Hôm sau là ngày ấn định cuộc vây bắt Moreau và Pichegru. Bonaparte không khỏi không lo ngại về ảnh hưởng của việc bắt Moreau trên địa bàn Paris. Cũng có thể sự bất công ông dành cho Moreau khiến ông nghĩ như vậy. Do đó, Bonaparte mong nếu có thể, tốt nhất là Moreau bị bắt trên đất Grosbois của ông ta.
Đã mười giờ sáng mà vẫn chưa có tin tức gì trong khi Bonaparte lại nóng lòng muốn biết sự thể. Do đó, ông gọi Constant, ra lệnh cho anh này đi một vòng quanh khu thương mại Saint-Honoré xem xét tình hình. Trong lúc lượn lờ quanh nhà của Moreau nằm trên phố Anjou, anh này có thể sẽ biết chuyện gì đã xảy ra nếu nó đã xảy ra.
Constant tuân lệnh đi ngay, nhưng ở khu Saint-Honoré, trên phố Anjou, anh này chỉ thấy vài nhân viên mà mọi người qua đường không ai biết, riêng Constant thì nhận ra họ vì thỉnh thoảng họ đi tuần quanh điện Tuileries, anh hỏi một người mà thấy quen nhất. Người ta nói có lẽ Moreau đang ở quê vì không thấy ông này trong nhà trên Paris.
Constant chực quay về thì người lính nọ nhận ra cận vệ của ngài Tổng tài nên chạy đuổi theo và thông báo Moreau vừa bị bắt trên cầu Charenton và đã được dẫn đến Temple. Ông ta không hề kháng cự, ra khỏi xe của mình để lên xe độc mã của sở Hiến binh. Khi về đến Temple, ngài chánh án Régnier hỏi ông có muốn gặp Bonaparte không thì ông này đáp rằng mình không có gì mà phải đến gặp ngài Tổng tài.
Trong mối hằn thù của Bonaparte với Moreau có sự bất công còn trong mối thù của Moreau với Bonaparte lại pha chút nhỏ mọn chỉ có điều lòng căm thù của Moreau không xuất phát từ bản thân ông ta mà từ hai người đàn bà: vợ và mẹ vợ của ông. Phu nhân Bonaparte đã tác hợp cho đám cưới của Moreau với tiểu thư Hulot, bạn gái của bà, cũng là dân da trắng trên đảo Martinique. Đó là một thiếu nữ dịu dàng, đáng yêu và được trời phú cho những phẩm chất tốt đẹp để trở thành một người vợ thảo, một người mẹ hiền cực kỳ yêu chồng và hãnh diện trước cái họ vinh quang của chồng mà mình đang mang. Thật không may, tiểu thư lại có bà mẹ bảo thủ, ham hố và tham lam. Phu nhân Hulot rất tham vọng, lúc nào cũng muốn con rể phải như Bonaparte, bà muốn con gái mình phải có vị thế như Joséphine. Tình mẫu tử của bà đã biến thành những câu than vãn liên miên của người vợ đè lên đầu chồng. Moreau không còn được thanh thản nữa. Ông trở nên khó tính, chua chát, ngôi nhà của ông biến thành điểm đối đầu tất cả những ai bất mãn đều tụ tập đến đó, nhất cử nhất động của ngài Tổng tài đều biến thành chủ đề châm biếm đàm tiếu cay độc. Từ một người mơ mộng, Moreau trở nên rầu rĩ, từ người vô tư biến thành kẻ thù hận, từ không hài lòng biến thành một kẻ phản loạn.
Về phần Bonaparte, ông hy vọng sau khi bị bắt Moreau sẽ nghĩ lại thoát khỏi ảnh hưởng của vợ và mẹ vợ để quay về với ông.
- Thế nào - Bonaparte hỏi Régnier sau khi thấy ông này về sau cuộc vây bắt - ông dẫn hắn về cho tôi chứ?
- Không, thưa tướng quân, hắn nói không có lý do gì để muốn gặp ngài.
Bonaparte dọi một cái nhìn xuyên thấu viên chánh án rồi nhún vai.
- Làm việc với một kẻ ngốc có kết quả thế đấy.
Chỉ có điều kẻ ngốc là ai? Viên Chánh án cho rằng Bonaparte muốn ám chỉ Moreau. Và chúng tôi, chúng tôi lại nghĩ Bonaparte muốn ám chỉ Régnier.
Pichegru cũng bị bắt nhưng mọi việc với ông ta không thuận buồm xuôi gió như đã xảy ra với Moreau.
Chúng ta nhớ lại rằng Fouché đã nói ông ta biết chỗ ở của Pichegru. Quả thực, nhờ tài lanh lợi của Thợ Nề, từ khi đặt chân đến Paris, anh đã không rời mắt khỏi hắn ta. Từ phố Arcade, anh theo hắn đến phố Chaillot, buộc phải rời phố Chaillót, Coster de Saint-Victor đã giấu hắn tại nhà một cô bạn gái cũ, cô nàng Aurélie de Saint-Amour xinh đẹp, nơi có vẻ an toàn nhất. Nhưng chỗ này không thích hợp với tính khắc khổ của Pichegru nên hắn chấp nhận lời mời của một cận vệ cũ. Có người nói đó là cựu sĩ quan tuỳ tùng (chúng tôi hy vọng đó là một cận vệ) và hắn rời phố Colonnes nơi cô nàng xinh đẹp sống để đến phố Chabanais. Hắn ở lại đó hai ngày. Và đó là quãng thời gian duy nhất Fouché để mất dấu của hắn.
Pichegru ở lại mười lăm ngày tại trú ngụ mới mà không phải băn khoăn gì. Nhưng thật ra từ mười hai ngày trước, Fouché đã lại tìm ra hắn và theo dõi sát sao.
Trước hôm Moreau bị bắt, một người có tên là Leblanc nài nỉ để được gặp tướng Murat.
Murat là em rể của Bonaparte, người đã giúp ông nhiều trong cuộc đảo chính ngày 18 Brumaire, và như các bạn còn nhớ, Murat đã được bổ nhiệm làm thị trưởng Paris thay chỗ Junot.
Lúc đầu vì quá nhiều việc, Murat từ chối cuộc gặp nhưng khi nghe đến tên Pichegru, mọi cánh cửa đều mở ra đón tiếp hắn.
- Thưa ngài thị trưởng - Người đàn ông trạc năm mươi tuổi nói - Tôi đến để tặng ngài món quà là giao Pichegru cho ngài.
- Giao hắn cho tôi hay là bán cho tôi?
Người đàn ông cúi đầu nín lặng một lát rồi lẩm bẩm:
- Bán hắn cho ngài.
- Bao nhiêu?
- Một trăm nghìn phăng.
- Đồ dịch hạch, đắt quá!
- Thưa tướng quân, - Người đàn ông ấy ngẩng đầu lên - khi người ta làm một điều ô nhục như thế thì cũng phải được giá hời chứ!
- Liệu tối nay tôi có địa chỉ của hắn và có thể bắt hắn khi nào tôi muốn chứ?
- Khi tiền đã trao, ngài là ông chủ, muốn làm gì cũng được, thậm chí có thể bán linh hồn tôi cho quỷ dữ nếu điều đó làm ngài vui lòng.
- Chúng tôi sẽ đưa anh tiền ngay - Murat nói - Pichegru ở đâu?
- Ở nhà tôi số 5 phố Chabanais.
- Hãy tả bên trong căn phòng.
- Đó là phòng thứ tư, một phòng ngủ và một phòng làm việc, hai cửa sổ mở ra ngoài phố, một cửa lớn dẫn sang bếp. Tôi sẽ đưa cho các ngài chìa khoá cánh cửa thông sang bếp. Tôi đã đánh thêm một chìa, sau đó người hầu của tôi sẽ dẫn quân của các ngài. Tôi chỉ cảnh báo các ngài rằng lúc nào Pichegru cũng đi ngủ cùng hai khẩu súng ngắn và một con dao găm dưới gối.
Murat đọc lại lời khai báo, đặt nó trước mặt kẻ phản bội.
- Bây giờ thì hãy ký đi.
Hắn cầm bút và ký "Leblanc".
- Tôi có thể bắt anh trả giá nếu anh giở mánh khoé để lấy một trăm nghìn phăng đấy - Murat nhắc nhở - Anh biết luật chống kẻ lừa đảo thế nào rồi. Làm sao phải đợi Pichegru ở nhà anh mười lăm ngày, anh mới đi tố cáo?
- Tôi không biết ông ấy bị truy nã, ông ấy đến gặp tôi như một người lưu vong muốn tá túc ít bữa. Chỉ mới hôm qua tôi mới biết ông ấy về Paris vì một mục đích khác. Tôi nghĩ phải giúp chính phủ bắt ông ấy, vả lại… - Lần thứ hai kẻ phản bội cụp mặt xuống - Tôi đã nói với ngài là tôi cần tiền.
- Bây giờ anh có nó - Murat nói và đẩy một xấp tiền ra trước mặt hắn. - Cầu mong số tiền này mang đến cho anh hạnh phúc nhưng ta nghi ngờ điều đó.
Leblanc vừa đi khỏi nửa tiếng thì người ta thông báo có Fouché đến. Murat vốn là chỗ thân tín của Bonaparte và ông biết Fouché mới thật sự là Bộ trưởng bộ Cảnh sát.
- Thưa tướng quân - Fouché nói với ông - Ngài vừa ném một trăm nghìn phăng xuống sông vô ích rồi.
- Sao lại thế? - Murat hỏi.
- Thì ngài chẳng vừa đưa cho Leblanc khoản tiền ấy vì hắn tố cáo chỗ ở của Pichegru là gì.
- Thực tình tôi cũng thấy quá đắt vì bí mật đó.
- Đúng là quá đắt vì tôi đã biết chỗ ấy và còn có lệnh bắt ngay hắn nữa.
- Nhưng ngài có biết bên trong căn phòng để không bị mắc sai lầm chưa?
Fouché nhún vai.
- Phòng thứ tư, hai cánh cửa sổ quay ra phố, một cửa lớn thông vào bếp, một cửa khác thông ra ngoài thềm, hai khẩu súng lục và một con dao găm dưới gối. Pichegru ở Temple bất cứ khi nào ngài muốn.
- Chắc là ngày mai. Ngày mai người ta cũng bắt Moreau.
- Được rồi - Fouché nói - Bốn giờ sáng ngày mai, hắn sẽ bị bắt. Chỉ có điều, tôi chịu trách nhiệm việc này với ngài Tổng tài nên tôi muốn mình hoàn tất nó.
- Được thôi! - Murat đáp.
Từ ba giờ đến bốn giờ sáng hôm sau, được cung cấp thông tin đầy đủ cảnh sát trưởng Comninges, hai thanh tra và bốn hiến binh đến số 5 phố Chabanais. Người ta đã chọn những người gan dạ và mạnh mẽ nhất vì người ta biết Pichegru có sức khoẻ phi thường không dễ để bị bắt mà không chống trả quyết liệt.
Người ta đánh thức anh gác cổng thật nhẹ nhàng và cho biết mục đích đến toà nhà, họ muốn nói chuyện với chị nấu bếp nhà ông Leblanc. Chị này, được báo trước từ hôm qua đã mặc quần áo sẵn sàng xuống mở cửa bếp bằng chiếc chìa khoá giả do ông chủ mới đánh dẫn sáu cảnh sát và viên cảnh sát trưởng vào phòng Pichegru.
Pichegru đang ngủ.
Sáu cảnh sát xông vào giường. Vừa bật thức dậy, Pichegru quật đổ hai người và lục tìm súng với dao nhưng chúng đã bị lấy mất từ trước.
Bốn cảnh sát còn lại tiếp tục đồng loạt tấn công, Pichegru đá lại ba người nhưng người thứ tư đã dùng gươm chém vào chân hắn khiến hắn đổ vật xuống. Một cảnh sát gí giầy lên mặt hắn song ngay lập tức anh này hét lên vì Pichegru đã dùng răng cắn xuyên ủng vào một phần chân. Người khác dùng con quay xiết chặt hắn bằng sợi dây chắc chắn.
- Tôi đầu hàng! Thả tôi ra - Pichegru kêu lên.
Người ta lấy chăn trùm lên hắn rồi tống lên xe. Đến trạm gác Sergent, cảnh sát trưởng và hai cảnh sát lên xe với hắn và nhận ra hắn không thở nữa. Họ nới dây trói ra vừa kịp, suýt nữa hắn đã chết mất.
Trong lúc đó, một cảnh sát mang những giấy tờ thu được ở nhà Pichegru đến cho ngài Tổng tài. Còn về hắn, người ta dẫn hắn đến phòng làm việc của ngài Réal.
Ngài Réal cố gắng thẩm vấn hắn. Marco Saint-Hilaire đã giữ lại biên bản hỏi cung đầu tiên ấy. Nó thể hiện rõ tình trạng của Pichegru khi đó.
- Ông tên gì? - Ngài Hội đồng hỏi.
- Nếu ông không biết tên tôi - Pichegru nói - Tôi cũng không phải là người nói nó cho ông.
- Ông có biết Georges Cadoudal không?
- Không.
- Ông từ đâu đến?
- Từ nước Anh.
- Ông rời bến ở đâu?
- Ở nơi tôi có thể.
- Ông đến Paris bằng gì?
- Bằng xe.
- Với ai.
- Với tôi - ông biết Moreau chứ?
- Có, đó là người đã tố cáo tôi lên chính quyền Đốc chính.
- Các ông gặp nhau ở Paris phải không?
- Nếu chúng tôi gặp nhau đó sẽ là một cuộc đọ gươm.
- Còn tôi, ông biết tôi chứ?
- Tất nhiên.
- Tôi thường nghe nói về ông và tôi đánh giá công bằng tài năng quân sự của ông.
- Đó là lời nịnh hót - Pichegru nói.
- Chúng tôi sẽ cho băng bó vết thương của ông.
- Ích gì chứ, hãy mau mau bắn chết tôi đi.
- Ông có bí danh không?
- Người ta đặt cho tôi từ lâu rồi, tôi không nhớ nữa.
- Chẳng phải thỉnh thoảng người ta vẫn gọi ông là Charles hay sao?
- Đó là cái tên ông đặt cho tôi. Thế đủ rồi, tôi sẽ không trả lời những câu hỏi lỗ mãng của ông đâu.
Và quả thật, Pichegru không nói gì nữa. Người ta mang đến văn phòng của ngài Réal quần áo tư trang lấy từ nhà hắn. Một mõ toà chịu trách nhiệm chăm sóc cho hắn.
Khi Pichegru đến Temple, hắn khoác một áo dài màu nâu, một chiếc cà vạt bằng lụa đen, đi đôi ủng ống vểnh, chiếc quần chẽn bó lấy lớp vải băng chân và đùi, một chiếc khăn mùi xoa rớm máu quấn quanh tay.
Sau khi hỏi cung xong, ông Réal chạy vội đến Tuileries như tôi đã nói, người ta đã mang giấy tờ của Pichegru đến chỗ Bonaparte. Ông Réal gặp ngài Tổng tài đang mải đọc, không phải giấy tờ cá nhân mà là một bản ghi chép chi tiết những việc chỉnh đốn đảo thuộc địa Guyane. Hồi còn ở Sinnamary, Pichegru ghi chép lại những đặc điểm khí hậu còn khi ở Anh, hắn đã soạn thảo lại cuốn hồi ký đó thật xúc tích. Theo Pichegru, phải đổ vào đó từ mười hai đến mười bốn triệu mới thu được kết quả mỹ mãn.
Bản báo cáo ấy khiến ngài Bonaparte thực sự bị chấn động. Ông mơ hồ nghe Réal thuật lại cuộc hỏi cung cũng như việc bắt Pichegru khi đọc xong, ông chìa bản báo cáo vừa đọc cho Réal và nói:
- Ông đọc nó đi.
- Đây là cái gì?
- Đó là công việc của một kẻ vô tội bị vạ lây từ những kẻ phạm tội khác. Đôi khi với những người ở xa nước Pháp, thay vì lập kế hoạch chống lại tổ quốc, họ đã tìm cách khiến nó thêm vinh quang và phồn thịnh.
Réal lượt qua tập tài liệu mà Bonaparte vừa đưa.
- Đây là bản báo cáo về đảo Guyane và những cách thức có thêm thuộc địa.
- Ông có biết nó của ai không?
- Tôi không thấy đề tên - Réal đáp.
- Là của Pichegru đấy. Hãy tỏ ra tử tế với ông ta, hãy nói chuyện với ông ta cho xứng tầm. Thử lấy lòng tin của ông ta rồi nói đến Cayene và Sinnamary, có thể tôi sẽ cử ông ta đến lãnh đạo kèm theo một tài khoản từ mười đến mười hai triệu để thực hiện kế hoạch của ông ta.
Sau đó Bonaparte trở về phòng mình để cho ông Réal sững sờ với kết luận xanh rờn đó thay vì đưa ra phán quyết tử hình.
Trong số hai kẻ thù của mình, dù Pichegru có thể có tội nặng hơn nhưng Bonaparte vẫn ghét ông ta ít hơn bởi lẽ Pichegru không còn danh tiếng nữa còn Moreau thì ngược lại, uy tín của ông ta còn mạnh lắm. Mong muốn của ông, để đánh vào suy nghĩ của dân chúng, ông định ân xá cho Moreau và thưởng cho Pichegru, với hai động tác cao thượng đó, ông có thể cho chặt đầu kẻ còn lại trong hội mà không sợ bị điều tiếng gì.