Cách mạng Tháng 8 mở toang cánh cửa Khám Lớn, trả tự do cho tất cả thường phạm lẫn chính trị phạm. Cùng với các bạn tù thoát cũi xổ lồng, Bảy Rô bước hư bay ra khỏi vòng thành tòa nhà gớm ghiếc mang số 69, La-răn-đie. Ánh nắng chói chang cùng gió heo may khiến anh có cảm tưởng như ngây ngất. Dù vậy, anh vẫn nhớ nắm tay Năm Tửu, Bà Quẹo:
- Mày hứa cho tao cây xít-trăng-xanh (6,35).
- Thì đi với tao về nhà cho biết luôn thể! Tao có tới hai cây, chia cho mày một cây làm kỷ niệm thời gian cùng nằm học tại “đại học Khám Lớn”…
Bảy Rô được khẩu “xít-trăng-xanh” lấy làm thích chí, bươn bả về Tân Quy. Vừa bước lên bến đò Long Kiểng đã có người quen tay bắt mặt mừng:
- Bảy Rô! Về hồi nào?- Một người tướng tá giống người Mười Nhỏ bước xấn tới bắt tay Bảy Rô. Đây là Chín Mập, cũng từng “đi hát” và “ăn hàng”.
- Chín Mập! Tao mới ra khỏi “xoa xăng-nớp La-răn-đie” (1) mày không thấy tao còn bận bộ đồ xanh này sao?
Chín Mập nhìn Bảy Rô, bỗng đổi sắc buồn:
- Mày hay tin Mười Nhỏ chết chưa?
Bảy Rô gật:
- Có nghe. Hình như khoảng 1943 thì phải?
- Phải, năm 1943. Thằng cò Ba-tit-ta ở cầu Chữ Y quyết tìm bắt cho được Mười Nhỏ. Nó bắt vuột một lần, sau đó cứ cho lính kín bám sát cho tới kỳ đó nó biết Mười Nhỏ ở trên một ghe đi trên con kinh Tẻ. Nó bố trí chặn bắt… Mười Nhỏ nổ súng mở đường máu. Nhưng trong cuộc đọ súng, nó bị bắn thủng ruột. Một tay xách súng, một tay nhét ruột, Mười Nhỏ nhảy lên bờ lủi vô xóm. Nhưng trốn không thoát, bị bắt đưa về nhà thương Chợ Quán là nơi tội phạm được chở tới điều trị. Mười Nhỏ tháo băng, bứt ruột tự sát, thà chết hơn để bọn chó săn tra tấn lập hồ sơ.
Bảy Rô buồn mấy phút. Anh đã từng chia bớt cay đắng ngọt bùi với Mười Nhỏ. Đoạn đời ngắn ngủi của Mười Nhỏ như khúc phim phóng qua trước mắt anh. Mười Nhỏ vốn nóng tánh nhưng chưa đến mức giết người. Nhưng hoàn cảnh đưa con người vào bước đường cùng. Trong đám giỗ tại nhà, Mười Nhỏ gây lộn với chú ruột về một chuyện không đâu. Hai người ngồi ở hai sòng bài, một dưới đất, một trên ván. Mười Nhỏ nổi nóng cầm dao hăm he, người chú cũng đổ quạu nhảy xuống. Không ngờ nhảy ngay mũi dao, trúng ngay chỗ nhược, chết không kịp trối. Vậy là Mười Nhỏ can tội ngộ sát. Ngộ sát hay là cố sát gì cũng là giết người. Mà mạng người thời bình rất quý, giết người dễ nổi danh. Ai cũng sợ kẻ sát nhân. Mười Nhỏ đâm liều làm tới. Hắn xưng là “cố Mười”, coi thiên hạ như cỏ rác. Tới xã Tân Thuận, thấy con gái ông cả Mười xinh đẹp, hắn đòi ông cả phải gả cho hắn. Nhưng ai có con lại gả cho ăn cướp? Mười Nhỏ chém chết cả Mười, cưỡng hiếp con gái nạn nhân tại trận. Thế là thêm một án mạng thứ hai. Từ đó thì giết người trở nên một việc hết sức bình thường đối với Mười Nhỏ. Sau khi nghe Bảy Trân nói chuyện tại nhà anh rể là ông Tám Mạnh, Mười Nhỏ nhắm vào đám hương chức hội tề nhiều hơn. Nếu không có Bảy Rô thì Hương quản Núi cũng đã chết vì mũi súng hai nòng của Mười Nhỏ. Hương quản Núi là tay hống hách trong vùng Long Kiểng- Tân Quy. Hắn hút xì gà, coi dân chẳng ra gì. Giới đánh xe ngựa không ưa hắn. Nhưng khi gặp Mười Nhỏ, hắn run rẩy quỳ mọp xin tha chết. Không hiểu sao Bảy Rô lại nổi máu quân tử Tàu, khuyên Mười Nhỏ tha cho hắn. Mười Nhỏ nể Bảy Rô là bạn của Chín Mập, nên chỉ bạt tay đá đít Hương quản Núi mấy cái rồi cho hắn chạy thoát.
Tiếng Chín Mập kéo Bảy Rô trở về hiện tại:
- Lúc này Tân Quy mình ngon lành lắm. Anh Ba Dương lập ra Thanh niên Cảm Tử Đoàn, toàn là dân anh chị không hà. Mày về thật là đúng lúc. Trụ sở đặt tại chợ Tân Quy… Nhưng bây giờ mày phải theo tao.
- Đi đâu? Tao chưa gặp vợ con với bà già…
Chín Mập phẩy tay:
- Thì sau sẽ gặp! Bây giờ mình phải làm ngay kẻo tụi nó phỏng tay trên.
- Mà làm cái gì chớ? Tụi nó là ai mà sợ phỏng tay trên?
- Có mấy chiếc sà-lan xăng của Nhật đậu kia kìa, mình kéo về tổng hành dinh ở cầu Rạch Đìa làm vốn. Tao sợ chậm tay, tụi khác chớp thì bơ mỏ. Bây giờ thì hỗn quân hỗn quan, mạnh ai nấy quơ. Thằng Ba Bay cũng đã cướp một chiếc sà-lan Nhật, kéo cờ Bình Xuyên chạy lên chạy xuống từ bến đò này vô cầu Hiệp Ân, vui thật là vui!
- Bình Xuyên cũng có cờ nữa à? Cờ ra làm sao?
- Tao cũng không nhớ rõ. Chắc là màu đỏ, với hàng chữ gì đó chẳng hạn như là Thanh niên Cảm Tử Đoàn, hoặc là Hải quân Bình Xuyên.
Hai bên còn “dangca”, Năm Chảng xăm xăm đi tới:
- Đi cướp sà-lan xăng của Nhật chớ tụi bây? Xăng là máu đó nghen. Một giọt xăng là một giọt máu.
Thế là cả ba hùng hổ tiến tới mấy chiếc sà-lan đậu gần đó. Bọn Nhật và đám “Heiho” (Hải Hồ) cự nự không chịu giao sà lan. Bảy Rô có dịp khoe cây “xít-trăng xanh”, quà của Năm Tửu Bà Quẹo. Trước họng súng ngắn, bọn Nhật và “Heiho” chịu lép. Năm Chảng kiếm một tàu kéo, đưa sà-lan xăng về cầu Rạch Đìa, vừa chạy sát bờ vừa bắn mấy phát báo tin chiến thắng.
Chín Mập mê cây súng của Bảy Rô:
- Ê Bảy Rô, tối nay mình “đi hát” nghe. Làm vài vụ kiếm tiền làm vốn…
Bảy Rô trợn mắt:
- Bây giờ mà mày còn tính chuyện “đi hát” nữa sao?
Cách mạng rồi mà…
Chín Mập:
- Cách mạng thì cách mạng chớ! Làm cách mạng cũng cần tiền mua súng đạn, nuôi quân lính. Không tiền thì cách mạng gì!
Bảy Rô nhấn mạnh:
- Vậy là mày chưa biết gì hết. Hồi trước, mình dân nô lệ, không phục Tây tà, làng lính mình mới đi làm ăn cướp. Còn bây giờ, nước nhà đã tuyên bố độc lập, mình phải là người công dân lương thiện như mọi người…
Chín Mập “quê” nạt ngang:
- Thôi thôi! Không đi thì thôi, đừng có “làm tàng” dạy đời! Mày cho tao mượn cây “xít-trăng-xanh”, chút về tao chia cho mà xài. Mày mới ở tù về, nghèo rớt mồng tơi…
Bảy Rô cười nhạt:
- Đâu có chuyện đó mậy! Khẩu súng này, Năm Tửu Bà Quẹo cho tao, dặn kỹ: “Súng này là để trừ gian diệt bạo”. Nếu mày “đi hát” thì nó sẽ “khử” mày trước.
Chín Mập lắc đầu:
- Bảy Rô bây giờ khác Bảy Rô trước quá!
Bảy Rô cười lớn:
- Phải khác chớ mậy! Bốn năm ở đại học Khám Lớn, ngày đêm kề cận các tay làm quốc sự, cũng “bỏ bụng” được chút đỉnh chớ bộ!
Nhóm Ba Dương bỏ hãng đóng tàu Ni-chi-năn để về Tân Quy lo “chiêu mộ binh mã”. Chủ hãng Nhật đã bỏ đi mất khi hay tin Nhật hoàng đầu hàng. Cũng “ngộ” là lúc ấy, không ai nghĩ tới chuyện ăn cắp gỗ súc như trước. Mối bận tâm duy nhất của các nhóm giang hồ là cướp súng Nhật để phô trương lực lượng. Chín Mập lẻn vô hãng dệt bên kia bến đò ăn cắp ba mươi súng Mút chở đầy tam bản về cầu Rạch Đỉa. Nhà Ba Dương lúc đó biến thành tổng hành dinh bộ đội Ba Dương.
Nhóm Tám Mạnh chiếm hãng A-ta-ka của Nhật cướp súng. Hãng này ở kế Sở Thùng, dựa bờ Rạch Ong chứa súng đạn cho hải quân. Một đêm đi chơi về khuya. Chín Phải trông thấy một xe nhà binh Nhật tuôn hàng xuống sông, dưới dạ cầu Rạch Ong, gần cổng hãng Ni-chi-năn. Anh nghi Nhật lén giấu võ khí thay vì nạp cho Đồng minh. Theo lời kể lại của anh, ông Tám cho thợ lặn tới mò. Thợ lặn Năm Cần Thơ trổ tài trong hai tiếng đồng hồ, từ ba giờ khuya tới năm giờ sáng, đem về cho bộ đội Tám Mạnh 11 súng Mút, một Mi, một FM và một súng lục.
Nhóm Mười Lực, Bảy Môn ở Thủ Thiêm cũng mướn thợ lặn mò súng. Soái hạm La-mốt Pic-kê (Lamotte-Picquet) bị máy bay Đồng minh đánh chìm trên sông Cát Lái là một kho súng không thể bỏ qua được. Rồi chiếc máy bay hai lườn B.28 “Libêrato” của Anh bị phòng không Nhật hạ tại cống Thủ Thiêm đêm 5-5-1944 cũng rất hấp dẫn với bốn khẩu đại liên “Trây-dơ” (13 ly 2).
Nhờ thợ lặn kiêm luôn thợ đúc tài giỏi, nhóm Mười Lực, Bảy Môn làm chuyện hi hữu là tự võä trang hai đại liên 13 ly 2 và hai anh được mỗi người một cây Côn Đui (Colt 12 ly). Đó là chiến lợi phẩm thu “nguội” trên xác chiếc Libêrato. Còn soái hạm của Pháp thì “dâng” cho bộ đội Thủ Thiêm 40 súng Mút.
Bảy Môn còn dùng kế mỹ nhân mua rượu thịt nhờ chị em trong xóm mang tới nơi đóng quân của Nhật, dụ chúng giao súng cho bộ đội Thủ Thiêm đóng ngoài đình. Nhờ vậy mà kiếm thiêm được một cây “luộc” (lourde), loại đại liên bắn đạn nồi (7 ly 7).
Với tư cách đàn anh trong vùng, Ba Dương tiếp xúc với các đơn vị bộ đội lận cận và nhanh chóng thống nhất lực lượng lại thành một khối. Vấn đề đặt tên cho lực lượng này thật là gay go. Trước kia, người lập bộ đội thường lấy tên của mình đặt cho lực lượng trong vùng, như bộ đội Tân Quy cũng được gọi là bộ đội Dương Văn Dương, hay gọn hơn là bộ đội Ba Dương. Bộ đội Nhà Bè mang tên bộ đội Hai nhị, Hai Soái… Ba Dương không muốn lấy tên mình đặt cho bốn đơn vị Tân Quy, Tân Thuận, Nhà Bè, Thủ Thiêm nhập lại. Anh tìm một cái tên tiêu biểu và không đụng tới đầu óc địa phương. Trong vùng ven đô này có rất nhiều địa danh khét tiếng chống Pháp. Xã Tân Thuận có vùng Dừa Sụp là nơi quy tụ các tay “chọc trời khuấy nước”, dân vô gia cư, vô nghề nghiệp, dân trộm cướp, tù vượt ngục, có cả các nhà làm quốc sự đang bị truy tầm. Không xa Dừa Sụp có hàng Mù U, thuộc xã Phú Mỹ, cũng được xem là một giang sơn riêng biệt của các tay giang hồ tứ chiếng. Nhưng nổi bật nhất là Xóm Cỏ, cũng gọi là Hố Bần. Từ ngày nhóm Tư Phương, Mười Nhỏ chọn nơi đây làm sào huyệt thì làng lính không đời nào dám léo hánh tới. Sau khi bàn bạc, tất cả đều nhất trí lấy Xóm Cỏ, Hố Bần đặt tên cho bộ đội mới thống nhất dưới quyền chỉ huy của Ba Dương. Nhưng hai tiếng Xóm Cỏ, Hố Bần nghe không hay, Ba Dương tìm thấy tên vùng này trên bản đồ thành phố Sài Gòn- chợ Lớn là ấp Bình Xuyên thuộc làng Chánh Hưng.
Cái tên Bình Xuyên nghe hay hay. Vùng chi chít sông rạch, chữ Xuyên rất thích hợp. Còn chữ Bình gợi chiến công đánh chiếm và bình định. Thế là bộ đội Ba Dương lấy tên bộ đội Bình Xuyên từ ngày ấy.
***
Bảy Viễn và Mười Trí về Sài Gòn đúng vào những ngày sôi nổi ấy.
Lập tức cả hai trở về “giang sơn” của mình gây lại lực lượng. Bảy Viễn đóng đô ở trường đua Phú Thọ, Mười Trí xưng hùng tại Bà Quẹo. Vốn là tay anh chị khét tiếng, mỗi lần vượt ngục từ Côn Đảo về là thêm một chiến công hiển hách, cho nên “nhất hô bá ứng”, đám du đãng từ lâu như rắn mất đầu, nay trở về tụ tập dưới “trướng” hai tay giang hồ vừa vượt trùng dương về đất liền. Bảy Viễn đánh các bót lân cận cướp súng. Y lấy xâu các sòng bạc tạo quỹ nuôi quân.
Mười Trí cũng làm “kinh tế mạo hiểm” để mua súng và mộ lính. Ngoài ra, ông còn được một số chủ ngựa đua lạc quyên đóng góp để được tiếng Mạnh Thường Quân trong vùng Hóc Môn- Bà Điểm.
Tất cả các nhóm giang hồ đều thi nhau xây dựng bộ đội trong những ngày lịch sử này.
Chú thích: (1) 69 Lagrandière = Khám Lớn Sài Gòn