Trong hai tuần lễ ở Đông Lục, Mẫu Đơn không lúc nào không nghĩ tới An Đắc Niệm. Cái gây ấn tượng sâu xa nhất cho nàng là, vốn là một nhà thơ tình cảm, chàng gọi cái mà người khác cho là tai tiếng là "một hành động rất đẹp". Nàng rất có thiện cảm với chàng. Chàng dường như đúng cái hình ảnh một người đàn ông sẵn sàng chấp nhận cách sống của nàng và hiểu nàng. Nàng nóng ruột muốn trở về Hàng Châu ngay.
Nàng không thích và nàng cũng không tìm kiếm, nhưng tình yêu này đến với nàng, không kém thần tiên, có phần "nên thơ" hơn là phàm tục.
Như Thủy rất chú ý đến tình cảm mới của Mẫu Đơn. Là người sinh trưởng tại Hàng Châu, chàng đã nghe nhiều về An Đắc Niệm. An Đắc Niệm là một nhân cách và một thi sĩ, có cái nhạy cảm của một đứa trẻ và tài năng của một cây bút chín chắn.
Bạn bè kể một câu chuyện xảy ra vào một ngày u ám lúc An Đắc Niệm học tại Đông Kinh. Một vài người bạn tới thăm chàng, và được người tớ gái Nhật Bản cho biết chàng đang đi dạo. Chàng mang theo một cây dù, vì trời có vẻ muốn mưa bão. Mưa đã bắt đầu như trút bên ngoài, và các bạn quyết định chờ chàng về.
Một lát sau An Đắc Niệm trở về; chiếc áo trường bào ướt đẫm nước mưa. Mặt chàng rạng rỡ khi chàng mô tả trận mưa huy hoàng như thế nào - sấm chớp, mây chập chùng rối loạn, theo sau là sự xuất hiện của một cầu vồng rực rỡ. Bạn bè hỏi tại sao chàng ướt sũng như thế, vì chàng có cây dù. An Đắc Niệm trả lời, "Ủa, thế à." Cây dù vẫn ở dưới nách An Đắc Niệm.
Như Thủy cho biết An Đắc Niệm là người rất ngưỡng mộ đàn bà đẹp, và đã làm một vài ca kỹ nổi tiếng bằng mấy câu thơ chàng viết về họ. Chàng có thói quen ca ngợi vẻ đẹp trong thiên nhiên và ở đàn bà. Và bởi vì nhân cách của chàng, chàng có thể làm bạn với những học giả già hơn, như Lâm Cầm Nam và Diêm Ngọc Linh. Mặc dù phong cách của chàng ngông cuồng, nhưng chàng cũng rất thành thực, rất tự nhiên và đứng đắn.
Như Thủy cho Mẫu Đơn biết An Đắc Niệm đang sống với một người đàn bà, và có một con trai với người đàn bà ấy. Như Thủy nghĩ rằng tình cảm giữa Mẫu Đơn và An Đắc Niệm chỉ thuần túy là không tưởng về phần An Đắc Niệm; còn về phần nàng, Mẫu Đơn chỉ chuyển hướng tình yêu đối với Tần Châu vào một người đàn ông khác. Đó là quan niệm của Như Thủy, mà nàng biết qua Bạch Huệ. Như Thủy không tin khi nàng bảo rằng chỉ là một mối tình trong sạch đêm hôm đó, khi họ ngồi xe ngựa chạy quanh hồ. Bạch Huệ đã có chồng và có hạnh phúc nên rất đau lòng cho Mẫu Đơn, và không biết khuyên nàng thế nào. Khi hai người chia tay, nàng chỉ nói:
- Hãy bảo trọng. Tôi không muốn chị đau khổ một lần nữa.
Bạch Huệ đã e ngại, nhưng nàng cũng biết cái cá tính bất cần đời của bạn, một người có thể liệng bỏ tất cả và gạt mọi người ra một bên, trong cuộc đi tìm kiếm tình yêu.
Mẫu Đơn gặp lại An Đắc Niệm một buổi chiều tại hội quán Thi Xã. Nàng đã gửi tin cho chàng và hai người gặp nhau có hẹn trước. Cái cảm giác hồi hộp trước một cái gì chưa biết rõ đi theo cuộc gặp gỡ lần thứ hai này, khi một người xác nhận và trông thấy trong ánh sáng ban ngày cái ảo giác của một đêm đèn lồng. Đây là một cuộc thử nghiệm bảo đảm nhất.
Chàng đứng dậy chào đón nàng cùng với sự khích động trẻ con. Tuy nhiên mặt và cử chỉ của chàng tỏ ra một sự dụt dè ngập ngừng. Những câu hỏi và trả lời đầu tiên của hai người giống như những bước nhảy âm thầm kín đáo của trí óc, quay về những hướng khác nhau, ngắn ngủi và kết thúc bằng những nụ cười vu vơ, những lời nói không có nghĩa gì. Mẫu Đơn nói:
- Xin lỗi tôi hơi trễ.
- Không sao đâu. Hôm nay đẹp trời.
- Lúc tôi tới gió lớn lắm.
- Đúng thế, gió to lắm.
- Nhưng hôm nay là một ngày đẹp trời.
Hai người nhìn nhau và cả hai cùng cảm thấy rất thú vị khi họ cùng đồng ý về thời tiết.
- Cô nói cô sẽ đem theo một ít thơ của cô.
- Tôi không biết tôi có được sự chấp thuận của ông không.
Chợt nàng cảm thấy tự nhiên và lời nói của nàng tuôn ra dễ dàng.
- Cái tôi muốn nhờ ông là viết cho tôi một cái gì đó để tôi đóng khung treo trên tường.
- Việc đó khó khăn gì đâu.
- Ông quá độ lượng.
Hai người ngồi quanh một bàn trà thấp trong một phòng nhỏ. An Đắc Niệm tựa lưng vào chiếc ghế bành thấp, nhả khói thuốc. Nàng ngồi đối diện, ngay ngắn, chú ý, một nụ cười trên đôi môi mọng đỏ, nhưng bồn chồn và rất thèm hút thuốc. Cuối cùng nàng lấy đủ can đảm, chỉ vào gói thuốc nằm trên bàn:
- Tôi hút được không?
- Xin lỗi cô. Tôi tưởng cô không biết hút.
Chàng vội vàng cầm bao thuốc, mời nàng một điếu. Bật lửa cho nàng đốt thuốc, chàng nói, "Tôi không biết cô cũng hút thuốc." - Ông có phiền không?
- Tại sao lại phiền?
Chàng khẽ cười và ngắm nàng hút thuốc thong thả, một cách kiêu kỳ. "Tôi hy vọng cô không nghĩ tôi bất lịch sự khi mời cô đi xe ngựa với tôi tối hôm nọ." - Ồ, không đâu!
Nàng mỉm cười. Cái phong cách này thực bất ngờ. Có phải chàng nghĩ nàng là một nữ thần không? Nàng nghĩ trong trí, "Này Đắc Niệm, hãy thực tế đI." Người hầu bàn mang trà tới, và một vài đĩa kẹo vừng. An Đắc Niệm bảo tên hầu bàn mang thêm một bao thuốc lá nữa.
Vài phút sau người hầu bàn trở lại, đặt bao thuốc lá trên bàn. An Đắc Niệm trông thấy một nụ cười tinh quái trên môi người hầu bàn, và quắc mắt nhìn theo bóng người hầu bàn lui ra. Như vậy thì nàng quả thực là nữ thần của chàng rồi.
Nàng tự nghĩ, "Hừ, không. Không thể như thế. An Đắc Niệm, nhà thơ đã viết với một sức mạnh và rung cảm như thế. Tại sao chàng e ngại cái gì?" Nàng ngạc nhiên thú vị khám phá cách chàng coi trọng thơ, và lòng khiêm tốn trước những tác phẩm của chàng. Đây quả thực là một con người lý tưởng; rõ ràng là chàng đã thần tượng nàng như là một người con gái đã khóc trước quan tài của người khác. Có thể chàng thán phục tình yêu hơn là người yêu.
Chàng mời nàng điếu thuốc thứ hai và nói, "Tôi rất thèm muốn đọc thơ của cô, cô Lương." - Hãy gọi tôi là Mẫu Đơn.
- Vậy thì Mẫu Đơn. Cô có mang theo bài thơ nào không?
Nàng rút ra một phong bì, mặt đỏ bừng khích động, và run run chìa ra. Chàng cầm lấy từ bàn tay trắng trẻo xinh đẹp của nàng, và nhìn xuống trang giấy với vẻ tán đồng.
Mây chiều nấp sau đỉnh đồi, gió xào xạc tim tôi; Tôi ngồi nhìn chàng trong hoàng hôn mà chàng không hay.
Bóng lá run rẩy trên cửa sổ khi tôi tới; Bây giờ cành đã trơ trụi mà chàng vẫn chưa bình phục.
Chàng đọc bài thơ kế tiếp theo thể thơ trữ tình thời Tống:
Mặt chàng hốc hác Trước kia tròn đầy; Mặt chàng lặng lẽ, Trước kia cuồng giận vì yêu.
- Ruồng bỏ tôi.
Từ ngàn dậm tới Để nghe giọng chàng.
Để nghe giọng chàng Từ xa ngàn dậm Tôi tới và thấy Mặt chàng cuồng giận vì yêu - Ruồng bỏ tôi.
An Đắc Niệm khen ngợi. "Thực là một tuyệt tác. Cách lập lại thế này khó lắm. Cô đã thực hiện được một cách tự nhiên dễ dàng." - Đắc Niệm! Được ông khen! Ông phải chỉ dạy cho tôi.
- Tôi cũng định thế. Tôi chắc quan Lương Hàn Lâm anh họ cô đã dạy cô.
- Có dạy đôi chút.
Nàng không biết tại sao nàng đỏ mặt. "Tôi muốn ông chỉ giáo cho tôi." - Ông ấy là bậc thầy về văn suôi, bút pháp bay bướm, có lẽ hơn cả thơ. Cô thực là may mắn được sống với ông ta. Cô đã học được nhiều mà không biết đấy. Thơ là một nghệ thuật khó khăn. Nó không thể làm theo lời yêu cầu. Nó chỉ tới vào từng lúc. Tôi nghĩ rằng cô phải lắng nghe cái lúc đó, khi một câu thơ chợt đến với cô, ở đâu bay tới, như một nhạc sĩ nghe thấy một cung điệu trong đêm. Không dễ đâu. Cái giây phút ấy không tự đến đâu. Người ta phải nghĩ đến cái đẹp, cảm thấy cái đẹp, sống trong cái đẹp. Đó là cả một sự tập luyện của toàn thể con người cô để đáp ứng với những gì cao cả, có ý nghĩa và tinh tế của tinh thần.
Tất cả là công việc khó khăn và kỷ luật. Và sau tất cả những đau đớn gian truân của cô, cô nhìn lại tác phẩm của cô và cảm thấy nó tầm thường, như tôi vẫn cảm thấy về tác phẩm của tôi. Tôi không nghĩ tôi đã viết được bốn hay năm bài thơ có thể sánh với tác phẩm cổ điển. Một xúc cảm hoàn toàn mới thì thực là một điều hiếm hoi. Tất cả còn lại chỉ là rác rưởi, một sự lập lại những gì người khác đã nói hàng ngàn lần trước rồi, và nói hay hơn mình.
- Ông khiêm tốn quá.
- Không, tôi chỉ nói sự thực.
- Nhưng ông được coi là thi sĩ hay nhất của Hàng Châu.
An Đắc Niệm ngẩng nhìn nàng, bĩu môi không tin. "Tôi muốn nghĩ như thế lắm, nhưng tôi không phải vậy đâu. Những gì người địa phương nghĩ không quan trọng gì cả. Ai hiểu? Rất nhiều những cái được coi là thơ thì chỉ là sự dài dòng - không phải là tác phẩm đích thực. Có lẽ đó là lý do ông anh họ của cô rất ít làm thơ. Thơ bao giờ cũng thành thực và cao cả, và người đời không hiểu và không biết thưởng thức thơ." - Mạnh Giao bảo tôi rằng thơ là tiếng nói của con tim, và căn bản của nó là lòng đam mê, đam mê đích thực.
Mắt An Đắc Niệm sáng lên. "Tôi đồng ý. Đam mê hay là tình yêu, hay là cô gọi nó là bất cứ cái gì. Chúng ta nói về một cái gì vô hình mà không ai có thể định nghĩa được. Tình yêu có nhiều hình ảnh và mầu sắc, nhiều như số người yêu. Đôi khi nó chẳng là gì hơn một cuộc dan díu bất chính với vợ một bác đồ tể. Đam mê thực thì hiếm hoi như sự xuất hiện của thánh nhân - chuyện tình của Trác Văn Quân, sự hối hận của Đường Minh Hoàng, và tinh hoa của tình yêu trong truyện Thiên Nương. Và dĩ nhiên cả Đỗ Liên Nương nữa. Tình yêu giống như bài hát hiếm hoi mơ hồ của một con chim mà cô không bao giờ trông thấy. Khi nó đậu xuống đất rồi thì nó chết ngay. Nó không thể sống sót khi bị bắt. Tiếng hát mờ nhạt hay thay đổi về màu sắc và giọng hát, và cái đẹp của nó chỉ có qua sự chết và chia ly. Đó là lý do tại sao tình yêu bao giờ cũng là bi kịch." Mẫu Đơn cố bày tỏ một sự bất đồng ý yếu ớt. "Nhưng tôi tin rằng tình yêu đích thực ở đâu cũng có, chứ không phải năm trăm năm mới có một lần. Trừ ra không được ca ngợi trong thơ. Còn vợ người đồ tể thì sao? Bà ta cũng có thể có tình yêu đích thực chứ." - Cô có thể đúng. Ngay cái cầu vồng cũng không phải tầm thường như chúng ta nghĩ. Nhưng tôi muốn nói về tinh hoa của tình yêu, cái tình yêu phù du của tinh thần chỉ có thể hiện hữu trong trí tưởng tượng, tình yêu được lọc và bắt được trong thi ca. Trác Văn Quân, ngồi quạt một chiếc lò than như một người hầu bàn tại một tiệm ăn sau khi bỏ trốn với người tình - nàng có cái tinh túy thiêng liêng của tình yêu. Nhưng khi Trác Văn Quân ăn mặc diêm dúa như một mệnh phụ, khi thấy chồng theo đuổi những người con gái khác, như cô đã biết. Niềm đam mê thiêng liêng đầu tiên sẽ bị thực thế nuốt hết, như thường xảy ra. Tôi không hạ giá tình yêu của vợ người đồ tể. Nó chỉ là một giai cấp khác. Tình yêu đích thực là một cái gì vĩ đại, một cái gì mạnh mẽ, một cái gì hủy diệt, nó làm thay đổi một con người. Tôi tin rằng ít người có cái khả năng ấy...
Và tôi nghĩ cô là một người như thế.
Rồi chàng nhìn nàng với một cái nhìn tìm kiếm, tôn thờ và đốt cháy làm nàng hơi hoảng sợ. Nàng nghĩ chàng là một người lý tưởng rối loạn. Chẳng trách gì chàng đã lôi nàng đi khỏi cái đám ca kỹ đêm hôm đó.
Chàng nghĩ chàng nhìn thấy gì ở nàng? Nàng đặt tay lên cánh tay chàng và khẽ nói:
- Ông sẽ làm tôi rất sung sướng nếu chúng ta có thể là bạn, nếu ông cho phép tôi gặp lại ông.
- Cô biết tôi cũng rất muốn thế mà.
Chàng ngồi thẳng dậy, trong một cố gắng che giấu cảm nghĩ, chàng đổ nước trà trong tách của nàng vào ống nhổ, và rót cho nàng một tách mới.
- Tôi có làm cô thấy buồn tẻ không?
- Trái lại. Tôi chưa bao giờ thích gì hơn.
- Tôi muốn nói chuyện với cô hơn là với bất cứ ai khác. Tại Hàng Châu đây, có bao nhiêu người hiểu tôi nói gì?
- Và tôi thì sao? - Nàng hỏi một cách lẳng lơ.
- Tôi nghĩ cô hiểu. Cô nổi bật trong trí tôi như một cái gì độc nhất.
- Tôi sợ Ông sẽ thất vọng.
- Không, không bao giờ. Tôi cảm thấy thế. Đó là lý do tôi rất muốn tình bạn của cô.
- Ông làm gì?
- Tôi làm trong nha môn. Trong văn phòng của quan Tuần Vũ. Người ta phải có nghề để sinh sống. Tôi có vợ và một đứa con trai kháu khỉnh. Tôi có một gia đình hạnh phúc, nếu cô muốn hiểu như vậy - như mọi người khác.
- Tại sao ông nói "như mọi người khác"?
- Tôi muốn nói tôi là một người chồng tốt và là một người dân tốt và đóng thuế, và tất cả những thứ đó.
Nàng lập lại, "Và tất cả những thứ đó." - Đừng hiểu lầm tôi. Tôi mến phục vợ tôi. Nàng là một người đàn bà tuyệt vời. Nàng có tất cả những thứ mà một người đàn ông mong đợi ở một người vợ, và như tôi đã nói, tôi có một đứa con trai mười tuổi, rất đáng yêu.
- Tôi rất thích bữa nào được gặp họ.
- Cô sẽ gặp họ.
Mẫu Đơn cảm thấy dễ chịu khi An Đắc Niệm nói cho nàng biết về vợ chàng, và không tìm cách lừa dối nàng.
Mẫu Đơn trở về với một khích động nội tâm chừng mực vì nghi ngờ. An Đắc Niệm làm nàng hào hứng bằng một cách khác hẳn; chàng cũng mảnh khảnh như Mạnh Giao, và trẻ hơn, và nói chuyện với một sự hăng hái tuổi trẻ tuyệt diệu, bằng những lời nói đẹp đẽ. Từ thái độ của chàng và tất cả những gì chàng nói, chàng để cho nàng nghĩ rằng chàng tôn thờ nàng, và nghĩ đến nàng bằng những ý nghĩ lý tưởng; cái vụ lộn xộn trong ngày tang lễ đối với chàng là một giây phút huy hoàng của một mối tình lớn, đáng được ca ngợi. Mặt khác, chàng chưa bao giờ đặt tay lên người nàng; chàng đang muốn có một tình yêu thơ văn; chàng sẽ dạy nàng làm thơ và viết văn, không phải là người đàn ông với người đàn bà, nhưng là một thi nhân với một người con gái ái mộ. Và chàng đã thẳng thắn cho hiểu rõ rằng chàng có một gia đình hạnh phúc với vợ và con trai.
Do đó, thực là kinh ngạc hơn nữa khi nàng nhận được thư chàng, kèm theo một bức bút thiếp của chàng, một lá thư dài hai trang giấy, một phần bàn về văn chương với đề nghị nàng nên chọn đọc tác giả nào, một phần kể cho nàng về đời sống riêng của chàng, bằng giọng văn chân thành và vô tư, có một ám chỉ cá nhân nàng:
"Giọng của cô dịu dàng và du dương, và mái tóc của cô rất thích hợp với khuôn mặt cô." Một câu hỏi lớn hiện lên trong trí nàng. Chính cái câu có vẻ ngớ ngẩn, không đúng chỗ ấy chứng tỏ rằng chàng đang che giấu một cảm giác sâu xa về nàng đằng sau những lời dài dòng ấy. Tại sao chàng không đòi gặp nàng? Nàng viết cho chàng một hồi âm ngắn, cám ơn chàng vì tấm bút thiếp, mà nàng nói sẽ đóng khung treo bên cạnh giường. Nàng viết thêm một cách khó hiểu trong Tái bút, "Tôi nhớ ông lắm vì từ lúc gặp ông, tôi cảm thấy cô đơn. Tôi cảm thấy đúng như ông cảm thấy. Tôi gọi cái cảm tình này bằng tên gì, nó không giống bất cứ cái gì mà tôi cảm thấy từ trước?" Một lá thư thứ hai đến một tuần sau, mà vẫn không có lời yêu cầu gặp nàng. Phải chăng chàng chủ tâm tự kiềm chế không nhảy xuống mối tình đang nảy nở? Chàng sợ chính chàng, hay chàng sợ vợ? Giọng viết vẫn vô tư, không nói đến một cái gì quan trọng, cách nói chuyện không đâu, tránh né cái điều mà chàng muốn nói. Mặt khác, chàng nói rất lo lắng mong đợi thư trả lời của nàng, và gửi cho nàng hai tấm hình của nàng, "như tôi nhớ lại trong lần gặp nhau". Hành động này nói rõ ràng hơn là lời nói. Do đó nàng chắc rằng chàng yêu nàng tha thiết, nhưng sợ. Tất cả chỉ có thế? Có phải chỉ là mối tình trao đổi bằng thư tín? Nàng viết thư trả lời:
“Người bạn thân mến, Đắc Niệm, cám ơn anh. Lá thư của anh đưa tôi vào một giấc mơ mà tôi không muốn tỉnh dậy. Nếu đúng như thế, tôi sẽ say sưa tận hưởng mỗi giây phút mà anh đã tặng tôi bằng sự hiện diện của anh.
Tôi rất sung sướng được biết anh muốn biết tin tôi, cũng như tôi lo lắng chờ đợi thư của anh từng ngày. Nỗi lo lắng của chúng ta giống nhau; niềm mơ ước của chúng ta cũng giống nhau.
Tay tôi run rẩy khi tôi cầm tấm chân dung của tôi do anh vẽ, và nhìn theo những đường vẽ yêu dấu của anh trên tấm vẽ phác. Tay tôi bao giờ cũng run rẩy khi nhận được một lời nhắn gửi của anh.
Anh phải cho tôi biết tất cả mọi thứ, mọi thứ anh suy nghĩ hoặc cảm thấy, tất cả những gì anh yêu thích. Tại sao chúng ta giới hạn gò bó chúng ta khi thời gian trôi đi và chúng ta ao ước gặp lại nhau đến như thế?” Nàng nhớ lại tất cả về nàng, tuổi thơ ấu, hôn nhân, sự tìm kiếm một lý tưởng, tìm "cái gì có ý nghĩa" cho nàng. "Nếu anh có điều gì kể cho tôi, hoặc thú với tôi, xin đừng ngập ngừng, và tôi sẽ hành động như vậy." Chàng trả lời và xin nàng gặp chàng tối hôm sau tại một khách sạn bên bờ con kinh đào. Hai người sẽ di chơi đâu đó và cùng ăn tối với nhau và bàn về cuộc đời của họ. Nhưng lá thư - lần này là một lá thư dài - cũng rất thành thực và thú nhận rất dài về sự bất như ý với chính chàng, là một người đàn ông và là nhà thơ, và về nỗi ao ước về một đời sống mới do mối tình mới ban cho, một mối tình không thể dứt được và rất lôi cuốn, đã dẫn chàng tới "đỉnh tột cao của cái đẹp nhưng cũng dẫn chàng xuống đáy thẳm của tuyệt vọng." Chàng nói có cái gì xảy ra cho chàng, một cái gì "không giải thích được và chưa từng có," và mối tình ấy đã thay đổi cuộc đời quanh chàng. Tình yêu này thiếu hẳn sự kiềm chế mà trước kia chàng đã đặt ra cho chàng.
Nàng xúc động vì lá thư, mặc dù nàng cũng cảm thấy ít nhiều cảm xúc của chàng; lá thư đã gợi ra một sự khép lại lần cuối cùng cái khoảng cách giữa hai người, cái khoảng cách mà hai người đã cẩn thận giữ khá lâu.
Nàng đi gặp chàng với trái tim hồi hộp. Cuối cùng, nàng đã tìm thấy ở chàng một người có đồng quan điểm như nàng về tình yêu, và hứa hẹn một cuộc đời lý tưởng, như Bạch Huệ đã tìm thấy ở Như Thủy. Nàng chắc rằng nàng yêu chàng và muốn có chàng. Nhưng nàng cũng biết nàng lại gặp một người đã có vợ, đã có gia đình. Dường như tình huống ấy đem lại cho tình yêu của hai người cái hương vị ngọt ngào chua chát mà nàng thích thú. Nàng đã biết từ kinh nghiệm với Phùng Nam Đạt rằng một người trẻ thì kém chín chắn; và dĩ nhiên những người chín chắn hơn thì thường đã có vợ rồi. Làm thế nào một thanh niên hai mươi hai tuổi, như Phùng Nam Đạt, có thể hiểu sự thỏa mãn phong phú đầy đủ của tình yêu và sự giày vò trong một người đàn bà đã hoàn toàn trưởng thành? An Đắc Niệm cống hiến cho nàng tất cả những gì nàng muốn - chàng đẹp trai, một người trông rất trẻ nhưng lại chín chắn, đã tôn thờ nàng chỉ vì nàng đã làm một việc bất bình thường.
An Đắc Niệm đã chọn một khách sạn tại bờ kinh là nơi không ai biết họ. Sự hẹn hò bí mật khích động nàng.
Cái lối vào tối tăm gia tăng thêm sự khích động khi nàng được dẫn vào phòng.
Nàng khẽ gõ cửa. An Đắc Niệm mở cửa, chào đón nàng bằng sự vui thích rất trẻ trung làm nàng rung động cả người. Mắt hai ngưòi nhìn nhau một giây ngắn ngủi và tràn ngập ý nghĩa. Chàng trông có vẻ bối rối khi chàng khẽ thốt lên "Mẫu Đơn!", rồi bỗng kéo nàng vào lòng cho một nụ hôn lâu dài và tay ghì chặt người nàng. Nàng tựa đầu lên vai chàng, thưởng thức hơi ấm của người chàng, và như thế đã đầu hàng cái phần sâu xa nhất của nàng. Cả người nàng run rẩy vì khích động. Rồi nàng ngẩng đầu, vẫn ôm chàng, phủ mặt chàng bằng những nụ hôn nhẹ và âu yếm.
- Đắc Niệm, anh không thể tưởng tượng anh làm em sung sướng như thế nào.
Nàng có thể cảm thấy vòng tay của chàng xiết chặt hơn nữa, và sự khao khát của cái miệng ấm áp ấy ngậm lấy miệng nàng. Dục vọng dâng lên đã biến đổi hẳn chàng - chàng không còn là nhà thơ biết tự kiềm chế nữa.
Chàng nói, "Hãy tha thứ cho anh," và dịu dàng vuốt tóc nàng. Chàng trông đầy cảm hứng.
- Tha thứ cái gì?
- Anh không biết. Em biết anh cảm thế nào về em?
Có một cái gì vụng về con nít ở chàng. Chàng ôm nàng ngồi xuống một cái ghế. Mẫu Đơn ngồi trên lòng chàng, vẫn ôm chàng, cảm thấy bên trong nàng mềm ra, như muốn tan thành nước. Khi nàng ở trong trạng thái như thế, nàng không thể nói lưu loát được nữa.
- Đắc Niệm, anh có chịu làm một việc cho em nếu em yêu cầu anh không? Có quá đáng khi yêu cầu anh yêu em thật nhiều, và không bao giờ quên em không?
- Anh chưa bao giờ cảm thấy sâu sắc về một người đàn bà như thế này. Tại sao em phải nói thế?
- Bởi vì em sợ.
Nàng thoát ra khỏi vòng tay của chàng và bước lại cửa sổ. Đắc Niệm đi theo nàng, hai tay ôm nàng, xoay người nàng lại, và hôn nàng say đắm. Nước mắt lóng lánh trong mắt nàng. Chàng hỏi:
- Em sợ gì?
- Sợ mất anh. Em cần anh. Em đã đi tới cuối con đường. Trong lúc anh hôn em lúc nãy, em biết em yêu anh, và với tình yêu của anh, em có thể giải thoát khỏi tình yêu của Tần Châu.
Nàng choàng tay ôm lấy chàng và hôn chàng đắm đuối, rồi bỗng ngừng lại và năn nỉ chàng xác nhận, "Hãy nói cho em biết anh yêu em nhiều... Nói lại đị.. thật nhiều... Anh sẽ không bao giờ, không bao giờ quên em?" Đắc Niệm trả lời bằng một nụ hôn thật dịu dàng, say mê, kéo dài. Khi ôm thân thể mềm mại của nàng, người chàng rôn ràng rung động. Chàng ở trong trạng thái đam mê và mắt chàng lộ ra điều ấy. Chàng biết chàng vô cùng xúc động trong lần gặp đầu tiên, và chàng đã cố gắng mà vẫn không thể quên được nàng.
Chàng đã tới để tìm một sự bảo đảm rằng nàng yêu chàng, cũng nhiều bằng chàng yêu nàng, và bây giờ biết rõ tình yêu của nàng tràn đầy, hoàn toàn và không còn nghi ngờ nàng nữa.
Chàng dìu nàng xa khỏi cửa sổ và trịnh trọng đặt nàng ngồi trên giường, và kéo cho mình một chiếc ghế ngồi đối diện. Nàng ngồi bỏ chân trên giường, và kéo một cái gối tựa lưng. Nàng thực là đẹp mê mẩn, với nước da trắng thơm tho và đôi môi mọng đỏ khẽ hé trong lúc nàng im lặng nhìn chàng. Một câu trong một bài thơ lãng mạn chợt hiện ra trong trí chàng - "Trời sinh ra nàng như thế, để yêu và để được yêu." Khi nàng nằm xuống, đôi mắt nâu nhạt mơ màng vẫn nhìn khuôn mặt chàng lốm đốm trắng do ánh trăng chiếu qua cửa sổ. Sự im lặng của nàng lúc đó làm tăng thêm sự quyến rũ bí mật về sắc đẹp; bằng cách im lặng nàng đã nói lên tất cả. Chàng ghé lại gần, cầm tay nàng và thì thầm:
- Mẫu Đơn, hãy nghe anh. Anh tôn thờ em. Làm thế nào anh có thể diễn tả tình yêu của anh đối với em bằng lời? Anh không dám hy vọng. Anh phải mất hai hoặc ba ngày mới viết được lá thư ấy. Anh không dám tin rằng em yêu anh. Nhưng anh phải nói ra, hy vọng em không bị xúc phạm. Em không thể biết em đã làm gì trong cái đêm đi xe ngựa ấy, lúc anh và em va vào nhau - nhớ không? Em biết suốt cuộc đời, anh vẫn đi tìm một lý tưởng. Phải, người ta nói anh là một người thành công, không có gì phải than phiền cả. Anh có nhiều bằng hữu, một gia đình tốt, một địa vị khá. Nhưng đôi khi anh cảm thấy anh khao khát tình yêu, một cái gì vươn lên thật cao, một tình yêu ngự trị. Anh cảm thấy trống rỗng, em có hiểu anh muốn nói gì không?
Em có biết em là một người con gái khác thường không? Đừng phủ nhận điều này. Em có biết một cái nhìn của em, một tiếng thì thầm của giọng em, có thể thay đổi màu sắc và âm điệu của cả thành phố cho anh không? Căn phòng nơi em ngồi buổi chiều ấy sẽ không bao giờ như cũ đối với anh. Em không thể biết thế đâu. Em đã biến đổi tất cả. Mỗi lần anh ra hội quán, anh cảm thấy một sự thúc đẩy phải vào căn phòng ấy, và chỉ để nhìn cái ghế nơi em đã ngồi.
Mẫu Dơn khẽ cười khúc khích ngọt ngào trong lúc chàng tiếp tục nói, "Em bỏ đi, và biến đổi căn phòng ấy.
Sự hiện diện của em vẫn còn đó. Anh gọi trà cho hai người uống. Người hầu bàn cười. Nhưng anh ngồi đó một mình. Một việc kỳ lạ:
anh nhớ lại lần trước cũng có những cái tách trắng xanh ấy, và em uống từ một trong những cái tách ấy. Anh nhớ là vì anh rót trà cho em và cái tách có một cái vết sứt nhỏ. Không, đừng cười. Thực khó kể cho em. Thực là một phép lạ. Có một cảm giác, một sự khích động về cái tách mà em đã đặt môi vào. Anh đặt nó tại đấy và anh không đụng đến, và cũng không uống từ cái tách ấy. Bởi vì môi em đã ban ân sủng cho nó rồi. Và anh nhớ chỗ em để chân dưới bàn trà lúc em ngồi trong cái ghế ấy. Em thấy anh thực là vụng về khi cố kể cho em cái chuyện không thể xảy ra được. Anh ngớ ngẩn lắm phải không?" Chàng ngừng lại một giây. Vẻ mặt Mẫu Đơn trở nên nghiêm trọng. Chàng lại nói tiếp, hào hứng hơn, "Anh không dám yêu em. Anh không dám hy vọng. Thế mà bây giờ anh đã bước vào một vùng mà anh chưa bao giờ biết. Trước kia anh đã làm những việc điên rồ - anh đã rồ dại. Bây giờ anh trở nên ngớ ngẩn. Ngớ ngẩn còn hơn là rồ dại." Hai tay nàng ôm chàng và nàng bật lên một tiếng rên, "Ôi, An Đắc Niệm của em!" Hai người nằm như thế, yên lặng, sống trong một thế giới khác.
Rồi nàng hỏi, "Anh có muốn em không? Hãy chiếm đoạt em nếu anh muốn. Em là của anh." Nàng hoàn toàn thụ động và để chàng chiếm đoạt nàng trọn vẹn. Đây là một trong những mối tình tuyệt vời nhất mà nàng biết.
Rồi nàng cảm thấy một sự tự do mới và hạnh phúc dâng lên, một cơn lụt tràn ngập và xóa nhòa quá khứ của nàng, và giải thoát nàng khỏi sự ám ảnh của Tần Châu.