Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tuyệt Tình Ca

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24002 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuyệt Tình Ca
Nguyễn Vạn Lý

Chương 20

Ngày hôm ấy Mẫu Đơn đã tạo ra một vụ tai tiếng và cả thành phố sôi nổi bàn tán. Nàng đã làm một việc chưa hề có trong lịch sử Hàng Châu. Đàn ông rất khoái chí, đặt những chuyện đùa tục tĩu, và ước ao có một người đàn bà đẹp như thế khóc trước quan tài của họ. Các bà vợ phẫn nộ tức giận, và bắt đầu nhìn chồng một cách dò xét; một số đàn bà trẻ và gái chưa chồng thì thèm muốn sự can đảm của Mẫu Đơn. Nếu Mẫu Đơn cứ tới, cúi lậy quan tài, và biến mất, thì không ai nhận ra. Nhưng nàng đã tạo ra một vụ tai tiếng cho chính nàng, cho người yêu và gia đình người yêu.
Một sự việc như thế là nguồn vật liệu cho những chuyện ngồi lê đôi mách thú vị. Những người ra về sớm hối tiếc họ không ở lâu hơn để được nhìn tận mắt cái cảnh hai người đàn bà kêu gào trước quan tài của một người đàn ông. Những người đến trễ nghe thấy chuyện này thì lấy làm tiếc tại sao không đến sớm hơn.
Phần đông khách của tang lễ là những người thuộc giới thượng lưu ở Hàng Châu. Câu chuyện được mau lẹ truyền đi, từ gia đình này tới gia đình khác, từ quán trà này tới quán kia, và thường bị bóp méo và thêm bớt chi tiết. Người ta biết nàng đã lén lút vào bệnh viện thăm chàng mỗi ngày, và nàng là người tình bí mật của chàng trong những năm mà Tần Châu được coi là một người chồng gương mẫu. Về sau người ta biết thêm nàng là Tam muội nổi tiếng của họ Lương, và tuy là một goá phụ, nhưng nàng không thể "ngủ một mình" và rời bỏ gia đình nhà chồng chỉ ba tháng sau khi chồng chết.
Người vợ cảm thấy nhục nhã và mất mặt trước công chúng, đến nỗi bà ta vội bỏ về nhà cha mẹ tại Tô Châu ngay sau tang lễ. Bà ta không quan tâm nếu chồng bao một gái điếm và giấu kín chuyện ấy - chỉ cần không ai nói ra nói vào.
Về phần Mẫu Đơn, nàng hối tiếc điều nàng đã làm, nhưng cũng cảm thấy hân hoan thỏa mãn. Khi biết tang lễ của Tần Châu, nàng không thể không tham dự, và khi đã đến, nàng không thể tránh khỏi khóc lóc đau đớn như nàng đã làm.
Sáng hôm sau cha nàng phản đối kịch liệt. "Bây giờ hãy nhìn việc con đã làm! Chuyện này sẽ lan ra khắp thành phố trong ba ngày. Đi khóc trước một quan tài không phải của mình, quan tài của chồng một người đàn bà khác! Thực là sỉ nhục! Thế mà con đã hành động như thế!.... Con có biết con gây nên cái gì cho gia đình nhà người ta, cho chính con, và cho ba?" Mẫu Đơn chỉ thất thần im lặng.
- Có bao giờ con dừng lại và nghĩ cho ba không? Khi còn bé, tính khí con thất thường, bướng bỉnh, phải làm cho được theo ý mình. Tại sao con lại chọn một người đã có vợ?
- Anh ta yêu con, và con yêu anh ta. Anh ta lấy vợ trái với ước nguyện. Anh ta bảo con anh ta yêu con chứ không yêu vợ.
- Thế là con vẫn gặp hắn sau khi hắn lấy vợ! Ba xấu hổ cho con... Con không cần phải lẳng lợ..
Mẫu Đơn cảm thấy nghẹt thở. Cha nàng sẽ không bao giờ hiểu nàng. Nàng đóng xập cửa và bước ra khỏi nhà. Khi ra ngoài, nàng thở ra nhẹ nhõm. Không để ý chung quanh, nàng đi ngang qua một cái chợ, và sau khi rẽ một vài lần trong những ngõ hẹp, nàng tới bờ hồ. Đây là một khu nghèo của thành phố; một cái bến câu cá có những tấm ván cũ kỹ dẫn ra xa bờ, đầy rác rưởi. Một con chó đang đánh hơi ở bờ nước và chẳng kiếm được gì. Nàng đi dọc bờ hồ, ngang qua một khách sạn loại rẻ tiền, tại đó nàng biết một vài gái điếm thuê phòng tháng. Lớp sơn mỏng màu trắng trên tường đã bong ra loang lở, trông như những hòn đảo trên một bản đồ. Một tấm bảng hiệu đã phai màu treo tại cổng, mang cái tên "Hoàng Sơn Lầu." Xa xa bên dưới còn có những khách sạn và quán trà rẻ tiền hơn nữa. Nàng bước vào một quán trà; vào giờ đó không có khách, chỉ có một vài người bồi đang lau bàn.
Nàng cảm thấy chán nản đến nỗi nàng quay trở ra và đi về hướng nam, dọc theo bờ hồ cho đến khi nàng tới Thiên Vương Miếu. Cái sân đất nện bằng đất sét đỏ phía trước trồng những cây bách, một chốn nương náu an toàn cho chim chóc vì tại đó cấm bắn chim. Nàng bước tới ngồi trên một ghế đá bên bờ hồ.
Đây là lần đầu tiên sau một tháng nàng trông thấy Tây Hồ nằm trước mặt - một hình ảnh im lặng dưới bầu trời đầy mây xám nặng nề, che khuất những đỉnh núi cao. Trên hồ chỉ có vài con thuyền. Chỗ Bạch Đê cũng vắng vẻ, chỉ có một vài du thuyền đang buông neo.
Lòng nàng tràn ngập một cảm giác cô đơn, sau một tháng bị căng thẳng tình cảm, để rồi chấm dứt bằng một giấc mộng tan vỡ. Nàng cảm thấy rất mệt mỏi, tim trống không và khô cằn như quang cảnh mùa đông trước mắt. Cuộc sống dường như bỏ nàng. Không ai hiểu nàng, không có ai ngoài Bạch Huệ. Mọi thứ dường như khô cằn, không quan trọng, và mất hết ý nghĩa.
Nhiều ngày trôi qua. Nàng vẫn ở trong cái trạng thái trống rỗng ấy, ôm chặt lấy kỷ niệm, nuôi dưỡng nỗi đau trong trái tim nhức nhối, mỗi khi nghĩ tới mối tình đã mất của nàng. Vì nàng không thèm trả lời, nên cha nàng cứ làm nàng đau lòng với những lời chỉ trích về những chuyện điên rồ quá khứ của nàng, nhắc nhở rằng ông đã trở thành mục tiêu cho những chuyện đùa châm chọc giữa các bạn đồng sự.
Đúng lúc ấy, gia đình nhận được một vài tin hào hứng, ngoài chuyện điên rồ của Mẫu Đơn. Hải Đường và Mạnh Giao đã viết thư về xin phép cha mẹ cho hai người lấy nhau. Hôn lễ sẽ cử hành tại Bắc Kinh, và Hải Đường hy vọng có thể về Hàng Châu thăm cha mẹ sau hôn lễ, có lẽ là vào mùa xuân hoặc mùa hạ. Việc này đã đem phấn khởi đến cho cha mẹ nàng; ông bà già cũng vui mừng thấy hôn lễ cử hành tại Bắc Kinh.
Bên cạnh những lời xầm xì về hành động của cô con gái lớn, hôn nhân của Hải Đường với người anh họ chắc chắn sẽ là đề tài nữa cho miệng lưỡi thế gian. Về luật pháp thì Hải Đường đã mang họ mới, nhưng trong xã hội thì ai cũng biết nàng là con gái nhà họ Lương, kết duyên với một người cũng họ Lương.
Mẫu Đơn cũng vui mừng vợ chồng em gái không về Hàng Châu ngay. Thực là bối rối khó xử sau tất cả những gì đã xảy ra giữa nàng và Mạnh Giao. Nàng coi chàng là một người đàn ông đứng tuổi tử tế mà nàng đã một lần yêu. Đã có thời cái tên Mạnh Giao giống như một chữ kỳ diệu biểu tượng cho tất cả những gì tốt đẹp và tuyệt vời; bây giờ cái tên ấy chỉ còn lại một tiếng vang mơ hồ chế nhạo cho cơn đam mê tuổi trẻ của nàng. Mối tình ấy đã qua rồi, và nàng không muốn gặp Mạnh Giao nữa. Nàng đã quên Mạnh Giao rồi. Trái lại, những bức thư từ Bắc Kinh chỉ nhắc nhở tới những ngày đẹp đẽ tại Thiên Kiều và Thập Tự Hải.
Hàng Châu không có gì để so sánh; Hàng Châu đẹp một cách lặng lẽ và nên thơ, nhưng quá trầm lặng cho cái linh hồn trẻ trung của nàng. Hải Đường và Mạnh Giao đều không nhắc đến tên nàng trong thư. Đây là một xử sự tế nhị về phần Mạnh Giao, nghĩ rằng không nên khuấy động đám tro tàn của một ngọn lửa đã chết.
Dĩ nhiên báo chí địa phương kể lại câu chuyện tang lễ bị gián đoạn vì Mẫu Đơn, nhưng bằng một giọng ít gay gắt. Nàng không biết rằng nàng đã trở thành một người nổi tiếng của những chuyện ngồi lê đôi mách trong thành phố. Những chuyến đi dạo của nàng bao giờ cũng dẫn tới một quán trà nào đó, tại đấy nàng thấy thoải mái bên cạnh đàn ông đủ mọi thành phần trong xã hội, như những ngày còn ở Bắc Kinh.
Một buổi chiều trong một quán trà, một người ăn mặc sang trọng bước vào, tay cầm một cái điếu dài, đầu đội nón chóp đen, trên đỉnh là một cái nút đỏ. Vốn là một khách quen, ông ta gọi một bình trà và sai gọi người thợ hớt tóc gần đó; ông ta muốn được cạo râu tại quán trà này hơn là tại cái tiệm hớt tóc chật chội bí hơi. Người thợ hớt tóc đeo kính có giọng nói oang oang tới. Ông ta tuổi khoảng năm mươi, vẫn độc thân và thích ba hoa nói chuyện với khách. Ông ta có nhiều khách là nhờ tài nói chuyện có duyên. Đổi một mớ tóc cắt đi, khách có thể lấy lại được những tin tức hoặc chuyện mới nhất, được kể kèm theo lời phê bình theo ý kiến của người thợ hớt tóc. Từ lúc ngồi xuống cho tới lúc cắt tóc xong, khách sẽ được giải trí bằng vô vàn những chuyện đàm tiếu - tuy khó tin nhưng tục tĩu và rất buồn cười.
Mẫu Đơn ngồi trong góc và nghe thấy người thợ hớt tóc ba hoa nói:
"Ngài có thể tin được không? Gần đây có một người đàn bà khóc trước một quan tài không phải của mình, quan tài của chồng một người đàn bà khác! Đây là nhà họ Tần tại Trần Gia Trang. Nước mắt của người vợ ráo hoảnh ngay tức khắc khi trông thấy người tình của chồng quỳ trước quan tài, khóc lóc thảm thiết, và khám phá chồng có tình nhân trong khi ai cũng tưởng ông ta là một người chồng kiểu mẫu! Hai người đàn bà nắm lấy tóc nhau trước mặt quan khách. Hãy tưởng tượng sự Ồn ào náo nhiệt! Và chuyện này xảy ra trong một gia đình lâu đời và thế gia bậc nhất của Hàng Châu. Ngài có biết tôi sẽ làm gì nếu tôi là người chết không?" - Làm gì?
- Tôi sẽ gõ quan tài từ bên trong và nói, "Hãy im đI." Khách trong quán trà cười rộ lên. Mẫu Đơn đỏ bừng mặt. Nàng liệng mấy đồng tiền xuống bàn và vội vã rời khỏi quán trà, hy vọng không ai trông thấy nàng.
Một bữa khác, nàng thuê một chiếc thuyền nhỏ, một mình hưởng thú chơi thuyền. Đó là ngày trước ngày đông chí và nhiều thanh niên nam nữ cũng du ngoạn trên hồ. Nàng bảo người chủ thuyền chèo vào Nội Hồ, và ngồi ngả người trên một chiếc ghế thấp, để mặc tư tưởng tự do lang thang trong lúc con thuyền lướt trôi.
Tại Đoàn Kiều, nàng nghe thấy tiếng nói của thanh niên nam nữ đang hăng hái bàn cãi về cái đám tang nổi tiếng, và chấm câu bằng những tiếng cười huyên náo. Một người đang bênh vực người đàn bà lạ lùng, nói rằng đấy là việc mà một người tình chân thật phải làm, và nên làm, và hơn nữa, không thể không làm khi trông thấy chiếc quan tài. Nàng liếc nhìn chiếc thuyền ấy, rồi nhắm mắt lại, giả bộ đang ngủ. Những người khác trên thuyền không đồng ý, và chê trách người đàn bà đã làm nhục gia đình người yêu.
Chuyện tình của Mẫu Đơn và Tần Châu có những yếu tố tình dục, can đảm và phiêu lưu đủ để thành một bài vè hay. Không đầy hai tuần, một người kể chuyện chuyên nghiệp tại quán trà đã kết được một bài vè, thêm thắt nhiều tình tiết thành một chuyện tình lãng mạn. Từ đây chỉ còn một bước ngắn trước khi trở thành một bài vè để cho các ca sĩ lang thang hát kèm theo tiếng đàn. Bài vè vừa buồn cười vừa gợi sự thán phục trong lòng người nghe, vì những gì một người tình đam mê dám làm.
Mẫu Đơn bây giờ thay đổi thói quen, và thích ở nhà. Nàng đi đâu cũng có cảm tưởng người ta nhìn theo.
Nàng vốn thích ra quán trà tại quảng trường Hồ Bình, tại đó nàng có thể ngắm thiên hạ bên một tách trà, và nghe người kể truyện vào lúc hoàng hôn, kể những mẩu chuyện trong Tam Quốc Chí hoặc những chuyện tương tự. Bây giờ bất cứ khi nào nàng trông thấy người ta thì thầm nói chuyện, nàng tưởng tượng họ đang nói về nàng, rồi sẽ đỏ mặt tía tai và bỏ đi ngay lập tức. Nàng chọn những nơi vắng người dọc theo bức tường bên bờ hồ, hoặc là khu kinh đào, tại đó đông xe cộ đi lại nên người ta không có thời giờ hoặc không có ý nhìn tới nàng. Tuy thế bài vè "Hồng Mẫu Đơn" cũng đã rất nổi tiếng.
Như thường lệ, bài vè do một người vô danh viết ra, tận dụng sự kiện nàng là một góa phụ, bỏ nhà chồng ba tháng sau khi chồng chết, cố ý tả nàng là một phụ nữ đem lại chết chóc. Giới trung lưu và những người chủ trương đạo đức thích bài vè lắm. Tuy nhiên, trong cái ngày tang lễ, nhiều người hiện diện rất cảm động trước cảnh họ được chứng kiến, và họ có cảm tình với người con gái đau khổ ấy. Nhiều người có cảm tình với Mẫu Đơn hơn là người vợ; cái thảm kịch của một người con gái mắc kẹt trong tình trường bao giờ cũng gợi ra phản ứng thương xót, đặc biệt là trong giới thi nhân. Không gì kích thích trí tưởng tượng nhiều bằng một tình yêu bị trắc trở, hoặc một mối tình bất chính.
Trong hội quán Thi Xã có nhiều nhà thơ rất tình cảm. Nhiều người quen biết Tần Châu, và bây giờ người ta còn biết hai người tình đã dan díu với nhau trước khi có gia đình. Thường một đề tài được lựa chọn sau bữa ăn trưa tại hội quán, để cho hội viên có cơ hội trổ tài làm thơ. Các nhà thơ đã thêu dệt nỗi buồn và lòng hối hận của Mẫu Đơn, nhưng không thể nào thi vị hoá lòng ghen lồng lộn của bà vợ. Những bài thơ này truyền từ miệng này sang miệng khác trong giới văn nhân cũng nhanh chóng không kém lời ngồi lê đôi mách giữa đàn bà. Cái tên Mẫu Đơn bỗng nổi tiếng trong văn giới, nhưng nàng cực kỳ khó chịu.
Nàng không thể nào ở lại Hàng Châu được nữa. Çn nấp trong nhà và bị Ông bố tiếp tục rầy trách, nàng cảm thấy nghẹt thở, và ao ước một cơ hội bỏ trốn tới một nơi xa lạ, không ai biết nàng và tìm ra được tung tích nàng.
Bạch Huệ cùng Như Thủy xuống thành phố để ăn Tết với bà con. Nàng thấy Mẫu Đơn thay đổi quá nhiều.
Mẫu Đơn trở nên lặng lẽ và mệt mỏi; nỗi buồn của nàng, cùng với giọng nói dịu dàng và chậm chạp đem lại cho nàng vẻ trang nghiêm điềm đạm mà Bạch Huệ trước kia không thấy. Bạch Huệ và Như Thủy sống một cuộc đời ẩn dật nên không biết gì về cái chết của Tần Châu, và bây giờ nghe thấy từ miệng Mẫu Đơn. Hai người bạn thân thiết nhau đến nỗi Bạch Huệ cũng rất đau buồn khi nghe tin này. Khi Mẫu Đơn đưa cho nàng cuốn sưu tập thư của Tần Châu bọc lụa thêu, Bạch Huệ mắt sáng lên một nỗi kích động lạ lùng, vì nàng biết trong cuốn thư ấy chôn vùi một giấc mộng tình ái đam mê lôi cuốn, đã thay đổi hẳn con người của Mẫu Đơn. Nhưng Mẫu Đơn không thể cứ tiếp tục ngồi ôm nỗi đau buồn này mãi.
- Này, chị không thể ẩn nấp suốt ngày trong phòng. Chị phải trấn tĩnh lại... Chị sẽ tính làm gì?
- Tôi không biết. Hiện nay tôi đã sung sướng rồi.
Bạch Huệ đau lòng trông thấy nụ cười nhẫn nhục trên môi bạn, khi Mẫu Đơn nói, "Không còn gì quan trọng nữa. Chị biết không, vào ngày đưa chàng ra mộ, tôi cảm thấy một sự giục giã mạnh mẽ bên trong phải đi theo chiếc quan tài. Mẹ tôi ngăn cản tôi, sợ rằng tôi không thể kiềm chế và sẽ tự làm nhục một lần nữa.
Đúng ra mẹ tôi khóa cửa nhốt tôi đấy chứ. Mẹ tôi đúng. Tôi không thể tin tôi được. Và bây giờ tôi nghĩ tôi không còn sống nữa, tôi không có ở đây, tôi đã chết ở một nơi nào rồi, được chôn cùng với chàng." Sau khi nói chuyện hơn một giờ, Mẫu Đơn dường như bình tĩnh hơn. Bạch Huệ đi tìm bà mẹ để nói chuyện riêng. Bà mẹ chưa bao giờ thích Bạch Huệ, và nghĩ rằng nàng là ảnh hưởng xấu cho con gái. Bà rất ngạc nhiên thấy Bạch Huệ bước vào phòng, bà chào đón một cách gượng gạo chiếu lệ. Bạch Huệ trong thấy vẻ đăm chiêu trên mặt bà.
- Bác Lương, cháu có vài lời với bác được không? Cháu lo lắng.
Bà mẹ ngẩng mặt chờ đợi.
- Ngồi xuống đi. Bác rất mừng cháu tới chơi. Cháu thấy nó thế nào?
- Chị ấy không sao. Dĩ nhiên chị ấy chưa qua hẳn được. Bác Lương, bác cũng có một thời trẻ trung. Nếu bác biết Tần Châu quan trọng thế nào đối với chị ấy. Cháu không biết bác nghĩ gì. Chị ấy không phải chỉ bồng bột mà thôi...
Bà mẹ trả lời một cách chống chế, "Bác hiểu con gái bác mà." - Cháu biết thế. Bác cũng biết như cháu, tất cả những gì một thiếu nữ làm là phải tìm người đàn ông đúng cho mình. Chị ấy thực tình yêu Tần Châu, và không bao giờ yêu ai khác. Bác có nhớ lúc chị ấy định tự tử khi Tần Châu làm đám hỏi không? Chị ấy có vẻ như nhẹ dạ, nhưng cháu biết chị ấy không phải thế. Và bây giờ chị ấy tránh đi ra ngoài, sợ gặp người ta. Cháu biết có nhiều lời xầm xì bàn tán về chị ấy, y như là chị ấy làm một chuyện gì vô luân lý, khủng khiếp. Chị ấy kể cho cháu nghe về bài vè "Hồng Mẫu Đơn." Cháu biết cái tên ấy sẽ gắn liền với chị ấy mãi.
Bà Lương nheo mắt chú ý lắng nghe. Bà thở dài và chăm chú nhìn Bạch Huệ. "Bác tin cháu hiểu nó. Bác không thể nói chuyện với ba nó về nó. Nhưng Bạch Huệ, bác tin cháu hiểu nó. Nó có cho cháu biết nó sẽ lên khóc trên mộ của thằng ấy trên Phượng Sơn không?" - Chị ấy chưa nói với cháu.
- Bác lo lắm. Nó sẽ điên mất. Ba nó không nên biết chuyện này. Hãy tưởng tượng một người con gái một mình đi ra ngọn núi ấy về ban đêm. Cái gì cũng có thể xảy ra được. Cũng không xa đây lắm. Cháu nên cản nó. Ba nó giận như điên khi thấy nó ra đi sau bữa ăn tối. Cho bác biết bác phải làm gì.
- Chị ấy phải đi xa chỗ này. Cháu sẽ mời chị ấy lên ở với cháu sau dịp Tết. Chị ấy cần người nói chuyện.
Thời gian sẽ lo phần còn lại. Bác Lương, bác không nên lo lắng thái quá. Chị ấy còn trẻ. Cháu biết chị ấy sẽ vượt qua được.
Bà mẹ lo lắng nhìn Bạch Huệ. "Bác muốn tin cháu. Con nhỏ này làm cho bác lo lắng quá nhiều rồi. Cháu có nghe nói về Hải Đường không?
- Dạ có, thật là tuyệt vời, phải không?
- Mẫu Đơn nói gì về chuyện Hải Đường?
- Chị ấy cười. Bác không quan tâm nếu cháu kể ra một chuyện bí mật chứ. Chị ấy tin rằng ông anh họ vẫn yêu chị ấy, và Hải Đường có được mối lương duyên này là nhờ một dịp may.
Mặt bà mẹ tối xầm lại, và nói với Bạch Huệ như thể năn nỉ nàng xác nhận một sự thực. "Nó không thể yêu đại ca của nó nữa." - Không đâu, chị ấy bảo đảm với cháu như thế.
- Được rồi, con nhỏ này của bác đã gây cho bác quá nhiều lo lắng rồi. Cháu còn nhớ trước kia nó vui tươi biết bao. Nó đau khổ trong hôn nhân của nó, và bác không trách nó trở về nhà. Rồi nó muốn đi Bắc Kinh.
Rồi nó đổi ý. Và bây giờ...
- Đó là bởi vì chị ấy khác người. Chị ấy cảm thấy nhiều điều mà người khác không cảm thấy. Chị ấy là người có một không hai. Chị ấy nói chị ấy sinh ra như thế. Chị ấy phải tìm một người đàn ông.
- Nhưng nó không bàn về chuyện ấy. Nó nói nó hạnh phúc và không muốn ai bàn đến chuyện riêng của nó.
Bạch Huệ, lúc nãy cháu nói rằng tất cả những gì một người con gái làm là tìm kiếm đúng người đàn ông. Dĩ nhiên thế. Làm sao nó tìm được đúng người để lấy làm chồng? Bác chỉ bận tâm về việc chồng con của nó.
Nhưng nó phải quên đi cái buổi sáng điên rồ về người yêu đã chết. Cháu có thể giúp nó. Đưa nó ra ngoài.
Đời sống phải được tiếp tục.
- Cháu sẽ vâng lời bác. Nhưng chị ấy có một bản chất đam mê như thế. Đôi khi cháu nghĩ chị ấy phải tự chống lại chính chị ấy.
Câu chuyện ngắn ngủi đã thay đổi thái độ của bà mẹ đối với Bạch Huệ, như thể một chướng ngại vật đã tan đi, để cho một sự ấm áp mới mẻ lưu chuyển giữa hai người, vì họ chia sẻ một sự bí mật chung và cùng thực tâm lo lắng cho Mẫu Đơn. Bà mẹ nói:
- Đừng nói gì chuyện ấy với nó. Nó sẽ tức giận nếu biết chúng ta bàn về nó.

<< Chương 19 | Chương 21 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 241

Return to top