Công tác Hòa Hảo của Mười Trí có phần thuận lợi nhờ câu nói bốc đồng của Huỳnh Phú Sổ với các đệ tử ruột khi còn là Ủy viên Đặc khu Nam Bộ. Năm Lửa nhớ lời thầy dặn nên sau khi Huỳnh Phú Sổ chết, Năm Lửa tôn Sư thúc Mười Trí lên làm người lãnh đạo tinh thần của nhóm hăn ta. Hòa Hảo chia làm nhiều nhóm cũng như bên Cao Đài chia làm mười hai phái. Năm Lửa vốn là tay đứng bến xe đò Cần Thơ, tên cúng cơm là Trần Văn Soái, tánh nóng như lửa nên được đặt hiệu là Năm Lửa. Để có đủ quân số cự với kháng chiến, Pháp dựng lên các bộ đội giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo tiếp tay với hai trăm ngàn quân ngụy vừa được Pháp trang bị súng ống cũng như đã trang bị cho quân đội Bình Xuyên của Bảy Viễn.
Vợ Năm Lửa cũng có một đạo quân nữ, ăn mặc như đào hát bội, đóng ở Cái Vồn, một thị trần nằm sát cầu bắc Cần Thơ (nay gọi là Bình Minh). Mự tự xưng là “Phàn Lê Hoa tái thế” làm trò cưới cho các nhà báo trong nước và nước ngoài. Đất Cái Vồn là nơi làm thiên hạ chú ý từ giữa thập niên 30 với đội banh phụ nữ do ông Phan Khắc Sửu làm bầu. Đội bóng đá này chỉ đấu với các đội học sinh và mỗi lần ra quân là hiến cho khán giả những trận cười thích thú.
Mười Trí nắm được Năm Lửa phần nào và tìm cách uốn nắn đạo quân Hòa Hảo của Năm Lửa. Anh đã gợi ý cho Năm Lửa áp dụng phê bình và tự phê bình để giúp bộ đội đoàn kết thân ái, Năm Lửa cũng đem về áp dụng nhưng kết quả thật buồn cười. Hãy nghe một cán bộ ta “cấy” vào bên cạnh Năm Lửa kể:
“Trong một cuộc họp cấp bộ của Hòa Hảo ở Cần Thơ, Năm Lửa trịn trọng tuyên bố:
- Việt Minh tiến bộ nhờ có vũ khí phê bình và tự phê bình. Hôm nay, Năm – Năm Lửa tự xưng là Năm – quyết định mở hội nghị phê bình và tự phê bình trong nội bộ. Có ai tự phê bình không?
Im lặng nặng nề. Năm Lửa xoa xoa bộ râu củ ấu rậm rì:
- Một… hai… ba… Không có thì thông qua. Bây giờ tới mục phê bình. Bắt đầu Năm đây. Có ai phê bình Năm gì không?
Không khí lại chìm lặng, nặng nề. Năm Lửa lại xoa xoa bộ râu củ ấu.
- Tụi bây cứ mạnh dạn phanh phui, giúp tao sửa chữa. Tao không phiền trách tụi mày đâu.
Một người rón rén đưa tay. Năm Lửa khoái chí:
- Như vậy mới được chứ! Mày phê bình Năm cái gì đây?
Người kia ấp úng:
- Em xin phê bình ông Năm nóng tánh.
Năm Lửa bật cười:
- Phải, tao nóng tánh. Bởi vậy mới có cái tên Năm Lửa… Nhưng đó là tánh trời sanh, làm sao bỏ được! Còn ai phê bình Năm gì nữa không?
Một người khác đưa tay lên:
- Em xin phê bình ông Năm hay chửi thề Đ.m.
Bộ râu củ ấu vểnh lên, hai mắt Năm Lửa trợn trắng; nhưng hắn vội dằn xuống được:
- Ờ, đúng! Năm quen Đ.m, hồi còn ở bến xe. Muốn bỏ phải từ từ. Còn đứa nào phê bình gì nữa không?
Thấy thái độ mềm mỏng của Năm Lửa, một người thứ ba mạnh dạn đưa tay:
- Em xin phê bình ông Năm – Tới đây người ấy bỗng ấp úng. Năm Lửa xoa xoa bộ râu củ ấu, khuyến khích:
- Cứ nói tự nhiên, không việc gì phải ngại!
Người kia cố lấy can đảm nói thật nhanh:
- Em xin phê bình ông Năm hay vuốt đít em vợ!
Bầu không khí trong cuộc họp như nháng điện. Ai nấy đều xanh mặt, hết nhìn Năm Lửa đến nhìn kẻ táo tợn dám cho nổ quả bom thúi làm cả hội trường suýt chết ngạt.
Lần này Năm Lửa không còn dằn được nữa. Bộ râu củ ấu rậm rì vểnh lên tới mang tai, hai mắt trợn trừng chỉ còn tròng trắng. Hắn đập bàn quát to:
- Đ.m,cái thằng phê bình lãng xẹt! Dê em vợ mà cũng đem ra phê bình! Đ.m, không hội nghị hội nghếch gì nữa! Giải tán!
Bảy Rô được một trận cười thỏa thích. Nhưng thức đêm mới biết đêm dài, không phải công tác Hòa Hảo ở đâu cũng vui cười thoải mái như trong nhóm Năm Lửa. Có những nhóm tín đồ Hòa Hảo bị kích động hằn thù Việt Minh đã bí mật thủ tiêu cán bộ đi công tác qua làng. Nhiều cán bộ đã bị đâm chết trong nớp, vào giữa đêm, mà người giết không ai khác hơn là chủ nhà đã đãi khách một bữa cơm tối với tất cả ân cần… từ đó có câu phổ biến trong cán bộ công tác vùng Hòa Hảo: “coi vậy mà không phải vậy”.
Kỳ 52 PHÒNG NHÌ ĐƯA GÁI VÀO RỪNG SÁC
TÌNH BÁO PHÁT HIỆN RA KỊP THỜI Bảy Viễn về thành là một thất bại lớn của Phòng Nhì, Savani mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Công phu bố trí hai tên “a giăng”(1) cừ Tài, Sang sát cánh bên Bảy Viễn trong mấy năm trời bỗng bị phủi sạch. Ván bài chiến khu quốc gia ma bất thành. Con đường sông từ Vũng Tàu về Sài Gòn không còn an toàn cho các tàu buôn quốc tế. Đó là con đường chiến lược cần phải duy trì với bất cứ giá nào.
Thua keo này, bày keo khác, Savani “xóa bài làm lại”. Nhìn bản đồ Rừng Sác, tên trùm Phòng Nhì vạch kế hoạch mới.
Theo báo cáo của các mật báo viên cấy trong Khu, hắn biết các Chi đội trong Liên khu Bình Xuyên đã giải thể và phiên chế thành đơn vị mới. Hắn đặc biết chú trọng Chi đội 21 của Tư Hoạnh nay hợp cùng với một số khác thành Trung đoàn 300.
Ban chỉ huy gồm có Mười Thìn trung đoàn trưởng, Ngọt trung đoàn phó và Việt Hồng chánh trị viên. Ba người này “cứng như đá xanh”, không rớ tới được, Savani nhắm vào cấp tiểu đoàn, đại đội. Một nhân vật được Savani năm lai lịch tương đối kỹ: Huỳnh Văn Nghiệp, quê Trà Vinh, trước là đại đội trưởng trong Chi đội 21, nay là tiểu đoàn trưởng phụ trách tác chiến. Nghiệp có chỗ yếu là trên ba mươi mà chưa có vợ. Tay cáo già Savani biết gái đẹp là võ khí lợi hại nhất đối với cán bộ kháng chiến. Hắn áp dụng mỹ nhân kế, chọn một số nhân viên nữ có nhan sắc bí mật đột nhập Lý Nhơn nơi Trung đoàn 300 đóng.
******
Nghiệp từ từ rơi vào tròng của Sương, người của Phòng Nhì cài vô ban tình báo Trung đoàn. Sương là một cô gái trẻ, đẹp, biết dùng võ khí trời ban cho bắt cả hồn lẫn xác những kẻ “dại gái”.
Với những cái liếc mắt đưa tình, những lời lẽ vừa buộc vừa thả, nửa đùa nửa thật, Sương nắm Nghiệp và nắm luôn các tay háo sắc khác như Long, trưởng ban chính trị; Hiệp trưởng bệnh viện; Trường… Sương càng giao thiệp rộng bao nhiêu, Nghiệp càng chiều chuộng bấy nhiêu. Khi thấy Nghiệp như trái chín cây, Sương bắt đầu lung lạc, gây chia rẽ nội bộ. Những chuyến về thành công tác, Sương đem vô Khu rất nhiều thức ăn cho Nghiệp mời bạn bè tới nhậu nhẹt. Làm nhiều lần như vậy, bỗng Sương “cúp ngang”, về tay không. Bạn bè không tới nữa, Sương liền to nhỏ:
- Anh thấy chư? Có ăn thì tới chật nhà. Không có ăn thì bỏ đi sạch bách. Bạn bè gì vậy?
Ăn quen nhịn không quen, Nghiệp xúi vợ về thành. Nhưng Sương lắc đầu:
- Má đâu có tiền mà nuôi mấy anh như cưởng hoài. Nếu như anh muốn sống đế vương thì anh phải tự tìm ra tiền…
- Bằng cách nào?
Trong đêm thanh vắng, Sường tỉ tê bày cách tìm ra tiền: Vẽ bản đồ Rừng Sác, bán rất được giá.
Nghiệp bật dậy như bị điện giật. Sương đã hiện nguyên hình là nữ điệp viên. Phản ứng đầu tiên của anh là bước qua cầu khỉ tới văn phòng ông Mười Thìn báo cáo và bắt ngay con rắn độc.
Nhưng Sương đã kịp quỳ xuống ôm chân anh năn nỉ xin bỏ qua sự nông nổi nhẹ dạ của mình. Nước mắt giai nhân làm Nghiệp do dự: “Con người kiều diễm như Sương, lẽ nào mình nỡ giết cho đành!”.
Nghiệp bỏ qua cho Sương lần đó, nhưng cũng từ đó anh trở thành tù bình của nữ gián điệp lợi hại. “Anh đã đi một xuồng với tôi, anh phải bảo vệ cho tôi, còn tôi thì tiếp tục làm tiền cung phụng cho anh”.
Nghiệp đã nhân nhượng Sương, cho ả “quá giang” đi khắp nơi ta đóng quân trong vùng.
Sương đã vẽ bản đồ, chỉ điểm các cơ quan đóng, nắm đượcngười phụ trách đài VTĐ, cho tọa độ để “cồng cộc” lên bỏ bom, bắn phá. Các hoạt động của Sương và nhóm tù binh của ả dù bí mật cũng không qua mắt được anh em trinh sát trung đoàn. Muộn tóm bắt Sương và nội bọn, phải nắm chắc bằng cớ. Làm sao? Địch đã cài gián điệp vô Trung đoàn, ta phải cài phản gián vô Phòng Nhì. Bót Ngã Ba Hàng Xanh là đơn vị chỉ huy Sương. Tên đại úy Tây lai trưởng bót này là một gã đẹp trai, khỏe mạnh nói tiếng Việt như người mình.
Sau khi nghe ban tình báo nêu rõ yêu cầu, mục đích cần nắm tên đại úy Tây lai nầy, cô Nga tình nguyện làm công tác. Đây là một phụ nữ trẻ, xinh, đầy lòng yêu nước, sẵn sàng làm bất cứ việc gì cấp trên giao để kháng chiến mau thành công.
Đưa Nga về thành, anh em lo lắng cho cô. Tên Tây lai là một thằng “điếm thúi” còn Nga là một một cô gái thiếu bản lãnh; làm địch vận mà không khéo sẽ bị địch vận động lại.
Thoạt tiên Nga đẩy xe nước ngọt bán trước cửa bót, hàng ngày làm quen với bọn lính. Nhưng Nga phạm sai lầm là quá chăm chú vào mục tiêu nên tên Tây lai đoán được ý đồ. Hắn giả si mê Nga. Khi đã chiếm được rồi, hắn giam lỏng cô trong bót.
Liên lạc thành ra bưng báo cáo tình hình bật lợi đó. Ba chỉ huy Trung đoàn quyết định phái hai anh Ba Vinh và Mười Tương bí mật về thành giải thoát cho Nga.
Sau mấy ngày chờ đợi, thời cơ đến: Tên đại úy Tây lai về họp tại Sài Gòn, Ba Vinh và Mười Tương giả người nhà cô Nga đến thăm và rủ ra quán ăn hủ tíu. Một xích lô máy đã chờ sẵn để tiến hành kế hoạch bắt cóc, đưa nga về Tiều.
Khi Nga xác nhận có gặp Sương tại bót Ngã Ba Hàng Xanh, Trung đoàn ủy quyết định bắt Sương, Nghiệp và đồng bọn. Viếc bắt cũng phải “bài bản”; đề phòng Nghiệp vọt hoặc có sẵn lực lượng trong tay gây xô xát đổ máu.
Cách hay nhất là mời họp kéo dài cho tới nước ròng, giữ Nghiệp lại. Đúng 17giờ 30, ta đưa điện tín của Bộ Tư lệnh Phân khu Duyên Hải tạm giữ đồng chí Nghiệp. Vừa loan tin, ta tước khẩu Colt 12 của hắn. Nghiệp chối dài, nhưng với chứng cớ của công an, quân báo Nhà Bè, Gò Công và nhất là sự xác nhận của cô Nga đã gặp Sương trong bót Ngã Ba Hàng Xanh. Nghiệp thú nhận đã dung dưỡng Sương. Hồ sơ bổ sung đầy đủ, nội vụ được đưa ra xử công khai tại Cần Thạnh (Cần Giờ). Trước tòa, Sương nhìn nhận tất cả tội lỗi: vâng lệnh Phòng Nhì, ả đã dùng tiền bạc và sắc đẹp tổ chức tiệc tùng, trác táng lôi kéo Nghiệp vào con đường phản cách mạng.
Những người có mặt hôm ấy càng kinh tởm con rắn độc Sương bao nhiêu càng thương tiếc anh tiểu đoàn trưởng Nghiệp bấy nhiêu. Từ một chiến sĩ dạn dày trận mạc, lập nhiều chiến công, anh trở thành kẻ phản quốc chỉ vì thiếu cảnh giác, để cho kẻ địch nằm cả hồn lẫn xác.
Khi nghe bản án tử hình, Nghiệp xin một viên đạn. Anh muốn chết như một chiến sĩ, yêu cầu cuối cùng đó được chấp nhận.
Các bản án được thi hành tại Vườn Xoài xã Lòng Hòa. Một số có dính líu được đưa về Khu để giáo dục cải tạo.
Qua vụ gián điệp này, trung đoàn nâng cao cảnh giác không để tấm bi kịch tái diễn trong đội ngũ mình.
Người nhân chứng quan trọng nhất trong vụ là cô Nga được cấp tốc đưa đi chữa bệnh hoa liễu. Sự hy sinh của cô mãi mãi được khắc sau trong trí nhớ của đồng đội.
Chú thích: (1) agent: Nhân viên