Sau đêm nằm tiệm thuốc đường Lơ-pheo, Hai Vĩnh bỏ nhà máy xay lúa cất bước giang hồ, anh nghĩ bụng: “muốn làm anh chị, trước nhất phải làm chủ lấy mình, không thể làm tôi mọi thiên hạ”. Tin Bảy Rô “vô Khám Lớn” khiến anh buồn mấy ngày.
Anh thương Bảy Rô vì hai người cùng tuổi, cùng một ý chí muốn vươn lên thoát khỏi sự trói buộc của nghèo túng. Nhưng Bảy Rô đã đi sai đường. Giờ đây nằm khám, Bảy Rô có thì giờ suy gẫm và lời khuyên bảo của anh trong đêm ăn nhậu tại Nghi Xuân Lầu...
Hai Vĩnh đi khắp nơi, la cà các bến tàu, bến xe tìm hiểu cung cách làm ăn của các tay anh chị. Cái nghề đứng bến không có sách vở nào dạy, các tay anh chị cũng không tốt nghiệp trường nào. Đành phải học nơi trường đời thôi. Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, nơi nào cũng có người xưng hùng xưng bá, dưới tay có một số em út sẵn sàng đổ máu theo hiệu lệnh của đàn anh. Tay anh chị đầu tiên Hai Vĩnh tới làm quen là Ba Dương, nhà ở bên này cầu Rạch Đỉa, gần nhà Bảy Rô. Từ lâu nghe danh nhưng Hai Vĩnh chưa có dịp tiếp xúc. Lần gặp gỡ đầu tiên, Hai Vĩnh khám phá được nhiều điều bổ ích. Ba Dương lớn hơn anh chừng một con giáp, khoảng băm lăm, người tầm thước, tánh tình nghiêm nghị, ít nói. Anh em trong nhà ít khi nói chuyện với anh quá ba câu. Điều làm Hai Vĩnh ngạc nhiên hơn hết là thái độ lễ phép của Ba Dương. Luôn luôn anh “dạ, thưa” với mọi người cùng trang lứa. Thì ra muốn làm anh chị không nhất thiết phải “hét ra khói, nói ra lửa” như những tay đao búa ở các bến xe đò. Điều căn bản là tài đức phải đi đôi. Có tài mà không có đức thì tài đó sẽ không thọ. Tìm hiểu sâu hơn, Hai Vĩnh được biết Ba Dương là người lạc quan và kiên trì. Trong những năm đi chăn vịt khắp miền đồng ruộng Nhà Bè, Cần Guộc, Cần Đước, Gò Công, Ba Dương không hề ngán ngại gian khổ mà lấy làm vui thú trong cảnh điếm cỏ cầu sương, hòa lòng với tiếng hò trên sông nước. Tới đâu anh giao du tới đó và mỗi khu nghe ông thầy võ nào có ngón gia truyền là lùa vịt tới nơi làm quen. Nhờ vậy mà thầy của Ba Dương rất nhiều. Nổi tiếng nhất là ông Ba Thi ở Chợ Lớn, ông Sáu Lầu ở Bình Chánh, Nhà Bè và ông Bộ Dực ở Bến Tre. Hai ông trước giỏi quyền cước, ông sau cùng sở trường roi, siêu...
Người anh chị thứ hai mà Hai Vĩnh định tới học hỏi là ông Tám Mạnh ở Chánh Hưng. Từ Long Kiểng qua Chánh Hưng không xa mấy, nhưng anh cứ ngần ngại mãi vì... cô Tư Xóm Cỏ. Anh không muốn khơi lại vết thương lòng. “Có lẽ giờ này cô nàng đã nghiễm nhiên là cô thông, cô ký, chân dép, chân giày rồi”. Thế rồi một hôm, anh gặp Chín Phải tại một quán nước dưới dốc cầu Chữ Y. Chín Phải là thanh niên ở cầu Rạch Bàng, quen biết với anh qua vài lần đi chà gạo tại cầu Rạch Đỉa. Bảy Rô bị bắt không bao lâu thì Chín Phải cũng bị bắt về tội đánh tên điền chủ Tám Long.
- Ủa, Chín Phải, mãn tù hồi nào vậy chú?
Chín Phải kêu thêm một cái “hắc quảy” và vài điếu Cô-fát, vui vẻ kéo ghế mời Hai Vĩnh:
- Anh Hai, em chỉ bị có hai ngày tù thôi, nhưng phải bỏ làng vì sợ tụi nó ám hại...
- Đầu đuôi như thế nào?- Hai Vĩnh tò mò hỏi.
- Chuyện như thế này nè... Hôm đó trời mưa giông, chừng tạnh mưa, em ra ruộng kéo vô mấy nhánh chà bầu. Đi ngang qua nhà Tám Long, thấy nó sửa soạn đi đâu mà ăn diện dữ quá. Em men lại gần, thấy nó mặc áo long đoàn, quần xuyến trắng, khăn nhiễu đen, đi giày mã vĩ. Em vô tình đi quá gần nên nhánh chà quẹt một vết bùn lên ống quần của nó. Nó hét lên: “Đồ đui! Ông nội mày đứng đây, không thấy sao mà làm dơ quần?”. Bị chửi bất thình lình, em đứng nhìn nó trân trân. Nó tưởng em dám cự lại, càng làm dữ: “Mày còn nghinh nữa hả? Tao chửi tới thằng cha mày đây nè, thứ đồ quân bất lương, đẻ con không biết dạy!”. Sợ nó chửi um xùm, em kéo riết nhánh chà về nhà. Nhưng ông già em đã đứng chực trước sân. Ông bắt em kể đầu đuôi rồi nghiêm nghị bảo: “Vậy rồi mày làm thinh! Cha mày theo Thiên địa Hội, dám đòi Tây trả nước, thằng Tám Long bất quá là một thằng điền chủ, tại sao mày lại sợ nó? Tao đã từng dạy mày là “ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”. Bây giờ mày phải trở lại trị nó.
Mau lên, nó hãy còn đứng đó”. Em cắm đầu chạy. Nghe tiếng bà già gọi giật ngược, em khựng lại nhưng ông già khoát tay biểu tiếp tục. Thằng Tám Long thấy bộ vó em hầm hừ, toan quay vô nhà nhưng không kịp. Em đã bay tới phóng một đá song phi khiến nó té văng xuống ruộng, la làng chói lói, em trở về nhà, ăn chưa xong bữa cơm thì làng lính tới còng tay đưa về nhà việc. Làng giải lên tổng. Cai tổng Thìn là anh ruột Tám Long. Vậy là nạp mạng cho chằn rồi! Má em lật đật làm đơn xin giải lên quận. Tám Long khăn đóng áo dài lên quận quyết ăn thua đủ. Nhưng em may mắn gặp một ông quận thanh liêm không ưa bọn cường háo ác bá. “Ai gọi chú?”, quan quận đuổi Tám Long ra, cho má em vào hầu trước. Sau khi nghe má em giải bày. Ổng phạt em hai ngày làm xâu. Nếu có tiền thì đóng bốn cắc. Em chịu ở lại làm xâu hai ngày vì nhà nghèo. Tám Long bí mật cho Cai Tược hai trăm đồng, dặn phải đánh em đúng hai trăm “ma-trắc”. Cai Tược ham tiền kiếm chuyện đánh đập em đủ hai trăm ma-trắc. Đủ hai ngày, nó còn chưa chịu thả, má em phải lên quận khiếu nại mới yên. Về nhà chỉ có một ngày, em ôm gói ra đi, đề phòng bọn tiểu nhân tìm cách tiếp tục ám hại.
- Lâu nay chú ở đâu? Làm gì?- Hai Vĩnh hỏi.
- Em học võ nơi ông Tám Mạnh.
- Vậy à?- Hai Vĩnh vô tình reo lên.
Chín Phải vui vẻ:
- Anh Hai có tới lò võ của ông tám chưa? Đông lắm! Vui ghê!… Nếu anh Hai muốn thì đi với em.
Không bỏ lỡ cơ hội tốt. Hai Vĩnh theo Chín Phải đến lò võ ông Tám.
- Lâu nay chú ở đâu? Làm gì?- Hai Vĩnh hỏi.
- Em học võ nơi ông Tám Mạnh.
- Vậy à?- Hai Vĩnh vô tình reo lên.
Chín Phải vui vẻ:
- Anh Hai có tới lò võ của ông Tám chưa? Đông lắm! Vui ghê!… Nếu anh Hai muốn thì đi với em.
Không bỏ lỡ cơ hội tốt. Hai Vĩnh theo Chín Phải đến lò võ ông Tám. Nhà ông Tám ở Xóm Cỏ gần bờ sông. Nhà ba căn, vách bổ kho, mái lợp lá. Nhưng ngôi nhà và khu vườn quá im vắng khiến Hai Vĩnh ngờ ngợ. Chín Phải giải thích:
- Đây là nhà tổ phụ. Ở đây chỉ có bà má ông Tám và cô Tám, con gái ông Tám. Còn tất cả thì ở trại ruộng bên kia sông thuộc xã Phước Lộc. Để tôi mượn xuồng đưa anh Hai qua bên đó.
Nói là trại ruộng nhưng gian nhà ông Tám bên Phước Lộc coi cũng khang trang. Cũng ba gian, thêm một chái để lo bếp núc. Nhà ở sát bờ rạch, với hàng bần xanh mát. Trước nhà là sân phơi lúa mà cũng là sân tập võ. Trên sân có khoảng chục thanh niên đang quây quần xem một cô gái biểu diễn một đường quyền thật đẹp mắt. Hai tay cô múa vun vút, thỉnh thoảng cô đá song phi, bàn chân phóng lên tới đầu người. Hai Vĩnh cập bến đúng lúc cô gái bái tổ giữa tiếng vỗ tay của đám võ sinh. Hai Vĩnh thấy cô gái có bộ vó quen quen. Chừng tới gần anh mới nhận ra cô ta chính là cô Tư Xóm Cỏ, không nén được vui mừng, anh reo lên:
- Cô Tư!
Cô gái cũng nhận ra Hai Vĩnh ngay, niềm vui lộ trong giọng nói:
- Anh Hai! Lâu nay anh đi đâu mà biệt tăm biệt dạng vậy? Tôi có qua Rạch Đỉa mấy lần, nhưng nghe nói anh đã bỏ nhà để đi giang hồ, phải vậy không?
Hai Vĩnh gật:
- Còn tôi thì tưởng cô Tư đã xuất giá, đã là cô ký, cô thông...
Cô Tư khẽ chau mày:
- Bộ anh tưởng tôi ham làm cô ký, cô thông lắm sao?... nhưng mà chuyện cũ hãy bỏ qua, mời anh vô nhà uống nước. Sáng nay ba tôi đi xóm, mấy anh em đây nhờ tôi đi một đường quyền cho anh em ôn lại những chỗ quên.
Hai Vĩnh theo cô Tư vô nhà:
- Nói vậy... cô Tư không ưng thầy ký nào đó?
Cô Tư rót nước rồi kéo ghế ngồi ngang Hai Vĩnh:
- Anh có thấy mặt thầy ký đó chưa mà nghĩ là tôi phải ưng anh ta?
Hai Vĩnh cười:
- Chưa thấy, nhưng tôi nghĩ là lấy chồng thầy ký, thầy thông khỏe thân hơn lấy chồng lao động; kế nữa làm cha mẹ, ai cũng chọn chỗ môn đăng hộ đối cho nở mày nở mặt với làng tổng.
Cô Tư nghiêm nghị:
- Anh đừng vơ đũa cả nắm! Anh chưa gặp ba tôi lần nào phải không? Chút nữa ổng về anh sẽ thấy. Ổng không như người ta đâu. Anh có biết tại sao gia đình chúng tôi ngày suy sụp hay không? Đó là vì lòng nhân ái. Ông nội tôi làm xã ba năm... gia đình mất trọn ba mẫu ruộng. Tại sao hả? Tại ổng thương những người nghèo không có tiền đóng thuế thân, ổng sợ họ bị bắt làm tù bố nên cứ đóng dấu phát bừa giấy thuế thân cho họ, đến chừng nào có tiền thì đem lại trả sau. Nhưng có ai trả lại cho ổng đâu! Tới chừng trên quận dạy nạp thuế, ổng phải cầm cố đất ruộng để đóng lên quận cho đủ. Năm trước mấy sào, năm sau một mẫu, cứ vậy mà sau ba năm làm làng, gia đình mất tiêu miếng đất hương hỏa. Đất này là ba tôi mướn của người ta đó. Cũng tại vậy mà ba tôi có học bao nhiêu, vừa biết đọc biết viết là phải tiếp tay với người lớn lo việc ruộng nương.
Hai Vĩnh nghe cô Tư nói, hai mắt sáng lên, tâm hồn phơi phới. Cô chịu khó trình bày như vậy có nghĩa là cô ngầm xúi anh “cứ tiến tới đi, không có trở ngại nào đâu. Đã có tôi ở trong nói vô thì chắc chắn sẽ kết quả”.
Bỗng bầy chó chạy ra sân cất tiếng sủa vang. Cô Tư bước ra hàng ba, bảo Hai Vĩnh:
- Ba tôi về đó!
Một ông già khoảng trên năm mươi, mập mạp, hồng hào, nét mặt vô cùng phúc hậu ung dung bước qua sân, ông nhìn các võ sinh đang tập, bước lại uốn nắn từng người, dịu dàng, thân ái. Cô Tư cũng bước vô nhà với ông để giới thiệu Hai Vĩnh:
- Đây là thầy Hai, trước đây trông coi nhà máy xay lúa Rạch Đỉa...
Ông Tám nhìn Hai Vĩnh gật gù:
- Thầy Hai tới đây có việc chi?
Hai Vĩnh lễ phép:
- Thưa ông Tám, lâu nay cháu nghe tiếng ông Tám, muốn được gặp nhưng chưa có dịp. Nay gặp Chín Phải là em út của cháu ở Tân Quy, cháu qua đây, trước để làm quen, sau để trau dồi...
Ông Tám gật đầu:
- Thầy Hai cứ tự nhiên. Lò võ của tôi cũng như cửa chùa, mở rộng cho khách thập phương. Ai thích thì tới. Ở đây có nhiều đẳng cấp, người học trước, kẻ học sau, thầy Hai cứ việc thử sức so tài. Dần dần rồi sẽ trau dồi thêm...
Hai Vĩnh vui mừng được ông Tám nhận làm môn sinh. Anh đang cần luyện thêm vài ngón độc đáo để có thể xưng danh anh chị sau này. Nhưng điều anh đang cần trước nhất là được dịp gần gũi “cố nhân” sau nửa năm xa cách. Nhờ cô Tư, Hai Vĩnh biết thêm về ông Tám Mạnh. Từ lúc thiếu thời, ông Tám cũng bỏ nhà đi giang hồ vì không chịu được cảnh làng lính hiếp đáp. Ông cần có nghề trước nhất để tự vệ, sau là để trừng trụ bọn sâu dân mọt nước. Thầy của ông Tám là các danh thủ khét tiếng như ông Bảy Khuyên ở Hóc Môn, ông Hai Ngàn ở Tân Khánh, ông Tư Thêm ở Vàm Láng.
Hai Vĩnh và Chín Phải dần dần trở nên thân thiết. Cả hai giống nhau ở một điểm, gắn bó với gia đình ông Tám. Hai Vĩnh quen cô Tư. Chín Phải mến cô Tám. Chín Phải thường la cà bên Xóm Cỏ hơn là thường trực bên Phước Lộc. Ông Tám dường như cũng biết những chuyện thầm kín đó, nhưng ông không nói gì, vẫn xem Hai Vĩnh và Chín Phải như con cháu trong nhà.
Sau một thời gian gần gũi nhau, Hai Vĩnh và cô Tư càng “mến tay mến chân”, Hai Vĩnh nhờ ông Chín Nhuần chính thức tới hỏi cô Tư. Ông Chín Nhuần là tay anh chị quen thân với ông Tám Mạnh. Tuy có tay trong tay ngoài, anh không ngớt lo sợ bất trắc. Trong thời gian chờ đợi kết quả, Hai Vĩnh nằm nhà ở Long Kiểng, chờ mong sứ giả tới báo tin vui.
Hai Vĩnh lo cũng đúng. Người không tán thành cuộc hôn nhân này là cô Chín, em ruột ông Tám. Cô Chín trước đây làm mai cô Tư cho thầy ký ở Chợ Lớn, nhưng cô Tư không ưng. Nay thấy cô Tư phải lòng Hai Vĩnh là một thằng “nghèo mạt, không có chân đứng, trên không chằng, dưới không rễ” cô cứ xách giỏ trầu nói tới nói lui, làm bà Tám phân vân. Có lúc bà ngả theo cô Chín. Đêm đêm cô Tư hồi hộp lắng nghe cha mẹ bàn bạc về chuyện chồng con của cô. Tiếng ông Tám ôn tồn chậm rãi: “Chọn rể cho con hay cho tôi với bà, nếu cho con thì phải để cho con được trọn quyền chọn lựa. Tôi với bà nên đứng ngoài, chỉ can thiệp khi nào thấy thằng rể quá tệ, chẳng hạn như nó cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, hút xách...”.
Kế nghe tiếng bà Tám cắt ngang: “ông đừng có bắc thang cho con nhỏ nó leo.
Thầy ký ăn trắng mặc trơn không chịu, lại ưng thằng lỡ thầy lỡ thợ, nghèo xơ nghèo xác…”. Giọng ông Tám cao thêm một chút: “Gả con chớ phân biệt giàu nghèo. Lấy chồng giàu chưa chắc đã có hạnh phúc. Có khi về làm mọi không công cho bên chồng. Còn lấy chồng nghèo, có một quan ăn một quan, có một đồng ăn một đồng, đói cùng đói, no cùng no, như vậy mới là có hạnh phúc... Bà Tám im lặng một lúc lâu: “Hai cha con ông một phe với nhau, nó nói già ông cũng nghe. Hai cha con tính sau thì tính. Sau này có gì đừng có than thở với tôi...”. Lại im lặng một lúc, kế ông Tám trở lại giọng bình thường, ôn tồn chậm rãi: “Mấy tháng nay tôi có để ý xem chừng tánh nết của thằng Vĩnh. Tôi thấy nó được lắm. Nó đúng là con nhà nghèo; rất có hiếu: làm bao nhiêu tiền để dành cho cha mẹ, cho đàn em mua giấy mực, sách vở. Sánh có chữ “Gia bần tri hiếu tử…” tôi chịu gả con cho những thằng nghèo mà biết hiếu thảo với cha mẹ, biết nhân nghĩa với bạn bè hơn là gả con cho những thằng công tử bột, suốt đời chỉ biết ỷ lại gia sản của cha mẹ và quen thói chỉ tay năm ngón, chồng chúa vợ tôi...”.
Cô Tư biết ông Tám đã thuyết phục được bà Tám cô mừng rỡ, mừng đến rơi nước mắt, cô muốn chạy ngay lại ông Tám, ôm lấy cha để cảm ơn những lời nhân ái, đầy sáng suốt. Những lời ấy giúp cô mạnh dạn bước tới trong việc chọn lựa người bạn đời.