Sườn đồi mùa thu chói lọi với màu đỏ và vàng trên hai bên bờ sông khi hai người tới Phú Xuân Giang. Ở miền nam này, rau cỏ rất là tươi tốt. Những ghềnh đá chênh vênh cao hàng trăm thước trên bờ. Dòng nước sông rộng và sâu, và núi thì cao chót vót, đổ bóng tối xuống nhuộm mặt nước thành một màu lục trong xanh như ngọc. Quang cảnh đẹp đẽ một cách tự nhiên. Cả vùng này, nơi Phú Xuân Giang và Thiên Mộc Giang nhập với nhau từ Yên Châu tới Kinh Hạ, là vùng đất đai tốt và thương mại phồn thịnh. Những thuyền bè chuyên chở hàng hóa tới thủ phủ danh tiếng Hàng Châu. Đây không còn là những ngọn đồi trơ trọi của miền bắc nữa, mà là những vùng đất cao hùng vĩ lộng lẫy với rừng xanh và chim hót, trải xuống hàng trăm dặm từ rặng núi Hoàng Sơn lừng lững tuyết phủ, bắt đầu từ miền nam An Huy. Phú Xuân Giang có nghĩa là con sông giầu về mùa xuân.
Mạnh Giao và Mẫu Đơn ngồi chung thuyền với hơn một chục hành khách khác. Bạch Huệ đã trở về trước một ngày để sửa soạn đón tiếp khách. Hai người cảm thấy hoàn toàn cô đơn trong chiếc thuyền; Mẫu Đơn nói chuyện suốt chặng đường, an tâm biết rằng chẳng ai biết họ là ai - tự do và cô đơn với sự quyến rũ của rặng núi con sông muôn đời tươi mát, và hai trái tim dâng hiến cho mối tình đang nẩy nở. Nàng biết một cái gì không tránh khỏi, một cái gì sẽ xảy ra đêm hôm ấy.
Con thuyền dừng lại Đông Lục, tại đó một vài hành khách xuống thuyền. Đây là một bến sông có một hai đường phố trải sỏi. Như Thủy, đội nón người Hồi màu đen, đang đứng trên bến chào đón và đưa họ về nhà. Chiếc nón cao càng làm cho thân mình cao của chàng cao hơn. Trong cái làng ven sông này, ai cũng biết chàng. Gầy, mảnh khảnh và trắng xanh, chàng đẹp trai một cách khác người; nước da trắng xanh và bộ ria mỏng khéo tỉa khiến chàng trông hấp dẫn hơn. Tại sao, thực khó mà giải thích, nhưng chàng thường mặc một chiếc áo choàng không cài nút cổ, và trễ xuống như một chiếc bao tải.
- Bạch Huệ đang đợi anh chị Ở nhà. Cô nàng rất tiếc không thể đích thân xuống đón khách quý được.
Mạnh Giao trả lời, "Anh tới đón là tốt quá rồi." Như Thủy thuê phu mang hành lý lên, và đã thuê ba chiếc kiệu. Mạnh Giao hỏi:
- Chúng ta không đi bộ lên được ư?
- Khá xa đấy - khoảng hai dặm.
Mạnh Giao quay lại Mẫu Đơn. "Em nghĩ sao?" - Trời đẹp quá. Tại sao chúng ta không đi bộ?
Như Thủy đề nghị, "Bây giờ thế này. Chúng ta hãy dùng kiệu, và chúng ta có thể bước xuống đi bộ bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Tôi đã mang theo hai cây gậy để chống đây." Mẫu Đơn vui vẻ trả lời, "Như vậy thú vị lắm." Rồi nàng nắm lấy một cây gậy sần sùi, thô sơ, dường như được chặt ra từ khu rừng ở đây. Nàng vui sướng chớp mắt ngó quanh, khuôn mặt rạng rỡ. Như Thủy nhận xét:
- Chị vui vẻ như vậy thực là tốt.
Mấy người phu kiệu trẻ tranh nhau để được khiêng nàng. Họ la lên, "Mời cô lại đây!" hoặc "Hãy dùng kiệu của tôi!" Một chiếc kiệu miền núi rất là đơn sơ, chỉ gồm có một cái ghế đan bằng tre có một mảnh ván làm chỗ để chân, và được khiêng bằng hai chiếc sào lớn buộc vào thành ghế. Mẫu Đơn bước lên một chiếc kiệu; rồi chiếc kiệu được khiêng lên và bắt đầu lên núi. Nàng trông thấy chiếc nón đen của Như Thủy nhấp nhô đằng trước trong khi kiệu của Mạnh Giao đi phía sau.
Được nửa đường, nàng trông thấy cái đuôi rực rỡ của một con chim trĩ chạy lẩn trốn vào rừng. Nàng quay lại và chỉ cho Mạnh Giao. Mấy người phu kiệu vội la lên:
- Cô ơi, xin ngồi yên!
Mấy người phu khác cũng kêu lên như vậy. Đây là một việc rất quan trọng đối với họ, khi bị tất cả sức nặng đè mạnh lên vai.
- Tôi xin lỗi... Tại sao chúng ta không xuống kiệu cho họ khỏe đôi chút. Tại sao chúng ta phải khiêng như thế này khi mà chúng ta thích đi bộ?
Mạnh Giao và Như Thủy cũng cảm thấy như vậy và đồng ý. Ba chiếc kiệu dừng lại. Khi nàng bước xuống, một phu kiệu nói:
- Cô tử tế quá.
Nàng rất dễ tính và thân thiện với phu kiệu. "Tôi có nặng quá không?" - Không đâu, thưa cô. Bất cứ khi nào cô muốn ngồi kiệu lại, xin cho chúng tôi biết. Chúng tôi hân hạnh được khiêng cô.
Tất cả đã xuống kiệu, và đứng ngắm những đỉnh núi chung quanh một giây lát. Phu khiêng kiệu đứng lau mồ hôi bằng những chiếc khăn đen đem theo. Người già nhất đang thở hào hển. Mạnh Giao nói:
- Thúc thúc cứ nghỉ đi. Còn bao xa nữa?
- Chúng ta đã đi được hai phần ba con đường. Từ đây chỉ còn chừng hai mươi phút nữa.
Con đường chạy chữ chi qua một khu rừng toàn những cây dương. Đó đây rễ cây hoặc đá nhô lên mặt đường. May mắn là con đường đất đỏ khô ráo và dễ đi. Ba người cứ tiếp tục đi, và bọn phu kiệu theo sau.
Như Thủy chú ý đặc biệt đến Mạnh Giao, tuy là một nho sĩ mà đi rất vững chắc bên cạnh. Như Thủy nói:
- Anh coi cái ông già đi đằng sau. Tôi ngồi kiệu của ông ta một ngày gió lớn. Gió cuồng nộ suốt con đường.
Được nửa đường ông ta cảm thấy không thể tiếp tục được nữa. Ông ta ho dữ lắm. Tôi bảo ông ta để tôi xuống đi bộ và cho ông ta và người bạn khiêng kiệu về. Anh biết sao không? Tôi trả tiền mướn kiệu, nhưng ông ta không nhận, và nói, "Không được, tôi phải khiêng ông lên tới nơi. Bây giờ tôi không làm được, tôi không lấy tiền đâu." Tôi phải ép buộc ông ta nhận, và ông ta nhận như là một món quà tặng, chứ không phải là tiền ông ta kiếm được. Ông ta là một người thuộc giới cổ. Bây giờ chúng ta tìm đâu ra được những người như thế?
Khi ra khỏi khu rừng, họ lên tới vùng đất cao đã được san phẳng. Quay nhìn lại, họ trông thấy một cái làng nhỏ bé sâu bên dưới. Bên tay phải, sườn núi dốc thẳng. Bên ngoài sườn núi tối tăm này, những chỏm núi màu xanh xám chồng chất lên tới trời. Từ đằng xa một thác nước đổ xuống, lấp lánh trong ánh nắng như một sợi chỉ bạc nhỏ sáng rực. Không khí trên núi mát mẻ hơn. Thực là lạ lùng chỉ lên cao một dặm mà họ đã bước vào một thế giới hoàn toàn mới lạ, tại đó hoa và cây cối khác hẳn bên dưới, và không khí ngửi như mùi rượu nho. Mẫu Đơn nói với Mạnh Giao:
- Có giống thiên giới không?
Mạnh Giao hỏi Như Thủy, "Trong núi này có thú rừng không?" - Có thỏ rừng - anh có thể trông thấy chúng nhảy nhót quanh đây - và một loại nai đầu nhỏ. Còn có rất nhiều lợn rừng. Nghe nói có cả gấu nữa, nhưng tôi không biết rõ. Anh có săn thú không?
- It khi lắm.
- Tôi cũng không muốn săn bắn thú rừng.
- Anh sống ở đây có vẻ cô đơn.
- Tại trên chỗ tôi ở, có một nhà nông dân nữa ngoài nhà của chúng tôi. Thỉnh thoảng, một người chăn cừu cũng tới, và chúng tôi nghe thấy tiếng cừu kêu. Thực tình chúng tôi không có gì cống hiến cho anh, ngoại trừ không khí trên núi - nhiều lắm.
Mạnh Giao tỏ ra thích Như Thủy ngay. "Anh là người rất giống tâm hồn tôi. Nhưng ít người có cái may như anh." Mẫu Đơn tỏ ra rất sung sướng. "Không phải vậy sao? Phải can đảm mới dám lên đây sống xa cách mọi người." Họ hăm hở bước tới bờ sông, nơi có một căn nhà. Như Thủy nói với phu khiêng kiệu, "Tôi không nghĩ chúng tôi ngồi kiệu nữa. Các ông có muốn lên dùng một tách trà không, hay là các ông muốn quay về ngay?" Những người phu kiệu nói trời có thể tối ngay, và họ muốn về nhà nếu không cần đến kiệu nữa. Chỉ có một người đi theo. Người đó vác hành lý và sẽ nhận tiền khiêng kiệu cho những người khác. Chỉ vào một cái khe trên bờ sông về bên trái, Như Thủy nói:
- Một con đường dẫn qua cái khe này, tới chỗ câu cá của Yên Tử Linh.
- Thật là ngoạn mục. Ngày mai chúng ta sẽ ra xem.
- Gió tại đó mạnh khủng khiếp khi cuốn theo cái khe núi. Gió có thể thổi bay cả nón.
Mẫu Đơn nói với Mạnh Giao, "Này, khoan đã! Ngày mai là ngày song-cửu. Và tên anh cũng giống cái tên đó trong lịch sử. Có phải là ngẫu nhiên không?" Vào thế kỷ thứ tư cũng có một nhà thơ tên là Mạnh Giao, và ông ta đã làm cho cái ngày mùng chín tháng chín được nổi tiếng. Vào ngày ấy, ông ta mất mũ mà không biết, và Mạnh Giao thường nhắc nhở đến chuyện này. Mạnh Giao nói:
- Anh không nhớ đến chuyện ấy.
- Tôi cũng vậy. Nhưng Bạch Huệ nhớ. Chúng ta sẽ ăn mừng.
Sau khúc quanh của một đỉnh đồi, căn nhà của Như Thủy hiện ra trước mắt, ẩn hiện sau khúc quanh kín đáo của ngọn đồi. Ngay sau đó họ trông thấy một hình dáng màu trắng bước ra. Mẫu Đơn bước vội tới và kêu lên:
- Bạch Huệ!
Bạch Huệ vẫy tay chào lại, và rồi chạy xuống đồi để gặp hạn. Nàng trông như lướt xuống chứ không phải là bước đi, bằng một cử động mau lẹ như một con báo. Nàng rất mảnh khảnh. Mạnh Giao trông thấy hình dáng thanh tú của nàng và cái mũi thẳng nhọn. Tóc nàng chải gọn về phía sau, như Mẫu Đơn, và nàng mặc rất đơn sơ, áo chẽn và quần. Nàng nhìn ông hàn lâm chăm chú, người khách nàng gặp lần đầu. Mọi người giới thiệu với nhau. Nàng mỉm cười rất duyên dáng để lộ một hàm răng trắng rất đẹp và nói, "Tôi rất hãnh diện được anh tới thăm." Mạnh Giao trả lời lịch sự như thường lệ. Chàng ngẩng đầu lên, đọc cái tên của căn nhà khắc màu lục, "Ngoài Cõi Hồng Trần", và khen:
- Cái tên nhà thực là hay!
Mẫu Đơn giọng đầy vui thích hứng khởi, "Hãy chờ lúc anh trông thấy cảnh ở sân sau đã." Tất cả đi vào nhà. Bạch Huệ không thể rời mắt khỏi người khách đặc biệt, bởi vì nàng đã biết bí mật của bạn, và nhìn Mạnh Giao như là người yêu của Mẫu Đơn hơn là nhìn một nhà học giả. Bên trong nhà rất sáng sủa, thoáng khí và rộng rãi; đồ đạc thì đơn sơ không cầu kỳ. Một đôi dép hồng nằm trơ vơ ngay giữa sàn gỗ. Như Thủy phải kêu lên:
- Trời ơi, Bạch Huệ! Anh tưởng em đã dọn dẹp nhà cửa đôi chút để đón khách rồi.
Nàng ngọt ngào cười với chồng, "Em chưa dọn hả? Em đã làm hết sức mình rồi mà." Mẫu Đơn nheo mắt cười ròn rã. Nàng bảo Mạnh Giao, "Em đã nói gì với anh?" Mạnh Giao có vẻ khá ngạc nhiên. "Thật là tuyệt vời. Anh chị đã tạo được một tổ ấm yêu đương tại đây, một thế giới riêng của anh chị!" Chàng nghĩ rằng căn nhà này trông sẽ kém một tổ ấm yêu đương nếu đôi dép hồng không nằm chình ình giữa sàn nhà.
Trên tường là những kệ sách không quá thô sơ, trên đó những cuốn sách nằm ngả nghiêng. Một bàn hút thuốc phiện kê ở phía tay phải. Mạnh Giao hỏi:
- Anh hút thuốc phiện hả?
- Không, chỉ là một đồ trang trí thôi. Bạch Huệ muốn có nó ở đấy. Nó làm cho căn phòng có vẻ ấm cúng, nhất là khi ngọn đèn được đốt lên vào ban đêm.
Rồi Như Thủy mời, "Nào, để tôi cho anh chị xem vườn của tôi." Chàng dẫn hai người ra sân sau trông xuống con sông. Khoảng gần một trăm thước bên dưới là dòng sông Phú Xuân Giang lặng lờ và trong xanh. Một chiếc thuyền câu buộc vào bờ đá, trông giống như một chiếc lá tre. Bên kia sông, một ngọn núi nhô lên trên cái bờ đá dốc, phía trên đang rực lên với những cây dương đỏ run rẩy còn phản chiếu ánh mặt trời, còn bên dưới nhạt dần thành những đám mây tím, nâu, và vàng. Về hữu ngạn, con sông một phần bị che khuất, nhưng bên tả ngạn, họ có thể trông thấy một giải đồng quê trải dài đến tận đằng xa. Mạnh Giao hỏi:
- Vườn của anh đâu?
Như Thủy trả lời bằng một sự hài hước lặng lẽ và rõ ràng. "Đây là vườn của tôi. Vườn này thay đổi bốn mùa một năm, và tuyệt diệu hơn thế nữa là tôi không phải bỏ ra một đồng xu để chăm sóc." Mạnh Giao hiểu. Khi ba người trở vào phòng khách, Bạch Huệ dẫn Mẫu Đơn đến phòng của nàng ở hướng bắc mà Như Thủy vẫn dùng làm một phòng ngủ phụ khi chàng muốn nghỉ ngơi ban ngày. Như Thủy dẫn Mạnh Giao vào thư phóng nối liền với phòng ngủ ấy. Một bình nước để sẵn trên bàn đầu giường.
- Tôi tin anh sẽ có đủ mọi thứ anh cần. Anh sẽ muốn tắm và nghỉ ngơi đôi chút.
- Thật là hoàn toàn.
Mạnh Giao vui vẻ trả lời, và rất hài lòng với sự sắp đặt của gia chủ.
Như Thủy xin lỗi phải đi vào bếp. Bạch Huệ dẫn Mẫu Đơn vào phòng ngủ của vợ chồng nàng để chuyện trò. Một lúc lâu lắm hai người mới trở ra, để thấy Mạnh Giao đang đi loanh quanh một mình, ngắm nhìn cái vườn cảnh nhỏ bên ngoài cửa sổ thư phòng. Trông thấy Bạch Huệ, Mạnh Giao hỏi:
- Như Thủy đâu?
Bạch Huệ trả lời, "Anh ấy ở trong bếp." Mẫu Đơn nói thêm, "Như Thủy là một đầu bếp giỏi." Đối với Mạnh Giao, Như Thủy là một sự bí mật. Tên chàng có nghĩa là "giống như nước," lấy từ câu nói thâm thúy của Lão Tử:
"Phần hay nhất của con người giống như nước... Nó nằm ở những nơi thấp mà ai cũng coi thường." Chàng muốn học hỏi về cá tính của Như Thủy. Chàng hỏi:
- Anh ấy làm nghề gì?
Bạch Huệ trả lời, "Anh ấy chẳng làm gì cả và làm đủ mọi thứ. Anh ấy đang làm món đầu cừu hầm để đãi anh bây giờ. Thỉnh thoảng anh ấy cũng vẽ nữa, những khi anh ấy muốn. Anh ấy viết những bài thơ dở dang, nhưng bận tối ngày. Anh ấy vẽ kiểu đồ đạc của chúng tôi, trồng rau, và giúp con bác nông dân tưới vườn..." Nhưng Bạch Huệ không giải thích cho chàng tại sao Như Thủy chọn lối sống đó. Một người phải có một sức mạnh tinh thần mới có thể hạnh phúc và bằng lòng khi không làm gì cả. Có lẽ một người có tinh thần hài hước sâu sắc và thông minh dí dỏm, biết rõ đời người, và cố gắng hưởng tối đa cuộc đời, và ít nhất không làm hư hỏng cuộc đời. Có Bạch Huệ là bạn đường, chàng dường như thực hiện được giấc mộng có được một cuộc sống hài lòng.
Trước hết, một người không thích sát sinh mà trở thành một chuyên viên nấu đầu cừu là một sự mâu thuẫn.
Chàng không giết thú vật, nhưng chàng cũng không phải là một người ăn chay, không thèm ăn thịt. Khi chàng ở trong bếp đi ra, hai tay bưng một cái nồi bằng đất, mặt chàng rạng rỡ niềm vui và hãnh diện trong cái món ăn phải nấu đặc biệt này. Quả thực chàng là một tay nấu đầu cừu cừ khôi, và món này phải ăn lúc còn bốc nóng. Mạnh Giao nhận được vị của rượu vang và một vài thứ rau trong món ăn. Sụn đã được hầm nhừ trở thành một chất keo mềm; những thứ khác được thêm vào để tăng thêm mùi vị. Như Thủy nói với khách:
- Ở trên núi này chúng tôi không có nhiều thứ để đãi anh chị. Nhưng chúng tôi có món thịt cừu ngon lành.
Với món này và rượu vang hâm nóng, tôi hy vọng anh chị có thể hoàn toàn thoải mái và sung sướng đêm nay. Tôi nghĩ tôi nấu món này rất vừa.
Chàng đứng dậy và chọn những miếng thịt ngon nhất, gắp vào chén của Mạnh Giao và Mẫu Đơn, cùng với hành và nấm trong nước chấm. Rượu được nâng ly mừng khách, và mọi người bày tỏ lòng ưa thích món ăn của Như Thủy. Mạnh Giao hỏi:
- Hãy cho tôi biết tại sao anh chọn cái tên ấy cho biệt xá này? Nghe hơi buồn, phải không?
Như Thủy trích lời của Trang Tử:
"Những người xuất chúng thoát ra ngoài sự đau đớn dày vò của dục vọng và do đó trở thành bất tử. Chúng ta chưa phải là những người bất tử, và sẽ chẳng bao giờ có thể. Anh có thấy lời nói nghe có vẻ kỳ cục không, quan Hàn Lâm?" - Chắc chắn nghe có vẻ là cái tên thích hợp cho một tổ ấm yêu đương.
- Có lẽ nó có cái hương vị ấy. Điều tôi muốn nói là chúng ta có cái đời cảm thụ được, đời sống của cảm giác và cảm xúc. Tôi không nghĩ chúng ta nên chê bai nó, nhưng mà phải tận dụng được cái hay của nó.
Trên tất cả, chúng ta không nên làm hư hỏng nó, cách mà con người làm trong xã hội và trong chính trị. Tôi chỉ có ba luật lệ nhỏ bé cho riêng tôi:
Đừng làm tổn thương người, đừng giết thú vật, và không phí phạm một hạt gạo. Về mặt tích cực thì chỉ có một luật lệ:
Tôi phải biết ơn được sống, biết ơn tất cả những thứ mọc lên và sống quanh ta. Ngay trong việc thực hiện những hành động tầm thường nhất, chúng ta cũng phải vui sướng vì tặng phẩm này của đời sống. Tại sao Đào Khảm sáng nào cũng khiêng một trăm viên gạch ra ngoài và tối lại khuân vào? Tôi nghĩ ông ta biết hưởng cái tặng phẩm của đời sống.
Mạnh Giao hiểu; tất cả chủ nghĩa lãng mạn của thế kỷ thứ tư đã bộc lộ ra trong người chủ nhà. "Tôi nghĩ anh đang cố gắng chấp nhận cuộc đời này, cuộc đời của ham muốn và cảm giác, và tận hưởng đến tối đa cái đời sống ấy. Chắc anh đã làm món đầu cừu này ngon đến tận cùng rồi." Như Thủy có thói quen nhăn mũi và nếp nhăn hai bên mép sâu thêm mỗi khi chàng hài lòng hoặc vui thích.
Chàng trả lời bằng cái giọng dịu dàng, "Anh đã hiểu trọng điểm của tôi. Nếu không có hoa thì không có gì để nói; nhưng vì có hoa thì hoa phải được ngửi. Nếu không có tiếng chim hót thì chẳng có gì để nói; nhưng vì có tiếng chim hót thì chúng ta phải lắng nghe. Vì có đàn bà thì đàn bà phải được yêu thương và trân quý.
Vì có một hương vị tuyệt diệu không gì sánh được trong đầu con cừu, thì ta phải lấy ra cho được hương vị ấy để thưởng thức. Như thế con cừu không chết một cách vô ích. Nhưng tôi sẽ không ra tay giết con cừu.
Tôi không quan tâm nếu có ai giết cừu. Đối với tất cả và đời sống con người cũng vậy. Tại sao chúng ta không để yên cho người và vật? Đó là lý do tại sao tôi không bao giờ làm việc cho nhà nước. Hãy để mặc con người sống. Con người rất tốt... Tôi xin lỗi, tôi nói nhiều quá rồi. Chắc là tôi uống hơi quá chén." Mạnh Giao lên tiếng, "Trái lại, tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Bây giờ tôi mới biết tại sao anh chị sống hạnh phúc như vậy. Tôi thực tâm dồng ý rằng nếu chính phủ cai trị ít hơn thì con người sẽ hạnh phúc hơn." Sau bữa tối, bốn người bước vào thư phòng. Mẫu Đơn năn nỉ Bạch Huệ cho Mạnh Giao coi những bức vẽ chân dung của nàng. Nàng chọn ra khoảng hai chục tấm. Đấy là những bức họa nghiên cứu đặc biệt về chân dung. Bạch Huệ dường như cảm hứng hơn trong những bức vẽ nông dân hoặc những người nghèo.
Một bức vẽ một người khờ trong làng dường như đem lại cho nàng một sự sảng khoái đặc biệt. Nàng giải thích rằng có nhiều cá tính trên mặt một ngư phủ, người bẫy thú hoặc người chăn cừu tầm thường, hơn là những người giầu có ăn uống no đủ thoa? mãn trong thành phố. Những bức vẽ là một sự cống hiến nổi bật cho lòng nhạy cảm của nàng đối với đời sống và cảm xúc và cá tính của người nghèo. Có một sự hứng khởi tuyệt vời trong những bức vẽ một người ăn mày tàn tật, một người ngớ ngẩn, một bà già nhà quê chống chiếc gậy mục đồng. Như Thủy giúp giơ những bức vẽ từng cái một trong cung cách của một người chồng yêu kính vợ. Đôi khi nàng nói thành thực, "Tôi thích bức này," và đôi khi nàng bĩu môi trong một thái độ khiêm tốn khi một bức vẽ của nàng được khen ngợi.
Mạnh Giao rất thích thú khám phá ra cặp vợ chồng trẻ này. "Cuộc đời của anh chị thực đáng sống! Thành thực mà nói, tôi không nghĩ nhiều đến cuộc đời có vợ. Nhưng bây giờ tôi thấy anh chị sống như một đôi chim câu rù rì, và tôi có thể thay đổi ý kiến." Bạch Huệ nói một cách trầm trọng, "Tôi nghĩ cái làm cho đời đẹp là tình yêu, cái tình cảm đi vào đời từ bên trong chúng ta. Dường như cuộc đời có quá nhiều sự xấu xa, đau khổ - quá nhiều đau đớn và khổ lụy. Anh chị có thể nhìn thấy những con mắt ao ước và những cái miệng đói khát, tất cả kêu đòi một sự thoa? mãn.
Có quá nhiều giết chóc và thù ghét nhau, trong thiên nhiên cũng như trong con người. Tuy nhiên, trí tưởng tượng trong con người đã tái tạo cuộc đời, bằng cách đưa ra sự phản chiếu của cuộc đời - không phải cuộc đời thực - chúng ta có thể tháo gỡ chúng ta ra, và bằng tình yêu nghệ thuật, chuyển đổi cái xấu xa và sự đau khổ thành một cái gì dẹp đẽ để nhìn." Như Thủy nói thêm, "Các bạn thấy đấy, cô ta có cả một lý thuyết về hội họa." Bạch Huệ trông thật dẹp đẽ dưới ánh đèn, bởi vì nàng rạng rỡ với tình yêu.
Đó là Bạch Huệ, tất cả con người của nàng. Tuy Mẫu Đơn cũng cảm thấy giống như Bạch Huệ, nhưng nàng không nói rõ ràng khúc chiết bằng. Bạch Huệ thường có thể giúp Mẫu Đơn diễn tả những ý tưởng phôi thai chưa rõ về tư tưởng và xúc cảm của nàng. Khi có Bạch Huệ bên cạnh, Mẫu Đơn có thể nói về những tư tưởng và cảm giác sâu kín nhất một cách dễ dàng, hơn là bên cạnh cha mẹ hoặc em gái.
Bạch Huệ bây giờ ăn nói như một bà chủ nhà tế nhị, "Các bạn có một ngày dài rồi. Tôi chắc các bạn muốn đi nghỉ." Nàng chỉ vào một bình đầy trà nóng và khách an tâm có đủ mọi thứ cần dùng cho ban đêm.
Giường của Mạnh Giao ở trong thư phòng đã làm sẵn, trong khi giường của Mẫu Đơn đặt ở trong phòng ngủ phụ ngay bên cạnh. Khi Bạch Huệ và Mẫu Đơn từ giã đi ngủ, trong mắt hai người có những tia nhìn đầy ý nghĩa.
Khi cửa khép lại, Mẫu Dơn hỏi, "Anh có thích bạn em không?" - Thích vô cùng. Thật là một đôi xứng đẹp!
- Em rất muốn anh gặp họ.
Lần đầu tiên hai người ở riêng một mình. Mạnh Giao có linh cảm chuyện gì sẽ xảy ra. Chàng rất ao ước được gần gũi riêng với nàng. Chàng đã trông thấy một sự gợi ra chớp nhoáng bằng nụ cười trên môi Mẫu Đơn khi Bạch Huệ bỏ nàng lại. Nhưng chàng cố gắng kiềm chế mình, cảm thấy rằng chàng không nên lợi dụng Mẫu Đơn, cho đến khi nào nàng bằng lòng đầu hàng.
Hai má của Mẫu Đơn đỏ bừng lên và nàng tránh nhìn thẳng mắt chàng. Chàng ngồi vào cái ghế của Như Thủy và mở một cuốn sách trên bàn. Nàng bước lại bàn giấy và đứng đối diện với chàng. Khuôn mặt trái soan xinh đẹp, hàng lông mi đen lấp lánh trong ánh sáng dịu của ngọn đèn, và cái bụng tròn của nàng dè tựa vào cạnh bàn. Bỗng nàng cúi xuống và hỏi, "Anh đang xem gì thế?" - Chỉ là một cuốn sách của Như Thủy.
Mặt hai người gần nhau, và chàng có thể trông rõ con ngươi run rẩy của nàng ngay trước mặt, phô bày một sự hấp dẫn và bí mật có từ ngàn đời. Rồi tay nàng nắm lấy tay chàng, nhìn chàng thật âu yếm. Nàng dường như phấn đấu chống lại một sự xấu hổ bên trong. Chàng khẽ hôn tay nàng và gọi, "Tam muội." Nàng bước ra xa và hỏi, "Anh có muốn uống trà không?" Nàng bước lại chiếc bàn bên cạnh giường, rót một tách trà và đem lại cho chàng. Chàng cũng đứng dậy, bước lại gần nàng. Mắt hai người gặp nhau trong một cái liếc vội và bối rối. Nàng nhìn chàng và nhìn tách nước đang cầm cẩn thận trong tay, để tỏ ra là nàng đang vướng bận. Chàng cầm tách trà, đặt lên bàn.
Cánh tay hai người bỗng ôm choàng lấy nhau, cùng một lúc và như bản năng. Môi họ tìm nhau và gắn chặt lại, trong một sự thoa? mãn cuồng nhiệt của ao ước và tình yêu. Đầu nàng tựa vào cổ chàng. Chàng nghe thấy hơi thở gấp của nàng và cảm thấy hơi ấm áp từ cái thân thể mềm mại của nàng. Bỗng nàng ngẩng lên, hai khuôn mặt thật gần và nói, "Gãi lưng cho em. Em ngứa quá." Chàng làm theo lời nàng và thò tay vào dưới chiếc áo chẽn. Đây là một nhiệm vụ bất thường nhất mà chàng được yêu cầu phải làm.
- Tận trên vai ấy. Xin anh nhẹ tay một tí.
Nàng nói và tựa đầu vào vai chàng, và khẽ cười khúc khích. "Về bên trái một chút... Ôi thích quá! ... Thấp xuống... thấp xuống nữa." Mạnh Giao nghĩ chàng chưa bao giờ gặp một phụ nữ nào giống nàng. Chàng hỏi, "Em uống trà không?" và đưa cho nàng tách trà nàng vừa đem đến, chỉ để tỏ ra chàng đang làm một việc khác.
Nàng cầm lấy tách trà và hít hương thơm. "Còn anh?" Nàng bước lại và rót một tách khác cho chàng. Nàng vừa nhấp trà vừa nói:
- Em không buồn ngủ. Nếu anh chưa đi ngủ, em sẽ ở lại đây một lát.
- Không, chưa tới chín giờ mà. Anh thường đọc sách tới nửa đêm.
- Vậy thì em ở lại.
Mạnh Giao là một người lớn tuổi. Trong khi chàng biết rằng chàng sẽ sung sướng vô ngần nếu chiếm được nàng trọn vẹn, nhưng chàng vẫn chờ đợi sự đầu hàng của nàng - và chỉ khi nào nàng cũng muốn thế. Đây cũng là do lòng kính trọng nàng như một người em họ. Về phần nàng, nàng đã sửa soạn dâng hiến cho chàng đêm nay, thế mà nàng vẫn tự kiềm chế, vì nàng vẫn yêu thích người đàn ông này từ xa. Chàng rút một điếu thuốc lá và giả bộ như đang đọc một vài lời ghi chép của chuyến đi Phúc Châu.
Nàng bước lại và nằm xoài lên giường bên cạnh tường.
- Nếu anh không bận tâm, em sẽ nghỉ lại đây, trong lúc anh làm việc.
- Anh có làm gì đâu.
Một người đàn ông có thể lúng túng ngượng ngịu hơn người con gái trong những lúc như thế. Phải cố gắng nhiều mới tự cởi bỏ được luân lý và thân xác.
Nàng nắm lấy một cuốn sách từ sau đầu giường và ráng đọc. Dăm phút vụng về của một sự yên lặng hồi hộp trôi qua. Nàng lên tiếng:
- Đại ca, chắc anh không bực mình em quấy rầy anh. Trước kia có bao giờ anh yêu không?
- Anh nghĩ anh có yêu một lần, lúc anh còn rất trẻ. Anh không muốn nói đến chuyện này. Tại sao em muốn biết?
- Tại vì em muốn biết tất cả về anh.
- Phải, anh có lần yêu một cô gái. Cô ta đẹp lắm. Trời ơi, cô ta thực là đẹp! Nhưng cô ta đã bỏ anh vì một người giầu có. Đó là kết cuộc của mối tình.
Nàng thở dài thật sâu. "Không có tình yêu nào bằng tình yêu đầu." - Phải, em nói đúng lắm. Thoạt đầu anh đau khổ lắm. Rồi anh mau lẹ quên được. Tình yêu với cô ta chỉ là trò chơi. Từ đó anh tránh né đàn bà.
Chàng đã kể lại một chuyện tình vụng về, bởi vì không những chàng khinh tởm mà còn không để tâm tới chuyện ấy. Chàng không biết làm gì nên châm một điếu thuốc. Đẩy ghế lùi lại, chàng đứng bên cạnh cửa sổ, quay lưng về phía nàng.
Chàng nghe thấy nàng nói, "Đưa cho em một điếu thuốc." Chàng quay lại thấy nàng ngồi dậy và lấy mền che người. Chàng đốt một điếu thuốc, lại ngồi trên giường và đưa cho nàng. Không nói một lời, nàng lặng lẽ uốn môi thành một vòng tròn mời gọi và kéo chàng lại. Hai người hôn nhau thật lâu, và nàng uống nụ hôn của chàng như thể đang giải thoát cho một cơn khát dai dẳng và đau khổ.
"Ôi, Mạnh Giao!" Đây là lần đầu tiên nàng gọi cái tên Mạnh Giao.
Chàng trìu mến vuốt ve mặt nàng. "Tam muội, em không thể tưởng tượng được anh cảm thấy thế nào khi anh phải xa em - trên thuyền, trên đường bộ, trên ngựa, vượt qua những rặng núi cao - anh luôn luôn tưởng tượng có em bên cạnh. Anh dường như mất hồn, như thể đã đánh mất một phần hồn của mình. Anh ao ước một lời nói của em. Anh giữ mấy chữ ngắn ngủi em để lại trên thuyền, chỉ có ba chữ:
"Viết cho em".
Mẩu giấy ấy giúp anh nhiều lắm, mấy chữ ít ỏi từ tay em viết ra, và cảm thấy sự hiện diện của em bên anh." - Em nhận được hai lá thư tuyệt diệu của anh.
- Anh không bao giờ muốn xa em nữa. Em là của anh - mãi mãi, đời đời.
Nàng gắn một nụ hôn nữa và nói rất tự nhiên, "Em cũng vậy. Tắt đèn đi. Lại đây với em." Chàng bước lại tắt đèn. Ánh trăng trong chiếu qua cửa sổ, trắng hơn và rõ hơn ở dưới thung lũng. Chàng bắt đầu cởi áo choàng. Khi chàng nhìn lên, chàng trông thấy nàng đang liệng vớ và quần áo xuống sàn nhà bên cạnh giường, từng cái một.
Rồi thân thể và tâm hồn hai người hoà tan với nhau trong một cơn mê ly ngây ngất của đau đớn và hoan lạc, như thể tất cả sự ao ước của thân xác cuối cùng đã tuôn ra trong một cơn giải thoát tràn ngập. Hai người kết hợp thành một. Âm và dương nhập làm một, bầu trời rung chuyển và tinh tú rụng rời, và không gì còn lại, chỉ trừ sự dâng hiến và vuốt ve lẫn nhau, và cái cảm giác được đưa tới những nơi xa lạ của thời nguyên sơ. Chỉ còn lại cảm giác của da thịt. Dường như hai người đang chết đi trong địa cầu tối đen và trong một cơn đau đớn và hoan lạc vô bờ, như thể trong một cái chết như thế họ có thể trở thành thần thánh. Rồi những cử động dồn dập và quay cuồng như cơn lốc chậm lại, trong khi tay nàng lần mò khắp người chàng, tìm kiếm, mân mê, xoa nắn, và vuốt ve bằng những bàn tay ấm áp, ngọt ngào và thân yêu.
Nàng hỏi:
- Anh có thoa? mãn không?
- Thoa? mãn lắm.
- Em cũng vậy.
Những tiếng rên rỉ khe khẽ, gấp rút và còn trong cổ họng nàng. "Xin anh đừng nghĩ xấu về em. Em chỉ yêu anh - yêu điên cuồng." - Em không muốn về phòng của em ư?
- Không.
Và hai người cứ tiếp tục nói chuyện và làm tình. Chàng rất đỗi ngạc nhiên khi thấy cái thân hình nhỏ nhắn của nàng lại tràn trề quá nhiều dục tình cuồng nhiệt đắm say mặn nồng như vậy. Bây giờ trong cái bóng tối lờ mờ trước buổi bình minh, chàng nhìn nàng nằm ngủ, nổi bật nhất là đôi môi cong lên và hàng lông mi dài đen nhánh; cái cửa sổ tâm hồn của nàng khép lại, những cái chớp mau lẹ và cử động của bắp thịt bên dưới mắt nàng lắng dịu thành một buổi bình minh yên lặng trong một vũng nước biển sau một đêm bão tố. Thân thể trắng ngần của nàng là một hình thể hoàn hảo khiến chàng ngạc nhiên mê thích. Lúc ấy chàng yêu nàng biết bao, toàn thể con người của nàng, tinh thần, linh hồn và thân thể nàng. Thay vì là một sự trùng dịu sau cơn thoa? mãn, hoặc là một sự dễ chịu và giải thoát từ một gánh nặng của xác thịt, chàng cảm thấy một chiều sâu mới của linh hồn vì đã biết rõ những nơi kín đáo nhất trên thân thể nàng; đó là một sức mạnh mới, bởi vì sự hợp nhất của hai người không phải chỉ là một sự thoa? mãn nhục dục, mà là sự thần phục hoàn toàn của hai tinh thần đã được tạo ra cho nhau. Đêm nay đã cho chàng một kích thước mới về tình yêu mà trước kia chàng không biết và không nghĩ là có thể có được; chàng khám phá một chiều sâu mới về con người chàng, trước cái ánh sáng và sức mạnh mà nàng đã dâng hiến chàng, và làm ngập hồn chàng.
Chàng đốt một điếu thuốc và thấy đồng hồ đã chỉ bốn giờ. Chàng khẽ vỗ vai nàng, và gọi:
- Tam muội. Em nên về phòng của em đi, để giữ thể diện bề ngoài.
Nàng chỉ trả lời, "Không về. Ở đây ấm quá," rồi lại ngủ tiếp.
Mãi tới gần sáng khi con gà trống nhà người nông dân bên cạnh gáy sáng, chàng mới có thể khuyến dụ nàng miễn cưỡng trở về giường riêng của nàng.
Vì còn trẻ, nàng thức giấc vào lúc tám giờ sáng mà không mệt mỏi gì. Mọi người đã dậy rồi, vì Như Thủy là người quen dậy sớm, và Bạch Huệ làm một cố gắng đặc biệt để dậy sớm ngày hôm nay.
Mẫu Đơn không cần son phấn. Ngay khi rửa mặt xong, nàng bước ra bàn điểm tâm, tươi như một bông hoa cúc. Bạch Huệ đang ngồi một mình tại bàn ăn. Nàng ngẩng lên nhìn Mẫu Đơn và hỏi bằng một nụ cười bí mật, "Xảy ra chưa?" Mẫu Đơn mỉm cười gật đầu.
- Không cần phải bảo tôi cũng biết ngay mà. Chị có cái vẻ tuần trăng mật trên mặt.
Ngay sau đó hai người đàn ông bước vào. Không ai nói một điều gì bất tiện. Họ bàn về chuyến đi chơi đến chỗ câu cá nổi tiếng, cách nhà khoảng nửa dặm. Như Thủy nói:
- Không biết đất trồi lên hay là biển thụt xuống ba chục thước trong hai ngàn năm qua; nếu không thì Yên Tử Linh không thể câu được con cá nào tại chỗ ấy.
Mạnh Giao cười một cách ranh mãnh. "Chúng ta có ba ngôi mộ Lý Bạch, tất cả đều được coi là mộ thực của ông ta. Người ta tin cái họ muốn tin." Bạch Huệ xen vào, "Tình cảm mới là điều quan trọng. Yên Tử Linh có thể không ngồi câu tại đúng chỗ ấy.
Nhưng người ta muốn chứng tỏ lòng yêu mến kính trọng cho một nơi ẩn dật nổi danh." Khoảng mười giờ, mọi người ra đi. Tuy nhiên tới chỗ khe núi, một cơn gió cuồng gây khó khăn nếu cứ tiếp tục. Mẫu Đơn nói:
- Tôi không muốn đi nữa.
Nàng không quan tâm đến việc đi thăm một thắng cảnh lịch sử. Nàng sống quá nhiều trong hiện tại nên không còn cảm giác cho quá khứ.
Bạch Huệ biểu đồng tình, "Nếu chị không đi thì để đàn ông đi thôi. Tôi đã thăm chỗ ấy nhiều lần rồi." Trong lúc Như Thủy và Mạnh Giao tiếp tục đi thì hai người đàn bà quay về nhà. Hào quang của ái ân đêm trước vẫn còn bao phủ mặt Mẫu Đơn.
- Chị nói đã chia tay với Tần Châu rồi. Anh ta phản ứng thế nào?
- Chàng không có lựa chọn. Chàng hỏi tôi tại sao, và tôi không thể đưa ra lý do. Tôi chỉ bảo chàng tôi yêu một người khác. Chàng vẫn không tin. Chàng không thể đoán là Lương Hàn Lâm. Dĩ nhiên khi một người con gái nói "Tôi yêu một người khác" hoặc "Tôi không yêu anh nữa", thì người đàn ông có thể làm gì, ngoại trừ chấp nhận thua cuộc?
- Chị không nói chị không còn yêu anh chàng nữa.
- Đúng như vậy.
- Nhưng làm sao chị có thể như thế, sau những năm vừa qua? Điều đó không đúng.
- Đúng mà... Khi tôi rõ ràng thấy chàng không thể ly dị vợ được, thì tôi sẽ làm gì? Sống làm người tình cho chàng ư? Chàng đề nghị chuyển về Hàng Châu để chúng tôi gặp nhau thường hơn. Tôi phải giải quyết. Tôi có thể làm gì trừ ra nói rằng tôi không yêu chàng nữa?
- Dĩ nhiên chị không có ý ấy.
- Tôi rất buồn cho chàng. Chàng giận lắm. Chàng trả lại tôi lọn tóc, và đốt thư của tôi. Chàng rút hình tôi ra khỏi ví, và trả lại tôi.
- Tôi nghĩ anh ta sẽ làm như vậy. Anh chàng chắc đau đớn lắm.
- Đau lắm... nhưng cuối cùng chúng tôi chia tay như hai người bạn.
Bạch Huệ im lặng một lát. Rồi nàng nói, "Tất cả những cái đó chẳng có nghĩa gì cả. Anh ta chỉ tức giận thôi.
Tôi không tin anh ta hết yêu chị, và chị cũng không thể hết yêu anh ta." Hai ngưòi tiếp tục nói về chuyến đi Bắc Kinh của Mẫu Đơn, cho đến khi hai người đàn ông trở về. Buổi chiều, Bạch Huệ đề nghị đi thăm một con suối ưa thích nhất của nàng, nơi nàng thường tới để vẽ phác.
Gần con suối là một cái thác nhỏ, chỉ cao khoảng hơn hai thước, mà nàng gọi là "thác của tôi", và bên dưới cái thác là một vũng nước chỉ dài hơn bảy thước, nơi Như Thủy thích ra ngâm nước vào mùa hè. Chỗ ấy cảnh rất đẹp và vắng vẻ. Những tảng đá trắng sạch sẽ nghiêng xuống dòng nước, và hai bên bờ, thông và tùng mọc xanh um.
Bạch Huệ nẩy ra một ý nghĩ nên thơ, tổ chức một buổi chơi ngoài trời và nướng cá ngay bên bờ suối, vì nàng biết bạn nàng thích ý kiến đó lắm. Như Thủy mua vài con cá chép trong làng, và bây giờ nàng lo nhóm lửa. Khi lửa cháy đỏ hồng, nàng đem cá ra nướng, từng con một trên ngọn lửa. Những con cá chép này rất nhỏ, chỉ dài vài phân; Mạnh Giao rất thích thú cái vẻ nghiêm trọng trẻ con của Bạch Huệ trong việc nướng những con cá nhỏ ấy.
Như Thủy bật cười. "Chỉ có vài miếng thôi, không đáng công đâu. Anh đã mua mấy con cá cốc khô tẩm đường rồi." Bạch Huệ có vẻ bị tự ái và nói, "Thôi, xin làm ơn im lặng!" Mắt nàng rớm lệ.
Cả bốn người ngồi quanh một tảng đá bên cạnh con suối và bắt đầu ăn. Cá thật là ngon, nhưng mỗi con chỉ được vài miếng. Như Thủy sửa soạn mở bọc cá khô thì Bạch Huệ chặn lại:
- Xin đừng. Em muốn hôm nay là một kỷ niệm đặc biệt và anh lại sắp sửa làm hỏng rồi.
Như Thủy không hiểu một người đàn bà có thể nghĩ thế nào khi ăn cá khô trong một buổi đi chơi ngoài trời.
Chàng làm lành bằng cách vỗ vai nàng một cách trìu mến lặng lẽ, và cọ mũi vào tóc nàng.
Bạch Huệ vẫn còn bực mình và nói, "Đứng đắn một tí nào." Nhưng hiển nhiên nàng thích được Như Thủy săn sóc yêu thương như thế.
Mẫu Đơn bảo Mạnh Giao, "Anh, hãy lội xuống suối đi. Chúng ta nên bỏ mặc hai người tình ở lại." Mạnh Giao hỏi, "Chúng ta đi về hướng nào?" - Có một chỗ bên dưới rất tốt, từ đó chúng ta có thể nhìn thấy tất cả thung lũng bên dưới.
Nàng cầm tay dẫn chàng đi theo một lối đi dọc theo bờ suối, bước đi trước trong cái dáng vẻ trẻ trung nhún nhẩy. Mạnh Giao chưa bao giờ biết một người đàn bà đầm ấm lộng lẫy, độc lập và lạ kỳ như thế.
- Em biết chỗ này hả?
- Phải, em đã đến đây rồi.
Hai người đi chậm lại, hai cánh tay quàng ôm nhau, hai thân thể sát vào nhau. Nàng hỏi:
- Anh có sung sướng không?
- Từ trước anh chưa bao giờ sung sướng hơn thế này. Đây là một nơi quy ẩn tuyệt vời. Anh nghĩ rằng khi chúng ta sống ở Bắc Kinh cùng với em gái của em, chúng ta phải thận trọng hơn.
- Em không lo chuyện ấy. Em là chị nó, và em có tự do của em. Nó sẽ biết hết chuyện tình của chúng ta - nó phải biết. Nhưng em chưa thấy người nào bình tĩnh như Hải Đường. Nó không bao giờ nói bậy bạ, hoặc để một lời vụng về ra khỏi miệng.
Nửa đường xuống con suối là một tảng đá bằng phẳng nhô ra dòng nước. Mẫu Đơn đề nghị:
- Hãy trèo lên ngồi trên tảng đá này.
Hai người ngồi sóng vai nhau, hôn nhau và nhìn cảnh hoàng hôn ngả từ màu vàng rực rỡ sang màu tím và xanh đậm, trong lúc ngôi làng bên dưới đã nằm trong bóng tối.
Khoảng gần một giờ sau, hai người nghe tiếng Bạch Huệ gọi. Mẫu Đơn ngồi dậy và trông thấy vợ chồng bạn bên trên. Bạch Huệ cho biết họ định đi về nhà. Mẫu Đơn vẫy tay cho họ và la thật to, "Anh chị về nhà trước đI." Nàng ngồi xuống rất sung sướng. "Bây giờ anh có thể nhìn quanh, và không thấy một người nào khác trong vũ trụ này, ngoài chúng ta." Nàng nằm xuống tảng đá, co hai chân lên, trông thật là thỏa thích. Chàng cúi nhìn nàng và trông thấy đôi mắt nâu của nàng phản chiếu bầu trời có những vệt tối và trở thành một bầu trời màu lục.
- Anh không thể tìm được một nơi nào hay hơn chỗ này.
Bỗng nàng nhỏm dậy và nói, "Nào đi." Mạnh Giao ngạc nhiên hỏi, "Đi đâu?" Nàng đưa tay cho chàng nắm, cùng nhảy xuống tảng đá và đi bộ dọc bờ suối. Nàng dẫn chàng tới một bãi cỏ quang kín đáo và bên ngoài không thể nhìn thấy. Nàng nằm dài lên cỏ. Lúc ấy nàng trông giống một nữ thần của rừng xanh, nhìn chàng trân trối, hoặc nhìn những đám mây hồng đậm trôi cao trên bàu trời đang tối dần. Nàng thì thầm:
- Thật là thần tiên!
Mạnh Giao cảm thấy trọn vẹn sắc đẹp và tuổi trẻ của nàng. Chàng ngồi xuống, ngắm nàng thật gần, trái tim chàng tràn đầy một áp lực mạnh mẽ. Chàng nói:
- Thực là tuyệt vời.
- Cái gì tuyệt vời?
- Giây phút này - Ở đây với em...
Nàng quay lại, lặng lẽ chăm chú nhìn chàng, ngực nàng nhấp nhô thực rõ ràng. Nàng nói:
- Anh làm em bị khích động.
- Em là ma quỷ.
Chàng đổi thế ngồi và gục đầu vào ngực nàng, lắng nghe tiếng thì thầm ngọt ngào của nàng. Chàng nói, không nhìn nàng, "Em biết chuyện này sẽ xảy ra khi em dẫn anh xuống đây, đúng không?" Nàng gật đầu. Sự chống đỡ của chàng xụp đổ. Kể từ đêm hôm qua, mối liên hệ giữa hai người thay đổi hẳn; không còn sự e thẹn và giới hạn nữa. Hai người đã trở thành bình đẳng với nhau, chàng hoàn toàn là một người đàn ông và nàng hoàn toàn là một người đàn bà. Nàng vuốt ve đầu chàng đang tựa trên ngực nàng và nói, "Hãy tử tế với em. Hãy làm hôm nay thành một ngày đáng ghi nhớ cho em." Khi cuối cùng hai người ngồi dậy, một ngày tháng Chín ngắn ngủi đã trở thành hoàng hôn. Nàng lên tiếng:
- Chúng ta phải về nhà. Họ đang chờ chúng ta về ăn tối.
Nàng cố vuốt lại mái tóc cho gọn ghẽ. Chàng hôn nàng và cám ơn nàng.
- Cám ơn cái gì?
- Vì đã cho anh quá nhiều tình yêu, quá nhiều hoan lạc.
- Đàn ông các anh lầm rồi. Anh nghĩ đàn bà chỉ biết cho khoái lạc, và quên rằng đàn bà chúng em cũng thích như đàn ông các anh.
Khi nàng ngồi dậy để sửa soạn, chàng trông thấy vai áo nàng có dính những vết màu cỏ; khi chàng nhặt một con đom đóm bị đè bẹp trong háng nàng, nàng đập vào tay chàng và nói:
- Cái anh này kỳ quá!
- Tam muội, từ khi biết em, mỗi ngày anh một yêu em hơn. Cơn nổi hứng bất ngờ của em đã đưa anh xuống đây.
- Đó là vì em yêu anh, vì anh gây kích thích cho em.
Bây giờ nàng mặc quần áo xong rồi. Khi hai người bước ra khỏi chỗ rừng trống, chàng nói, "Với bản chất của em, anh nghĩ em sẽ là một người vợ tốt, trung thành với chồng mãi mãi, hoặc là một người con dâu kiểu mẫu." Nàng lắc đầu và trả lời bằng thái độ ngay thẳng thường lệ của nàng. "Một người con dâu ngoan thì có lẽ được; nhưng một người vợ trung thành thì không." - Em muốn nói...
- Có thể không phải. Nếu em yêu chồng em, thì em sẽ là người vợ trung thành. Nhưng em không yêu chồng. Em ghét anh tạ..
- Làm thế nào em không trung thành trong một đời sống kín cổng cao tường như thế?
- Nếu muốn thì bao giờ cũng có cách.
- Em dám thế à?
- Em có thể liều lĩnh tất cả cho anh ấy.
- Anh ấy là ai?
- Xin đừng hỏi em. Chuyện đó vẫn còn đau đớn. Hãy để chuyện này là một bí mật của em.
Mạnh Giao đi bên cạnh nàng, cảm thấy toàn thân nàng dường như run rẩy.
- Anh sẽ không hỏi nữa.
Nhưng mắt nàng đã ướt; nàng thở dài não nuột. "Ôi, em yêu anh ấy lắm! Nhưng đó là chuyện quá khứ và đã qua rồi. Đó là trước khi em gặp anh..." Mạnh Giao lặng lẽ nghe nàng nói, và nghe thấy nàng nói tiếp, "Đại ca, bây giờ em chỉ yêu một mình anh, không ai ngoài anh rạ.." Giọng nàng như năn nỉ, "Xin đừng hỏi em. Chuyện ấy vẫn còn đau kinh khủng." - Vậy thì anh không muốn biết nữa. Anh chỉ có ý hỏi sao em có thể đối phó với chuyện đau lòng ấy?
- Em đã nói với anh, khi nào muốn thì bao giờ cũng có cách.
Chàng không dò hỏi gì thêm nữa. Tay trong tay, hai người quay trở lên núi trong cái bóng tối buông xuống mỗi lúc một nhanh. Khi họ về tới nhà, bầu trời đã hoàn toàn tối đen. Bữa ăn tối đang chờ họ.