Họ bắt đầu đi tìm nơi mở phòng khám bệnh. Đây là một việc nhiều lúc thăng trầm: có những lúc chứa chan hy vọng tiếp theo đến là những lúc bi quan đen tối. Sau ba lần thất bại liên tiếp – En- đru coi những lần rời khỏi Blây-nen-li, E-hơ-re-lo và Ủy ban Lao động hầm mỏ ít ra là những thất bại – En- đru khao khát phục thù. Nhưng toàn bộ vốn liếng của hai vợ chồng, có tăng lên chút đỉnh nhờ chi tiêu chắt bóp trong mấy tháng cuối của thời kỳ có lương đều đặn, cũng không quá sáu trăm bảng (#1). Họ sục đến các hội y tế, và đọc kỹ mục quảng cáo trên tờ “Mũi dao chính” xem có cơ hội nào là lao đến liền, nhưng áng chừng số tiền ấy khó đủ để thuê lại một phòng khám bệnh ở Luân Đôn.
Họ không bao giờ quên được lần giao dịch đầu tiên. Bác sĩ Bren ở Cơ- đa-gân Ga- đán sắp về nghỉ tuổi già nên nhượng lại một số khách bệnh khá giả đông đảo, thích hợp với một bác sĩ có bằng cấp cao. Nhìn bề ngoài có vẻ là một dịp may hiếm có. Một cuốc xe tắc-xi hoang phí – vì sợ có người khác nhanh chân tranh mất – đưa hai vợ chồng đến chỗ bác sĩ Bren.
Người bé nhỏ, tóc bạc, nói năng hoà nhã, gần như khiêm nhường, bác sĩ Bren nhũn nhặn giới thiệu:
- Vâng, đây là một chỗ khá tốt. Nhà cũng đẹp nữa, tôi chỉ xin thuê có bảy nghìn bảng. Hợp đồng thuê còn giá trị bốn năm nữa, và tiền thuê đất chỉ có ba trăm bảng một năm. Còn về tiền nhượng lại số khách bệnh, tôi nghĩ là cứ theo giá thông thường, trả ngay số thu nhập bình quân hai năm … ờ, có được không ạ, thưa bác sĩ Men-sân?
En- đru nghiêm trang gật đầu:
- Được lắm. Rồi ông sẽ giới thiệu tôi chu đáo với các khách bệnh chứ? Xin cảm ơn, bác sĩ Bren, chúng tôi sẽ suy nghĩ xem.
Hai người suy nghĩ về chuyện mua bán này bên cạnh chén trà ba pen-ni ở quán Lai- Ơn đường Brom-tơn.
- Bảy nghìn bảng tiền thuê nhà! – En- đru bật một tiếng cười nhỏ. Hất chiếc mũ ra phía sau để lộ mấy nếp nhăn trên trán, anh tì khuỷu tay lên mặt bàn đá. – Thật ghê tởm cho cái kiểu mấy ông bạn đồng nghiệp già cố cắn răng bám giữ lấy chỗ của họ! Không thể nào bẩy họ đi được nếu không có tiền. Đó há chẳng phải là một bản cáo trạng về chế độ y tế của chúng ta hay sao? Nhưng dù nó có thối nát đến vậy, anh cũng chấp nhận nó. Rồi em xem, từ nay trở đi, anh sẽ chú trọng đến chuyện làm giàu.
Cơ-ri-xtin cười tủm tỉm.
- Đừng anh ạ. Không có tiền, chúng mình đã khá hạnh phúc rồi.
En- đru càu nhàu:
- Em sẽ chẳng nói được thế khi chúng mình bắt đầu phải đi hát rong ngoài phố … Này cô, xin tính tiền cho.
Đã có bằng tiến sĩ y khoa, lại là hội viên Hội y học Hoàng gia, En- đru muốn có một số khách bệnh độc lập, không nằm trong hệ thống bảo hiểm y tế địa phương và anh không phải vừa khám bệnh vừa cấp thuốc. Anh muốn thoát khỏi chế độ thẻ đăng ký chữa bệnh. Nhưng hết tuần này lại tuần khác trôi qua, En- đru sau cùng đành bằng lòng với bất kỳ cái gì miễn là nó đem lại cho anh phương tiện sinh sống. Anh đến thăm dò các phòng bệnh ở Tăn-xơ Hin, I-xlinh-tơn và Brich-xtơn, và một phòng khám khác ở Kem- đơn Tao, mái nhà bị thủng một lỗ. Anh đã phải đi đến chỗ bàn với Hốp cứ hú họa thuê lấy một ngôi nhà rồi treo cái biển đề tên mình lên, nhưng Hốp bảo rằng với số vốn liếng của En- đru, như thế có khác nào tự tử.
Mãi hai tháng sau, khi họ hết hẳn hy vọng rồi thì trời thương anh, để cho ông bác sĩ Phoi già lặng lẽ chết đi một cách không đớn đau tại Pét- đinh-tơn. Tin cáo phó này, vẻn vẹn có bốn dòng đăng trên tạp chí “Y học”, đã đập vào mắt En- đrụ Tuy đã hết nhiệt tình, nhưng hai vợ chồng vẫn cứ đến số 9 phố Ghét-xbơ-rợ Họ thấy ngôi nhà như một cái hầm mộ cao, xam xám màu chì, phòng khám ở về một mé và nhà xe xây gạch ở phía sau. Họ giở xem quyển kế toán thấy bác sĩ Phoi thu nhập bình quân mỗi năm khoảng năm trăm bảng, chủ yếu là khám bệnh cấp thuốc với giá ba si-linh sáu pen-ni một người. Họ gặp bà quả phụ Phoi và được bà rụt rè quả quyết là số khách bệnh của người bác sĩ quá cố này khá đông, có thời kỳ rất đông nữa kia, trong đó có nhiều “bệnh nhân khá giả” đến khám bệnh “đằng cửa chính”. En- đru và Cơ-ri-xtin cảm ơn bà Phoi rồi ra về, không lấy gì làm hào hứng.
Anh băn khoăn:
- Dù sao, cũng không biết thế nào. Có nhiều nhược điểm. Anh ghét phải kiêm cấp thuốc. Địa điểm cũng không thuận lợi cho lắm. Em có để ý thấy mấy nhà trọ bên cạnh đều ọp ẹp cả không? Nhưng nó lại gần một khu phố khá giả. Nó lại ở ngay góc phố, giáp một phố chính. Và cũng xấp xỉ số tiền của chúng mình. Mua trả dần trong một năm rưỡi. Kể ra bà ta cũng tốt – để lại tất cả đồ đạc của phòng khám lẫn phòng pha thuốc. Mà ta lại có thể đến ở ngay tức khắc: đó là cái ưu điểm của chỗ trống do người chết để lại. Em nghĩ sao, Cơ-rít? Nếu không lấy ngay, thì chẳng bao giờ lại có dịp như vậy nữa đâu. Hay ta thử liều một phen?
Cơ-ri-xtin nhìn En- đru một lát, trong lòng hoang mang không biết nên thế nào. Đối với nàng, vẻ quyến rũ mới mẻ của Luân Đôn đã hết rồi. Nàng yêu thích nông thôn, và trong khung cảnh xám xịt này nàng càng mong được về sống ở thôn quệ Nhưng En- đru lại ao ước tha thiết có phòng khám bệnh tại Luân Đôn đến nỗi nàng không thể, dù chỉ là thử, thuyết phục anh từ bỏ ý định đó đi.
Nàng gật đầu chậm rãi:
- Anh En- đru ạ, nếu anh muốn …
Hôm sau, En- đru đến gặp người đại diện của bà Phoi và trả giá sáu trăm bảng, tuy bà Phoi hôm trước đòi những bảy trăm năm mươi bảng. Giá ấy được chấp nhận và ngân phiếu được viết luôn. Hôm thứ bảy mồng mười tháng mười, En- đru và Cơ-ri-xtin chuyển đồ đạc từ nơi ký gởi đến và tiếp quản ngôi nhà mới của hai vợ chồng.
Hết chủ nhật họ mới giải quyết xong những đống rơm và bao gói chất đầy nhà rồi run run tự hỏi bây giờ họ sẽ sống làm sao đây. En- đru tranh thủ giờ phút này để đọc một bài thuyết giáo hiếm có và bỉ ổi, nó làm anh chẳng khác nào một tay trợ tế tại một nhà thờ cỏn con của giáo phái ly khai.
- Tình hình chúng mình là gay đấy, em ạ. Chúng mình đã dốc cạn túi rồi. Bây giờ phải sống bằng đồng tiền kiếm ra hàng ngày thôi. Có Trời biết sẽ ra sao. Nhưng phải cố mà sống. Em phải cố mà xoay sở, Cơ-rít ạ, phải tằn tiện …
En- đru hoảng hồn khi thấy Cơ-ri-xtin òa khóc. Xanh xao đứng giữa phòng ngoài rộng lớn tối lù mù, trần nhà nhem nhuốc, sàn không trải thảm, nàng nức nở:
- Trời ơi! Xin anh đừng nói nữa. Tằn tiện. Em bao giờ mà chả tằn tiện cho anh. Em có tiêu tốn gì của anh đâu?
- Cơ-rít! – En- đru thốt lên kinh hãi.
Nàng điên cuồng níu lấy anh:
- Chỉ tại cái nhà này. Hôm trước, em chưa biết rõ … Cái tầng hầm này, cái cầu thang, rồi rác rưởi …
- Mặc xác nó chứ! Khách chữa bệnh mới là cái chính.
- Lẽ ra chúng mình có thể mở một phòng khám bệnh nho nhỏ ở nông thôn.
- Ừ, với những bông hồng hai bên cửa nhà. Mẹ kiếp …
Sau cùng, En- đru xin lỗi vợ về bài thuyết giáo của anh. Rồi, tay anh quàng lưng nàng, hai người xuống rán trứng ở cái tầng hầm đáng nguyền rủa ấy. En- đru cố làm cho Cơ-ri-xtin vui lên, anh nói đùa đây không phải là một tầng hầm mà chính là một khúc đường hầm Pét- đinh-tơn bất kỳ lúc nào cũng có thể có xe lửa chạy qua mà không biết. Cơ-ri-xtin uể oải mỉm cười nghe En- đru cố pha trò, nhưng kỳ thực nàng đang nhìn vào cái bể rửa bát đã bị rạn vỡ.
Sáng hôm sau, đúng chín giờ, En- đru mở cửa phòng khám. – Anh tính không nên làm việc quá sớm kẻo người ta lại cho là anh quá háo hức – Anh rạo rực mong đợi, rạo rực hơn rất nhiều so với buổi sáng hôm nào anh tiếp nhận phòng khám bệnh đầu tiên trong đời anh ở Blây-nen-li mà nay anh gần như đã quên.
Chín giờ rưỡi … En- đru lo lắng đợi. Phòng khám nhỏ này dùng để tiếp các bệnh nhân vùa khám bệnh vừa xin thuốc, có cửa riêng mở ra phố bên và thông sang ngôi nhà chính qua một hành lang ngắn cho nên En- đru có thể đồng thời quan sát được cả phòng khám chính dành cho những “bệnh nhân khá giả” vào bằng cửa trước. Phòng khám cửa trước là gian phòng chính ở tầng dưới của ngôi nhà, được trang hoàng không đến nỗi tồi với chiếc bàn làm việc của bác sĩ Phoi, một bàn khám bệnh và một chiếc giường nằm. Như vậy, trên thực tế En- đru chăng ra hai cái bẫy. Tâm trí căng thẳng như người đánh cá, En- đru chờ đợi xem hai mẻ lưới đem lại cho anh những gì.
Thế nhưng nó chẳng đem lại gì, tuyệt nhiên chẳng có gì! Gần mười một giờ rồi mà vẫn chưa có bệnh nhân nào đến. Mấy tay lái xe tắc-xi đứng cạnh dãy xe của họ Ở bên kia vẫn thản nhiên nói chuyện gẫu với nhau. Tấm biển đề tên En- đru bóng lộn, treo ngoài cửa dưới tấm biển đen xỉn của bác sĩ Phoi.
Bỗng nhiên, khi En- đru hầu như đã hết hy vọng thì chuông phòng khám nhỏ reo lanh canh và một người phụ nữ già choàng khăn bước vào. Viêm phế quản mãn tính. Bà ta chưa kịp nói, En- đru đã thấy ngay qua hơi thở khò khè của bà tạ Với cử chỉ dịu dàng, rất dịu dàng, anh mời bà ta ngồi để anh khám. Bà này là một bệnh nhân lâu năm của bác sĩ Phoi. Anh chuyện trò với bà tạ Anh vào pha thuốc cho bà ta trong phòng thuốc cỏn con – một cái hốc nhỏ xíu nằm lưng chừng hành lang từ phòng khám nhỏ đến phòng khám chính. Anh mang thuốc ra. Khi anh sắp sửa run run hỏi tiền thì không nói năng gì bà ta đã đưa luôn cho anh ba si-linh sáu pen-ni.
Không thể tưởng tượng nổi niềm xúc động trong giây phút ấy, niềm vui sướng, tâm trạng nhẹ nhõm khi cầm mấy đồng tiền đó trong lòng bàn tay; anh cảm thấy như thể đây là những đồng tiền đầu tiên anh kiếm được trong đời. Đóng cửa phòng khám lại, anh chạy đến chỗ Cơ-ri-xtin ném mấy đồng tiền vào lòng nàng.
- Người bệnh đầu tiên, em ạ. Có lẽ khách ở đây thực ra không đến nỗi ít lắm đâu. Dù sao đây cũng đủ bữa trưa cho chúng mình rồi!
En- đru không có ai hẹn đến thăm bệnh tại nhà, vì ông bác sĩ già qua đời đến nay được ba tuần mà không có ai tạm thời thay thế trong khoảng thời gian đó. Anh phải chờ người ta đến mời anh. Trong thời gian chờ đợi này, qua thái độ của Cơ-ri-xtin anh biết rằng nàng muốn một mình giải quyết những công việc bận rộn trong nhà cho nên anh bỏ nốt buổi sáng đi bộ quanh khu anh mới đến ở, thăm thú, nhìn ngó những ngôi nhà ọp ẹp, dãy quán trọ dài tồi tàn, những quảng trường cỏn con cây cối khẳng khiu, ám khói, những chuồng ngựa biến thành nhà xe, rồi sau ngã tư quặt sang phố Bắc đột ngột hiện ra một dãy nhà ổ chuột như một vết bẩn nhơ nhớp gồm nào là cửa hàng cầm đồ, nào là xe cút kít của những người bán hàng rong, nào là quán rượu, cửa hàng tạp hóa bày những thứ thuốc có giấy phép sản xuất bên cạnh những đồ chơi bằng cao su quét màu sặc sỡ.
En- đru nghĩ bụng cho rằng khu phố này đã tiều tụy đi nhiều sau một thời kỳ đã từng có những dãy xe ngựa đỗ dài trước những cánh cổng sơn son thếp vàng. Bây giờ nó bẩn thỉu, tồi tàn. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu của một cuộc sống mới đang trỗi dậy giữa đống bùn lầy nước đọng này: một khối nhà mới đang mọc lên, đã có một vài cửa hiệu và văn phòng sang trọng, và ở cuối phố Glét-xtôn là cửa hàng Lo-ri- Ơ nổi tiếng. Ngay đến En- đru là người không biết tí gì về thời trang phụ nữ cũng đã được nghe tiếng cửa hàng Lo-ri- Ơ, và không cần đến những dãy xe hơi choáng lộn đậu dài bên ngoài tòa nhà xây bằng đá trắng toát, không có cửa sổ hoặc tủ kính trông ra đường, anh cũng tin rằng mấy điều ít ỏi mà anh biết được về sự trang trọng của nó là có thực. Anh cảm thấy có điều kỳ quặc là cửa hàng Lo-ri- Ơ lại mọc lên giữa những nếp nhà thấp lè tè tồi tàn này. Tuy vậy, nó vẫn sừng sững đứng đó, không ai có thể hoài nghi sự tồn tại của nó cũng như sự tồn tại của người cảnh sát đứng gác ở bên kia đường.
Buổi chiều, En- đru hoàn thành chuyến đi thăm mở đầu bằng việc đến thăm các bác sĩ ở quanh vùng. Anh đến thăm tám người cả thảy, nhưng chỉ có ba người là gây đôi chút ấn tượng với anh. Đó là bác sĩ In-xơ còn trẻ ở phố Glét-xtôn, bác sĩ Ri- đơ ở cuối phố A-lếch- đen- đrơ, và ở góc phố Roay- Ơn là một bác sĩ già người Xcốt-lân tên là Mấc Lin.
Những người ấy, gặp anh ai cũng nói: “À, chính ông là người nhận lại khách của ông già Phoi tội nghiệp đấy à?” Câu hỏi ấy có phần nào làm anh chưng hửng. Tại sao “nhận lại”, anh nghĩ, hơi bực mình. Anh tự nhủ: sáu tháng nữa, họ sẽ phải thay đổi thái độ cho mà xem. Tuy anh năm nay đã ba mươi tuổi và biết rằng giữ gìn ý tứ là có lợi như thế nào, song anh vẫn kỵ nhất thái độ bề trên kẻ cả như mèo kỵ nước.
Tối hôm ấy, ở phòng khám nhỏ có ba bệnh nhân, hai người trả anh theo giá cố định ba si-linh sáu pen-nị Người thứ ba hẹn sẽ trở lại và trả tiền vào thứ bảy. Như vậy, trong ngày đầu, En- đru đã kiếm được mười si-linh sáu pen-ni.
Nhưng hôm sau, anh chẳng thu được đồng nào. Ngày hôm sau nữa, chỉ có bảy si-linh. Thứ năm thì khá. Thứ sáu gần như không được gì và thứ bảy, sau buổi sáng không có ai, buổi tối anh kiếm được mười bảy si-linh sáu pen-ni tuy người bệnh mà anh cho chịu hôm thứ hai không trở lại trả tiền như đã hẹn.
Chủ nhật, không nói với Cơ-ri-xtin, anh lo lắng ngồi điểm lại cả tuần. Phải chăng anh đã sai lầm ghê ghớm khi nhận lại đám khách bệnh vô thừa nhận này, khi dốc hết cả số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng vào ngôi nhà như nấm mồ này? Anh kém cỏi ở mặt nào? Năm nay, anh đã ba mươi tuổi, đúng ra là hơn ba mươi. Anh có bằng tiến sĩ y khoa, là hội viên Hội Y học Hoàng gia. Anh có khảnăng về lâm sàng giá trị. Thế mà anh vẫn kiếm không đủ tiền nuôi miệng với đám khách ba si-linh sáu pen-nị Anh căm giận nghĩ: chỉ tại cách tổ chức hiện thời, nó già cỗi lắm rồi. Cần phải có một cách tổ chức tốt hơn, đem lại cơ hội cho mọi người, chẳng hạn như, ờ, chẳng hạn như sự kiểm soát của nhà nước. Nhưng En- đru lại lầu bầu khi nghĩ đến bác sĩ Bích-xbai và cái Ủy ban Lao động hầm mỏ. Không, mẹ kiếp, không hy vọng gì … bộ máy quan liêu bóp nghẹt hết thảy mọi nỗ lực cá nhân, nó sẽ làm mình ngạt thở mất. Mặc xác nó chứ! Ta phải giàu sang bằng được, nhất định ta phải giàu sang.
Chưa bao giờ khía cạnh tiền tài của nghề y lại ám ảnh En- đru đến thế …
Khoảng một năm thước về phía dưới đi theo đường xe buýt lớn có một cửa hiệu thực phẩm nhỏ. Chủ hiệu là một phụ nữ thấp béo, người gốc Đức nhập quốc tịch Anh, tự nhận tên là Xmit, nhưng cứ theo cách nói tiếng Anh tồi và giọng có nhiều chỗ rít lên “sơ, sơ” thì rõ ràng bà ta phải mang tên Đức Sơ-mít. Cửa hiệu của “Phrao Sơ-mít” này có vẻ đặc sắc của Châu âu lục địa, với quầy tính tiền bằng cẩm thạch, bên trên chất đầy những cá mòi muối, ô-liu đóng bình, dưa bắp Đức, xúc xích đủ loại, bánh ngọt, dồi Ý và loại phó-mát Lip-tao- Ơ ngon có tiếng. Ngoài ra lại còn có ưu điểm là rất rẻ. Vì đồng tiền ở nhà số 9 phố Chét-xbơ-rơ là thứ khá hiếm, và bếp lò lại là một cái bếp cũ nát, nghẹt khói, nên En- đru và Cơ-ri-xtin rất hay đến cửa hiệu Phrao Sơ-mít. Những ngày khấm khá, họ mua xúc xích Phrăng-phuốc nóng hổi và bánh nhân táo. Những ngày vắng khách thì bữa ăn trưa của họ chỉ có cá mòi muối và khoai tây nấu. Nhiều tối, sau khi ngắm kỹ những thứ bày biện trong tủ kính bốc hơi của hiệu Phrao Sơ-mít và chọn trước bằng mắt, họ thường rẽ vào mua một vài thứ ngon miệng đem về nhà trong chiếc túi lưới.
Phrao Sơ-mít chẳng bao lâu quen biết hai vợ chồng En- đrụ Bà đặc biệt mến Cơ-ri-xtin. Khuôn mặt béo tròn căng bóng nhăn lại làm con mắt bà hầu như nhắm tít dưới mái tóc vàng óng bồng cao, Phrao Sơ-mít mỉm cười gật đầu với En- đru.
- Rồi anh sẽ khấm khá, sẽ ăn nên làm ra. Anh có một người vợ tốt lắm. Chị ấy nhỏ người, như tôi, nhưng chị ấy đảm đang. Ít lâu nữa, tôi sẽ giới thiệu bệnh nhân đến chỗ anh cho anh.
Mùa đông ập tới gần như đột ngột, sương mù giăng đầy các phố ngày một dày đặc thêm hình như vì khói của nhà ga xe lửa lớn gần đây. Hai vợ chồng chịu đựng cuộc sống ấy một cách nhẹ nhàng, coi việc phải vật lộn để sống như vậy là vui, nhưng thực ra trong suốt cả thời gian ở E-bơ-re-lo họ chưa bao giờ phải nếm mùi đau khổ đến như bây giờ.
Cơ-ri-xtin ra sức sửa sang ngôi nhà lạnh giá của hai vợ chồng. Nàng quét trần nhà bằng vôi trắng, may rèm mới cho phòng đợi, dán lại giấy tường phòng ngủ. Sơn lại cánh cửa với hai màu đen và vàng, nàng đã biến đổi hẳn bộ cửa gập cổ lỗ trước kia đã làm xấu cả phòng khách ở tầng trên.
Khách mời đến thăm bệnh tại nhà không có mấy, phần lớn là ở các nhà trọ lân cận. Khó lòng lấy được tiền công của những người bệnh ấy. Họ phần lớn túng thiếu, thậm chí còn là những phần tử đáng ngờ, giỏi nghề quịt nợ. En- đru cố làm vừa lòng những bà chủ trọ gây ngoẵng này. Chuyện trò với họ tại các hành lang lù mù, anh thường bảo: “Ấy tôi tưởng không đến nỗi lạnh như thế này. Biết vậy thì mặc thêm chiếc măng-tô” hoặc “Đường sá đi lại khó khăn quá. Tôi phải để xe hơi ở nhà”.
En- đru kết bạn với người cảnh sát thường làm nhiệm vụ tại ngã tư đông xe cộ trước cửa hiệu Phrao Sơ-mít. Người cảnh sát ấy tên là Đo-nơn Xtrađợ Ngay từ đầu, hai người đã rất thân thiết với nhau vì cũng như En- đru, Xtrađơ quê ở Phai-phợ Xtrađơ hứa hẹn sẽ làm tất cả những gì mà khả năng anh ta có thể làm được để giúp đỡ người đồng hương của mình, và anh ta đùa gở: “Nếu có ai bị chẹt chết ở đây, thế nào tôi cũng đến mời bác sĩ”.
Một buổi chiều, khoảng một tháng sau ngày hai vợ chồng dọn đến, En- đru đến thăm người dược sĩ cùng khu anh. Anh giả vờ vui vẻ hỏi mua một ống tiêm đặc biệt 10 cc nhãn hiệu Vốt-xơ mà mình biết chắc họ không có, rồi như tình cờ tự giới thiệu mình là thầy thuốc mới, còn khỏe mạnh, ở số 9 phố Chet-xbơ-rợ Về đến nhà, nhìn vẻ Cơ-ri-xtin, anh biết là có chuyện gì hấp dẫn. Nàng thì thào với anh:
- Có một người bệnh trong phòng khám lớn, anh ạ. Bà ta vào đằng cửa trước.
Gương mặt En- đru sáng lên. Đây là người bệnh “khá giả” đầu tiên của anh. Có thể đây là bước mở đầu cho một thời kỳ sáng sủa hơn. Lấy lại bình tĩnh, En- đru nhanh nhẹn bước vào phòng khám chính.
- Chào bà! Tôi có thể giúp bà được gì?
- Chào bác sĩ! Bà Xmit mách tôi đến đây.
Người khách đứng dậy bắt tay anh. Khách trông mũm mĩm hồn nhiên, dáng nặng nề, mặc một chiếc măng-tô lông thú ngắn, tay cầm một cái ví tọ En- đru nhận ra ngay đây là một trong số những cô gái làng chơi vẫn hay lãng vãng trong khu.
- Sao đấy? – En- đru hỏi, nhiệt tình giảm đi chút đỉnh.
Ả ta mỉm cười, ngượng ngập:
- Ồ, thưa bác sĩ, ông bạn tôi vừa mới tặng tôi một đôi hoa tai vàng rất đẹp … Bà Xmit, tôi chả là khách quen ở hiệu ấy … bà ấy bảo bác sĩ sẽ vui lòng đục lỗ tai cho tôi, có phải không ạ? Ông bạn tôi, ông ấy rất sợ tôi sẽ chọc bằng một cái kim bẩn hay bằng một vật gì đó, bác sĩ ạ.
En- đru hít một hơi dài để trấn tĩnh. Chẳng lẽ anh đã đến nước này hay sao? Anh bảo:
- Được, tôi sẽ đục lỗ cho tai bà.
En- đru làm cẩn thận: anh vô trùng hóa kim châm, phun ê-tin clo-rua vào thùy tai, sau lại còn lắp hai chiếc vòng vàng vào tai cho ả.
Ả nhìn vào chiếc gương trong ví:
- Ôi, đẹp quá thưa bác sĩ. Mà tôi không cảm thấy đau một tí nào. Ông bạn tôi sẽ vui lòng lắm. Bao nhiêu hả bác sĩ?
Giá cố định đối với bệnh nhân “khá giả” của bác sĩ Phoi là bảy si-linh sáu pen-ni dù cho tung tích của họ có bí hiểm đi chăng nữa. Anh nói cái giá đó.
Ả rút trong ví ra một tờ giấy bạc mười si-linh. Ả thấy En- đru là người rất tử tế, đứng đắn và đẹp trai – ả xưa nay vẫn thích các chàng trai tóc đen – và khi nhận tiền lẻ trả lại, ả còn nghĩ bụng trông anh này có vẻ đói ăn.
Khi ả ta đi rồi, En- đru không nện gót giày làm thủng thảm giải sàn – nếu như trước kia thì anh đã làm như vậy, đã giận điên lên cho rằng cả anh nữa cũng đã bán rẻ thân mình bằng cái việc hèn mọn vừa rồi. Bây giờ anh cảm thấy anh có một sự nhịn nhục lạ lùng. Vò nhàu tờ giấy bạc trong tay, En- đru đến bên cửa sổ nhìn ả ta đi xa dần, vừa đi vừa đu đưa cặp mông, vung vẩy chiếc ví, hãng diện với đôi vòng tai mới.
------------
Chú thích:
(1-)Đơn vị tiền tệ Anh. 1 bảng = 20 si-linh = 240 pen-ni