Sáng hôm sau, En- đru dậy sớm sau một đêm được ngủ ngon. Anh cảm thấy người đầy sức sống, sẵn sàng bắt tay vào mọi việc. Đến thẳng máy điện thoại, anh nhờ công ty môi giới chuyên nhượng các cơ sở chữa bệnh “Phun-gơ và Tớc-nơ” ở phố E- đơm đứng ra tìm người mua lại mấy cơ sở của anh. Giê-rơn Tớc-nơ, hiện là giám đốc công ty lâu đời này, đích thân trả lời và sẽ đến ngay phố Chét-xbơ-rơ theo yêu cầu của En- đrụ Sau khi xem xét kỹ sổ sách trong suốt buổi sáng, Tớc-nơ nói En- đru có thể dễ dàng nhượng lại nhanh chóng.
- Bác sĩ Men-sân ạ, chúng tôi có thế nào cũng phải nêu lý do trong lời quảng cáo – Tớc-nơ nói, gõ chiếc bút chì máy vào hàm răng – Người mua nào cũng nhất định sẽ đặt câu hỏi: vì lẽ gì mà một bác sĩ lại đi từ bỏ một mỏ vàng thế này. Tôi xin lỗi đã dùng chữ đó, vì quả thực, đúng nó là một mỏ vàng. Lâu nay, tôi chưa thấy một nơi nào thu được tiền nhiều như ở đây. Hay là ta nói là vì lý do sức khoẻ?
- Không - En- đru xẵng giọng – Cứ nói sự thật. Nói là... – anh nghĩ lại – thôi, nói là vì lý do riêng.
- Được lắm, bác sĩ Men-sân ạ – Và Giê-rơn Tớc-nơ viết đè lên trên bản nháp lời quảng cáo: “Nhượng lại vì lý do riêng, không liên quan gì đến khách bệnh”.
En- đru kết thúc:
- Xin ông nhớ rằng, tôi không đòi một số tiền thật lớn, chỉ cần một cái giá phải chăng. Có thể khá nhiều mèo cái sẽ không theo chữa ở người kế chân tôi đâu.
Đến giờ ăn trưa, Cơ-ri-xtin đưa cho En- đru hai bức điện mới nhận. En- đru yêu cầu Đen-ni và Hốp trả lời hai bức thư anh viết cho họ hôm trước bằng điện tín.
Bức điện thứ nhất, của Đen-ni, chỉ viết:
“Mê lắm. Tối mai sẽ đến”.
Bức điện thứ hai viết với giọng chớt nhả đặc biệt:
“Tôi sẽ phải suốt đời sống với những kẻ loạn trí chăng? Đặc điểm của các tỉnh nhỏ ở Anh là quán rượu, hiệu tạp hoá, nhà thờ và chợ bán lợn. Ông nói đến phòng thí nghiệm ư? Ký tên: một người dân nộp thuế căm phẫn”.
Sau bữa trưa, En- đru lại bệnh viện Vích-to-ri- Ợ Không đúng giờ đi tua thăm bệnh của bác sĩ Thơ-rơ-gút, nhưng thế lại hợp ý anh. Anh không muốn có chuyện ồn ào không hay, lại càng không muốn làm mếch lòng cấp trên của anh. Vì mặc dầu tính tình cố chấp, thủ cựu, chỉ quan tâm đến những giai thoại về những tay thợ cạo kiêm nhà phẫu thuật thời xửa thời xưa nhưng Thơ-rơ-gút bao giờ đối xử với anh cũng rất tốt.
Ngồi bên giường Me- Ơ-ri, En- đru nói rõ ý định của anh cho cô gái hiểu:
- Trước hết là do lỗi của chú. Lẽ ra chú phải thấy trước đây không phải là chỗ thích hợp với cháu. Cháu sẽ thấy khác hẳn khi đến bệnh viện Ben-lơ-vuy này,... rất khác, Me- Ơ-ri ạ. Nhưng ở đây, người ta đối với cháu rất tốt cho nên không việc gì phải làm mất lòng ai. Cháu chỉ nói là đến ngày mười lăm này, cháu muốn ra viện thôi. Nếu cháu ngại nói thì chú sẽ bảo bố cháu viết thư lên xin cho cháu về nhà. Có bao nhiêu người đang chờ giường nên dễ thôi mà. Thế là đến thứ tư, chú sẽ đem xe đến, tự chú sẽ đưa cháu đến Ben-lơ-vuỵ Chú sẽ đem theo một cô y tá và mọi thứ cần dùng. Thật rất đơn giản, và sẽ rất có lợi cho sức khoẻ của cháu.
En- đru về nhà với cảm nghĩ đã hoàn thành thêm một việc nữa: anh cảm thấy anh đã bắt đầu bứt được mình ra khỏi cuộc sống hỗn tạp mà anh đã sa chân vào. Tối hôm ấy, trong phòng khám, anh bắt đầu nhổ bỏ những con bệnh kinh niên, từ bỏ không thương tiếc phong cách mơn trớn quyến rũ của anh. Để đến mười hai lần trong vòng một tiếng đồng hồ, En- đru nói với giọng dứt khoát:
- Đây là lần khám bệnh cuối cùng đối với bà. Bà đã đến điều trị Ở đây lâu rồi. Bây giờ bà đã khá hơn rất nhiều, không việc gì mà phải uống thuốc nữa.
Kỳ lạ thật, nói xong, anh cảm thấy người nhẹ nhõm hơn nhiều. Được nói ra những ý nghĩ của mình, nói ra một cách trung thực, mạnh bạo, là một thứ xa hoa mà từ lâu anh không cho mình được hưởng. Anh đi gặp Cơ-ri-xtin, nhảy chân sáo như trẻ con.
- Bây giờ, anh đỡ cảm thấy mình là người bán rong thuốc muối pha nước tắm rồi. Ôi, cha mẹ Ơi! Sao anh lại có thể nói năng giọng ấy? Anh đã quên mất những gì đã xảy ra... chuyện Vai-lơ... quên hết những chuyện anh đã gây ra rồi sao?
Lúc đó có tiếng chuông điện thoại. Cơ-ri-xtin ra nghe. En- đru thấy hình như nàng ở bên máy nói khá lâu. Khi trở lại, gương mặt nàng có một vẻ gượng gạo là lạ:
- Có người hỏi anh ở dây nói.
- Ai?... - En- đru bỗng hiểu ra là Phran-xit Lo-rân-xơ gọi cho anh. Một không khí im lặng nặng nề trùm xuống gian phòng. Rồi rất nhanh, anh nói – Em ra bảo với bà ấy là anh không có nhà. Bảo là anh đi vắng rồi. À thôi, gượm hẵng. – Gương mặt anh biểu lộ một ý định kiên quyết, anh đột ngột bước lên – Để anh tự ra nói với bà ấy.
Năm phút sau, trở lại, En- đru thấy Cơ-ri-xtin đã cầm đồ đan ngồi ở góc phòng quen thuộc của nàng, chỗ có ánh sáng. Anh nhìn trộm nàng rồi quay mặt đi ra đứng bên cửa sổ, rầu rầu nhìn ra ngoài, tay đút túi. Tiếng que đan kêu lách tách đều đều của nàng làm anh cảm thấy mình ngu xuẩn quá chừng, như một con chó ngu si trốn nhà đi chơi nay lem luốc, ủ rũ, cụp đuôi lê chân về. Mãi sau, không chịu được lâu thêm nữa, anh nói, lưng vẫn quay về phía nàng:
- Chuyện ấy nữa, cũng xong rồi. Có lẽ em nên biết, tất cả chỉ là do thói hợm hĩnh ngu xuẩn của anh thôi... và thói vị kỷ nữa. Xưa nay, bao giờ anh vẫn chỉ yêu có mình em... – Bỗng En- đru rền rĩ – Khốn nạn cho anh, Cơ-rít ạ. Tất cả chỉ là do lỗi lầm của anh. Những người ấy, họ tưởng ai cũng như họ cả, nhưng anh đâu có như họ. Anh rút chân ra một cái quá dễ dàng... quá dễ dàng em ạ. Nghe anh nói thêm này. Vừa rồi, ở máy điện thoại, anh đã gọi luôn cho Lơ Roa. Kể ra anh vẫn có thể hợp tác với họ được lắm. Song, hãng Cơ-rê-mô cũng đừng trông chờ gì ở anh nữa. Anh cũng xoá tên mình khỏi danh sách của họ rồi, Cơ-rít ạ. Lạy Trời! Anh sẽ không bao giờ để cho những việc ấy tái diễn.
Cơ-ri-xtin không đáp, song trong gian phòng yên lặng, tiếng que đan của nàng đập vào nhau thành một thứ tiếng lách tách nhanh nhẹn vui vẻ. En- đru cứ đứng đấy khá lâu, hổ thẹn nhìn xe cộ đi lại ngoài phố, nhìn xuống những chấm sáng dần dần bật loé lên trong đêm hè. Mãi sau, khi anh quay lại, gian phòng đã chìm trong bóng tối nhưng Cơ-ri-xtin vẫn ngồi đó tiếp tục đan, thân hình mảnh khảnh nhỏ nhắn của nàng lẫn vào bóng hình chiếc ghế chìm trong tối không còn nhìn thấy nữa.
Đêm ấy, En- đru bừng tỉnh dậy, người bải hoải đẫm mồ hôi, anh quay sang Cơ-ri-xtin nhưng chưa nhìn thấy gì, tâm trí hãy còn hoảnh hốt vì những điều hãi hùng trong giấc mộng, anh đã nói:
- Em ở đâu, Cơ-rít? Anh hối hận lắm. Anh thành thực hối hận. Từ nay về sau anh sẽ hết sức tử tế, đúng mực với em. – Rồi giọng dịu xuống, đã hơi ngái ngủ – Bán xong chỗ này chúng mình sẽ đi nghỉ ngơi ít ngày. Thần kinh anh rệu rã cả rồi. Thế mà có lần anh gọi em là con điên! Khi chúng mình chọn được một chỗ ở nào yên ổn, bất kỳ là ở đâu, thể nào em cũng sẽ có mảnh vườn, Cơ-rít ạ. Anh biết em thích có một mảnh vườn đến nhường nào. Em còn nhớ... còn nhớ “Sơn cốc” không nhỉ?
Sáng hôm sau, En- đru mua về cho nàng một bó hoa cúc vạn thọ tọ Anh cố biểu lộ niềm yêu thương nàng với tất cả lòng hăm hở như thời trước, không phải bằng sự hào phóng khoa trương mà nàng rất ghét – cứ nghĩ đến bữa ăn ở khách sạn Plađơ mà anh rùng mình – mà bằng những sự săn sóc nho nhỏ gần như đã quên.
Đến giờ uống trà, En- đru mua về một loại bánh xốp mà Cơ-ri-xtin xưa nay vẫn thích, rồi lại còn lặng lẽ ra tủ kê ở cuối hành lang lấy đôi giầy vải đi trong nhà đem lại cho nàng khiến Cơ-ri-xtin phải giãy nảy lên, nhăn mặt nhẹ nhàng phản đối:
- Đừng, đừng thế, anh. Nếu không thì chắc chắn em sẽ lại khổ vì nó. Sang tuần sau, anh lại vò đầu bứt tai, xua đuổi em chạy khắp nhà như anh vẫn làm hồi nào cho mà xem.
En- đru thốt lên, gương mặt sững sờ, đau khổ:
- Cơ-rít, em không thấy là mọi việc đã thay đổi rồi sao? Từ nay trở đi anh sẽ sửa chữa mọi sai lầm đối với em.
- Có chứ, có chứ, anh của em ạ. – Nàng lấy tay quết nước mắt, miệng nhoẻn cười – Rồi với một vẻ nồng nàn, mãnh liệt mà anh chưa bao giờ ngờ có ở nàng – Em không cần gì hết chừng nào chúng mình sống bên nhau. Em không muốn anh phải chiều chuộng em. Em chỉ có một điều mong muốn là anh đừng đeo đuổi ai khác.
Tối hôm ấy, Đen-ni đến vừa kịp giờ ăn tối cùng với hai vợ chồng bạn như Đen-ni hẹn. Hốp đã gọi điện đường dài từ Kem-brít-giơ cho Đen-ni nhờ Đen-ni nói lại là Hốp không về được Luân Đôn tối nay.
Tay vỗ tẩu, Đen-ni nói thêm:
- Cậu ta bảo phải ở lại vì công việc. Nhưng mình nghĩ là anh bạn Hốp nhà ta sắp lấy vơ... Thế là nhà vi khuẩn học của chúng ta đã bị thuần hoá rồi.
- Cậu ấy có ý kiến gì về ý định của mình không?
- Có, cậu ấy hào hứng lắm. Song, có hay không thì cũng không quan trọng, chúng mình có thể cứ tóm cổ cậu ấy lôi theo chúng mình. Vì thú thật, mình cũng thấy rất hào hứng... Mình không hình dung nổi làm sao cái kế hoạch tuyệt diệu ấy lại nảy ra được trong đầu óc điên rồ của cậu. Nhất là khi mình tưởng tượng cậu sắp ngoi lên làm anh bán xà phòng ở khu Oét-en. Kể đầu đuôi cho mình nghe nào.
En- đru kể hết lại cho Đen-ni nghe, càng kể càng sôi nổi. Hai người quay sang bàn bạc đến tận những chi tiết thực tế của đề án.
Họ bỗng nhận ra họ đã đi xa đến nhường nào khi Đen-ni đưa ra ý kiến:
- Theo mình, ta không nên ở một đô thị quá lớn. Một thị trấn không quá hai vạn dân là thích hợp nhất. Ở những nơi như vậy chúng mình có thể làm ăn ra trò. Nhìn vào bản đồ miền trung du tây, ta thấy có biết bao nhiêu thị trấn công nghiệp, nơi nào cũng có dăm bảy bác sĩ hầm hè nhau một cách rất chi là lịch sự, hay là có những thầy thuốc già hôm nay cắt một nửa cái a-mi- đan của con người ta rồi mai mới bơm thuốc sát trùng. Đó chính là những nơi chúng mình có thể thao diễn chủ trương hợp tác chuyên môn của chúng mình. Chúng mình sẽ không mua lại khách bệnh của ai. Coi như là chúng mình tự nhiên đến. Chà! Mình muốn nhìn bộ mặt của họ, ý mình muốn nói của các ngài bác sĩ Brao, bác sĩ Giôn, bác sĩ Rô-bin-xơn, vân vân. Chúng mình sẽ phải nghe hàng tràng lời nhiếc móc đấy, có khi bị treo cổ cũng nên. Thôi, nói nghiêm chỉnh, chúng mình sẽ phải có một bệnh viện trung tâm, như cậu nói, phòng thí nghiệm của Hốp ở liền ngay cạnh. Thậm chí chúng mình cũng có thể đặt vài ba giường nằm cho bệnh nhân ở trên gác. Ban đầu, chưa cần thật lớn... chủ yếu là cải tổ chứ không phải xây dựng. Nhưng mình đã cảm thấy chúng mình sẽ đứng vững – Bỗng để ý đến đôi mắt long lanh của Cơ-ri-xtin theo dõi câu chuyện, Đen-ni mỉm cười – Thưa quý phu nhân, quý phu nhân nghĩ sao? Điên rồ, có phải không?
- Đúng – Cơ-ri-xtin trả lời, giọng khàn khàn – Nhưng chính những điều điên rồ ấy mới đáng kể.
- Đúng đấy! Cái đó mới đáng kể - En- đru nắm tay đập xuống bàn làm nảy tung dao thìa đĩa bát – Đành rằng kế hoạch là tốt, song cái chính là tư tưởng đằng sau cái kế hoạch ấy. Đây là một cách hiểu mới về lời thề của Híp-pô-cơ-rát (#1). Một sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng khoa học, không có lối làm việc kinh nghiệm chủ nghĩa, không có những phương pháp kiểu thầy lang vườn, không có lối kê đơn hàng loạt, cho những thứ thuốc vô dụng, chạy theo tiền công, ve vãn những người bệnh tưởng!
Họ nói chuyện đến tận một giờ sáng. Bầu nhiệt huyết của En- đru đã làm sôi động cả con người Đen-ni vốn trơ như đá. Chuyến tàu cuối cùng trong ngày đã chạy từ lâu. Đêm đó, Đen-ni ngủ lại ở phòng ngủ bỏ không. Sáng hôm sau, ăn lót dạ xong, Đen-ni vội ra tàu, hẹn sẽ trở lại vào thứ sáu tuần tới. Từ nay đến ngày ấy, Đen-ni sẽ đi gặp Hốp và – bằng chứng cuối cùng về sự hào hứng của Đen-ni – anh sẽ mua một tấm bản đồ lớn vùng trung du miền Tây.
- Ổn lắm, Cơ-rít ạ, ổn lắm. - En- đru ở ngoài cửa đi vào, hớn hở – Đen-ni “say” lắm rồi. Anh ấy không nói gì nhiều nhưng anh biết.
Cũng ngày hôm ấy, lần đầu tiên có người đến hỏi mua phòng khám bệnh. Ban đầu mới đến một người, sau thì nhiều. Giê-rơn Tớc-nơ đi cùng với những ai có nhiều ý định mua nhất. Ông ta tuôn ra hàng tràng những câu văn hoa đẹp đẽ, nói đến cả kiến trúc của nhà để xe. Đến thứ hai thì có bác sĩ Nâu- Ơn Lâu- Ơ-ri lại hai lần, buổi sáng lại một mình, buổi chiều đi cùng với nhân viên môi giới. Sau đó, Tớc-nơ gọi dây nói cho En- đru:
- Bác sĩ Lâu- Ơ-ri thích chỗ của ông đấy. Có thể nói là rất thích. Ông ta chỉ sợ chưa kịp đưa bà vợ đến xem thì ông đã bán mất. Bà ấy hiện nay đang dẫn con cái đi nghỉ ngoài bãi biển, đến thứ tư này thì về.
Thứ tư là đúng ngày En- đru phải đưa Me- Ơ-ri đến Ben-lơ-vuỵ Anh nghĩ có thể giao phó hoàn toàn việc này cho Tớc-nơ được.
Tại bệnh viện mọi chuyện đều diễn ra như anh đã dự kiến. Me- Ơ-ri sẽ ra viện vào lúc hai giờ chiều. En- đru đã hẹn với chị y tá Sáp cùng đi xe hơi với Me- Ơ-ri đến Ben-lơ-vuy.
Một rưỡi, vừa lúc En- đru đưa xe đến phố Oen-bếch đón Sáp thì trời mưa tọ Khi En- đru đến nơi, chị ta trông có vẻ khó chịu, chị ta vẫn đợi En- đru nhưng với thái độ miễn cưỡng. Từ hôm En- đru báo trước là đến cuối tháng này anh phải cho chị nghỉ việc thì chị lại càng cau có hơn mọi khị Chị ừ hữ đáp lại lời chào của En- đru rồi lên xe.
May là En- đru không vấp phải khó khăn gì khác với Me- Ơ-rị En- đru đỗ xe vừa đúng lúc Me- Ơ-ri đi qua phòng thường trực bệnh viện, và một phút sau Me- Ơ-ri đã ngồi ở ghế sau với chị y tá Sáp, quanh người, quấn một cái chăn ấm, dưới chân ủ một chai nước nóng. Thế nhưng đi chưa được mấy quãng đường, En- đru đã ân hận trót đem theo chị y tá cảu nhảu càu nhàu và đa nghi này. Rõ ràng chị ta coi chuyến đi này hoàn toàn vượt ra ngoài nhiệm vụ của mình. En- đru tự hỏi không biết làm sao anh đã chịu đựng được chị ta lâu đến thế.
Xe đến Ben-lơ-vuy vào lúc ba rưỡi. Trời đã tạnh, và mặt trời đã ló sau những đám mây khi xe lên đồi. Me- Ơ-ri nhô người ra phía trước, đôi mắt bồn chồn hơi pha một chút lo lắng nhìn cái nơi mà người ta đã làm cô mong đợi rất nhiều.
En- đru gặp Xtin-men tại văn phòng. Anh muốn cùng ông khám ngay cho Me- Ơ-ri và óc anh vẫn bị vấn đề bơm khí màng phổi ám ảnh. En- đru đề cập đến vấn đề ấy khi hút thuốc và uống trà với Xtin-men.
- Được được, - Xtin-men gật đầu khi En- đru nói xong – ta sẽ lên gác thăm bệnh cho cô gái ấy ngay bây giờ.
Xtin-men dẫn đường đến buồng Me- Ơ-rị Cô gái đang nằm trên giường, mặt còn nhợt nhạt sau cuộc hành trình và có vẻ lo lắng, mắt nhìn chị y tá Sáp đang đứng ở đầu phòng gấp quần áo cho cộ Me- Ơ-ri hơi giật mình khi Xtin-men vào.
Xtin-men khám rất tỉ mỉ. Phương pháp chẩn đoán của Xtin-men – từ tốn, lặng lẽ, hết sức tỉ mỉ – là một điều mới mẻ đối với En- đrụ Hoàn toàn không có lối ve vuốt hoặc nạt nộ người bệnh. Quả thực, trông Xtin-men không giống một người thầy thuốc đang chẩn đoán bệnh. Ông như một nhà kinh doanh đứng trước một máy tính phức tạp bị trục trặc. Tuy Xtin-men có dùng ống nghe song phần lớn ông chẩn đoán bằng tay, sờ nắn các khoảng liên sườn và trên xương đòn gánh như thể qua những ngón tay tinh tế của mình, ông có thể thực sự cảm thấy thể trạng của những tế bào phổi đang sống, đang thở bên trong.
Chẩn đoán xong, Xtin-men không nói gì với Me- Ơ-ri, ông kéo En- đru ra ngoài cửa bảo:
- Phải bơm khí màng phổi, không còn bàn cãi gì nữa. Hai lá phổi này lẽ ra phải ép từ mấy tuần trước. Tôi sẽ tiến hành ngay bây giờ. Ông quay lại nói cho cô ấy biết đi.
Trong khi Xtin-men đi chuẩn bị dụng cụ, En- đru trở vào phòng báo cho Me- Ơ-ri biết quyết định của hai người. Anh nói hết sức nhẹ nhàng, song hiển nhiên việc bơm khí vào màng phổi này làm Me- Ơ-ri thêm lo lắng. Cô gái hỏi, giọng băn khoăn:
- Chú bơm chứ? Ứ, cháu muốn chú bơm cơ.
- Không sao đâu, Me- Ơ-ri ạ. Cháu sẽ không cảm thấy đau một chút nào. Chú cũng đứng ở đây. Chú sẽ giúp ông ấy. Chú sẽ chú ý không để cháu bị làm sao đâu.
Thực ra, En- đru đã định để Xtin-men tiến hành hoàn toàn một mình. Nhưng vì Me- Ơ-ri quá lo lắng, chỉ tin tưởng ở En- đru, và quả En- đru cũng cảm thấy có trách nhiệm trong việc đưa Me- Ơ-ri đến đây nên anh đến phòng phẫu thuật giúp Xtin-men một tay.
Mười phút sau hai người đã sẵng sàng. Khi Me- Ơ-ri được đưa vào, En- đru gây tê khu vực cho cô gái. Rồi anh đứng cạnh cái áp kế trong khi Xtin-men khéo léo đưa mũi kim vào lồng ngực, theo dõi dòng khí ni-tơ vô trùng bơm vào màng phổi. Chiếc máy bơm khí cực kỳ tinh vi, và không ai có thể phủ nhận Xtin-men là bậc thầy về liệu pháp này. Ông điều khiển cái kim với bàn tay thành thạo, từ từ thọc dần vào một cách hết sức khéo léo, mắt chăm chú theo dõi cái áp kế, rình tiếng kêu đánh sật một cái báo hiệu kim đã chọc qua màng phổi.
Sau những phút ban đầu hoảng hốt, Me- Ơ-ri đã dần dần bớt lọ Cô chịu đựng cuộc phẫu thuật với một niềm tin tưởng ngày một vững vàng và sau cùng, hoàn toàn thoải mái, cô mỉm cười được với En- đrụ Trở về buồng cũ, Me- Ơ-ri nói:
- Chú nói đúng. Không sao cả. Cháu không cảm thấy gì sất cả.
- Thực à? - En- đru nheo một bên mắt rồi lại bật cười – Phải như vậy: không rối rít, không cảm thấy có chuyện gì ghê gớm xảy ra với mình... chú mong ca phẫu thuật nào cũng êm thấm như vậy. Thế là hai lá phổi của cháu đã bị làm cho bất động rồi đó. Bây giờ phổi của cháu sẽ được nghỉ ngơi. Khi nào nó bắt đầu thở lại thì nó sẽ khỏi. Cháu cứ tin ở chú!
Me- Ơ-ri nhìn En- đru rồi nhìn khắp gian phòng vui mắt, nhìn qua cửa sổ xuống thung lũng nằm xa xa.
- Với lại ở đây cháu thấy thích lắm. Ông ấy không cố làm ra vẻ tử tế đâu, ông Xtin-men ấy, nhưng dù sao vẫn cảm thấy ông ấy tốt lắm... Cháu uống trà được chưa, chú?
-------------
Chú thích:
(1-) Lời tuyên thệ của những người sắp làm thầy thuốc thề sẽ hành nghề một cách trung thực.