Gần mười một giờ trưa, hai chàng trai trẻ mới bỏ lại tháp Sextius ở phía bên phải, xuất hiện trong cỗ xe mui tràn lăn trên những tấm lát đường Appia mà hai nghìn năm qua chưa đủ sức tách chúng xa nhau.
Đường Appia, theo ngài Haussmann, nó như Rome của César, Champs-Élyseés, rừng Boulogne và gò Chaumont ở Paris.
Vào ngày đẹp trời thời cổ đại người ta đã gọi nó là Appia vĩ đại, bà hoàng của các con đường, như đường thiên đàng vậy. Đó là nơi gặp gỡ của sự sống và cái chết, của tất cả những gì giàu có, cao quý, lịch lãm bậc nhất thành Rome.
Nó có tán lá của đủ loại cây, nhất là những cây bách tuyệt đẹp phủ lên những lăng tẩm nguy nga. Ngoài ra còn có những con đường khác như đường Flaminienne và đường Latine cũng có lăng tẩm như đường Appia. Với người La Mã, cái dân tộc có gu về cái chết gần như phổ biến giống ở Anh, nơi dưới thời cai trị của Tibère, Caligula và đặc biệt thời Néron việc chết như một bệnh dịch lây lan thì với người La Mã, mối bận tâm xem việc đặt thi thể an nghỉ ngàn thu ở chỗ nào là cực kỳ quan trọng.
Vì lẽ đó hiếm khi một người còn sống phó mặc việc lo hậu sự chỗ chôn cất cho thế hệ kế cận. Đó là một thú vui khi tự mình chăm lo phần hậu táng của chính bản thân. Vì thế, phần lớn các ngôi mộ ngày nay chúng ta gặp đều mang hoặc hai chữ viết tắt V. F. có nghĩa là Virus fecit; hoặc ba chữ V. S. P. có nghĩa Virus si bi posuit hay V. E. C. có nghĩa Virus faciendum curavit(1).
Quả thật điều vô cùng quan trọng với một người La Mã là được chôn xuống đất. Theo tục lệ tôn giáo lan truyền từ thời Gicéron, khi mà mọi loại mê tín tuy đang bắt đầu bị loại bỏ, rằng linh hồn của bất cứ ai chết nếu không có mồ mả sẽ phải lang thang hàng trăm năm bên bờ sông Styx. Chính vì vậy mà ai đó gặp một thi thể dọc đường mà không chôn chất tử tế sẽ bị coi phạm một tội nặng không thể dung thứ trừ phi dùng một con lợn cái tế cho Cérès.
Tuy nhiên, được chôn cất chưa phải là tất cả mà còn phải được chôn một cách êm ái nữa kia. Thần Chết của người tà đạo không có vẻ gì đáng ghê sợ như kiểu một bộ xương lủng lẳng gắn với các sọ trắng hếu, hốc mắt trống rỗng và hàm răng nhe ra chết khiếp ta vẫn thấy.
Không, thần Chết của họ là một người đàn bà đẹp, là cô con gái xanh xao nhợt nhạt của thần Giấc ngủ và thần Bóng đêm với mái tóc loà xoà, bàn tay trắng và lạnh giá, cái ôm đóng băng, có cái gì giống như một người bạn gái xa lạ, khi người ta gọi thì bước ra khỏi bóng tối với bước đi chậm chạp và lặng lẽ, khẽ cúi xuống người chết và chỉ cần một nụ hôn tang tóc đủ khép đôi môi và đôi mắt của kẻ đó. Thế là cái xác trở nên câm lặng, vô cảm cho đến khi giàn lửa bao trùm và cuốn lấy cái xác, chia phần linh hồn ra khỏi vật chất, vật chất trở thành tro tàn còn linh hồn trở thành thần thánh. Tuy nhiên, vị thần mới này, cũng vô hình với người sống như những con ma đối với chúng ta, sẽ lấy lại thói quen, sở thích và đam mê của nó, trở lại việc sở hữu các giác quan, yêu thứ nó từng yêu và ghét thứ nó từng ghét.
Chính vì thế mà trong mộ của một binh sĩ người ta hay chôn theo cái khiên, cái lao và thanh kiếm, trong mộ của phụ nữ là kim khâu kim cương, dây chuyền vàng và vòng ngọc của họ, trong mộ của trẻ em là đồ chơi, bánh mì, hoa quả, một cốc Albat, vài giọt sữa vắt từ vú mẹ khi người mẹ chưa bị kiệt sữa.
Nếu cái ngôi nhà mà người ta sống trong quãng đời ngắn ngủi của mình còn quan trọng mức nào với La Mã thì bạn hãy nghĩ xem ngôi nhà họ ở vĩnh viễn phải được chăm chút ra sao vì các vong hồn ở mãi trong nấm mồ của họ. Do đó, họ trang trí tuỳ sở thích, một số là những người vui thú điền viên nghiệp dư với sở thích đơn giản, ưa chè chén, một số ít khác lại sắp đặt chỗ mai táng của mình trong vườn, trong rừng để thiên thu vui cùng các thần sông núi, rừng già, được đưa nôi trong tiếng lá xào xạc trong gió, thư giãn theo tiếng suối rót rách qua những viên sỏi hay vui cùng bầy chim líu lo trên cành cây.
Những người này thường là các nhà triết gia hay những nhà thông thái còn những người khác vốn là số đông, đa số, ưa vận động, ưa giao tế họ sẵn sàng trả giá bằng vàng để mua những mảnh đất bên đường cái quan nơi lắm kẻ qua lại để tứ xứ mang đến châu Âu tin tức về châu Á, châu Phi dọc theo đường Latine, Flaminienne và nhất là đường Appia. Đường nào cũng đi đến Naples nhưng chúng có hai hàng điện thờ, lăng tẩm. Kết quả là những vong hồn may mắn được chôn dọc theo đường Appia không chỉ được thấy những khách quan quen và lạ qua lại, không chỉ được nghe người ta nói đến tin tức sốt dẻo ở mãi châu Á, châu Phi mà còn nói với các khách quan bằng những hàng chữ văn bia trên lăng tẩm của họ.
Tuỳ theo tính cách từng người, họ viết khi còn sống mà chúng ta quan sát được, người khiêm nhường thì nói:
"Tôi đã từng sống, hiện tại tôi không sống nữa
Đó là tất cả cuộc sống của tôi, tất cả cái chết của tôi".
Người giàu có thì viết:
"Nơi đây an nghỉ
STABIRIUS
Lẽ ra ông đã có thể có một vị trí
trong đội quân thành Rome
nhưng ông ấy không muốn
Sùng đạo, can trường, chung thủy
Tay trắng mà để lại 30 triệu
và không bao giờ muốn nghe những tên học giả
Hãy bảo trọng và bắt chước ông ấy!
Và như để thu hút sự chú ý nhiều hơn của khách qua đường, Stabinus, một anh nhà giàu còn cho khắc hình mặt trời lên trên văn bia của mình.
Người văn chương lại nói:
Du khách!
Dù hành trình của bạn có vội vã đến đâu
tảng đá này vẫn muốn bạn nhìn nó
và đọc những gì được ghi:
Nơi đây an nghỉ nắm xương tàn của nhà thơ
MARCUS PACUVIUS
Đó là điều tôi muốn nói với bạn
Vĩnh biệt.
Người kín đáo viết:
Danh tính, quê quán, xuất thân của tôi
Tôi từng thế nào vẫn là như thế
Tôi sẽ không nói ra
Câm lặng vĩnh hằng, tôi chỉ còn chút
Tro tàn, xương trắng, không gì hết.
Đến từ hư vô, tôi quay lại nơi tôi đã đến
Số phận tôi chờ bạn.
Vĩnh biệt
Người mãn nguyện lại viết:
Từng sống trên đời, tôi trải qua hết
Phần tôi đã xong, phần bạn cũng sớm đến hồi kết
Vĩnh biệt.
Hãy vỗ tay vào.
Cuối cùng, một người vô danh, chắc là cha một em bé đã viết lên mộ con, một bé gái tội nghiệp mới lên bảy tuổi:
Đất ơi! Đừng đè lên em!
Em vẫn chưa từng đè lên đất.
Vậy những kẻ đã chết còn cố bám đuổi sự sống bằng ngôn từ trên mộ nói với ai? Ai là người họ vẫy gọi từ nấm mồ của họ? Họ tiếp tục đi vào suy nghĩ của thế giới nào nữa? Kẻ nào là người vui vẻ vô tư đi qua nhanh mà chẳng nghe họ, chẳng nhìn họ?
Vào khoảng bốn giờ chiều, khi cái nóng gay gắt trong ngày dịu lại, khi mặt trời bớt dữ dằn và bớt loá mắt trên biển Tyrrhénienne, khi bóng những cây thông, cây sồi xanh và cây cọ ngả dài từ Tây sang Đông, khi cây trúc đảo Sicile rũ mình khỏi bụi ngày trước làn gió đầu tiên và từ dãy núi xanh lơ nơi có đền thờ Jupiter Latial xuống, khi hoa trà Ấn Độ nở cánh trắng như ngà tròn trặn như ống kèn, và như một cái cúp toả hương sẵn sàng đón giọt sương chiều, khi loài hoa nélumbo từ biển Caspa tránh ngọn lửa nóng nhô lên khỏi mặt nước để tận hưởng cái dịu mát ban đêm cũng là lúc cổng lớn của đường Appia bật mở xuất hiện những gì người ta có thể gọi là những người đẹp, những hiệp sĩ thành Rome, những thị dân bước ra khỏi nhà mồ của họ để hít thở, để sẵn sàng diễn binh, ngồi lên ghế bành, ghế tựa, lên bậc cho các kỵ sĩ lên ngựa hay nằm trên các ghế băng hình vòng tròn dùng cho khách qua đường ngả lưng ở nhà của những người quá cố hòng tạo thuận tiện cho những người sống.
Chưa bao giờ thành Paris, ở giữa hai hàng rào đại lộ Champs-Élysée, chưa bao giờ thành Florence có Cascine, Vienne có frater, Naples bị dồn giữa phố Telède hay Chiaina từng thấy số lượng diễn viên phong phú, tụ họp số khán giả tương tự như ở đây.
Chú thích:
(1) "Đã thực hiện khi còn sống"; "Sinh thời (ông ấy) đã tự soạn cho mình"; "Cho xây từ khi còn sống".