Fouché giận dữ trở về. Đó là tính khí của ông ta nhưng lần này thì vượt ngoài kiểm soát. Ngoài ngành cảnh sát, Fouché chẳng còn mảy may giá trị.
Một cảm giác lẫn lộn giữa tức giận và lo lắng cùng ùa đến. Có lẽ tạo hoá đã cho ông ta cặp mắt lé để có thể nhìn hai phía cùng lúc và đôi tai to để có thể nghe ngóng từ mọi phía.
Bonaparte đã đánh trúng điểm yếu của hắn, mất chân cảnh sát hắn mất một món hời to, hơn hai trăm ngàn phăng mỗi năm.
Dù đã là người vô cùng giàu có, Fouché vẫn chỉ nghĩ đến chuyện kiếm nhiều hơn nữa mặc cho chẳng biết dùng để làm gì. Hắn còn tham vọng mở rộng mảnh đất Pontcarré giống như Bonaparte muốn nới rộng mãi bờ cõi nước Pháp vậy.
Fouché trở về nhà, lên phòng làm việc và thả mình vào chiếc ghế bành, không nói với ai một câu nào. Các cơ mặt của ông ta run lên như thể mặt biểu trong một cơn bão tố. Một lúc sau, chúng dịu xuống. Fouché đã tìm ra thứ mình cần, một nụ cười xám ngoét hé dần trên môi chứng tỏ chưa phải trời đẹp thì ít ra cũng là sự lặng gió tương đối.
Ông ta giật dây chuông treo trong phòng bằng cử động còn dữ dằn lắm. Người phục vụ chạy đến.
- Ông Dubois! - Fouché gào lên.
Người phục vụ quay một vòng rồi chạy biến đi. Một lát sau, cửa mở, ông Dubois bước vào.
Đó là một người đàn ông có khuôn mặt hiền lành và bình thản, một nụ cười thân thiện, quần áo không cầu kỳ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Ông ta đeo một chiếc cà vạt trắng, ống tay chùm đến cổ tay. Ông nhẹ nhàng lướt đến giống như một đại vũ sư đang lướt giầy trên thảm.
- Ông Dubois - Fouché nói và lại trở lại ngồi vào chiếc ghế - Hôm nay, tôi cần hết trì tuệ và sự khéo léo của ông.
- Tôi chỉ có thể trả lời bộ trưởng rằng sự khéo léo cũng như trí tuệ của tôi chỉ có thể do chính chúng điều khiển mà thôi.
- Được rồi, được rồi, ông Dubois - Fouché sốt ruột nói - Đừng vòng vo nữa. Trong các bộ phận của ông có ai đáng tin tưởng được không?
- Nhưng trước hết tôi phải xem dùng anh ta vào việc gì đã.
- À phải. Anh ta sẽ đi Bretagne và tổ chức ba băng cướp, một quan trọng nhất là trên đoạn đường Vannes đến Muzillac, hai băng khác thì ở đâu cũng được.
- Tôi vẫn nghe - Dubois nói khi thấy Fouché dừng lại.
- Ba băng này sẽ tên là băng Cadoudal và do chính các thủ lĩnh sắm vai Cadoudal luôn.
- Theo những gì ngài Bộ trưởng nói với tôi thì…
- Lần này tôi để ông gọi như vậy, - Fouché nở nụ cười - ông không còn gọi tôi như thế được lâu nữa đâu.
Dubois khẽ nhún người và được Fouché khích lệ, ông tiếp:
- Theo những gì ngài Bộ trưởng nói với tôi thì cần phải có một người khốn cùng biết nổ súng.
- Ai khốn cùng cũng làm tất mọi việc.
Ông Dubois suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu.
- Tôi không có ai như vậytrong tám nhân viên của mình.
Nhưng thấy Fouché tỏ ra bất nhân, ông nói tiếp:
- Nhưng khoan, khoan đã. Hôm qua có một hiệp sĩ Mahalin nào đó đã đến gặp tôi, gã này trước đã từng là đồng đảng Jéhu. Anh ta hỏi tôi có việc gì nguy hiểm nhưng được trả cao hay không. Gã này nhìn khoẻ lắm, sẵn sàng mạo hiểm mạng sống. Đó đúng là người chúng ta cần.
- Ông có địa chỉ của anh ta không?
- Không, nhưng hôm nay anh ta sẽ đến chỗ tôi khoảng một hay hai giờ, chắc là một giờ. Bây giờ, có lẽ anh ta đến rồi cũng nên.
- Vậy thì đi đi và dẫn anh ta đến đây cho tôi.
Dubois đi ra, Fouché đứng dậy, tự đi lấy một hộp các tông, rút ra một tập hồ sơ đặt lên bàn. Đó là hồ sơ của Pichegru.
Fouché chăm chú đọc đến tận khi Dubois dẫn người đàn ông mà ông ta vừa kể.
Đó chính là người đã đến nhắc Hector de Sainte-Hermine lời hứa với anh trai và đã dẫn Hector tham gia vào băng Laurent. Nhận thấy hiện tại không có gì để làm, anh ta quay sang tìm việc khác.
Người này khoảng từ hai lăm đến ba mươi tuổi, khá đẹp trai và có nụ cười đáng mến và người ta có thể cho anh ta là tử tế nếu như trong đôi mắt của anh ta không có chút bối rối và nghi ngại khiến những người đối diện cũng hơi dè chừng. Ngoài ra, anh ăn mặc rất hợp mốt và lịch lãm.
Fouché nhìn từ đầu đến chân con người này bằng ánh mắt xoi mói như thế muốn đọc thấu tâm can anh ta. Hắn nhận thấy trong con người này có niềm đam mê tiềm bạc, có lòng dũng cảm khi phòng vệ cũng như phản công, có ý muốn thành đạt trong sự nghiệp và đó là người Fouché cần.
- Người ta nói với tôi rằng anh muốn phục vụ cho chính phủ đúng không?
- Đó là mong muốn lớn nhất của tôi.
- Mức độ thế nào?
- Thế nào cũng được, miễn là kiếm được tiền dù phải bắn giết.
- Anh có thông thạo miền Bretagne và Vandée không?
- Rất thạo. Tôi đã từng được cử đi gặp tướng Cadoudal vài lần.
- Anh có từng quen biết vài tướng tá của ông ta?
- Có vài người, đặc biệt là một trong những trung uý của Cadoudal mà người ta quen gọi là Georges II vì hình dáng rất giống Cadoudal.
- Tuyệt thật? Người này có thể rất có lợi đấy. Anh có thể lập được ba băng nhóm, mỗi nhóm khoảng hai chục người không?
- Trên mảnh đất còn nóng hổi không khí nội chiến thì việc đó lúc nào cũng làm được. Nếu vì mục đích quang minh, người la có thể cho ngài cả sáu chục người miễn là ngài ra mặt và hứa danh dự. Còn nếu ngài có mục đích mờ ám, họ sẽ nghi ngại và ngài phải trả giá cao.
Fouché liếc nhìn Dubois như muốn nói: ông bạn, ông đã làm tốt đấy, rồi quay sang hiệp sĩ:
- Tôi cần ba băng cướp, hai băng ở Morbihan, một ở Vendée. Cả ba đều mang tên Cadoudal, trong đó có một người bịt mặt tự xưng là ông ta và làm mọi điều để chứng tỏ cho người khác thấy đó là ông ta.
- Việc này dễ thôi, nhưng tốn kém lắm.
- 50.000 phăng ( francs) có đủ không?
- Ồ đủ! Rất đủ.
- Vậy chúng ta thoả thuận như thế nhé và sau khi ba băng này thành lập xong, anh có thể sang Anh không?
- Không gì đơn giản hơn thế vì tôi là người gốc Anh, tôi nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
- Anh có biết Pichegru không?
- Có nghe tên thôi.
- Anh có cách nào gặp anh ta không?
- Có.
- Nói cho tôi biết được không?
- Tôi sẽ không nói đâu. Tôi cũng phải có bí mật cho mình chứ, nếu không tôi làm gì còn giá trị nữa.
- Anh nói đúng đấy. Anh sẽ sang nước Anh, tìm cách gặp tướng Pichegru nếu người này muốn về Paris hay thiếu tiền, hãy giúp anh ta nhân danh Fauche-Borel, hãy nhớ kỹ cái tên đó.
- Đó là tay bán sách người Thuỵ Sĩ đã từng đề nghị Pichegru nhân danh hoàng tử Condé, tôi biết anh ta. Nếu Pichegru thiếu tiền hay muốn về Paris, tôi phải liên lạc cho ai?
- Cho ngài Fouché, trên mảnh đất Pontcarré của tôi. Anh nhớ đấy, không phải ở bộ Cảnh sát đâu, việc này rất quan trọng.
- Sau đó thì sao?
Sau đó, anh trở lại Paris nhận lệnh mới. Ông Dubois, ông đưa 50.000 phăng cho hiệp sĩ đây. Nhân tiện tôi có chuyện nhờ hiệp sĩ.
Hiệp sĩ quay lại.
- Nếu anh gặp Coster Saint-Victor, hãy khuyên anh ta trở lại Paris nhé.
- Không phải để chịu bị bắt chứ?
- Không đâu, mọi tội lỗi đã được xoá, tôi có thể khẳng định điều này.
- Tôi phải nói gì cho anh ta trở về?
- Rằng tất cả phụ nữ Paris đàng nuối tiếc anh ta và đặc biệt là cô Auréhe de Saint-Amour. Nói thêm rằng sau khi đã từng là tình địch của Barras, anh ta thật phí thời trai trẻ khi không tiếp tục là tình địch của Bonaparte, như thế cũng đủ cho anh ta quyết định trở về nếu không, anh ta đã có mối khăng khít với London rồi.
Khi cánh cửa khép lại, Fouché vội vã gọi người mang lá thư sau đến bác sĩ Cabanis.
"Bác sĩ thân mến,
Tôi đã gặp ngài Tổng tài ở chỗ phu nhân Bonaparte, ông ấy rất vui về chuyện đám cưới con gái phu nhân Sourdis.
Do đó, phu nhân Sourdis có thể tới thăm phu nhân Bonaparte về chuyện này càng sớm càng tốt.
Hãy tin tôi một người bạn chân thành của ngài.
J. FOUCHÉ".
Ngày hôm sau, bá tước phu nhân Sourdis có mặt tại điện Tuleries với mục đích như chúng ta đã biết. Bà gặp Joséphine và Joséphine hết sức phấn khởi, trong khi cô con gái Hortense khóc nức nở. Đám cưới của Hortense với Louis Bonaparte hầu như đã được quyết định. Chính vì thế mà Joséphine mới vui vẻ còn Hortense lại đau khổ như vậy.
Chuyện như sau:
Qua câu nói của Bonaparte, Joséphine hiểu chồng mình phải có bí mật nào đó mới trở nên vui như thế nên bà nài ông sau khi đến Hội đồng nhà nước về thì xuống chỗ bà.
Nhưng lúc về, Tổng tài lại gặp Cambacères đến để giải thích một số điều luật mà đối với Bonaparte là vẫn chưa thấu đáo.
Bonaparte làm việc với người này rất muộn, sau đó Junot lại đến để thông báo mình sẽ lấy tiểu thư Permon.
Đám cưới này không khiến Bonaparte hài lòng như với đám cưới của tiểu thư Sourdis. Trước hết vì trước đây, Bonaparte từng yêu phu nhân Permon. Trước khi lấy Joséphine, ông đã muốn cưới bà nhưng bà từ chối vì thế mà ông vẫn còn ấm ức. Thứ nữa, Bonaparte yêu cầu Junot lấy con một gia đình khá giả nhưng ngược lại, Junot lại lấy con gái của một gia đình đang lụi bại. Vợ của anh ta, về đằng ngoại thì quả là con cháu dòng dõi đế vương miền Đông nhưng chỉ có hai mươi lăm ngàn phăng tiền hồi môn.
Bonaparte đã hứa sẽ cho Junot một khoản một trăm ngàn phăng. Vả lại, với tư cách là thị trưởng Paris, anh ta sẽ được 500.000 phăng tiền lương.
Joséphine sốt ruột chờ Bonaparte suốt cả buổi tối nhưng ông lại ăn tối và đi dạo với Junot, nửa đêm bà mới thấy ông xuất hiện trong bộ đồ ngủ và chiếc khăn chùm đầu, điều đó chứng tỏ ông sẽ ở lại qua đêm cùng vợ. Vậy là Joséphine sung sướng vì rốt cục bà cũng được trả công xứng đáng cho sự chờ đợi đằng đẵng.
Trong những lần ở qua đêm, Joséphine luôn là người có quyền uy với Bonaparte chưa bao giờ bà kiên quyết về hôn nhân giữa Hortense và Louis Bonaparte như lần này.
Khi rời Joséphine để trở về phòng mình, Bonaparte gần như đã đồng ý. Joséphine giữ phu nhân Sourdis lại để tỏ bày niềm vui sướng và cử Claire đi an ủi Hortense. Nhưng Claire cũng không cố gắng làm điều đó. Cô hiểu nếu mình phải bỏ Hector thì cô cũng đau khổ không kém.
Cô khóc cùng Hortense và khuyên Hortense đi cầu cứu ngài Tổng tài, người rất yêu quý cô sẽ không để cô phải đau khổ.
Đột nhiên, một ý nghĩ kỳ lạ nảy trong đầu Hortense và cô nói với bạn mình. Đó là xin phép hai bà mẹ đi xem bói ở nhà chị Lenormand. Joséphine đã từng xem và ta nhớ lại lời phán: Bà đang ở trên con đường của giấc mơ không tưởng lại đang từng ngày trở thành hiện thực.
Tiểu thư Soudis chịu trách nhiệm đi xin phép. Việc thương lượng diễn ra rất lâu, Hortense vừa đứng nghe ngoài cửa vừa nén những cơn nấc. Lát sau, Claire vui vẻ quay ra. Họ được đi nhưng với điều kiện Louise sẽ không rời họ nửa bước.
Louise là người hầu phòng tin cần của phu nhân Bonaparte.
Họ cho gọi Louise đến, giao nhiệm vụ nghiêm ngặt, cô này hứa sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, sau đó họ buông mạng che mặt, lên xe của phu nhân Sourdis đến thẳng số 6 phố Toumon.
Louise bước xuống trước, cô này biết địa chỉ, nhà chị Lenomland ở cuối sân phố bên trái. Họ phải trèo ba bậc và gõ cửa bên tay phải. Có người ra mở cửa, với sự yêu cầu của Louise, ba người được đưa vào một phòng riêng không dành cho công chúng.
Hai cô gái phải vào lần lượt, chị Lenormand không bao giờ xem cho hai người liền lúc và gọi theo họ của mỗi người. Do vậy mà Hortense Bonaparte được vào trước.
Louise trở nên bối rối, cô không thể ở cùng hai cô gái một lúc nếu ở bên Claire, cô không để mắt tới Hortense được và ngược lại. Cuối cùng phải nhờ chị Lenormand dàn xếp: Louise sẽ ở với Claire những để cửa phòng hé mở như thế cô vừa quan sát được Hortense lại ở đủ xa để không nghe lời phán thì thầm của chị Lenormand.
Lẽ dĩ nhiên, chị chọn bộ bài lớn. Những gì chị Lenormand thấy trên các quân bài khiến chị rất ấn tượng, cử chỉ và biểu hiện khuôn mặt chứng tỏ chị rất ngạc nhiên.
Cuối cùng, sau khi đã lật hết các quân bài và nhìn kỹ bàn tay của cô gái trẻ, chị đứng dậy nói một câu bằng giọng bà đồng khiến cô gái tỏ rõ sự hoài nghi.
Sau đó, mặc cho Hortense gặng hỏi, chị ta vẫn im lặng và chỉ nói:
- Lời phán đã rõ, hãy tin nó!
Rồi chị ra hiệu đã xem xong cho Hortense, đến lượt bạn của cô Claire đi vội vào phòng xem, chỉ có điều cô không nghĩ số phận của mình cũng khiến chị Lenormand ngạc nhiên như số phận của tiểu thư Beauhamais.
Chị Lenomland, dù rất tự tin vẫn lưỡng lự khi phán điều không hay, liền xem lại ba lần, hết nhìn bàn tay phải lại bàn tay trái, thấy hai bên đều có đường tình duyên bị cắt ngang, đường may mắn kéo dài lên đến đường tình duyên rồi rẽ ngang ở gò thổ tinh. Bằng giọng trịnh trọng, chị phán tương lai của tiểu thư Sourdis khiến cô ra gặp Louise và Hortense với khuôn mặt nhợt nhạt và mắt ngấn lệ.
Các cô gái không nói câu nào cũng không hỏi gì, khi còn ở nhà chị Lenormand như thể họ sợ chỉ thốt một từ thôi cũng làm cả mái nhà đổ sụp xuống đầu họ.
Nhưng vừa lên xe, người đánh xe vừa cho ngựa lao đi, những ánh mắt đã tìm nhau.
- Chị ấy nói gì với bạn?
Hortense bị hỏi liền đáp:
- Chị ta nói: "Là vợ vua, mẹ hoàng đế, cô sẽ chết trong lưu đầy". Còn bạn, chị ấy nói gì? - Hortense mò hỏi.
- Chị ấy nói "Cô sẽ là quả phụ của người sống trong mười bốn năm, phần đời còn lại là vợ của kẻ đã chết".