Người đàn ông khẽ nói khi cửa đóng lại, "Thưa Ngài, chúng tôi trông thấy em gái của ngài." Người này đến gặp Mạnh Giao tại khách sạn, và đưa ra một tấm danh thiếp của Ngũ Đại Ca. Hắn là một người cao lêu nghêu, có một vết thẹo trên má trái, và đuôi tóc quấn trên đầu, dưới một tấm khăn đen.
Mạnh Giao kéo một chiếc ghế và yêu cầu hắn ngồi xuống. Chàng bồn chồn hỏi:
- Cô ấy hiện ở đâu?
Người đàn ông thận trọng nhìn quanh. Hắn chậm chạp trả lời:
- Tôi tới để đưa ngài một tin của Đại ca. Cô ấy hiện ở trên một hòn đảo, bên dưới cửa sông Dương Tử.
Người của chúng tôi vừa quay về sau khi tìm thấy dấu vết của cô ta tại đó. Chúng tôi cho người canh chừng tư gia của họ Dương, cả ba nơi. Sáng hôm qua, người của chúng tôi nhận ra một chiếc kiệu che kín chờ sẵn ngay tại cổng, bên ngoài biệt thự của hắn tại Bình Sơn. Chúng tôi trông thấy một người đàn bà được khiêng ra và đẩy lên chiếc kiệu. Chúng tôi chắc chắn người ấy là em của Ngài.
- Cô ta có kháng cự không?
- Không. Cô ta cúi đầu suốt thời gian cho tới lúc bước vào chiếc kiệu. Sau đó chiếc kiệu lại phủ kín và người của chúng tôi đi theo sau. Có lẽ cô ta được bảo một điều gì, có lẽ là họ sẽ trả cô ta về với ngài.
Người của chúng tôi đi theo và thấy cô ta được đưa lên một chiếc thuyền. Tại bãi biển, cô ta cố chống cự để trốn đi, nhưng ngay lập tức bị tóm lại và đẩy xuống thuyền.
Mạnh Giao lo ngại nhìn người đàn ông. "Chúng định làm gì?" - Rõ ràng quá rồi. Họ Dương hoảng sợ ngay khi hắn nghe tin Ngài tới đây để tìm cô em họ. Hắn biết ngài có ảnh hưởng. Hắn sẽ đổ tội cho người khác khi dấu tích em gái của ngài bị bại lộ. Thế là hắn an toàn.
- Hòn đảo ấy ở đâu?
- Đó là một hòn đảo của ngư phủ bên dưới Cửu Giang. Người của chúng tôi dùng thuyền đi theo bọn họ.
Có bốn người lực lưỡng khiêng cô ấy lên bờ.
- Xin ông chờ một chút. Tôi muốn vợ tôi nghe thấy tất cả chuyện này. Vợ tôi là em người bị bắt.
Khi Hải Đường bước vào, nàng được giới thiệu và nín thở lắng nghe trong khi người đàn ông kể lại. Nàng hỏi:
- Ngũ Đại ca nghĩ thế nào?
- Đại ca nói rằng đây là một trong những băng đảng của tên buôn muối lậu, hợp tác với bọn cướp biển.
Chúng ta phải để cô ta ở nguyên đó, và đừng làm chúng hoảng sợ bỏ đi. Từ đây tới đó phải mất một nửa ngày theo xuôi dòng nước, và đi ngược lên phải mất một ngày. Đó là một hòn đảo hoang vu, hoàn toàn bằng phẳng, mọc lên ngay tại cửa sông. Nếu chúng ta làm bọn chúng hoảng sợ, chúng sẽ đem cô ta trốn xa hơn ra biển thì khó khăn lắm; còn như hiện nay thì chỉ cần ba hay bốn chục người bao vây hòn đảo, và bất ngờ tấn công bắt chúng. Đại ca nói ngài biết phải làm thế nào.
Sau khi truyền đạt tin tức, người đàn ông đứng dậy ra về và hứa, "Nếu có tin tức gì mới, tôi sẽ tới cho ngài biết ngay." - Ông có chắc chúng ta sẽ tìm thấy cô ấy không?
- Chúng tôi để lại ba người để canh chừng. Nếu hoàn cảnh thay đổi thì chúng tôi sẽ biết ngay lập tức.
Mạnh Giao tiễn người đàn ông ra cửa và nói, "Xin nói với bề trên của ông rằng chúng tôi rất biết ơn. Tôi sẽ không quên những gì ông ta giúp tôi." Quay vào với vợ, Mạnh Giao thở phào nhẹ nhõm. "Cuối cùng cũng tìm ra được!" - Chúng ta sẽ làm gì?
Mạnh Giao rút một điếu thuốc, châm lửa và rít thật sâu. Mặt chàng tái lại khi chàng tưởng tượng sự vùng vẫy kháng cự của Mẫu Đơn trong tay bọn bắt cóc, và cảnh khốn cùng hiện nay của nàng. Chàng thong thả bước lại cửa sổ, dừng lại một phút, và chậm chạp tắt điếu thuốc lá. Quay lại, chàng nói bằng một giọng căng thẳng vì xúc động:
- Chúng ta phải đi Nam Kinh để gặp quan Tổng Đốc ngay. Chúng ta không được chậm trễ. Nếu Mẫu Đơn bị bọn chúng chuyển đi nơi khác thì cần cả một hạm đội để lùng kiếm cô nàng suốt bờ biển Trung Hoa.
Chàng ngồi xuống và viết mấy lời ngắn ngủi cho họ Ngũ, cám ơn sự giúp đỡ của hắn, và năn nỉ hắn gửi một người đi cùng với chàng đến gặp quan Tổng Đốc. Chàng cần một người kể câu chuyện cho quan Tổng Đốc, và cho biết vị trí chính xác của hòn đảo. Chàng sai người cầm thư đưa đi ngay.
Hải Đường lo lắng nhìn chồng. Mạnh Giao bảo vợ:
- Em cũng phải đi theo. Anh không thể để em ở đây một mình được.
- Dĩ nhiên em phải đi chứ. Đây là chuyện của chị em mà.
- Có lẽ quan Tổng Đốc sẽ mời chúng ta ở trong dinh của ông ta. Ngay khi nhận được tin của họ Ngũ, chúng ta sẽ lên đường.
Hải Đường sắp xếp hành lý. Nàng ngồi rất lâu tại bàn trang điểm, chải tóc thành một búi cao và cẩn thận chọn lựa nữ trang. Hai tay nàng run rẩy, và nàng chải đi chải lại mái tóc. Nàng mặc thử chiếc áo màu xanh nhạt, thêu những bông hải đường rất cầu kỳ, và đứng ngắm nàng trong gương. Mạnh Giao lên tiếng:
- Em trông rất đẹp trong chiếc áo ấy.
- Đấy là chiếc áo thích nhất của em. Em có nên đeo thêm ngọc trai hoặc san hô không?
- Thứ nào cũng được.
Nàng mở hộp nữ trang và lấy ra chiếc vòng cổ bằng san hô và một đôi bông tai cũng bằng san hô; nàng quay ngang đầu để nhìn vào gương.
- Thế này được không? Cho em biết.
- Em đẹp như tiên nữ. Cái đó không quan trọng. Nào, mau lên. Người của họ Ngũ sẽ tới đây ngay bây giờ.
- Nhưng anh nói chúng ta có thể được mời ở lại trong dinh Tổng Đốc.
Hải Đường bao giờ cũng như thế. Bất cứ khi nào đi dự những buổi dạ hội trong triều đình, nàng bao giờ cũng muốn được người ta tin rằng nàng là một người con gái đã chiếm được trái tim của một nhà văn danh tiếng, và một người đã từng quyết định sống độc thân.
Dinh Tổng Đốc nằm ở phía bắc thành phố. Tổng Đốc Trần Đạo Nam vào khoảng bốn mươi tuổi. Đã nhiều năm Mạnh Giao không gặp quan tổng đốc vì nhiệm sở của ông ta bao giờ cũng ở miền nam hoặc tây nam.
Nhưng cả hai đi thi cùng một năm, và cùng đậu tiến sĩ, và đây là một sự kiện quan trọng trong giới sĩ phu.
Đây là tình thân hữu kéo dài suốt đời, khi người ta trải qua những giây phút cực kỳ trọng đại trong đời và chiến thắng cùng với nhau. Ngay khi danh thiếp của chàng được đưa vào, và Trần Tổng Đốc được biết quan Lương Hàn Lâm đến cùng với vợ, ông ta ra lệnh mời cả hai vào nội đường.
Sau một hồi trao đổi những lời chào mừng, Mạnh Giao đưa một lá thư của quan Đại Học sĩ Trương Chí Đông. Trần Tổng Đốc trịnh trọng đọc lá thư. Bao giờ cũng là một đặc ân khi nhận được thư của một người ở địa vị cao như thế.
- Quan Đại Học Sĩ thực là tử tế còn nhớ đến đệ. Nhưng, Lương đại huynh ơi, không cần phải như thế.
Huynh biết rằng đệ sẽ làm bất cứ điều gì trong quyền hạn của đệ để phục vụ huynh mà. Quan Đại Học Sĩ nói đến chuyện gì trong lá thư vậy?
- Đó là chuyện liên can tới chị của vợ tôi.
Chàng vắn tắt mô tả hoàn cảnh và đề nghị quan Tổng đốc cho vời gã họ Cổ đi theo chàng vào. Khi được gọi vào, gã họ Cổ quỳ gối xuống cho tới khi quan Tổng Đốc ra lệnh cho hắn đứng lên. Sau khi hỏi hắn một vài câu cần thiết, quan Tổng Đốc nói với một viên thư lại, "Giữ người này trong dinh. Ta sẽ cần đến sự trợ giúp của hắn." Sau khi gã họ Cổ đi ra rồi, quan Tổng Đốc nói, "Huynh thực là vô cùng khôn ngoan khi đi gặp lão Ngũ Đại ca trước. Bây giờ vấn đề này đơn giản rồi. Tôi sẽ ra lệnh cho văn phòng hải quân cung ứng binh sĩ cần thiết. Năm hay sáu chục người có thể đi trong hai thuyền. Đệ muốn thật chắc chắn rằng lũ bất lương không trốn thoát được." Tổng Đốc sai một thư lại đi gọi chỉ huy trưởng hải quân tại Nam Kinh, rồi quay lại nói với Hải Đường:
- Bà phải cho chúng tôi vinh dự được hầu tiếp bà trong nhà này, để tôi có cái thú được bầu bạn với chồng bà vài ngày.
Ông ta nói bằng một thái độ rất đầm ấm, và trả lời nàng bằng một sự khen ngợi dịu dàng. "Tôi hy vọng bà nhận được quà cưới của chúng tôi, mà tôi gửi mừng khi tôi nghe tin quan Hàn Lâm độc thân nổi tiếng cuối cùng lập gia đình. Bây giờ trông thấy bà, tôi không còn lấy làm lạ nữa. Tối nay chúng tôi tổ chức tiệc mừng bà." Hải Đường trả lời với sự ung dung cố hữu của nàng, "Ngài thực là quá tử tế. Tôi sợ chúng tôi sẽ làm phiền ngài. Chúng tôi sẽ hoàn toàn trông cậy vào sự giúp đỡ của ngài." - Mạnh Giao huynh đã tìm thấy chị của bà ở đâu rồi. Đó là phần việc khó khăn nhất. Phần chúng tôi phải làm bây giờ thì rất đơn giản thôi. Khi sĩ quan hải quân tới đây, tôi sẽ ra chỉ thị cho ông ta phải canh chừng con sông cả thượng nguồn và hạ khẩu, tại Cửu Giang và Giang Âm. Tôi không nghĩ bà cần phải lo lắng.
Chạy trốn bằng đường thủy là điều không thể được.
Hải Đường vừa hỏi vừa lo lắng liếc nhìn Mạnh Giao, "Ngài không nghĩ rằng sẽ có bắn nhau?" - Đừng lo, đừng lo. Chúng tôi sẽ thận trọng lo cho chị của bà. Theo cái ông họ Cổ thì chỉ có sáu gia đình ngư phủ sống trên hòn đảo. Sẽ không có nổ súng, trừ trường hợp vô cùng cần thiết.
Vợ và hai nàng hầu của quan Tổng Đốc hiện diện trong bữa ăn tối. Trong một lúc Mạnh Giao và Hải Đường quên Mẫu Đơn, khi mọi người nâng ly chức mừng nhau và câu chuyện trở nên sống động. Viên sĩ quan hải quân đã nhận chỉ thị. Tất cả những việc cần làm đều được thi hành. Lệnh canh phòng nghiêm ngặt thuyền bè trên sông giữa Cửu Giang và Giang Âm được thi hành tức khắc, và đơn vị hải quân tại Cao Châu luôn luôn liên lạc với Nam Kinh.
Hải Đường và Mạnh Giao ngồi ghế danh dự tại đầu bàn. Hải Đường được coi như một người quan trọng.
Vợ viên Tổng Đốc tiếp tục nói chuyện với nàng, và khi nàng lên tiếng thì các bà mệnh phụ đều lắng nghe.
Nàng không ngờ chồng nàng danh tiếng đến thế, cho tới lúc bà Tổng Đốc khen ngợi chồng nàng về các tác phẩm của chàng. Dường như cái chữ Hàn Lâm có một ảo thuật trong tai người Trung Hoa; nó âm vang có vẻ hơn cả những chức tước như thượng thư hoặc tổng đốc, bởi vì nó bao hàm một sự xuất chúng về văn chương, một giấc mơ mà tất cả sĩ phu đều mơ tưởng nhưng rất ít người đạt được.
Giữa lúc cười nói vui vẻ ấy thì một tên hầu đem vào một bản tin khẩn rằng, có một người thuộc văn phòng Hàng Châu của quan Tuần Vũ Lưỡng Giang đã tới. Người đó đang ngồi chờ tại phòng khách bên ngoài.
Quan Tổng Đốc đọc danh thiếp rồi đưa cho Mạnh Giao.
Mạnh Giao liếm môi, rồi ngẩng lên nhìn Hải Đường, và nói, "Đây là An Đắc Niệm, thuộc cấp của quan Tuần Vũ Lưỡng Giang." Hải Đường cố đè nén một sự sửng sốt, và cảm thấy máu đổ dồn lên mặt. Nàng hỏi:
- Ông ta tới đây làm gì?
Bà Tổng Đốc hỏi, "Bà có biết ông ta không?" - Không. Tôi chỉ nghe nói về ông ta thôi.
Quan Tổng Đốc bảo tên quản gia rằng nếu là chuyện khẩn cấp thì ông ta sẽ gặp An Đắc Niệm ngay. Viên hầu bàn trả lời:
- Ông ta nói đây là chuyện khẩn cấp. Ông ta mang thư riêng của quan Tuần Vũ.
- Vậy thì quan trọng rồi. Hãy mời ông ta vào phòng khách bên trong.
Quan Tổng Đốc rời bàn tiệc để gặp người sứ giả, và vài phút sau quay vào để báo tin An Đắc Niệm đem đến thư của Nghi thân vương. Tổng Đốc nói với Hải Đường:
- Đó là chuyện của chị bà. Tôi không biết chị của bà lại là con nuôi của quan Tuần Vũ.
Mạnh Giao mỉm cười trả lời, "Đúng vậy. Nghi thân vương rất thích Mẫu Đơn tại bữa tiệc gia tộc đãi tôi tại Hàng Châu." Hải Đường ngạc nhiên, nhưng với sự tinh tế, nàng không nói gì cả. Chồng nàng không cho nàng biết chuyện làm con nuôi này. Đó là kết quả của một đề nghị tình cờ của chàng trong một lá thư gửi Nghi thân vương, như là một phương tiện có thể tạo được "áp lực tối đa" để cứu Mẫu Đơn. Chàng rất hài lòng thấy Nghi thân vương đã trịnh trọng chấp nhận lời đề nghị của chàng.
Hải Đường rất muốn gặp người đàn ông lẽ ra có thể là anh rể của nàng, và nói, "Tại sao không mời ông ta nhập tiệc với chúng ta?" - Ông ta nói đã ăn tối rồi và sẵn lòng ngồi chờ. Tôi chắc ông ta thích bàn riêng chuyện này.
Bữa tiệc sang trọng cứ tiếp tục, hết món này tới món khác, cho tới lúc Mạnh Giao phải lên tiếng xin chủ nhà ngừng lại, và cho họ món cháo để chấm dứt bữa tiệc.
Sau bữa tối, Hải Đường và Mạnh Giao đi cùng với quan Tổng Đốc ra phòng khách để gặp An Đắc Niệm.
Chàng ăn mặc rất sang trọng trong một chiếc áo choàng lụa màu kem và áo chẽn màu đen; chàng cao hơn Mạnh Giao vài phân. Khi quan Tổng Đốc giới thiệu Mạnh Giao, An Đắc Niệm cúi người kính cẩn chào, và liếc vội nhìn Hải Đường. Nàng có thể nhận thấy sự đau đớn và lo lắng tột độ trên mặt chàng. Mạnh Giao giới thiệu:
- Đây là vợ tôi.
Hải Đường tiến lên và hai người cúi chào nhau. Nàng thích chàng ngay tức khắc. Mặc dù cái công việc trầm trọng mà chàng tới để thảo luận, chàng vẫn hoạt bát và hoàn toàn bình tĩnh trước sự hiện diện của quan Tổng Đốc.
An Đắc Niệm không ngờ gặp Hải Đường tại đây, và mắt chàng phản lại sự xúc động hiển nhiên, khi trông thấy người thiếu phụ sang trọng này mang nhiều nét rất giống Mẫu Đơn.
Tất cả ngồi trên những chiếc ghế gỗ hồng sang trọng bọc nệm sa tanh đỏ. Những bình hoa bằng xứ màu xanh, cao gần một thước trên sàn nhà lót thảm. Trà được đưa lên.
Ngồi trong chiếc ghế bành, hai chân bắt chéo nhau, tay cầm tách trà, An Đắc Niệm nói với quan Tổng Đốc bằng một giọng bình tĩnh, nhưng buồn và nghiêm trọng:
"Quan Tuần Vũ coi việc này quan trọng đến nỗi ngài yêu cầu tôi đích thân tới, và cầu xin quan Tổng Đốc giúp đỡ." Quan Tổng Đốc trả lời, "Quan Lương Hàn Lâm đã đi trước ông một bước, và chúng tôi đã tìm ra nơi dấu con gái nuôi của quan Tuần Vũ rồi." An Đắc Niệm vội hỏi, "Cô ta hiện ở đâu?", giọng chàng cao lên, mặc dù chàng cố tỏ ra bình tĩnh. Chàng hết nhìn Mạnh Giao lại nhìn quan Tổng Đốc, và bỏ chiếc tách xuống. Hải Đường cố nén một nụ cười.
Quan Tổng Đốc tóm tắt những gì đã làm. "Bây giờ hải quân chịu trách nhiệm. Nếu ông ghé văn phòng của quan Tuần Vũ tại đây trước, thì họ cũng bảo cho ông biết như thế rồi." An Đắc Niệm cảm thấy nhẹ nhõm trong khi chăm chú theo dõi lời kể của quan Tổng Đốc. Hai tay chàng ôm lấy đầu gối và nói bằng giọng bình thường của chàng.
- Tôi không biết chuyện này. Tôi được lệnh phải tới tìm sự chỉ giáo và hợp tác của ngài, và bàn thảo những gì phải làm. Nếu Hải quân của chúng ta đã gánh vác rồi thì tôi có thể liên lạc trực tiếp với họ. Dĩ nhiên tôi vẫn tìm tới ngài để xin trợ giúp.
- Dĩ nhiên là thế. Tất cả phương tiện của tôi sẽ được đặt vào sự xử dụng của ông. Ông nghỉ tại đâu?
- Tôi cũng chưa định. Tôi tới thẳng đây và không biết rằng đã quấy rầy ngài trong bữa ăn tối của ngài.
An Đắc Niệm hầu như cảm thấy có lỗi. Chàng đã khuyến dụ quan Tuần Vũ gửi chàng đi làm nhiệm vụ này, với tư cách là đại diện riêng của ông ta. Chàng đã năn nỉ được tới đây, vì ước muốn sôi nổi muốn tìm ra Mẫu Đơn, để tìm thấy nàng và trông thấy nàng một lần nữa. Chàng đang ở trong một cơn giày vò kể từ buổi sáng ấy khi đứa con trai chết, và nàng yêu cầu chàng để nàng ra đi. Chàng đã tự chế không thăm viếng, hoặc liên lạc với nàng. Tâm trí chàng là một căn phòng của những hình ảnh và kỷ niệm về khuôn mặt, cử chỉ, lời nói và những vòng tay ôm của nàng. Những hình ảnh ấy đày đọa chàng, và trong lúc chàng ngồi trong nhà buổi tối không nói năng gì, thì vợ chàng tưởng chàng đau đớn vì đứa con đã mất. Và bây giờ chàng có được cơ hội này, được tuân theo lệnh của trái tim trong khi bề ngoài thì đang thi hành công vụ.
Công vụ này có tính chất riêng tư đến nỗi chàng cảm thấy xấu hổ khi gặp Hải Đường và Mạnh Giao. Chàng hết nhìn Mạnh Giao lại nhìn Hải Đường. Tất cả ba người cảm thấy những ý tưởng bí mật mà họ không thể và không muốn diễn tả ra. Một đôi lần chàng bắt gặp Hải Đường nhìn chàng với một vẻ dò hỏi, như thể nàng đã nhìn tới cõi sâu nhất của tim chàng và mục đích của chàng. Chàng tự hỏi không biết họ biết được bao nhiêu về mối tình của chàng với Mẫu Đơn. Chàng có thể bàn luận bao nhiêu chuyện này với họ mà không phản lại những cảm giác riêng tư? Niềm ao ước của chàng là tìm thấy Mẫu Đơn và một mình chàng gặp lại Mẫu Đơn.