Sau một tối giận dữ viết rồi lại xé liền ba bức thư lời lẽ rất kịch liệt gởi đến viên Thanh tra y tế, En- đru cố quên đi chuyện đã quạ Tính hài hước của anh, mất đi một lúc ở phố ngân hàng, làm anh tự nhận mình về thái độ nhỏ nhen hôm ấy. Sau một cuộc đấu tranh gay gắt với tình tự ái cứng nhắc của dân Xcốt-lân, En- đru đã đi đến kết luận là anh sai, không thể nghĩ đến chuyện đi tố cáo việc này, nhất là tố cáo với lão Gri-phít khó tả kia. Tuy nhiên, dầu En- đru có song anh vẫn không thể dễ dàng xua đuổi hình ảnh cô gái Cơ-ri-xtin Ba-lâu ra khỏi dầu.
Thật vô lý, một cô giáo non trẻ lại choán hết tâm trí En- đru dai dẳng đến vậy và anh cứ phải băn khoăn không biết cô ấy nghĩ gì về mình. En- đru tự nhủ đây chính là một trường hợp ngu ngốc về lòng tự ái bị tổn thương. Anh biết mình rụt rè, vụng về với phụ nữ. Nhưng dù lý lẽ gì đi nữa cũng không thể làm thay đổi thực tế là hiện nay En- đru thấy bứt rứt, hơi cáu kỉnh. Những lúc tâm trí vẩn vơ như khi thiu thiu ngủ khi cảnh tượng lớp học hiện lên hết sức rõ nét, trong óc và anh thấy mình chau mày giữa ban đêm. Anh vẫn còn nhìn thấy nàng, tay bót chặt mẩu phấn, đôi mắt nâu bừng lên giận dữ. Có ba chiếc khuy trai nhỏ ở ngực áo bờ-lu của nàng. Thân hình nàng thon thả và nhanh nhẹn, đường nét rắn chắc, gọn ghẽ bảo cho anh biết hồi nhỏ hẳn nàng rất hay chạy nhảy. En- đru không tự hỏi xem nàng có xinh không. Nàng đứng đó, mảnh mai và tươi tắn trước con mắt của anh, thế là đủ rồi. Và thế là đủ để tim anh đập rộn lên không sao nén được, và một cảm giác chưa bao giờ có là như một bàn tay nào nhẹ nhàng bóp nghẹt tim anh.
Nửa tháng sau, En- đru đang đi trên phố nhà thờ, tâm trí để tận đâu đâu làm anh suýt nữa va phải bà bác sĩ Brem- Oen ở góc phố gạ Không nhận ra bà ta, anh toan đi tiếp, nhưng bà Brem- Oen đứng ngay lại gọi anh, miệng cười tươi roi rói:
- Ơ kìa, bác sĩ Men-sân đúng người mà tôi đang đi tìm. Tối nay, tôi có tổ chức một buổi họp mặt thân mật nho nhỏ, như vẫn thường làm ở nhà ấy mà. Bác sĩ đến dự nhé.
Gle- đi Brem- Oen là một phụ nữ ba mươi lăm tuổi, tóc vàng màu lúa chín, ăn mặc loè loẹt, thân hình đầy đặn, đôi mắt xanh biếc như mắt trẻ sơ sinh và điệu bộ như con gái. Bà ta tự gọi mình một cách lãng mạng là “người phụ nữ chỉ biết yêu có một người”. Nhưng những kẻ hay kháo chuyện ở Blây-nen-li thì lại nói khác. Bác sĩ Brem- Oen yêu vợ mê mệt, và người ta bảo rằng chỉ có sự si mê mù quáng đó mới làm ông không thấy vợ Ông có những cử chỉ quá mức lẳng lơ với Ghê-ben, người bác sĩ có nước da ngăm ngăm ở To-ních-glân.
En- đru vừa nhìn bà Brem- Oen vừa vội tìm cớ thoái thác.
- Thưa bà Brem- Oen, e rằng tôi không được rảnh.
- Nhưng ông vẫn cứ phải đến, ông bạn ngốc nghếch ạ. Tôi mời những người rất đáng yêu đến dự cơ đấy. Hai ông bà Uốt-kin ở khu mỏ này – bà ta nở một nụ cười ý tứ – có bác sĩ Ghê-ben ở To-ních-glân… à suýt nữa thì quên, có cô giáo nhỏ nhắn Cơ-ri-xtin Ba lâu nữa.
En- đru giật mình. Anh mỉm cười ngớ ngẩn.
- Được, được, tôi sẽ đến, bà Brem- Oen ạ. Rất cảm ơn bà đã có lòng mời.
Anh cố tiếp chuyện với bà ta vài ba phút cho đến khi bà ta chia taỵ Song từ lúc ấy đến hết ngày, anh không thể nghĩ đến chuyện gì khác ngoài cái điều anh sẽ gặp lại Cơ-ri-xtin Ba-lâu.
Buổi “tiếp tân” của bà Brem- Oen bắt đầu vào lúc chín giờ tối, muộn như vậy là để chiếu cố đến các thầy thuốc có thể còn mắc bận tại phòng khám. Thực vậy, mãi đến chín giờ mười lăm, En- đru mới khám xong người cuối cùng. Anh vội vàng rửa mặt trong chậu rửa tay ở phòng khám, chải đầu bằng chiếc lược gẫy và rảo bước đến “Ẩn dật cư”. Trái ngược với cái tên thơ mộng, “Ẩn dật cư” là một ngôi nhà gạch nhỏ ở giữa thị trấn. Đến nơi, En- đru nhận ra mình là người đến cuối cùng. Trách nhẹ anh một câu xong, bà Brem- Oen dẫn năm người khách và ông chồng sang phòng ăn.
Bữa ăn gồm những món ăn nguội bày trên chiếc bàn gỗ sồi hun khói phủ khăn trải bàn bằng giấy. Bà Brem- Oen hãnh diện về mặt tiếp tân của mình, bà tự coi là người đề ra phong cách ăn mặc và xã giao cho Blây-nen-li, ý nghĩ ấy cho phép bà dám làm cho dư luận phải choáng váng với cách “phấn son” của bà. Còn bí quyết “làm cho không khí sinh động” của bà là nói cười thật nhiều. Bà bao giờ cũng có ý muốn nói bà là người thuộc giới hết mực sang trọng trước khi lấy bác sĩ Brem- Oen làm chồng.
Tối nay, khi mọi người đã ngồi xuống xong xuôi, bà tươi tỉnh nói:
- Nào, mọi người đều đã có đủ các thứ cần dùng rồi chứ?
Thở hổn hển vì đi vội, thoạt đầu En- đru rất lúng túng. Dễ đến tròn mười phút, anh không dám nhìn sang Cơ-ri-xtin. Anh cứ cúi gằm mặt nhìn xuống đất, tuy mê mẩn biết nàng đang ngồi tít tận đầu bàn kia, giữa bác sĩ Ghê-ben – một chàng công tử ăn diện, da ngăm ngăm, chân đi ghệt, chiếc kẹp cà-vạt nạm ngọc – và ông giám đốc khu mỏ già Uốt-kin, tóc cắt ngắn theo kiểu bàn chải, đang săn đón nàng một cách không thật ý tứ. Mãi sau, khi nghe thấy câu pha trò của ông Uốt-kin “Cô vẫn là cô gái miền Ioóc-sơ của tôi đấy chứ, cô Cơ-ri-xtin?”, En- đru mới ghen tức ngẩn đầu lên nhìn nàng thì anh cảm thấy nàng xiết bao gần gũi thân thiết trong chiếc áo màu ghi nhạt với cổ áo và cửa tay trắng, đến nỗi anh thấy bối rối vội phải quay mặt nhìn đi chỗ khác sợ nàng đọc được tâm trạng anh trong con mắt.
Từ lúc bấy giờ, để che đậy, hầu như không biết là mình nói năng những gì, En- đru quay sang nói chuyện với người ngồi cạnh là bà Uốt-kin, một phụ nữ lùn tịt, mang theo cả đồ đan.
Cho đến hết buổi, En- đru cứ phải chịu nỗi khắc khoải là miệng thì nói chuyện với người này còn lòng thì khao khát được nói chuyện với người khác.
Suýt nữa thì En- đru thở đánh phào một cái khi bác sĩ Brem- Oen, ngồi chủ trì ở đầu bàn, nhìn các đĩa thức ăn hết nhẵn với con mắt rộng lượng và thọc tay vào trong ngực áo theo kiểu Na-pô-lê- Ông, cất tiếng:
- Mình này, có lẽ đã ăn xong cả rồi đấy. Ta chuyển sang phòng khách chứ?
Trong phòng khách, sau khi mọi người đã ngồi đâu vào đấy, mỗi người một tư thế, chủ yếu là ngồi ở bộ ghế ba chiếc gồm một đi-văng và hai ghế bành, thấy rõ là chương trình có phần âm nhạc.
Nét mặt rạng rỡ, Brem- Oen nhìn vợ trìu mến và cầm tay dẫn vợ ra chiếc dương cầm.
- Chúng ta sẽ hiến quý vị Ở đây bài gì để mở đầu tối nay, hở mình?
Brem- Oen vừa giở những bài nhạc đặt trên giá vừa ngậm miệng ngâm nga nho nhỏ.
Ghê-ben gợi ý:
- Bài “Tiếng chuông chùa”. Tôi nghe bài này không biết chán, bà Brem- Oen ạ.
Ngồi trên chiếc ghế xoay, Gle- đi Brem- Oen vừa đánh đàn vừa hát trong khi ông chồng đứng bên cạnh giở các trang nhạc, một tay quặp sau lưng, một tay đưa ra phía trước như vé thuốc hút. Gle- đi có một giọng nữ trung khỏe khoắn, đầy đặn, hát đến những trầm thì ngửa cằm lên cho tiếng hát thoát ra tròn trặn từ bộ ngực của mình. Sau bài “ Tình ca”, bà hát thêm bài “Thẩn thơ” và bài “Chỉ là một cô gái”.
Tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Brem- Oen hài lòng nói nho nhỏ, vẻ lơ đãng:
- Bà ấy tối nay được giọng.
Tiếp đến, bác sĩ Ghê-ben được mời ra biểu diễn. Mân mê chiếc nhẫn đeo ở tay, vuốt lại mái tóc bôi đẫm dầu nhưng vẫn cứ bồng lên, chàng công tử có nước da màu ô-liu, duyên dáng nghiêng mình trước mặt bà chủ nhà chắp hai tay trước bụng, rống lên một cách chớt nhả bài “Tình yêu ở Xê-vi-gia ngọt ngào”, rồi lại hát thêm bài “Người đấu bò rừng”.
Bà Uốt-kin tốt bụng bình phẩm:
- Ông hát những bài Tây Ban Nha này thật là sôi nổi, bác sĩ Ghê-ben ạ.
- Có lẽ là do dòng máu Tân Ban Nha trong tôi - Ghê-ben cười nhún nhường, và trở lại chỗ ngồi.
En- đru nhận ra vẻ tinh quái trong con mắt ông Uốt-kin. Ông giám đốc già là người xứ Uên chính cống, am hiểu âm nhạc, mùa đông năm ngoái đã giúp thợ mỏ xây dựng một trong những vở ca kịch ít được biết đến nhất của Véc- đi. Bây giờ, mắt lim dim, chiếc tẩu ngậm vào miệng, ông có vẻ thích thú ngầm với một điều gì bí ẩn không nói ra. En- đru không khỏi nghĩ Uốt-kin chắc phải rất khoái trá khi ngắm nghía những người từ phương xa đến thị trấn quê hương, ông tưởng rằng họ đi truyền bá văn hoá với những bài ca ướt át vô giá trị ấy. Khi Cơ-ri-xtin tủm tỉm từ chối không ra biểu diễn thì Uốt-kin ngoảnh sang nàng, nhếch miệng cười:
- Cô Cơ-ri-xtin thân mến, chắc cô cũng giống tôi hẳn thôi. Không đánh dương cầm vì quá yêu nó.
Tiếp theo sau là tiết mục nổi nhất của buổi tiếp tân. Bác sĩ Brem- Oen ra giữa sân khấu. Ông hắng giọng, đưa một chân lên phía trước, ngả đầu ra đằng sau, thọc một tay vào trong ngực áo với một điệu bộ sân khấu rồi giới thiệu:
- Thưa quý bà quý ông, sau đây là tiết mục : “Ngôi sao tàn tạ, độc thoại có nhạc đệm”.
Ngồi trước đàn dương cầm, Gle- đi bắt đầu phần đệm rất tình cảm, và Brem- Oen bắt đầu biểu diễn.
Bài thơ đặc quánh xúc cảm này, bị rơi vào cảnh bần cùng khốn khổ, được ông ngâm với một giọng thống thiết. Khi kịch tính lên cao thì bà vợ đánh những nốt trầm. Khi nỗi bi ai lắng xuống bà bấm những nốt thanh. Đến cao trào, Brem- Oen ưỡn thẳng người, giọng nghẹn lại ở dòng cuối:
- “Nàng nằm đó” – nghỉ một lúc – “bỏ mình giữa rãnh nước” – nghỉ một lúc lâu – “chỉ còn là một ngôi sao tàn tạ mà thôi!”.
Bà Uốt-kin bé nhỏ đánh rơi cả đồ đan xuống đất, ngước đôi mắt đẫm lệ về phía Brem- Oen:
- Tội nghiệp! Người đàn bà tội nghiệp! Bác sĩ Brem- Oen! Ông ngâm bài này bao giờ cũng mê ly quá!
Rượu vang đỏ được mang ra làm phân tán sự chú ý của mọi người. Đã quá mười một giờ khuya. Ngầm hiểu rằng sau tiết mục khác sẽ không còn được ai chú ý nữa,mọi người chẩn bị ra về. Tiếng cười nói, những lời cảm tạ lịch sự và mọi người ra dần phòng ngoài. Khoác áo ngoài lên người, En- đru đau khổ nghĩ rằng suốt buổi tối nay, anh không nói được một câu nào với Cơ-ri-xtin.
Ra khỏi nhà, En- đru đứng lại ở cổng. Anh cảm thấy anh nhất thiết phải nói với nàng. Lòng anh nặng trĩu khi nghĩ anh đã bỏ lỡ cả một buổi tối dài mà anh đã tưởng là một dịp làm lành với nàng thật đễ dàng và êm ái. Tuy nàng tuồng như không nhìn anh, nhưng vẫn là có mặt ở đây, ngay gần anh, trong cùng một gian phòng, thế mà anh cứ đần độn nhìn mũi giày mình. En- đru khổ sở nghĩ : “Ôi trời! Mình còn khốn khổ hơn cả ngôi sao tàn tạ. Tốt nhất là nên về nhà ngủ quách đi cho xong”.
Nhưng En- đru không về. Anh vẫn đứng đấy, tim đập thình thình khi thấy Cơ-ri-xtin một mình đang bước xuống mấy bậc cửa, đi về phía anh.
En- đru cố lấy can đảm, lắp bắp:
- Cô Ba-lâu, tôi xin đưa cô về nhà, có được không?
- Rất tiếc, - nàng ngừng một lúc – Tôi đã hẹn chờ ông bà Uốt-kin rồi.
Anh ỉu xìu, muốn bỏ đi như một con chó bị đánh đập xua đuổi. Nhưng có cái gì giữ anh lại. Mặt anh tái hẳn nhưng chiếc cằm vẫn cương nghị. Những câu nói tự tuôn ra, tiếng nọ vấp vào tiếng kia:
- Tôi chỉ muốn nói, tôi lấy làm tiếc về chuyện chú bé Hao- Oen. Tôi đến khoe quyền một cách lố bịch quá. Tôi thật đáng bị đập cho một trận, một trận nên thân. Cách cô giải quyết về đứa bé là rất tốt, làm tôi phải khâm phục cộ Vả lại, nên tôn trọng tinh thần hơn là câu chữ của luật pháp. Tôi xin lỗi đã làm phiền cô về chuyện này, nhưng tôi cần phải nói. Xin chào cô!
Anh không thấy được gương mặt nàng. Anh cũng không chờ nàng trả lời. Anh quay người đi về cuối phố. Lần đầu tiên từ bao nhiêu hôm nay, anh cảm thấy hạnh phúc.