Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tuyệt Tình Ca

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25210 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuyệt Tình Ca
Nguyễn Vạn Lý

Chương 3

Hồi ấy, trước khi đường xe lửa Thiên Tân - Phú Khẩu hoàn tất, Cửu Giang là một giang cảng xầm uất. Nó nằm tại nơi sông Dương Tử gặp khúc giữa của Đại Hà chạy từ bắc xuống nam. Phần lớn thuyền bè dừng lại tại Cửu Giang để nghỉ ngơi hoặc mua vật tiếp liệu, vì đây là chặng cuối cùng của chuyến đi từ miền bắc, và bắt đầu chặng đi xuống miền nam. Nhiều hành khách chuyển thuyền tại đây, lên những con thuyền sang trọng của miền Giang Nam, có phòng ngủ trang hoàng đẹp đẽ và đồ ăn ngon. Nhiều người cũng dừng lại ở đây sau một cuộc hành trình dài, để hưởng cái thú đi tắm tại nhà tắm công cộng, thưởng thức đồ ăn và rượu ngon, và đi giải trí tại các rạp hát nổi tiếng của vùng này.
Mẫu Đơn không cần phải nêu lý do khi cho thuyền dừng lại tại Cửu Giang. Dĩ nhiên nàng muốn viếng thăm Đền Kim Sơn, và tìm cái thú tắm thoải mái tại những nhà tắm dành cho phụ nữ. Phải nằm gần cái quan tài trong ba ngày đêm vừa qua, tâm hồn và tinh thần nàng muốn nghẹt thở. Nàng nói với vợ chủ thuyền:
- Chúng ta sẽ dừng lại đây vài ngày. Bà có thể lên bờ làm chuyện gì bà cần. Tôi cũng cần nghỉ ngơi, đi lại cho đỡ cuồng cẳng.
Quay lại tên đầy tớ Liên Xung, nàng căn dặn, "Liên Xung, ở lại thuyền canh giữ quan tài. Trong thuyền lúc nào cũng phải có người. Nếu ngươi cần lên bờ, phải biết chắc có người khác ở lại thuyền." - Đừng lo, chẳng ai ăn cắp quan tài đâu.
Đứa con gái chủ thuyền cất giọng nói trong trẻo, "Bà lên đi. Lên nhà tắm và để họ bóp chân cho bà sướng đến chín tầng mây." Mẫu Đơn kiểu cách trả lời, "Ta sẽ lên. Ta muốn lắm." Nàng đã nghe tiếng nghệ thuật bóp chân tại Cửu Giang, và cũng muốn thử cho biết. Hơn nữa nàng cũng muốn tắm rửa cho tươi tỉnh khi gặp lại Tần Châu.
Mẫu Đơn chưa bao giờ đi du lịch một mình, chưa bao giờ được hưởng sự tự do tuyệt đối mà nàng rất thèm muốn này. Đứa con gái chủ thuyền đề nghị đi theo nàng làm người hướng dẫn, nhưng nàng từ chối. Nàng không muốn ai bám theo. Cái cơ hội này thật là hiếm hoi, khi nàng có thể tìm lại được con người của nàng, được phục hồi cái cá tính của nàng không bị ảnh hưởng bởi bạn bè và gia đình. Vợ người chủ thuyền e sợ rằng một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp như Mẫu Đơn có thể rơi vào cạm bẫy của đám du thủ du thực trong một thị trấn xa lạ, và bà ta rất lo lắng cho nàng. Nhưng Mẫu Đơn chỉ lắc đầu cười xòa.
Với bản chất thích phiêu lưu, nàng bước xuống chiếc cầu gỗ và đi lên cái bờ sông ướt át. Nàng thong dong chạy lên những bậc của bờ sông. Chân nàng không bị bó, nhờ cái bản chất nổi loạn của nàng và ảnh hưởng của các nhà truyền giáo tại Thượng Hải trong gia đình. Nàng không mặc váy, mà chỉ mặc một cái quần màu xám đậm. Váy là y phục dùng cho phụ nữ có chồng, như nàng, nhưng đấy là cái luật mà tất cả phụ nữ thuộc giai cấp nghèo coi thường, vì bất tiện cho họ khi phải trèo núi, lội nước hay làm việc ngoài đồng. Nàng quay lại nhìn cái thuyền bên dưới. Liên Xung đang nhìn lên. Nàng không hề muốn tạo ra cái ấn tượng là một goá phụ kiểu mẫu, vì nàng đã quyết định rời bỏ nhà chồng. Nàng không cần biết tên đầy tớ già sẽ nói gì khi hắn về đến nhà.
Đường phố trải sỏi đầy người đi lại. Rồi Mẫu Đơn nhập vào một thị trấn tràn ngập những bảng hiệu treo đứng. Nàng hồn nhiên vỗ vai một thanh niên lạ mặt và hỏi nhà tắm ở đâu. Từ những ngày còn nhỏ, nàng biết hành động tự nhiên trong một đám đông, chen lấn vào chỗ đông người nhất, trao đổi chuyện trò với những người rảnh rỗi trong quán rượu và quán trà, gọi một thanh niên là "lão huynh", hoặc bất cứ cách gọi quen thuộc nào. Đã hai mươi hai tuổi rồi mà nàng cũng vẫn thế. Một vài lối nói đùa và thói quen cũ vẫn còn.
Bao giờ nàng cũng nhập vào một đám đông người lạ với vẻ tự tin.
Người thanh niên quay lại, ngạc nhiên sung sướng thấy một người con gái đẹp nhờ chỉ đường. Lúc đó là chiều tối rồi, và cái vỗ vai của nàng hắt ra cái bóng mờ cuộn trên trán nàng. Mặt nàng trịnh trọng, nhưng đôi mắt thật thân thiện.
- À, ngay tại góc đường kia. Tôi có thể dẫn cô tới đó.
Nàng biết tại sao chàng thanh niên hăng hái muốn chỉ đường. Nàng chỉ nói:
- Xin lão huynh cứ cho biết ở đâu là được rồi.
Người thanh niên chỉ về phía trái và nói, "Cô đi vào trong ngõ kia. Trong đó có hai nhà tắm." Nàng cám ơn người lạ. Đi theo hướng chỉ, nàng bước tới một căn nhà trang trí bằng gạch men khảm màu trắng và xanh. Bên trên là một bảng hiệu có hàng chữ mạ vàng:
"Nhà Tắm Bạch Mã." Cái thành ngữ "xoa bóp sướng tới chín tầng mây" của người con gái chủ thuyền không phải là quá đáng.
Sau khi vào một buồng tắm nước nóng sang trọng, có một người đàn bà kỳ cọ lưng, Mẫu Đơn được dẫn ra một phòng ngoài, được mời uống trà Long Tỉnh và ngồi nghỉ. Nàng lấy khăn phủ lên người; người đàn bà thoạt đầu thoa bóp và vỗ chân nàng. Rồi buộc ngón tay bằng một tấm khăn tắm khô, bà ta bắt đầu thoa bóp và cù từng ngón chân, bằng cách vuốt ve thật nhẹ nhàng cho đến lúc nàng buồn ngủ, được ru bằng một cảm giác thú vị gờn gợn trong xương sống.
Người đàn bà hỏi, "Thưa cô, cô thích không?" Mẫu Đơn chỉ rên rỉ. Có lúc những ngón chân nàng co lại vì sự vuốt ve. Nàng không hiểu tại sao bên dưới móng chân lại nhạy cảm vì sự tê mê và đau đớn như thế, nhưng cảm giác ấy đòi hỏi tài nghệ của một chuyên viên, sự vuốt ve tinh tế để hành hạ ngón chân, tạo cảm giác sung sướng cho tới khi gần trở thành đau đớn thì dừng lại.
Nàng cho tiền thưởng rất hậu và nói, "Tôi không bao giờ quên trò chơi này." Mẫu Đơn rất sảng khoái và cảm thấy chân tay nhẹ nhàng mềm mại khi nàng đi ra khỏi nhà tắm để bước vào ánh sáng mặt trời tà bên ngoài. Lỗ chân lông mở ra cho nhiều cảm giác khác nhau, trong lúc nàng say sưa cái đời sống của một thị trấn xa lạ. Nàng tưởng như nàng thuộc về chỗ này, như nàng vẫn cảm thấy thế trong một đám đông, tại đó sự phân cách bắt buộc và giả tạo giữa đàn ông và đàn bà không được biết đến, trừ cái giai cấp đi lại bằng kiệu và sống trong những căn nhà lớn biệt lập sau những bức tường cao.
Một người đàn bà lao động không thể có được sự xa xỉ sống ẩn dật. Đối với đàn ông, Mẫu Đơn sẵn sàng trao đổi một lời nói thân thiện. Nhưng dù thế nào, nàng quyết tâm dành tất cả cho người mà nàng sắp gặp gỡ. Nàng phải đi mau tới Đền Kim Sơn để biết tin.
Nếu nàng tới với một trái tim hồi hộp, thì nàng ra về trong một tinh thần rất buồn chán, sau khi đi thơ thẩn cho tới lúc mặt trời lặn. Nàng đã hỏi tại cổng trong và cổng ngoài của ngôi đền xem có thư gửi cho nàng không. Ông già trong bộ áo chùng đơn sơ màu xám, rất là thờ ơ, trả lời một cách lơ đãng và chiếu lệ. Nàng nán lại, nói chuyện với người bán trái cây, rồi đi quanh ngôi đền hy vọng gặp Tần Châu, rồi trở ra cổng ngoài. Để trả lời cho câu hỏi lặp đi lặp lại của nàng, ông già canh cổng cáu kỉnh nhìn nàng và nói ngôi đền không phải là nhà bưu điện. Nàng không biết làm thế nào. Nàng đã tưởng Đền Kim Sơn là một nơi dễ tìm và không thể lầm lẫn với nơi khác.
Có thể thư của nàng chưa tới tay Tần Châu đúng lúc, hoặc chàng đi vắng. Nếu chàng nhận được mà không thể tới, chắc chắn chàng sẽ nhắn tin. Nàng đã quen cái cảm giác hồi hộp chờ đợi từ những lần nàng chờ đợi chàng tại những nơi hò hẹn ở Hàng Châu; nàng đã biết rõ cảnh lén lút, sự bồn chồn, và cảnh giác mọi dấu hiệu của chàng. Nàng đứng tựa vào một cây cột bằng đá cao ngoài sân đền, ngó từng mái nhà, sẵn sàng cho một nụ cười thật tươi nếu nàng chợt bắt gặp hình ảnh Tần Châu. Nàng không còn lòng dạ nào thưởng thức cảnh đẹp của cái tu viện giữa sông, hoặc những đỉnh núi mây phủ ở đằng xa, hoặc là những hòn đảo tắm trong ánh hoàng hôn màu tím xẫm. Những cảnh này mâu thuẫn với sự bồn chồn sôi nổi bên trong nàng.
Sáng hôm sau nàng lại đến thăm ngôi đền, hy vọng hơn nữa được gặp chàng hoặc nhận được tin của chàng. Nàng bảo tên đầy tớ rằng đến tối nàng mới trở về thuyền. Đi tìm Tần Châu là mối quan tâm cấp bách của nàng, bởi vì tương lai nàng đều tùy thuộc vào chàng.
Nàng lang thang một mình quanh ngôi đền, và ngắm du khách và tín đồ đến và đi. Đền Kim Sơn được xây trên những bậc cao kế tiếp nhau và được chia ra làm nhiều khu hoa viên. Là một ngôi đền được cúng góp nhiều nhất bắt đầu từ ngàn năm trước, ngôi đền rất sang trọng với lối đi lát đá, những cây cối hiếm quý, và những tàng cây u nhã dẫn ra hoa viên ngoài. Thực là cảnh xa hoa sang trọng trong một sự yên bình ẩn dật.
Nàng trèo lên cả con Kim Quy, tảng đá cao nhất, và trông thấy Động Bình Minh.
Sau bữa trưa, nàng nghỉ ngơi trong cái phòng khách mênh mông, rồi bước ra ngoài, quyết định không trở lại cho tới lúc hoàng hôn. Tần Châu chưa hề lỗi hẹn với nàng, và nếu chàng lỗi hẹn, thì bao giờ cũng có nguyên cớ chính đáng. Nàng đã không gặp chàng hơn một năm, kể từ ngày theo chồng về Cao Vũ.
Nàng thơ thẩn tại cái bến sông trước ngôi đền, nóng ruột cắn môi. Rồi nàng trông thấy hai người lính cận vệ bước ra từ một góc bên trong. Áo choàng của họ có hai vòng tròn trong đó viết hai chữ "thiên binh". Họ dẫn đường cho một vị khách quan vào thăm đền. Hiển nhiên vị khách là một bậc đại quan, vì quân phục của lính cận vệ cho biết họ là lính cận vệ tại triều đình Bắc Kinh. Vị khách cao tầm thước và mặc một chiếc áo choàng lụa màu ngà, bước vội vàng, không giống bước đi khệnh khạng của các quan trong triều phục.
Tri khách tăng ăn mặc gọn ghẽ đi theo vị khách quan.
Mẫu Đơn đứng cách xa khoảng mười thước. Nhà sư muốn đưa ông quan vào phòng khách, nhưng ông quan tỏ ý muốn tiếp tục đi nữa. Khi ông quan liếc nhìn quanh, mắt ông ta dừng lại trên cái hình ảnh người con gái một giây. Bàn tay Mẫu Đơn đưa lên miệng bỗng lạnh cứng lại khi nàng trông thấy mặt vị khách quan. Khuôn mặt ấy gợi cho nàng một người nào đó quen quen, nhưng người ấy là ai? Vị khách quan có lẽ không trông thấy nàng. Ông ta bước lại và đứng một phút nhìn cái ụ đất ở bờ bên kia, bối rối quay đầu và ngắm một chiếc pháo thuyền của người Anh neo giữa dòng sông. Mắt ông ta liếc nhìn hai đầu sông, như thể rất bận tâm đến địa hình của chỗ ấy. Luôn luôn là cái nhìn sắc bén, mau lẹ, cái nhìn của sự quan sát tinh tế chung quanh, giống như cái nhìn của một lính trinh sát quan sát một quang cảnh có địch quân phục kích. Rồi ông ta quay lại, và bước qua cái cổng hình lục lăng, nhà sư và lính cận vệ vội theo sau. Mẫu Đơn trông thấy hình dáng của vị khách quan biến dần dưới lối đi bằng bậc thang đá, cho tới lúc bị một cành thông che ngang.
Nàng đã trông thấy cái liếc nhìn kỳ lạ, sắc bén và sáng quắc ấy ở đâu? Nàng không thể nhớ ra. Dáng vẻ của vị khách quan gợi nhớ đến khuôn mặt một người thân, một khuôn mặt nàng đã biết từ nhiều năm trước, một khuôn mặt mà nàng không thể xác định được ngay - một trong vô số những kỷ niệm của thời thơ ấu được cất giấu, chôn vùi và bỏ quên. Tuy thế, tại sao nàng cảm thấy một sự khuấy động kỳ lạ bên trong nàng? Những khe rãnh của ký ức chưa chịu nối liền lại. Chỉ còn lại một sự liên kết mơ hồ của một cái gì rất thích thú.
Sự gặp gỡ ngắn ngủi với một ông quan tại Bắc Kinh để lại cho nàng một sự hỗn độn giữa sự tò mò khích động và lòng chán nản.
Mặt trời chiều đã xuống thấp, làm vỡ vụn con sông bên dưới thành những đốm vàng. Tần Châu vẫn chưa xuất hiện. Và cũng chẳng có tin tức tại cổng. Nàng lê đôi chân mỏi xuống lối đi gồ ghề, tâm trí là một khối những khó hiểu của hoài nghi, sợ hãi và buồn bã.
Nàng đi một quãng xa thì chợt một ý tưởng vui thích đến với nàng:
vị khách tại Bắc Kinh kia ở Đền Kim Sơn có thể là ông anh họ của nàng, quan Lương Hàn Lâm. Nàng đoán thế bằng bản năng phụ nữ mà không thể phân tích được.
Nàng thở gấp và quay lại hỏi người gác cổng. Lão già lên tiếng chặn trước khi nàng kịp hỏi.
- Cô trở lại nữa hả! Tôi đã bảo cô. Không có tin gửi cho cô đâu.
Nàng năn nỉ, "Xin cho tôi biết vị khách quan hồi chiều có hai lính cận vệ theo hầu là ai?" Nàng mỉm cười nhìn lão một cách dò xét.
Người gác cổng bỏ tẩu thuốc ra, đưa mắt ngờ vực nhìn người đàn bà trẻ và nói, "Một quan hàn lâm ở Bắc Kinh. Có liên can gì tới cô không?" - Cho phép tôi nhìn tấm danh thiếp của ông ta được không?
- Không có. Danh thiếp ở phòng khách.
Mẫu Đơn đứng chết trân tại chỗ. Nàng không hiểu tại sao nàng run như thế. Từ lúc đó, nàng không nhìn thấy người gác cổng, hoặc con đường nàng đang đi. Nàng bàng hoàng như đang bước trên mây, đầu gối nhũn ra. Vị khách ấy không phải là Lương Hàn Lâm như nàng tưởng tượng; giống như gợi lại một hình ảnh trong mơ, phóng rọi thành hình thể vật chất, thay đổi và khác đi. Nhìn thoáng từ đằng xa, người ấy không còn trắng trẻo, mảnh mai và trẻ trung nữa. Đấy là một con người khoảng bốn mươi tuổi, mặt hơi dám nắng và hơi đẫy đà hơn khi nàng gặp cách đây mười hai năm trước. Chàng tới Cửu Giang làm gì? Nàng rất tiếc bỏ lỡ cơ hội không bước lại nói chuyện với chàng. Dĩ nhiên chàng không thể nhớ ra nàng. Và bây giờ cơ hội đã trôi mất.
Ngày hôm sau nàng bảo người chủ thuyền tiếp tục cuộc hành trình. Nàng ngỏ ý muốn được trông thấy Thái Hồ; nhìn cảnh Thái Hồ vẫn là một giấc mơ từ lâu của nàng, cũng như nàng rất ao ước được nhìn nhiều cảnh đẹp mà nàng đã đọc trong sách.
Người chủ thuyền trả lời, "Nếu thế, chúng ta sẽ đi thẳng về phía nam tại Đàm Dương và băng qua hồ tại Ñch Xương, thay vì đi theo Đại Hà. Đi đường ấy phải lâu thêm vài ngày nữa, nhưng thoáng rộng hơn.
Nhiều người thích đi lối ấy." - Vậy thì đi theo lối Ñch Xương. Tôi muốn đi ngang qua Thái Hồ.
Vào ngày thứ ba, ở trong khu vực giữa Lý Giang và Ñch Xương, thuyền đi ngang qua một vùng đồng ruộng xanh tươi đẹp đẽ, phủ đầy lúa non trong những màu xanh đậm và nhạt khác nhau. Những con lạch và cửa sông đổ ra một vùng nước mênh mông đầy thuyền ngư phủ. Buổi sáng rất yên tĩnh, bầu trời đầy những cụm mây trắng. Trừ một vài con diều hâu lượn vòng trên không, chim chóc đã ẩn mình sau buổi bình minh chim hót inh ỏi, như những con chó canh nhà làm một giấc ngủ trưa. Một ngọn gió mạnh thổi từ đông bắc, làm mặt nước gợn lên những đợt sóng lan khắp mặt hồ.
Phía trước họ chừng vài chục thước, hai con thuyền đã căng buồm, và thuyền của Mẫu Đơn cũng bắt đầu kéo buồm lên. Tiếng nước vỗ hai bên mạn thuyền mạnh hơn và con thuyền lướt trôi. Cánh buồm gia tăng tốc độ và thuyền gần đuổi kịp hai chiếc thuyền phía trước. Hai chiếc thuyền này là những thuyền bồng, loại thuyền sang trọng, chủ đích là tiện nghi thoải mái chứ không cần chạy nhanh; chiếc trước kéo chiếc thứ hai.
Chỉ một lát thuyền của Mẫu Đơn đã bắt kịp hai chiếc thuyền. Liên Xung đứng dậy, và gia đình chủ thuyền cùng Mẫu Đơn đang ngắm chiếc thuyền họ đang vượt qua với sự hân hoan khoái trí. Một lá cờ nhỏ có mấy hàng chữ bay phất phơ trên một cây sào trên chiếc thuyền bồng thứ nhất. Bây giờ hai thuyền chỉ cách nhau vài thước. Hai lính cận vệ đang quỳ bên mép thuyền tức giận la hét:
- Các người điên hay sao? Làm gì vậy? Có mắt hay không?
Mẫu Đơn trố mắt nhìn. Tim nàng muốn nhảy lên khi nàng nhận ra y phục của bọn lính cận vệ. Hàng chữ trên lá cờ đỏ nhỏ quá không đọc được. Nhưng nàng trông thấy hàng chữ "Đại thần Bắc Kinh"! Nàng thoáng thấy hai chân của người khách bên trong khoang, ngồi trên một cái ghế thấp. Khi khoảng cách của hai thuyền gần hơn, nàng có thể trông thấy cái hình dáng người ngồi trên ghế, khuôn mặt bị cuốn sách ông ta đang đọc che khuất. Nàng không ngạc nhiên nếu người ấy là người anh họ của nàng.
Mẫu Đơn bỗng giật mình vì tiếng quát tháo. Lính cận vệ trên chiếc thuyền của ông quan đang la hét, bắt thuyền của nàng chậm lại. Người chủ thuyền kinh sợ và ngơ ngác dừng mái chèo. Một chiếc thuyền thứ hai đang phóng nhanh từ sau tới. Một tiếng va chạm dữ dội làm thuyền của nàng lật nhào về một bên với một tiếng vỡ lách cách vang dội. Mẫu Đơn hầu như té xuống sàn thuyền. Thuyền của nàng bị thuyền kia chủ tâm húc vào.
Nàng nổi giận, vội đứng dậy và yêu cầu thuyền kia giải thích.
- Các ngươi không trông thấy lá cờ ư? Mắt bị hồ gắn chặt lại rồi hả? Tránh ra một bên. Chúng ta muốn đi trước và không muốn ngồi nhìn cái quan tài kia suốt chặng đường.
Mẫu Đơn quát lại, "Ta chưa bao giờ nghe thấy một chuyện như vậy! Đây là thủy lộ của Hoàng đế. Ngay Hoàng đế cũng không thể ngăn chặn một người đang chở xác..." Nàng bỗng dừng lại khi trông thấy chữ "Lương" trên lá cờ. Nàng chưa kịp nghĩ gì thì quan Hàn Lâm đã bước ra ngoài khoang thuyền. Ông ta liếc nhìn người đàn bà đang quát tháo, và hỏi lính cận vệ xem chuyện rắc rối gì xảy ra.
- Kính bẩm đại nhân, đây là thuyền chở quan tài. Chúng con đã trông thấy thuyền này lúc ẩn lúc hiện trước mặt suốt ba ngày qua. Chúng con không muốn đại nhân phải đi theo chiếc thuyền tang này suốt chặng đường, vì thế chúng con yêu cầu họ dừng lại để thuyền của ta đi trước.
- Ta không trông thấy gì. Người ta chở xác thân nhân về quê thì có sao đâu?
- Nhưng bẩm đó là vận sui, và chúng con nghĩ là đại nhân không thích như thế.
Mẫu Đơn kinh ngạc đưa tay lên che miệng. Nàng không bao giờ nhút nhát trước mặt đàn ông, nhưng bây giờ sự giận dữ của nàng biến thành một sự ngỡ ngàng. Họ Lương trông thấy người đàn bà gần như muốn khóc, tóc buông xõa ngang vai, nhìn ông ta như một con chim thất thần trông thấy con rắn.
Chỉ tay vào bọn lính cận vệ, nàng nói, "Họ chủ tâm đâm vào thuyền của chúng tôi." Mắt nàng vẫn còn ngơ ngác vì sự khích động bất ngờ.
Ông quan trao đổi vài lời với bọn lính cận vệ, nhưng nàng không nghe rõ. Rồi nàng ngạc nhiên vì sự liều lĩnh của nàng khi nàng bất thần thốt lên:
- Có phải ngài là quan Lương Hàn Lâm ở Ngọc Đào không ạ?
- Phải, chính tôi đây. Cô là ai?
Nàng vội nín hơi, và giọng của nàng che giấu một niềm vui bất ngờ. "Tôi là một người họ Lương tại Ngọc Đào, một người em họ của ngài. Hồi tôi còn nhỏ, ngài gọi tôi là Tam Muội. Có lẽ ngài không nhớ được tôi đâu." Khuôn mặt của Lương Mạnh Giao dịu hẳn lại. Mắt ông sáng rỡ và khuôn mặt dám nắng của ông chuyển thành một nụ cười khi ông nói, "Thế ra là Tam Muội! Dĩ nhiên tôi nhớ rõ lắm. Cô là một cô bé xuất sắc tôi đã gặp lần trước." "Ngài nhớ tôi?" Mẫu Đơn rất ngỡ ngàng, và nàng ngạc nhiên khi thấy ông quan xua tay bọn lính cận vệ, và nói với nàng bằng một dáng điệu mời mọc, "Sang đây." Chiếc thuyền được đẩy về phía trước, và lính cận vệ giúp nàng trèo lên chiếc thuyền quan.
Thật là không ngờ chàng nhớ được nàng, và còn mời nàng sang thuyền. Trong lòng nàng vẫn còn run rẩy khi trông thấy chàng bước vào giữa thuyền trong đôi vớ trắng và mời nàng ngồi xuống. Thực ra Lương Mạnh Giao rất là vui sướng gặp được một người em họ để cho chuyến đi xa bớt buồn tẻ. Một người đàn bà đầy tớ, tuổi trên năm mươi đứng bên cạnh. Mạnh Giao lên tiếng trước:
- Tôi nghĩ là cô đi về phương nam. Cô đi đâu vậy?
- Về Cao Xương. Em chở xác chồng về quê nhà.
Ông quan nhìn nàng một cách soi bói, và ra lệnh cho lính cận vệ, "Hãy kéo chiếc thuyền đi theo." Lính cận vệ rất đỗi ngạc nhiên và hoảng sợ, vội vàng móc kéo chiếc thuyền của Mẫu Đơn. Một tên khẽ nói, "Bây giờ chúng ta chắc chắn là có cái món hàng quý giá ấy luôn luôn theo sau." Ngay sau đó thừng được ném qua, và ba chiếc thuyền lên đường theo một hàng chữ nhất.
Tên đội trưởng mang trà tới và xin lỗi, "Chúng tôi không biết bà có quan hệ với đại nhân." Một lần nữa hắn giải thích với chủ rằng hắn chỉ muốn chiếc thuyền chở quan tài chậm lại và đi sau thôi.
Mạnh Giao ngẩng nhìn viên đội trưởng và mỉm cười. Ông ta dường như thích nói đùa khi ông ta bảo hắn:
- Bây giờ thì ước vọng của ngươi thành rồi. Chiếc thuyền sẽ đi sau chúng tạ.. Và ta thích như thế.
Ông ta nói dễ dàng, mỉm cười và quay sang Mẫu Đơn, "Những người này khi họ đi trên thuyền của nhà nước, họ tưởng họ đại diện cho Hoàng đế. Không biết tôi đã nhắc nhở họ bao nhiêu lần không được ra vẻ hống hách." Ông ta ngừng lại, im lặng nhìn Mẫu Đơn, và nói khẽ bằng giọng trầm ấm, "Tôi hy vọng họ không làm Tam muội hoảng sợ." Mắt nàng sáng rỡ với một vẻ khôi hài trẻ trung và tinh nghịch. "Sợ chứ, thuyền của em suýt nữa bị lật. Bị đâm vào ngay từ phía sau." - Tôi rất tiếc và xin lỗi cho chúng. Tôi chắc Tam muội chưa dùng điểm tâm. Nào, xin mời dùng với tôi.
Đinh má, người đầy tớ, chạy ra đuôi thuyền truyền lệnh. Địa vị bà ta cao hơn một người đầy tớ; bà ta đã là nhũ mẫu của Mạnh Giao từ hồi còn bé, và trở thành người quản gia cho chàng từ nhiều năm, trông coi quan hàn lâm như một người mẹ trong những năm ở Bắc Kinh.
Trái tim Mẫu Đơn vẫn còn đập mạnh vì xúc động. "Em trông thấy huynh trưởng tại Đền Kim Sơn, nhưng huynh trưởng không nhìn thấy em." Nàng nói như thể hai người là bạn với nhau nhiều năm rồi. Đó là lối cư xử của nàng, thành thực và thân mật khi gặp đàn ông. "Huynh trưởng thực sự nhớ được em ư?" Mạnh Giao bị kích thích bởi cái giọng nói êm dịu nhưng rất trẻ trung của nàng, và cũng bởi cái thái độ thân mật nữa. "Phải, tôi nhớ mà." "Em trông thấy huynh trưởng nhưng huynh trưởng không nhìn thấy em." Lời nói có vẻ tự tin nếu nàng không nói bằng một sự ngay thẳng trẻ con và thân mật. Chàng đã gặp nhiều mệnh phụ xinh đẹp tại Bắc Kinh, nhưng chưa lần nào cảm thấy một sự hào hứng tươi mát, đầm ấm và tự nhiên như vài lời trong phong cách nói của nàng. Chàng nhớ lại người con gái này có đôi mắt tinh anh đặc biệt. Những lời nói mau lẹ và rõ ràng của nàng tuôn ra như một lời thú nhận:
- Em mười một tuổi và huynh trưởng trở về là một quan hàn lâm tại Bắc Kinh; cả họ chúng ta ăn mừng và đặt bài vị trong nhà từ đường. Huynh trưởng có nhớ Tô thúc thúc không?
- Có chứ, tôi nhớ.
- Hừ, chính Tô thúc thúc giới thiệu em cho huynh trưởng, và huynh trưởng nhìn em. Ôi, sao em yêu kính huynh trưởng đến thế! Huynh trưởng đặt tay lên trán em và gọi em là "xuất sắc". Đó là giây phút vĩ đại nhất trong đời em. Kể từ đó mọi người gọi em là Tam muội, vì huynh trưởng đã gọi em như thế. Em lớn lên nhớ mãi bàn tay mềm mại của huynh trưởng trên trán em. Huynh trưởng không biết huynh trưởng đã làm gì cho em đâu. Sau đó, khi em biết đọc, em đọc tất cả mọi sách của huynh trưởng, dù em hiểu được hay không.
Mạnh Giao cảm thấy vừa hãnh diện vừa hài lòng. Chàng dường như gặp được một tâm hồn giống chàng.
Nàng không có một dè dặt, một kiềm chế nào. Chàng hỏi:
- Hãy cho tôi biết chúng ta có họ với nhau như thế nào.
- Hừ, Tô thúc thúc họ Tô. Ông ấy là anh của mẹ em. Gia đình em sống tại Vĩnh Kỳ Môn.
- À phải rồi. Ông ấy lấy em của mẹ tôi.
Trong khi nói chuyện, Mẫu Đơn biết Lương Mạnh Giao được quan Đại học sĩ Trương Chi Đông phái xuống Phúc Châu để báo cáo về trường hải quân và quân cảng. Trương Chi Đông, một trong những lão đại thần, đang chủ trương học hỏi theo tây phương, đặc biệt là mở các đường hoa? xa, hầm mỏ, xưởng đúc thép Hàn Diệp Bình tại Hán Khẩu, và quân cảng và trường hải quân Phúc Châu. Mạnh Giao phải đi Hàng Châu trước, và sẽ trở về Bắc Kinh trước mùa đông. Nàng trông thấy mái tóc bạc gần thái dương của chàng và hỏi, "Huynh trưởng bao nhiêu tuổi rồi?" - Ba mươi tám. Còn Tam muội bao nhiêu?
- Hai mươi hai.
- Tôi không còn biết trong họ ai già ai trẻ bao nhiêu nữa. Tôi đi xa lâu quá rồi.
- Em sẽ hãnh diện biết bao khi bảo cho họ hàng biết em đã gặp quan hàn lâm trong một chuyến đi xa, và được ngồi chung thuyền với quan hàn lâm.
Chàng nói bằng một giọng trầm trong cổ, và bình tĩnh, nhưng mắt rất sắc xảo với một sức mạnh nội tâm, như thể chàng hiểu mọi chuyện trước mắt. Chàng là một người đã đi nhiều và trông thấy nhiều, nhưng trong lòng lúc nào cũng ung dung. Ngay lúc trước đó trong khi lính cận vệ la hét quát tháo, chàng chỉ nhìn xem một cách thú vị. Nàng biết từ những bài viết của chàng rằng chàng nhìn đời bằng một quan điểm đặc biệt, bằng một sự hài hước yên lặng, nửa khôi hài nhưng không bao giờ hoài nghi. Sách vở của chàng cho nàng biết những ý tưởng và thành kiến ưa thích của chàng, như một người biết rõ một người bạn thân.
Nàng cảm thấy nàng hiểu chàng, như thể nàng từng biết chàng từ nhiều năm.
Bây giờ nàng cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Nàng lười biếng lê chân tới mạn thuyền và đọc những chữ trên lá cờ đỏ hình vuông. Hàng chữ viết:
"Quan Tứ Phẩm, Cố Vấn Đặc biệt cho quan Đại học sĩ Trương. Ủy viên đặc biệt tới viện Hải quân Phúc châu, Lương Hàn Lâm quê Ngọc Đào." Nàng trở lại khen ngợi chàng.
- Chỉ là quan tứ phẩm thôi. Đừng hoảng sợ những thứ vô nghĩa lý ấy.
- Tại sao huynh trưởng nói vậy?
- Bởi vì tôi chẳng biết gì về hải quân hoặc pháo thuyền cả. Thực ra tôi chỉ là một người biết sửa đồng hồ - học từ những người bạn Dòng Tên của tôi. Quan Thừa tướng, tức là quan Đại học sĩ Trương Chi Đông phái tôi đi chỉ vì ông ta muốn tôi biết chắc rằng Viện Hải Quân được điều hành trơn tru, như một chiếc đồng hồ. Dĩ nhiên, tôi đã đọc tất cả những sách vở của Dòng Tên và hiểu một vài điều về máy hơi nước... Tôi thật sự có thể tháo rời mọi bộ phận của chiếc đồng hồ và sửa chữa được. Tôi đã có tiếng là người biết sửa đồng hồ tại Bắc Kinh.
- Huynh trưởng thật là tuyệt giỏi.
- Chẳng tuyệt giỏi gì đâu. Chỉ cố tìm hiểu. Có rất nhiều thứ chế tạo tại Tây phương mà chúng ta chưa tìm hiểu.
Mạnh Giao nhìn Mẫu Đơn trong dáng vẻ đặc biệt của nàng, một thái độ uể oải và mơ mộng - sự mơ mộng trong mắt và trong dáng nàng. Nàng thường hất đầu về phía sau một chút, dù đứng hay ngồi, khi nàng ở một mình, trong một thái độ suy tưởng và thoải mái, mắt mơ màng, sung sướng và thoải mái, uống tận cùng cái tinh chất của mọi thứ quanh nàng. Chàng đã trông thấy nàng nhiều lần như thế, trong lúc nàng ngồi một cách bấp bênh ở đầu thuyền, ngẩng mặt lên, như thể suy nghĩ mà thực như không suy nghĩ, đón nhận mùi hương của gió, âm thanh của chim chóc, cảm giác của mặt trời ấm áp trên mặt nàng, thở bằng một sự tồn tại. Dù nàng đứng thẳng, dáng điệu nàng gợi đến bước chân lười biếng và tâm trí thoải mái của nàng, cổ nàng cúi nghiêng về phía trước, hai cánh tay buông thõng hai bên người, những ngón tay cong lên như đầu những ngọn cây dâu.
Khi bữa ăn trưa dọn ra bàn, Mạnh Giao nghe thấy một tiếng kêu thích thú cố đè nén. Chàng nhìn lên từ trang sách và trông thấy hình dáng mảnh mai của nàng, mặc áo chẽn và váy trắng, cánh tay trắng nõn chỉ vào một cái gì trước mặt với một vẻ vui thích trẻ con. Chàng hỏi:
- Cái gì thế?
- Chim cốc.
Giọng nói trong trẻo kéo dài ra một cách dịu dàng bằng một âm thanh thích trí và hài lòng. Nàng quay nghiêng thành một hình nổi bật trên làn nước xanh, cánh tay vẫn vươn ra, mái tóc đung đưa trên trán, một sự sống động trẻ con và hấp dẫn. Chàng bước lại gần, không quan tâm tới những con chim, mà vì cảm động bởi sự tươi mát của niềm thích thú trẻ trung mà khung cảnh đã tạo ra trong lòng nàng.
Nàng đứng đó, mắt chăm chú nhìn cảnh trước mặt. Hai ngư phủ đứng trên hai chiếc thuyền đáy bằng, dùng sào dài đập nước và kêu mấy tiếng "Hồ! Hồ!" Hai chiếc thuyền đến từ hai góc khác nhau và xua cá vào giữa. Những con chim cốc màu đen lao xuống nước rồi mỗi con bay lên miệng ngậm một con cá, nộp cho ngư phủ. Sau khi nhả cá ra, chim cốc nghỉ trên thuyền, lắc lư mỏ một cách kiêu hãnh thoa? mãn, rồi lại nhào xuống nước để trổ tài bắt cá. Chim cốc nuốt những con cá nhỏ, nhưng một cái vòng bằng tre ở cổ chúng bắt chúng phải nộp cho chủ những con cá lớn.
Một mùi gay gắt từ những con chim phảng phất lên khi thuyền lại gần chúng. Các ngư phủ vẫn tiếp tục kêu "Hồ! Hồ!" để đuổi cá, đập nước xa thuyền hơn nữa trong khi những con chim kêu ồm ộp. Khi trông thấy một con chim bay lên ngậm một con cá lớn, Mẫu Đơn nắm lấy cánh tay Mạnh Giao và hổn hển nói, "Coi kìa!" Nàng cứ để tay trên cánh tay chàng, như thể nàng là em gái ruột của chàng vậy. Thực là bất nhã, nhưng về phần nàng thì hoàn toàn tự nhiên và ngây thơ.
Nhưng cái cử chỉ nhỏ bé ấy đã gây cho Mạnh Giao một xúc động mới mẻ, vì sự gần gũi ấm áp với một người đàn bà còn trẻ. Chàng dường như hiểu ngay cái bản chất đặc biệt của nàng, tin tưởng, thân mật và đầm ấm. Mắt nàng quay lại nhìn xem chàng có vui thích như nàng không.
Lương Mạnh Giao cảm thấy rằng người em họ mà chàng khen ngợi khi còn bé nay đã trưởng thành là một thiếu phụ, thành thực một cách tuyệt diệu, bừa bộn và bất bình thường một cách rất hấp dẫn. Chàng cảm thấy cõi riêng tư của tâm hồn chàng đã bị phá vỡ. Là một người độc thân gần bốn mươi tuổi, cuộc đời chàng đã theo một cái nếp bình thường, tập trung một cách ích kỷ vào sách vở, sự học hỏi và du lịch, thoa? thích theo ý riêng. Cơn xúc động từ Mẫu Đơn gây ra khi nàng nắm chặt cánh tay chàng, và nhìn thẳng vào mắt chàng như một người đã phá vỡ và đảo lộn cuộc đời cô đơn của chàng, một sức mạnh bí mật vĩ đại xâm nhập vào con người chàng và thô bạo đạp đổ tất cả. Một người tươi mát, hồn nhiên vui vẻ và lạ lùng, đã xâm nhập cõi riêng tư của chàng, lấy đi của chàng sự bình tĩnh vốn có. Sự việc ấy xảy ra bất thình lình và bằng một cách không giải thích được.
Chàng đã thành công dễ dàng; chàng đã không tìm danh tiếng, nhưng danh tiếng tìm đến chàng. Nhưng có lẽ lần này sự đam mê ấy đã bắt đầu nhàm chán. Trừ một vài người bạn thân và công việc, không gì có thể kích thích chàng nhiều. Ngoài những thứ này, chàng không màng chức tước và địa vị. Ngay cả khi chàng được phong chức hàn lâm, chàng chỉ coi đó là một chức tước, do bên ngoài gán cho chàng; chàng biết rằng một văn nhân phải đứng vững hay đổ ngã với tác phẩm, dù có bằng cấp hay không cũng thế, và tình yêu thực của chàng là sự nghiên cứu sách vở. Và bây giờ bỗng nhiên chàng cảm thấy chàng đã bỏ phí cuộc đời. Cuộc đời sẽ chẳng còn ý nghĩa nữa, trừ phi chàng gặp một con người:
sự hiện diện và giọng nói của Mẫu Đơn. Chàng cảm thấy bực bội nhưng cũng rất thích cái ý nghĩ ấy.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 929

Return to top