Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Vết sẹo và cái đầu hói

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17672 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vết sẹo và cái đầu hói
Võ Văn Trực

Chương XVIII

Theo lời dặn của thủ trưởng Quách Quyền Lực, cứ đúng năm giờ sáng, Đấu lái ô tô đến chờ trước cổng để đưa Lực đi lễ đình lễ chùa. Lực đã tiến hành chiến dịch tranh cử từ mấy tháng trước; còn vài ngày nữa là đại hội thành lập Hội Văn hiến, Lực càng hoạt động ráo riết. Trong chiến dịch đó, có kế hoạch đi cầu xin Thần Phật. Mỗi ngày đến lễ ở một ngôi chùa hoặc một ngôi đền ở nội thành và ngoại thành.
Hôm nào cũng xuất phát từ nhà lúc năm giờ. Nhưng hôm nay, Đấu phải chờ đến gần bảy giờ. Theo thói quen, cái máy điện thoại di động không bao giờ rời khỏi người Lực. Đi họp, đi công tác gần công tác xa, đi tập thể dục, đi đái đi ỉa, Lực đều mang theo. Sớm nay, đang ngồi trên hố xí thì chuông điện thoại reo, Lực cầm nghe và đàm thoại đến hơn một tiếng đồng hồ:
"Tốt! Tốt! Tốt! Tuyệt vời! Tuyệt vời! Bài của anh rất hay. Lý luận sắc bén. Dẫn chứng hùng hồn. Viết về hội nhập văn hóa mà viết đến thế thì không thể ai viết hay hơn… Vâng vâng vâng… Tốt! Tốt! Tốt! Tuyệt vời!… Tôi sẽ cho in ngay số sau, in ở vị trí trang trọng… À! Anh cho tôi tấm ảnh chân dung, hoặc tấm ảnh đang ngồi làm việc bên giá sách. Đừng đưa ảnh đi du lịch. Chúng ta là những nhà văn hóa, tấm ảnh in báo cũng phải thật là văn hóa. Anh bảo thợ ảnh chụp tấm ảnh anh ngồi bên những cuốn sách Pháp sách Anh dày cộp bìa cứng… Tấm ảnh phải tương xứng với nội dung bài… Tôi tin chắc chắn bài của anh sẽ được các nhà văn hóa hoan nghênh… Tốt! Tốt! Tốt! Tuyệt vời! Bài viết đầy tâm huyết xây dựng nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ mở cửa. Bài viết của anh sẽ nâng giá trị của tờ báo. Nếu cần, tôi cho in tăng ti-ra-rờ số báo có in bài anh… Làm quản lý văn hóa mà vớ được một bài như bài của anh, tôi sướng lắm sướng lắm sướng lắm… Tôi không phải chữa một câu nào một chữ nào…".
Bảy giờ. Ô tô mới rời khỏi cổng nhà. Đúng giờ cao điểm. Đường phố chen chúc nhau xe máy, xe đạp, ô tô con, ô tô lớn. Làm cái nghề lái xe, cực thân nhất là phải luồn lách xe trên chặng đường đông nghịt người ngợm và xe cộ. Mà nào có phải một chặng đường, Đấu phải lách qua hết chặng này đến chặng khác qua những phố cổ chật hẹp để đến hiệu phở phố Bát Đàn. Từ mấy năm nay, Lực mê cái hiệu phở này. Cứ tưởng là phở Nam Ngư mới đông khách, hóa ra phở Bát Đàn cũng càng ngày càng đông. Đấu lách xe vào, để thủ trưởng xuống. Phố chật, công an cấm đậu ô tô, Đấu phải lái ô tô ra tận ngã tư cách hiệu phở nửa cây số. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, Đấu lại đưa ô tô trở lại để đón thủ trưởng.
- Hôm nay anh đi chùa nào để em tránh đường đông người?
- Chùa Hà.
- Anh không phải họp gì cả? Hơn tám giờ rồi.
Lực xem đồng hồ, rồi bấm điện thoại di động gọi về cơ quan: "Ai đó?… À, xin chúc mừng… Tốt tốt tốt! Tuyệt vời!…Chúc mừng chúc mừng… Cuộc họp cơ quan sáng nay hoãn đến mười giờ. Tôi bận việc, mười giờ sẽ có mặt ở cơ quan. Thông báo cho anh em chờ đến mười giờ. Đúng mười giờ tôi về mới được họp, không ai được điều khiển thay tôi…".
Đút máy vào túi, một lát sau, Lực lại gọi: "… À… à… Tốt tốt tốt! Tuyệt vời… Thông báo cho anh em cứ làm việc bình thường. Ai đi đâu cứ đi, nhưng đúng mười giờ phải quay về họp. Cuộc họp hôm nay rất hệ trọng, không được một ai vắng mặt…". Dăm ba phút sau, Lực lại bấm máy: "… Tôi đây! Lực đây!… Nhắn với Phạm Lương là chuẩn bị bài vở cho đầy đủ. Họa sĩ chuẩn bị chu đáo ma két, minh họa, ảnh. Đúng hai giờ chiều nay Ban thư ký có mặt đầy đủ để trình bày số tới…". Vài phút sau, Lực lại ghé máy vào miệng: "… A, vẫn là Lực đây. Có việc cần phải nhắn thêm… Nhờ anh Phạm Lương lấy bài ở ông Trần Quyền. Bài đó đã có chữ ký bằng mực đỏ của tôi ở phía trên, lấy về cho họa sĩ minh họa. Tất cả những bài chưa có chữ ký bằng mực đỏ của tôi thì không được dùng, không vội trình bày… Nói với anh Phạm Lương lưu ý là anh Văn Quyền cũng hay ký vào bản thảo bằng mực đỏ. Đừng nhầm chữ ký của tôi với chữ ký anh Văn Quyền…".
Xong bốn cú điện thoại, ô tô đã tới chùa Hà. Không phải ngày rằm ngày mồng một mà chùa cũng đông đúc thế.
Trước đây, người đi lễ chùa, hầu hết là dân buôn. Họ cầu Thần cầu Phật làm ăn trúng quả, phát tài phát lộc. Mua rẻ bán đắt. Vốn một lãi mười lãi trăm lãi nghìn. Buôn hàng lậu trốn thuế không bị công an bắt… Vài ba năm gần đây, do sự điều tiết của cơ chế thị trường, dân phe phẩy làm ăn khó khăn hơn. Thần Phật quở trách những người buôn gian bán lậu, mua của thật bán của giả. Họ ít đi lễ chùa hơn… Nhưng nhiều quan chức nhà nước lại chăm đến chùa, cầu xin Thần Phật cho họ được thăng quan tiến chức…
Chùa Hà đã được sửa sang lại, bãi đỗ xe khá rộng. Toàn xe con đủ các màu sơn đen, xanh, tím than… Ô tô mang biển trắng chen chúe với ô tô mang biển xanh…
Trong khi chờ thủ trưởng vào lễ, lái xe túm tụm kể cho nhau nghe bao nhiêu chuyện bà rằn bà rí. Ông A mỗi tháng đi lễ một lần, mang theo bà kế toán. Ông cứ việc nhởn nhơ. Bà kế toán mua sắm vài ba cỗ đầy làm lễ cúng, mỗi mâm ngót triệu đồng. Có phải tiền đéo gì của ông ta, tiền chùa, tiền cơ quan… Ông B lên tận Chùa Hương đặt bát nhang, rồi năm nào cũng phóng ô tô đến cửa Phật đội bát nhang. Chi phí mỗi chuyến đi, có đệ tử đi theo, chi vài ba triệu đồng là thường… Ông C kín kẽ hơn, không bao giờ cho kế toán đi theo, vào sắm lễ hết vài triệu đồng, lúc trở về bảo kế toán ghi là thủ trưởng tiếp khách… Ông D lần nào đi lễ xa cũng mang theo một cô bồ nhí. Ngày thì cúi đầu lễ Phật, lầm rầm khấn vái. Đêm thì phành phạch với bồ, rú rít như con mèo đực…
Lực bước ra cổng tam quan, người đông quá, vẫn cố chen kỳ được vào nhà đại bái. San sát người như nêm cối xay. Nồng nực. Mùi mồ hôi trộn lẫn với mùi hương khói, mùi hoa hồng hoa la dơn nẫu cánh. Thoang thoảng mùi son phấn, mùi nước hoa vừa xông lên thì đã quện xỉn với hơi người hơi hoa hơi hương tạo thành một thứ không khí đặc sệt ngồn ngột… Tuy chật vật, nhễ nhại mồ hôi, gương mặt của Lực vẫn cố gắng biểu lộ một sự thành kính…
Hậu cung của nhà đại bái đóng kín cửa, không vào được Lực luồn qua cửa nách, ra phía sau, cầm nén hương quỳ lạy qua cửa sổ bên phải rồi cửa sổ bên trái.
Xong đâu đấy, Lực lại luồn cửa nách, xuống nhà đại bái dưới rồi sang nhà Mẫu nhà Tổ. Hàng trăm pho tượng bằng sứ, bằng đất nung, bằng gỗ trầm tư trong khói hương mờ mịt. Những đồng tiền mới 100, 200, 500 dắt đầy thân tượng ở cổ ở tay ở tai ở chân. Không còn chỗ nào trên thân tượng là không có tiền, người ta găm tiền vào chân hương cắm vào bệ vào tường… Đến trước pho tượng nào Lực cũng dừng lại, thắp hương, đặt tiền và khấn lạy "năm nay được thăng quan tiến chức". Thềm nhà đại bái dựng chiếc bàn gỗ bốn tầng, mỗi mặt bàn rộng chừng hai mét vuông. Tầng nào cũng xếp đẩy oản, hoa quả, bia loong, thuốc lá ba số, mì chính… và tiền… Lực đặt trên mỗi tầng một tờ tiền mới 500… Quay lưng rời thềm đại bái, gặp chiếc bể cạn đặt hòn sơn giả với mấy pho tượng nhỏ bằng sứ, Lực cầm tiền dắt vào kẽ đá, rồi chấp tay lạy… Bước tới cổng, Lực chưa ra ngay, mà trèo lên tam quan, cầm nén hương lạy bốn phía. Rồi quỳ xuống, lim dim mắt, giơ hai tay sờ xung quanh ban thờ… Đứng dậy, bước xuống từng bước rất chậm, đến cắm nén hương dưới chân cột đá hoa cương bên trái có khắc dòng chữ: "Di tích văn hóa - lịch sử đã xếp hạng".
Chợt thấy phía bên phải, dưới gốc cây cọ dừa, có một cột bê tông, Lực vòng qua bể cạn bước tới, chăm chú đọc dòng chữ khắc trên tấm đá đen: "Nơi đây ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thành uỷ tổ chức cuộc họp các đội tự vệ, đội trưởng thanh niên tuyên truyền xung phong, bàn về công tác quân sự chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội".
Lực là người duy nhất thắp hương và vái lạy trước tấm biển đá hoa cương này. Dưới chân cột bê tông cũng chỉ có ba nén hương do Lực cắm. Đọc đi đọc lại dòng chữ, rồi đứng trang nghiêm trước tấm biển cho đến lúc ba nén hương cháy quá nửa Lực mới yên tâm là mình đã hoàn tất việc lễ lạt Vái lạy xong đâu đó, không còn sót một chỗ nào, Lực mới đi đến ba hòm công đức và chiếc bàn có đặt sổ ghi tiền công đức. Lực nghiêm chỉnh bỏ tiền vào ba hòm - đó là ba món tiền không công khai; rồi nghiêm chỉnh đặt tiền lên bàn và ghi sổ - đó là món tiền công khai. Món tiền nào cũng đậm. Trên trần thế, Lực đã thành công với phương thức "phóng tiền tài thu nhân tâm", thi nơi cõi Phật chắc hẳn cũng sẽ thành công với phương thức "phóng tiền tài thu Phật tâm".
Sau gần hai tiếng đồng hồ, tuy chen chúc vã mồ hôi, nhưng Lực cảm thấy người khỏe hẳn lên. Chân bước nhẹ như không hề vướng chút bụi trần… Dọc lối đi ngoài cổng tam quan, người ăn xin la liệt kẻ nằm, kẻ ngồi, kẻ bế con, kẻ mù lòa… Họ giơ những cánh tay gầy guộc, run rẩy như những cành cây trụi lá cuối đông cầu xin một giọt nắng… Lực đã chuẩn bị sẵn xếp tiền gồm giấy bạc 100, 200, bỏ vào tay những kẻ ăn xin, không sót một ai.
Kẻ nào may mắn hơn thì được tờ 200. Kẻ nào may mắn ít thì được tờ 100…
***
Đi cổ động tranh cử ở miền Trung ba ngày, trở về cơ quan, mặt Lực cứ hằm hằm. Ai hỏi chào cũng không đáp lại. Sợ quá Sợ nhất là mấy cô mấy cháu ở phòng Hành chính. Có cháu bướng bỉnh, một lần hỏi, không được thủ trưởng đáp lại, dứt khoát lần sau không chào nữa. Lực càng tức. Chúng nó tẩy chay mình à? Chúng nó dám tẩy chay mình à? Chúng nó láo! Lực gọi Cấu vào phòng riêng:
"Này? Mày phụ trách phòng Hành chính mà dám để quân hỗn láo với thủ trưởng thế à! Chúng nó gặp tao, chúng nó không chào. Mày giáo dục cho quân mày thế à?". Ngay chiều hôm đó, Cấu triệu tập họp toàn thể phòng Hành chính, chỉ để dặn một câu: "Từ nay gặp thủ trưởng ở đâu, bất kỳ ở phòng làm việc, ở hành lang, ở ngoài đường, ở ngoài cổng, đều phải chào. Ai không chào thủ trưởng, tôi sẽ có biện pháp…".
Chanh xởi lởi xách phích nước lên phòng Lực:
- Gớm!… Thủ trưởng làm gì mà đe nạt bọn em ghê thế? Bọn em hết lòng vì thủ trưởng. Về nhà thì được chị nâng khăn sửa túi, đến cơ quan thì được bọn em út này nâng phích nước lau cái chén, thủ trưởng giận bọn em làm gì cho tủi bọn em…
Câu nói vừa chớt nhả vừa ngọt ngào của Chanh, Lực dịu lòng:
- Tôi hỏi cô một câu.
- Em xin nghe thủ trưởng mười câu chứ không chỉ một câu.
- Ai mang cái ghế của tôi ra phòng ngoài? Cô tự ý mang hay ai xui cô mang? Có phải Cù Văn Hòn xui cô không?
- Thưa thủ trưởng là nhân dịp thủ trưởng đi công tác vắng, em quét dọn phòng thủ trưởng sạch như lau như li, không còn chút bụi. Em mang ghế của thủ trưởng ra phòng ngoài, quên mang vào. Như thế là em có tội với thủ trưởng, nhưng tội nhỏ. Công của em đối với thủ trưởng to hơn tội. Đáng lẽ thủ trưởng phải khen bọn em, động viên bọn em để bọn em phục vụ thủ trưởng chu đáo hơn nữa. Đàng này thủ trưởng lại đe nẹt bọn em thì bọn em xỉu mất… Bọn em xỉu thì lấy ai mà nâng khăn sửa túi cho thủ trưởng ở cơ quan?
Nghe giọng nói của Chanh có vẻ vui vui, nhưng lại pha chút sàm sỡ, Lực cảnh giác, đạp chân xuống nền nhà để cái ghế lùi xa Chanh năm mét.
- Gớm?… Thủ trưởng làm như sợ em vồ mất thủ trưởng.
- Không đùa nữa. Tôi dặn cô.
- Vâng, em nghiêm chỉnh nghe thủ trưởng dặn.
- Từ nay cô không được xê xích cái ghế của tôi. Khi quét dọn, cô luồn chổi dưới ghế mà quét, không được xê xích cái ghế một li một tí.
- Tại sao? Thủ trưởng có nói riêng cho em biết được không?
- Cô không nên hỏi.
- Xin phép thủ trưởng, em rút lui ạ…
Bí mật về việc "không được xê xích cái ghế" cuối cùng cũng lộ ra. Tháng trước, Lực đi bói xem trong Đại hội tới mình có trúng vào Ban chấp hành không, cái ghế mình ngồi có vững không? Thầy bói bảo: cái ghế của anh vẫn vững, chỉ cần xê xích một tí thôi. Lực hỏi lại rất kỹ: Xe xích cái ghế ngồi ở cơ quan hay xê xích cái ghế ngồi ở nhà? Xê xích về hướng nào? Xê xích mấy phân? Xê xích ghế thì bàn có phải xê xích không? Đồ đạc trong phòng có phải xê xích không?…
Thầy bói trả lời: Chỉ cần xê xích cái ghế ngồi ở cơ quan, xê xích vài ba phân theo hướng nào cũng được nhưng phải để cố định, còn các thứ khác trong phòng không cần xê xích.
Lực mời thầy cúng vào tận phòng làm việc ở cơ quan làm lễ xê xích ghế. Rồi Lực lấy bút dạ đánh dấu vị trí bốn chân ghế trên nền gạch. Mỗi lần vào phòng, việc đầu tiên là Lực xem cái ghế có đặt đúng chỗ không, rồi mới yên tâm ngồi lên ghế.
Việc hệ trọng như thế mà cô Chanh lại đuểnh đoảng đến mức không chỉ để lệch cái ghế sang vị trí khác mà còn xách cái ghế sang phòng khác? Quả thật đáng giận? May mà cô Chanh là con người vô tâm vô tính, chứ nếu người khác thì Lực sẽ dúi sâu vào những trận đa nghi đến nhảo tâm trí: thằng nào xui cô? thằng nào ác ý xúi quẩy? thằng nào mượn tay cô để hạ cái ghế của mình? Đích thị là Cù Văn Hòn xui cô?…
Lực lại mời thầy cúng vào làm lễ đặt lại ghế.
Cũng chỉ một thầy cúng ấy thôi. Lực rất tín nhiệm thầy cúng này từ khi thầy nói một cách rất cụ thể: "Kỳ đại hội thành lập Hội Văn hiến năm nay, anh sẽ trúng vào Ban chấp hành".
Nghe lời thầy cúng, Lực hăm hở đi từ niềm tin này đến niềm tin khác như người leo dốc đến bã sức đứt hơi vẫn tin rằng mình sẽ đạt được mục đích tối thượng. Lực tuân thủ lời dặn của thầy cúng hơn là tuân thủ quy trình làm báo. Lực trung thực trong lễ nghi hơn là trung thực trong học thuật.
Hồi đầu năm, thầy cúng bảo mua hai con cá chép mỗi con nặng chín lạng đem thả ở sông Đuống lúc nửa đêm. Tự tay Lực ra chợ ngoại thành mua, chọn con còn tươi vừa bắt dưới đầm lên, cân đo chính xác trăm phần trăm. Nửa đêm, Đấu lái xe đưa Lực ra đến cầu Chương Dương rồi dừng lại: "Thả cá ở đây cũng được anh ạ". Lực không trả lời, giận sôi tiết. Biết ý thủ trưởng, Đấu lại lặng lẽ cho ô tô chạy tiếp tới cầu Đuống.
Hồi giữa năm, thầy cúng bảo Lực mua hai con chó đá mỗi con nặng hai mươi ba cân đem về đặt hai bên cổng nhà mình trước lúc trời sáng. Lực lên tận Đồng Mỏ dặn dò kỹ lưỡng mấy ông thợ đá. Đến ngày hẹn, Lực lên lấy, mang theo chiếc cân từ ở nhà, cân đi cân lại, một con vừa đúng sít hai mươi ba cân, con kia nặng gần hai mươi ba cân rưỡi. Lực ngồi trông, bắt thợ khẽ từng tí đá để con chó trụt trọng lượng xuống đúng như lời thầy dặn.
***
Để hoàn chỉnh thủ tục lễ nghi, còn phải đi xin sớ. Năm nào Lực cũng đi xin sớ. Xin sớ xong, Lực huy động tất cả cơ bắp, trí tuệ, tâm hồn, kể cả mọi thủ đoạn để đạt được điều mong muốn. Tính mục đích vô cùng mạnh mẽ đã cuốn tất cả mọi ý nghĩ mọi hành động từ lớn đến nhỏ như cơn gió xoáy cuốn tất cả rác rưởi, bụi bặm. Lực đã đạt được mục đích trong lần xin sớ thứ nhất, thì phải đạt kỳ được trong lần thứ hai thứ ba. Nếu để một lần trục trặc thì sẽ mất thiêng…
Hôm nay Lực đến đền Sài từ tinh mơ. La liệt người viết sớ thuê ngồi dọc hai bên đường vào cổng tam quan. Có người già bảy mươi, tám mươi tuổi. Có người trẻ bốn mươi.
Thậm chí có người chỉ mới trạc ba mươi. Lực chọn thuê một cụ già nhất, râu dài tới rốn:
- Ông cầu gì? Cầu yên, cầu tài lộc hay cầu đường nhân duyên?
Lực nói thầm thì. Cụ già không nghe rõ, ghé tai gần Lực. Lực cao giọng hơn một tí, nhưng vẫn là thầm thì. Cụ già díu lông mày, ghé sát hơn. Lực cao giọng hơn một tí nữa: "Thầy xin thần linh cho con năm nay được thăng quan tiến chức".
- Thế thì dễ thôi. Thần sẽ phù hộ cho ông.
Mặt Lực sáng hẳn lên.
Cụ già trải tờ giấy màu hồng nhạt có in sẵn những chữ Hán mờ mờ. Thấy ông khách đạo mạo hơn những người khách khác, cụ cũng xốc lại tư thế nghiêm chỉnh, ngồi xếp bằng, e hèm một tiếng, rồi cầm bút viết. Hạ bút xuống, cụ hỏi:
- Ông có đọc được chữ Hán không?
- Con không đọc được.
- Thế thì tôi phải vào đền khấn hộ cho ông.
Lực giơ nhẹ bàn tay:
- Không!
- Thế ông khấn nôm.
- Không?
Rút kinh nghiệm lần đầu đi xin sớ, Lực nhờ người viết sớ vào khấn. Đứng sát bên cạnh mà không nghe rõ lời khấn của ông ta. Vốn là kẻ đa nghi, Lực sợ ông ta không khấn đúng như ý mình.
Lực cũng xốc lại tư thế ngồi thật nghiêm chỉnh:
- Cụ dạy cho con học thuộc những lời cụ viết. Rồi cụ lại dịch nôm cho con học thuộc.
Cụ già đọc trước dăm bảy lần. Lực lẩm nhẩm đọc theo.
Như thế là chắc ăn trăm phần trăm. Khấn cả Hán cả Nôm, Thần linh thấu hiểu tấm lòng thành của Lực. Lại kèm theo một mâm lễ vật trị giá chừng năm trăm ngàn đồng, có người đội đi theo Lực vào tận hậu cung…
Sau mấy ngày xin sớ tại đền Sài, Lực lại sắm lễ vật mời thầy vào xin sớ ngay tại nhà mình.
Thầy hỏi:
- Bác cầu xin thần linh điều gì?
- Thầy xin thần linh cho tôi năm nay được thăng quan tiến chức.
Thầy viết xong, hạ bút xuống, ngẩng đầu lên:
- Bác còn cầu xin cho gia đình bố mẹ vợ con nữa không?
Lực giơ tay nói với giọng dứt khoát:
- Thôi thôi, một việc thôi.
Nét mặt thầy thoáng vẻ ngạc nhiên: xưa nay thiên hạ thường cầu xin cho bản thân mình và cho cả gia đình, sao ông này lại chỉ rằn rặt cầu xin cho riêng mình… Nhưng rồi thầy lại bình tâm. Lực chỉ cầu xin một việc để "tập trung phiếu"… Dẫu sao, đến lúc ra về, thầy cúng vẫn không hết băn khoăn: ông ta không cầu xin gì cho gia đình?… Ít ra cũng phải thừa nhận Lực rất thành thật với Thần linh.
Giữa chuỗi năm tháng sống giả dối, cũng có một vài giây phút thành thật - thành thật với Thần linh, thành thật tuyệt đối thành thật triệt để: nghĩ sao nói vậy? ước sao cầu vậy? Không quanh co dấu diếm… Khi người ta chỉ tâm niệm cho cái quyền lợi ích kỷ thì tức là lương tâm đã bắt đầu rách nát.
Mọi thủ tục của lễ xin sớ đã xong hoàn toàn, "thầy cúng" và "bác Lực" trở về đời sống phàm tục, họ xưng hô với nhau bằng "ông" "tôi". Thầy cúng tên là Trường Thành, vốn là đạo diễn kịch nói, gần mười năm nay cái nghề này bị rẻ rúng, nhà hát vắng khán giả, các đoàn không mời đạo diễn dựng vở nữa. Trường Thành xoay ra học dăm ba chữ nho và thuật cúng bái để tăng thêm thu nhập. Trong các nghề thuộc về cúng bái, Trường Thành chọn chuyên ngành công việc viết thuê sớ. Chẳng hiểu tục xin sớ có từ bao giờ. Các nhà khoa học nghiên cứu về tâm linh thường chỉ chuyên tâm tìm hiểu các hiện tượng ngoại cảm, thần giao cách cảm, gọi hồn… Nhưng trong dân gian, khá phổ biến tục xin sớ. Rồi từ dân gian, lan truyền ra khắp nơi, lớp người dấn thân cuồng nhiệt nhất là thương nhân và những kẻ hám quyền chức… Chỉ mới hành nghề thầy cúng mấy năm mà tiếng tăm Trường Thành đã lừng lẫy trong giới trí thức và văn nghệ sĩ - lừng lẫy hơn nghề đạo diễn. Lực mời Trường Thành làm lễ xin sớ mấy lần và trở nên thân thiết quấn quýt nhau. Hễ có lễ cúng gì không muốn để lộ cho người ngoài biết, Lực đều nhờ Trường Thành, như lễ đặt chó đá, lễ thả cá xuống sông, lễ xê xích ghế ngồi. Dẫu là nửa đêm, Lực cần, gọi điện thoại là Trường Thành đến ngay. Tết năm trước, Lực cần tổ chức một lễ cẩn trọng sau giờ giao thừa, Trường Thành phóng xe máy đến chờ trước cổng, đúng mười hai giờ ba mươi phút mới bước vào…
Trong lễ cúng đầu tiên, Trường Thành vẫn thân mật xưng hô "Ông ông tôi tôi" với Lực. Ngay sau đó, Lực điều chỉnh lại: để tỏ lòng tôn kính thần thánh, trong khi lễ, Lực phải gọi Trường Thành bằng "thầy" và Trường Thành phải gọi Lực bằng "bác". Trường Thành nhớ răm rắp lời dặn của Lực.
Hai người thoải mái uống bia với nem chua. Đang uống dở chừng, bàn tay cầm cốc bia của Trường Thành bỗng cứng lại, cốc bia đứng im không hề một gợn sóng sánh. Mắt Trường Thành mở to nhìn thẳng vào mặt Lực.
Như cũng bị thôi miên, Lực đặt cốc bia xuống, ngồi đừ như phổng.
- Tôi xem tướng mạo của ông, tài lộc phát ra rất rõ. Long nhãn có hào quang. Một sợi lông mày bên phải dựng lên là báo hiệu điều tốt đẹp. Chắc chắn năm nay ông trúng vào Ban chấp hành Hội Văn hiến, cái ghế ngồi của ông vững lắm.
Lực gật gật đầu:
- Càng thành tâm với thần thánh, thần thánh càng ban phúc…
***
Linh Vũ đang mặc quần đùi, đánh trần, viết kịch bản cho cuốn phim về nhà văn hóa lão thành Bùi Trung Thực.
Mồ hôi nhể nhải. Bỗng có tiếng ô tô dừng trước cửa, Linh Vũ vội đứng dậy định mặc quần áo thì Lực đã xồng xộc bước vào…
- Chào ông bạn! Xin lỗi…
Lực khuơ tay:
- Thôi thôi thôi… Không phải mặc quần áo. Bạn bè pháo binh với nhau cả, nghỉ khỏe cái thói lịch sự quan chức. Chúng ta đều là những nhà văn hóa.
Linh Vũ từ từ ngồi xuống theo bàn tay của Lực ấn trên vai.
- Nhớ quá! Nhớ quá! Nhớ quá! May mắn hai thằng ta không vùi xương ngoài chiến trường. Được về với nhau, thỉnh thoảng gặp nhau là hạnh phúc tuyệt vời, Linh Vũ ơi!
Đã quen thuộc với mọi động tác và tính cách của Lực, Linh Vũ vẫn bị chinh phục bởi sự nồng nhiệt quá đáng của Lực. Không chen vào được một lời nào, Linh Vũ ngồi thừ người.
- Nhục lắm Linh Vũ ơi! Đường quan chức nhục lắm, nhục lắm, nhục lắm. Hai thằng ta về thôi, cùng sống với nhau, cùng sáng tác, cùng đàm đạo văn chương. Trời đất sinh ra ta là để làm văn chương chứ không phải để làm quan chức. Tạo hoá đã phân công rồi. Thần phật đã phân công rồi. Ta là những thằng dễ xúc động, dễ nổi giận trước mọi bất công của xã hội, cho nên ta không làm quan chức được. Người bị oan ức, người khác ngồi trơ mắt ếch nhìn, còn ta thì đầy lòng thương xót. Người dân bị đói khổ, kẻ khác trơ mắt ếch nhìn, còn ta thì đau đớn. Những thằng như ta không làm quan chức được đâu Linh Vũ ơi!…
Linh Vũ thật thà nghĩ rằng Lực vừa bị một cú xốc gì nên mới chán nản trên con đường tiến thân bằng chức vụ.
Mười lăm năm lăn lộn chính trường, trình độ thủ đoạn của Lực đã vượt xa tới những năm đầu của thế kỷ hai mươi mất; trong khi đó trình độ nhận thức về con người Lực của Linh Vũ vẫn dừng lại ở những năm bảy mươi - tám mươi.
Lực biết biểu diễn những động tác, biết phun ra những lời lẽ phù hợp với từng đối tượng để tranh thủ cảm tình, mua thêm phiếu trong kỳ đại hội tới. Công phu lắm. Có khi chỉ cần thêm một lá phiếu là trúng cử, ngược lại chỉ cần bớt một lá phiếu là trượt vỏ chuối…
Lực và Linh Vũ là hai người bạn chí cốt từ ngày ở chiến trường. Về Hà Nội, mới bộc lộ tính cách vênh nhau giữa hai người. Lực càng ngày càng lắm thủ đoạn để leo thang chức vụ Còn Linh Vũ vẫn cần cù làm việc và sáng tác. Mấy năm nay Linh Vũ tạm lơi công việc sáng tác để làm một việc khẩn cấp hơn, có ích hơn: viết kịch bản phim chân dung các nhà văn hóa cao tuổi. Nhiều bậc đại danh nước ta như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Xuân Diệu… sau khi nằm xuống không để lại thước phim nào cho con cháu chiêm ngưỡng. Trong khi đó, người ta chiếu lên màn hình ti vi những cuốn phim dài ba mươi phút về anh chàng nào đó, cô nàng nào đó, mới sáng tác được dăm bảy bản nhạc, vài ba truyện ngắn, mươi lăm bài thơ, viết được vài ba bài tiểu luận hoặc dăm ba bài phê bình… Cơ chế thị trường chi phối nghiệt ngã khắp mọi lĩnh vực. Nghĩ thế, Linh Vũ hối hả làm phim các bậc cao niên đã có những thành tựu đáng kể cho nền văn hóa nước nhà…
Và như vậy, Linh Vũ được sự yêu mến của khá đông bạn bè. Lực cho rằng rất đắc sách khi đi nước cờ này: chinh phục lại tình cảm của Linh Vũ, lấy Linh Vũ làm điểm đột phá để chinh phục tình cảm hàng chục người khác.
Công lênh chẳng quản bao lâu - Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng… Câu ca dao thuộc từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Lực cố đem vận dụng vào "sự nghiệp" của mình hôm nay. Quản gì nắng mưa, quản gì mệt nhọc, đến tranh thủ phiếu từng người, rồi mình sẽ có một chỗ ngồi cao sang. Đi đâu cũng có ô tô. Đến đâu cũng được giới thiệu long trọng. Dự cuộc họp nào cũng được ngồi hàng ghế đầu. Rồi lu bù ti vi, báo chí, phỏng vấn phỏng veo…
Biết tính cách của Linh Vũ cần cù, thật thà, không hám chức, Lực bộc lộ như thế là rất đối lưu tình cảm. Nhưng gặp người khác, Lực lại bộc lộ một cách khác, phân thân ra trăm hình nghìn vẻ, đa dạng đến tột cùng đa dạng.
Gặp Đức Huỳnh, Lực nói: "Lần này ông phải vào Ban chấp hành. Ông là nhà văn hóa tiêu biểu của thế hệ chống Mỹ. Tôi đề cử ông, ông không được rút. Ông rút là tôi giận".
Gặp Nguyên Khang, Lực nói: "Thế hệ chống Pháp các anh còn phải gánh vác vài nhiệm kỳ nữa để thế hệ đàn em tập dượt. Uy tín tác phẩm anh lớn lắm, chưa ai thay thế được!".
Gặp Phương Văn, Lực nói: "Tôi chưa đọc một cuốn sách nào bình thơ hay như cuốn của ông vừa ra. Báo Văn hiến nghìn năm sẽ tổ chức hội thảo. Để châm mồi cho cuộc hội thảo này, phải in trước một bài ca ngợi… Hay là ông viết cho tôi một bài ca ngợi, rồi ký bút danh khác…"
Gặp Trần Linh, Mạnh Hồng, Phan Chinh, Hải Thịnh… Lực bốc lên tận trời xanh: "Ông viết lên tay quá. Cấu tứ như thế là rất độc đáo. Lời rất đẹp. Đọc xong, tâm hồn tôi chan chứa nhân ái…".
Có một vài lần Lực bị hố.
- Ông Nguyễn Chiến Thắng ơi, lâu nay không gặp ông, nhưng vẫn thường xuyên gặp ông trên báo. Truyện ngắn viết đến thế là tuyệt đỉnh. Khí sắc truyện ngắn Việt Nam lại phục hồi lại khởi sắc…
Nguyễn Chiến Thắng sững sờ: ba năm nay mình có in gì đâu! Hay là cậu ta nhầm mình sang người khác?
- Ông bảo truyện ngắn nào?
Truyện ngắn ông in trên tờ báo gì… Đọc nhiều báo quá không nhớ được.
- Có phải truyện "Vật lộn bên sông?"
- A… đúng đúng đúng… Tốt quá! Tác phẩm tốt quá!
- Truyện đó in cách đây hơn ba năm rồi.
Vụng đẽo khéo chữa, Lực nhanh trí:
- Cách đây hơn ba năm thì vẫn nằm trong dòng chảy của văn học đổi mới. Đời một người cầm bút, cứ bốn, năm năm viết được một truyện như thế là tuyệt rồi. Làm gì có dồi dào sức lực để năm nào cũng viết được truyện hay.
Song song với hàng chục hàng trăm cuộc gặp lẻ, Lực tổ chức những cuộc hội hè linh đình như họp cộng tác viên, hội thảo vấn đề này vấn đề nọ, hội thảo cuốn sách này cuốn sách nọ, kỷ niệm ngày sinh của ông này ngày mất của ông nọ. Mỗi cuộc phải phát ra ít nhất năm chục chiếc phong bì, trong ruột phong bì mèng ra cũng là trăm nghìn đồng, rồi bia bọt om sòm… Chưa hết, còn tiệc tùng chiêu đãi đoàn này đoàn kia… Chưa hết, còn những ông láu cá vâo gặp Lực nói là "tôi đi tàu bị kẻ cắp lấy sạch tiền và quần áo", thế là Lực ký ngay cho một cái phiếu chi năm trăm nghìn đồng, một triệu đồng… Thiên hạ cứ nhầm tưởng rằng báo "Văn hiến nghìn năm" làm ăn khấm khá. Họ có biết đâu, tờ báo này như một con cò gầy giơ xương dang cánh bay đường bệ trên bầu trời, còn những tờ báo khác thủ trưởng biết lo cho nhân viên thì như con chim cút béo tròn nấp trong vũng chân trâu… Chả thế mà cô Chanh cứ lanh chanh hát Ô hô ông Lực thương người - Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng…
Một biện pháp tranh cử khác rất có hiệu quả là Lực trực tiếp gặp cộng tác viên lấy bài rồi cho in bừa lên báo, bất kể chất lượng nghệ thuật như thế nào, miễn là không bị "để ý" về chính trị. Người viết cứ đưa bài thẳng cho Lực, chẳng mất gì, mà lại được: được in nhanh. Cho nên dạo này nhu cầu tiếp khách của Lực rất cao, mỗi ngày ít ra cũng mười người. Kẻ ra người vào, tấp nập, vui thiệt là vui. Hầu hết bài của các ban nộp lên là cứ phải gác lại.
Những bài Cù Văn Hòn nộp, Lực dứt khoát không in. Hòn đành nghĩ mẹo: đọc thấy bài nào tốt, cậu ta bỏ phong bì, vờ thay nét chữ, ghi ngoài phong bì tên người gửi và tên người nhận "Kính gửi nhà văn hóa Quách Quyền Lực - Viện trưởng Viện Văn hiến kiêm tổng biên tập báo Văn hiến nghìn năm…", đem ra bưu điện dán con tem bốn trăm đồng. Bài được đăng ngay.
Lực gồng sức lên, căng cơ bắp, căng trí não, căng thời gian, giành tuyệt đối cho mình sự ban ơn đối với mọi người.
Suốt ngày Lực như ông tướng điều trơ mặt thớt trên sân khấu hát bội, xung quanh người dắt đầy cờ quạt gươm dáo, áo quần ìấp lánh những giải tua rua kim tuyến và chuỗi hạt cườm, nhảy múa giữa inh ỏi xập xình chiêng trống.
Có tật giật mình, hễ thấy vài ba người trong cơ quan chụm đầu trò chuyện là Lực nghi "chúng nó nói xấu mình". Triệt để sử dụng quyền thủ trưởng, Lực đe nẹt trong các cuộc họp: "Tôi hết lòng lo lắng công việc cho cơ quan, cho Đảng, cho nhân dân, cho nền văn hiến nước nhà. Thế mà các anh các chị lại bảo tôi là dùng thủ đoạn để mua phiếu. Tầm thường quá, tầm thường quá, tầm thường quá, tầm thường quá…!". Lực day đi day lại ba tiếng "tầm thường quá" cho đến lúc khàn giọng mới thôi.
Nhưng chính vì thế, chính vì sự đe nẹt đó, càng châm mồi cho nhiều cuộc đàm tiếu:
- Không thể có một người thứ hai như Quách Quyền Lực.
- Đúng! Trong thiên hạ, cũng có nhiều kẻ hám quyền hám tiền hám chức, nhưng không ai quyết liệt như Quách Quyền Lực.
- Tôi vô cùng bái phục lão ta về sự giẻo dai, sao lão ta không mệt nhỉ?
Hoàng Bảo, một nhà nghiên cứu văn hóa phương Tây lão luyện:
- Ơ các ông không nhớ câu của La Rochefoucauld à? "Đam mê mãnh liệt cũng có lúc phải nghỉ ngơi, nhưng hiếu thắng thì không bao giờ".
Phan Chấn:
- Đối với lão này, nói chức vụ là mục đích sống chưa đủ, mà phải nói chức vụ là lý tưởng sống.
Cấu:
- Ông Lực nói với tôi, nếu lần này không trúng chấp hành thì ông ta tự tử…
Văn Quyền:
Triết lý về tình thương của ông ta là tuyệt đối tự thương mình, ngoài ra không thương ai cả. Cho nên ông ta phải tìm mọi thủ đoạn để tự thương mình.
Việt Sồ:
- Trên có trời dưới có đất, tao nói không sai. Mấy thế kỷ mới có một Trần Hưng Đạo, một Nguyễn Trãi. Nhưng phải mấy thiên niên kỷ mới có một Quách Quyền Lực.
Thùy, Dung, Chanh mỗi cô khệ nệ ôm một bịch phong bì từ hành lang ra cổng. Chanh chõ mồm vào đám người đang rôm rả trò chuyện:
- Các bác ơi, các bác lo chuyện cao siêu ở đâu, chứ chúng em ấy à, chúng em phải lo cơm áo hàng ngày… Kình nghê vui thú kình nghê - Tép tôm thì lại vui nghề tép tôm…
Việt Sồ lắc cái đầu xù chỉ tay vào Chanh:
- Triết lý con bé này rất hay. Mỗi thằng có một thú vui. Ta có thú vui của ta. Thằng Lực có thú vui của thằng Lực. Phải tôn trọng nó. Không tôn trọng thì nó diệt. Đơn giản thế thôi!

<< Chương XVII | Chương XIX >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 383

Return to top