hiếm có.
Qua ngày sau, chờ khi Bảy Viễn đã tỉnh hẳn, Mười Trí nhỏ to:
- Đàn ông thằng nào cũng háo sắc. Chỉ có mấy thằng liệt dương mới dửng dưng với gái đẹp. Nhưng mày đã đi quá trớn. Mày để con đĩ chó đó lộng hành quá. Tao là bạn nối khố với mày mà nó dám vô lễ với tao. Nó đúng là quỷ nhền nhện hiện hình để hại mày. Nên nhớ binh sĩ Bình Xuyên có ý thức chính trị chớ không phải đám lâu la dốt nát của mình thời xa cưa đâu. Chúng nó chiến đấu, sống chết không phải để cho bọn chỉ huy như mày ngày đêm đú đởn với mấy con quỷ cái trên thành xuống.
Bảy Viễn thở ra:
- Thôi, mày đừng nói nữa. Tao hiểu rồi. Nhưng mày làm mạnh tay quá!
Mười Trí cười:
- Mày còn tiếc rẻ phải không? Bạn sống chết như tao với mày mới khó kiếm chớ mấy con quỷ cái đó thì muốn bao nhiêu chẳng có? Hai thằng Lâm Ngọc Đường với Môrit Thiên sẵn sàng cung phụng cho mày mà! Nhưng tao khuyên mày, từ nay nên chơi bời kỹ, đừng để binh sĩ thấy. Ghe mui ống của mày thiếu gì, chèo vô chỗ khuất rồi thì làm chay hát bội gì đó tùy ý.
Mười Trí đổi sắc nghiêm nghị:
- Mày vừa bảo tao mạnh tay quá! Nhưng trường hợp gặp gián điệp của Phòng Nhì, phải mạnh tay mới được.
Bảy Viễn kêu lên:
- Con nhỏ đó là gián điệp à?
Mười Trí gật:
- Nó là gián điệp chánh hiệu. Từ ngày có nó về đây, Chi đội 9 của mày bị máy bay bắn mấy lần, mày có nhớ không? Mà lần nào cũng bắn trúng bộ chỉ huy. Vậy thì còn nghi ngờ gì nữa?
Bảy Viễn ngẩn ngơ khá lâu. Khi đã lấy lại bình tĩnh, Bảy Viễn hỏi:
- Mày xuống gặp tao có việc gì?
- Bảy Trấn vừa ghé thăm tao trên đường đi dự ĐẠi hội Nam Bộ. Nó làm lớn lắm: Chánh ủy khu 9. Mày nhớ hồi ba đứa “chém vè” ở Bến Tranh, ngày tối cứ thả rểu đánh bài tứ sắc không? Vậy mà bây giờ tao làm chi đội trưởng, mày làm Khu bộ phó, còn Bảy Trấn thì làm Chánh ủy khu 9! Tụi mình toàn là số đỏ cả!
Bảy Viễn tò mò hỏi:
- Rồi sao? Có gì hay?
- Bảy Trấn cự tao quá trời. Cự về vụ tao tự động đi dự đại hội giáo phái do Phạm Công Tắc triệu tập tại Tòa thánh Tây Ninh.
- Cự cái gì? Nó có phải cha mình đâu!
- Ấy, đừng nóng! Để tao nói cho mà nghe. Tụi mình phải coi chừng hai cha Phạm Công Tắc với Huỳnh Phú Sổ lợi dụng. Hai cha đó muốn nhảy theo Pháp nhưng hai đạo Cao Đài và Hòa Hảo tuy đông dân số mà chẳng làm đách gì được! Muốn lấy tiền của Tây thì phải có lực lượng quân sự hùng hậu. Bởi vậy hai cha đó mới “dụ khị” mình đứng chung trong Mặt trận Quốc gia chống Việt Minh.
Bảy Viễn ôm đầu suy nghĩ, Mưới Trí nói tiếp:
- Bảy Trân “xưng dựng” tao với mày thật nhẹ nhàng. Nó nói như giả ngộ mà rất thấm. Chẳng hạn nó nhắc hồi nhỏ đi học, thầy giáo kể chuyện con mèo thò tay vô lửa khều mấy trái ma-rông để con khỉ ngồi ngoài bốc ăn tỉnh bơ. Tụi mình là con mèo, còn hai cha Phạm Công Tắc và Huỳnh Phú Sổ là con khỉ đó. Mày nghĩ coi có đúng không?
Một lúc sau, Bảy Viễn hỏi:
- Bây giờ mày tính sao?
- Còn tính sao nữa! Tụi mình không nên để mấy cha buôn thần bán thánh chơi gác kèo trên. Chỉ có vậy thôi.
Bảy Viễn lại suy nghĩ:
- Giữa Tây với Việt Minh, phải chọn bên nào đây?
Mười Trí cười lớn:
- Làm tới Khu bộ phó mà còn hỏi lẩm cẩm như vậy sao? Theo Việt Minh tụi mình mới được như ngày nay, tao chi đội trưởng Chi đội 4, mày chi đội trưởng chi đội 9 rồi lại nhảy lên làm Khu bộ phó. Còn với thằng Tây như cò Bazin, đại úy Savani, thằng chúa ngục A-gốt-ti-ni thì tao với mày chỉ là thằng tù lợi hại cần nhốt cátsô vì đã nhiều lần vượt ngục Côn Đảo…
- Nhưng mới hôm trước đây mày nói Việt Minh tiêu diệt giáo phái, bây giờ mày trở cờ lẹ vậy?
- Đâu phải trở cờ! Hôm trước tao nghe tiếng chuông của Phạm Công Tắc, Huỳnh Phú Sổ, nghe sao về báo cáo lại cho mày, báo cáo y nguyên văn, không thêm bớt. Kế tao lại nghe tiếng chuông thứ hai của Bảy Trấn. Nó là thằng trí thức, học cao hiểu rộng hơn bọn mình. Nó nói có căn cơ bài bản hơn hai cho nội kia. Tây đưa Phạm Công Tắc về là để làm tay sai, chúng muốn nắm Cao Đài chống lại Việt Minh. Chúng cũng mua luôn Huỳnh Phú Sổ. Tao chưa biết Việt Minh có tính tiêu diệt giáo phái hay không, nhưng nếu mày là Việt Minh mà hai cha Phạm Công Tắc và Huỳnh Phú Sổ đầu Tây thì mày có cho tụi nó đi “mò tôm” hay không? Mày trả lời câu hỏi đó nghe coi?
- Vậy là mày theo Việt Minh mặc dầu tụi nó bắt vuột mày?
Mười Trí cười:
- Bắt là phải! Bởi tụi nó sợ tao nhảy ra đầu Tây như đám chỉ huy Chi đội 5. Tụi nó đâu biết tao đi dự đại hội giáo phái là do tánh tò mò?...
- Vụ Chi đội 5 ra sao, kể nghe coi?

<< Chương 29 | Chương 31 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 793

Return to top