Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tuyệt Tình Ca

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25206 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuyệt Tình Ca
Nguyễn Vạn Lý

Chương 16

Như hương của hoa làm say ong bướm, nhan sắc và cường độ tình cảm của Mẫu Đơn cũng làm Mạnh Giao ngây ngất sau khi đọc cuốn nhật ký của nàng. Dù những nhà khuyển nho nói gì về tình yêu, thì tất cả giá trị của chàng cũng đã thay đổi hẳn:
màu sắc của thế giới thay đổi bởi vì chàng đã một lần biết tình yêu của một người đàn bà. Mẫu Đơn đã bỏ chàng ra đi nhưng cái gì còn lại? Nhạc điệu của lòng đam mê của Mẫu Đơn đối với chàng đã ngừng, nhưng âm vang vẫn còn. Như thể toàn thể con người chàng là một vết thương để trần, nhạy cảm với mỗi sự đụng chạm khẽ nhất, đi tìm một cái gì, bất cứ cái gì để đàn áp cơn đau nhức nhối ấy. Cách Mẫu Đơn từ chối chàng thực là nhẫn tâm, và dù chàng đã khỏi được cơn đam mê ám ảnh, nhưng lòng luyến ái của chàng đối với nàng vẫn còn. Chàng đã mong đợi, trong cái đêm cuối cùng bên nhau, nàng sẽ quay lại với chàng một lần nữa, điên cuồng với dục vọng như họ đã hưởng ở Đông Lục.
Nhưng tình yêu của nàng đã chết, không còn nghi ngờ gì nữa. Không có nước mắt lúc hai người tình chia tay, mà chỉ có nụ cười của những người bạn tốt. Ngọn lửa dục vọng đã hoàn toàn cháy hết rồi. Nhưng, chàng tin chắc rằng nếu nàng quay lại lúc đó và quyết định ở với chàng, tất cả những dây đàn của trái tim chàng sẽ đáp ứng lại với mối tình ngoài mơ ước ấy, giống như một sự ngừng tạm thời của một bản hoà tấu rồi lại tiếp tục. Tất cả những lỗ chân lông của con người chàng đã mở ra, phù hợp theo mọi rung động của giọng nói, hình ảnh khuôn mặt và chân tay nàng, kết hợp hai người lại, cuồng nhiệt đến không cùng.
Việc đọc cuốn nhật ký xác định được một điều:
Mẫu Đơn thành thực buồn khi biết tình yêu dành cho chàng đã chết. Và ngay cả lúc đó, nàng dường như rất quá xa cách, không còn là một con người sống, một người đàn bà đam mê cuồng nhiệt, mà là một bông hoa có mùi hương độc có thể giết chết chàng, hoặc bất cứ người đàn ông nào, nếu nàng muốn.
Một tuần sau, khi đang ăn sáng với Hải Đường, chàng cho biết có việc phải đi ra ngoài. Rồi chàng đổi ý, và quyết định vào phòng nằm nghỉ. Hải Đường không biết việc ấy cho đến khi Chu má báo cho nàng, "Lão gia ở trong phòng và đóng cửa." Hải Đường tới phòng chàng ngay lập tức và thấy quả thực cửa đóng. Nàng khẽ gõ cửa và nghe thấy tiếng trả lời yếu ớt, nàng liền khẽ mở cửa. Bên trong tối thui; chàng đã đóng cửa sổ và chỉ có một ánh sáng yếu ớt từ phía sau. Nàng phải mất vài giây để mắt quen với bóng tối và thấy chàng nằm trên giường, vẫn còn mặc nguyên quần áo.
Nàng lo lắng hỏi, "Anh bệnh hả?" - Không. Anh chỉ muốn nằm xuống nghỉ một lát. Anh sẽ như thường sau khi nghỉ đôi chút.
Nàng bước lại và lấy tay khẽ sờ trán chàng. Trán nóng như lửa. Nàng cầm tay chàng và nghe mạch đập; vẫn mạnh mẽ nhưng bất thường.
- Em phải mời thày thuốc.
- Không cần đâu.
- Anh bệnh nặng và sốt nhiều.
- Phi lý, suốt đời anh chưa bao giờ bệnh. Anh sẽ nằm nghỉ. Hai giờ nữa anh sẽ mạnh khoẻ như thường.
Nàng nói giọng hơi khàn lại, "Nếu anh muốn thế cũng được, nhưng ít nhất anh phải cởi áo trường bào, giầy vớ ra, và đắp mền cẩn thận. Em sẽ pha cho anh một ấm trà." - Được rồi, anh sẽ làm như vậy.
Chàng ngồi nhỏm dậy nhưng với một cử động bối rối. Trong cái ánh sáng lờ mờ, nàng có thể nghe thấy chàng thở gấp nặng nề. Chàng bắt đầu cởi áo, và cuối cùng không thể tự gỡ ra được, và để cho nàng cởi chiếc khuy cuối cùng của trường bào đang làm chàng vướng víu. Rồi nàng tháo giầy và vớ cho chàng.
Nàng đặt chàng nằm ngay ngắn rồi bước ra ngoài, không quên đặt tay lên sờ trán chàng. Khi ra ngoài, nàng lau những giọt mồ hôi trên trán và nghe thấy tim đập hỗn loạn.
Nàng dừng lại một phút để lấy lại bình tĩnh, trước khi xuống nhà bếp tìm Chu má.
- Chủ nhân không khoẻ. Tôi muốn bà về nhà và đem mùng mền đến đây. Bà sẽ phải ngủ đây vài tối để săn sóc cho chủ nhân.
Gần một giờ sau, thầy thuốc tới. Ông ta đến bằng xe ngựa của Mạnh Giao, vì người đánh xe được dặn là bệnh khẩn cấp và phải chờ đưa thày thuốc về nhà. Trên đường đi, y sĩ Trịnh, một thày thuốc và học giả rất được trọng vọng, đã biết qua về tình trạng trong nhà, và lờ mờ đoán rằng bệnh nhân bị quá xúc động vì người em họ bỏ ra đI.
Khi thầy thuốc bước vào, Hải Đường tránh mặt ở phía cuối buồng, sau tấm màn che giường, cho đúng phép. Nàng thấy việc đầu tiên thày thuốc làm là lật mí mắt bệnh nhân và quan sát một lát. Rồi ông ta bảo bệnh nhân đưa tay phải ra, đặt lên một chiếc gối và nghe mạch một lúc lâu. Mạnh Giao có thể trả lời vài câu hỏi bằng một giọng khàn khàn mệt nhọc. Rồi cũng với cái dáng điệu trang nghiêm, thày thuốc trấn an quan hàn lâm rằng chàng sẽ sớm bình phục, nhưng chàng phải nghỉ ngơi và đừng lo nghĩ bất cứ chuyện gì.
Ông ta lui ra và hỏi giấy bút để viết toa, và được dẫn ra thư phòng. Hải Đường hấp tấp đi theo thày thuốc vào thư phòng. Nàng nói:
- Tôi là em họ quan Hàn Lâm. Trong vấn đề này, tôi không thể giao cho đầy tớ được. Xin cho biết anh tôi bị bệnh gì?
Thày thuốc chăm chú cúi xuống nhìn bàn giấy một cách đúng phép trong khi lắng nghe giọng nói khẽ và lo lắng của người thiếu nữ. Rồi liếc nhanh nhìn Hải Đường, ông ta trả lời bằng một giọng trấn tĩnh:
- Tiểu thư, cô không cần phải hoảng hốt, nhưng tôi phải báo cho cô biết rằng bệnh này do sự rối loạn của tinh thần và thể xác. Đó là một trường hợp lãng trí; hồn phân tán đi và phách chiếm chỗ của hồn. Ông ta chắc vừa trải qua một sự buồn phiền về tình cảm. Mắt ông ta tỏ lộ tất cả. Mạch của ông ta mạnh mẽ, nhưng không đều và giật nhảy, kết quả của quá nhiều lửa dương và không đủ âm. Nhưng sinh lực của ông ta rất tốt. Tôi thấy cô cho ông ta dùng trà. Cứ tiếp tục như thế. Tôi sẽ cho toa một loại thuốc xổ nhẹ để tẩy hỏa ra khỏi gan đang gây nghẹt cơ thể và làm mạch đập loạn xạ. Cái ông ta cần là bồi bổ âm thủy và hạ dương hỏa. Ngoài ra, ông ta cần một cái gì giúp làm giảm căng thẳng tinh thần, làm dịu trí não và tăng cường lục phủ ngũ tạng.
Thày thuốc bắt đầu viết một toa gồm có mười hai mười ba vị thuốc, và dặn cách dùng thuốc. Ông nhìn người con gái trẻ tuổi như dò xét, và cảm thấy an tâm trước đôi mắt thông minh và bình tĩnh. Người bệnh cần phải được săn sóc.
Nàng hỏi, "Quan Hàm Lâm có cần phải kiêng cữ gì không?" - À, có chứ, phải kiêng đồ chiên rán, để tránh làm rối cơ thể. Tôi sẽ tẩy sạch bên trong cho ông ta trước. Khi ông ta tháo mồ hôi sau khi uống thuốc, phải lấy khăn lau thật khô lau người ông ta và sau đó đắp mền cho cẩn thận. Ngày mai tôi sẽ trở lại. Cái mà ông ta cần là phải ngủ nhiều. Bệnh ông ta sẽ nặng hơn, trước khi khỏi hẳn, nhưng đừng lo ngại.
Thày thuốc nhận thấy Hải Đường hơi đỏ mặt khi nghe lời dặn. Cuối cùng ông ta nói, "Hãy nhớ rằng sự săn sóc và tâm hồn nghỉ ngơi thì tốt cho ông ta hơn là thuốc." Ông chào từ giã bằng một giọng tự tin chuyên nghiệp. Hải Đường tiễn ông ta ra khỏi hậu viên.
Hải Đường sắp đặt một thời khoá biểu tỉ mỉ. Một chiếc lò được đặt ngay trong hậu viên, và người đánh xe ngựa được lệnh phải túc trực đợi lệnh. Chu má mang mùng mền tới, và một chiếc ghế trường kỷ nhẹ kê ngay tại phòng khách giữa nhà, bên cạnh tường phòng ngủ. Chu má được lệnh phải bỏ mặc công việc nhà thường lệ, vì bà ta sẽ rất bận. Hải Đường thân ngồi sắc thuốc. Nàng đặt một chiếc ghế tựa ngay bên ngoài cửa phòng ngủ lúc nào cũng hé mở. Tại đó nàng có thể nghe thấy bất cứ tiếng gọi nào của Mạnh Giao, và đồng thời có thể quan sát mọi việc xảy ra trong nhà.
Ngày hôm sau thày thuốc thấy mạch bệnh nhân đều hơn và bằng lòng với sự chẩn bệnh của mình. Ông ta bước vào thư phòng, đầu cúi xuống, nét mặt căng thẳng. Ông viết vội một toa thuốc, nhìn Hải Đường và nói:
- Tiểu thư, tôi cần sự cộng tác của cô. Hãy đi hốt toa thuốc này. Đừng hoảng sợ. Tôi cho ông ta uống một toa quyết liệt. Đừng cho ông ta ăn gì nữa, trừ món cháo nhẹ mà ông ta đòi.
Đưa cho nàng toa thuốc, ông ta dặn, "Cho quan Hàn Lâm uống thuốc này sau bữa ăn tối. Ông ta sẽ mê sảng, lăn lộn và kêu hét đau đớn, và có thể nổi hung, nhưng cứ mặc ông ta. Độ chừng nửa giờ thì cơn đau sẽ giảm và ông ta sẽ ngủ bình an. Tất cả những gì cô cần làm là canh chừng ông ta. Khi ông ta ngủ dậy, cho ông ta ăn món hầm, rồi ông ta sẽ qua khỏi." Hải Đường mím chặt môi và nói, "Ngài có thể tin cậy tôi." Nàng theo đúng sự chỉ dẫn. Khi bữa ăn tối tới, nàng bảo Chu má ra ngoài và đóng cửa lại. Tay bưng chén thuốc, nàng khẽ vỗ đánh thức chàng. Chàng mở mắt và trông thấy nàng bưng chén thuốc, đưa vào tận miệng chàng. Có một nụ cười thách đố trên khuôn mặt người con gái.
- Đại ca, uống thuốc này. Thày thuốc nói rằng thuốc sẽ làm đại ca bộc phát đau đớn, nhưng không lâu, và sau đó đại ca sẽ ngủ ngon.
Mạnh Giao thấy nàng cứ nhìn vào chén thuốc đã đưa sát vào miệng chàng. Chàng nếm thử và mặt chàng méo mó dữ dội. Chàng cố đẩy thuốc ra, nhưng Hải Đường không chịu thua.
- Anh sợ hả?
- Không. Nhưng mùi vị kinh quá.
Rồi ngoan ngoãn chàng cầm chén thuốc, nhưng Hải Đường không buông tay ra cho tới khi chàng uống hết một hơi.
Mắt Mạnh Giao nhắm lại vì cái mùi vị kinh khủng. Một chút thuốc ứa ra mép chàng, và Hải Đường lau đi ngay. Bỗng chàng bật lên một tiếng kêu khủng khiếp của đau đớn tột cùng. "Tôi chết mất! Tôi chết mất!" Chàng hét lên và mắt trợn trừng kinh hoàng như hấp hối, tay nắm chặt lấy khăn giường, hung dữ với cơn đau đốt cháy xé ruột. Hải Đường lẳng lặng nhìn cơn quằn quại đau đớn của chàng trong lúc chàng gập người và lăn lộn từ bên này sang bên kia và vung tay ra. Hai bàn tay chàng bám chặt vào cột giường, vùng lộn người và hét, "Tôi chết mất!" Sự vùng vẫy của chàng quá mạnh khiến Hải Đường đang đứng bên cạnh bị hất ngã, tay nàng đè lên một mảnh sành của chiếc bát sứ vừa rơi bể nát trên sàn nhà. Chu má nghe thấy tiếng động, đập mạnh cửa, nhưng Hải Đường vẫn ngồi trên sàn nhà và nhìn chàng đang quặn người đau đớn, không bao giờ rời mắt khỏi chàng. Tiếng kêu thét nghe khủng khiếp; như thể toàn cơ thể chàng đang bị đốt cháy.
Nàng đứng dậy, cách một khoảng an toàn. Khoảng hơn mười phút, hai cánh tay vùng vẫy của chàng giảm bớt sức lực. Tiếng hét khẽ hơn và những cơn quặn người ít hơn. Con mắt hung dữ của chàng rũ xuống vì mệt nhoài. Dần dần tiếng kêu đau đớn dịu dần, nhường chỗ cho những tiếng rên rỉ khẽ và yếu đuối trong khi lồng ngực chàng nhấp nhô lên xuống.
Hải Đường bước lại gần và hỏi, "Đại ca thấy thế nào? Bây giờ có bớt không?" Nhưng chàng không nghe thấy gì. Nàng trông thấy cơn hấp hối dần dần giảm đi, từ từ nhường chỗ cho hơi thở đều đặn và bình tĩnh hơn. Nàng lại gần và sờ trán chàng. Mắt chàng nhắm lại và mặt chàng là một màu chết chóc. Khuôn mặt, một lúc trước đây rất nóng, bây giờ mát lạnh. Dường như tất cả máu huyết và sinh khí đã tuôn ra khỏi người chàng.
Nàng mở cửa và thì thầm với Chu má, "Chủ nhân ngủ rồi." - Nhưng tay cô chảy máu, và hãy nhìn mặt và tóc cô. Cái gì xảy ra vậy?
Chu má chỉ tay vào vết máu trên cổ và cằm nàng. Lúc đó Hải Đường mới thấy bàn tay nàng chảy máu chỗ bị mảnh sứ cắt phải. Nàng nói:
- Không sao đâu. Tôi đi lau rửa. Bà canh chừng ở đây và không được gây tiếng động.
Vài phút sau Hải Đường trở lại và ăn một bữa tối rất ít, và nói nàng không muốn ăn. Đèn thắp sáng trong lối đi vào phòng ngủ, và cái lò than lớn trong thư phòng được đưa vào để tăng hơi ấm cho phòng ngủ. Nàng bảo Chu má canh chừng chàng lúc chập tối, trong khi nàng lại gần một cây đèn và ngồi xuống một chiếc ghế ở hành lang, với một cuốn sách trong tay. Bệng nhân vẫn ngủ bình thản; nhưng nàng muốn Chu má phải tỉnh táo trong trường hợp chàng muốn uống nước hoặc cần gì.
Rồi vào lúc nửa đêm, nàng bảo Chu má đi ngủ để nàng thay thế. Ngọn đèn vẫn chập chờn theo cơn gió thu, nàng xách ghế vào phòng ngủ và tiếp tục đọc sách tại đấy. Thỉnh thoảng nàng chợp ngủ đi, rồi lại giật mình thức dậy để thấy chàng vẫn ngủ và thở đều đặn. Nàng có dịp quan sát cái hình dáng nhìn nghiêng đẹp đẽ của chàng, trông rất là đường hoàng trong giấc ngủ. Khi ngủ, mặt chàng dường như thon hơn là ban ngày.
Mạnh Giao vẫn say sưa ngủ buổi sáng hôm sau. Thày thuốc tới vào lúc mười giờ, kiểm điểm những gì đã xảy ra và nói tất cả đúng như dự liệu. Mạnh Giao sẽ ngủ thêm hai mươi bốn giờ nữa, cho đến lúc hậu quả của thuốc tan hết. Rồi sẽ được uống một thang thuốc thứ hai, nhằm bổ trợ tim và cái cơ thể yếu đuối.
Đêm hôm ấy lại vẫn như đêm trước - Chu má hoặc Hải Đường phải túc trực canh chừng, không bao giờ bỏ chàng một phút. Nàng đã bắt đầu sắc thang thuốc thứ hai, sẵn sàng cho chàng uống ngay khi chàng tỉnh dậy. Một đôi lần, chàng sặc, hoặc ho, hoặc lầm bầm cái gì không nghe rõ.
Sáng sớm ngày thứ ba, Chu má bước vào và thấy phòng ngủ lặng như tờ, chủ nhân vẫn ngủ bình yên, và Hải Đường cũng đang ngủ, trên tay vẫn còn cuốn sách.
Bà ta gọi, "Tiểu thư, bây giờ cô đi nghỉ đI." - Không, tôi phải ở đây khi đại ca thức dậy. Tôi phải cho đại ca uống thuốc.
- Để tôi cho Lão gia uống. Đã hai tối nay cô chưa cởi quần áo. Cô phải ngủ đúng giấc nếu không sẽ bịnh đấy.
- Làm sao tôi có thể ngủ được khi đại ca bịnh? Không, để tôi coi chừng. Bà đi ăn sáng đi, và lau chùi chỗ này.
Một tiếng ho trong giường, và rồi lại im lặng. Hai người đàn bà không nói chuyện nữa.
Chu má rón rén bước ra khỏi phòng. Vài phút sau, Hải Đường nghe thấy động đậy trong giường và một tiếng ho nữa. Nàng đứng dậy, rón rén lại gần giường. Chàng quay lại, tay cử động. Chàng mở mắt và trông thấy Hải Đường đang cúi xuống nhìn chàng với đôi mắt dịu dàng không cùng. Chàng hỏi:
- Mấy giờ rồi?
- Bây giờ là sáng sớm.
- Anh chắc ngủ suốt đêm.
Hải Đường sung sướng trả lời, "Không, anh ngủ suốt một ngày và hai đêm." Mặt chàng lộ vẻ ngạc nhiên. Chàng mở to mắt và nhìn quanh phòng. Ngọn đèn dầu vẫn còn cháy. Bên ngoài trời vẫn còn tối. Hải Đường nở một nụ cười nhẹ nhõm.
- Thuốc ghê lắm, phải không? Anh quặn người đau đớn sau khi uống thuốc.
- Thế hả? Anh dường như không nhớ gì.
Hải Đường ra ngoài gọi Chu má lấy một chậu nước nóng, trong khi nàng đi hâm thuốc. Khi Chu má bưng chậu nước và khăn tới, nàng bước vào. Nàng tự tay lau rửa cho chàng. Nàng vắt khăn ráo nước và lau mặt cho chàng. Khi chàng nói chàng muốn thay quần áo lót, nàng vội vàng bỏ ra ngoài và dặn Chu má, "Bà giúp đại ca thay quần áo." Trong lúc nàng quạt lửa cho cái lò, nàng nghe thấy Chu má nói trong phòng, "Ái chà, Lão gia ơi, cô em họ của Lão gia đã hai đêm nay không ngủ gì cả. Tôi bảo cô ấy đi ngủ nhưng cô ấy không chịu. Chắc Lão gia không nhìn thấy vết đứt ở tay cô ấy. Lão gia đẩy cô ấy té xuống sàn. Lão gia hét muốn xập nhà luôn." Khi Hải Đường mang thuốc vào, Mạnh Giao nhìn nàng chăm chú đến nỗi nàng phải quay đi chỗ khác. Mắt chàng dừng lại trên chỗ tay buộc băng, và thều thào hỏi, "Cái gì xảy ra vậy? Anh không biết gì cả." Nàng trả lời, "Có gì đâu. Điều quan trọng là anh đã qua khỏi rồi. Thày thuốc sẽ tới vào lúc mười giờ. Em đã sai xe ngựa đi đón ông ta như thường lệ rồi." Mắt chàng dừng trên người nàng chừng nửa giây, nhưng cũng đủ lâu khiến nàng đỏ bừng vì bối rối.
Thày thuốc tới, nghe kể lại, và chúc mừng quan Hàn Lâm có một người em họ tài giỏi đảm đang như vậy.
Mạnh Giao hỏi:
- Bao giờ tôi có thể khoẻ hẳn?
- Phải vài ngày nữa đã. Thuốc hành hạ và làm ngài mệt nhiều lắm. Phải nằm nghỉ để tâm trí tĩnh dưỡng. Tôi sẽ báo cho quan Đại Học Sĩ biết ngài phải nghỉ vài ngày nữa." Hải Đường đứng bên cạnh vội trả lời, "Tôi đã báo cho quan Đại Học Sĩ rồi." Hai người đàn ông nhìn người con gái trẻ một cách tán thưởng. Mạnh Giao nói:
- Đúng như vậy. Lúc nãy khi tôi cố ngồi dậy, tôi thấy chân run rẩy, tôi phải nắm lấy cột giường để đỡ.
Thày thuốc coi mạch và gật gù. "Vẫn còn chưa bình thường, nhưng nếu quan Hàn Lâm nghe lời tôi nằm nghỉ, ngài sẽ bình phục trong một tuần lễ." Những ngày sau đó trôi qua mau lẹ. Hải Đường lúc nào cũng ở cạnh chàng, hoặc không đi quá xa bất cứ khi nào chàng gọi nàng. Không người nào nhắc đến tên Mẫu Đơn, chàng thì cảm thấy như vừa trải qua một cái gì chàng muốn quên, còn nàng thì sợ rằng sẽ lại khuấy động trái tim chàng. Hải Đường dường như gầy đi, và mặt có vẻ buồn buồn. Về mặt khác, một cái gì đã nẩy sinh giữa hai người, đến nỗi hai người thường tránh nhìn thẳng nhau. Một lần chàng cầm tay nàng để xem chỗ đứt tay. Nàng vội rụt tay lại và bỏ ra khỏi phòng.
Mạnh Giao nghĩ đến mấy lời trong nhật ký của Mẫu Đơn. "Đừng chối. Em yêu Đại ca," và câu trả lời của Hải Đường:
"Em yêu thì đã sao? Anh ấy là của chị mà." Chàng cũng nhớ đã nghe thấy nàng nói khi vừa tỉnh ngủ, "Làm sao tôi có thể ngủ khi đại ca bịnh?" Chàng chưa bao giờ ngờ thế; bây giờ chàng hiểu, và liếc nhìn nàng luôn.
Mạnh Giao quyết định ra khỏi giường vào ngày thứ sáu. Hải Đường đề nghị thay đổi khung cảnh sẽ giúp chàng dễ chịu hơn. Chàng sẽ vào nghỉ tại phòng của nàng trong khu hậu viên, một căn phòng ấm cúng yên tĩnh, trông ra một khu vườn nhỏ ở hướng đông, có một hòn non bộ nhỏ, một vài khóm bạch dương lùn, và một bể cá vàng. Mạnh Giao hỏi Hải Đường:
- Còn em ngủ đâu?
- Em ngủ đâu cũng được, trong phòng của chị, hoặc trong phòng ngủ này sau khi lau dọn lại. Em sắp xếp cho Chu má ngủ bên trong.
Như vậy Mạnh Giao ngủ trong phòng của Hải Đường, trông ra khu vườn, còn nàng dọn ra, ngủ trong phòng phía tây trước kia của Mẫu Đơn; Chu má ngủ trong một chiếc ghế trường kỷ trong phòng khách giữa, cho tiện mỗi khi chàng cần gì về ban đêm. Cách sắp đặt có vẻ đề phòng làm Mạnh Giao buồn cười.
Khu nội viên sáng sủa đến nỗi Mạnh Giao sẽ dùng khu ấy cho tới mùa đông, và lúc ấy chàng sẽ dọn về khu phòng ngủ chính. Trước kia chàng ít khi vào mảnh vườn này, nhưng bây giờ chàng thích lắm. Điều này cũng phản ảnh sự thay đổi trong tâm trí chàng. Căn phòng giữa nhà nay biến thành phòng ăn, nơi chàng và Hải Đường ngồi ăn với nhau.
Vào một buổi chiều sau khi đi mua sắm về, Hải Đường bước vào vườn và thấy người anh họ đang ngồi trên một cái ghế đá. Chàng mải trầm tư đến nỗi không nhận thấy nàng. Nàng biết chàng đang tập trung suy nghĩ. Sợ quấy rầy chàng, nàng quay lại bỏ đi thì chàng lên tiếng gọi, đầu vẫn cúi xuống, "Đừng đi. Anh muốn bàn chuyện này với em." Nàng quay lại và đứng dưới bóng dâm của cây chà là. Vài phút trôi qua, và chàng không nói gì cả. Thỉnh thoảng nàng nhìn chàng, sợ chàng sẽ lại hỏi về người chị.
Cuối cùng, chàng nhìn nàng thật chăm chú, một cái nhìn lạ lùng và khó hiểu, rồi nói bằng một giọng khàn khàn, "Hải Đường, lại đây." Chàng khẽ đứng dậy, vỗ vào chiếc ghế đá nơi nàng sẽ ngồi xuống. Nàng lại gần, hơi đỏ mặt, và ngồi xuống cạnh chàng.
Chàng vẫn nhìn xuống đất và nói, "Hải Đường, em có bằng lòng lấy anh không?" Trái tim nàng dường như muốn nhảy ra khỏi ngực. "Anh nói gì vậy? Làm sao chúng ta có thể lấy nhau được?" Chàng trả lời. vẫn bằng một vẻ nghiêm trọng, "Chúng ta có thể lấy nhau được." - Nhưng chúng ta là anh em họ mang cùng một tên họ.
- Chúng ta có thể thay đổi tên họ.
- Làm sao thay đổi tên họ được?
- Một ý kiến rất hay hiện ra trong trí anh lúc anh đang suy nghĩ. Một đường muội, tức là một người em họ mang cùng họ thì không được, nhưng một biểu muội, tức là em họ thưộc họ ngoại khác họ thì được. Dì Tô rất yêu quý em. Tại sao chúng ta không nhờ dì nhận em làm con nuôi một cách chính thức đúng luật? Chỉ là vần đề kỹ thuật, nếu em bằng lòng.
Hải Đường cảm thấy tràn ngập niềm vui sướng. Chưa bao giờ nàng nghĩ đến việc thay đổi họ; cái ý nghĩ ấy nẩy lên bên trong đầu nàng như một tia sáng lóe lên. Nàng lặng lẽ nhìn cây chà là, cố gắng trấn tĩnh trước sự xúc động. Vài giây trôi qua; nàng cảm thấy lòng dạ bối rối và máu đổ xô về tim, giống như một sự tắm rửa ấm áp dễ chịu tràn ngập toàn thân nàng.
Nàng hỏi, sợ nghe thấy cả tiếng nói của nàng, "Anh thực sự muốn thế?" - Anh cần em. Anh nhận thấy như thế. Anh cần em lắm. Anh đã suy nghĩ việc này nhiều lần trong mấy ngày nay rồi. Chị của em và anh đã chiến đấu một trận đánh vô ích, chống lại chính mình.
Cơn xúc động ngạc nhiên của nàng nhường chỗ cho một hạnh phúc bất ngờ.
- Làm thế nào chúng ta thực hiện được?
- Như anh đã nói, đó chỉ là một vấn đề kỹ thuật. Sáng kiến ấy bất thình lình loé lên. Chỉ là một việc nuôi con nuôi hợp pháp và đổi họ từ họ này sang họ khác. Anh biết dì anh rất yêu thương em. Em là con gái nuôi của bà, phải không? Tất cả những gì phải làm là chính thức hóa chuyện ấy, để em sẽ là con nuôi của Tô thúc thúc và em sẽ mang họ Tô, chứ không còn họ Lương nữa. Dĩ nhiên em phải có được sự ưng thuận của cha mẹ em, nhưng anh nghĩ cha mẹ em sẽ vui mừng chấp thuận. Hơn nữa, đây chỉ là một hình thức bề ngoài thôi - chỉ là một mảnh giấy.
Hải Đường vẫn cố gắng để chấp nhận cái ý tưởng ấy.
- Em vẫn chưa trả lời câu hỏi của anh. Anh đang hỏi em.
Nàng đặt bàn tay vào trong tay chàng và nắm chặt lấy. "Đại ca, điều này là sự thực ư? Anh sẽ làm em thành một người vợ sung sướng và hãnh diện nhất thế gian. Thoạt đầu là Mẫu Đơn. Và em không bao giờ nghĩ em có thể được. Bây giờ anh không thể đuổi em xa anh được đâu, dù anh muốn thế." Ngón tay nàng chùi một giọt lệ, nàng lảo đảo bởi hạnh phúc to lớn bất thần không mong đợi của nàng.
Nàng tựa đầu vào vai Mạnh Giao.
Chàng thì thầm ngọt ngào, "Đáng lẽ anh phải biết. Anh không biết em quan tâm đến anh. Anh muốn nói bằng cách ấy - cho đến khi anh đọc nhật ký của Mẫu Đơn. Đáng lẽ anh phải biết chính em mới là người anh yêu. Nhưng anh đã mù quáng. Và bây giờ anh cần em hơn bao giờ hết." Chàng khẽ hôn nàng - một nụ hôn nhanh trên lọn tóc cong ở thái dương, và cảm thấy cánh tay nàng ôm lưng chàng chặt hơn. Chàng quay mặt, âu yếm nhìn vào mắt nàng; nàng quan sát mặt chàng thật gần, từ trên xuống dưới, và dường như ghi dấu và yêu mến mọi phần của khuôn mặt ấy.
Chàng hỏi, "Em không hôn anh à?" - Em mắc cở.
Nàng do dự một giây lát, rồi hôn vội lên môi chàng và bỏ chạy vào trong nhà.
Vẫn chưa nhận được tin gì của Mẫu Đơn, và cũng không mong đợi gì, vì nàng có thói quen không viết.
Trong lúc nàng sống với chồng, đôi khi một nửa năm trôi qua mà mẹ nàng hoặc Bạch Huệ không nhận được thư nàng. Đó là do cái tâm trạng của nàng.
Bầu trời tháng Mười có những đám mây trắng, và gió từ đồng bằng Mông Cổ thổi cái lạnh giá vào Bắc Kinh, làm lá của những cây ngân dương trên đồi Tây Sơn rung lên và run rẩy như những bóng ma trắng cao lêu nghêu. Từng đàn hạc trắng làm thành những đội hình mũi tên, bay ngang bầu trời trong cuộc hành trình hàng năm về miền nam. Vịt trời mập mạp trong mùa hè vừa qua, đầy rẫy tại những đám lau sậy và cánh đồng lầy trong khu thành phố Mông Cổ và trong khu vực tây bắc của Ngoại Thành. Khu Thập Tự Hải bây giờ bầy ra một cảnh hoang vắng; những người bán đồ giải khát đã bỏ đi; những cuống sen vàng và lá sen héo trên ao đánh dấu chấm hết của một mùa hè tình ái. Nhưng không khí mùa thu thì khô ráo và gây hăng hái trong khu vườn nhỏ của Mạnh Giao. Trên hàng rào những cây cúc tây lú lên từ mặt đất. Rõ ràng có bàn tay của một người đàn bà trong những luống hoa cúc được trồng mỹ thuật; Hải Đường đã mua những cây cúc này từ hội chợ Chùa Long Phật, và trồng quanh hàng rào theo từng khoảng cách đều nhau, mỗi cây có một cành tre chống đỡ. Không khí có mùi thơm thoang thoảng của cây mộc lan khổng lồ ở nhà bên cạnh, thỉnh thoảng cái mùi thơm nồng của đống cỏ và lá khô đốt cháy, cay sè nhưng thích thú, lan tới chỗ ở kín đáo của hai người. Khu vườn đã biến thể. Sỏi được đổ thêm trên những lối đi lầy lội. Một cây mận được trồng trước cửa sổ để đón tuyết vào mùa đông. Người ta có thể tưởng tượng cái mùi tinh tế của những bông hoa vàng này thoảng ra trong không khí lạnh, khi Mạnh Giao ngồi nhìn những cành cây qua cửa sổ trước cái bàn viết bằng gỗ hồng.
Mạnh Giao rất sung sướng trông thấy sự biến đổi này. Trong cửa sổ của phòng chàng là hai cây cúc trồng trong chậu men trắng bóng; thực ra, phòng nào cũng có những chậu cúc như vậy.
Con chó già ghẻ lở đã bị giết rồi. Mạnh Giao không biết việc này, cho đến một hôm khi đi xe ngựa về nhà, chàng nhận thấy con chó không ra nhảy nhót chào đón như trước.
- Con chó đâu rồi?
- Cô chủ đã cho nó uống thuốc độc chết rồi. Cô nói nó ho quá, và nên chấm dứt nỗi khổ sở của nó.
Thời gian bình phục của Mạnh Giao lâu hơn mong đợi. Căn bệnh tim hỗn loạn và mạch trồi xụt không dễ chữa như một bệnh cảm cúm; thày thuốc bảo hai người không nên mong đợi như vậy.
Ông ta căn dặn Mạnh Giao, "Dù ngài ưu phiền gì thì cũng xin bỏ ra ngoài tâm trí. Căn bệnh của ngài là một trường hợp lạc hồn, cái linh hồn chỉ huy thân xác. Khi nó bỏ ra đi, cái khí lực không biết làm gì. Nếu tôi không cho thang thuốc cực mạnh ấy, bệnh có thể kéo dài nhiều năm. Bây giờ tôi rất mừng nó qua rồi." Quay lại Hải Đường, ông ta nói với một vẻ đồng ý và thán phục, "Tôi rất mừng cô đã thay đổi trong nhà và ngoài vườn. Không gì giúp quan Hàn Lâm bình phục mau bằng làm cho ông ta hạnh phúc, hài lòng và thoải mái. Phải mất một thời gian, nhưng tôi tin chắc rằng chỉ trong hai tháng ông ta sẽ hoàn toàn lành mạnh." Nàng không biết tại sao nàng đỏ mặt. "Làm cho đại ca hạnh phúc?" - Phải. Đây gọi là trị trái tim bằng trái tim. Một người hạnh phúc sẽ bình phục mau lẹ, nhất là trong trường hợp này.
Ông ta bổ túc thêm bằng một cái nhìn ý nghĩa, để chắc rằng Hải Đường hiểu ý của ông ta.
Trái tim con gái của nàng cảm thấy phân vân, nhưng nàng nói, "Còn làm việc thì sao?" - Làm đôi chút thì tốt. Trí óc sẽ lạc lõng nếu trái tim không có ở đó. Tốt hơn là cho trí óc một phương hướng rõ rệt. Một khi tâm và hồn chỉ huy thì trí óc sẽ hoạt động tốt.
Hải Đường rất quen với nguyên tắc "dùng độc trị độc," "trị tim bằng trái tim." Đối với một vài mạch máu cũ bị tắc nghẽn, phải mở ra những mạch khác.
Những buổi chiều thu vàng thường thấy hai người ngồi bên nhau trong khu vườn phía đông. Lúc nào trong vườn cũng có việc để làm hoặc để ngắm. Đôi khi Hải Đường gom lá khô để đốt. Vẫn còn yếu, nhưng Mạnh Giao nằm dài trong một chiếc ghế tựa, phơi dưới nắng thắng Mười dịu ấm. Chàng ngắm cái hình dáng mềm mại uyển chuyển của nàng đi lại chung quanh, gom lá vàng và khơi ngọn lửa, mạnh mẽ trong niềm vui tươi và chú tâm vào công việc. Sự hiện diện của nàng là một sự hiện diện an ủi, rạng rỡ trong sự trinh trắng. Nàng đã thành công che giấu tình yêu bí mật của nàng đối với chàng! Chàng có thể không bao giờ biết được.
Rồi khi cái lạnh của buổi tối tới, chàng vào trong nhà, nằm trên ghế trường kỷ và yêu cầu nàng ngồi bên cạnh. Nàng đến, và thỉnh thoảng bắt mạch cho chàng. Sự đụng chạm nhẹ nhàng của những ngón tay trắng muốt và chiếc vòng ngọc thạch ở cổ tay nàng đã gây xúc động cho chàng một cách lạ lùng. Với một nụ cười trong sáng trên môi, nàng thường nói, "Thật là tuyệt diệu. Mạch của anh mỗi ngày một mạnh mẽ hơn." Chàng nắm lấy tay nàng và nói, "Không bao giờ chính xác đâu, bởi vì tim anh đập nhanh hơn mỗi khi tay em đụng vào tay anh." Nàng trách ngọt ngào, "Đừng nói vớ vẩn." - Nhưng điều ấy đúng. Em là thầy thuốc hay nhất của anh.
Lúc đó chàng thèm muốn nàng biết bao! Chàng kéo nàng xuống và cho nàng một nụ hôn ấm áp nồng nhiệt.
Nàng cảm thấy sự "nguy hiểm" và nói, "Xin đừng," và đứng dậy rót cho chàng một tách trà Long Tỉnh.
Hai tuần sau họ mới nhận được thư phúc đáp của ông Tô và của cha mẹ Hải Đường. Mạnh Giao và Hải Đường không muốn nói rõ. Không cho biết lý do, chàng chỉ yêu cầu ông bà Tô nhận Hải Đường làm con nưôi, làm nàng thành "cô Tô" thay vì là "cô Lương." Đó là một ngày hiếm hoi Mạnh Giao viết thư cho người em của mẹ chàng, và khi chàng làm như thế, họ thường đoán rằng có một mục đích quan trọng đằng sau.
Hải Đường thì vẫn liên lạc thường xuyên với bà cô, và nàng viết thêm một thư nữa với tên của nàng, và một thư khác cho cha mẹ. Phải đến cuối tháng Mười Một mới hy vọng nhận được thư trả lời.
Thường thì trước bữa ăn tối, khi họ Ở ngoài vườn vào trong nhà, Mạnh Giao uống một chút rượu bổ tim do thày thuốc đề nghị, và Hải Đường uống một tách trà. Chu má thường bận dưới bếp. Nằm trên ghế trường kỷ, Mạnh Giao thường kéo Hải Đường lại gần; với tay nàng nằm trong tay chàng, hai người nói đủ thứ chuyện - tất cả mọi chuyện, trừ đề tài Mẫu Đơn, mà cả hai đều cố ý tránh né. Có lúc chàng chúi đầu sát vào ngực nàng, vùi đầu vào vú nàng và yêu cầu nàng ôm chàng thật chặt.
Nàng nhớ lại lời dặn của thày thuốc và hỏi, "Thế này có làm anh sung sướng không?" Chàng chúi đầu vào sâu hơn nữa mà không nói gì cả; nàng vuốt tóc cho chàng và ôm chàng vào ngực, nhẹ nhàng vuốt ve chàng như một người mẹ vuốt ve đứa con. "Hãy thoải mái và ngủ đi nếu anh ngủ được, nếu cách này làm anh sung sướng." Trí óc nàng bay đi rất xa, tới cha mẹ, người chị, và những người quen biết ở Hàng Châu.
- Em không biết bao giờ Tô thúc thúc hồi âm cho chúng mình.
- Thư sẽ tới mà.
- Em biết rằng cha mẹ em sẽ vui mừng chấp nhận nếu cha mẹ em đoán chúng ta chủ định làm gì. Cha mẹ sẽ đoán ra.
Chàng trả lời, "Dĩ nhiên," rồi quay người nhìn nàng thật gần và rất trìu mến. "Rồi anh sẽ viết thư cầu hôn em - và em sẽ là người vợ thân yêu bé nhỏ của anh." Trái tim nàng tràn đầy, khi nàng cúi xuống gần chàng và nói, "Thực thế không? Chuyện ấy có thể là sự thực không?" Chàng kéo đầu nàng xuống gần chàng, và nàng cúi xuống; môi hai người gắn chặt nhau trong niềm mê say xuất thần. Nàng cố ý trườn thân thể nàng xuống, vuốt ve má chàng và sưởi ấm chàng bằng hơi ấm của da thịt nàng, và nói, "Bây giờ em muốn anh phải bình phục mau - vì em chứ không vì ai khác." Rồi mắt chàng nhìn khắp người nàng như thể nàng là một cái gì mới lạ và kỳ diệu được ngắm nhìn; nàng cảm động và thở dài sung sướng.
- Em là một đứa con gái may mắn. Em chưa bao giờ mơ rằng em may mắn thế này - được anh yêu và anh cần.
Hai người nghe thấy tiếng ho cố ý của Chu má. Bà ta thường ho như thế, làm một dấu hiệu cho biết bà ta có mặt ở hành lang, đang sắp đặt bữa ăn tối. Hải Đường đã tâm sự với bà ta rằng hai người sẽ kết hôn với nhau, và Chu má vốn quý trọng người em hơn người chị, tỏ ra rất sung sướng cho nàng. Vì thế bà ta bao giờ cũng ho báo trước và Hải Đường thường ngồi dậy và vuốt lại tóc để giữ bề ngoài đàng hoàng. Mọi thứ đều tốt đẹp, nhưng người đầy tớ đơn sơ lương thiện đã vụng về ho như thế, như thể là muốn nói, "Tôi biết hai người đang làm gì, cô chủ ơi, nhưng chỉ là tôi thôi." Và Hải Đường đã hiến dâng nàng cho Mạnh Giao ba ngày trước khi thư chính thức của ông Tô tới nơi. Hai người đã quá gần gũi nhau, và mỗi ngày họ có thể cảm thấy tình yêu nẩy nở thêm. Chiều hôm ấy, khi bầu trời ửng hồng chiếu tia nắng nhẹ tràn lan vào phòng, Mạnh Giao năn nỉ Hải Đường làm việc ấy. Nàng nghe thấy hơi thở gấp của chàng khi chàng vùi đầu vào vú nàng.
- Làm cái gì?
- Làm cái ấy. Anh cần em ngay bây giờ, toàn thể em.
Nàng im lặng, cảm thấy có một ngày việc này phải xảy ra. Rồi nàng nâng mặt chàng lên gần nàng và khẽ hôn chàng một cách âu yếm.
- Làm thế có giúp anh sung sướng không?
- Có.
Nàng cho phép chàng làm tình với nàng, trong lúc nàng đỏ bừng khắp người với sự nồng ấm của hai thân thể, cho tới khi nàng không còn biết gì nữa, chỉ nhắm mắt, chỉ biết rằng khi dâng hiến cho chàng hoàn toàn, nàng đã làm tròn phận sự của nàng, rằng một chìa khoá đã mở vào cõi bí mật kín đáo nhất của nàng, rằng đây là sự ngây ngất của đau đớn và hạnh phúc, của sự kết hợp và thuộc về nhau đích thực. Nàng mơ hồ sung sướng và hãnh diện trở thành vợ của người đàn ông này, được ôm chàng vào vòng tay để làm chủ chàng và được chàng làm chủ.
Chàng hỏi, "Anh có làm em đau không?" - Không. Em rất sung sướng khi anh làm em thành là của anh. Nó phải đau đớn để có một cái gì mà nhớ.
Em cảm thấy như sự nẩy sinh một con người mới trong em, sự thức dậy của tình yêu. Bây giờ em là một người đàn bà. Nó cần phải đau đớn.
Về sau, trong một trường hợp khác, nàng nói với một nụ cười ranh mãnh, "Một vài người đàn bà kinh nghiệm nghĩ rằng chỉ có họ mới có khả năng đam mê, và một người con gái đạo hạnh thì bao giờ cũng lạnh lùng. Điều đó không đúng. Người đàn bà đạo đức nhất cũng có thể là người đam mê nhất. Họ chỉ muốn chờ đúng người đàn ông, như em đã tìm thấy anh. Dĩ nhiên không phải người con gái nào cũng tìm được một người như anh đâu." Sau vụ này Mạnh Giao mới cho phép Hải Đường đọc nhật ký của Mẫu Đơn. Chỉ vào cái đoạn nàng thú nhận tình yêu với Mẫu Đơn, chàng nói, "Đây chính là khúc quanh của đời anh. Anh không bao giờ nghĩ em yêu anh - như thế đó. Anh không bao giờ biết, bởi vì em quá đàng hoàng trang nghiêm. Em không bao giờ cho phép em tỏ lộ ra ngoài." Mắt Hải Đường mau lẹ đọc lướt qua đoạn đó, cắn môi dưới. Rồi nàng ngẩng lên nhìn chàng, bắt gặp chàng đang mỉm cười nhìn nàng.
- Có đúng chị em hơi ghen với em và bắt em phải thú nhận em yêu anh không?
- Không phải ghen. Đó là lúc chị ấy vướng víu với Phùng Nam Đạt. Chị ấy hành động bất thường và nhiều đêm bỏ nhà đi chơi, để mặc anh một mình. Em có nói một vài lời, thế là chị quay lại và nói, "Chị biết em yêu Đại ca. Đừng chối nữa." Vì thế em trả lời, "Em yêu thì đã sao? Anh ấy là của chị mà." Nhưng em không phải là sự đe dọa cho chị ấy. Lúc đó chị ấy không có lý do để ghen.
Đây là lần đầu tiên Mạnh Giao tự cho phép nhắc đến Mẫu Đơn và cuốn nhật ký. Sự hồi hộp của trái tim và lòng thèm khát đam mê Mẫu Đơn của chàng đã hết rồi; nhưng chàng dường như thấy rằng chàng yêu Hải Đường bởi vì đối với chàng, nàng hiện thân là hình ảnh trong sạch của Mẫu Đơn, một Mẫu Đơn đích thực, Mẫu Đơn mà chàng yêu dấu trước kia, chứ không phải cái hình ảnh dị dạng trong lòng chàng hiện nay.
Chàng bảo Hải Đường:
- Em hãy đọc cuốn nhật ký, rồi cho anh biết em nghĩ thế nào.
Không gì làm Hải Đường sung sướng hơn. Nàng trả lời, "Em nghĩ em biết về chị ấy và hiểu chị ấy hơn anh." Nàng ôm cuốn nhật ký vào ngực và nằm cuộn tròn trong giường để đọc. Thật là thú vị. Đôi khi nàng đỏ bừng mặt, khi khác nàng ngẩng lên, dừng lại để cố nhớ lại những điều trong tâm trí; và đôi khi nàng phải cúi sát xuống, nheo mắt cố nhận ra một chữ không rõ, tìm kiếm những mấu chốt của sự việc mà nàng không biết. Mẫu Đơn có kể cho nàng về Phùng Nam Đạt; nhưng nàng chưa kể về cái biến cố trong khách sạn. Và nàng chỉ nghe nói về Hội quán Đánh Cầu. Nàng nói với Mạnh Giao:
- Và đây, vào lúc cuối, em thấy tại sao chị không muốn đi Sơn Hải Quan với chúng ta. Chị đang suy nghĩ về Tần Châu. Đó là lý do tại sao chị không muốn đi với chúng ta. Bây giờ em biết rồi.
Khuya đêm đó, khi nàng đọc xong, chàng hỏi, "Hãy cho anh biết em nghĩ gì? Em có thể khách quan hơn.
Anh thì quá liên hệ." - Em không biết em có thể khách quan không. Chúng em lớn lên cùng với nhau. Em không biết em có thể phán xét chị hay không. Khi anh biết một người nhiều như em biết chị em, anh không thể nói người ấy xấu hay tốt. Chị ấy là tập hợp của nhiều thứ. Tất cả em có thể nói như họ hàng vẫn nói, chị ấy tính tình hơi nổi loạn. Em là người lặng lẽ hơn và chị ấy hơn em ba tuổi. Chị ấy là người độc nhất, hoàn toàn khác với những người con gái em biết. Bao giờ cũng sôi nổi, cực kỳ thông minh, đầy tinh thần và rất thất thường. Chị ấy xinh đẹp đến nỗi cha mẹ em chiều chuộng làm hư chị ấy. Chị ấy thường chạy xô vào nhà, liệng đồ đạc.
Chị ấy rất cứng đầu và nóng nẩy, và bao giờ cũng phải được theo ý mình. Ba và Mẹ không thể làm gì với chị ấy. Dĩ nhiên khi anh tới và khen ngợi chị ấy trước cha chú trong họ, người ta coi chị là người rất đặc biệt; chị ấy đã được quan hàn lâm ban phép lành. Chị ấy bất thường, và đẹp hơn em rất nhiều. Em biết thế.
- Anh có thể nói rằng em và Mẫu Đơn, mỗi người đẹp một cách khác nhau.
- Không. Chị ấy đẹp hơn nhiều. Em biết thế. Một chiếc mũi thẳng hoàn toàn như thế và đôi môi rất đẹp.
Miệng em rộng quá.
Mạnh Giao bật cười bởi sự tự chê này. Hiển nhiên là miệng của Mẫu Đơn cùng với nụ cười đặc biệt của nàng, đôi môi gợi cảm thì thực là tuyệt vời; mặt Hải Đường thiếu cái sự toàn bích đó và những nét thanh tú - mặt nàng tròn hơn và cằm bạnh ra. Nhưng đồng thời chàng thích sự thẳng thắn cực kỳ của nàng đối với chính nàng, và quan niệm rộng lượng đối với người chị.
- Về sau, khi chị mười sáu hay mười bảy - đó là lúc chị mới yêu Tần Châu - Ba thường cấm chị ra ngoài, nhưng Ba càng cấm thì chị càng chống lại. Chị vẫn đi gặp người yêu, và Mẹ vì thương chị ấy, đã đồng loã với sự vắng mặt của chị và che giấu Ba. Chị ấy tìm cách gặp anh ta hai hoặc ba lần một năm - ngay cả sau khi hai người đã có gia đình rồi. Người ta có thể nói chị ấy xấu xa. Những người con gái khác ở cảnh ấy thường tìm cách quên đi. Nhưng chị không quên được. Anh không biết được chị ấy khóc trong giường thế nào - chị ấy đau khổ đến mức nào! Một lần đi chơi với Tần Châu về, chị ấy khóc thảm thiết! Chị ấy kêu gào rất to trong giường và sáng hôm sau mắt chị xưng húp. Nếu chị lấy được Tần Châu, chị sẽ là một người vợ tốt đến mức nào! Sau đó chị không cần gì nữa. Anh có thể nói chị ấy là một người cuồng dâm bởi vì chị đi tìm kiếm mối tình đã mất mà chị không thể tìm lại được nữa. Tất cả những gì xảy ra sau đó chỉ vì chị không thể là người vợ của người đàn ông chị thực tình yêu. Tần Châu lấy một người khác. Đó không phải là lỗi của anh ta - cha mẹ anh ta đã hứa hẹn hôn nhân này. Chị em là một người con gái thông minh hơn phần lớn các cô gái khác. Em nhớ chị đã đọc những tác phẩm lãng mạn từ khi mười ba tuổi. Người ta nói đọc những truyện này chỉ có hại cho chị, đã mở lòng chị cho tình yêu. Nhưng chị là người sinh ra như thế... Chị luôn luôn có danh dự, thẳng thắn, tin mọi người, và rất nhạy cảm trước cái đẹp của thiên nhiên; còn những cái khác, chị không khác người. Em nghĩ chị chỉ đam mê hơn người khác.
- Em đã đọc lá thư vĩnh biệt anh chưa?
- Em đọc rồi.
- Em nghĩ thế nào? Thẳng thắn cho anh biết. Anh rất khó hiểu. Tại sao chị em lại phải tàn nhẫn như thế.
Như thể là cố ý muốn anh phải đau đớn.
Môi Hải Đường trề xuống. Nàng ngập ngừng, chọn lựa chữ cẩn thận. "Có vẻ như vô ơn. Em có thể quá chủ quan - chị ấy rất khác em. Chị ấy xuất sắc hơn, và do đó bừa bãi hơn - nông nổi hơn, lấn át hơn. Dĩ nhiên không cần thiết phải cắt đứt hoàn toàn với anh. Chị ấy không cần phải viết "Em sẽ vĩnh viễn biến khỏi cuộc đời của anh." Dẫu sao, anh vẫn còn là anh họ của chi....." - Nhưng là một người con gái, em có thể hiểu quan điểm của một cô gái rõ hơn. Chị em đã từng yêu anh lắm, như em cũng biết. Tại sao một tình yêu say đắm như vậy lại có thể chết một cách dễ dàng cẩu thả như thế, mà không còn lại một chút tình cảm nào, như anh có thể thấy trong lá thư vĩnh biệt?
Hải Đường mím môi suy nghĩ. Một lát sau nàng nói, "Em cũng thấy khó hiểu. Em biết tâm hồn chị thay đổi khi chị đi chơi với người võ sĩ ấy - không biết tên là gì - Nhưng có một đoạn trong nhật ký làm em giật mình khi đọc tới." Nàng lật cuốn nhật ký, dừng lại ở một trang, và chỉ cho chàng cái đoạn đáng chú ý:
"Hồi này tôi rất bồn chồn. Tình yêu của chúng tôi đã trở thành gánh nặng cho tôi, và có lẽ cho chàng nữa.
Tôi không biết làm thế nào tôi có thể tiếp tục sống làm người tình cho chàng suốt đời. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này. Dĩ nhiên tôi yêu chàng với tất cả tình yêu của một người đàn bà có thể dâng hiến được.
Nhưng lúc nào cũng có hy vọng chúng tôi có thể lấy nhau được. Như thế tôi hãnh diện biết bao! Tôi đề nghị chúng tôi bỏ đi Hương Cảng, tại đó chúng tôi lấy tên khác. Tại sao không? Có phải tình yêu mạnh hơn tất cả những thứ khác? Nhưng bây giờ tôi thấy tôi đòi hỏi chàng một sự hy sinh quá đáng, một sự hy sinh cả sự nghiệp của chàng, địa vị một học giả, được triều đình và mọi nơi yêu quý kính trọng." Hải Đường vuốt lại một lọn tóc bên tai và nói, "Anh thấy không, cuốn nhật ký viết cho chị ấy. Em hiểu điều này có nghĩa là gì, mặc dù tư tưởng liên hệ không rõ ràng lắm. Nói một cách thẳng thắn đau lòng, là một người chồng, anh sẽ xuất chúng, nhưng là một người yêu thì anh vô dụng với chị ấy. Người võ sĩ trẻ kia được đánh giá rất cao là một người để ngủ với. Em không nói chị có ý khai thác tình yêu của anh cho chị ấy. Nhưng rất dễ để trông thấy, như chị ấy nói, chị ấy không thể bám theo anh trong một mối liên hệ không rõ ràng suốt đời. Anh là gánh nặng cho chị ấy, như chị ấy viết. Tình yêu của chị ấy cho anh sẽ phải ngừng lại ngay lúc ấy. Chị ấy chắc muốn thoát khỏi anh để tìm một người khác. Dĩ nhiên tất cả chỉ là bản năng...
Bây giờ em lo sợ cho chị ấy... Chị ấy có thể làm điều gì liều lĩnh..." Một lúc sau, nàng nói thêm, "Em không biết chị sẽ nghĩ gì khi biết chúng ta sẽ lấy nhau." - Mẫu Đơn không ghen với em đâu; em có thể tin chắc việc ấy. Cô nàng làm anh tin rằng cô nàng yêu anh lắm. Tình yêu của cô nàng đối với anh đã chết rồi, chết cứng như một hòn đá.
- Em muốn nói chị ấy sẽ nghĩ gì khi biết rằng anh đã nghĩ ra cách đổi họ, mà anh không nghĩ ra khi chị ấy còn ở với anh.
"À, chuyện đó!" Chàng bật cười to, có lẽ cười hơi to hơn là cần thiết; chàng vẫn cảm thấy một cắn rứt tội lỗi rằng cái kế chàng nghĩ ra để cho Mẫu Đơn nay lại áp dụng dễ dàng cho Hải Đường. Nhưng chàng yêu Hải Đường và không thể cho nàng biết sự thực. Chàng nói, "Cái ý kiến đó bất chợt đến chớp nhoáng, như một cảm hứng. Giống như anh thường làm khi anh phải bóp óc tìm ra một cái gì mới lạ và đơn giản trong công việc của anh với quan Đại Học Sĩ. Điều khó khăn nhất là sự tươi mát của tư tưởng; phần lớn những thư lại đều mắc vào cái thói quen và lề lối cũ." - Anh có chắc rằng việc làm con nuôi sẽ giải quyết được sự khó khăn của chúng ta - và sẽ êm suôi chứ?
- Sẽ êm đẹp. Anh đã hiểu về sáu mối liên hệ - anh em họ thứ nhất, thứ hai, và những lễ nghi thờ cúng tổ tiên, vân vân. Cái vấn đề tên họ này thực là điên rồ nhất. Anh sẽ không thể nào lấy một cô gái ở tận Qúi Châu nếu cô ta có cùng họ với anh, mặc dù cô ta chỉ có thể có liên hệ với anh nếu đi ngược lại năm trăm năm về trước. Thực ra là con gái của Tô thúc thúc, em lại còn gần anh hơn về gia tộc, anh em họ đời thứ nhất, nhưng lại kết hôn được vì em mang họ Tô. Cái mà xã hội muốn là giấy báo hôn sẽ mang tên Tô thúc thúc là cha của em. Tất cả sẽ hợp pháp, và anh sẽ yêu cầu quan Đại Học Sĩ chủ hôn cho chúng ta.
Tất cả mọi chuyện giấy tờ hình thức được hoàn thành như mong đợi. Ý nguyện muốn kết hôn của hai người được thông báo cho cha mẹ Hải Đường và ông bà Tô, và mọi người đều chấp thuận. Thực là một sự ngạc nhiên cho cha mẹ Hải Đường, kèm theo sự trở về rắc rối và bất ngờ của Mẫu Đơn. Hôn lễ của Hải Đường được ấn định vào tháng Giêng năm sau, và sẽ tổ chức tại Bắc Kinh.

<< Chương 15 | Chương 17 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 916

Return to top