Một ngày năm 1842, một con người to lớn tràn trề sức lực hể hả bước vào phòng đọc thư viện Mác-xây và tự giới thiệu: Alexandre Dumas.
Người thủ thư bối rối vì trọng vọng. Danh tiếng của Dumas lúc này đã vang dội. Ông mượn "Những hồi ký của ông D Artagnan" xuất bản năm 1704 và mượn luôn cả một bộ sách có tên: "Richelieu, Conbe và Majaranh(1). A. Dumas đã quên phắt không đem trả bộ sách đó. Một chi tiết rất nhỏ nhặt không đáng để ý nếu không có chuyện từ mấy cuốn sách ấy sinh ra cuốn truyện tuyệt vời "Ba người lính ngự lâm".
Năm 1842 A. Dumas tròn bốn mươi tuổi, tức ông sinh năm 1802, cùng năm sinh với Victo Hugo, mà Hugo đã viết: "Thế kỷ ấy đã được hai năm" (Ce siècle a deux ans).
Ngày 24 tháng bảy năm 1802, viên tướng của phái cộng hòa thời quốc ước, Thomas Alexandre Dumas gửi cho tướng Bruyle bức thư ngắn nội dung như sau: "Bruyle thân mến, tôi vui mừng báo tin cho anh, vợ tôi sáng hôm qua đã sinh một bé trai to lớn, nặng khoảng 4 kg rưỡi và dài 48 cm. Rồi anh sẽ thấy nó tiếp tục lớn lên ở ngoài như nó đã lớn lên như thế ở bên trong". Tướng Dumas yêu cầu bạn đồng nghiệp làm cha đỡ đầu cho nó. Ông viết thêm ở phần tái bút: "Tôi lại bóc thư ra để nói với anh là thằng nhóc vừa đái phọt qua đầu nó. Một sự khơi đầu tốt, phải không anh!"
Sáu trăm tác phẩm của "thằng nhóc" được xuất bản quả đã chứng tỏ sự khởi đầu tốt đẹp.
Là con trai nhà quý tộc, Hầu tước de la Payơrơri, nhưng người mẹ lại là một nô tỳ da đen, tướng Thomas là một người tư tưởng cộng hòa rõ rệt. Ông đã có lần cãi nhau với Napoléon:
"Tôi nghĩ phải đặt lợi ích nước Pháp lên trên lợi ích một con người, dù người ấy có vĩ đại đến đâu chăng nữa... Tôi sẵn sàng rời bỏ ngài, nếu ngài tách rời khỏi nước Pháp",
Vì vậy sau khi lên ngôi, Napoléon đã bạc đãi ông, ông xin về nghỉ hưu rồi qua đời trong cảnh túng quẫn khi "thằng nhóc mới được bốn tuổi". A. Dumas được mẹ vốn là con gái một chủ quán nuôi dưỡng trong cảnh túng bấn ở Vilê Cốttơrê, không được học hành, ngoại trừ mấy bài học vỡ lòng của một con người tốt bụng là ông mục sư. Nhưng lại học ở đời rất nhiều, đấy là vô tận những chuyến đi rừng, những buổi đi săn kể cả săn trộm vô cùng hào hứng và đọc rất nhiều. Kho sách nhà Dumas chứa đủ mọi loại sách mà A. Dumas ngốn ngấu một cách say mê. Mười lăm tuổi cậu theo học thầy Mênétxông, công chứng viên ở Vilê để làm thư ký hạng ba.
Thư ký công chứng viên hàng ngày viết kín trang này đến trang khác có dán tem bằng nét chữ rất đẹp và luôn thở dài nhớ rừng thân yêu. Đồng thời chàng cảm thấy nảy sinh trong mình sở thích mạnh mẽ đối với thi ca và sân khấu, rồi liền đó cố viết những vần thơ ngắn gửi vài cô gái ở Vilê Côttơrê hoặc Crêpyăng Valoa. Một hôm ở lâu đài Vilê Hêlông, chàng làm quen với chàng trai trẻ mười bảy tuổi hơn mình mấy tháng tên là Ađonphô de Lêvăng tự xưng là thi sĩ.
Một thi sĩ ư? Alexandre cũng reo thầm trong bụng: "Ta cũng vậy, ta cũng là thi sĩ". Khi chàng biết Ađonphô thường lui tới các nhà hát ở Paris và quen biết Talma, diễn viên bi kịch nổi tiếng, nhiệt tình của chàng với thi ca và sân khấu trở thành vô bờ bến. Tất cả đều cùng tồn tại: Paris, sân khấu, Talma và chàng, một thi sĩ và hiện thời quyết định đi theo Ađonphô đến Paris và sẽ tự giới thiệu với Talma. Nhưng còn tiền? Mặc kệ, chàng vừa đi vừa săn. Một con muông bị giết ở dọc đường đủ để trả tiền ăn đường.
Talma tiếp chàng và hỏi chuyện:
- Anh làm gì ở tỉnh nhỏ?
- Tôi không dám nói đâu - Alexandre thở dài - Tôi là thư ký công chứng quèn.
- Vở vẩn - Talma nói - Không vì thế mà thất vọng. Coócnây(2) cũng vốn là thư ký biện lý.
Và quay lại các bạn, Talma nói thêm:
- Thưa các vị, tôi xin giới thiệu với các vị một Coócnây tương lai.
Sau đó, nhờ tướng Foay, một đại biểu Quốc hội thuộc phái tự do chàng được vào làm thư ký phụ động ngạch rất thấp cho một văn phòng của Đại Quận công Oóclêlăng (sau này là vua Louis Philippe). Không sao, miễn điều đó có nghĩa là được ở Paris. Từ đó hàng ngày, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều chàng biên chép. Những báo cáo. Rồi lại vẫn nhùng báo cáo, sau đó chàng trở về căn nhà nhỏ của mình ở khu phố người Italia, đối diện với nhà hát Hài kịch. Không lấy gì làm vui lắm. May sao cùng tầng gác lại có một cô gái xinh đẹp tóc vàng hung, không giữ gìn lắm. Người ta lân la làm quen hàng xóm láng giềng. Dumas vốn có óc hài hước làm cho cô Catơrin Lơbay cười thích thú. Thế rồi ngày 27 tháng 7 năm 1824, một kẻ quyến rũ đàn bà thứ ba ra đời làm ầm ĩ khu phố người Italia. Người ta gọi nó là Alexandre. Người ta có nhẽ đã bắt quả tang khát vọng làm cha của chàng nếu cho chàng biết cái thằng bé Alexandre đó một ngày kia cũng nổi tiếng như chàng với tác phẩm Trà hoa nữ.
Dumas có người bạn làm việc cùng phòng tên là Látxanhơ luôn miệng nhắc:
- Nước Pháp đang mong chờ một cuốn tiểu thuyết lịch sử.
Và nhờ có Látxanhơ, Dumas bắt đầu đọc, đúng hơn là ngốn ngấu rất nhiều tác giả. Đọc thì đọc rồi. Nhưng còn viết? Cộng tác với Ađonphơ và Rútxô, một ông già say. Alexandre viết một vở hài kịch dân phổ thông. Cuộc đi săn và tình yêu. Vở kịch được diễn, chỉ còn hai câu là đáng nhớ:
Bởi muốn hạ bệ một chú thỏ rừng.
Ta phải là thỏ nhà ưu tú.
Tuy vậy, nó cũng đem lại cho Dumas ba trăm Frăng. Và chàng mang ngay đến một nhà in để bằng tiền túi của mình xuất bản một tập truyện. Tập truyện chỉ bán được đúng bốn bản in. Lúc đó là vào buổi bình minh của chủ nghĩa lãng mạn. Dumas thề: "Chiến thắng hoặc rã họng ra". Rõ ràng chàng vừa đọc một mẩu chuyện khá bi thảm về hoàng hậu Crítxtin của Thụy Điển trong tạp chí Tiểu sử phổ thông. Một chuyện khá rắc rối éo le giữa một hoàng hậu và một cận thần, sự phản bội, sự trả thù và sự hèn hạ. Thế là trong đầu Dumas sôi lên một vở kịch. Một kịch thơ? Ồ không, không có chuyện kịch thơ cổ điển được Dumas muốn những vần thơ "run rẩy, đánh mạnh vào lòng người, khủng khiếp" cơ. Một cái gì đó thoát ra khỏi sự tù túng của luật tam duy nhất vẫn còn được tôn thờ. Ô mặc xác mấy cái luật khô cứng đó.
Vở bi kịch Hoàng hậu Crítxtin đã được ra đời như thế trong một căn phòng nhỏ thuê một trăm Francs một năm, với ngòi bút của viên thư ký quèn của công tước Oóclêăng. Dumas không quen ai ngoài Sácnôđiê. Nhờ Sác giới thiệu, một buổi sáng chàng được Nam tước Taylo, cố vấn của nhà Vua phụ trách hí trường nước Pháp tiếp Taylo nằm nghe Dumas đọc Hoàng hậu Crítxtin. Tác giả vừa đọc xong Taylo đã nhảy choàng xuống đất bảo chàng:
- Anh đến ngay nhà hát Pháp đi.
- Lạy Chúa, để làm gì ạ?
- Để đọc qua một lượt, càng nhanh càng tốt.
- Có đúng là tôi sẽ đọc cho hội đồng nghe không?
- Không được chậm hơn thứ bảy tới.
Thứ bảy tới, vở kịch được hoan hô nhiệt liệt. Dumas ra khỏi nhà hát sung sướng phát điên. Chàng mới hai sáu tuổi. "Tôi trở về ngoại ô Thánh Denis, không trông thấy xe, đâm cả vào ngựa, nhảy qua khe suối, vì ước lượng sai hụt chân rơi xuống giữa dòng, về đến nơi mới biết đánh rơi mất bản thảo, nhưng không hề gì. Tôi đã thuộc lòng.
Vở Hoàng hậu Crítxtin, bị chậm công diễn do kiểm duyệt không phải là tác phẩm đầu tiên của Dumas được trình điễn. Trong khi chờ đợi, chàng đã viết Henri III và triều đình, vở kịch được diễn đi diễn lại. Đã đến lúc phải lựa chọn giữa nghề thư ký và nhà hát, chàng quyết định giã từ văn phòng của Đại Quận công. Nhưng lần công diễn đầu tiên chàng đã mời "chủ mình", tức vua Louis Philippe tương lai đến dự.
Lần công diễn ấy đã đạt tới trên mức thành công một cuộc khải hoàn. Nó không những chỉ tạo nên những tiếng hoan hô mà còn là một sự mê cuồng. Vở kịch kết thúc, khi nghệ sĩ Fiếcmanh lại ra sân khấu giới thiệu tên tác giả, sự phấn khích đã trở thành của toàn thể khán giả, đến nỗi Công tước Oóclêăng "đứng ngây ra" nghe tên người làm thư ký cho mình trong vòng ba tiếng đồng hồ đã trở thành một trong những con người danh tiếng nhất thời đại.