Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tuyệt Tình Ca

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25204 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuyệt Tình Ca
Nguyễn Vạn Lý

Chương 13

Mạnh Giao bị mắc kẹt công vụ lâu hơn thường lệ, và mãi ngày mười tháng Năm mới trở về. Da chàng ửng đỏ vì chuyến đi, nhưng trông có vẻ hơi mệt, có lẽ tại chàng trở về trong một trận mưa như trút nước, một việc bất thường cho Bắc Kinh vào mùa ấy. Chàng nói chuyến đi làm chàng khoẻ ra. Chàng đã cưỡi ngựa đi đến tận Miêu Phong Sơn, sâu tận vùng Tây Sơn, trong một chuyến đi bốn ngày để giúp chàng bớt mỡ đi.
Khi trở về, chàng phải tham dự những cuộc hội thảo về chương trình xây đường xe lửa nối liền Bắc Kinh và Nhiệt Hà. Vì là một người hiểu biết rất rõ vùng đất ấy nên người ta trông cậy chàng rất nhiều.
Sau ba bốn ngày, chàng có thể nghỉ ở nhà, và đề nghị đi chơi đến Tiên Nông Đàn. Chỗ này xa bên ngoài thành phố, tại đầu phía nam của Chính Môn lộ, bên ngoài Ngoại Thành, và có một giải đất trồng dâu rất đẹp. Trước kia hoàng đế thường ra đây làm lễ tế trời đất tại Thiên Đàn vào ngày đông chí, và hoàng hậu cũng làm một lễ hái dâu nuôi tằm vào mùa xuân, với mục đích đề cao sự quan trọng của người nông dân và vợ trong đời sống quốc gia. Bởi vậy khu này gọi là Tiên Nông Đàn, để tỏ rõ vai trò cần thiết hàng đầu của nông dân.
Hải Đường không đi theo hai người, vì nàng tế nhị để cho hai người được đi riêng với nhau, đặc biệt là Mạnh Giao cũng mới trở về nhà. Quên hẳn tang phục goá phụ của nàng, nhất là tại Bắc Kinh không ai biết nàng là ai, Mẫu Đơn mặc một chiếc áo trắng thêu những bông hoa màu xanh lớn, khiến nàng trông vô cùng lộng lẫy đẹp đẽ dưới mặt trời mùa xuân. Tóc nàng chải ngược ra phía sau, với một vài lọn tóc được vén khéo léo cho rủ trước trán.
Chàng nói về chuyến đi lâu dài của chàng, rồi đến truyện Mái Tây. Chính Mẫu Đơn đã gợi đến truyện này trước. Chàng nói:
- Em có biết tại sao Mái Tây là truyện được ưa thích nhất trong các truyện tình không? Bởi vì đó là một tình yêu buông thả. Không ai dám thế. Nhưng Oanh Oanh dám. Truyện này có một giá trị liều lĩnh và hấp dẫn.
Dẫu sao, có gì sai trái về một cô gái hoàn toàn trưởng thành có một mối tình sa ngã? Câu chuyện không thể làm độc giả chú ý nếu nàng được đính hôn đúng cách và cưới hỏi đàng hoàng, và sau đó làm tình với chồng. Tình yêu bao giờ cũng phá vỡ các biên giới. Cái phần đáng chê của câu chuyện là Trương Quân Thụy, mà thực ra chính là tác giả Nguyên Chẩn, đã quay gót và bỏ rơi nàng, để kết hôn với một người con gái nhà giầu khác. Đây là cái phần gọi là "sám hối" cho cái "điên cuồng tuổi trẻ" của ông ta. Điều tệ nhất là đã làm tình với người ta rồi lại lên mặt giảng đạo đức về chuyện ấy. Truyện được viết trong một sự hối hận, nhưng anh ước mong rằng ông ta đừng giảng đạo đức để bào chữa cho chính mình.
- Nhưng anh có tán đồng hành động của Oanh Oanh không?
- Anh không chấp nhận và cũng không chống đối. Nói đúng ra, anh không phán xét cô ta. Nàng còn trẻ, trưởng thành, sẵn sàng cho tình yêu. Tại vì nàng và bà mẹ goá vào núi ở, nên nàng không có cơ hội gặp được một thanh niên đại lượng. Trương Quân Thụy tới và trái tim của người con gái trẻ đáp ứng ngay.
Nàng dâng hiến cho chàng hoàn toàn. Cứ coi đó là đam mê, hoàn toàn vì dục tình. Nàng còn trẻ, rất trẻ - anh nghĩ rằng nàng mười chín tuổi. Chúng ta là gì mà dám phán xét nàng?
Trong một cơn bốc đồng, nàng kể cho chàng về sự gặp gỡ Phùng Nam Đạt. Nàng thành thực không tưởng tượng được. Chàng chăm chú nghe. Nhưng khi tiếp tục kể, nàng bỗng quyết định thay đổi và tô điểm cho câu chuyện, cốt để thử nghiệm chàng. Nàng không kể về người vợ của Phùng Nam Đạt và không còn sự kiềm chế nữa. "Em thành thực không muốn, nhưng em đã làm. Và anh chàng thật là tuyệt vời và dịu dàng.
Sau đó em cảm thấy kinh hoảng, nhưng vào lúc ấy em không biết em đang làm gì." Mặt chàng không để lộ một chút cảm xúc nào và chỉ nói, "Anh cũng đã một thời trẻ trung. Anh cũng làm một số việc điên rồ." - Anh có tha thứ cho em không?
Chàng cúi xuống hôn nàng. "Không có gì để tha thứ cả. Anh biết rằng em quá đam mê cuồng nhiệt. Em là một báu vật dịu dàng nhất, tuyệt diệu nhất trong đời anh, độc nhất, độc nhất, độc nhất. Nếu em lấy đi tình yêu này ở anh, anh - anh không nghĩ anh có thể chịu đựng được." - Anh không thay đổi quan niệm của anh về em sau chuyện em kể cho anh?
- Không, anh không thay đổi. Anh không thể, dù em làm bất cứ cái gì... Anh thấy anh cần em quá nhiều, anh cũng cần phải mạnh mẽ nữa. Anh không cho phép anh chống lại bất cứ cái gì.
- Chống lại cái gì? Chống lại em?
- Chống tuổi trẻ của em, cái bản chất nổi hứng thất thường của em. Tuổi trẻ cần phải có tình cảm lãng mạn.
Em biết tại sao anh không ngạc nhiên khi em kể cho anh nghe về người võ sĩ của em.
Nàng cảm thấy một sự hối thúc phải kể cho chàng biết sự thực, rằng nàng thực tình chưa ngủ với Phùng Nam Đạt, nhưng rồi quyết định cứ để nguyên thế. Nàng nói, "Em không hiểu anh. Anh quá tốt với em." Nàng tựa hẳn người lên cánh tay chàng.
- Em không hiểu anh, và anh cũng không hiểu. Đó là một tình yêu chi muốn cho và cho mãi, để thấy em được hạnh phúc. Anh sẽ sung sướng nếu biết rằng em sung sướng... Em có thể hiểu được thế không?
Nàng ngọt ngào trả lời, "Em hiểu được." Đến chiều, khi hai người trở về, Hải Đường vẻ mặt mệt mỏi, cho biết có một lá thư của Nghi thân vương tại Hàng Châu. Nàng chưa đọc lá thư ấy và còn nằm trên bàn giấy của chàng. Một người đưa thư từ dinh của Đoàn thân vương mang tới. Dĩ nhiên nàng đã thưởng rất hậu cho người đưa thư bằng hai mươi quan tiền.
Mạnh Giao vui mừng ngạc nhiên thấy nàng đã biết phong cách và tập quán của Bắc Kinh. Nàng nói thêm còn có một người từ Dương Châu muốn yết kiến chàng, một người ăn mặc sang trọng, để ria mép, và ăn nói giống như một thày đồ nhà quê, chuyên sống bằng nghề giao tế thuê cho người khác. Người đó tỏ ra rất thất vọng và hoảng hốt khi được biết quan hàn lâm đi vắng cả ngày. Người đó hẹn ngày mai sẽ trở lại và dường như có việc quan trọng.
Mạnh Giao nhìn vào tấm danh thiếp. Đó là danh thiếp của Dương Thuận Lý, thương gia muối triệu phú của Dương Châu mới bị bắt. Chàng hiểu ngay và chắc chắn rằng người này do họ Dương phái tới làm đại diện để lo dàn xếp. Làm thế nào họ Dương và những người khác biết được bằng chứng ở trong tay Mẫu Đơn?
Có lẽ người thư ký của Xếp Thuyết đã ngó vào cuốn nhật ký trước khi gửi đi. Người thư ký này chắc đã bảo cho người chú là Xếp Thuyết khi nội vụ bị đổ bể.
Mạnh Giao lập tức ra lệnh cho người gác cổng từ chối không tiếp người khách ấy bằng câu nói cương quyết "Chủ nhân không có nhà." Người gác cổng hỏi, "Nếu ông ta cứ chờ thì sao?" - Cứ nói không có nhà. Ta không có mặt tại Bắc Kinh - nói bất cứ cái gì. Ông ta sẽ hiểu.
Mạnh Giao tức giận. Quay lại hai chị em, chàng nói, "Anh đánh cuộc với các em người đó đem tới một món hối lộ lớn. Anh biết loại ngưòi này. Những người biết chữ nghĩa theo phò bất cứ ai, lo lắng không tìm được sinh kế, nên tìm đường làm giầu bằng những vụ kiện hoặc móc nối và mua bán ảnh hưởng. Họ nói ngôn ngữ của Đức Khổng, với một vẻ khiêm tốn có văn hoá, và biết tất cả những cách cười xã giao, cách đằng hắng, và kính trọng người đối thoại. Họ chỉ làm phí thì giờ của ngưòi khác. Một gái điếm hạng sang một đêm kiếm được một trăm quan. Một tay biết dùng chữ nghĩa và lịch sự có thể kiếm một ngàn quan. Cả hai đều là điếm - có cái gì khác đâu?" Hải Đường lo âu khép chặt chiếc áo ngoài. Bỗng nhiên Mẫu Đơn nhận thấy em gái có vẻ hốc hác tiều tụy.
Nàng liền hỏi:
- Em bịnh hả? Em có vẻ mệt mỏi.
Hải Đường cho biết nàng bình thường, nhưng mắt nàng lờ đờ và thiếu hẳn cái vẻ lộng lẫy bình thường.
Nàng là người rất giỏi che giấu cảm giác riêng.
Sau đó là một bầu không khí vui tươi giả tạo khi mọi người nói chuyện vặt. Những câu chuyện rời rạc, tầm phào và sen kẽ là những lúc im lặng vụng về. Nhưng bữa uống trà trong thư phòng đã lấy lại được đôi chút thân mật dễ chịu.
Mạnh Giao bóc lá thư của Nghi thân vương. Không có gì quan trọng - và vấn đề của Mẫu Đơn chưa tới quan Tổng đốc, nhưng ông ta hứa sẽ lo liệu khi tới chuyện, Mạnh Giao và cô em họ không cần phải lo lắng.
Rồi chàng đọc bản thông cáo bốn trang của triều đình. Theo thông cáo này thì giám đốc Sở Thuế Muối và hai thương gia muối tại Dương Châu đã bị bắt. Nội vụ sẽ chuyển tới quan Tổng Đốc, và quan Tổng Đốc ra lệnh phải làm một bản báo cáo thật đầy đủ. Mạnh Giao biết ngay bản thông cáo này đến từ văn phòng Tổng Đốc. Ý nghĩa của thông cáo này là Đại Lý Viện đã quyết tâm điều tra và không chấp nhận một sự điều đình nào trước vụ xử án. Vì có liên hệ tới vụ án, Mạnh Giao cho biết sẽ đến thăm quan ngự sử Lưu để biết thêm.
Mẫu Đơn hỏi, "Anh có chắc là em sẽ không bị dính líu không?" - Anh chắc như vậy. Để mặc anh lo liệu. Ngay cả khi công tố viên muốn có thêm chi tiết ở em, em có thể nói một cách lương thiện là chồng em không bao giờ bàn luận với em về vụ này - và em không biết gì cả.
Phùng Nam Đạt hoàn toàn biến mất. Chàng không tới quán rượu. Mẫu Đơn tới Thiên Kiều vài lần nhưng không thấy chàng. Một lần nàng lấy hết can đảm hỏi thăm những võ sĩ khác, nhưng họ làm như không biết gì. Nàng lo lắng không biết chuyện gì đã xảy ra cho chàng. Có phải vợ chàng hung dữ đến nỗi nhốt chàng lại, hoặc bắt chàng phải xa lánh nàng?
Giống như một kẻ tội phạm trở lại phạm trường, nàng trở lại khách sạn và lảng vảng tại đó, hy vọng và tưởng tượng Phùng Nam Đạt sẽ xuất hiện và đi vào bóng tối của lối vào khách sạn. Nếu chàng xuất hiện với một cô gái khác, nàng sẽ chạy vào quầy bán trái cây đối diện và tránh không cho chàng nhìn thấy. Mắt nàng dính chặt vào cái khung ánh sáng hình chữ nhật tại cái cột trước cửa, trên đó treo một tấm bảng với hàng chữ đỏ rẻ tiền:
"Liên Thành Khách Sạn", một cái tên hiệu thô tục. Những quán trọ thương mại không thể không nghĩ tới hai đề tài căn bản của du khách:
thứ nhất, sự tìm kiếm một mỏ vàng, và thứ hai, niềm hy vọng liên tục thăng quan tiến chức.
Cảm giác ngây ngất trở lại với nàng khi khoác tay chàng trên đại lộ Trường An, sánh đôi với những bước chân trẻ trung nghênh ngang của chàng. Cơn mơ mộng ngọt ngào chiếm tâm trí nàng vài phút. Rồi mắt nàng mở to khi trông thấy một khuôn mặt lạ, có thể là khuôn mặt người thư ký khách sạn, nhô ra từ cái vùng ánh sáng lờ mờ bên dưới tấm bảng hiệu. Nàng hoảng sợ, quay gót và bỏ chạy.
Ngày một nóng thêm. Nàng không quá quan tâm tới chàng lắm, nhưng câu hỏi cái gì xảy ra cho chàng cứ hiện lên tâm trí nàng. Ñt lâu sau nàng khám phá ra một nơi giải trí nữa tại Thập Tự Hải, ngay sau Tử Cấm Thành. Nàng tới đó một phần vì buồn chán, một phần vì ý muốn tìm kiếm Phùng Nam Đạt.
Thập Tự Hải là một vùng có những cánh đồng trồng ngô và nhiều ao sen dưới những rặng liễu già um tùm.
Cái tên chứng tỏ rằng một thời ở đây có mười ngôi chùa bên một cái hồ, nhưng bây giờ chỉ còn lại một ngôi đền nhỏ, khiêm tốn, bằng gạch đỏ có hai vòng tròn làm cửa sổ. Những hồ nước ở đây nối liền với Bắc Hải bên trong Tử Cấm Thành qua một cái cổng thủy lợi. Trí tưởng tượng của người ta cho rằng hương thơm ở đây đến từ son phấn và nước hoa của các cung phi bên trong Cung Điện; nhưng thực ra chỉ là làn gió thổi qua, đem lại hương thơm ngọt ngào của hoa sen. Tại đây có những lối đi liễu phủ kín, một nơi thanh niên nam nữ tụ họp để nghỉ ngơi một buổi trưa mùa hè. Cây cối um tùm và vùng nước trong xanh đã làm khu vực nổi tiếng về mùa hạ. Khắp nơi vang lên tiếng ly chén của những người bán nước giải khát. Một số người làm trò vui đã chuyển tới đây từ Thiên Kiều, vì vào mùa hạ Thiên Kiều rất nóng bức. Về ban đêm, nơi này sáng rực với đèn cầy, đèn lồng bằng tre, và những cây đèn dầu lớn, phản chiếu trên mặt nước. Người ta không cần phải về nhà để ăn tối, vì chỗ này đầy những người bán mì, thịt nguội, bánh bao, và hàng chục những món ăn đặc biệt khác, suốt buổi chiều và buổi tối cho đến nửa đêm.
Nhưng bóng dáng của Phùng Nam Đạt vẫn mịt mù xa vắng.
Hải Đường nhận thấy cuộc đời của người chị đã thay đổi nhiều. Trong khoảng một tháng, Mẫu Đơn đôi khi ra đi lúc mười một giờ sáng. Nàng thường trở về rất trễ để ăn trưa. Nàng lại ra đi vào lúc năm giờ chiều, sau khi ngồi cả nửa giờ nhổ lông mày và soi gương chải tóc. Nàng ra đi và trở về như một cơn lốc. Nếu Mạnh Giao có mặt, nàng sẽ quẳng áo chẽn lên một lưng ghế và cảm thấy có bổn phận phải săn sóc chàng khoảng một giờ mỗi ngày. Nhưng chắc chắn thiếu trái tim nàng trong việc này. Mạnh Giao cảm thấy không còn sự ấm áp trong đôi mắt nàng, nhưng không nói gì.
Một tối Hải Đường hỏi nàng, "Chị có biết chị đã làm gì cho đại ca không?" Mẫu Đơn chỉ bĩu môi và không trả lời.
Người ta biết ngay khi sự nồng nàn của người tình đã nguội lạnh. Đó là sự lạnh lùng trong đôi mắt và âm điệu của giọng nói, trong sự thiếu vắng của tình cảm ấm áp và ước muốn được gần nhau. Bây giờ khi Mạnh Giao về nhà không còn thấy cái tia sáng rực rỡ ánh lên trong mắt nàng. Một hôm, lúc chàng ngồi ở bàn ăn chờ nàng ra, chàng hỏi Hải Đường, "Chị em đâu?" - Đi đâu đó. Em không biết.
- Chị có như thế như hồi ở nhà không?
- Có, đôi khi.
Hải Đường im lặng, ngầm ý rằng nàng không muốn nói về chuyện này. Nàng lo lắng nhìn bộ mặt điềm tĩnh của chàng. Không một dấu vết nhỏ của xúc động hay bực mình. Nàng nghĩ bụng, "Hừ, đó là chuyện của chị. Chị có thể nói thẳng với anh ấy nếu chị muốn." Nhưng nàng không thể hiểu rõ cái gì đang ở trong tâm trí chàng.
Người em gái trông thấy mọi thứ. Mối tình thoáng qua của người chị với Mạnh Giao không làm nàng ngạc nhiên, cũng như tâm tính thất thường gần đây. Nàng bình tĩnh đánh giá những gì nàng thấy, và giữ im lặng.
Một lần bà Đại Học sĩ Trương Chi Đông muốn làm mai cho nàng, nhưng nàng từ chối. Nàng cũng biết không hy vọng lấy được người anh họ. Mối tình này được kín đáo chôn vùi trong lòng nàng, tạo ra một quyết tâm mạnh mẽ cho hướng đi của đời nàng, như một bánh lái cho một con thuyền, để cho sự chèo thuyền dễ dàng hơn. Ngoài ra, Mạnh Giao không có gì đáng trách theo ý nàng. Mạnh Giao đã nói với nàng nhiều điều mà không nói với Mẫu Đơn. Ngay cả trong cuộc đàm luận về thơ tình của Nhã Lan, hai người đã đạt tới mức thông cảm, tránh được sự xâm nhập sai trái của tình cảm cá nhân. Nàng nghĩ mọi thứ về chàng là hoàn hảo, kể cả mớ tóc bạc bên thái dương; nàng biết trái tim nàng hồi hộp mỗi khi chàng về nhà, tôn kính chàng như một học giả, vì kiến thức rộng rãi, tư tưởng xuất chúng, và dáng điệu lịch sự cổ điển của chàng. Nàng thực tình sung sướng thích hợp với cái địa vị thoải mái của một đệ tử thực tâm thán phục, tình cờ là em họ của chàng, học hỏi được nhiều điều từ bàn ăn điểm tâm, nơi hai người thường gặp nhau, trước khi Mẫu Đơn thức dậy.
Một hôm Mẫu Đơn trở lại quán rượu tại Đông Đàn Bạch Lầu. Người đàn bà thu tiền tại đó trông thấy nàng, bước lại và nói, "Này cô nương, đã lâu lắm không thấy cô lại. Chúng tôi tưởng cô đã rời thành phố rồi." Nàng trả lời, "Không, tại sao tôi bỏ đi chứ?" Nàng nghĩ câu hỏi của người đàn bà thực lạ lùng. Một nụ cười buồn trên môi nàng. Nàng mở miệng rồi lại im lặng, nhưng ngưòi đàn bà đã đọc được tâm trí nàng.
Bà ta nói, "Lại đây," và thì thầm cái gì vào tai nàng.
Mẫu Đơn há hốc miệng ngạc nhiên, như thể thời gian bỗng dừng lại. Nàng kinh hoàng đưa tay lên che miệng, một cảm giác giống với xúc động và ân hận, vì cái gì xảy ra hiện rõ trong trí nàng - cái hậu quả đáng sợ của một hành động cẩu thả. Phùng Nam Đạt đã bị bắt giam vì tội giết vợ, và gia đình nhà vợ kiện chàng.
Không ai biết cái gì đã xảy ra trong căn phòng tối tăm ấy. Có thể vì bà vợ bị tay ngưòi võ sĩ mạnh mẽ hất quá mạnh, đã va đầu vào một vật gì cứng rắn, có lẽ là cột giường bằng sắt. Bây giờ chàng bị buộc tội giết người.
Người đàn bà đã cho Mẫu Đơn biết tin ấy, nhấn mạnh rằng bà ta không còn biết gì hơn nữa, và không muốn dính dáng vào chuyện riêng giữa hai người. Từ khoé mắt, bà ta thấy Mẫu Đơn rũ người xuống ghế, mắt vẫn mở to kinh ngạc. Rồi Mẫu Đơn lạnh lùng đứng lên, đẩy ghế ra sau, và lười biếng lê chân bước ra ngoài đường phố.
Dĩ nhiên nàng không thể giúp gì cho chàng được; nàng cần phải tránh xa cái vụ rắc rối này.
Trong những ngày kế tiếp, nàng tôi luyện trái tim mình để nghĩ rằng, trước hết đây chỉ là một tai nạn, sau nữa là Phùng Nam Đạt đã kể cho nàng nghe về vụ đánh lộn giữa vợ chồng chàng trước khi gặp nàng; thứ ba là, nàng vẫn chưa hề ngủ với chàng, mặc dù việc ấy đã có thể xảy ra. Nhưng dù đã cố gắng, nàng vẫn cảm thấy có tội. Nàng thường thức giấc nửa đêm với một cảm giác run rẩy, như thể chính nàng đã đóng góp vào sự đổ vỡ của một gia đình. Rồi đầu óc nàng tỉnh táo, và tự trấn an rằng nàng không đáng trách trong vụ này.
Mạnh Giao gần đây rất bận rộn sửa soạn cho buổi lễ chào mừng việc hoàn thành con đường xe lửa Bắc Kinh - Sơn Hải Quan. Chàng cảm thấy sự thờ ơ của Mẫu Đơn trong khi nàng cố gắng che giấu sự lạnh lùng ấy; chàng có cái cảm giác lo ngại của người đang đi trên một tảng băng sắp chìm xuống, bên trên băng đá vẫn còn nguyên nhưng bên dưới đã có những vết rạn nứt. Mắt chàng vẫn sáng rỡ mỗi khi trông thấy nàng đi chơi về, nhưng sự hưởng ứng của nàng thì miễn cưỡng và giả tạo. Trên người nàng bao trùm một cái nhìn che giấu, cái nhìn của một tình bạn thương hại, giống như mặt nước ao tù phẳng lặng và nặng nề, thiếu hẳn tiếng sủi bọt dồn dập của một con suối.
Khi chàng hiểu rõ nàng trong những lúc nàng không đề phòng, thì tình yêu nồng nhiệt của chàng đối với người em họ xinh đẹp gây đau khổ này lại tăng thêm, thay vì giảm đi; nhưng tình yêu ấy cũng trở thành bề ngoài. Đối với chàng, nàng vẫn đáng yêu như bao giờ, nhưng nàng bắt đầu làm chàng lo lắng. Chàng biết rằng nàng đang đi trên mây, sống thuần bằng cảm xúc và trí tưởng tượng, tìm kiếm một người tình trẻ lý tưởng, đòi hỏi một thứ ảo tưởng vàng son không thể có được. Chàng nhớ lại mới chỉ một năm trước, nàng khát khao chàng mãnh liệt như thế. Bây giờ chàng rõ ràng trông thấy nàng cũng có một nỗi thèm khát sinh tử như thế cho một người khác. Chàng cảm thấy tê liệt, như nhìn một người mộng du đang bước tới bờ vực thẳm. Tất cả những gì chàng có thể làm là đứng bên cạnh, sẵn sàng đưa tay giúp đỡ nếu có bao giờ nàng cần đến chàng. Điều an ủi là nàng không cố tâm lừa dối chàng.
Hải Đường không thể hiểu được chuyện này. Lòng trung thành tuyệt đối với chị làm nàng có khuynh hướng che giấu những gì nàng biết về Mẫu Đơn. Nàng biết nhiều lắm - những lời nói ngắn ngủi bật ra miệng Mẫu Đơn trong những lúc bất ngờ, cái vẻ che giấu trong bữa ăn tối, những cái ngáp lén lút khi có mặt chàng, việc thường đi chơi một mình, sự thẳng thắn của nàng, kể cả những thứ làm một người con gái bình thường phải đỏ mặt. Những việc này tạo thành một thái độ đáng suy nghĩ giữa nàng và Mạnh Giao, một phần là nàng muốn bảo vệ người chị, dẫu sao cũng là người giúp nàng được đi Bắc Kinh; nàng muốn ở đây lâu và không bị trục trặc gián đoạn, hơn nữa đây là những chuyện một người con gái chưa chồng không nên nói với một người đàn ông. Về phần Mạnh Giao, tình cảm thân mật của chàng đối với Mẫu Đơn thì quá riêng tư không thể bàn cãi với một người khác, dù là em gái của nàng, và chàng quá kiêu hãnh không muốn dò hỏi về người đàn bà chàng yêu. Thế là một tấm màn đã bao trùm những thay đổi quan trọng nhất trong cái gia đình này.
Rồi trong khi tìm hiểu Mẫu Đơn, Mạnh Giao nghĩ về nàng như một người trẻ tuổi nẩy nở trong tình yêu, bị nhuộm bởi tình yêu, như là sự e thẹn đầu tiên của mặt trời buổi sáng nhuộm mọi cánh hoa mong manh nhất của một bông hồng nở. Nàng hoàn toàn chín mùi vào tuổi hai mươi hai trong khi nhiều phụ nữ chưa hiểu biết vào tuổi ba mươi. Nhưng tình yêu của nàng cũng mang dấu vết của sự không trưởng thành, vì sự tàn bạo tuyệt đối của tuổi trẻ; nàng không hiểu sự tao nhã của người có kinh nghiệm, biết hưởng thụ thẩm mỹ hơn về tình dục. Nàng có thể làm tình ngay mà không cần phải có giai đoạn vuốt ve trước. Giống như uống nuốt trọn một ly rượu bằng một lần uống, thay vì nhấp từng ngụm chậm chạp. Chàng lấy làm lạ nàng không đáp ứng vài lần chàng đề nghị vào thăm Điện Thái Hoà khi nàng mới tới đây; mãi về sau nàng mới đồng ý khi chàng thúc giục bằng một ý tưởng bật nhớ, "À, phải, em phải đi thăm Cung Điện." Nàng thích tìm thú vui tại Thiên Kiều hơn. Tuy nhiên bây giờ nàng quá thân thiết với chàng đến nỗi bất cứ nàng làm việc gì, chàng cũng cố nhìn sự việc ấy bằng nhãn quan của nàng; chàng không muốn nàng phải khác đI.
Một buổi tối, nàng đi chơi về vào lúc mười giờ. Nàng sắp bước vào cánh cửa dẫn vào phòng riêng thì trông thấy ánh sáng trong thư phòng. Nàng bước vào theo thói quen để nói chuyện. Nàng vẫn săn sóc chàng một cách thân mật. Mắt hai người nhìn nhau một lúc im lặng. Rồi chàng mỉm cười và nói:
- Em đi chơi có vui không?
- Vui lắm.
Nàng bước lại và ngồi cạnh ghế trường kỷ và hỏi, "Tại sao anh làm việc vất vả quá vậy? Tại sao không nghỉ ngơi đi?" - Anh bao giờ cũng tìm việc gì để làm khi anh cô đơn.
- Em xin lỗi.
Nàng nói với một nửa cảm giác tội lỗi vì đã bỏ chàng một mình. Một sự im lặng vụng về xen vào. Chàng làm một cử chỉ muốn hôn nàng, nhưng nàng lắc đầu. Nàng đứng dậy, cởi áo chẽn ra, và nằm cuộn tròn trên ghế trường kỷ, theo thói quen của nàng. Chàng dừng lại một giây, rồi nhìn nàng rất âu yếm và hỏi:
- Em không muốn hôn anh bây giờ hả?
- Không. Anh không phiền chứ?
Chàng trả lời một cách miễn cưỡng, "Anh không phiền. Thôi đi ngủ đI." - Hãy chúc em ngủ ngon đI.
- Anh chúc em ngủ ngon.
Nàng bước ra bằng cửa sau của thư phòng, bỏ quên chiếc áo chẽn như thường lệ. Rồi nàng nhớ lại, mỉm cười quay lại, gắn một chiếc hôn vội vàng lên trán chàng.
Chàng nhìn nàng biến mất sau cánh cửa, tóc xõa xuống vai, như một bóng ma hư ảo của một sắc đẹp bi thảm. Nàng làm chàng bực mình và đồng thời làm chàng nổi giận. Trái tim chàng chìm xuống với một nỗi chán chường cô đơn không cùng.
Cái làm Mạnh Giao đau nhất là chàng đã tìm ra cách hai người có thể kết hôn với nhau được, nếu nàng còn yêu chàng. Chỉ cần thay tên họ là có thể thực hiện được việc ấy. Không phải là việc bất thường khi một dòng họ này nhận nuôi một người con trai của họ khác, nếu không có con trai. Việc đó rất quan trọng trong việc thờ phụng tổ tiên, "để tiếp nối hương khói." Sự thay đổi từ họ này sang họ khác như thế có thể giúp Mẫu Đơn có một tên họ khác, nếu nàng được ông bà Tô nhận làm con gái nuôi. Ông Tô là em của mẹ nàng, và Mẫu Đơn sẽ trở thành họ Tô. Chưa có ai thay đổi tên họ như thế, trừ trường hợp cần người nối dõi tông đường và thừa hưởng sản nghiệp; chưa ai làm thế chỉ để cho anh em họ cùng một gia tộc có thể kết hôn với nhau.
Chàng đã nghĩ đến việc này trong lúc đi công vụ xa nhà, và định nói cho nàng biết. Việc ấy có thể làm được, mặc dầu có vẻ bất thường. Chàng đã định cho nàng biết vài lần, nhưng nàng có vẻ lạnh nhạt với chàng đến nỗi chàng ngập ngừng không muốn nói ra. Chàng chôn giấu cái ý tưởng ấy, và không bao giờ nhắc đến nữa.

<< Chương 12 | Chương 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 930

Return to top