Sau Luân Đôn, ngọn gió hây hây ở E-bơ-re-lo thật mát rượi. Sáng thứ năm, đi bộ từ nhà đến nơi làm, En- đru cảm thấy làn gió lành lạnh ấy tạt vào má làm anh sảng khoái, hồ hởi. Anh hình dung công việc sắp tới của anh ở đây, nó sẽ được hoàn thành chu đáo, tốt đẹp và bao giờ cũng theo đúng phương pháp khoa học, một nguyên tắc mà anh tự đề ra cho mình.
Trạm xá khu tây, ở cách nhà anh chưa đến bốn trăm thước, là một tòa nhà cao, mái vòm lợp ngói trắng, hơi có dáng dấp một nhà an dưỡng. Phần chính ở giữa là phòng đợi. Phía cuối, ngăn cách với phòng đợi bằng một cánh cửa lùa là phòng pha chế thuốc. Ở đằng đầu là hai phòng khám, một phòng đề tên bác sĩ Ơ-cớt và một phòng mới sơn lại, đề một cái tên không hiểu vì sao bắt người ta phải chú ý: bác sĩ Men-sân.
En- đru sung sướng thấy tên anh đã được đề ngoài phòng khám của anh. Gian phòng tuy không rộng nhưng có một cái bàn đàng hoàng và một chiếc giường rất tốt bọc da để khám bệnh. Anh cũng hãnh diện khi thấy có đông người đợi anh, rất đông là đằng khác, khiến anh thấy nên bắt tay ngay vào việc hơn là sang tự giới thiệu với bác sĩ Ơ-cớt và người dược tá Ghết-giơ như anh đã định.
Ngồi xuống ghế, anh ra hiệu cho người đầu tiên vào. Người này chỉ cần xin giấy nghỉ lao động. Anh ta nói, như vừa mới bật nghĩ ra, là anh ta đau đầu gối. En- đru khám thấy anh ta bị sai khớp gối và chứng nhận cho anh ta được nghỉ.
Người thứ hai vào. Người này cũng xin giấy miễn lao động vì bị giật nhãn cầu. Người thứ ba cũng xin nghỉ: bị viêm phế quản; người thứ tư, vẫn xin nghỉ: sai khủy tay.
En- đru đứng dậy muốn xem tình hình thế nào. Việc khám cấp giấy nghỉ này mất rất nhiều thời giờ.
Anh ra cửa hỏi:
- Những ai xin giấy nghỉ việc, mời đứng dậy.
Có khoảng bốn mươi người đợi ở ngoài. Tất cả đều đứng dậy. En- đru suy nghĩ rất nhanh. Muốn khám cẩn thận tất cả thì phải mất cả nửa ngày. Không thể được. Anh đành quyết định để đến khi khác sẽ khám kỹ hơn.
Dẫu vậy, mãi đến mười rưỡi anh mới khám xong người cuối cùng. Lúc bấy giờ, ngẩng đầu lên, anh thấy đứng trong phòng một người tầm thước, có tuổi, mặt đỏ như gạch với bộ ria mép xam xám ngạo mạn. Ông ta hơi gù khiến đầu hơi chúc về phía trước thành ra có vẻ hay gây gổ. Ông ta đi ghệt, mặc quần nhung kẻ, áo vét-tông đen, hai túi nhét tẩu thuốc, mùi son, cả một quả táo và một ống dò bằng cao su, căng phồng đến rách miệng túi. Quanh người phảng phất một mùi thuốc tây, thuốc sát trùng và thuốc lá nặng. Ông ta chưa nói, En- đru đã biết ngay là bác sĩ Ơ-cớt.
Chẳng bắt tay mà cũng chẳng có một lời tự giới thiệu, ông ta nói luôn:
- Quỷ tha ma bắt anh đi đâu mấy hôm nay, anh bạn? Tôi phải ôm lấy việc của anh. Thôi, không sao, không sao cả, ta không đả động đến nữa. Ơn Trời, anh đã về đến đây, chân tay đầu óc lành lặn cả là được rồi. Anh có hút tẩu không?
- Có.
- Ơn Trời cả điều đó nữa. Có chơi được vĩ cầm không?
- Không.
- Tôi cũng không, nhưng tôi có thể làm ra những chiếc vĩ cầm đẹp ra trò. Tôi sưu tầm cả đồ sứ nữa. Người ta có nói đến tôi trong một cuốn sách đấy. Hôm nào tôi sẽ cho anh xem khi anh đến chơi đằng tôi. Nhà tôi ở ngay cạnh trạm xá. Chắc anh đã trông thấy rồi. Bây giờ, anh ra đây gặp Ghết-giơ đi. Một thằng cha chẳng ra gì đâu nhưng cũng biết những thứ thuốc nào là những thứ công nhau không pha được với nhau.
En- đru đi theo Ơ-cớt qua phòng đợi, sang phòng pha chế. Ghết-giơ ở đó, gật đầu buồn bã chào anh. Ghết-giơ cao, gầy giơ xương, đầu hói còn vài sợi tóc đen vắt qua đỉnh đầu, và bộ ria cụp cũng đen. Ông ta mặc một cái áo vét-tông ngắn bằng vải ba-ga, xanh lè vì cũ và vì các vệt thuốc pha chế dây vào, cổ tay khẳng khiu thò ra ngoài và xương bả vai đâm ra nhọn hoắt. Ông ta có một vẻ ấu trĩ, cáu gẳn, mệt mỏi, thái độ của con người chán chường nhất thế giới. Lúc En- đru đến, Ghết-giơ đang phục vụ người bệnh cuối cùng: ông ta quẳng qua chấn song một hộp thuốc như thế đó là một gói bả chuột và dường như bảo với người bệnh:
- Muốn uống hay vứt đi thì tùy, đằng nào cũng đi đứt.
- Thế là anh đã làm quen với Ghết-giơ rồi, tức là làm quen với cái tệ nhất. – Ơ-cớt nhanh nhẩu nói sau khi làm xong việc giới thiệu. – Tôi báo cho anh biết ông ta không hề tin vào một cái gì, có lẽ chỉ trừ dầu thầu dầu và Sa-lơ Brét-lo (#1). Bây giờ, còn có điều gì tôi có thể cung cấp cho anh được nữa không?
- Tôi băn khoăn về số giấy cho nghỉ làm việc mà tôi phải cấp. Sáng nay, có mấy người trai trẻ tôi trông có vẻ hoàn toàn đủ sức lao động.
- Aùi dà, thế ra Le-xli cứ để họ kéo đến đầy chỗ ông tạ Cách khám bệnh của ông ta là bắt mạch đúng năm giây đồng hồ. Ông ta cóc cần gì hết.
En- đru trả lời ngay:
- Người ta sẽ nghĩ gì về một bác sĩ phát giấy nghỉ như phát tem mua thuốc lá?
Ơ-cớt đưa mắt nhìn En- đru, nói thẳng thừng:
- Hãy cẩn thận đến cách cư xử của anh đấy. Nếu anh không cấp cho họ giấy nghỉ, họ có thể sẽ không ưa lối làm việc của anh đâu.
Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong buổi sáng hôm đó, Ghết-giơ buông ra một câu buồn bã:
- Bởi vì trong bọn họ dễ đến một nửa không có bệnh tật gì cả. Toàn là những đứa khỏe như vâm chỉ tìm cách trốn việc thôi.
Suốt ngày hôm ấy, lúc đi thăm các bệnh nhân tại nhà, En- đru cứ băn khoăn về việc cấp giấy nghỉ này. Buổi đi thăm bệnh của anh không dễ dàng vì anh chưa quen đường đi lối lại, hay nhầm phố, nhiều lần phải quay ngược lại và có khi đi một đoạn phố đến hai, ba lần. Hơn nữa, khu của anh, hay ít ra là phần lớn khu mà anh phụ trách lại nằm trên sườn đồi Ma- đi mà bác Tom Két-tơn đã nói đến, tức là đi đâu cũng phải leo dốc.
Qúa trưa, những suy nghĩ của anh buộc anh phải đi đến một quyết định không vui thích gì. Dù thế nào đi nữa, anh cũng không thể cấp giấy nghỉ bừa bãi, một cách không căn cứ. Anh bắt đầu buổi khám chiều với một nếp nhăn lo âu nhưng kiên quyết giữa hai hàng lông mày.
Số người đến khám buổi chiều còn đông hơn hồi sáng. Người đầu tiên bước vào là một người to lớn, phì nộn, sặc mùi bia, trông như thể suốt đời chưa bao giờ làm việc được đầy đủ một ngày. Khoảng năm mươi tuổi, mắt ti hí như mắt lợn hấp háy nhìn En- đru, người đó nói toạc móng heo, không cần giữ ý:
- Xin nghỉ.
- Vì sao?
- … nhãn cầu. Tên là Chen-kin. Ben Chen-kin.
Nói xong, Chen-kin chìa tay ra.
Riêng giọng nói đã khiến cho En- đru thấy không ưa ngaỵ Chỉ nhìn qua anh đã biết là ông ta không bị chứng giật nhãn cầu. Chưa kể đến lời nhận xét của Ghết-giơ, En- đru đã biết rõ là có một số thợ mỏ già “giả vờ bị bệnh giật nhãn cầu” để lĩnh tiền trợ cấp thương tật lao động từ bao nhiêu năm nay mà lẽ ra họ không có quyền được hưởng. Nhưng chiều nay, En- đru đã đem theo kính soi mắt, anh sẽ biết rõ thực hư ngaỵ Anh đứng dậy khỏi ghế.
- Ông cởi quần áo ra.
Bây giờ đến lượt Chen-kin hỏi:
- Để làm gì?
- Tôi sẽ khám cho ông.
Ben Chen-kin há hốc mồm. Theo trí nhớ của ông ta thì trong suốt bảy năm qua, ông ta chưa bị bác sĩ Le-xli khám lần nào. Miễn cưỡng, Chen-kin dằn dỗi cởi áo ngoài, cởi cả chiếc sơ-mi sọc đỏ và xanh, phô tấm mình trần béo nung núc đầy lông lá.
En- đru khám rất lâu và kỹ, đặc biệt là mắt, anh dùng chiếc bóng đèn nhỏ xíu của anh soi thật cẩn thận võng mạc của cả hai mắt.
Rồi anh nói một cách cộc lốc “ông mặc quần áo vào” và ngồi xuống cầm bút bắt đầu viết một tờ giấy chứng nhận.
Lão Ben già cười khẩy:
- A ha! Tôi biết là ông sẽ cấp mà.
- Người sau, mời vào. - En- đru gọi to.
Chen-kin gần như giật lấy tờ giấy màu hồng khỏi tay En- đru rồi vênh vang ra khỏi phòng khám.
Năm phút sau, lão quay lại lách giữa những người đang ngồi đợi trên ghế dài, mặt tái, mồm oang oang như bò rống:
- Xem hắn viết cho tớ này! Tớ phải vào nói cho hắn biết. Thế này là nghĩa lý gì?
Chen-kin vung tờ giấy chứng nhận trước mặt En- đru.
En- đru giả vờ đọc. Trên giấy anh viết:
Tôi chứng nhận là Ben Chen-kin bị chứng bệnh bê tha rượu chè, song hoàn toàn có khả năng lao động.
Ký tên: Bác Sĩ Men-sân
- Sao? - En- đru hỏi.
- … “Nhãn cầu” cơ mà! - Chen-kin hét lên – Giấy chứng nhận… “nhãn cầu”! Đừng có đem đằng này ra làm trò cười. Mười lăm năm nay bị… nhãn cầu rồi.
- Nhưng bây giờ thì ông không bị.
Đám người xúm lại ngoài cửa để ngỏ. En- đru nhận thấy Ơ-cớt tò mò thò đầu ra khỏi phòng bên và Ghết-giơ thích thú theo dõi câu chuyện ồn ào này qua chấn song cửa phòng pha thuốc.
Chen-kin gầm lên:
- Lần cuối cùng… ông có định cấp giấy chứng nhận… “nhãn cầu” cho tôi không thì bảo?
En- đru nổi nóng. Anh hét lại:
- Không, tôi không cấp. Ông đi khỏi đây ngay nếu không muốn tôi tống cổ ông ra.
Ngực Ben Chen-kin nhô lên. Dường như lão sắp sửa cho En- đru ngã sõng soài xuống sàn nhà. Song, lão lại cụp mắt, quay đi, lẩm bẩm những lời hăm dọa tục tĩu và ra khỏi phòng khám.
Ben Chen-kin vừa đi khỏi thì Ghết-giơ ở bên phòng pha thuốc bước sang chỗ En- đru, xoa hai tay vào nhau với vẻ vui thích vẫn rầu rầu:
- Ông có biết ông vừa mới đuổi cổ ai không? Ben Chen-kin. Con trai lão ta là một tay có thần thế trong Hội đồng lắm đấy.
-----------
Chú thích:
(1-)Sa-lơ Brét-lo (1833-1891): nhà hoạt động chính trị cấp tiến Anh.