Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Người Bình Xuyên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 103334 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Bình Xuyên
Nguyên Hùng

Chương 5

Hai Vĩnh không thể nào quên được ngày Nam kỳ khởi nghĩa. Ngày trọng đại này để lại một kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất đời: anh đã tìm được một con đường đi. Kể từ ngày được nghe “quới nhơn” Bảy Trân đánh thức tinh thần yêu nước, Hai Vĩnh mới thấy chuyện đứng bến kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt của dân lao động là thấp hèn. Con đường đi mà từ lâu anh suy gẫm tìm tòi chính là con đường “quới nhơn” Bảy Trân đang đi. Anh phải theo dấu chân người đi trước. Càng ngẫm nghĩ, Hai Vĩnh bật cười khi nhớ lại buổi sáng thằng Mười qua Long Kiểng báo tin vui: “Chuyện quốc gia đại sự mà mình lại tưởng chuyện tình duyên bé nhỏ của mình với cô Tư”.
Đã được thông báo trước, Hai Vĩnh qua Xóm Cỏ vào chiều ngày 22, ăn cơm và ngủ luôn tại đó để nửa đêm “xuống đường” cướp chánh quyền. Tại đây đã có đông đủ anh em, bà con và các môn đệ của ông Tám. Họ đàn ca hát xướng, cười nói thật vui vẻ. Trong số này chỉ có Năm Hồi và Mười Nhỏ là có súng. Cả hai đều hãnh diện với cây súng và túi da đựng đạn của mình. Năm Hồi nói với Mười Nhỏ:
- Từ nay, súng trong tay hai cậu cháu mình sẽ có ý nghĩa hơn. Thay vì đi ăn hàng, mình đánh tây với tụi mã tà chạy tét. Vậy mới đáng mặt anh hùng!
Hai cậu cháu cứ săm soi hai khẩu súng rồi kể lai lịch của chúng. Đây là loại súng săn Tây cấp cho các tay hương quản để uy hiếp dân làng. Cả hai thích chí cười bảo “bây giờ thì gậy ông đập lưng ông”.
Trong lúc đám đàn ông đàn ca, bà Tám chỉ huy các chị em cô Tư làm bếp. Chị Hai đảm trách một chảo cơm nếp to tướng, đủ cho ba chục người ăn. Cô Tư cùng cô Sáu làm gà kho sả ớt. Chưa tới mười một giờ, đâu đấy đã xong, mùi thơm của nếp rặc hòa với thịt gà kho bay lên nhà trên, ngào ngạt.
Ông Tám điểm binh xong, ra lệnh bà Tám dọn ăn.
- Tất cả ăn cho no! Ăn nó mới đánh khỏe!
Mọi người vừa ráp lại thì “quới nhơn” đạp xe tới. Vẫn bộ bà ba mốc cời và đôi guốc mòn lẻm. Ông Tám mời quới nhơn ngồi ở bộ trường kỷ. Vừa ăn, Bảy Trân hỏi:
- Công cuộc chuẩn bị như thế nào? Tinh thần anh em ra sao?
Ông Tám vui vẻ gật đầu:
- Anh em hăng lắm. Hễ nghe đập đầu Tây với làng lính là xáp vô làm liền! Lâu nay cá ăn kiến, bây giờ kiến ăn cá, không hăng sao được thầy Bảy! Từ ngày nghe thầy Bảy nói chuyện, anh em ngưng “đi hát” để thì giờ tập võ và o bế đồ binh khí.
Bảy Trân nắm tay ông Tám:
- Nhờ ông Tám nói với anh em là chúng tôi rất cảm ơn anh em đã hưởng ứng lời đề nghị của tôi. Bác Tám biết không, niềm vui của chúng tôi không sao kể xiết. Trước đây đêm nào ăn cướp cũng hoành hành, trống mõ khua vang như nhái kêu. Vậy mà hai tuần nay êm re. Vậy mới biết là tiếng nói của Đảng “linh” quá!
Ông Tám hãnh diện:
- Thầy Bảy yên tâm, em út của tôi coi hầm hừ vậy mà tôi nói sao nghe vậy. Tôi dạy học trò mấy chục năm nay, không có thằng nào phản.
- Các thứ đồ nghề để phá khám như búa tài xồi, cưa sắt, ông Tám lo đủ chứ?
- Đủ hết! Bỏ trong bao cà-ròn, giao cho Năm Hồi.
Bảy Trân yên tâm. Lúc uống trà, ông đứng lên:
- Tôi phải ra đường số 5 với anh em. Bộ tham mưu đặt tại gò mả An Phú, dưới xóm “các chú”.
Ông Tám ngạc nhiên:
- Ủa, tôi tưởng thầy ở lại đây với chúng tôi chớ?
Bảy Trân giải thích:
- Tôi chịu trách nhiệm trong toàn tổng Tân Phong Hạ. Tôi tổ chức được ba nhóm, ở đây là một, bên Bình Đăng là hai và ở Đa Phước, Phong Phú là ba. Cho nên Bộ tham mưu phải đặt ở giữa để tiện liên lạc và chỉ huy.
Ông Tám gật gù:
- Vậy cho tôi gửi một người làm liên lạc tiếp tay với thầy Bảy có tiện không?
Bảy Trân gật liền:
- Được lắm! Ông Tám chọn một người biết đi xe đạp để liên lạc cho mau, từ Gò Mả vô đây ít nhất cũng ba cây số.
Ông Tám ngoắc Bảy Hải đang đứng gần:
- Hải, mày lấy xe đạp chạy theo thầy Bảy. Mày làm liên lạc cho tao với thầy Bảy.
Bảy Hải thích chí gật lia lịa:
- Khoái quá!
Thằng Mười xớ rớ gần đó đòi theo:
- Cho con đi với! Con đạp xe còn nhanh hơn anh Bảy nữa đó!
Ông Tám nạt:
- Chuyện chết sống, con nít đi đâu!
Thằng Mười nắm tay Bảy Hải:
- Anh Bảy nói tiếp em một tiếng đi. Em đi theo giúp anh được nhiều việc lắm chớ.
Bảy Trân nhìn cậu bé, bảo ông Tám:
- Thằng bé này lanh lợi, nên cho nó đi. Tôi cần đôi ba người thay phiên nhau đạp xe ra Cầu Mới (1) lấy tin, cứ mười lăm phút ra đó thăm chừng- ông nói nhỏ, vẻ bí mật- Lệnh khởi nghĩa cho toàn Nam kỳ là 12 giờ đêm 22 rạng ngày 23-11-1940- Nếu miệt Sài Gòn mà không nổ súng thì mình rút êm. Chuyện khởi nghĩa phải làm đồng loạt nhiều nơi. Làm một mình, thằng Tây sẽ đập mình chết tươi. Bởi vậy tôi nhấn mạnh là mình phải tuyệt đối giữ bí mật nghe ông Tám!
***


Tại Gò Mả, cách đường số 5 chừng trăm thước, bảy người đang nôn nóng chờ đợi. Chừng thấy Bảy Trân đạp xe tới, tất cả reo lên:
- Sao, có tin tức gì không?
- Nhóm ông Tám đã sẵn sàng. Có hai cây súng săn của Mười Nhỏ và Năm Hồi. Khí thế rất hăng. Ông Tám cho hai người con ra đây giúp mình làm liên lạc.
Bảy người này nhìn Bảy Hải đang đèo thằng Mười trên xe đạp, một người nói:
- Tưởng ai chớ Bảy Hải thì tụi này biết. Còn chú em này tên gì, thứ mấy?
- Em tên Ngà, thứ mười.
Anh thanh niên vừa nhận biết Bảy Hải cười lớn:
- Voi quý chỉ có hai ngà, mà mày dám có tới mười ngày- Anh kéo cậu bé lại ngồi kề bên.
Một người khác nói:
- Mới bây lớn đã học lần với các chú các các, sau này sẽ ngon lành đó nghe.
Bảy người trong Bộ tham mưu của Bảy Trân không phải ai xa lạ mà là bà con anh em ruột thịt của ông. Ba anh em ruột là Tư Lưu, Sáu Thuận, Chín Báu. Ba anh em bạn dì là Ba Cưởng, Tư Ó, Sáu Bờ. Còn anh thanh niên vui tính là Năm Trừ, cháu gọi Bảy Trân là chú.
Bảy Trân bảo Bảy Hải:
- Cháu xách xe chạy ra Cầu Mới. Chạy vừa phải thôi, đừng phóng ẩu làm người ta để ý. Nhớ dòm ngó hai bên đường xem có làng lính gì không. Ra tới Cầu Mới, la cà các bến xe hỏi thăm xem phía Sài Gòn có rục rịch gì chưa; rồi trở về đây báo tin.
Bảy Hải vâng lệnh đi liền. Thằng Mười nôn nóng đòi đi, Bảy Trân vỗ đầu nó bảo:
- Mười lăm phút nữa là tới phiên mày. Hai anh em bây cứ thay nhau chạy lên chạy xuống lấy tin. Mày đừng có nôn nóng. Chỉ sợ mày không đủ sức mà thôi.
Gà gáy mấy lượt. Nhiều người xem đồng hồ, chốc chốc lại nhìn Bảy Trân như muốn hỏi: “Sao êm ru bà rù vậy anh Bảy?”.
Tư Ó vừa đập muỗi vừa hỏi:
- Vụ này chắc “xù” quá anh Bảy?
Bảy Trân thở ra:
- Tao không biết trả lời câu hỏi của mày như thế nào đây, bởi vì có thể có trục trặc vào giờ chót. Chẳng hạn như Trung ương không tán thành chủ trương của Xứ ủy, cho là bạo động non…
Mọi người giật mình:
- Có chuyện đó nữa sao?
- Sao lại không? Liên lạc từ Trung ương vô đây phải mất nhiều thì giờ. Nếu ngoài kia hoãn lại thì có nơi nhận được chỉ thị, có nơi không…
Ba Cường lo ngại:
- Nếu có lệnh hoãn lại thì sao? Mình có làm tới không?
Năm Trừ nói hớt:
- Làm tới chớ! Một lần chuẩn bị một lần khó. Phải không chú Bảy?
Bảy Trân lắc đầu:
- Đâu được mậy! Làm cách mạng đâu phải chuyện giỡn. So với cả nước thì tổng Tân Phong Hạ mình nhỏ như cái móng tay. Một mình làm thì thằng Tây tiêu diệt không còn một con đỏ. Không chỉ tụi mình chết mà chết lây hết dân trong năm xã, nhất là ba xã Chánh Hưng, Bình Đăng và Đa Phước.
Chín Báu hỏi:
- Giữa ba nơi, anh Bảy thấy nơi nào đáng tin cậy hơn hết?
- Cha con ông Tám Mạnh: Hầu hết là người nhà. Ông Tám bảo sao họ nghe vậy. Mấy tay em vợ toàn là dân ăn cướp có nhiều tiền án nhưng cũng nghe ổng răm rắp. Bên Bình Đăng có nhóm Hai Nhuận, Hai Đỏ cũng hăng hái. Còn ở Đa Phước mình nắm được hai anh em Hương quản Bảy, Bộ Huỳnh tình nguyện làm tay trong cho mình. Mấy ngày nay, cố Hoạnh cũng nghe lời kêu gọi của mình không “đi hát” để dành sức xuống đường đập đầu làng lính với mấy thằng hương chức hội tề.
Trời hửng sáng, vẫn không nghe tiếng súng miệt Sài Gòn. Bảy Trân thở dài nói:
- Chắc là có lệnh hoãn lại rồi. Như vậy là tao nhận định đúng khi đại diện Xứ ủy giao chỉ thị cho tao làm cuộc khởi nghĩa ở Tân Phong Hạ…
- Anh nhận định như thế nào hả anh Bảy? Mọi người tò mò hỏi.
- Đại diện Xứ ủy là đồng chí Hai Nữ, tên thiệt là Dương Công Nữ, thầy thuốc đông y, quê ở Trà Vinh. Đồng chí Nữ ra lệnh cho tao cướp chính quyền từ sông Sài Gòn chạy vô rạch cát giáp mí với đường số 5. Hễ nổ súng rồi, thì bắt hết hội tề, làng lính. Đó là bước thứ nhất. Bước thứ nhì là tiến ra phá cầu Chữ Y, đánh phá nhà đèn Chợ Quán, phá Khám Lớn Sài Gòn giải cứu tù nhân. Tao hỏi “Trung, Bắc có cùng nổi dậy với mình, hay chỉ có một mình Nam kỳ?”. Đồng chí nữ đáp: “Đây là chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ”. Tao nghĩ tình hình chủ quan, khách quan chưa cho phép bạo động nên do dự “Coi chừng bạo động non thì nguy hiểm vô cùng”. Đồng chí Nữ không thuyết phục được tao nên nhân danh Xứ ủy, ra lệnh cho tao phải chấp hành. Trọng kỷ luật, tao chấp hành, nhưng với điều kiện là hễ Sài Gòn và các nơi khác trong nội thành không nổ súng thì cánh quân ở Tân Phong Hạ được phép rút lui êm.
Tất cả đều gật gù tán thành ý kiến của Bảy Trân.
Đến chín giờ, Bảy Trân cùng hai anh em Bảy Hải, Mười Ngà về Xóm Cỏ báo cáo tình hình để ông Tám cùng anh em đỡ sốt ruột.
Bà Tám hối hả dọn cơm cho Bảy Trân cùng hai anh em Bảy Hải, Mười Ngà. Bảy Trân trình bày tình hình cho anh Tám:
- Tới giờ phút này mà vẫn không nghe súng nổ ở phía Sài Gòn. Như vậy, chắc là có lệnh hoãn từ Trung ương mà mình chưa nhận được. Đề nghị ông Tám cho anh em giải tán. Nhớ giữ bí mật triệt để, kể như không có gì.
Nỗi thất vọng hiện rõ trên nét mặt ông Tám:
- Uổng quá! Lâu lâu mới có một lần!
Bảy Trân cảm động nói:
- Nhiệt tình đánh Tây của ông Tám làm cho chúng tôi lên tinh thần. Chúng ta còn có dịp gặp lại. Lần này chưa thuận tiện thì ta chờ dịp khác. Dù sao, ngày hôm nay cũng là một ngày đáng ghi nhớ. Ngày 23-11-1940 là ngày đào viên kết nghĩa giữa anh em giang hồ trong ấp Bình Xuyên này với anh em cộng sản trong tổng Tân Phong Hạ, cùng thích huyết ăn thề để bàn chuyện đánh Tây giành lại đất nước.
Ông Tám quyến luyến với Bảy Trân:
- Chúng tôi sẽ không bao giờ quên thầy Bảy. Thầy đã “khai quang điểm nhãn” cho anh em chúng tôi.
Năm Hồi lén đến gần Bảy Trân hỏi nhỏ:
- Chuyện lớn bất thành, chúng tôi tiếp tục “đi hát” được không thầy Bảy?
Bảy Trân khẽ gật, nói với ông Tám:
- Đêm nay ta chia tay nhau, đường ai nấy đi: chúng tôi làm công việc của chúng tôi, còn các anh thì làm công việc của các anh. Nhưng tôi chỉ xin các anh một điều. Khi “đi hát”, nên nhằm vào bọn gian thương “nhất bổn vạn lợi” và bọn sâu dân mọt nước, chớ không nên đánh vào dân làm ăn lương thiện.
Ông Tám trừng mắt cho Năm Hồi lui ra:
- Chuyện đi ăn hàng của chúng nó, thật tình tôi chẳng hề tham dự. Chúng nó có cho tôi biết đâu! Đến khi tôi biết thì chuyện đã lỡ. Tôi mở lò dạy võ đây là nhằm truyền lại vốn quý của tổ tiên cho con cháu, dân hùng thì nước mạnh. Tôi theo Thiên Địa Hội cũng là nhằm chuyện đòi Tây trả nước nhà mà chúng đã chiếm từ thời Gia Long, Minh Mạng.
Bảy Trân nắm tay ông Tám siết mạnh:
- Tôi rất hiểu ông Tám. Tôi kính trọng hoài bão của các vị tham gia hội kín như ông Tám. Còn chuyện con cháu bắt chước Tống Giang, Triệu Cái thì cũng là chuyện bình thường, bởi như tôi đã nói hôm trước là trong tình trạng mất nước, dân ta chỉ có ba con đường, đi tu, ăn cướp và làm cách mạng.
Ông Tám cùng đám gia tướng tiễn “quới nhơn” ra tận đường, bịn rịn như giã biệt một người thân.
Chú thích:
(1) Chantier (tiếng Pháp): công trường

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 721

Return to top