Đến cổng nhà Quách Quyền Lực, Cấu đứng im, nhìn rất kĩ vào gian phòng của Lực. Lần nào cũng vậy, trước khi vào với Lực, Cấu cảnh giác xem có ai ngồi trong đó không. Nếu có người thì Cấu tạm lui ra, đợi cho người đó đi rồi mới vào… Trong phòng sáng ánh điện, Lực ngồi nói chuyện với một người khách rất lâu. Cấu luồn tay vào phía trong, mở chốt cổng, rồi bước rất khẽ, ghé mắt nhìn qua khe cửa. A, cô Đào. Cô ta đến làm gì vào lúc này? Lực và Đào ngồi hai bên bàn, đối diện với nhau. Trên bàn đặt một tập ảnh và hai cái băng ghi hình.
Chiều nay, anh em trong cơ quan đi vắng, chỉ một mình Đào làm việc. Thợ ảnh hiệu Văn Lang đem vào tập ảnh chụp trong dịp cơ quan tổ chức lễ ra mắt thủ trưởng mới và đi nghỉ mát ở Hạ Long. Rồi sau đó, Đài Truyền hình lại gọi điện mời lãnh đạo Viện Văn hiến sang duyệt băng ghi hình quay buổi lễ ra mắt của thủ trưởng. Đào từ chối, lấy cớ mình không phải là lãnh đạo. Nhưng Đài Truyền hình đã xếp thời gian rất khít, Đào đành phải sang xem, xem xong Đào nói: "Tôi xem cho biết thế thôi, phảl đợi thủ trưởng duyệt rồi mới phát".
Đào kể lại việc đó. Lực giơ cánh tay: "Rất tuyệt vời! Em Đào rất tuyệt vời! Cả cơ quan ai cũng biết lo như em, biết quan tâm đến công việc chung như em thì Viện Văn hiến này chẳng mấy chốc mà trở thành một Viện siêu học thuật".
Cấu lắng nghe, nhôn nhốt cả người. Cái đ. gì mà lão Lực lại khen cô Đào đến thế.
Đào vừa ra khỏi cổng thì Cấu xộc ngay vào. Lực ôm chầm lấy Cấu: "Thằng bạn chí cốt của tôi? Thằng em chí cốt của tôi? Mày đến rất đúng lúc. Niềm vui của tao được nhân đôi. Mày xem đây, chiều nay cả cơ quan đi vắng, cô Đào đã làm được cái việc này, đem về hai băng video với tập ảnh". Cấu lắp băng, cho máy chạy. Rồi sau đó, trải tất cả mấy chục tấm ảnh lên bàn để xem. Thỉnh thoảng Lực lại giơ tay cao quá đầu:
- Rất tuyệt vời! Rất tuyệt vời! Chưa bao giờ Viện Văn hiến tổ chức được những cuộc linh đình đồ sộ như thế này. Chưa bao giờ Viện Văn hiến lại có được cuốn băng long trọng như thế này. Rất tuyệt vời! Rất tuyệt vời!
Cấu sần mặt, hỏi với giọng nghiêm túc:
- Anh không nhận ra cái gì à?
- Cái gì?
- Chúng nó xỏ anh mà anh thì thật thà quá.
- Xỏ cái gì? Xỏ cái gì?
- Anh xem đây, ông anh thật thà của tôi ơi - Cấu giơ lên từng tấm ảnh - 193 ảnh thì có 38 cái chụp phía sau đầu anh để lộ trắng hếu cái đầu hói phía sau của anh. Chúng nó xỏ cái đầu hói cửa ông Quách Quyền Lực mà hàng ngày chúng nó vẫn ngồi bàn tán với nhau.
Lực nóng rực hai thái dương, nét mặt sa sầm. Cấu im lặng, phút im lặng rất nghệ thuật để cái đòn đa nghi thấm sâu vào gan tuỷ của Lực… Hói từ trán lên hoặc từ đỉnh sọ xuống là chuyện bình thường. Đàng này mình lại hói phía sau, hói từ ót lên, làm cái đề tài cho chúng nó bình luận. Quái ác! Có lần Lực đi xem tướng, hỏi thầy tướng rất tỉ mỉ. - Hói từ gáy lên là cái nghĩa lí làm sao. - Là nghĩa lí quái tướng - Quái tướng là cái nghĩa lí làm sao? - Người quái tướng thì dám cả gan làm những việc mà không mấy ai dám làm. - Những việc không mấy ai dám làm là việc xấu hay việc tốt, việc lành hay việc dữ? - Gặp việc xấu thì cực xấu gặp việc tốt thì cực tốt, gặp việc lành thì cực lành gặp việc dữ thì cực dữ, tùy theo từng lúc…
Lực đang chìm đắm vào những ý nghĩ lan man thì Cấu giơ từng tấm ảnh lên trước mặt Lực và nói như quát lác:
- Đ. mẹ chúng nó… Đây, trắng hếu sau gáy… Đây, trắng hếu sau gáy… Đây, trắng hếu sau gáy… Không chủ tâm thì làm gì chụp được những tấm ảnh như thế này.
Thằng thợ ảnh nào mà lại vô tình chụp được những tấm ảnh rõ mồn một cái vạt hói phía sau… Đ. mẹ chúng nó chơi đểu! Chắc chắn là có sự chỉ đạo của Cù Văn Hòn. Ai đi mời thợ ảnh? Ai đi mời truyền hình?
Lực giật nảy người, miệng lẩm bẩm: "Đúng rồi! Đúng rồi…".
- Chúng nó ăn phần trăm cả đấy ông anh ạ. Gần hai trăm cái ảnh, sáu mươi phút phim là bao nhiêu tiền? Chúng nó vừa được ăn phần trăm vừa chơi đểu ông anh quá thật thà của tôi… Ông anh thử nhớ lại xem, ai đi mời thợ ảnh, ai đi mời truyền hình?
Lực lại giật nảy người, miệng lẩm bẩm: "Đúng rồi! Đúng rồi!…".
Trong lúc bọn chụp ảnh với quay phim làm việc thì em thấy thỉnh thoảng Cù Văn Hòn lại thầm thì vào tai cô Đào, cô Đào thì xắng xở đưa hết cốc bia này đến cốc bia khác mời họ uống.
Hai thái dương Lực nóng bừng: đúng rồi! đúng rồi!…
***
Hàng ngày, sau giờ hành chính, trên đường về Đào rẽ vào chợ mua thức ăn, rồi về thẳng tới nhà, không rẽ ngang rẽ ngửa vào đâu. Nhưng hôm nay phải đưa ảnh và băng ghi hình cho Lực, nên về muộn. Mẹ chồng lại ốm, Đào phải nấu cháo cho mẹ, rồi lo cơm nước. Dẫu vất vả đến mấy, xong công việc gia đình, Đào ngồi vào bàn làm việc, dịch sách Hán Nôm.
Ông nội của Đào là một nhà nho nổi tiếng. Bố mẹ Đào mất sớm. Hoàn cảnh gia đình neo đơn, túng bấn, Đào vừa làm vừa đi học và nuôi hai em cùng ăn học. Điều kiện sống cơ cực ấy đã tạo cho Đào đức tính chịu đựng, nhẫn nhục, ít nói và nhiều khi nhút nhát với những người xung quanh. Hễ ai quát tháo, dù đúng dù sai, mặt Đào cũng tái mét và im thin thít… Được về công tác tại Viện Văn hiến Đào thấy hợp với mình. Tự thấy năng lực chuyên môn còn yếu, đêm nào Đào cũng thức khuya để học thêm. Đến cơ quan, ngoài công việc dịch sách, Đào làm bất kì việc gì mà thủ trưởng giao: tiếp khách, chạy nhà in, quét dọn…
Đào che ngọn đèn cho vừa đủ sáng trang sách, với tay vào góc bàn lấy cuốn từ điển thì nghe chuông điện thoại, chưa kịp nói hai tiếng a lô, đã nghe đầu kia dây quát to với giọng giận dữ:
- Ai cho phép cô gọi thợ ảnh Văn Lang?
- Anh bảo em, anh quên rồi à? Anh bảo thợ vườn cơ quan chụp xấu, phải mời đích danh thợ ảnh Văn Lang.
- Ai cho phép cô mời truyền hình?
- Anh bảo em, anh quên rồi à?
- Ai cho phép cô điều hành quay phim, chụp ảnh? Ai? Ai? Cù Văn Hòn phải không? Cù Văn Hòn sai khiến cô phải không? Cô làm theo lệnh của Cù Văn Hòn phải không? Trong cơ quan này, tôi là thủ trưởng, chỉ một mình tôi là thủ trưởng, Cù Văn Hòn không phải là thủ trưởng mà là người giúp việc cho tôi.
- Em… em…
- Cô ăn cháo đá bát.
Vừa nhận chức Viện trưởng thì Quách Quyền Lực đã tiến hành một số động tác mị dân. Lên lương cho một loạt cán bộ. Có người được lên liền một lúc hai bậc lương. Có người được truy lĩnh lương từ hai năm trước. Lực nói: "Tôi thấy trình độ anh chị em làm việc ở đây rất cao, hưởng mức lương như thế không xứng đáng. Chế độ lương phải phản ánh được trình độ của cán bộ. Cán bộ Viện Văn hiến đi sang cơ quan khác có thể làm lãnh đạo được xin lỗi… tôi đã nói hai từ "có thể"… Trình độ học thuật của cán bộ Viện Văn hiến sang cơ quan khác là phải làm lãnh đạo làm thủ trưởng. Lương của cán bộ Viện Văn hiến phải xấp xỉ lương thủ trưởng ở các cơ quan học thuật khác…". Khi cơ quan Viện bình bầu lao động tiên tiến cuối năm, theo thông lệ, các bộ phận vẫn xếp ba loại A, B, C. Quách Quyền Lực tuyên bố trước cuộc họp tổng kết: "Trong cơ quan ta không có ai kém thuộc loại B loại C. Ai cũng có trình độ đạo đức trình độ tư cách trình độ học vấn trình độ chuyên môn trình độ học thuật loại A. Lấy quyền thủ trưởng, tôi xếp tất cả mọi người đều loại A, A một, A hai, A ba. Người loại A thì ghi là A một. Người loại B thì nâng lên A hai. Người loại C thì nâng lên A ba…".
Đào cũng được nâng hai bậc lương. Cho nên bây giờ Đào bị Lực mắng là "ăn cháo đá bát". Chẳng biết sự thể ra sao mà thủ trưởng lại mắng mình xa xả như thế, Đào cầm máy mà tay cứ run lên, miệng ấp a ấp úng được vài tiếng thì lại bị thủ trưởng nói lấn át.
Hôm sau, Đào nói cho Cù Văn Hòn biết việc này. Hòn chọn lúc Lực vui vẻ nhất để trò chuyện với Lực: "Hoàng thượng ơi, sao hoàng thượng lại nặng lời với cô Đào thế. Cô Đào là người rất tận tụy mọi việc cơ quan, giúp ông rất nhiều việc, rất tốt với ông, ông phải động viên nó chứ. Có điều gì tức giận thì ông nói với tôi trước. Việc quay phim chụp ảnh là ông sai nó đi mời, chứ tôi có sai khiến gì nó đâu… Tôi chỉ đề nghị với hoàng thượng một điều, khi hai thái dương của hoàng thượng nóng lên thì hoàng thượng hãy nghiến chặt hai hàm răng lại…".
Lực cười: "Ông vụng lắm. Việc gì dính đến tiền nong đừng cho cái Đào biết… Từ nay việc quay phim chụp ảnh giao cho thằng Cấu làm…".
***
Lực vừa thở hổn hển vừa xé vụn tất cả những tấm ảnh có vạt hói phía sau gáy… Một mình đi đi lại lại trong phòng.
Chờ cho cơn giận đa nghi dịu xuống, Lực ngồi trước tấm gương lớn, dăng mấy chục tấm ảnh trước mặt. Dưới ánh đèn nê ông, những tấm ảnh hiện ra hình ông Quách Quyền Lực với nhiều tư thế khác nhau. ảnh chụp chung cũng nhiều. ảnh chụp riêng cũng nhiều. Loại trừ những ảnh đểu, lão Văn Lang có công chụp cho mình một xi ri ảnh để mình chọn kiểu, chọn tư thế….
Lực lại đứng dậy, thủng thẳng bước từng bước rất chậm. Dừng lại trước gương, rồi lại bước. Tự thấy tâm thần thật ổn định, Lực mới đứng trước gương rất lâu. Lúc đứng lúc ngồi. Nhìn vào ảnh rồi nhìn vào gương. Chọn kiểu nào thật vừa ý khi quay phim chụp ảnh trong tất cả mọi trường hợp: tiếp các quan khách, tiếp các nhà văn hóa, ở các cuộc lễ lớn, ở các cuộc liên hoan vui vẻ… Những thước phim sẽ phát trên màn hình. Những tấm ảnh sẽ in lên báo. Phải đàng hoàng vừa ra dáng một người quyền cao chức trọng vừa mềm mại ra vẻ một nhà văn hóa có chiều cao trí tuệ và chiều sâu tâm hồn.
Tất cả mọi nỗi bực dọc đã xua tan. Tất cả mọi hình ảnh của Cù Văn Hòn của cô Đào không còn lởn vởn nữa. Quách Quyền Lực nghiêm chỉnh đứng trước gương, tự ngắm, tự điều chỉnh. Cần khẳng định điều đầu tiên là phải đi giày. Người mình thấp, nếu không đi giày thì sẽ bị luốt giữa mọi người, kém tư thế. Mùa đông đi giày. Mùa hè cũng phải đi giày. Đi giày là kiểu trang phục lịch sự của người châu âu. Ban đầu có thể nóng, rồi sẽ quen dần…
Nghiêng đầu bên trái một tí. Nghiêng đầu bên phải một tí. Không được. Nghiêng đầu thì hơi có vẻ diễn viên. Đầu phải thẳng ở trên hai cái vai. Chuồi hai vai xuống một tí. Nhô hai vai lên một tí… à… à… lúc mặc vét tông thì không cần nhô hai vai. Lúc mặc sơ mi thì vai nên nhô lên một tí tẹo. Lực mặc vét tông, xóc xóc hai bên, ngay ngắn, quả thật không cần phải nhô vai nữa…
Hơ… hớ… hớ… Hư… hứ… hứ… Hơ… hớ… hớ… Hư… hư… hứ… Bỗng có tiếng cười quái lạ vang lên trong gian nhà vắng. Lực giật nảy mình. Tiếng cười sắc nhọn và ghê rợn như tiếng xóc của vụn kim khí… Rồi im bặt.
Lực lại tiếp tục soi ngắm và điều chỉnh. Khi đứng chụp ảnh chung với nhiều người thì hai tay phải thế nào nhỉ? Nếu mặc vét tông thì hai cánh tay thẳng và hai bàn tay có thể nắm với nhau. Nếu mặc áo sơ mi cộc tay hoặc dài tay thì cánh tay hơi khuỳnh ra. Khuỳnh một chút thôi. Nếu khuỳnh rộng quá thì trông ngố. Được rồi… Khuỳnh thế là vừa phải…
Hơ… hớ… hớ… Hú… hú… hú… Hô… hố… hố… Hơ… hớ… hớ…
Tiếng cười ma quái lại vang lên. Lực bật sáng tất cả mọi ngọn đèn. Đèn ống. Đèn tròn. Đèn trần. Đèn bàn. Sáng choang. Rồi lại cầm đèn pin soi khắp mọi xó xỉnh, mọi ngóc ngách. Không thấy gì cả. Quái lạ? Mình nghe tiếng cười hẳn hoi. Tiếng cười thật mà. Tiếng cười to hẳn hoi. Chẳng lẽ mình nhầm. Chẳng lẽ bộ thần kinh của mình lại yếu đến mức mình tưởng tượng ra tiếng cười. Sau một lúc ắng lặng, Lực đi xem tất cả các chốt cửa. Rồi lại bình tâm đến trước gương.
Nghiêm chỉnh ngồi lên ghế. Tư thế ngồi khác với tư thế đứng. Cứ hình dung là hai bên đều có nhiều người cùng ngồi. Để cho mình nổi rõ lên, cần khuỳnh hai cánh tay rộng hơn lúc đứng. Thế… thế… thế… Lực ngắm vào gương… Hai cánh tay hơi khuỳnh như thếlà đủ độ rồi…
Hô… hố… hố… Hú… hú… hú… Hi… hí… hí… Hư… hứ… hứ…
Tiếng cười lại vang lên rờn rợn. Ngừng một chút. Rồi trận cười lại kéo dài hơ… hở… hớ… He… hé… hé… Tiếng cười khoái trá. Tiếng cười sặc sụa. Tiếng cười đay nghiến. Tiếng cười sắc nhọn. Tiếng cười nhạo báng… Lại ngừng. Câm bặt. Rồi tiếng cười lại rú lên như một cơn điên của đười ươi Hồ… hồ… hồ… Hố… hố… hố… Hê… hế… hế…
Chợt lặng phắc. Sau chuỗi cười ghê rợn, cái lặng phắc càng ghê rợn sâu thẳm. Rồi lại chợt rít lên man rợ như tiếng rú rít của quỷ sứ đang tùng xẻo những tội hồn bị đày xuống địa ngục.
Lực bặm môi, nắm chặt hai bàn tay, củng cố lại hệ thần kinh. Đi tìm. Tìm cho được cái hiện tượng quỷ quái này. Lục lọi bếp núc. Lục lọi tủ lạnh. Lục lọi gầm giường. Mở cửa, cầm đèn pin soi khắp sân, khắp hành lang. Tuyệt nhiên không thấy gì… Rồi trèo lên gác xép, nơi dành riêng cho thằng Vệ ngủ và học. Lực bật đèn sáng chưng. Hai con chuột từ sau giá sách nhảy ra. Và sau giá sách, tiếng cười ìại rú rít sằng sặc. Chuột quáng mắt, đâm xổ vào chân Lực. Lực nhảy cẫng lên… Đứng thật im, Lực huy động toàn bộ tâm trí để lấy lại sức mạnh tinh thần, quyết định xem sau giá sách có cái gì bí ẩn. Cái gì thế? Con búp bê chăng? Lực cầm lên, từ trong bụng con búp bê phát ra tiếng cười rùng rợn. Nhưng Lực không mảy may run sợ. Sao lại có cái loại búp bê cười như vậy?
Không phải búp bê đâu! Đấy là con phỗng cười. Thằng Vệ cùng mấy đứa bạn trốn học, rủ nhau lên Mông Cái chơi, thấy thứ đồ chơi lạ từ Trung Quốc đưa sang, nó mang về sáng nay. Nó là một trong những đứa trẻ đầu tiên ở Hà Nội có con phỗng cười. Nó quý lắm, đem giấu kín vào sau giá sách.
Thằng cu này toàn cứ đi tìm những thứ ma quái, học hành lười biếng. Chiều nay nó theo mẹ về bên ông bà ngoại ăn giỗ. Nếu nó ở nhà thì đã được ăn một trận đòn nhừ tử. Lực tức điên người, cầm con phỗng cười đập một phát thật mạnh xuống sàn, rồi dùng chiếc búa con bồi thêm một nhát, những mảnh nhựa cứng vỡ tung tóe…