Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Người Bình Xuyên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 103361 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Bình Xuyên
Nguyên Hùng

Chương 1

Con đường đất đỏ nối liền chợ Long Kiểng với bến đò (cũng mang tên Long Kiểng) phơi mình dưới nắng mai đẹp như một dải lụa dài màu gạch cua.
Hai bên đường nhà cửa lưa thưa, các cánh đồng xen lẽ bưng rạch xanh um. Đâu đó một con cu đất đậu trên nhanh bần cất tiếng gáy dõng dạc như khuấy động bầu không khí êm ả của đồng quê. Thỉnh thoảng một chiếc thổ mộ chạy lốc cốc suốt quãng đường dài. Đến cầu Rạch Đỉa, cuộc sống có phần nhộn nhịp hơn. Từ xa, khách đã nghe tiếng “xình xịch” của nhà máy xay lúa, một làn khói đen bốc lên, lơ lửng giữa vòm trời xanh lơ. Xe qua cầu, khách liếc nhìn nhà máy rõ hơn. Nhà máy nằm sát bờ rạch ngay ngã tư sông, tàu thuyền qua lại tấp nập. Gần chục xuồng tam bản chen chúc dưới bến, kẻ vác lúa lên, người khuân gạo xuống. Dưới bóng cây bần, chị bán “sương sâm, sương xáo” cùng đám nhỏ bán bánh cam, bánh còng tranh nhau mời mọc...
Sáng nay Hai Vĩnh ăn mặc tươm tất hơn mọi ngày, chiếc áo sơ mi kaki trắng có cầu vai- kiểu mới vừa tung ra vào đầu năm 40- đặt may tại tiệm lớn ở đường Lefèbive, dân đọc là Lơ-pheo bên chợ Cầu Ông Lãnh, giúp anh có phần bảnh trai hơn. Chị bán sương xâm nheo mắt tán một câu:
- Bữa nay, thầy Hai sáng trưng hè!
Đám trẻ bán bánh đảo mặt nhìn Hai Vĩnh, trầm trồ chiếc áo mới:
- Thầy Hai có áo sơ mi “chiếng” quá!- Hai Vĩnh là một thanh niên khoảng hăm lăm, to cao, mặt vuông, trán rộng, mắt sáng, nghiêm nghị, nói năng nhỏ nhẹ...
Hai Vĩnh vuốt áo, nói cho qua chuyện:
- Có cũ có mới chớ bà con!- Anh vui vẻ pha trò: Sách có câu “Không chùi để vậy lu ly, chùi ra tỏ rạng, thua gì... chúa ôn”!
Nói xong, anh đi thẳng lên nhà máy, sợ nán lại, thiên hạ sẽ biết vì sao hôm nay anh diện như vậy. Bí mật của anh chỉ có hai người biết mà thôi, đó là anh và người anh thầm yêu trộm nhớ: cô Tư Xóm Cỏ. Mỗi tháng, cô Tư Xóm Cỏ chỉ đi chà gạo có một lần, thường là ngày mười bảy “nước nhảy khỏi bờ”. Vào những ngày mười bảy ấy, tình cảm của Hai Vĩnh cùng tràn bờ như con nước rong Rạch Đỉa.
Cuộc đời làm công tối tăm, bụi bặm của anh có được một chút ánh sáng kể từ ngày ấy. Niềm vui khó tả đó chính là mối tình đầu. Anh nhớ mãi buổi gặp gỡ đầu tiên. Cũng trên bến này, vào một ngày nước lớn ngập cầu. Nước lớn bao giờ cũng gieo vào lòng người cảm giác tươi mát dễ chịu, nước lớn che những bãi bùn dơ bẩn hôi hám, nước lớn kéo theo làn gió làm ngả nghiêng các đọt bần, thổi sạch lớp bụi dày đóng trên nóc nhà máy. Anh đang ngồi trên bến nước, rửa mặt, rửa tay, nghe nước mát thấm vào da thịt mà liên tưởng tới những lu đầy nước mưa, những bồ đầy lúa, những khạp đầy gạo với những ví đầy tiền. Bỗng một cô gái thật đẹp, không rõ từ đâu tới hiện ra, bất ngờ như trong chuyện cổ tích. Cô nàng ghim mũi tam bản ngay về phía anh. Nước da cô trắng ngần, chiếc áo bà ba hàng màu tím hoa cà càng tôn sắc mơn mởn. Hai Vĩnh nhanh tay chụp mũi tam bản ghì lại, giúp cô gái cắm sào cập bến. Chợt thấy mình nhìn lom khom một cách khiếm nhã, anh cất tiếng chào:
- Cô không phải dân Tân Quy? Chắc cô ở bên kia Rạch Ong lớn.
Cô gái có vẻ ngạc nhiên thích thú:
- Làm như anh biết hết con gái ở đây!
- Cô nói đúng. Bởi trong xã Tân Quy chỉ có một cái nhà máy duy nhất này- Vừa nói, Hai Vĩnh vừa bê mấy bao cà-ròn lúa lên sân nhà máy.
- Cám ơn anh- Cô gái phe phẩy chiếc nón lá khiến mớ tóc tơ rung rinh trên gương mặt trái xoan.
- Ơn nghĩa gì!... Nhưng cô chưa trả lời câu hỏi của tôi- Hai Vĩnh tiếp tục ngắm cô gái. Mồ hôi dán chặt lưng áo cho thấy đôi vai tròn, bộ ngựa nở, eo lưng thon, cặp chân dài dưới lớp lãnh đen...
Cô gái cười để lộ lúm đồng tiền:
- Anh tò mò quá!
Hai Vĩnh hơi ngượng, tìm cách nói cho xuôi:
- Những người ở xa tới đây chà gạo, tôi có thể giúp cho chà trước để về cho kịp con nước.
Cô gái nửa tin nửa ngờ:
- Bà con tới trước có chịu nhường cho những người ở xa không?
- Chịu chớ! Bà con ở đây rất có tinh thần tương trợ. Truyền thống “dân lân dân ấp” của Bình Tây Đại Nguyên soái mà cô!
Hai mắt cô gái sáng rực lên:
- Bình Tây Đại nguyên soái! Tôi tưởng chỉ có ông già mới còn nhớ chuyện đời xưa chớ!
Hai Vĩnh ngồi lên bao cà-ròn đối diện cô gái:
- Vùng này ai chẳng là con cháu nghĩa quân Trương Định? Các tên xã nói rõ điều đó: Đây là Tân Quy, bên kia là Tân Thuận... Quy, Thuận! Phải chăng đợi tới lúc Gia Long rước quân Pháp sang giết được Quản Định tại Đám là tối trời, nghĩa dân vùng này mới chịu hạ giáo đợi thời cơ? Và cái tên Long Kiểng cũng là mối nhục của bà con vùng này. Lẽ ra phải là Long Cảnh, nhưng Gia Long buộc dân kiên cữ tên con hắn là hoàng tử Cảnh...
Chợt thấy mình lạc đề, Hai Vĩnh cười bảo:
- Bây giờ xin trở lại chuyện đời nay: Cô ở bên kia sông phải không?
Cô gái gật gật:
- Đúng, tôi ở Xóm Cỏ.
- Bên đó cũng có nhà máy mà...
- Phải. Nhưng mấy ngày nay máy móc trục trặc sao đó.
Hai Vĩnh nửa đùa, nửa thật:
- Vậy thì tôi vái cho nó mỗi tháng trục trặc một lần, đúng vào lúc nước rong như hôm nay.
Đã hứa lỡ, Hai Vĩnh vô nhà máy nói khéo cho bà con nhường cô gái chà trước để về sớm. Anh tiếp tay khuân mười giạ lúa vô trong:
- Nãy giờ quên hỏi cô thứ mấy?
- Tôi thứ tư.
- Từ nay tôi xin phép gọi cô là cô Tư Xóm Cỏ...
Một chuyện bất ngờ giúp Hai Vĩnh biết thêm cô gái mới quen. Trong khi tính sổ với cô chủ nhà máy trên gác, anh nghe dưới nhà có tiếng huyên náo khác thường. Anh vội vàng chạy xuống. Dân chúng đang bu quanh một góc sân. Vẹt đám người ra, anh thấy gã chạy máy nằm sãi trên đống trấu, hai tay hai chân quơ lịa mà chưa ngồi dậy được. Anh chạy tới kéo hắn đứng lên. Vừa phủi trấu trên mặt, gã điểm mặt cô gái: “Đàn bà con gái gì mà hung dữ quá trời!”.
Hai Vĩnh ngơ ngác quay lại:
- Chuyện gì vậy cô Tư?
Cô Tư vẫn thản nhiên cột túm các cà-ròn gạo:
- Anh nên hỏi nó- Cô hất hàm về phía gã chạy máy.
- Chuyện gì vậy Tám?
Gã chạy máy sượng sùng đi xuống bến rửa mặt rửa tay, một lúc lâu mới nói nhỏ vừa đủ cho một mình Hai Vĩnh nghe:
- Thấy con nhỏ đẹp, mình tính chọc ghẹo chơi. Mình không có văn nói nên mới giả bộ đóng thùng lại trong khi gạo đang chạy. Cô tay chạy lên gác kiểm tra, cự nự: “Gạo còn sao đóng máy?”. Cô ta đã bực mà mình lại đùa dai: “Ừa, đóng máy vậy đó, có sao không?”. Chưa dứt tiếng thì “bực” một cú đá như trời giáng khiến mình té văng mấy thước. Nếu không có đống trấu này thì không vẹo cổ cũng gãy tay! Gớm, đàn bà con gái gì mà hung dữ quá trời!
Tuy hắn nói nhỏ, đám đông cũng đoán được, xì xầm với nhau. Có tiếng cười khúc khích:
- Một lần cho tởn tới già!
- Cho bỏ tánh be he!
- Nhè con gái có nghề mà ló mòi.
Sau vụ đó, Hai Vĩnh mới biết cô Tư Xóm Cỏ là con gái của ông Tám Mạnh, thầy nghề võ nổi tiếng không những của xã Chánh Hưng mà cả thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, cả Mười tám thôn vườn trầu cũng biết danh ông. Ông Tám Mạnh không giàu, nhưng rất có thế lực vì môn đệ làm việc trong nhiều sở, có người làm trong ngành tòa án. Làng lính cò bót đều nể mặt.
Sau ngày ấy, cứ vào những ngày nước rong là Hai Vĩnh ăn mặc tươm tất, ngóng chờ cô Tư Xóm Cỏ. Anh thường lên gác, hướng về phía vàm Rạch Đỉa để tìm trong bức tranh thiên nhiên sông nước trời mây một điểm sáng: chiếc áo màu hoa cà. Từ xa anh đã nghe tiếng hò chơi vơi trên con rạch:
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”...
Mỗi lần nghe hò, Hai Vĩnh đều đăm chiêu tư lự: “Con rạch Ong lớn này chẳng khác con sông Nhà Bè, nó cũng chia hai, bên kia là Chánh Hưng, tổng Tân Phong Hạ, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, còn bên này là Tân Quy, tổng Bình Trị Hạ, huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định. Nhưng con rạch Ong lớn không chia cắt đôi lứa vì mỗi tháng cô Tư đều sang đây chà gạo. Trở ngại không do sông rạch chia cắt mà “do lòng người ngại núi e sông”. Hai Vĩnh biết thân phận mình là con nhà nghèo, làm thuê ở mướn không đủ ăn, lại còn cha mẹ và một bầy em ở chợ Long Kiểng, làm sao dám mơ tới chuyện làm rể ông Tám Mạnh! Dù biết chỉ là ảo vọng, anh vẫn trông những ngày nước rong, vẫn ngóng chiếc áo bà ba màu hoa cà, vẫn lắng nghe tiếng hòa ngọt ngào trên sông nước.
***


“Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi,
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê”.

Hai Vĩnh chạy lên gác ngóng về phía vàm, mắt sáng trưng. Giọng hò cũng ngọt như thuở nào, nhưng chấm sáng trên con rạch không phải là màu hoa cà mà là màu tím than tối sẫm. Chiếc thuyền mỗi lúc một gần, vẫn chiếc tam bản ấy nhưng người chèo không phải là “cố nhân”. Hai Vĩnh nhìn cô gái không chớp cho tới khi thuyền cập bến:
- Cô là em thứ mấy của cô Tư?
Cô gái ngạc nhiên:
- Cô Tư nào?
- Cô Tư Xóm Cỏ. Tháng nào, cô ấy cũng qua đây chà gạo, vào ngày mười bảy...
- Sao anh để ý quá vậy? Giọng cô gái hàm ý không muốn bắt chuyện với người không quen. Hai Vĩnh đang tìm cách làm quen thì cậu bé ngồi giữa các cà-ròn lúa vụt lên tiếng:
- Đúng rồi! Chị Tư rất thích đi chà gạo vào những ngày nước rong.
- Mày biết gì mà xía vô?- Cô gái trừng cậu em.
- Chị Sáu cứ chê hoài. Chê mà năn nỉ người ta đi theo!
Hai Vĩnh tìm được một “đồng minh” nơi cậu bé kháu khỉnh này.
Anh tiếp hai chị em khuân các bao lúa lên sân, khéo léo gạ chuyện:
- Cậu là em út phải không?
- Không. Em thứ mười- Cậu đưa hai ngón tay lên: - Còn hai mạng nữa.
Hai Vĩnh mua bánh cam mời hai chị em. Cô chị vẫn giữ vẻ xa cách, nhưng cậu em vui vẻ nhận chiếc bánh tươm mỡ tráng đường bóng loáng từ tay Hai Vĩnh. Vừa ăn, anh vừa “phăng lần”:
- Chị Tư bận gì mà không đi chà gạo?
Cậu bé liếc nhanh cô chị, ngần ngại mấy giây:
- Chị Tư em có bận gì đâu...
- Vậy sao chị Sáu đi thay?
- Bữa nay có người ta đi coi mắt!
- Hả?- Hai Vĩnh như mắc nghẹn. Nửa cái bánh cam dính cứng trong miệng, nuốt không vô mà nhả cũng chẳng ra. Sân gạch nhà máy quay tít khiến anh chóng mặt. Một lúc lâu, chừng cậu bé ăn xong chiếc bánh cam thứ hai, anh mới lấy lại bình tĩnh, gọi hai chén sương xâm:
- Ai đi coi mắt chị Tư vậy?
- Làm sao em biết được? Cậu bé lắc đầu, liếc chừng cô chị.
Hai Vĩnh thở dài:
- Chắc là giàu lắm?
- Em không biết! Nghe bà mai nói là thầy ký. Em thấy anh ấy mặc đồ Tây...
Hai Vĩnh chụp vai cậu bé:
- Chị Tư có ưng không?
Cậu bé ngơ ngác trước vẻ sôi nổi bất ngờ của Hai Vĩnh:
- Làm sao em biết được! Chuyện người lớn mà! Sao anh không hỏi chị Sáu em?
Một tiếng tằng hắng kèm theo một lời cảnh cáo:
- Nhiều chuyện chết đòn nghe mậy?
Cậu bé mất hứng húp hết chén sương xâm, xuống bến rửa miệng rồi rút dàn thun trong túi ngắm bầy chim đang đậu trên các nhánh bần ven rạch.
Hai Vĩnh không cần phải hỏi thêm. Bấy nhiêu đó cũng đủ rồi. Chuyện phải đến đã đến. Từ lâu anh chờ đợi nỗi bất hạnh này. Anh không trách người mình yêu vì chưa một lần anh dám ngỏ lời. Anh mơ tưởng cô Tư Xóm Cỏ như một người bộ hành ngắm ánh sao khuya, cùng đi mãi bên nhau nhưng không bao giờ với tới. Tin giờ chót này càng làm cho anh thấm thía ý nghĩa về cuộc đời mà anh đã suy gẫm từ lâu. Trên đời chỉ có hai hạng người: giàu và nghèo. Giàu là có đủ thứ còn nghèo thì chẳng có thứ gì. Từ lâu anh nghiền ngẫm quyển truyện Thủy Hử, anh mê cuộc sống hào hùng của 108 vị hảo hớn trên núi Lương Sơn Bạc. Anh thích nhất bài thơ đầy hào khí Tiếng hát thuyền câu của Tiểu Ngũ:
“Một đời ngang dọc chiếc thuyền câu
Danh lợi không màng vui chí cao
Giết sạch những phường quan lại ác
Lòng trung báo đáp Triệu gia sâu...”
Tư tưởng thế thiên hành đạo của Triệu Cái, Tống Giang bấy lâu tiềm tàng trong tâm hồn anh, nay gặp cơn gió lốc, dấy lên bừng bừng thôi thúc hành động. Ngay chiều ấy, Hai Vĩnh rủ Bảy Rô ra Chợ Cũ để “tìm một con đường đi”. Bảy Rô đánh xe thổ mộ, nhà ở bên này cầu Rạch Đỉa. Hai anh em thân nhau vì cùng một tuổi, cùng không ưa làng lính, cùng ưa chuyện Tàu, cùng mơ một cuộc sống chọc trời khuấy nước.
Chiều ấy, được Hai Vĩnh dặn trước, Bảy Rô nghỉ sớm, sửa soạn đi Chợ Cũ “ăn hút” với nhau cho thỏa chí.
Vào giờ tan sở, Hai Vĩnh và Bảy Rô kéo xuống Chợ Cũ. Lâu ngày chơi sang một bữa, cả hai vô Nghi Xuân Lầu là nơi hẹn hò của tao nhân mặc khách Sài Thành hoa lệ. Thường có mặt tại đây là những người trong giới anh chị, dân đá banh, xe đạp, đua ngựa, cải lương, Bảy Rô và Hai Vĩnh đi thẳng trên lầu, phía dưới là tiệm nước, trên lầu là tiệm cơm. Hai Vĩnh trao trọn quyền cho Bảy Rô chọn thực đơn:
- Đêm nay mình cần vô tiệm thuốc.
- Tương tư thất tình rồi phải không?- Bảy Rô nửa đùa nửa thật. Bảy Rô nhỏ thó, nhưng nhanh nhẹn, trán cao, mắt tinh ranh và miệng hay cười, tính tình nóng nảy và vui nhộn.
- Mình đang cần tìm một con đường. Hai Vĩnh trịnh trọng nói như nói với chính mình.
- Bồ nói sao giống mấy cha “pôlitic” (1) quá!
- Không! Mình không làm quốc sự. Mình sợ ở tù lắm. Mình chỉ bất bình cuộc sống đầy bất công: “Con vua thì lại làm vua, con sãi giữ chùa thì quét lá đa”.
Bảy Rô trao ly rượu cho Hai Vĩnh
- Mượn tửu bôi giải phá thành sầu. Nào, ta cụng ly!- Hai bạn cụng ly đánh “cốp” một tiếng, Bảy Rô nốc cạn, còn Hai Vĩnh chỉ uống một ngụm. Trong cung cách ăn nhậu, toát ra tâm tính con người. Bảy Rô ồ ạt, trực tính bao nhiêu thì Hai Vĩnh trầm tĩnh sâu sắc bấy nhiêu.
- Bồ muốn xóa bỏ bất công? Chuyện đó lớn lao quá sức mình. Hãy để cho mấy cha “pôlitic”. Còn tụi mình thì nên nghĩ cách làm giàu. Muốn giàu cho nhanh thì chỉ có một con đường: theo gương Sáu Ngọ. Cái nhà của va không thua dinh thống đốc Nam kỳ. Bồ đi giáp vòng hàng rào cũng đã rã giò.
Hai Vĩnh lắc đầu:
- Bao nhiêu người tán gia bại sản mới có được một Sáu Ngọ? Con đường của bồ nguy hiểm lắm! Không nhớ bài học thuộc lòng trong Quốc văn giáo khoa thư:
“Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn...”
Bảy Rô khoát lia:
- Ôëi, sách nói một đằng, thầy làm một nẻo. Mình đã tính kỹ rồi, muốn bỏ cái nghề đánh xe ngựa ba cọc ba đồng thì chỉ có theo gương Sáo Ngọ mà thôi. Đêm nay, nếu “bà cậu” thương tình giúp vận thì ngày mai mình sẽ làm viên ngoại. Bồ nên đi với mình...
Hai Vĩnh lắc đầu:
- Không! Đêm nay mình cần vô tiệm thuốc.
- Thôi được! Đường ai nấy đi! Bồ chờ mình ở tiệm thuốc để mình cùng về.
Hai người ăn vài chén cơm thố với thịt xá xíu cho chắc bụng rồi chia tay. Hai Vĩnh xuống tiệm thuốc ở đường Lơ-pheo còn Bảy Rô lên xe kéo tới sòng bạc.
- Chúc bồ may mắn, Hai Vĩnh vẫy tay chào bạn.
***


Tiệm thuốc có một khuôn mặt riêng biệt, không giống nơi nào. Trước cửa không treo biển hiệu mà chỉ gắn một bảng trắng kẻ hai chữ RO (Régie Opium) tức là Công quản thuốc phiện.
Khi Hai Vĩnh đẩy cánh cửa gió gắn kính màu xanh lục bước vào trong tiệm, anh để lại sau lưng bao huyên náo, phiền muộn ngoài đời. Mùi thuốc phiện nướng bốc lên thơm phức như thúc giục bạn bước nhanh vào. Các bộ ván gõ bóng loáng với những chiếc gối sành mát lạnh như vẫy tay chào mời bạn ngả lưng.
Bàn đèn và dọc tẩu sẵn sàng đưa bạn phiêu diêu, từ bỏ cuộc đời đầy lo âu đến một thế giới thanh thản không chút ưu phiền.
- Cho một ngao xây- Hai Vĩnh cúi xuống tấm cửa nhỏ tí ti, vừa đủ thò bàn tay vào trao tiền và nhận thuốc phiện rót trong vỏ sò. Cửa nhỏ như cửa ghi-sê bưu điện bán tem. Xong anh đi thẳng vô trong, chọn chỗ nằm ưng ý. Anh cởi áo sơ mi mắc lên móc, cởi giày rồi nằm xuống ván, kê đầu trên gối sành phết men xanh. Trong buồng thuốc, một lão ốm tong teo lui cui rót vài giọt đen sệt vào vỏ sò, thận trọng như một chủ hiệu kim hoàn cân vàng trên cân tiểu ly- vì đây cũng là vàng. Một a xẩm mang vỏ sò vàng đen ấy đến tận nơi Hai Vĩnh nằm. Anh ra dấu bảo a xẩm làm thuốc cho mình. Với ngón tay điêu luyện, ả điều khiển các giọt đen sệt ấy trên ngọn đèn dầu như một nhà ảo thuật. Không mấy chốc, dọc tẩu đã nạp. Hai Vĩnh rít một hơi. Khói thơm từ mũi phả ra cuồn cuộn. Anh có cảm tưởng như thoát trần, thân xác nhẹ nhàng như bay bổng trên mây. Làm đủ một cặp, thấm thuốc anh nằm đê mê, nửa say nửa tỉnh. Bao nhiêu ưu phiền, nghèo túng, thất tình đều bay theo làn khói về chốn hư vô. Anh nằm như thế không biết bao lâu cho đến lúc đồng hồ Oét-min-tơ thong thả đổ chuông rồi gõ chín tiếng. Bỗng nhiên Hai Vĩnh thấy tỉnh táo, minh mẫn hơn bao giờ hết. Cuộc sống trần tục trở lại với anh: “Ngày mai mình sẽ tiếp tục kéo cày. Ôi chao, chán làm sao cái kiếp làm công trong cái nhà máy tối tăm bụi bặm! Và không còn gặp lại “cố nhân” mỗi tháng một lần vào ngày nước rong để an ủi kiếp sống cô đơn!”.
Hai Vĩnh mơ ước có được một cỗ xe ngựa như Bảy Rô để tự làm chủ lấy mình.
Nhưng éo le thay, Bảy Rô lại không ý thức được mình là kẻ có hạnh phúc mà còn “đứng núi này trông núi nọ”.
Phải làm gì đây? Bốn tiếng ấy như một điệp khúc cứ đáo đi đáo lại trong đầu. Đi theo con đường nào? Nhất định không thể phiêu lưu vào con đường đỏ đen như Bảy Rô. Cũng không thể đi theo mấy ông làm quốc sự. Bỗng một ý nghĩ lóe ra như tia chớp. Hai Vĩnh reo lên: “Phải rồi! Ta phải làm anh chị”. Cái nghề làm anh chị dễn đến cuộc sống lý tưởng, vừa hào hùng, vừa phong lưu. Tự nhiên Hai Vĩnh nghĩ tới Ba Dương, nhà ở bên này cầu Rạch Đỉa, cách nhà Bảy Rô chừng trăm thước. Trước đây Ba Dương cũng là tay làm hàm nhai, chuyên nghề chăn vịt, cái nghề mà có lần Hai Vĩnh đã đắn đo suy tính. Nghề này chỉ làm có ba tháng cuối năm mà có tiền đủ xài, quanh năm.
Đầu tháng mười, ta đi mua vịt con. Một người có thể chăn hai ba ngàn con. Ta chỉ tốn thức ăn một tháng đầu. Đến tháng mười một, vịt đã bằng bắp chân, đã mọc lông cánh. Lúc đó cũng là mùa gặt. Ta cứ thả vịt lên những cánh đồng đã gặt, còn mình thì chỉ cần một ngọn sào và mấy chiếc phên để đêm đêm quây cho vịt ngủ ngoài đồng. Cứ thế mà làm, hết cánh đồng này ta sang cánh đồng khác. Lùa vịt ăn rong như thế trong hai tháng. Đến ngày giờ đã định, tay quây đàn vịt sát bên đường đắp. Vợ gọi chủ vựa Chợ Lớn đem xe tới chở. Thế là vợ chồng đề huề lên xe về nhà chuẩn bị ăn Tết. Ba Dương nhờ nghề chăn vịt ấy mà đi khắp nơi, từ Nhà Bè qua Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công... Đến đâu, học võ tới đó. Bao nhiêu ngón nghề hay của các thầy võ nổi tiếng ở các nơi, Ba Dương đều quyết tâm học lấy. Và học tới đâu anh truyền lại cho đám em út. Nhờ vậy mà khi trụ bộ tại cầu Rạch Đỉa, Ba Dương đã nổi tiếng là tay giang hồ hảo hớn, dưới tay có cả trăm em út. Thiên hạ đua nhau tới học nghề. Đêm nào sân nhà Ba Dương cũng có nhiều người dượt võ thật sôi nổi hào hứng. Ba Dương không lấy học phí cao.
Cuộc sống phong lưu của anh nhờ vào mối khác. Đó là nghề anh chị.
Với tiếng tăm như cồn, anh trở thành một tay anh chị trong vùng. Các du đãng chuyên nghề trộm, cướp đều tôn anh lên hàng “đại ca”. Từ đó những ai bị cướp đều nhờ anh can thiệp. Thường là chỉ trong ngày ấy, khổ chủ đã được hoàn lại đầy đủ những món đã mất. Dần dần Ba Dương trở thành một sở bảo hiểm “tú rít” mà không phải xin “pa-tăng” (1), khỏi lập văn phòng với bộ máy nhân viên rườm rà tốn kém. Ghe chài chở gạo, chở heo từ lục tỉnh bị cướp trên đường về Chợ Lớn, thương lái cứ đến cầu Rạch Đỉa nhờ Ba Dương một tiếng là xong ngay...
Hai Vĩnh đã tìm được con đường. Anh nhất định bỏ nhà máy để đi giang hồ. Anh sẽ tìm thầy luyện thêm võ nghệ. Trước đây, anh đã từng bỏ nhà đi hoang: một ông bầu cải lương điên đầu vì nạn “cọp” và du đãng đã nhờ Hai Vĩnh làm “tiền đạo”. Gánh hát định tới làng xã nào thì Hai Vĩnh tới trước, lo thủ tục với làng lính để các đêm hát xướng được êm đẹp vui làng, vui tổng. Nhờ có khiếu ăn nói mềm mỏng và khi cần, không ngại dùng võ lực, Hai Vĩnh hạn chế được nạn “cọp” và ẩu đả xảy ra hàng đêm trước đó. Ba năm lưu lạc, ăn uống phủ phê, cà phê, thuốc lá, nhưng nghĩ tới cha mẹ nghèo khổ, đàn em nheo nhóc, anh đành trở về thú tội với cha mẹ và an phận với cuộc sống làm công nhà máy xay cho tới nay. Bây giờ thì Hai Vĩnh nhất định tái xuất giang hồ để tạo dựng tương lai...
Đúng vào lúc ấy, Bảy Rô tông cửa gió lao vào như một cơn lốc:
- Hai Vĩnh đâu?
Tiếng hét của Bảy Rô to quá khiến mấy ông khách đang mơ màng trong khói thuốc giật mình ngóc đầu dậy. Á xẩm lật đật chạy tới:
- Nho nhỏ vậy, xếnh xáng
Hai Vĩnh vội vàng xỏ giày, mặc áo:
- Thua hết rồi phải không?
Bảy Rô quạu đeo:
- Ăn thua là chuyện thường. Đằng này mình bị thằng Ba Tần đánh lận vét hết tiền mới đau chớ.
Hai Vĩnh kéo Bảy Rô ra ngoài:
- Có chắc là nó đánh lận không?
- Chắc chớ! Bài nó làm dấu hết mà mình không biết! Bộ bài mình mới mua trong tiệm, vậy mà nó làm dấu hồi nào mới tài chớ!
Hai Vĩnh lắc đầu:
- Không phải làm dấu đâu! Nó đánh kiếng đó, Ba Tần sở trường về môn này...
Cờ bạc mà con mắt không lang, hai tay không lẹ thì kể như đem thịt nạp cho chằn. Thôi bỏ qua đi bồ!
- Bỏ qua sao được! Đồng tiền mồ hôi nước mắt mà!... Thằng Tần phải trả bằng máu!
Hai Vĩnh nhìn Bảy Rô trân trân:
- Thiệt chơi? Ba Tần giỏi võ, từng thượng đài, lại khỏe hơn bồ!
Bảy Rô vỗ ngực:
- Thằng Rô này nói là làm! Nó giỏi võ, đánh không nổi thì chém được không?
- Đừng nóng chú Bảy!- Hai Vĩnh khẽ vỗ vai bạn. Nhưng Bảy Rô hất tay Hai Vĩnh ra:
- Chém nó rồi vô Khám Lớn chờ lãnh án chung thân cũng mát dạ!
Hai Vĩnh ngỡ Bảy Rô cháy túi đâm khùng, ngủ một đêm thế nào anh ta cũng sáng suốt hơn nên không nói gì thêm.
Cả hai về đến Rạch Đỉa thì đã quá nửa đêm.
***


Sáng sớm, Bảy Rô đã chờ sẵn tại cầu Rạch Đỉa. Anh biết Ba Tần sáng nào cũng đón xe ngựa ra bến đò uống cà phê. Anh thủ con dao nhỏ- loại dao con chó rất bén, lưỡi dài sáu phân, xếp vô mở ra dễ dàng nhanh chóng. Anh đi đi lại lại, ruột nóng như lửa đốt. Một lúc lâu Ba Tân xuất hiện. Thấy Bảy Rô, Ba Tần ngạc nhiên:
- Bữa nay không đánh xe sao anh Bảy?
Bảy Rô hầm hầm:
- Tiền tao mày đánh lận vét hết, tao đâu còn tinh thần đánh xe...
Ba Tần cười vui vẻ:
- Nói gì lạ vậy anh Bảy? Tôi đánh lận hồi nào? Đâu phải một mình tôi với anh? Sòng bạc cả chục người...
Bảy Rô nạt ngang:
- Tao biết mày đánh lận! Mày phải trả lại tao...
Ba Tần cười lớn:
- Làm gì có chuyện ăn rồi trả lại! Anh chơi bời cũng đã lâu, sao không biết luật giang hồ?
- Mày nhất định không trả hả? Ừ một tiếng nghe coi?
Ba Tần vừa ừ một tiếng, Bảy Rô mở con dao cái “rẹt”, lao tới như ánh chớp. Ba Tần lách ngang nhưng con dao đã đâm lút cán vào giữa ngực. Hắn chỉ kịp rú lên hai tiếng “chết tôi” rồi gục xuống. Bảy Rô rút dao ra, máu ngập tới cán. Từ vết thương, máu bắn ra ướt áo pyjama màu hột gà. Nhìn Ba Tần lăn lộn dưới đất, Bảy Rô điếng hồn. Cơn giận tan biến từ bao giờ, nhường lại cho nỗi lo sợ: lẽ ra mình chỉ nên để thẹo nó thôi. Bây giờ lỡ tay như thế này, Ba Tần mà chết thì mình cũng lãnh án chung thân khổ sai! Làm sao đây? Chỉ còn nước “dĩ đào vi thượng”. Miệng nói chân chạy. Thì giờ cấp bách, Bảy Rô không kịp về nhà cho vợ hay. Anh chạy như bị cọp rượt sau lưng. Tiếng người la ó phía sau càng khiến anh phi nhanh. Chừng hai chân đã mỏi, Bảy Rô vẫn tiếp tục rảo bước. Dần dần đầu óc anh tỉnh táo lại. Anh thấy rõ cuộc đời mình “quẹo cua thật gắt”. Đang là một người tự do, anh trở thành một kẻ sống ngoài vòng pháp luật. “Nay mai, khi làng lính được trát truy nã tên Nguyễn Văn Rô, tự Bảy Rô, nghề đánh xe thổ mộ, ngụ tại ấp Rạch Đỉa về tội cố sát tên Lê Văn Tần, tự Ba Tần, mình sẽ trốn chui trốn nhủi nơi nào đây? Có nên đến nhà làng nạp mình lãnh án hay tìm vào Hố Bần làm lục lâm thảo khấu?”. Ra tới bến đò, Bảy Rô lưỡng lự một lúc rồi rẽ trái, đi cặp bờ Kinh Tẻ hướng về phía cầu Rạch Ong. Anh có một người quen ở xóm khuân vác sát nách hãng đóng tàu của Nhật, hãng Nichinăn, Bảy Rô tính tạm tá túc nơi đây nghe ngóng tình hình.
Người quen của Bảy Rô tên Chơn, nghèo nhất vùng, nhưng cũng là tay ngang bướng nhất vùng. Thuế thân mỗi năm bốn đồng rưỡi, nếu quyết tâm thì Chơn cũng có thể đóng như mọi người. Anh chỉ cần nhịn ăn mười ngày công là có đủ năm đồng. Nhưng Chơn nghĩ rằng đóng thuế thân là nhục vị “ta là con người, không là con trâu, còn bò mà phải đóng thuế cho Tây”. Thế nên quanh năm suốt tháng, anh không có một tờ giấy lận lưng, chỉ loanh quanh trong vùng chớ không dám léo hánh đi xa. Ai mướn gì làm nấy, túng quá mượn xuồng bà con vô Hố Bần xắn đất đem bán cho nhà giàu lấp hào hố, xây nền nhà. Thời ấy đạo quân nghèo rớt mồng tơi “gặm đất cục mà sống đời” cũng khá đông. Không bao lâu vùng Kinh Cây Khô trở thành nê địa, đất lùi tới đâu, nước tràn tới đó; bần, mắm thi nhau mọc rậm rịt; do đó mà có tên Hố Bần. Nhờ địa thế hiểm trở, làng lính ít khi lui tới, Hố Bần trở nên giang sơn của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật.
Đến tá túc với thằng Chơn, Bảy Rô biết sớm muộn gì mình cũng đi vào con đường cùng, nhưng giữa Hố Bần và Khám Lớn, anh biết phải chọn nơi nào.
Chú thích:
(1) Pôlitique (tiếng Pháp) chính trị

Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 758

Return to top