Hoàn cảnh đặc biệt đã giúp cảnh sát tìm ra dấu vết của ông Troche. Hai, ba năm trước, một cuộc đụng độ giữa quân Bảo hoàng và dân buôn lậu đã xảy ra nhân một chuyến cập tàu đã có nổ súng và trên một trong số gói hàng cháy dở còn sốt lại trên bãi chiến trường, người ta đọc được dòng chữ; Gửi công dân Troche, thợ đồng hồ ở…
Lúc ấy ai cũng biết ở Dieppe có công dân Troche, do đó không ai không nghi ngờ công dân Troche có dính líu, và chính lá thư ấy đã khiến ông ta trở thành đối tượng quan tâm của chính phủ.
Khoảng sáu ngày trước, người ta đã bắt công dân Troche và dẫn ông ta từ Dieppe về Paris. Đó là một người miền Normand khoảng bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi, người này đã được cho gặp Querelle nhưng hôm ấy thấy Querelle không muốn nhận mình nên ông ta cũng không nhận Querelle. Mặc dù chối tội, người ta vẫn cho ông Troche vào nhà giam.
Nhưng vẫn còn Troche con, một chàng trai cao lớn khoảng mười chín, đôi mươi. Nhìn bề ngoài rất ngây thơ nhưng anh ta còn giỏi buôn lậu hơn chữa đồng hồ. Bị bắt đến Paris, anh ta được đưa đến chỗ Savary, cận vệ của ngài Tổng tài. Sau khi nghe nói cha mình đã thú nhận tất cả. Nicolas Troche tin ngay và cũng nhận tội.
Lời khai của anh này không làm hại anh ta nhiều. Anh ta được tin những người buôn lậu muốn cập bến, anh ta ra hiệu cho họ. Nếu biển lặng, anh ta giúp họ, nếu biển động anh ta chờ "lặng sóng" rồi giúp họ đến khi họ lên đỉnh vách đá ấy. Sau đó, anh ta chỉ gặp một người để lấy tiền là ba phăng cho mỗi lượt người được giúp lên đỉnh vách đá. Đó lâ công việc từ thời xa xưa của nhà Troche, con trai cả trong nhà mới được thừa kế hưởng lợi nhuận ấy và nhà Troche kiếm cả ngàn phăng mà không bao giờ nghĩ họ là ai khác ngoài dân buôn lậu.
Qua một cánh cửa hé mở, tướng Bonaparte đã nghe thấy toàn bộ cuộc hỏi cung. Nó hoàn toàn giống như ông ta dự đoán. Savary hỏi liệu sắp có chuyến cập bến nào hay không. Cậu con trai Troche trả lời rằng trong lúc Savary dành hân hạnh cho anh ta thì có một chiếc tàu từ Anh đang neo đậu trước vách đá Biville chỉ chờ lặng sóng là cập vào bờ.
Savary đã có kế hoạch do ngài Tổng tài vạch cho. Nếu Nicolas khai thật điều mà anh ta vừa làm. Savary sẽ đi cùng anh ta để chặn chuyến tàu mới đó.
Chàng trai Troche bị theo dõi suốt cả ngày hôm đó.
Dù viên tuỳ tùng của ngài Tổng tài rất nhanh nhẹn nhưng phải bảy giờ tối anh ta mới khởi hành trên một chiếc xe ca khổ to, trong đó có một tá hiến binh ưu tú.
Ban đầu, người ta định chuyển Nicolas Troche vào trại giam để anh ta gặp lại người cha Jéromé Troche của mình, nhưng anh chàng vốn thích không khí thoải mái hơn là nhà tù đã nói rằng nếu trên bờ không có tín hiệu quen thuộc, tàu sẽ không ghé đậu.
Troche là một thợ săn thực thụ, anh ta chỉ cần săn mà bất cần là săn cho ai. Hơn nữa, anh ta bị kích động với ý nghĩ rằng con đường mình đang đi biết đâu dẫn anh ta đến đoạn đầu đài thì sao, tốt nhất là nên nhiệt tình đi giăng bẫy cho kẻ sắp đến cũng giống như từng giúp những người đã đi trước vậy. Savary đến Dieppe sau khi rời Paris hai mươi tư tiếng. Anh được sự uỷ quyền của Bộ chiến tranh có thể tuỳ ý hành động trước mọi tình huống.
Troche ngay lập tức ra hiệu bên bờ biển. Biển vẫn rất xấu và chiếc tàu hai cột buồm còn ở đó.
Thời tiết xấu khiến cho không tàu nào vào bờ được. Savary đưa Troche ra bờ biển ngay từ sớm. Chiếc tàu nọ vẫn ở đó chừng nào lặng gió, nó có thể tiến lại gần chân vách đá. Nhưng Savary không muốn dừng chân ở Dieppe. Anh cải trang thành thương nhân cùng một tá người của mình đi đến Biville. Họ là những người đã được lựa chọn từ những nhân viên giỏi giang thật sự.
Savary gửi ngựa và theo hướng dẫn của Troche, đi vào một ngôi nhà mà những người trên con tàu nước Anh thường lui đến.
Ngôi nhà này hoàn toàn cách biệt và nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách, nằm ở tận cùng ngôi làng quay ra biển, nó giúp cho những ai đến đây ẩn náu có lợi là ra vào mà không bị ai phát lủện.
Savary để người của mình ở ngoài vườn rồi bước qua hàng rào tiến về phía ngôi nhà nhỏ. Qua cánh cửa chắn gió hé mở, anh thấy một chiếc bàn chất đầy rượu vang, bánh mì cắt sẵn và những lát bơ.
Savary quay lại phía hàng rào, gọi Troche lại và chỉ cho anh ta sự chuẩn bị ăn uống ấy.
- Đó là bữa ăn nhẹ mà chúng tôi chuẩn bị sẵn cho những ai đến bờ. Điều này chứng tỏ tàu sẽ cập bến vào đêm nay, ngày mai hoặc mấy hôm nữa. Nếu thuỷ triều hạ, họ sẽ có mặt ở đây trong vòng mười lăm phút hoặc không trước ngày mai - Troche đáp.
Savary chờ một cách vô ích, ngày hôm đó và cả những ngày sau vẫn không thấy tàu cập vào bờ. Tuy nhiên, chuyến tàu ấy được chờ đợi một cách nóng lòng nhất. Tin đồn cho rằng vị hoàng tử nọ đang ở trên chuyến tàu ấy.
Ngay từ sớm, Savary đã ra vách đá mặt đất phủ đầy tuyết trắng trên đường đi, anh ngỡ mình đã có kết quả trong giây lát.
Nhưng gió thổi từ bờ biển thổi vào dữ dội, xoáy theo những bông tuyết trắng đến nỗi người ta chỉ nhìn ra xa được vài bộ. Tuy thế, người ta vẫn chờ đợi.
Có tiếng nói vang lên từ đoạn đường gồ ghề ven vách đá, Troche đặt tay lên cánh tay Savary và nói:
- Đó là người của chúng tôi, tôi nghe thấy giọng của Pageot de Pauly.
Pageot de Pauly là một chàng thanh niên trạc tuổi Troche đang thay anh ta làm người dẫn đường trong lúc Troche vắng mặt.
Savary sai người chặn đoạn đường gồ ghề còn mình cùng với Troche và hai người nữa tiến về phía có tiếng nói.
Bốn người bất thình lình hiện ra trên đỉnh vách đá, tiếng kêu "Đứng lại!" vang lên khiến những kẻ đi đêm phải khiếp sợ
Nhưng Pageot đã nhận ra Troche và reo to:
- Đừng sợ, có Troche ở đó!
Hai toán người tiến lại gần nhau, những người đi cùng Pageot chỉ là dân trong làng đến chờ tàu vào bờ.
Lần này, con tàu đã thử nhưng nó không thể vì sóng quá lớn, trên tàu có tiếng vọng đến:
- Hẹn ngày mai!
Gió đã mang câu ấy đến chỗ mấy người dân này. Đây là lần thứ ba con tàu định vào bờ mà không được. Ban ngày, nó thả neo ngoài khơi, đậu tại đó suốt cả ngày, buổi tối, nó sáp vào đất liền và định cập bến.
Savary rình suốt đêm nhưng không chỉ không có gì xảy ra mà sớm ngày hôm sau, người ta đã thấy nó giong buồm rời xa bờ tiến về phía nước Anh.
Savary ở thêm một ngày xem nó có quay lại không. Trong thời gian ấy, anh đi xem sợi dây cáp dùng để leo lên vách đá. Dù là một người không dễ để con tim nao núng, anh vẫn phải thừa nhận thà tham gia vào mười trận chiến còn hơn là phải leo lên vách đá dựng đứng không có mấy chỗ bám với bão tố quay cuồng xung quanh, bóng tối trên đầu và biển dưới chân như vậy.
Ngày nào, anh cũng gửi tin tức về cho Bonaparte. Đến ngày thứ hai mươi tám, anh nhận điện phải trở về Paris. Savary tuân lệnh về Paris vì một số điểm đã rõ nhưng bóng tối còn trùm lên một số điểm khác.
Bonaparte đã nhận được tin chắc chắn rằng con tàu xuất hiện suốt hơn chục ngày do Savary báo không hề có ông hoàng nổi tiếng, người mà nếu không có thì Georges tuyên bố sẽ không hành động.
- Nếu hành động một mình, Georges chỉ là một kẻ phiến loạn tầm thường. Nếu kết hợp với công tước Berry hay bá tước Altois tức là ông ta trở thành đồng minh của hoàng tử.
Một hôm, Bonaparte cho gọi Carnot và Fouché đến bên mình. Chúng ta hãy xem ông tự nói gì về cuộc gặp mặt ấy trong tập bản thảo viết tay do con tàu Le Heron mang về từ đảo Sainte-Helène nơi mà Bonaparte bị lưu đày:
"Tuy nhiên, tôi càng đi lên, phái Jacobin, người không tha thứ cho tôi về việc xử anh em của họ, càng trở nên nguy hiểm. Trong tình hình ấy, tôi cho gọi Carnot và Fouché đến.
- Thưa các ông - Tôi với họ - sau những cơn phong ba bão táp liên miên, tôi những mong nó chứng tỏ cho các vị tin rằng lợi ích của nước Pháp vẫn chưa hoà hợp với các chính phủ khác trong suốt thời kỳ Cách mạng, chưa một ai bằng lòng về vị trí địa lý của nước Pháp, về dân cư và số lượng thuộc địa của nó. Sự bình yên mà nhà nước mang lại hiện nay vẫn còn như trên một núi lửa, phải luôn lường trước một ngày nó sẽ hoạt động với lớp dung nham sôi sục. Cũng giống như bao nhiêu người cao cả khác, tôi thiết nghĩ chỉ có một cách để cứu nước Pháp và bảo đảm cho lợi ích mãi mãi về sau với sự tự do mà nó dành được đó là đặt nó dưới một chế độ quân chủ lập hiến trong đó ngai vàng sẽ được thừa kế.
Carnot và Fouché không hề ngạc nhiên trước đề nghị của tôi; họ đang chờ đợi điều này. Carnot nói thẳng là ông ta thấy rõ tôi đang nhòm nhó ngai vàng.
- Khi điều đó được thực hiện - Tôi trả lời ông ta - thì ông thấy có gì phải tiếc khi mà kết quả sẽ mang lại vinh quang và bình yên cho nước Pháp?
- Tôi tiếc khi chỉ trong một ngày ngài phá huỷ toàn bộ tác phẩm của toàn dân tộc và điều này sẽ có thể làm chính ngài hối hận.
- Tôi thấy rõ mình không còn gì để nói với Carnot nên đã kết thúc buổi nói chuyện tại đó nhưng với Fouché thì khác. Sau vài ngày, tôi lại cho gọi ông ta.
Carnot đã nói toạc bí mật của tôi mà trên thực tế, nó cũng không còn là bí mật nữa, không yêu cầu ông ta im lặng, tôi không cớ gì mà bực mình về sự khiếm nhã của ông ta. Mà dẫu nó cũng phải để mọi người biết kế hoạch của tôi xem phản ứng của họ ra sao.
Các sắc lệnh đều do tôi ban ra, kể từ khi tôi đứng đầu mọi việc Họ có chuẩn bị cho người Pháp thấy một ngày tôi cầm cây vương trượng hay họ có tin sắc lệnh ấy có thể mang cho dân chúng bình yên và hạnh phúc. Đó là điều tôi không biết như có một điều luôn đúng là mọi việc sẽ êm đẹp khi có bàn tay của quỷ, đó là Fouché. Nếu ông ta truyền tin thiện chí, ông ta sẽ có ít lỗi, nếu ông ta gây cho tôi bối rối, đó là một con quái vật.
Vừa có tin tôi chuẩn bị lên ngôi, Fouché, nhờ các tay chân của mình bề ngoài thì không phải do ông ta chủ mưu, đã loan tin đến tất cả các chủ chốt của phái Jacobin rằng tôi muốn lập lại ngai vàng chỉ trong mục đích duy nhất là muốn quyền thừa kế vương miện được hợp pháp. Người ta còn thêm thắt rằng bằng hiệp ước bí mật, tôi sẽ áp đặt việc tái thiết vương triều cho tất cả các cường quốc nước ngoài.
Sự bịa đặt thật quỷ quyệt, nó đặt lên lưng tôi tất cả mọi lá thư trong đó lời kêu gọi của nhà Bourbon có thể làm phương hại đến cả sinh mệnh của tôi.
Nhưng hồi đó tôi chưa hiểu rõ Fouché nên không thể nghi ngờ ông ta trong vụ việc đen tối ấy. Những gì tôi nói đều thật thà đến nỗi tôi còn giao cho ông ta đi thăm dò các ý kiến. Ông ta chẳng cần đi đâu vì tất cả ý kiến đều là sản phẩm của ông ta.
- Phái Jacobin - ông ta nói - sẽ dốc giọt máu cuối cùng trước khi để ngài ngồi lên ngai vàng. Không phải họ nghi ngại chế độ quân chủ, tôi còn nghe biết đâu họ cũng thấy đây là cách tốt nhất để kết thúc mọi việc, những tất cả là do chúng muốn đẩy nhà Bourbon đi vì chúng cho rằng chế độ nào cũng đáng sợ.
Đoạn diễn văn này tuý cỏ dự báo trở ngại nhưng không hề khiến tôi nản lòng, tôi không hề nghĩ đến nhà Bourbon. Tôi tỏ thái độ ấy với Fouché và hỏi ông ta làm thế nào để chỉnh lại những tin đồn nhảm và thuyết phục phái Jacobin rằng tôi chỉ làm việc vì mục đích của mình.
Ông ta xin tôi hai ngày để đưa ra câu trả lời.
Hai ngày sau, như Bonaparte nói, Fouché đã đến. Ông ta nói:
- Chiếc tàu mà Savary báo với chúng ta đã biến mất sau ngày thứ mười một. Chiếc tàu ấy chỉ chứa những tay chân phụ tá, cho họ lên bờ biển Bretagne rồi trở lại bằng con đường khác. Ngài còn lạ gì các ông hoàng nhà Bourbon, bá tước Artois và công tước Berry họ lại chịu lộ diện chiến đấu với ngài ở Paris ư. Họ không bao giờ ra mặt (mặc dù trước đây lời kêu gọi khắp nơi) chiến đấu với quân Cộng hoà ở Vendée. Bá tước Artois còn mải dành tình yêu của mình cho các quý cô và quý bà nước Anh xinh đẹp Còn về công tước Barry, ngài cũng biết ông ta đấy, không bao giờ ông ta chứng tỏ lòng can đảm cá nhân trong các cuộc đọ gươm hay đấu súng điều mà các hoàng tử khác sẽ không bỏ qua cơ hội. Tuy nhiên bên bờ sông Rhin, cạnh nước Pháp khoảng bảy tám dặm có một người đàn ông rất dũng cảm, người đã hai mươi lần chứng tỏ lòng can đảm ấy khi chiến đấu với quân Cộng hoà. Đó là con trai của hoàng thân Condé, công tước Enghien.
Bonaparte rùng mình.
- Cẩn thận đấy ông Fouché - Bonaparte nói - Mặc dù tôi không thẳng thắn nôi dự định trong tương lai của mình đối với ông nhưng dần dần tôi thấy ông đang sợ đấy. Ông sợ một ngày tôi hoà hảo với nhà Bourbon và ngày đó, hỡi con người hay diệt trừ các chế độ, ông sẽ ở trong một tình thế bấp bênh. Còn nếu một người nhà Bourbon chống lại tôi, nếu điều đó hiện ra rõ ràng trước mắt tôi, thì cũng không triều đình hay ý kiến xã hội nào ngăn tôi được. Tôi muốn đi đến cùng vận mệnh của mình, dù nó thế nào, tôi cùng vận mệnh ấy được viết lên cuốn sách định mệnh.
Tất cả chướng ngại trên con đường của tôi, tôi sẽ lật đổ hết, nhưng tôi cần phải có quyền lực và lý trí.
- Thưa ngài - Fouché nói - Không phải vô tình hay vì mục đích cá nhân mà tôi nói với ngài về công tước Enghien vì dạo trước sau khi mang thông điệp của Cadoudal tới ngài, Sol de Grisolles, thay vì đến London gặp lại tướng quân của anh ta, đã sang Đức. Tôi dễ dàng biết anh ta làm gì bên bờ kia sông Rhin. Tôi đã sai nhân viên mà anh ta hân hạnh được gặp ngài hôm nọ đi theo dõi Sol. Đó là một người rất khéo léo, ngài cũng thấy đấy. Anh ta theo Sol đến Strasbourg, cũng vượt sông với anh này, làm quen với Sol dọc đường và cùng đến Ettenheim. Điều đầu tiên cận vệ của Cadoudal làm là đến thăm đức ông Enghien. Ông này còn mời anh ta ở lại ăn tối và giữ anh ta đến tận mười giờ tối.
- Này này - Bonaparte đột ngột nói vì ông đã thấy Fouché muốn đưa ông đi đâu - Nhân viên của ông không ăn tối cùng họ đúng không? Nhưng làm sao anh ta biết họ nói gì và vạch kế hoạch gì?
- Họ nói gì đâu có khó đoán. Những kế hoạch họ đã làm cũng dễ hình dung ra. Nhưng, để không võ đoán chúng ta hãy dừng ở tính xác thực. Thưa ngài, người của tôi vốn làm chủ thời gian nên không thể bỏ lỡ vài tiếng mà không làm gì. Quả vậy! Anh ta đã dùng nó để dò la tin tức, qua đó, anh ta biết công tước Enghien thỉnh thoảng lại rời Ettenheim bảy tám ngày, ngoài ra anh ta còn biết có lần ông ấy qua đêm thậm chí hai đêm ở Strasbourg.
- Chuyện ấy thì có gì lạ - Bonaparte nói - Tôi cũng được báo ông ta đến đó làm gì.
- Ông ta đến đó làm gì vậy? - Fouché hỏi.
- Ông ta đi gặp tình nhân của mình - quận chúa Charlotte de Rohan.
- Bây giờ - Fouché nói - vấn đề là xem việc gặp phu nhân Charlotte de Rohan, người không phải là tình nhân của công tước Enghien mà là vợ ông ta vì ông này đã bí mật cưới bà ấy (lẽ ra bà đã có thể sống cùng chồng ở Ettenheim) có phải là cái cớ để ông ấy đến Strasbourg gặp các đồng loã của mình khi mà Strasbourg chỉ cách Paris hai mươi tiếng.
Bonaparte nhíu mày.
- Chính vì thế mà người ta đã khẳng định với tôi ông ta đến đó để xem kịch. Tôi đã nhún vai mà nói rằng điều ấy không đúng. Dù ông ta đến xem kịch hay không - Fouché nói - tôi cũng mong ngài Tổng tài không nên rời mắt khỏi ông hoàng Enghien.
- Tôi còn làm nhiều hơn thế - Bonaparte nói - Ngày mai, tôi sẽ cử một người tin cẩn sang bên kia sông Rhin. Anh ta sẽ trực tiếp báo cáo cho tôi, ngay khi anh ta trở về, chúng ta sẽ lại đề cập đến vấn đề này.
Nói rồi ông quay lưng lại Fouché, điều đó có nghĩa là ông muốn ở lại một mình.
Fouché đi ra.
Một giờ sau, ngài Tổng tài cho gọi thanh tra sở mật vụ đến văn phòng của mình và hỏi có phải trong cơ quan của anh ta có một người thông minh lanh lợi có thể sang Đức để thực hiện một nhiệm vụ bí mật, kiểm tra lại các tin tức của nhân viên của Fouché.
Người này trả lời rằng ông ta có một người mà ngài Tổng tài cần tên và hỏi xem liệu ngài Tổng tài muốn tự mình giao nhiệm vụ hay chỉ cần ông ta báo lại cho nhân viên ấy.
Bonaparte đáp với một nhiệm vụ quan trọng như vậy, các yêu cầu cần phải rõ ràng. Do đó, tự tay ông thảo các yêu cầu ngay trong buổi tối và giao cho viên thanh tra chuyển đến sĩ quan nọ.
Các yêu cầu đó là:
"Tìm hiểu xem có phải công tước Enghien thường vắng mặt một cách bí hiểm khỏi Ettenheim.
Tìm hiểu những kẻ lưu vong hay lui tới và thường được long trọng đón tiếp.
Tìm hiểu xem ông ta có quan hệ chính trị với người Anh qua kênh của nước Đức hay không?"