Sau lần bị mối xông lên phòng làm việc, Quách Quyền Lực cảm thấy mệt mỏi. Sức khỏe sụt hẳn xuống. Hôm đi qua đường Lê Duẩn, dọc công viên Lê nin, Lực bảo Đấu dừng ô tô, đứng trên chiếc cân bàn của cụ già, thấy trụt bốn cân. Lực hốt hoảng. Nghi ngờ cân sai… Đi một quãng, lại có cụ già dựa lưng vào gốc cây, thiu thiu ngủ, Lực bước lên bàn cân. Vẫn thế, trụt bốn cân… Đi một quãng nữa, đến cổng phụ của công viên, lại thấy một cụ già đang rít thuốc lào, lần thứ ba cân vẫn thế, trụt bốn cân…
Lực ráo riết tiến hành một đợt đi lễ ở các đình chùa.
Đấu lại lọ mọ thức dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để có mặt tạì nhà Lực đúng năm giờ. Trong dịp này, Lực không bắt Đấu đem ô tô về ga ra cơ quan, mà được quyền gửi tại một gia đình tầng trệt ngay tại khu tập thể. Đang giấc ngủ ngon, cứ chuông đồng hồ reo là Đấu bật dậy, vội vàng rửa mặt mũi, phóng xe đi ngay…
Sau một tháng đi lễ, cơ thể vẫn rã rời gân cốt. Lực không dám cân lại nữa. Qua Bờ Hồ, qua công viên, đang đưa mắt ngắm cảnh qua kính ô tô, hễ thấy chiếc bàn cân nào là Lực quay mặt đi nơi khác. Và có lúc trong người Lực dấy lên phản ứng vô lý: coi chiếc cân như kẻ thù! Một lần đi qua đền Ngọc Sơn, thấy hai cụ già buồn thỉu buồn thiu ngồi bên chiếc cân, Đấu cho xe chạy chậm và hỏi "anh Lực có cân không?". Lập tức Đấu được đáp lại bằng một cú "rầm" của bàn chân Lực đạp mạnh xuống sàn xe và một lời nói xẳng như mắm ngẩu "cút mẹ nó đi!".
Hôm nay Lực đi lên đồng. Mỗi năm Lực ngồi đồng ít nhất hai lần, mỗi lần chi ra mười triệu. Các gia đình buôn bán thường lên đồng mỗi năm bốn lần, mỗi lần ít ra là mười triệu, tổng cộng cả năm ít nhất cũng bốn chục triệu đồng. Quan chức nhà nước chẳng mấy ai ngồi đồng. Lực ngồi hai lần là đã tâm thành tâm kính với thần thánh lắm rồi. Thế cũng đã trội hơn hàng loạt vị quan chức khác. Thần thánh chắc hẳn sẽ lưu ý ban phúc ban lộc cho Lực nhiều hơn.
Hàng năm, Lực thường lên đồng tại một ngôi đền ngoài bắc. Nhưng những năm gần đây, nhiều ông Đồng bà Đồng ở Hà Nội, và cả ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Ninh Bình… thường kéo nhau vào lễ và lên đồng tại đền thờ Quan Hoàng Mười ở Nghệ An - Hà Tĩnh. Nghe nói Ngài thiêng lắm. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khi Lê Lợi - Nguyễn Trãi kéo quân vào Nghệ An, Quan Hoàng đã gia nhập nghĩa quân và trở thành một vị tướng lừng danh. Trăm trận trăm thắng. Tả xung hữu đột. Đến nỗi giặc Minh hễ nghe tiếng Ngài thét là kinh hồn bạt vía, xô nhau chạy tán loạn… Một lần, giặc chiếm được doanh trại của ta, huênh hoang thách thức ta đánh vào. Ngài đã dùng kế âm công. Huy động dân chúng làm hàng trăm voi giả và thuyền giả, vờ nghênh chiến phía trước, để nhử giặc. Đúng như dự đoán, lũ giặc kiêu ngạo ùa nhau ra đánh, tưởng có thể diệt gọn quân ta chốc lát. Trong khi đó, đội quân do Ngài chỉ huy bí mật luồn phía sau, bất ngờ đánh tập hậu. Giặc bị đòn đau, không kịp trở tay, chết như ngả rạ. Ta giành lại được doanh trại. Đang đà thắng, ngài cầm quân tiến vào quá sâu, bị một thanh gươm lia ngang cổ… Ngài ôm đầu, phi ngựa về đến làng Xuân Am quê mẹ. Gặp bà cụ ngồi bán nước chè xanh dưới gốc đa, Ngài hỏi: "Bị chặt đứt cổ rồi, còn sống được không?". Bà cụ trả lời: "Từ xưa đến nay, tôi chưa thấy ai bị chặt đứt cổ mà còn sống được!". Bà trao cho Ngài một bát nước chè xanh. Ngài uống một cách ngon lành. Đưa mắt nhìn quê hương làng xóm. Rồi đầu rơi xuống đất… Tương truyền nơi Ngài hóa, đất đùn lên thành ngôi mộ còn mãi đến ngày nay. Trên đường Ngài phi ngựa về làng, máu rỏ xuống nơi nào thì nơi ấy mọc lên một cây đa, đất đai phì nhiêu, dân cư tụ về, xóm mạc sầm uất.
Sau khi quét sạch giặc Minh, vua Lê sai dân chúng lập đền thờ Ngài, và lấy tên trận âm công đặt cho tên xã là Âm Công. Trước đây, làng Xuân Am thuộc xã Âm Công. Đến triều Nguyễn mới đổi là xã Yên Pháp (nay thuộc xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên). Từ thời Cảnh Hưng cho đến các triều đại sau đều phong sắc. Cho đến Cách mạng tháng Tám, tại đền thờ Ngài đã có hơn bốn mươi đạo sắc.
Ngài lại nổi tiếng là người tài hoa, thích giao du trăng gió, ngâm vịnh thi phú. Trong bài chầu văn ca ngợi công đức Ngài, có đoạn:
Trời Nam có đức Hoàng Mười
Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai
Nền chí dũng bậc thiên tài
Văn thao võ lược tư trí thông minh
Tiêu dao di dưỡng tang tình
Thơ Tiên một túi Phật kinh trăm tờ
Khi phong nguyệt lúc bi từ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng trong
Khi Thiếu Lĩnh lúc Non Bồng
Cành cây mắc võng lòng sông thả thuyền
Người thành thị khách lâm tuyền
Nam thanh nữ tú mình quyền bóng sang
Phong quang đẹp ý Đức Hoàng
Khác nào thu cúc xuân lan tới tuần…
Biết được chi tiết này, Lực mừng lắm. Ngài có máu mê văn chương. Mình là nhà văn hóa chính cống, lại có chức sắc trong giới văn hóa và văn nghệ sĩ. Xứng đáng, một nghìn lần xứng đáng mình là con nhang đệ tử của Ngài. Thật là tuyệt! Tuyệt vời!… Ờ, còn một lý do nữa để tăng sức mạnh cho lần lên đồng này: Nghệ Tĩnh là quê hương thứ hai của mình. Tuy không sinh đẻ ở đây, không chôn dau cắt rốn ở đây, nhưng tuổi thơ của mình gắn với mảnh đất này. Chắc Ngài cũng nhận mình là đồng hương, Ngài sẽ đối xử ưu ái với mình hơn là người dưng nước lã…
***
Hồi nhỏ, chơi với bọn trẻ con trong xóm Dốc Cướp, Lực đã có máu đồng bóng. Bọn trẻ cũng rất thích xem Lực làm trò lên đồng. Đang chơi tản mát ở khắp nơi, nghe nói Lực "lên đồng" là chúng nó bỏ cuộc chơi, ùa nhau kéo tới ngồi xúm quanh Lực. Rồi Lực đi tới đâu là chúng nó chạy theo tới đó. Thấy lũ trẻ có vẻ phục mình, Lực càng bắt nạt, nghĩ ra hết việc này việc kia để sai bảo. Được sai bảo người khác, Lực khoái lắm. Đứa nào chần chừ, không nghe lệnh, Lực cầm roi quất và đuổi ra khỏi cuộc chơi. Thế là đứa nào cũng sợ, hễ thấy Lực trừng mắt là chúng nó co rúm người. Sợ không được chơi đã đành, chúng nó còn sợ vì cảm thấy ở Lực có một cái gì ma quái. Nhất là khi "lên đồng", bộ mặt Lực toát ra một vẻ dài dại, lô lố, rờn rợn; đốt đuốc tìm giữa ban ngày cũng không thấy một bộ mặt trẻ thơ nào như thế.
Vạn bất đắc dĩ gặp khi mưa to gió lớn Lực mới "lên đồng" trong nhà. Còn những lúc khác, dẫu là mưa nhỏ, dẫu là nắng chang chang, Lực đều ra nghla địa cách xóm Dốc Cướp ba quả đồi. Lũ trẻ líu ríu chạy theo như đàn kiến để phục dịch Lực. Cõng Lực qua suối. Công kênh Lực qua bụi rậm. Khênh Lực qua sườn dốc đá lởm chởm… Đến nghĩa địa rồi, Lực mới hạ lệnh: thằng Bằng về nhà lấy hương, thằng Bù về nhà lấy quạt, thằng Bì về nhà lấy bát nước… Thế là chúng nó lại lụi hụi trèo qua ba quả đồi chạy về nhà, tướt táo mồ hôi, gai cào rách quân áo…
Công việc chuẩn bị phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Lực trang nghiêm ngồi bên cạnh một ngôi mộ, đặt trước mặt bát nước, bó hương, cái quạt, bao diêm, cái roi tre, nhúm thuốc sợi và mấy tờ giấy bản. Lực rút từ chiếc mũ lá một sợi móc căng trên mặt một cái lỗ hàm ếch đã đào sẵn, rồi cầm que gẩy sợi móc kêu tưng tưng. Khi cái âm thanh tưng tưng ấy vang lên là tất cả bọn trẻ ngồi xếp bằng nghiêm chỉnh, mắt chăm chăm nhìn mặt Lực và dõi theo từng động tác của Lực.
"E hèm… "… Lực vốc một nắm đất trên ngôi mộ rắc lên bát nước lã, lên bó hương, lên chiếc quạt. Bất thần Lực cầm bát nước đổ vung vãi ra xung quanh. Nước đổ lên đầu lên mặt mũi quần áo đứa nào đứa ấy phải chịu ngồi im như đá, xem như nhận được lộc Thánh.
Lực trở về trạng thái bất động như pho tượng. Sau giây lát Lực nói nhỏ. Lũ trẻ phải căng tai mà nghe:
- Thằng Bì đốt hương!
Bì loay hoay bật xòe diêm đốt bó hương.
- Thằng Bằng đưa quạt cho ta!
Bằng oam người, hai tay dâng quạt.
- Thằng Bù, roi đâu?
Bù cúi rạp người, cầm roi đặt lên đùi Lực.
- Thằng Bườn đâu, quấn thuốc cho ta!
Bườn lúng ta lúng túng vê vê thuốc vào tờ giấy bản.
Xong xuôi đâu đó, Lực "e hèm…". Lũ trẻ im phăng phắc.
Nghĩa địa im phăng phắc. Sợi giây móc lại bắt đầu rung lên tưng tưng dưới bàn tay của Lực cùng với nhịp bài ca:
Tưng tưng tang tang
Bắt nàng cá diếc
Bắt diệc đi cày
Đơm đầy cỗ cúng
Ma ăn thủng bụng
Quỷ ăn béo phì
Thánh ngồi cười khì
Thần nhai toác miếng
Núng na núng niếng.
Chim bay ra ràng
Tưng tưng tang tang…
Lực cầm bó hương giơ cao. Tay rung như người bị động kinh. Đầu lắc. Chân lắc. Bụng lắc. Ngực lắc. Toàn thân rung lên:
Tưng tung tang tang
Giơ càng bóp cổ
Mắt nổ bụng sôi
Trông đánh ba hồi
Thằng mô có tội
Xuống sông mà lội
Cho cua cắn càng
Tưng tưng tang tang…
Lũ trẻ bị "ốp đồng" theo nhịp đàn và giọng hát ma quái của Lực. Đứa nào đứa nấy rung tít mù như một lũ động kinh và đồng thanh cùng với "con đồng" Lực:
Tưng tưng tang tang
Hai hàng quỷ sứ
Cò cự cò cưa ăn dưa nứt bụng
Đứa mô ăn vụng
Thì cưa đứt đầu
Đứa mô theo tao
Thì ăn béo ị…
Bỗng dưng Lực "huơ" một tiếng thật to như tiếng ma từ dưới mồ vọng lên. Mắt long sòng sọc. Lòng đen lúng la lúng liếng. Sau một tiếng "hừm" thốt ra từ cái mồm méo xệch là hai con mắt trắng cùi nhãn. Lực rung roi quất lung tung. Quất vào đầu lũ trẻ. Chúng nó sợ quá, co rúm người lại Nhưng rồi không chịu được những làn roi nghiệt ngã, chúng nó bỏ chạy tứ tung. Lực đuổi theo, vừa cầm roi quất vừa hát:
Tưng tưng tang tang
Trói quàng bỏ rổ
Đem đổ xuống sông
Uống nước kềnh hông
Ba hồn bảy vía…
Nghĩa địa lặng gió. Chỉ vang lên tiếng vun vút của làn roi và tiếng hát rợn rùng của Lực. Lũ trẻ cong đít mà chạy.
Đứa vấp ngã trên cồn đất. Đứa vấp ngã bên mộ chí. Đứa lăn xuống vũng nước. Đã đành là chúng sợ roi quất tứa máu. Nhưng chúng còn sợ một cái gì vô hình như ám khí toát ra từ người Lực.
Trở về chỗ cũ, Lực đứng lên ngôi mộ, giơ roi, hét: "Ta đuổi hết ma quỷ rồi. Chúng mày trở về công kênh ta lên thiên đường". Lũ trẻ sung sướng reo như nổ trời, xúm xuýt công kênh Lực vừa chạy vòng quanh nghĩa địa vừa hát theo Lực:
Ơn Ngài phúc ấm
Con đấm cục xôi
Con lôi con bò
Thò lò mũi xanh
Ba khoanh ngũ đế
Rước Ngài về tế
Rạng danh nhà trời…
Lực hợm hĩnh, mặt vênh vang, càng rướn cao người càng vút mạnh roi vào không trung. Lũ trẻ càng rán sức chạy thật nhanh. Nắng đổ lửa. Mặt đứa nào cũng đỏ như gấc. Mồ hôi nhòe nhoẹt…
***
Như cỗ máy không một phút ngừng hoạt động, con người Lực quay liên tục. Tất ta tất tưởi đi thăm bạn học cũ hiện đang giữ những chức vụ chủ chốt trong tỉnh, trở về đền Quan Hoàng Mười, Lực thư giãn được một chút, thả bộ bên bờ sông Lam. Mùa thu. Nước sông xanh biếc. Những chiếc thuyền vớt rươi thưa thớt, trôi lửng lờ. Sương mờ lãng đãng…
Khu đền nằm giữa vùng sông núi hùng vĩ và trữ tình. Sông Vĩnh và sông Lam tạo nên một bãi bồi hình con hạc, cho nên người ta gọi đó là cánh đồng Mỏ Hạc. Đầu hạc chầu núi Nghĩa Liệt. Đuôi hạc xòe ra ở phía đông lóe sáng ánh mặt trời lúc bình minh. Núi Dũng Quyết và núi Hồng Lĩnh ở hai bên như đôi cánh hạc khổng lồ giang rộng giữa trời xanh. Cách một quãng về phía thượng nguồn là ngã ba Tam Kỳ. Tương truyền thuở hồng hoang, con hạc từ thượng giới bay xuống, tháy con cá gáy to, hạc mổ, cá quẫy mạnh và nước duềnh lên mở ra ba cửa sông tạo thành ngã ba Tam Kỳ. Dân gian truyền nhau câu hát: "Thần về mở cõi cho ta - Đền thờ Mỏ Hạc ngã ba Tam Kỳ".
Đền thờ chính Quan Hoàng Mười ở Mỏ Hạc, làng Xuân Am, phía bắc sông Lam. Vốn xưa kia, nơi đây cây cối rậm rạp, cổ thụ xanh um. Những gốc cây sống qua hàng thế kỷ, sần sùi, vạm vỡ như những chiến binh canh giữ vùng địa linh. Ngôi đền cổ kính gồm hai tòa thượng điện và bái đường ngự trên ba hec ta đất. Cùng thờ với Quan Hoàng là thờ Song Đồng Ngọc nữ và hai vị tướng cận vệ của Ngài.
Ba ngôi mộ của ba vị tướng ở cạnh đền. Các triều đại phong đạo sắc thường phong riêng cho Song Đồng Ngọc nữ; còn ba vị tướng thì phong chung, bao giờ cũng ghi tên Quan Hoàng Mười lên đầu.
Qua chiến tranh, cây cối và đền đài bị tàn phá nặng nề. Cách đây mấy năm, được sự hỗ trợ của Nhà nước, dân làng Xuân Am đã góp tiền phục hồi và tôn tạo. Người ta chuộc về được những bộ phận của ngôi đền cũ và dựng lại trên vị trí ban đầu. Hình chạm trổ long li quy phượng gợi lên vẻ trang nghiêm huyền thoại. Bức hoành phi "Anh dục tú chung" sơn son thiếp vàng phảng phất hương khc; thờ phụng. Trong điện thờ, ngự tọa uy nghiêm Cung Tứ phủ Quan Hoàng, Cung Tứ Hổ, Cung Ngũ vị Tôn ông, Cung Tứ vị Chầu Bà… Tuy không còn giữ được vẻ sầm uất cổ xưa, nhưng giữa bát ngát cánh đồng đã bắt đầu mọc lên những lùm cây phảng phất một chút gì hoang sơ. Con đường rải đá chạy từ Rú Quyết vắt qua cầu xi măng rồi trườn qua cánh đồng đìu hiu những nấm mộ bơ phờ cỏ dại… Ngay trước cửa đền, người ta dựng tấm bia đá khắc dòng chữ:
Đền thờ Quan Thái úy Hoàng Mười
Nơi đây chính thực quê Ngài Đền thờ,
lăng mộ ánh ngời hào quang
Sau khi ngôi đền bị tàn phá, người ta rước Ngài sang thờ vọng ở đền Củi, phía nam sông Lam, thuộc làng Lam Sơn, huyện Nghi Xuân. Dân bản địa truyền tụng về sự tích đền Củi: Một vị tiến sĩ cáo quan về hưu lúc còn trẻ. Trước khi về, ông chỉ xin nhà vua một việc. Dân làng ông nghèo khố, đi làm thuê cho thiên hạ quanh năm, đầu tắt mặt tối. Để đỡ cảnh bần hàn, ông xin vua cho dân làng được độc quyền hái củi trên núi Hồng Lĩnh để bán. Nhà vua chấp thuận. Thế là ông lập ra một chợ bán củi ngay bên bờ sông Lam. Thuyền bè ngược xuôi thường ghé vào chợ mua củi. Sau khi ông qua đời, dân làng dựng đền thờ ngay tại chợ… Vì thế, người ta gọi là đền Củi. Nhưng từ khi thờ vọng Quan Hoàng Mười, đền được mang hai tên: hoặc là đền Củi, hoặc là đền Quan Hoàng.
Đền nằm sát bờ sông Lam, ngay dưới chân núi Hồng, quay mặt ra phía bắc hướng về ngôi đền chính làng Xuân Am. Cổng tam quan soi bóng xuống mặt nước trong xanh. Cây cối um tùm. Cây rợp mái ngói mũi hài. Cây xòa xuống sông. Cây xõa tán khắp ìối đi. Khóm tre cheo leo trên vách núi. Cây mưng bốm đốm hoa đỏ. Phượng thưa thớt hồng. Bàng xòe tán như chiếc lọng xanh khổng lồ. Táo chi chít đơm quả. Tiếng chim ríu ra ríu rít… Điện thờ lấp lánh hạc đồng, lư hương đồng, bát hương đồng với những pho tượng trầm mặc trên Cung thờ Tứ phủ, Cung thờ Quan Hoàng Mười, cung thờ Chầu Mười, Cung thờ Trần triều…
Đây là ngôi đền nằm trong hệ thống đền đài của Đạo Mẫu nước ta. Nhưng trong số mười ông Hoàng, thì có ba ông thường xuyên giáng đồng: ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười. Cho nên các con đồng thường về đây lễ và lên đồng.
Lễ hội ngày mồng mười tháng mười âm lịch. Nhưng từ hạ tuần tháng chín đến hạ tuần tháng mười, ngày nào cũng tấp nập người tứ phương đổ về. Trong Nam ra. Ngoài Bắc vào. Miệt trên xuống. Miệt dưới lên. Hà Nội có. Sài Gòn có. Tít tận từ miền biên giới Lao Cai, Lạng Sơn… Xa hút từ phố xá hẻo lánh Ban Mê Thuột, Plây Cu… Ô tô lớn, ô tô bé đậu đầy bãi xe, đậu đầy dọc đường số một. Nhan nhản những ô tô biển trắng 31H, 88H, 29H,26K, 89K, 16K và cũng vô khối ô tô biển xanh 37A, 38B… Cờ quạt tưng bừng trên đoạn đường dài hơn ba trăm mét từ Quốc lộ một vào đến tận đền. Hàng quán lớn, hàng quán bé mọc lên la liệt. Hàng ăn. Hàng giải khát. Hàng nước chè xanh. Hàng bắp ngô luộc, bắp ngô nướng. Hàng bánh mướt. Hàng khoai lang luộc… Thượng vàng hạ cám san sát hàng quán hai vệ đường quốc lộ và đường mòn ven chân núi. Tíu tít nhất là các hàng hương, vàng giấy, tiền âm phủ. Bận rộn những người hành nghề tín ngướng: thầy tướng, thầy bói, thầy viết sớ thuê. Ông cụ mù lòa ngồi trên manh chiếu vừa gảy đàn vừa dằn những đồng tiền âm dương trên chiếc đĩa sành. Bà lão kèm nhèm cò cưa chiếc nhị và hát ấm ớ kêu gọi khách hàng đến xin quẻ…
Chen chúc thiện nam tín nữ đủ các loại áo quần. Ấo nâu. Áo lụa. Áo dài. Áo cộc. Complet caravat. Giày tây. Giày ta. Mũ phớt. Nón lá. Tóc dài. Tóc ngắn. Mồ hôi dã dượi. Lấn lên từng bước để được vào gần Cung Quan Hoàng. Người sau lạy vào gáy người trước. Có người không chen vào được, đành giơ cao mâm lễ và khấn với. Có nhiều người phải thuê dịch vụ đội mâm. Đội quân dịch vụ này khá đông. Khách đến quầy hàng mua sắm lễ vật, đã có người đứng chầu chực ngay bên cạnh. Khách mua xong, người đó nhanh nhẹn sắp đặt lên mâm rồi bê vào. La liệt trên các cung thờ, bệ thờ đã đặt lễ chêm khít rìn rịt, chồng lên nhau. Người dịch vụ đành đội mâm lên đầu, đứng im như một cây ban thờ. Khách cứ theo hướng đó mà vái lạy lia lịa…
Lực dẫu đã dày dạn kinh nghiệm đi lễ, vẫn phải xô lấn túa mồ hôi. Vất vả đến mấy, nét mặt của Lực vẫn biểu lộ một vẻ nghiêm trang, thành kính, không hề thoáng gợi một chút mệt mỏi, chán nản. Dọc con đường từ Quốc lộ vào đến tam quan, Lực thực hiện đầy đủ các công đoạn: xin sớ, xin thẻ, xin tướng số, xin âm dương… rồi mới vào lễ.
Vẫn phải chịu quy ước chung của lễ hội, không đặt được lễ lên bàn thờ, Lực thuê một thanh niên khỏe mạnh đứng đội mâm. Đã được Lực dặn dò kỹ lưỡng trước, cậu thanh niên đó giơ hai tay giữ chặt mâm, chân cắm chặt xuống đất như cột bê tông. Lực cúi đầu lầm rầm khấn đến hơn nửa tiếng đồng hồ. Xung quanh nhốn nháo người, ông già có bà già có, gái tơ có, gái quê có, gái kẻ chợ có. Nhưng Lực không hề hay biết gì về cái tà áo nâu khắm mồ hôi quệt vào mũi, và cũng không hề tơ màng gì cái bộ ngực nõn nà đẫm mùi nước hoa cà vào má…
Sau một ngày bươn chải giữa biển người như con thuyền chao đảo giữa biển sóng, Lực thư thái trở về nghỉ ở khách sạn Lam Kiều. Vào dịp này, khách đông vô kể. Không đủ nhà ngủ trọ, khách tràn vào ngủ ở nhà dân với giá rất rẻ. Còn khách sạn Lam Hồng ở thị xã Hồng Lĩnh và khách sạn Lam Kiều ở thị trấn Cây Đa Lách thì không trống một phòng nào; thậm chí phòng chỉ đặt giường cho hai hoặc ba người nằm, phải tăng trọng tải đến dăm bảy người… Lực có người bạn học cũ làm giám đốc khách sạn, gọi điện từ Hà Nội vào trước mấy hôm: dành sẵn cho một phòng. Lực ngủ ngon lành, ngủ như chết. Nhưng đúng ba giờ sáng, Lực thức dậy để ra đền lên đồng. Niềm tín ngưỡng sâu xa và cao cả đã điều khiển con người Lực quay như một cái kim đồng hồ. Chẳng cần dặn nhân viên khách "Bạn đánh thức". Cũng chẳng cần để đồng hồ báo thức. Đúng ba giờ sáng, Lực tỉnh giấc…
***
Đêm tháng mười. Sương giăng dày đặc. Sương từ sông Lam sông Vĩnh ùn ùn bốc lên. Sương từ biển tới tấp tràn vào Sương từ các ao hồ, đầm lầy xô nhau tỏa ra. Ánh điện thành phố Vinh và thị trấn Cây Đa Lách chỉ hơi pha loãng màn sương càng tạo cho cái mênh mông sương mù một vẻ huyền bí…
Lực ra tới đền thì ông từ đã chuẩn bị xong xuôi cùng với hai cô Hầu dâng và đội Cung văn. Ngay tại đền đã có sẵn mười cặp Cung văn thường xuyên phục vụ con đồng đến từ nhiều miền đất nước, nhưng thỉnh thoảng có Cung văn từ các ngôi đền xa xôi tới, mang theo đủ loại nhạc cụ. Có khi họ mang theo rất nhiều mía - mía cho ông đồng bà đồng dùng làm động tác chèo đò, ở đây mía còn tượng trưng cho củi gợi nhớ một thuở ông Hoàng lập chợ cho dân bán củi. Vào dịp lễ hội, Cung văn về đông hơn từ Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nam Định. Người lên đồng nhiều. Họ thay nhau gióng nhạc… Hôm nay, may mắn cho Lực, có đội Cung văn Hà Nội, nơi Lực thường xuyên làm việc và tiến thân.
Lễ Thánh và lễ Chúng sinh xong, Lực nghiêm trang ngồi vào chiếu. Trước mặt và hai bên đặt la liệt quà để chuẩn bị phát lộc cho con nhang đệ tử và bà con đến hầu. Có những xếp tiền mới tinh mệnh giá 100, 200, 500, 1000. Có quạt, xà phòng, khăn mặt, bàn chải đánh răng, kim chỉ… Có đường, mì chính, bột ngọt, kẹo, bánh, bim bim… Có áo mưa, quần áo trẻ con, dép trẻ con, đồ chơi trẻ con… Có các loại hoa quả cam, quýt, bưởi, na, hồng…
Ở ngoài Bắc, chi phí cho một buổi lên đồng thường trên dưới mười triệu đồng. Nhưng ở Nghệ Tĩnh, vùng đất nghèo, thường chỉ vài ba triệu. Một số con đồng từ trong Nam ngoài Bắc lặn lội đường xa đến đền Quan Hoàng Mười thì chi tới mười triệu. Lực cũng vậy. Sách của Lực là "phóng tiền tài thu nhân tâm", cho nên đối với thần thánh nơi nào cũng vậy: "phóng tiền tài thu thần thánh tâm". Từ khi còn là con nhang đệ tử, làm lễ trình đồng để bước lên bậc ông Đồng, là Đồng Lực đã sắm đủ trang phục và nghiêm túc trăm phần trăm trong các buổi lên đồng - nghiêm túc từ lễ nghi đến lễ vật dâng cúng…
Ồ… Không phải Lực nữa? Không phải Quách Quyền Lực nữa? Mà là bà đồng Lực! Bà đồng Lực được trang phục y hệt một "cô đồng": mặc váy, đeo yếm đỏ, chít khăn màu rằn ri. Ông Quách Quyền Lực thường ngày đầy quyền lực của một gã đàn ông đã biến thành một người đàn bà.
Nhưng người đàn bà này đang chuẩn bị tư thế bước vào cõi siêu thế có dồi dào quyền lực hơn ông Quách Quyền Lực thường ngày. Người ta chỉ nhận ra điều đó ở gương mặt: gương mặt vạm vỡ của một người đàn ông, lúc thì dồn lại những múi thịt đỏ bầng bầng, lúc thì giãn nở rạng rỡ như vị tướng cầm quân ra trận…
Lực "e hèm" rất khẽ trong cổ họng, trịnh trọng làm lễ xin phép nhập đồng. Trùm chiếc khăn đỏ lên đầu lên mặt.
Hai tay chấp dâng ba nén hương… Một giây phút lặng ngắt… Rồi đầu lắc lư. Toàn thân lắc lư. Cái khăn đỏ khẽ rung lên ở đỉnh đầu, rồi từ từ rung xuống phía dưới, rồi rung mạnh như một ngọn lửa đã bén dầu. Ba nén hương rung lên. Linh khí của tòa đền như tụ vào sắc đỏ của khăn và ba đốm lửa hương. Vào cái giờ phút đất trời đang ngủ say và sương mù bao bọc, linh khí dường như tăng lên, tăng lên gấp bội… Mấy chục con nhang đệ tử cảm nhận được cái vi nhiệm tột cùng của linh khí ấy, không ai động đậy không ai hé ra một âm thanh dù là âm thanh thì thầm… Bất giác, Lực buông ba nén hương, rùng mình, giơ hai ngón tay báo hiệu Thánh giáng… Cung văn tấu nhạc và xướng văn chầu. Tiếng nhạc bỗng nhiên rộn lên, dào dạt dâng lên một niềm thiêng liêng huyền bí. Giữa cái mênh mông im ắng ướt đẫm sương mù, tiếng nhạc dường như trào lên một cách cường tráng và tỏa rộng lên tít tận cao tít tận xa. Tiếng đàn nguyệt, tiếng trống, tiếng phách, tiếng thanh la hòa âm rổn rảng… Lực không còn là xương là thịt nữa. Không còn là Lực của những tham vọng, đố kỵ, hiếu thắng trần tục nữa. Mà là vi huyền thay… Lúc đã tắt thở rồi, đã trùm khăn phủ diện rồi; đã hóa thành một kiếp khác để biến thành cái giá cho Thánh nhập vào…
Trong nghệ thuật văn chương thì Lực đểnh đoảng, trong quy trình làm việc thì Lực tùy tiện; nhưng quy trình và nghệ thuật tự thôi miên mình để hóa thân thành thần linh thì Lực đạt đến độ chín muồi. Ấy thế mà trong cái thể xác chết ấy vẫn còn những điểm sống, điểm thức, để Lực khoái trá nghe rõ tiếng thưa gửi tôn kính của con nhang đệ tử đối với mình; tựa như thuở nhỏ Lực hống hách quát tháo lũ trẻ con lúc lên đồng ở nghĩa trang Dốc Cướp.
Hai cô Hầu dâng mặc y phục cho Thánh, chỉnh trang y phục cho Thánh.
Rồi Thánh múa.
Rồi Thánh phát lộc.
Rồi Thánh thăng.
Rồi Thánh lại nhập.
Hàng tiếng đồng hồ này sang tiếng đồng hồ khác, suốt mấy tiếng đồng hồ liền, Lực múa may quay cuống liên hồi với những bộ quần áo sặc sỡ giữa nhịp điệu rộn rã của cung văn. Ngắt nhịp giữa những điệu múa, giữa những hồi dóng nhạc, lại thay bộ y phục mới. Áo quần thay đổi. Màu sắc thay đổi. Điệu múa thay đổi. Nhạc điệu thay đổi. Hai cô Hầu dâng nhanh nhẹn, thành thục, khéo léo, thay bộ y trang này đến bộ y trang khác cho Thánh, nếp áo chinh tề, màu sắc lộng lẫy…
Lực bước lên, lui xuống, sang trái, sang phải, chân bước tay múa, xoay tít người… Không phải Lực đâu.
Thánh múa đấy. Áo của Thánh. Chân của Thánh. Tay của Thánh. Đầu của Thánh. Và trong cái đầu ấy là rực rỡ những ý tưởng thăng hoa… Tiếng nhạc dào lên, dâng lên, rồi lan tỏa, rồi lắng xuống, rồi bừng bừng vút cao những âm sắc ngời sáng… Lực xoay người, những giải y phục cũng xoay tròn tung tỏa màu sắc mớ ba mớ bảy. Lực say và bay, ngỡ mình đang bay trong đám mây ngũ sắc. Đám mây cuộn lại, rồi mở ra, rồi dập dìu như sóng, nâng Lực bay lên thật cao cao tít giữa muôn trùng ảo vọng…
Lực đang bay. Thánh đang bay. Đã là Thánh thì không biết mệt mỏi. Nhưng Thánh cũng đổ mồ hôi. Trời lạnh thế mà Thánh cũng ướt đẫm mồ hôi. Sau mỗi lần Thánh thăng, hai cô Hầu dâng cầm mùi soa lau nhẹ cho Thánh: lau trán, lau má, lau cổ…
Bỗng dưng Lực ré lên một tiếng. A… đức quan Hoàng Mười nhập. Khi quan Hoàng Mười tái sinh vào thân xác Lực thì dường như cáì thân xác ấy hưng phấn hẳn lên và thăng hoa tột độ. Nhạc rộn hơn. Mi cơ rô trào tiếng nhạc, phát ra âm sắc tuyệt vời thánh thiện và tuyệt vời tươi sáng:
Cánh đồng thấp thoáng trăng thanh
Nghệ An có đức thánh minh ra đời
Gươm thiêng chống đất chỉ trời
Đánh đông dẹp bắc việc ngoài binh nhung
Thanh xuân một đấng anh hùng
Tài danh nổi tiếng khắp vùng trời Nam
Hai vai nặng gánh cương thường
Sông Lam sóng cả buồm dương một chèo
Dựng nền đức Thuấn nhân Nghiêu
Sóng yên biển lặng sớm chiều thảnh thơi
Khi Bích động lúc Bồng lai
Non nhân nước trí mọi nơi ra vào
Cỏ hoa hớn hở đón chào
Nhớ xưa Lưu Nguyễn lạc vào thiên thai…
Hòa theo tiếng nhạc, tiếng hát chầu, điệu múa, tòa đền bỗng sáng ánh lên các pho tượng và các tranh thờ.
Năm màu xanh đỏ vàng trắng đen lung linh bản thể của vũ trụ ngũ hành ngũ phương. Thế giới hữu hạn và vô hạn của trời, đất, nước, rừng, tụ về tạo nên niềm tín ngưỡng Tứ phủ vừa thiêng liêng xa vời vừa gần gũi đời thường. Đã bao nhiêu lần lên đồng, lần nào Lực cũng có cảm giác hưng phấn mới mẻ. Thân xác mình được làm cái giá để Thánh ngự, hạnh phúc tuyệt vời hạnh phúc.
Trong chuỗi ngày tháng dài dằng dặc bon chen danh lợi, dược sống những giờ phút mình không còn là mình nữa, mình trở thành vị Thánh có quyền uy tối thượng phán xét số mệnh của bàn dân thiên hạ, phát lộc cho con nhang đệ tử, để rồi mình lại tăng thêm sức mạnh cho cơ thể cường tráng cho trí tuệ minh mẫn, dấn thân vào những trận thắng mới… Tiếng nhạc dâng lên rồi hạ xuống rồi dâng lên đưa đẩy giọng hát chầu đều đều một âm điệu đầy kính cẩn và tha thiết:
Cầu Ô đem bắc sông Ngân
Ngồi trong cung Quảng đêm xuân mơ màng
Bóng trăng soi tỏ canh trường
Đã cam tốc dạ tuyết sương cùng người
Thuỷ tiên dìu dặt đón mời
Bấy lâu khao khát đầy vơi chạnh lòng
Vượt bể đào tới ngàn xanh
Đường tiên cảnh cũ nặng tình nước non…
Chừng bốn mươi con nhang đệ tử đăm đắm mắt dõi theo điệu múa uyển chuyển của cô đồng Lực - À quên, của Thánh chứ. Thánh mặc áo gấm thêu hình tứ quý tứ linh lóng la lóng lánh những chuỗi hạt cườm hạt xoàn, giải khăn bịt quanh đầu thêu hình rồng chầu mặt trời, dây đai cũng rực rỡ thêu hình rồng. Trước ngực Thánh lấp lánh thẻ bằng kim loại và khánh kim thiếp vàng… Sắc màu lộng lẫy cuốn theo những điệu múa kiếm, múa long đao, múa kích, múa cung, nhịp nhàng điệu lưu thuỷ…
Ngày ngày lên núi ngóng trông
Đỏ hai khóe hạnh chờ mong Đức Hoàng
Nhớ xưa hẹn ngọc thề vàng
Mừng nay tỏ mặt Đức Hoàng tới nơi…
Thế gian nhớ miệng Hoàng cười
Nhớ khăn Hoàng chít nhớ lời Hoàng ban
Khi Phố Cát lúc Đồi Ngang
Nón kinh vó ngựa dặm ngàn tiêu dao
Đường đường cung kiêm anh hào
Túi thơ bầu rượu sớm chiều xênh xang…
Nhạc rung lên. Lời ca cũng âm vang mạnh mẽ. Và Thánh giương cung. Thánh múa. Sắc màu vạn vật tụ vào Thánh và từ Thánh tỏa ra một vầng hào quang ngũ sắc.
Tất cả con nhang đệ tử cùng đồng thanh ngợi ca công đức Thánh. Một số người bị ốp đồng, đứng dậy vừa múa vừa hát, xoay tròn người, uốn giẻo đôi chân và đôi tay. Thánh giơ cung hướng ra bốn phương, rồi cầm hèo hát bỏ bộ…
Cơ thể và tâm trí Lực hoàn toàn chìm đắm trong trạng thái ngây ngất, si mê. Khăn màu, dây đai màu, áo màu bay lên múa lượn, rồi lại quấn vào nhau, ruồng bỏ nhau, xoắn xuýt nhau. Hạt cườm, khánh, hạt xoàn long lanh va nhau kêu tí tách. Sắc màu và âm thanh trộn vào nhau lúc thì thu hẹp lại lúc thì tỏa rộng ra như đám mây trôi dạt giữa trận lốc. Trận lốc của tín ngưỡng hay trận lốc của tiền tài và quyền chức? Như thế giới vật chất vô thuỷ vô chung, cơn lốc tiền tài và quyền chức nổ ra từ đâu và từ lúc nào xô vào cõi tâm linh chuyển thành cơn lốc cuồng tín. Con người Lực. Lúc này trộn lẫn hỗn tạp thượng giới và hạ giới, siêu phàm và phàm tục. Lực trôi nổi bồng bềnh và mơ thấy hai tay của Thần Thánh giơ ra nắm lấy tay mình và ban quả phúc. Chao ôi! Đấng Siêu nhân mới tuyệt vời làm sao, nhân từ làm sao, vị tha làm sao. Người choàng tấm áo lung linh triệu hạt ngọc, chói sáng tinh anh, giang rộng cánh tay ôm Lực, bế Lực ngồi vào cái ghế êm ái, cao sang. Trời ơi! Cái ghế giát đầy vàng. Vàng lóng lánh. Vàng ngời ngợi. Vàng sáng chóe. Vàng thấm vào da thịt và dọi ánh vàng vào từng li ti tế bào. Vàng phát ra từ lục phủ ngũ tạng và toàn thân Lực từ móng chân móng tay đến sợi tóc thấm đẫm sắc màu kỳ lạ của kim loại vàng… Con người Lực với những khát khao, cuồng vọng được nhào lộn và nhào nặn trong cõi hồng hoang cực lạc, phiêu diêu đến tận cùng huyền vi của thần linh…