Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Người Bình Xuyên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 99493 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Bình Xuyên
Nguyên Hùng

Chương 15

Cò Ba-de tạm ngưng bắt bớ Cộng sản, phóng thích một số chính trị phạm sau khi nhận được bức thư của Trần Văn Giàu. Trước thắng lợi đó, văn phòng Xứ ủy được đặt tại nhà Bảy Trân. Chọn địa điểm này vì Bảy Trân với Sáu Giàu, ngoài tình đồng chí còn là bạn tâm giao, cả hai cùng du học tại Pháp, cùng qua Nga học trường Đông Phương, cùng trở về nước hoạt động, sống chết có nhau. Nhà Bảy Trân luôn luôn mở rộng với các đồng chí “thất cơ lỡ vận” cả vợ lẫn chồng đều quý bạn, trọng khách… Bảy Trân tuy bị quản thúc tại gia nhưng làng lính đều kính nể vì thấy Tây tới nhà chơi hoặc đưa xe tới đón và một đôi khi Bảy Trân cũng tham gia các cuộc họp quan trọng, cũng đọc “đít-cua” (discours) cùng chủ tỉnh và chủ quận. Chẳng hạn như vụ gắn “mề-đay” cho Hương quản Trọng bị Mười Nhỏ bắn chết trong khi từ Bình Đăng nhảy qua Chánh Hưng truy nã ăn cướp. Chủ tỉnh Pháp và chủ quận là đốc phủ Chấn đến dự tang lễ. Hương cả Sảnh xã Bình Đăng nhờ Bảy Trân làm một bài diễn văn, nể tình cậu cháu, mà cũng nhân dịp này cũng để răn đe đám hội tề, Bảy Trân đọc “đít-cua” không đả động đến ăn cướp mà tô đậm nỗi đau xót của người vợ mất chồng, đám con mất cha… “không có mề-đay nào bù lại được mất mát lớn lao này”.
Bảy Trân cống hiến hết mình cho Đảng. Anh giao nhà mình cho Đảng lập văn phòng, biến vợ mình thành chị bếp. Còn anh thì vừa là chủ nhà, vừa là phụ tá, đôi khi cố vấn và lúc cần, làm liên lạc. Anh còn đưa em ruột là Chín Báu vô làm thư ký ấn loát. Chín Báu rất có hoa tay, nét chữ rất đẹp. Truyền đơn in thạch bản đều do Chín Báu viết. Anh cũng đưa cháu ruột tên là Biển, con của Tư Ó làm thư ký đánh máy. Biển có tài đánh máy nhanh như bay nhờ tốt nghiệp trường kế toán thương mại. Biển và cái máy đánh chữ loại xách tay hiệu Héc-mét (Hermes)- quà tặng của Chung Văn Năm- không lúc nào rời nhau. Chỉ khi nào mệt lắm, biển mới giao cho Lực là cháu Hương trưởng Hoài, cũng là tay đánh máy cừ.
Chưa bao giờ nhà Bảy Trân nhộn nhịp, phấn khởi như đầu năm 1945 ấy. Bồ lúa vơi đi trông thấy, đàn vịt gà cũng hao hụt, nhưng chẳng ai quan tâm tới ba cái lặt vặt đó. Ngày kia, giữa lúc mọi người đang bận rộn với công việc của mình thì có tiếng chày giã gạo vang lên ngoài đường đắp, đó là tiếng báo động có kẻ lạ tới. Lập tức mọi người gom giấy má, dọn dẹp mọi thứ, bước qua các nhà lân cận- cũng là nhà bà con cật ruột của Bảy Trân. Một lúc sau Brô-sê-riu lò mò tới. Bảy Trân hơi lo:
- Gì nữa đó ông bạn? Cò Ba-de lại muốn gặp tao?
Brô-sê-riu cười nhưng không được vui:
- Tao kiếm mày có chút việc. Đây là việc riêng của tao…
Bảy Trân rót trà nóng đặt trước mặt y:
- Việc riêng của mày? Chuyện gì vậy?
Brô-sê-riu xoay xoay tách trà nóng trong tay:
- Đồng minh sắp đánh Đông Dương. Nhật phải ra tay trước. Nó phải đảo chính vì không thể để Pháp làm “xanh-kem cô-lon” (2) đâm sau lưng nó. Trong trường hợp đó tao muốn nhờ mày một việc… Mày có thể giấu gia đình tao được không? Có bốn mạng tất cả, tao, vợ tao và hai đứa con.
Bảy Trân gật lịa:
- Yên chí lớn đi! Tao vui lòng, rất vui lòng! Tao hứa danh dự với mày- Ông bắt tay Brô-sê-riu siết thật chặt, thật lâu.- Trước đây tao lạnh nhạt, lẩn tránh mày là vì mày là mật thám mà tao theo cách mạng, gặp nhau không có lợi cho mày cũng như cho tao. Còn bây giờ thì mày là một kẻ chống phát xít xin tị nạn nơi một người Cộng sản, tao vui lòng giúp đỡ!
Brô-sê-riu xúc động mạnh:
- Tao thay mặt vợ tao cám ơn mày trước!
Bảy Trân chỉ bồ lúa, giọng đùa cợt:
- Bồ lúa tao đó, dư sức nuôi thêm 4 mạng! Nhưng tụi bây chớ đòi bơ sữa thì tao không chạy đâu cho ra!
Brô-sê-riu ở chơi một lúc rồi ra về. Khi Bảy Trân báo cáo mục đích cuộc viếng thăm của Brô-sê-riu, Sáu Giàu gật gù:
- Ngày giờ đen tối nhất của mấy thằng Tây ở Đông Dương sắp tới rồi đó. Mình phải tranh thủ thời gian mới nắm vững dịp may ngàn năm một thuở” này- Với giọng nghiêm chỉnh, ông hỏi: Mày nắm giới giang hồ tới đâu rồi?
Bảy Trân hồ hởi:
- Có một tin hay lắm mà tao quên cho mày biết. Bảy Viễn và Mười Trí đã về tới đất liền. Tụi nó vượt ngục bằng xuồng ba lá, tấp vô Rạch Gốc ở Cà Mau. Liên lạc của tụi nó mang thư về ông Tám Mạnh, nhờ tìm cách rước về Sài Gòn, ông Tám Mạnh mới hỏi ý tao.
- Rồi mày bảo sao?
- Tao bảo ông Tám nên giúp tụi nó. Đây là dịp tốt để sau này nắm hai tay giang hồ trứ danh này. Ông Tám đã nhờ Hai Trực là sếp bót “Se-nho” lấy xe CX (xe mang biển số Nhà nước) xuống Cà Mau rước tụi nó.
Sáu Giàu gật gù:
- Mày nắm được ông Tám Mạnh là một thuận lợi lớn. Từ đó phát huy thêm- Ông chọn một mớ tài liệu vừa đánh máy xong, bó lại cẩn thận:
- Bây giờ tao giao cho mày thêm một chức nữa, mày làm trưởng ban liên lạc với anh em trí thức. Mày đem tài liệu này trao tận tay bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giùm tao. Bác sĩ Thạch có phòng mạch ở đường Chasseloup ngang Xẹc Tây. Mày bảo cô y tá “Tôi là bạn của ông Giàu”, cổ sẽ cho mày vô gặp bác sĩ ngay!
Bảy Trân dắt xe đạp ra đi. Sáu Giàu nói thêm:
- Thằng Nhật sẽ lập nội các bù nhìn ngay sau khi nó đảo chính. Mình phải nắm trước giới trí thức để khuyên họ không nên cộng tác với phát xít. Hoặc cao tay ấn hơn, thì cho họ ra giữ chức bộ trưởng hay thứ trưởng để rồi sau đó mình lái họ theo mình.
- Mày đã nắm được ai ngoài bác sĩ Thạch? - Bảy Trân hỏi.
- Nhiều! Đủ các giới. Giới bác sĩ, ta nắm Hồ Văn Nhựt, Đặng Văn Chung, Phạm Biểu Tâm… Giới luật sư ta tiếp xúc với Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, Thái Văn Lung, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần… Giới bác vật có Lưu Văn Lang, Nguyễn Xuân Bái; giới giáo sư có Phạm Thiều, Đặng Minh Trứ, Nguyễn Văn Chì; giới nhà băng có Mi-sen (Michel) Văn Vỹ… Ông khoác tay- Thôi đi đi kẻo trễ!
Bảy Trân đạp một mạch từ Đa Phước tới phòng mạch bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Thân chủ đầy phòng chờ. Anh nói nhỏ với cô y tá “tôi là bạn của ông Giàu”. Cô y tá vào trong rồi trở ra ngay. Theo sau cô là một bác sĩ hớt tóc cao kiểu bàn chải (brossant). Bác sĩ bắt tay Bảy Trân, đưa vào phòng khám, bảo ngồi chờ, ông đang bận khám một người nằm sấp trên giường trải “ra” trắng.
Bỗng cánh cửa phòng bên hông hé mở, một cô đầm khoảng 30 tới nói mấy câu, nhưng bác sĩ khoác tay bảo: “Chút nữa đi! Bây giờ đang bận”. Cô đầm rút lui ngay, bác sĩ đưa thân chủ ra, đóng cửa cài then lại, đến ngồi đối diện với Bảy Trân:
- Ông là bạn của ông Giàu?
Bảy Trân trao xấp tài liệu:
- Ông Giàu nhờ tôi trao tận tay bác sĩ.
Ông Thạch cất kỹ tài liệu trong ngăn tủ, khóa lại cẩn thận.
-Phải vậy đó. Cả bà đầm của tôi cũng không biết công việc làm của tôi. Lúc nãy bả cự nự tôi đi cả đêm không về. Mình đi họp, làm sao dám cho bả biết?... Ông Giàu vẫn mạnh khỏe chứ?
- Dạ khỏe mạnh- Bảy Trân đứng lên cáo từ. Ông Thạch siết tay thật chặt. Bàn tay thật ấm. Bảy Trân như được truyền nhiệt và trên đường về, suy nghĩ mãi về nhiệt tình yêu nước của những người trí thức tiến bộ.
Tiếng chày lại vang lên báo động. Lần này là một người quen biết cũ của Bảy Trân: Giáo hữu Non. Câu chuyện 15 năm xưa hiện về trong trí Bảy Trân, đậm nét như mới hôm nào. Hồi ấy là năm 1930, Bảy Trân mới về nước vào mùa lúa chín cuối năm.
Để tránh làng lính, anh không về nhà mẹ ở Đa Phước- anh mồ côi cha từ lúc lên 7- mà tấp vô chùa Cao Đài Phú Lạc của dì ruột, do Tư Ó là con của dì trụ trì. Anh mang theo tiền và hóa chất để viết thư mà người ngoài không đọc được- chờ liên lạc với Trung ương. Thời gian chờ đợi khá lâu, Bảy Trân nhờ Tư Ó đưa lên Tây Ninh xin làm thư ký cho giáo tông Cao Đài tại tòa thánh. Hội đồng Trung thấy Bảy Trân trẻ tuổi, đẹp trai, có văn hóa, biết đánh máy, nhận làm thư ký ngay.
Trong thời gian ở đây, Bảy Trân vào thư viện nghiên cứu giáo lý Cao Đài. Với một người được đào tạo tại trường Đông Dương Đại học đường, giáo lý Cao Đài thật là một mớ hổ lốn khó chấp nhận. Nhưng tòa thánh có một nhà in, la cà với thợ xếp chữ, ngấm ngầm tuyên truyền vận động và tổ chức. Giáo hữu Non là người được Hội đồng Trung giao trông coi nhà in. Y là người Cần Đước. Bảy Trân nhìn đồng hương với Giáo hữu Non: Cần Giuộc với Cần Đước như hai anh em sanh đôi dính liền xương sống. Dần dần Bảy Trân thuyết phục Giáo hữu Non. Trong một vụ đấu tranh đòi bãi thuế tại Cần Đước, Giáo hữu Non bị bắt. Ra tòa y khai là Giáo hữu Cao Đài nhưng vẫn bị tòa “đóng nhãn hiệu Cộng sản” và kêu ba năm tù, nhốt Khám Lớn Sài Gòn. Bấy giờ, Tây nghe nói dân Cần Đước, Cần Giuộc là thẳng tay kêu án, bởi chúng không thể quên được hai vụ phá Khám Lớn Sài Gòn xuất phát từ hai nơi này.
Ra đón Giáo hữu Non, Bảy Trân có phần chột dạ “Tay này tìm mình để làm gì đây? 15 năm rồi…”.
Giáo hữu Non đi ngay vô đề:
- Nhật sắp đảo chính. Trong nội các sắp công bố, Cao Đài được dành khá nhiều ghế. Tôi nghĩ ngay tới anh…
Bảy Trân giật mình:
- Trời đất! Tôi học hành tới đâu mà… Thôi cho tôi xin đi anh!
Giáo hữu Non ra sức thuyết phục:
- Tôi biết hết, anh đừng giấu. Anh đi học ở Pháp về, nói tiếng Tây giòn rụm như bẻ củi, nhưng anh có tinh thần chống Pháp. Anh đã từng kêu gọi anh em nhà in tòa thánh chúng tôi đứng lên giành độc lập. Bây giờ độc lập sắp về tay mình, anh không chịu đứng vô nội các của nước Việt Nam độc lập là nghĩa làm sao?
Bảy Trân tiếp tục thoái thác, giáo hữu Non say sưa nói:
- Nhật khác xa Pháp, Nhật cùng da vàng, mũi xẹp như mình. Mấy chục năm trước đây, Nhật đã giúp đỡ chứa chấp những nhà cách mạng của mình trong đó có đức kỳ ngoại hầu Cường Để. Ông này vốn dòng tôn thất không chịu ách nô lệ bí mật hẹn với hai ông Phan Sào Nam và Tăng Bạt Hổ đem ghe vào sông Hương rước ông ra Hải Phòng xuất dương qua Nhật. Ông cưới công chúa Nhật, làm rể Nhật hoàng. Rồi đây Nhật sẽ đưa ông về chấp chánh thay Bảo Đại.
Bảy Trân cười thầm “Cha này bị bỏ bùa mê thuốc lú của bọn phát xít. Làm sao giải bùa cho nó đây?”.
- Người ta đồn như vậy chứ chưa chắc có chuyện Nhật đưa Cường Để về. Mà dù Nhật có tính như vậy thì Cường Để cũng chưa chắc chịu về, bởi ai biết bài thơ xuất dương của ông với hai câu đầu như thế này:
“Vì nước cho nên phải xuất dương,
Há mang đồ bá với tranh vương…”
Giáo hữu Non không để Bảy Trân đọc hết bài:
- Cờ đến tay ai nấy phất. Hồi ra đi ổng nói như vậy, nhưng bây giờ thời thế đã đổi khác. Dù có ổng hay không có ổng, anh cũng phải ra gánh vác chuyện nước chuyện non. Tôi rất tín nhiệm anh nên lặn lội tới đây tìm anh. Anh mà từ chối thì tôi giận lắm đó.
Bảy Trân gọi vợ làm vịt, mua rượu đãi khách. Nhưng Giáo hữu Non hầm hầm đội mưa ra về khi thấy thái độ lạnh nhạt của Bảy Trân trước đề nghị đầy nhiệt tình nóng bỏng của y. Bảy Trân cũng giầm mưa chạy theo năn nỉ nhưng Giáo hữu Non bỏ đi một nước.
Bảy Trân trình bày mọi việc và đề nghị anh em nên dời đi một thời gian để xem phản ứng của Giáo hữu Non như thế nào.
Sáu Giàu vỗ vai Bảy Trân:
- Vậy là địch và ta đang chạy đua nước rút trong giai đoạn này. Mình đã đi trước chúng một bước, phải giữ khoảng cách đó, đừng cho nó bắt kịp. Ở xa Trung ương là một thất lợi lớn. Nhưng đó cũng là một điều kiện bắt buộc chúng ta phải vận dụng tất cả trí thông minh và tinh thần sáng tạo để “điều, nghiên, phân, tổng” nắm cho được tình hình, thấy cho hết khó khăn để có đường lối thích ứng với tình thế.
Văn phòng Xứ ủy có một máy thu thanh, mỗi ngày Sáu Giàu đều theo dõi tin tức thế giới và trong nước. Nhờ vậy anh biết rõ Đồng minh đang phản công ở khắp các mặt trận. Anh có thể kể vanh vách chiến sự tại châu Ââu, châu Phi và Đông Nam Á. Chiến trường anh chú ý nhất là Thái Bình Dương, tướng A-tuya (mac Arthur) chiếm được đảo Ma-ri-an (Mariannes) và từ đó cho không quân oanh tạc Đông Kinh nhiều lần trong ba tháng đầu năm 1945. Mỹ chiếm đảo Lu xông (Lucon) rồi chiếm Maní (Manille) ngày 24-2. Các tin tức này làm mọi người phấn khởi.
Chú thích:
(2) Cingcueme colonne: đạo quân thứ năm tức số người làm tai mắt cho địch

<< Chương 14 | Chương 16 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 336

Return to top