Tuy hiện nay Cơ-ri-xtin đang chiếm lĩnh tâm trí En- đru hơn bao giờ hết nhưng tâm trạng anh đã thay đổi. Anh không còn cảm thấy chán nản nữa, anh phấn khởi, sung sướng, chứa chan hy vọng. Sự thay đổi này được phản ánh ngay trong công việc. Anh hãy còn khá trẻ trung để lúc nào cũng có thể tưởng tượng trong óc là có Cơ-ri-xtin đang theo dõi anh những khi anh đến thăm bệnh nhân, theo dõi các phương pháp điều trị cẩn thận, cách khám bệnh tỉ mỉ của anh, khen ngợi sự chăm chú tìm tòi của anh khi chuẩn đoán. Khi nào anh toan khám qua quít, vội vã kết luận trong khi chưa nghe ngực người bệnh thì lập tức có một ý nghĩ chặn anh lại : “Chết! Nàng sẽ nghĩ như thế nào nếu mình làm như vậy?”.
En- đru đã nhiều lần bắt gặp con mắt riễu cợt của Đen-ni nhìn anh chừng như đã hiểu chuyện. Nhưng En- đru mặc kệ. Một cách nồng nhiệt và duy tâm, anh gắn Cơ-ri-xtin với các tham vọng của anh làm nàng vô tình trở thành một nguồn cổ vũ mới cho cuộc tiến công lớn lao vào những điều anh chưa am hiểu.
Trong thâm tâm, En- đru phải thừa nhận anh thực ra chưa biết gì cả. Tuy nhiên, anh vẫn tự luyện cho mình có những suy nghĩ riêng, nhìn thấy suốt mặt trái của những điều hiển nhiên đập ngay vào mắt người ta để cố tìm ra nguyên nhân trực tiếp. Từ trước đến nay, anh chưa bao giờ thấy mình bị lý tưởng khoa học thu hút mãnh liệt đến thế. Anh thiết tha mong rằng anh chờ bao giờ trở thành một kẻ cẩu thả hay vụ lợi, chớ bao giờ kết luận quá vội vàng, và chớ bao giờ hạ bút ghi những chữ “theo đơn cũ”. Anh khao khát tìm tôi, muốn công việc của mình có tính chất khoa học để xứng đáng với Cơ-ri-xtin.
Trước niềm say mê thơ ngây ấy, thật đáng tiếc là việc khám bệnh và điều trị của En- đru ở đây bỗng nhiên trở nên tẻ nhạt đơn điệu. Anh chỉ muốn đọ sức với núi cao. Thế mà mấy tuần qua, anh chỉ toàn gặp những cái gò thấp lè tè. Anh phải chữa chạy những chứng bệnh vặt vãnh, không mảy may hứng thú, những ca tầm thường như sái chân, đứt tay, nhức đầu, sổ mũi. Trường hợp khó khăn nhất là lần anh mời đi xa hai dặm đến phía dưới thung lũng khám bệnh cho một bà cụ già mặt vàng khè thò đầu ra khỏi chiếc khăn quàng trùm kín nhờ anh cắt hộ chai chân.
En- đru cảm thấy tù túng, bực mình thấy không có những cơ hội đương đầu với giông tố, bão táp.
Anh bắt đầu hoài nghi niềm tin tưởng của bản thân mình, tự hỏi rằng ở nơi khỉ ho cò gáy này thì người thầy thuốc liệu có khả năng thực sự trở thành một cái gì hơn một kẻ làm mướn tầm thường không. Nhưng đến lúc bế tắc nhất ấy thì xẩy ra một sự kiện làm chiếc nhiệt kế đo niềm tin của anh một lần nữa lại nhảy vọt lên trời xanh…
Gần hết tuần cuối cùng tháng sáu, En- đru đang đi trên chiếc cầu gần ga thì gặp bác sĩ Brem- Oen. Ông vừa mới ở cửa sau quán “Đường sắt” lẻn ra, len lét lấy mu bàn tay quệt mồm. Brem- Oen có thói quen, mỗi khi bà vợ diện quần áo, tươi tỉnh đi To-ních-glân với những chuyện “mua sắm” bí ẩn của bà thì ông lại kín đáo tự an ủi bằng một hai cốc bia vại.
Hơi lúng túng khi bị En- đru bắt gặp, Brem- Oen vẫn làm chủ được tình thế và nói với giọng phớt tỉnh:
- A, anh Men-sân. Gặp anh rất mừng. Tôi vừa mới phải đến khám bệnh cho Prít-chớt xong.
Prít-chớt là chủ quán rượu “Đường sắt”. En- đru vừa mới gặp ông này dẫn chó đi chơi cách đây năm phút. Tuy vậy, anh không đả động gì. Anh quí mến Brem- Oen, con người có cách ăn nói khoa trương và điệu bộ huênh hoang hài hước, nhưng lại rụt rè, anh mến những lỗ thủng ở tất ông mà bà vợ ham vui quên không díu lại.
Sánh vai nhau đi trên phố, hai người bắt đầu nói chuyện nghề nghiệp. Brem- Oen xưa nay bao giờ cũng sẳn sàng kể về các bệnh nhân của ông. Lần này, với một vẻ nghiêm trang, ông kể với En- đru là Em-ri Hiuđơ, người em rể En-ni, chị giúp việc ở nhà anh, đang được ông điều trị. Brem- Oen nói Em-ri dạo này có thái độ rất kỳ quặc, xuống hầm lò thì bồn chồn lo lắng, đầu óc không còn nhớ gì cả. Anh ta trở nên bẩn tính, hay cãi cọ,và hung bạo.
Brem- Oen gật gà gật gù, nghiêm giọng:
- Tôi thấy cần phải chú ý, anh Men-sân ạ. Trước đây, tôi đã từng gặp nhiều trường hợp rối loạn tâm thần, và trường hợp này giống đáo để.
En- đru chăm chú lắng nghe. Từ trước đế nay, anh vẫn coi Hiuđơ là một chàng trai cục mịch nhưng dễ mến. Anh nhớ lại gần đây En-ni có vẻ lo lắng. Anh hỏi thì chị chỉ nói xa xôi là chị lo về người em rể, vì tính tình En-ni rất hay chuyện trò nhưng chị lại không thích nói về gia đình. Khi chia tay vớiBrem- Oen, En- đru nói mấy câu tỏ ý mong bệnh nhân của ông chóng bình phục.
Nhưng đến thứ sáu, mới sáu giờ sáng En- đru đã bị tiếng gõ cửa gọi dậy. Người gõ cửa là En-ni, mắt đỏ hoe, quần áo đã mặc xong xuôi. Chị đưa cho En- đru một bức thư.
En- đru xé phong bì. Đó là thư của bác sĩ Brem- Oen:
“Mời anh lại tôi ngaỵ Tôi nhờ anh ký vào giấy chứng thực một bệnh điên nguy hiểm”.
Chị En-ni cố cầm nước mắt:
- Về chuyện Em-ri đấy, bác sĩ ạ, kinh khủng quá. Bác sĩ lại ngay đi.
Trong ba phút, En- đru mặc xong quần áo. Cùng đi với En- đru ngoài phố, chị En-ni kể cho anh nghe tất cả những gì chị biết về Em-rị Ba tuần nay, anh ta ốm, người khác hẳn , nhưng đến đêm qua thì anh ta trở nên hung dữ, rõ ràng là mất trí. Anh ta đã cầm con dao cắt bánh mì dọa vợ. Au-in chỉ vừa kịp chạy ra đường, còn mặc cả quần áo ngủ. Theo lời kể nghẹn ngào của chị En-ni chạy lon ton bên cạnh anh trong ánh sáng nhờ nhờ lúc sáng sớm thì câu chuyện giật gân ấy kể cũng bi đát. En- đru chẳng biết nói gì thêm để làm yên lòng chị. Tới nhà Hiuđơ, En- đru gặp bác sĩ Brem- Oen đang ngồi ở bàn tại phòng ngoài, tay đang cầm bút, vẻ mặt nghiêm trang, râu không cạo, áo sơ mi không kịp cài khuy cổ và thắt cà vạt. Trước mặt Brem- Oen là một tờ giấy xanh nhạt, viết được một nửa.
- A, anh Men-sân đây rồi! Anh đến nhanh thế là tốt lắm. Một việc đáng buồn đây. Nhưng không làm anh mất nhiều thờigiờ đâu.
- Có gì đấy, ông Brem- Oen?
- Hiuđơ bị điên. Hình như tuần trước tôi có nói với anh tôi đã ngờ như vậy rồi thì phải. Tôi nói đúng mà. Điên khùng – chứng điên khùng, đi đến chỗ giết người. Ta phải đưa cậu ấy đến ngay Pon-ti-niu- đợ Muốn vậy phải có hai chữ ký trên tờ giấy chứng thực: Chữ ký của anh và của tôi. Gia đình ấy muốn tôi mời anh lại. Anh biết thủ tục rồi chứ?
En- đru gật đầu:
- Đã. Ông có thấy bằng chứng gì?
Brem- Oen hắng giọng, đọc những dòng chữ ông đã viết trên tờ khai, kể lại đầy đủ, trôi chảy, một số hành vi của Em-ri Hiuđơ trong tuần trước, tất cả đều đưa đến kết luận là anh ta loạn trí. Đọc xong, Brem- Oen ngẩng đầu lên:
- Theo tôi thì bằng chứng thế là rõ ràng!
En- đru từ tốn trả lời:
- Có vẻ khá nghiêm trọng thật. Được! Ông để tôi xem anh ta một tí.
- Cảm ơn, anh Men-sân. Khi nào anh xong, anh ra đây gặp tôi – Rồi ông viết thêm những chi tiết khác vào tờ chứng thực.
Em-ri đang nằm trên giường, ngồi cạnh anh có hai người bạn cùng làm ngoài mỏ để phòng khi cần phải giữ anh ta lại. Đứng ở chân giường là Au-in, vợ Em-ri, mặt tái xanh, mọi khi tươi vui nhanh nhẹnh mà bây giờ thì đầm đìa nước mắt. Au-in trông thật thiểu não và không khí gian phòng thật nặng nề ảm đạm đến nỗi trong giây lát En- đru thấy rùng mình, gần như kinh sợ.
En- đru bước lại gần, anh thoạt tưởng như không nhận ra Em-ri nữa. Không phải đã thay đổi hoàn toàn,vẫn là Em-ri thôi, nhưng là một Em-ri biến dạng, khác trước. Khéo để ý thì thấy có những nét trở nên thô lỗ. Mặt anh ta hình như bị sưng lên, cánh mũi dầy ra, nước da bệch như sáp, trừ một mảng đo đỏ chạy qua sống mũi. Nhìn chung, anh ta có vẻ nặng nề, đờ đẫn. En- đru hỏi chuyện, anh ta trả lời lý nhí, nghe không rõ. Sau đó anh ta nắm tay lại và tuôn ra một tràng những câu hung hăng vô nghĩa. Cách trả lời ấy, kết hợp với những lời kể lại của Brem- Oen, càng cho thấy rõ phải đưa anh ta vào nhà thương điên.
Sau một lúc im lặng, En- đru cảm thấy anh buộc lòng phải công nhận đúng là Em-ri mất trí. Tuy nhiên, không giải thích vì sao, anh vẫn thấy có gì không ổn. En- đru tự hỏi: Tại sao, tại sao, Em-ri lại nói năng như vậy? Xưa nay anh ta vẫn là người vui vẻ cơ mà, không có chuyện gì lo lắng, sống thoải mái, dễ được mọi người ưa mến. Thế thì tại sao anh ta thay đổi như thế này mà không có nguyên nhân rõ rệt gì ?
Phải có nguyên nhân nào đó, En- đru bướng bỉnh suy nghĩ. Các triệu chứng không thể tự nhiên mà có được. Nhìn chằm chằm vào những nét sưng phù ở trước mặt, nặn óc suy nghĩ tìm câu trả lời cho bài toán hóc búa, En- đru vô tình đưa tay sờ vào bộ mặt sưng và trong tiềm thức, anh nhận thấy tay anh ấn xuống không để lại vết lõm trên cặp má bị phù kia.
Một suy nghĩ bỗng vụt loé lên trong óc anh như một tia điện. Tại sao chỗ sưng lại không lõm xuống khi anh ấn tay vào? Bởi vì – bây giờ chính là tim anh nẩy tung lên! – bởi vì đây không phải thực sự là phù thủng mà là phù niêm. Anh hiểu ra rồi, ơn trời, anh đã hiểu ra rồi. Không, anh không được vội vã hấp tấp. Anh trấn tĩnh lại hẳn. Anh không được vội đi đến kết luận. Anh phải xúc tiến một cách thận trọng, từ tốn, chắc chắn!
En- đru cúi xuống, nâng bàn tay Em-ri lên. Đúng rồi, da khô và nhám, ngón tay hơi dầy lên ở đầu. Nhiệt độ… dưới bình thường. Anh tiếp tục khám một cách có phương pháp cho đến khi xong, nén lại niềm phấn khởi như những đợt sóng nối tiếp nhau dâng lên trong lòng. Mọi kết luận, mọi triệu chứng đều hoàn toàn ăn khớp với nhau như những mảnh gỗ trong trò chơi xếp hình được ghép lại với nhau. Nói năng chệch choạc, da khô, ngón tay chuối mắn, da mặt sưng phồng không co giãn, hỏng trí nhớ, suy nghĩ chậm chạp, những cơn nóng nảy mà tột đỉnh là hành động hung bạo định giết người. Ôi! Bức tranh đầy đủ đó là một thành công tuyệt vời.
En- đru đứng bật dậy, ra phòng khách. Bác sĩ Brem- Oen, đứng trên tấm thảm rải trước lò sưởi, lưng quay lại ngọn lửa, hỏi En- đru:
- Thế nào? Thỏa mãn chứ? Bút ở trên bàn ấy.
En- đru đưa mắt nhìn đi chỗ khác, cố không để cho sự đắc thắng lộ ra trong giọng nói:
- Này ông Brem- Oen ạ. Tôi cho rằng chúng ta không cần phải viết tờ chứng thực bệnh điên cho Hiuđơ đâu.
- Hử? Tại sao? Gương mặt Brem- Oen dần dần mất vẻ bình thản. Ông kêu lên với nỗi kinh ngạc của người bị mếch lòng. – Nhưng cậu ta hoàn toàn mất trí rồi mà!
- Tôi không nghĩ như vậy - En- đru đáp lại bằng một giọng đều đều, vẫn phải cố nén niềm phấn khởi, hân hoan. Chẩn đoán được căn bệnh chưa phải đã xong. Anh còn phải đối xử khéo léo với Brem- Oen, cố không đối lập với ý kiến của ông ta – Theo tôi, Hiuđơ đau ốm về tinh thần chỉ vì anh ta đau ốm về thể xác. Tôi cho rằng Hiuđơ bị thiểu năng tuyến giáp trạng: đây là một trường hợp phù niêm hết sức rõ ràng.
Brem- Oen nhìn En- đru với con mắt đờ đẫn. Bây giờ ông thực sự bàng hoàng. Ông cố nói câu gì, nhưng chỉ thốt ra được những âm thanh kỳ quặc, như tiếng tuyết rơi trên mái nhà.
En- đru nói tiếp để thuyết phục Brem- Oen, mắt nhìn xuống tấm thảm:
- Vả lại, Pon-ti-niu- đơ như một nấm mồ ấy. Hiuđơ mà vào đấy thì không bao giờ có cơ ra nữa. Nếu có thoát ra được thì cũng mang vết tích suốt đời. Hay a thử tăng cường tuyến giáp trạng cho anh ta xem sao đã?
Brem- Oen lắp bắp:
- Sao, anh nói thế nào? Tôi không có gì…
En- đru vội cắt ngang:
- Ông hãy nghĩ đến công lao của ông nếu ông chữa được cho anh ta khỏi. Ông không thấy đáng công ư? Nào, tôi đi gọi chị ấy lên đây. Chị ta đã khóc hết nước mắt vì tưởng chồng sẽ bị giải đi nhà thương điên. Ông hãy giải thích là chúng ta sẽ thử áp dụng một cách điều trị mới.
Brem- Oen chưa kịp đáp, En- đru đã ra khỏi phòng. Mấy phút sau, khi anh trở lại cùng với Au-in, Brem- Oen đã hoàn hồn. Đứng giạng chân giữa tấm thảm, ông oai vệ bảo cho Au-in biết là “có thể còn có một tia hy vọng”. Đằng sau lưng ông, En- đru vo viên tờ chứng thực vứt vào lò sưởi. Rồi anh ra điện thoại gọi đi Ca- đíp xin cấp hoóc-môn tuyến giáp trạng.
Mất một thời gian bồn chồn lo lắng, và sau vài ba ngày phấp phỏng căng thẳng, Em-ri mới bắt đầu cho thấy hiệu quả của sự điều trị. Nhưng một khi đã bắt đầu xuất hiện thì hiệu quả ấy thật kỳ diệu. Trong có nửa tháng, Em-ri đã dậy được, và sau hai tháng thì trở lại làm việc. Một buổi tối, Em-ri cùng với cô vợ Au-in tươi tỉnh đến trạm xá Brin-gao- Ợ Rắn rỏi và nhanh nhẹn, Em-ri nói với En- đru anh ta chưa bao giờ khỏe khoắn như bây giờ.
Au-in nói:
- Bác sĩ Men-sân ạ, chúng em chịu ơn ông rất nhiều, chúng em muốn từ bỏ ông Brem- Oen, chuyển sang chỗ ông. Anh Em-ri nhà am ở trong danh sách khách bệnh của ông ta trước khi em lấy nhà em. Ông ta thật chỉ là một mụ già đần độn. Suýt nữa thì ông ta cho anh Em-ri nhà em vào… ông biết đấy… nếu không có ông và tất cả những gì ông đã làm cho chúng em…
- Chị không được thay đổi bác sĩ, chị Au-in ạ. Làm thế thì rắc rối tọ - En- đru bỏ giọng nghề nghiệp nghiêm trang, nói đùa – Chị mà làm thế thì tôi sẽ cầm con dao cắt bánh này đuổi theo chị đấy.
Khi gặp En- đru ngoài phố, Brem- Oen vui vẻ nói với anh:
- Chào anh Men-sân. Anh đã thấy cậu Hiuđơ đi lại rồi chứ? Cả hai vợ chồng đều cảm ơn lắm. Tôi lấy làm hãnh diện vì chưa có lần nào việc điều trị của tôi có kết quả bằng lần này.
Còn chị En-ni thì nói:
- Lão Brem- Oen ấy, huênh hoang ngoài phố như ông tướng. Lão ấy chẳng biết gì sất. Còn bà vợ nữa, úi dào! Mụ ấy không bao giờ giữ được một người giúp việc ở lâu trong nhà.
Blốt- đoen Pây-giơ thì dặn dò:
- Ông Men-sân này, ông chớ nên quên rằng ông làm việc cho bác sĩ Pây-giơ đấy nhé.
Còn lời bình phẩm của Đen-ni là:
- Men-sân! Dạo này anh thay đổi nhiều quá, không ai dám chơi với anh nữa. Chẳng mấy chốc anh sẽ lừng danh… một ngày rất gần đây thôi.
Nhưng En- đru chạy vội đến chỗ Cơ-ri-xtin với niềm hân hoan về sự thành công của phương pháp khoa học, dành riêng cho nàng tất cả những gì anh muốn nói ra thành lời.