Đào rất sợ Lực và Cấu. Bản chất Đào là một cô gái rụt rè, nhút nhát, lại phải thường xuyên làm việc với một thủ trưởng lớn một thủ trưởng bé tính khí thất thường, hay ra oai quát tháo. Thủ trưởng lớn đa nghi. Thủ trưởng bé tâu việc gì, thậm chí bịa chuyện để tâu, thủ trưởng lớn đều nghe đều tin. Người đa nghi thích nghe lời xúc xiểm của kẻ xấu hơn là lời khuyên giải của người tốt.
Trong cơ quan, Đào không dám ngồi trò chuyện lâu với ai. Khi có ba người cùng ngồi, Đào tìm cách lẩn tránh.
Buổi trưa, bạn bè rủ đi ăn cơm, Đào không dám đi. Khi có cuộc liên hoan dăm bảy người tại một quán cơm nào đấy, vạn bất đắc dĩ phải tham dự, Đào ăn không ngon, vừa ăn vừa nhìn ngược nhìn xuôi đề phòng Lực và Cấu trông thấy. Đào sợ thủ trưởng lớn thủ trưởng bé quy kết mình vào cái tội "quần tam tụ ngũ".
Đang đứng nói chuyện với một người nào đấy, hễ thấy bóng Lực hoặc Cấu từ xa, Đào vờ bận việc, lảng đi. Nếu Lực hoặc Cấu đột ngột đến gần, theo bản năng tự vệ, Đào vụt chạy, làm cho người đang nói chuyện sững sờ: tại sao cô ta bỏ chạy mà không nói với mình một câu?
Có lần, gặp nhau ở hành lang, Hòn níu Đào dừng lại để trao đổi một việc gì đó, Lực xách chiếc cặp đen từ trên cầu thang xuống, Đào hốt hoảng chạy vào phòng như gà chạy trốn cáo. Hòn vừa thương hại vừa buồn cười Nỗi sợ sệt của Đào như được di truyền từ kiếp trước. Hòn chợt nhớ lại một chuyện nhỏ gà sợ cáo có tính di truyền mà bản thân cậu ta được chứng kiến. Lần ấy, đi công tác ở Lạng Sơn, được người bạn tặng một con cáo nhồi, Hòn mang về Hà Nội. Vừa cầm con cáo bước vào cửa, mấy con gà trong chuồng kêu toáng lên, xao xác xô nhau chạy nép vào một góc. À, thì ra tổ tiên của chúng bảo cho chúng biết rằng: hễ thấy cáo phải tìm đường chuồn cho nhanh!
Mấy hôm vừa rồi, Đào cảm thấy nỗi sợ sệt vơi đi chút ít vì đã cùng với Chiều chạy đi xin điểm cho thằng Vệ lên lớp và được Lực khen là "rất tuyệt vời! Hai em rất tuyệt vời!". Sáng nay, Đào lên phòng Cù Văn Hòn để trao đổi về một câu văn trong tập tài liệu chữ Nôm…
Lâu lắm rồi, Đào không dám lên phòng Cù Văn Hòn. Hòn cũng thông cảm với nỗi sợ hãi của Đào, mỗi lần cần bàn bạc việc gì Hòn lại trực tiếp gặp Đào. Đào cũng tự thấy "có điều gì không phải" với Hòn, nên sáng nay, nhân dịp Lực đi công tác xa, Cấu cũng đi vắng, Đào tự động lên phòng Cù Văn Hòn.
Đưa mắt nhìn quanh căn phòng chật:
- Em dặn cái Chanh, cái Thùy… thường xuyên quét dọn cho sạch sẽ, lấy nước lấy chè cho đầy đủ, cộng tác viên ở tỉnh xa về hay gặp anh…
- Cảm ơn em, các em quá chu đáo với anh.
- Tiếp nhà văn ở tỉnh xa về, cần nước giải khát, anh cứ gọi.
- Anh chẳng muốn phiền đến ai. Khi cần thì anh dẫn khách ra quán, ngồi nói chuyện thoải mái.
- Anh giữ gìn quá. Anh giữ gìn cũng chẳng ai biết cho anh… Lần trước, em dẫn nhân viên bưu điện vào mắc điện thoại phòng anh, sao anh lại bảo không mắc.
- Anh cũng chẳng có việc gì cần kíp lắm mà phải mắc điện thoại ngay trong phòng làm việc. Thỉnh thoảng cái Chanh, cái Xuân, cái Thùy nó vào gọi anh ra nghe điện thoại thì anh ra hành lang cầm máy nghe để cho cái chân nó hoạt động, chẳng ìẽ cứ ngồi ì mãi suốt ngày bên bàn giấy.
Đào mỉm cười:
- Giữ gìn quá, người ta lại chê anh là gàn là bảo thủ, không thức thời.
- Ai chê mặc họ…
Đào nhìn lên chiếc bàn trúc tiếp khách:
- Ấy chết, hai cái chén của anh sứt quai rồi, em bảo cái Chanh thay bộ ấm chén khác… Hôm nay chúng nó chưa cắm hoa cho anh ạ?
- Có sáng nay cái Dung nó cầm hoa vào, nhưng anh bảo đem xuống cắm ở phòng khách.
- Sao lại thế? Phòng khách đã có hoa rồi!
- Cũng phiền phức lắm em ạ.
- Phiền phức gì, chúng nó quý anh thì cắm hoa để anh vui, với lại khách khứa vào…
- Quý mến thì để trong lòng. Anh sợ phiền là phiền cho các em, chứ anh thì anh thích hoa…
Chợt có tiếng giày lộp cộp ngoài hành lang, rồi Cấu đi qua cửa. Đào quay ra, vừa thấy Cấu xách chiếc cặp đen, mặt Đào tái mét. Như một hành động tự vệ bản năng, Đào co rúm đôi vai. Rồi đứng dậy, nhìn qua khe cửa dõi theo bóng Cấu đi khuất vào phòng trong cùng, Đào vội vàng gấp sổ lại và chạy vội trở về phòng mình.
Thật tội nghiệp. Đến cơ sự này cơ ạ! Một cơ quan văn hóa mà lắm lúc như một trại tù binh. Cái bóng của "Ông thủ trưởng bé" mà làm cho người ta khiếp sợ đến thế này…
Hòn đứng dậy, chép miệng, đi sang phòng Đào.
Nỗi run sợ của Đào không phải dừng lại ở đấy, mà còn kéo dài đến cả buổi chiều, qua đêm, cho đến suốt ngày hôm sau. Cho đến đêm hôm sau, lúc mười một giờ, nghe chuông điện thoại, Đào cầm ống nghe. Vừa nói dở chừng "A lô… Tôi…" thì đã nghe đầu kia dây nói tới tấp đổ dồn những lời thịnh nộ:
- Tôi nói cho cô biết, ông Cù Văn Hòn không bao giờ được làm thủ trưởng ở cơ quan này? Ông Cù Văn Hòn suốt đời là thủ phó, là người giúp việc cho tôi! Sáng hôm qua, cô ngồi tại phòng Cù Văn Hòn bàn bạc với Cù Văn Hòn những gì? Vải thưa không che được mắt thánh đâu cô ạ. Cô với Cù Văn Hòn bàn bạc âm mưu lật đổ tôi ạ! Tôi chỉ rời khỏi cơ quan ba ngày mà các người đã quần tam tụ ngũ mưu đồ lật đổ tôi. Cô ngồi với Cù Văn Hòn cả buổi sáng bàn bạc những gì tôi biết hết. Cô tưởng là tôi mù à! Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm! Không ngờ cô ghê gớm thế. Không ngờ cô gian manh thế. Cô ngồi với Cù Văn Hòn từ tám giờ rưỡi đến hơn mười một giờ. Không bịt được mắt tôi đâu. Cô tưởng là Đại hội xong Cù Văn Hòn được làm thủ trưởng à? Đừng hòng! Đừng hòng! Đừng hòng!… Cù Văn Hòn không bao giờ được làm thủ trưởng ở cơ quan này. Không bao giờ! Không bao giờ? Không bao giờ!
Đào không nói xen vào được câu nào. Tay cầm ống nghe cứ run lên. Nước mắt trào ra… Sau ba tiếng "không bao giờ" của Quách Quyền Lực, Đào mới hé miệng:
Em… em… em…
- Không em út gì cả. Cô ăn cháo đá bát. Cô trung thành với chủ nào? Cô sống giả dối lắm. Làm việc ở một cơ quan văn hóa mà cô không văn hóa một chút nào. Cô sống hai lòng! Cô vô văn hóa! Vô văn hóa!
Lực dập máy rất mạnh. Đào nằm vật ra giường, khóc nấc lên.
***
Đào ủ rũ suốt ngày. Thỉnh thoảng lại cầm mùi soa lau nước mắt. Khi nào có cảm giác tức thở cô lại lặng lẽ đi ra ngoài một chốc rồi quay vào. Nếu cứ kéo dài tình trạng này rồi sẽ như thế nào? Luôn luôn làm việc trong một bầu không khí nghi ngờ vô cớ của người thủ trưởng, Đào chỉ nhận được nhừng lời chửi mắng như ông chủ chửi mắng con ở. Khi sự đa nghi bị đẩy lên thành cơn điên, Lực gán cho Đào đủ thứ tồi tệ. Nào "cô là một người bị quỷ bắt mất linh hồn". Nào "cô là một con khỉ có chân tay mà không có óc". Nào "cô bị người ta quyến rũ như con yêu tinh quyến rũ gái"…
Cô Chiều thấy Đào buồn bã, cứ nghĩ rằng gia đình có việc không vui. Mẹ chồng Đào là một bà già đã trên tám mươi tuổi, khó tính. Công việc của chồng lại thường phải đi vào Nam. Một mình Đào chăm sóc mẹ già và con nhỏ. Chịu đựng. Nhẫn nhục. Mẹ to tiếng, Đào im lặng. Đào chỉ cầu mong có một gia đình êm ấm, phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi dạy con cái ngoan và học hành bằng bạn bằng bè. Thu vén việc nhà việc cửa, lo toan việc cơ quan, cốt để đừng ai xỉa xói vào những sơ hở của mình, thế mà còn bị thủ trưởng nay nghi điều này mai ngờ điều nọ. Lắm lúc lòng Đào rối lên như tơ vò… Chiều đặt nhẹ tay lên vai Đào:
- Đào có điều gì không vui?
Đào lắc đầu.
- Chắc bà cụ ốm à? Nếu cụ ốm thì Đào về đi, có việc gì ở đây mình lo.
Đào lắc đầu úp hai tay vào mặt.
- Đào về xem cụ thế nào… nấu cho cụ bát cháo…
Không nén được, Đào nấc lên, hai vai rung lên làm rung cả bàn tay của Chiều.
- Hay là Đào cứ ở đây, để mình về xem cụ ăn uống gì chưa.
Nói xong, Chiều dắt xe đạp ra cửa. Đào chạy theo:
- Chiều ơi! Bà bình thường, không làm sao đâu. Trước khi đi làm mình đã lo cho bà đủ cơm và thức ăn…
- Thế thì vì sao mà Đào cứ ủ rũ như gà dù?
- Hôm nay thay đổi thời tiết, mình nhức đầu quá.
- Để mình đánh gió cho Đào.
- Mình bôi dầu rồi, một lát sẽ khỏi…
Chanh đến dắt tay Chiều vào một góc hành lang:
- Chị Chiều ạ, em thấy chị Đào từ sáng đến giờ mặt cứ tái mét. Em đoán là "thầy em" nghi ngờ quát mắng chị ấy.
Mày thì lúc nào cũng đổ tội cho "thầy em".
- Em đổ tội cho "thầy em" làm gì. Mấy lần chị Đào sụt sùi như thế, em đoán có sai đâu… Hay là chiều nay, mấy chị em mình rủ chị Đào đi ăn bún ốc Hồ Tây cho chị ấy được giải khuây.
- Cái Đào nó không dám đi đông thế đâu, sợ "thầy em" thấy "thầy em" lại tát nước vào mặt nó…
- Không sao đâu chị ạ. Em có cách… Sau giờ làm việc, đợi cho mọi người về hết… Rủ cả anh Hòn, anh Việt Sồ, ông Hoàng Bảo, anh Văn Quyền, với mấy đứa đi cho vui.
Chị Đào đèo chị. Anh Việt Sồ đèo anh Hòn. Thằng Tốn đèo em. Cái Dung đèo cái Thùy… Thầy lớn, thầy bé em làm sao mà biết được…
Cuộc ăn bún ốc được thực hiện.
Chiều Hồ Tây mát rượi. Cù Văn Hòn dạo bước một mình ven bờ hồ dưới vòm cây si. Trong phút chốc, tâm hồn thư thái như được lau chùi bằng không khí thanh tịnh của cỏ cây mây nước một vùng ngoại ô cố đô ngân vang tiếng thơ ngâm của bao thi xã những vương triều thịnh vượng… Hưng rồi phế… phế rồi hưng… Cái danh từ "vĩnh cửu" cũng chỉ là tương đối. Sự giàu sang tột đỉnh cũng chỉ là tương đối. Quyền lực tối cao cũng chỉ là tương đối Sự hiện hữu mới là quan trọng. Mà sự hiện hữu quan trọng nhất, là tình thương yêu. Cù Văn Hòn tự thấy mình có được tình thương yêu ấy: thương yêu hồn nhiên những người chân thực và những người chân thực hồn nhiên thương yêu mình… Trong cái cơ quan nhỏ bé của cái xã hội rộng lớn này, Cù Văn Hòn thích chơi bời với đám bình dân. Họ trong sáng hồn nhiên. Họ thương yêu hồn nhiên. Họ phân biệt phải trái một cách hồn nhiên.
Họ hồn nhiên như cây cỏ, như khí trời, không hề gợn chút lèo lá, thủ đoạn. Tình thương là mục đích của họ. Tình thương, đối với họ, không bao giờ biến thành phương tiện để đạt đến mục đích bỉ ổi… Thỉnh thoảng Cù Văn Hòn lại cùng trò chuyện với họ, ăn thịt chó với đám con trai, ăn bún ốc với đám con gái. Trong những cuộc họp mặt thân ái ấy, họ chỉ đề ra một điều kiện đơn giản: Cù Văn Hòn không được gọi Cấu và Lực dự. Cô Thùy còn nói thẳng ra rằng: "Hễ thấy Cấu và Lực ngồi vào bàn ăn là tôi bỏ ra về nếu không có ai đèo thì tôi thuê xe ôm về. Tôi không thể ngồi ăn với hai lão ấy được"…
- Bác Bao ơi! Bác Bao ơi!
- Bác Bao ơi!..
- Bác Bao ơi!…
Hòn quay nhìn về phía tam quan phủ Tây Hồ: mấy bạn và mấy cháu trong cơ quan đã ngồi đông đủ quanh chiếc bàn đặt sát hồ có hai cây liễu rủ xuống mặt nước.
- Bác Bao thả tâm hồn theo thi tứ à?
- Bác Bao suy nghĩ thế sự nhiều quá đấy?
- Bác Bao bỏ chúng em đi theo văn chương à?
- Bác Bao muốn văn chương hay thì phải cần đến chúng em chứ…
Cù Văn Hòn lững thững bước đến. Tự nhiên anh ứa nước mắt, vờ đứng dậy, giơ tay bắt con chim sâu đậu trên cành liễu. Con chim bay vút lên, anh nói một câu bâng quơ chẳng ăn nhập gì với không khí cuộc liên hoan: "Con chim nho nhỏ - Nó bỏ nhà trời - Đi chơi với bạn…". Kín đáo cầm rnùi soa lau nước mắt, Cù Văn Hòn ngồi vào bàn:
- Anh em ta như cà với muối như cuội với trăng… Nào, bắt đầu nâng cốc!
Mấy cháu ồ lên:
- Bác Bao nâng cốc không!
- Chưa có bia mà bác Bao đã nâng cốc!
- Bác Bao nhà em quen sống đạm bạc, cần gì phải có bia?
Được thoát ra khỏi không khí nặng nề của cơ quan, người nào cũng cảm thấy thoải mái. Nói cười tự do. Hồn nhiên như trẻ nhỏ. ấm áp như một gia đình. Hầu như đã thành một quy ước ngầm, mỗi lần gặp nhau sum vầy quanh cốc bia, không ai nói chuyện cơ quan, không ai nhắc đến Cấu và Lực - nói đến những điều đó, ăn uống sẽ mất ngon, tình cảm sẽ mất vui.
Mấy cô và mấy cháu gái uống La Vie và Pepsi. Còn đàn ông thì uống bia. Cũng chạm cốc lanh canh. Cũng chúc mừng sức khỏe, chúc mừng được sống bình yên…
Món ăn thật là đơn giản: ốc và nước chấm. Ốc Hồ Tây trở thành một đặc sản của Hà Nội. Người ta thả những bè rau muống và những bè rong rêu sát bờ để ốc bám vào và sinh nở. Lúc bắt ốc, chỉ cần đứng trên bờ hoặc trên cầu tre, vớt bè lên và gỡ ốc vào rổ. Nhìn vỏ ốc trơn bóng là có thể cảm nhận được cái ruột của nó béo và sạch. Ốc đồng lúa ăn nhiều thứ tạp chất không được sạch sẽ, cho nên người ta phải ngâm vào nước gạo qua đêm. Nhưng ốc Hồ Tây chỉ cần ngâm vào nước trong. Nhà hàng bỏ ốc vào cái bể cạn, khi nào có khách mới bắt đầu luộc. Đĩa ốc đặt trên bàn còn hôi hổi nóng bốc lên làn hơi thơm vị đạm và lá bưởi. Người nhà quê khều ruột ốc bằng chính gai bưởi. Còn ở Hồ Tây, người ta làm sẵn những "cái gai" bằng nhôm. Khều ruột ốc cũng phải có nghệ thuật: tay phải cầm gai móc vào ruột, tay trái xoay con ốc lựa chiều khéo léo để toàn bộ ruột được lôi ra treo lênh bênh đầu mũi gai. Nhưng ốc ngon chủ yếu là do nước chấm. Nhà hàng nào nước chấm ngon sẽ thu hút được nhiều khách.
Con gái tinh nhạy và khó tính về cái khoản nước chấm hơn là con trai. Mấy cuộc liên hoan trước ở cửa hàng Hoa Lê. Lần này, vừa ngồi vào bàn ăn, nếm thử nước chấm, Đào đã lắc đầu, rồi Chiêu cũng lắc đầu, Chanh cũng lắc đầu Thế là cả lũ kéo nhau sang cửa hàng Hoa Mộc, ngồi xúm quanh hai chiếc bàn dài sát bờ hồ.
Hoàng hôn buông xuống rất chậm. Ráng vàng giát một lớp mỏng trên mặt nước rồi từ từ chuyển sang màu tím nhạt. ánh điện bật sáng tạo thành một đường viền lấp lánh bao quanh hồ tít tắp tưởng như nới rộng đến tận chân trời… Dãy nhà hàng trước cổng phủ Tây Hồ kéo dài từ lùm cây vối đến cây đa thờ Con Nghé Vàng, rồi từ đó lại nối dài ra tận bãi đỗ xe. Món ăn có bánh tôm, thịt gà, nhưng nhiều nhất là ốc. Khách từ trong thành phố đổ về khá đông mà vẫn giữ được vẻ thư thái chứ không ồn ã như ở các cửa hàng thịt chó đê Nhật Tân - Nghi Tàm… Hòn rất thích cái không khí ở đây, vừa đủ tĩnh lặng pha màu sắc phố xá để ngồi khều ruột ốc thơm mùi lá bưởi gợi lên biết bao kỉ niệm thôn mạc thời thơ ấu. Mỗi lần bạn bè trong cơ quan rủ đi quán, Hòn lại nói: "Bún ốc Hồ Tây chứ?". Nếu bạn đồng ý, Hòn nói thêm: "Nhớ rủ mấy cô mấy cháu đi cho vui…".
Quán Hoa Mộc dựng trên sàn bê tông gần sát mặt nước. Có chiếc cầu tre dài chừng mười mét bắc từ sàn ra tới những bè rau muống. Hòn có cảm giác như đang ngồi cạnh bờ ao quê nhà. Các bạn cùng lứa tuổi và các bạn vong niên đang ăn ốc với tình thân thiết như bạn bè láng giềng nơi thôn mạc…
***
Cấu thình lình vào cơ quan lúc trời vừa nhá nhem tối.
Cậu ta thường có những cú thình lình như vậy để dò xét xem "chúng nó" có ngồi lại bàn tán chuyện xấu của mình và của Lực không. Lạ quá, hôm nay không có đứa nào ở lại, nhưng xe đạp của Cù Văn Hòn, Chiều, Tốn, Thùy… vẫn để đây. Chúng nó rủ nhau đi nơi nào bàn chuyện gì bí mật? Cấu tìm một nơi kín đáo ngoài đường phố chờ đợi xem chúng nó về từ hướng nào? Về đến đây còn nhóm họp nữa không?
Chờ đến tám giờ… chín giờ… mười giờ… mười một giờ… mười một rưỡi… chẳng thấy đứa nào quay về. Hay là chúng nó đi bậy bạ với nhau? Đúng rồi, chúng nó đi bậy bạ với nhau. Chẳng ìẽ túm tụm bàn tán lăng nhăng mà mãi đến giờ này chưa về… Đứng mỏi cả chân. Đi đi lại lại mỏi cả chân… À, vào cơ quan gọi điện thoại về nhà từng đứa thì biết ngay thôi mà. Quái lạ, chúng nó đều về nhà cả rồi.
Thì ra họ không trở lại cơ quan lấy xe đạp, mà đèo xe máy về thẳng nhà từng người… Cấu tức tối thất vọng về một cuộc rình rập công phu.
Hôm sau, Cấu đến cơ quan thật sớm để may ra có tìm được dư âm gì của cuộc tụ tập đêm qua. Vẫn chẳng có dư âm gì cả. Chưa có ma nào đến. Cơ quan vắng tanh. Theo thói quen tò tò, Cấu lục lọi trong các ô ngăn kéo đựng thư từ, báo chí, công văn của từng người xem có dấu hiệu gì khả nghi. Thư bạn đọc… Thư bạn đọc… Thư bạn đọc… Sao lại thư bạn đọc nhiều thế này? Sao lại thư nào cũng giống nhau? Cùng một khổ như nhau? Cùng photocopy? Có dấu hiệu không bình thường, Cấu đem ra đọc: nội dung các bức thư in hệt như nhau, phê phán gay gắt về mấy số báo vừa rồi nhầm lẫn kiến thức, chính tả, morat…
Thỉnh thoảng lại xảy ra một sự việc tương tự như thế. Một vài anh em biên tập nhận được thư bạn đọc chê bai báo, không dám đưa cho Lực, vì tính Lực hiếu thắng và đa nghi: sao thằng cha này lại đưa mình đọc bức thư bôi xấu báo? Hẳn thằng cha này muốn "xỏ" mình. Và sau đó, có thể Lực gây sự thù hằn mình, phiền phức cho mình… Chi bằng cứ phô tô ra nhiều bản để anh em trong cơ quan biết, liệu chừng mà nâng chất lượng của tờ báo.
Cấu gật gật đầu, thu nhặt tất cả những bức thư ấy gấp lại bỏ vào túi. Đầu hắn nảy ra ý nghĩ: chắc chắn là tối qua bọn chúng" đi phô tô bức thư này để hạ uy tín của Lực! Được chúng mày sẽ trả giá! Chỉ có tao "chơi" chúng mày, chứ chúng mày dám "chơi" được tao à!
Đợi Lực đi công tác về. Lực đi vào miền Trung từ sáng hôm qua. Còn một ngày này nữa, một đêm này nữa, rnột buổi sáng mai nữa, một buổi chiều mai nữa… Chậm nhất là tối mai Lực sẽ có mặt ở Hà Nội…
Và, cuộc hội ngộ giữa Cấu với Lực sẽ diễn ra tức khắc ngay lúc Lực đặt chân vào cơ quan. Như đã thành một quy ước của hai người: Lực vắng cơ quan một ngày trở lên, khi trở về, Cấu gặp ngay và báo cáo chi tiết mọi diễn biến. Chỉ có lời báo cáo của Câu mới đáng tin cẩn.
Cuộc hội ngộ hôm nay… dường như rất quan trọng…
Khi hai người ngồi đối diện nhau trong phòng riêng của Lực, Chanh xách phích nước lên và pha trà:
- Hai thủ trưởng có cần bia không ạ?
Lực xua tay:
- Không cần?
Chanh đi ra, Lực gọi lại:
- Có ai hỏi tôi, cô bảo là tôi đi vắng.
Chanh chắp hai tay lễ độ pha chút hài hước:
- Em xin vâng ạ… ạ… ạ…
Nội dung bản báo cáo mồm của Cấu dĩ nhiên là có việc phô tô bức thư bạn đọc, ngoài ra còn một việc khác không kém phần thượng khẩn: Cù Văn Hòn muốn gạt đứa cháu của Lực tên là Dũng xin vào làm việc tại tòa soạn để đưa con mình vào? Thực ra thì đứa con của Hòn sau khi tốt nghiệp đại học đã có việc làm ổn định. Còn cháu Dũng trình độ mới lớp bảy, Hòn bố trí cho việc vào sổ bài lai cảo, và tìm lớp bổ túc ban đêm để cháu đi học thêm… ấy thế mà Cấu bịa chuyện để lừa bịp Lực. Hầu như một ngày không lừa bịp ai được một điều gì thì Cấu cảm thấy ngứa ngáy khó chịu?
Sau một vài lần Lực biết mình bị Cấu lừa và tỏ ý ân hận với người bị Cấu vu khống vì đã quát mắng họ. Nhưng rồi, bản chất đa nghi và hiếu thắng lại sai bảo Lực tiếp nhận những cú lừa bịp khác. Ở trong con người Lực, hầu như sự tỉnh báo ân hận vừa thoáng đến thì liền bị cơn bão đa nghi dập tắt.
Lực ngồi oam người về phía Cấu, tay trái chống lên hông, tay phải giơ cao, thỉnh thoảng mắt lại mở to để biểu lộ sự đồng cảm tuyệt đối với người bạn trung thành tuyệt đối của mình. Mỗi lần cặp mắt Lực mở to thì Cấu càng thêm hưng phấn thao thao bất tuyệt những lời lẽ bịa đặt vô tội vạ Những lời lẽ bịa đặt đó tuôn ra như xăng đổ vào lửa làm cho đám cháy đa nghi trong người Lực càng bùng lên dữ dội. A… thì ra chúng nó… a… thì ra Cù Văn Hòn đang tìm cách lấn quyền thủ trưởng của mình… thì ra tất cả bọn chúng liên kết với nhau âm mưu lật đổ mình… Đột nhiên, Lực đứng thẳng dậy như một trận lốc xoáy, hai bàn tay nắm chặt như hai cục thép, bước đi hai bước rồi bước lại hai bước, răng nghiến kèn kẹt…
- Anh ngồi đây cho em nói đã… anh bình tĩnh đã…
Cấu níu Lực ngồi xuống. Trong tích tắc ấy, Lực ngoan ngoãn làm theo lời chỉ dẫn của Cấu, ngồi, và vòng hai tay lên ngực. Cái vòng tay đó chỉ để.im được một vài phút rồi lại buông ra dần theo những lời "bịa đặt trung thực" của Cấu Và rồi, tiếp ngay sau đó, hai cánh tay khuỳnh ra, hai bàn tay nắm chặt như hai cục thép.
Cấu ra về với gương mặt hăm hở đầy thỏa mãn. Lực đi theo "người bạn trung thành" ra đến cổng. Rồi quay lại.
Ngó vào phòng khách, thấy Cù Văn Hòn và Hoàng Bảo đang ngồi trò chuyện vởi nhau, lòng Lực sôi sùng sục như một lò nung vôi. Bước vào. Cầm chiếc vỏ chai để ở chân tường, Lực chĩa thẳng vào mặt Cù Văn Hòn:
- Cù Văn Hòn! Mày cậy thế mày to con hơn tao mày đánh ngã được tao! Tao không chịu thua mày! Mày cậy thế văn hóa mày cao hơn tao mày đánh ngã được tao? Tao không chịu thua mày! Mày có dám đánh tao thì mày đánh đi! Tao cho mày một cú vỏ chai vào mặt, tao sẵn sàng vào tù. Tao vào tù thì mày yên được à. Tao vào tù mày cũng vào tù! Tao với mày cùng ngồi một xà lim, tao mang theo vỏ chai đập vào mặt mày!
Hoàng Bảo thấy nóng đít, nhôm nhổm định đứng dậy để can ngăn, nhưng thấy Cù Văn Hòn ngồi im như pho tượng, lại thôi. Trong lúc ấy, Cù Văn Hòn chẳng biết cơ thể mình là da thịt hay là gỗ hay là đá hay là thép. Cái con người cầm chai giơ trước mặt mình là Quách Quyền Lực hay không phải là Quách Quyền Lực, là bạn mình hay là một tên vô lại…
Không thấy Cù Văn Hòn mảy may phản ứng, Lực lên gác hai. Chừng dăm phút sau, Lực xồng xộc bước xuống, tay cầm hòn gạch dí vào mặt Hòn:
- Cù Văn Hòn? Mày cậy thế mày to con à. Mày cậy thế văn hóa mày cao hơn tao à. Tao sẽ cho mày biết mày thắng hay tao thắng. Mày dám gạt cháu tao để đưa con mày vào à. Mày dám tập hợp bè cánh để đấu lại tao à…
Khi viên gạch từ tay Lực đã dứ dứ vào trán Hòn thì Hoàng Bảo đứng phắt dậy ôm chặt lấy Lực… Cách đây một tháng, Lực gây gổ với Hoàng Bảo. Hòn ôm Bảo và xô Bảo ra xa, Lực chạy theo đòi đánh Bảo. Hòn lại ôm ghì lấy Bảo và đẩy ra cửa rồi thuê xe ôm đưa Bảo về nhà… Sau sự việc ấy, một vài anh em trong cơ quan nói với Hòn: "Mày ngu! Mày cứ để cho thằng Lực đánh ông Bảo rồi mới ra môn ra khoai!". Nhưng theo bản năng, khi thấy đồng loại nhất là bạn bè đánh nhau thì ai mà chẳng xông vào can thiệp… Rồi lại đến lượt bản năng nhân ái trỗi dậy trong người Hoàng Bảo, Hoàng Bảo ôm chặt Quách Quyền Lực để hòn gạch không đập vào lọa máu trán Cù Văn Hòn.
Khuất bóng Lực, Hoàng Bảo nhổ nước bọt, ném ra ba tiếng: "Đồ du côn!".
Thì ra lòng đa nghi, tham vọng, hiếu thắng rất dễ đẩy đến những cơn điên. Lí trí bị xé vụn trong cơn lốc bản năng gần với loài thú. Quách Quyền Lực ơi, sao có thể đến nông nỗi như thế? Sao có thể đến nông nỗi như thế? Chẳng lẽ tình bạn chúng ta tan vỡ hoàn toàn rồi sao? Tình bạn chúng ta được bén rễ sâu từ thuở ấu thơ nghèo khổ. Còn quan hệ với Cấu chỉ là thứ quan hệ bèo bọt được kết dính bằng đồng tiền, làm sao có thể bền vững được Lực ơi! Đã bao nhiêu lần tôi trò chuyện thân tình với Lực, ngay lúc đó
Lực tỉnh táo nhận ra ai tốt ai xấu, nhận ra đâu là phải đâu là trái. Nhưng chỉ sau cái tích tắc tỉnh táo ấy, Lực liền bị cuốn vào sự mê hoặc bởi những lời xúi giục của kẻ xấu…
Hai bàn chân nặng như chì, Cù Văn Hòn bước chậm trên hè phố. Nghiến răng lại mà chịu đựng mọi bất trắc xảy ra giữa bạn bè. Dẫu có uất đến chảy máu mắt cũng phải nghiến răng mà chịu đựng. Quách Quyền Lực đã điên khùng như vậy, mình lại cũng đối xử bằng thái độ điên khùng, chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu lợi dụng và khoét sâu vào cái hố ngăn cách giữa những người tốt. Đến cái tuổi ngoài năm mươi, chẳng lẽ lại không đủ h trí để nhận thức ra điều đó… Cù Văn Hòn chợt nhớ đến chuyện nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát bị xe máy đâm ngã ở phố Khâm Thiên. Ông đang rảo bước bách bộ sát lề đường, hai thanh niên đèo nhau xe honda phóng vun vút, va vào ông. Ông ngã sấp xuống. Hai gã thanh niên dừng lại. Tưởng là chúng xin lỗi ông. Không ngờ chúng trừng mắt quát: "Cái lão già mù này, đi đứng gì mà ngu thế!". Nghiến răng lại, chịu đựng cơn đau, ông quỳ xuống, chắp hai tay vái lạy: "Lão già này có tội lớn, xin hai thanh niên tha tội cho lão, lão đội ơn hai thanh niên". Đau đớn đến thế là cùng. Người bị xúc phạm phải xin lỗi kẻ xúc phạm!
Cù Văn Hòn trút ra một hơi thở dài. Sau cái hơi thở dài nhẹ nhõm ấy, những ý nghĩ vu vơ lại ập xuống, nặng trĩu như bóng tối keo quánh lại đè nặng hàng tấn. Trong cái khối đen đặc quánh ấy, Hòn cố moi ra, móc ra, lôi ra, bới ra những điểm sáng để tự an ủi mình, để tìm điểm tựa cho mình tin tưởng và tồn tại.
Đầu phố Ngô Quyền, bà cụ thường bán xôi sáng, không còn nữa… Hòn thích ăn xôi với dăm miếng thịt gà luộc chấm muối. Nhiều buổi trưa, Hòn cũng ăn xôi trừ bữa. Bà quen mặt, thường đơm đĩa xôi cho Hòn nặng tay hơn những người khách khác… Bà lão gần chín mươi tuổi bán bún giò ở phố Bùi Thị Xuân mới mất cách đây chừng mười hôm. Lưng bà cong gập xuống giữa hai cái nồi như dáng mẹ mỗi lần xới cơm cho Hòn hồi bé dại… Ông Đậu đánh máy chữ ở bên kia phố vốn là nhà giáo giỏi cả tiếng Anh tiếng Pháp. Mỗi lần Hòn nhờ đánh bản thảo, dù bận mấy ông cũng giữ đúng hẹn. Tiếng máy lách cách đã im bặt hơn tháng nay rồi… Bao nhiêu mảnh đời rời rạc mà Cù Văn Hòn tình cờ gặp gỡ ngắn ngủi, đến lúc vắng họ cũng tạo nên những khoảng trống trong tâm hồn, và chính từ những khoảng trống ấy ngọn lửa tình yêu được nhen nhóm… Vậy thì tại sao? Tại sao? Tại sao? Có mối quan hệ tình cảm được vun bón qua hàng chục năm trời lại có thể tan vỡ như cốc thuỷ tinh rơi trên tảng đá? Phải chăng đấy là tảng đá khô lạnh của cơ chế thị trường, nó tồn tại như vốn dĩ nó phải tồn tại. Cái cốc thuỷ tinh bị tan vỡ không phải là do lỗi của nó, mà do lỗi của con người không biết giữ pìn nó.