Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Vết sẹo và cái đầu hói

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17694 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vết sẹo và cái đầu hói
Võ Văn Trực

Chương III

Học xong cấp ba, Lực đi bộ đội, Hòn học một mạch lên đại học, rồi về công tác ở Viện Văn hiến. Trong những năm bom đạn ác liệt, hai người vẫn thường xuyên thư từ cho nhau và vẫn say mê sáng tác. Từ chiến trường, Lực gửi bài báo và thơ về cho Hòn, rồi Hòn đem đến in ở các báo Hà Nội. Ngòi bút của họ đã trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Sau đại thắng mùa xuân 1975, Lực được điều về làm việc ở Nhà xuất bản Văn nghệ đại chúng, phụ trách hành chính và tuyên truyền. Như thế là Lực đã đi vào quỹ đạo văn chương mà Lực hằng mơ ước từ bé. Trong thời gian này, Lực phấn đấu với một ý chí mạnh mẽ không kém gì những ngày đang tại ngũ.
Lực nhanh nhẹn, tháo vát, làm nhiều việc không thuộc trách nhiệm của mình. Ô tô chở sách ở nhà in về, chưa có nhân viên hành chính nào kịp chạy ra thì Lực đã vác bó sách trên vai đưa vào kho. Người khác mới vác được một bó, Lực đă vác được ba bó. Thoăn thoắt chạy vào, thoăn thoắt chạy ra, mồ hôi ướt đẫm tóc tai, Lực vẫn không lau, cứ để cho mồ hôi chảy ròng ròng từ đầu xuống mặt từ mặt xuống cổ từ cổ xuống lưng xuống ngực. Mấy cô nói đùa: "Nhà thơ làm mất việc của chúng em rồi?". Lực vừa vác bó sách vừa trả lời: "Mỗi người một tay xúm vào cho chóng xong để còn làm việc khác. Cơ quan cuối năm nhiều việc lắm".
Nhiều ngày lễ, Lực tình nguyện đến trông cơ quan để nhân viên bảo vệ được nghỉ. Thậm chí ngày tết nguyên đán, không ai chịu trông cơ quan tối giao thừa và sáng mồng một, thì Lực xung phong mang chăn đến nằm trên bàn cả đêm ba mươi và cả ngày đầu năm. Nhân viên bảo vệ thấy nhà thơ làm việc quá sức, sáng mồng một lò dò đến chúc tết nhà thơ và xin được trông cơ quan để nhà thơ về ăn tết với vợ con. Lực giơ tay gạt phăng: "Bác cứ về vui tết với gia đình. Chiều bác đến! Nếu cần, tôi trực cả ba ngày tết. Bao nhiêu năm kháng chiến gian khổ tôi còn chịu được nữa là phải xa vợ con giữa mấy ngày tết hòa bình…". Hồi còn làm việc ở bộ chỉ huy của một đơn vị pháo binh, Lực phấn đấu vào Đảng với một quyết tâm hiếm có. Trước bữa cơm chiều, mọi người chơi bóng chuyền thì Lực cầm chổi và xẻng đi dọn vệ sinh quanh doanh trại. Nủa đêm, mọi người đang ngủ say thì Lực dậy xách sô múc nước tưới rau. Người lính gác bảo: "Sáng mai anh tưới rau cũng được…!". "Lực vừa tưới vừa đáp lại: "Trời nắng nóng thế này, rau dễ héo. Bữa cơm không có rau như đau không có thuốc… Với lị, phải lao động nhiều thì ăn mới ngon, ngủ mới ngon.. Bản chất của con người là lao động chứ không phải là chỉ có ăn với ngủ…".
Sau hai năm công tác Nhà xuất bản, Lực được đề bạt làm phó giám đốc. Như thế là con tàu của cuộc đời đã hoàn toàn lăn bánh trên đường ray như ý muốn. Cậu ta hăm hở lao vào con đường sự nghiệp mà mình đã chọn và tự mỉm cười: cách làm của mình rất có hiệu quả, biện pháp phấn đấu của mình rất có hiệu quả, cứ thế mà tiếp tục.
***
Trên bàn làm việc của Lực tại cơ quan trước đây xếp đầy các tập thơ. Nào là thơ của các thi hào thế giới như Gớt, Pêtôphi, Puskin, Đăngtơ… Nào là thơ của các thi sĩ cổ điển Việt Nam như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Nào lá thơ cửa các nhà thơ hiện đại như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận… và có một chồng được xếp ngay ngắn gồm những tập thơ của bạn bè cùng lứa tuổi… Nhưng bây giờ chỉ còn thưa thớt vài ba tập. Thay vào đó là những cuốn triết học của Hêghen, Aristote, Các Mác, Ăng ghen, Lênin…; nhiều trước tác của Hồ Chí Minh, và rất nhiều cuốn văn kiện Đảng về đường lối văn hóa văn nghệ.
Lực rất chịu khó đọc các loại sách này và học thuộc lòng một số câu của danh nhân thế giới, của các lãnh tụ Đảng ta. Khi đứng trình bày một vấn đề gì trước cuộc họp cơ quan, Lực trích dẫn danh ngôn một cách lưu loát. Khi trình bày một nghị quyết gì của Đảng, Lực cũng có thể đọc một số câu không cần nhìn vào giấy.
Dù bận rộn công tác, Lực vẫn chăm viết. Nhưng càng ngày Lực càng ít làm thơ và dần dần bỏ hẳn thơ, mà chuyên viết phê bình văn học. Lực nghĩ rằng, viết phê bình thì dễ trực tiếp phát biểu quan điểm chính trị của mình, chứ làm thơ thì nhiều lúc chông chênh và cấp trên dễ niểu là "biểu tượng hai mặt". Khi đã trói vào ngòi bút cái sợi dây "biểu tượng hai mặt" khó mà giãy ra được để tiến thân trên con đường hoạn lộ. Ở nước ta, trong thời buổi hiện nay, đối với người phê bình, trình độ học thuật và thẩm mĩ là thứ yếu, mà phẩm chất cao nhất phải là lập trường, tư tưởng. Muốn tỏ ra vững vàng về lập trường, tư tưởng, trong lời nói và bài viết thỉnh thoảng nên trích dẫn nghị quyêt Đảng hoặc của một đồng chí lãnh đạo cao cấp. Vì thế, các văn kiện Đảng và trước tác của các nhà lãnh đạo là cẩm nang của người phê bình văn học nghệ thuật…
Không những chỉ cần đầu tư sức lực vào việc viết bài phê bình, mà cũng rất cần đầu tư sức lực vào các cuộc hội thảo theo phương hướng ấy. Bây giờ người ta mở ra rất nhiều cuộc hội thảo. Hội thảo về di tích lịch sử, trong đó có bề dày thi ca của di tích. Hội thảo về nghề thủ công, trong đó có ca dao truyền thống về nghề cổ truyền. Hội thảo về một chiến thắng lịch sử, trong đó có các tác phẩm văn nghệ ca ngợi chiến thắng… Cái gì cũng là văn hóa cả, những người hoạt động văn hóa, nhất là những người làm quản lí văn hóa tha hồ mà đi dự hội thảo. Có người một ngày nhận được hai, ba giấy mời dự hội thảo, đành phải xé thời gian đến dự cuộc này một chốc rồi lại phóng xe đến cuộc khác, mỗi cuộc ông ta phát biểu mười lăm hai mươi phút gì đó, rồi nhận phong bì…
Những cuộc hội thảo như thế còn tính chất chung chung, người ta có thể lựa lời phát biểu được. Nhưng những cuộc hội thảo về một tác phẩm cụ thể mới gay chứ. ấy thế mà một số người đã có kinh nghiệm dày dạn tham dự nhiều hội thảo vẫn tìm được cách gỡ bí. Hôm kia họp, hôm qua họp, hôm nay họp, họp liên miên, mai đã hội thảo rồi mà ông ta chưa hề đọc được một trang tác phẩm. Ông ta đành lục xem mấy bài báo viết về tác phẩm đó, rồi đến dự hội thảo lắng nghe vài ba bản tham luận, là có thể đứng trước cử tọa tham luận một cách hùng biện.
Lực đã triệt để khai thác kiểu học thuật láu cá trên đây một cách hữu hiệu. Chỉ cần bổ sung một động tác không kém phần quan trọng để "Lực hóa" trăm phần trăm kiểu học thuật này. Trước khi dự hội thảo hoặc trước khi viết bài phê bình, đến gặp một ông to nào đấy để gợi chuyện, ông ta sẽ nói ý kiến về vấn đề sắp hội thảo hoăc về tác phẩm Lực sắp phê bình. Nói nôm na ra là hóng ý cấp trên. Như vậy bản tham luận của Lực, bài phê bình của Lực sẽ có sức nặng hơn rất nhiều người khác.
Năm ngoái, cuốn tiểu thuyết "Một kẻ thoái hóa" vừa mởi xuất bản, các báo nở rộ nhiều bài khen ngợi. Cốt truyện kể về một đảng viên đã từng dũng cảm hi sinh quyền lợi cá nhân trong kháng chiến, được bầu là chiến sĩ thi đua; nhưng đến lúc hòa bình, làm giám đốc một công ty kinh doanh đã thoái hóa biến chất, chơi bời sa đọa và tham ô hàng tỉ đồng. Bài báo nào cũng ngợi ca. Đây là cuốn truyện chân thực, diễn biến tâm lí nhân vật rất logic, đọc hấp dẫn. Đây là tác phẩm giàu tính nghệ thuật phản ánh một thực trạng trong đời sống cán bộ đảng viên không giữ được phẩm chất cách mạng. Đây là tiếng chuông cảnh báo có sức mạnh lay động tâm hồn người đọc hơn tất cả những bài lí luận khô khan, vân vân và vân vân… Lực đến gặp một đồng chí cấp cao phụ trách về công tác tư tưởng, đổng chí đó nói: "Tôi không sành về văn chương. Đọc cuốn sách ấy tôi cũng thích như mọi người thích. Nhưng nó thiếu tính hiện thực. Tại sao không một bài phê bình nào vạch ra cho người đọc thấy trường hợp thoái hóa như vậy là rất cá biệt. Không vạch ra điểm này, nguy hiểm lắm, người đọc sẽ hiểu nhầm rằng cán bộ, đảng viên trong chiến tranh ắt phải dũng cảm, trong hòa bình ắt phải thoái hóa. Vậy thì ai sẽ lãnh đạo sự nghiệp xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…
Lực mở to mắt, nhoai đầu về phía trước: "Anh nói chí lí quá! Anh khiêm tốn tự cho mình là không sành văn chương, nhưng anh rất sành văn chương, rất rất sành văn chương". Thế là tối hôm ấy, Lực khoắng bút nửa tiếng đồng hồ được ba trang giấy A4 với lời lẽ sắc sảo, đanh thép: "Tác giả dựng Một kẻ thoái hóa trên cơ sở hiện thực nào? Trên cơ sở hiện thực nào? Hàng vạn đảng viên ta thoái hóa ư? Hàng triệu đảng viên ta thoái hóa ư? Tất cả đảng viên ta thoái hóa ư? Hay chỉ một vài kẻ thoái hóa? Nếu chỉ một vài kẻ thì sao tác giả không phân tích rõ đây là trường hợp cá biệt, rất cá biệt, vô cùng cá biệt, tuyệt đối cá biệt. Ngòi bút của tác giả khá điêu luyện nghệ thuật để lừa dối người đọc rằng hầu hết đảng viên ta thoái hóa. Cái thứ nghệ thuật ấy là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối…". Mấy đồng chí cấp trên đánh giá bài phê bình của Lực có giá trị phát hiện mà hàng loạt bài khác không phát hiện được.
***
Cù Văn Hòn vừa đạp xe đến cơ quan thì Hoàng Bảo nắm tay kéo vào phòng khách:
- Nghe nói Quách Quyền Lực sắp về làm Viện trưởng phải không?
- Mình không biết.
- Sao mày lại không biết? Cánh nhà văn Hà Nội đồn ầm mấy hôm nay. Mày làm quản lý mà không biết tin này thì tai mày điếc mất rồi.
Một lát sau, mấy nhà văn trong Viện Văn hiến Văn Quyền, Phạm Lương, Việt Sồ, Phan Chấn cũng đến ngồi quanh bàn trà ở phòng khách. Rồi dần dần mấy nhà nghiên cứu vào và cũng xúm lại bàn tán sôi nổi.
Phan Chấn giơ ngón tay vê vê mấy sợi tóc xoăn trước trán:
- Đồn thế thôi. Dẫu sao Viện Văn hiến cũng là một cơ quan hàn lâm, trình độ Quách Quyền Lực chỉ là một anh văn nghệ sư đoàn thì biết đầu cua tai nheo gì về công việc hàn lâm này.
Hoàng Bảo đút hai tay vào giữa đùi:
- Tao cũng nghĩ thế. Có lẽ là cấp trên tung tin ra để thăm dò.
Việt Sồ giơ tay vuốt ria mép, nói oang oang:
- Thăm dò cái cóc gì. Các anh nhà văn nhà veo là cái thá gì mà người ta phải thăm dò. Người ta muốn đưa thằng Quách Quyền Lực hay thằng Quách Quyền Lược về đây thì đưa chứ cần cóc gì mà thăm với dò. Các anh cứ tưởng văn chương các anh là ghê gớm lắm… Xì… thứ tép riêu của xã hội…
Người nào người nấy đua nhau nói, lời chen lời:
- Quách Quyền Lực về thì nó biến cái Viện Văn hiến hàn lâm thành Viện Văn hiến quần chúng…
- Thời buổi này ai làm mà chẳng được. Chỉ cần nắm vững đường lối chính sách của Đảng là làm được tất tật mọi việc…
- Ối giời… nhà thơ thì lãnh đạo kinh tế thống chế thì đi đặt vòng lòng thòng văn chương thì giao cho binh nhất cầm chịch!…
- Tao thì tao cứ suy nghĩ một cách công bằng thế này: Cái cơ quan học thuật này là khi nào cũng hnh xình, khi nào cũng lục đục đấu đá nhau về quan điểm học thuật học thọt cho nên người ta đưa một ông quân đội về để thực hiện chế độ quân quản…
Cô Chanh xách phích nước ra, vừa pha trà vừa nói:
- Để em pha trà cho các nhà văn hóa uống tốt giọng mà tranh luận, - Chanh dẩu môi - Các anh cứ hay quan tâm những chuyện cao siêu, còn bọn em ấy à, thủ trưởng nào cũng thế… Con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa thì quét lá đa… Thán phận em là chỉ biết quét lá đa cho sạch chùa để các anh gõ mõ tụng kinh thờ phụng văn chương thờ phụng học thuật…
Việt Sồ đứng phắt dậy:
- Con bé này nói hay. Câu nói bình thường mà chứa đựng ý nghĩa triết lí lớn. Việc của người nào người ấy làm. Giải tán!
Chưa bao giờ Viện Văn hiến thay đổi Viện trưởng mà được nhiều người bàn tán sôi nổi như lần này. Cù Văn Hòn làm việc ở đây là gần mười lăm năm. Các nhà văn, nhà nghiên cứu khác cũng đã có số năm công tác kì cựu: Việt Sồ mười năm, Hoàng Bảo gần ba mươi năm, Phạm Lương gần hai mươi lăm năm… Biết bao nhiêu lần thay chủ, lần nào cũng êm đềm, nhẹ nhàng. Nhưng lần này, chỉ mới nghe phong thanh Quách Quyền Lực sẽ được bổ nhiệm về đây là không những trong Viện mà các nhà văn hóa ngoài Viện cũng bình luận. Đi đến đâu Cù Văn Hòn cũng bị bạn bè giữ lại hỏi han, cật vấn như bị tra tấn. Cái tin này rất có thể là sự thật. Hầu hết mọi người thấy đó là một cái tin phi logic. Nhưng Cù Văn Hòn thì thấy nó rất logic: logic ở cách phấn đấu của Quách Quyền Lực, logic ở cách dùng người của lãnh đạo ta hiện nay. Quả thật là trình độ vàn hóa Quách Quyền Lực non quá, phải gánh một cơ quan học thuật như thế này e quá sức. Nhưng nếu Quách Quyền Lực biết dựa vào alth em trong cơ quan, biết khai thác khả nang anh em trong cơ quan thì vẫn giữ được chất lượng cửa một cơ quan học thuật. Được… mình sẽ cùng xúm tay làm việc với Quách Quyền Lực: Có bạn có bè hiểu nhau từ thuở tấm bé càng dễ làm việc.
Cái tin đồn ấy càng ngày càng loang ra ngoài Hà Nội, vào tận Nha Trang, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, như một sự kiện của đời sống học thuật.
Tin càng đồn xa, Quách Quyền Lực càng co hẹp cái diện tích đi lại của mình. Đó là một cách ứng xử của cậu ta khá hiệu nghiệm qua mỗi lần được cấp trên cân nhắc đề bạt. Nếu hay đi chơi bời tiếp xúc trong lúc này, nhỡ nói một câu hoặc làm một động tác gì mất lòng ai, hắn sẽ thù mình, và hắn sẽ phá?
Lần đề bạt nào Lực cũng hồi hộp và đóng kín cửa. Nhưng lần này, hồi hộp gấp trăm lần và cửa đóng chặt hơn. Trừ lúc cấp trên gọi lên gặp và dặn dò, còn đêm nào cậu ta cũng đóng cửa tắt đèn ngồi trong nhà. Đến mười giờ đêm, thậm chí mười một mười hai giờ đêm, đường phố vắng vẻ cậu ta mới đi ra ngoài. Trước khi đi, Lực ngó qua khe cửa một hồi lâu xem có ai chờ mình, rồi mớl mở hé cửa, nhẹ nhàng khóa lại, rồi bước rất nhanh.
Hồi hộp… hổi hộp… chờ cầm quyết định trong tay. Sướng hơn ngồi trên đống vàng. Nằm mơ giữa ban ngày cũng không thấy… Liệu có đứa nào phá mình không nhỉ? Liệu có đứa nào phá mình không nhỉ? Liệu có đứa nào phá mình không nhỉ?… Lực lẩm nhẩm điểm mặt những đứa có tên tuổi ở Viện Văn hiến… Hoàng Bảo… Việt Sồ… Văn Quyền… những đứa ở trong Nhà xuất bản Văn nghệ đại chúng… Chúng nó có phá nổi không?… Nỗi hoài nghi cứ mở ra như cái hố đen ngòm trước mặt càng lâu càng sâu thăm thẳm nếu nhỡ chân bước vào đó sẽ rơi tõm xuống và toi, toi tất?
"A… a…", Lực vừa nghĩ ra một kế đối phó gì đó. Cậu ta nằm thao thức, đợi đến tảng sáng, đạp xe tới nhà Cù Văn Hòn. Nếu gặp Cù Văn Hòn ban ngày tại cơ quan chúng nó sẽ nghi mình bàn bạc cầu cứu gì. Nếu gặp ban đêm nhỡ có đứa nào vào thấy đang thì thầm trò chuyện nó cũng sẽ đặt câu hỏi. Tốt nhất là gặp Cù Văn Hòn trước lúc hắn đến cơ quan…
Cù Văn Hòn đang ngồi làm việc trên bàn riêng. Lực bước thẳng vào.
- Ông có việc gì mà đến tôi sớm thế?
Quách Quyền Lực đặt ngón tay trỏ vào vết sẹo trên đầu và nói:
- Sáng dậy tắm, đang gội đầu thì ngón tay tôi cào vào vết sẹo này, nhớ quá Cù Văn Hòn ơi! Nhớ tình bạn tuổi thơ quá. Vết sẹo đã kích thích cả hệ thần kinh tôi thương nhớ tuổi thơ nghèo khổ hai thằng cùng ăn cháo rau khoai mà học đến ốm cả người…
Sau một hồi đàm đạo thơ phú, văn chương, Quách Quyền Lực vòng vèo trở về câu chuyện cậu ta sắp có quyết định làm Viện trưởng Viện Văn hiến:
- Tao lo quá Cù Văn Hòn ạ. Đảng phân công thì phải làm, chứ tao thấy việc đó lớn quá sức tao. Mấy lần tao định gặp cấp trên để từ chối, nhưng nghĩ đến mày, tao lại vững tâm nhận chức vụ này. Văn hóa mày cao hơn tao. Tác phẩm mày dày dặn hơn tao. Kinh nghiệm học thuật mày hơn tao. Mày lại làm việc lâu năm ở Viện Văn hiến. Vậy thì việc gì mà tao phải lo. Mày làm tất cả nội dung, còn tao thì lo chạy công việc sự vụ. Hai thằng thương nhau, dựa vào nhau, thế hệ ta phải đảm đương trách nhiệm lớn lao này… Cù Văn Hòn ơi, mày hiểu tao chứ? Mày hiểu tấm lòng tao chứ? Cù Văn Hòn ơi, mày có nghi ngờ gì lòng dạ tham lam của tao không?…
Quách Quyền Lực nói một mạch rất dài… Cù Văn Hòn chưa kịp nói lại câu gì, Lực đã đứng dậy ra về. Tới cửa, Lực ngoái lại, đặt tay lên vết sẹo trên đầu: "Vết sẹo này sẽ dìu chúng ta đi mãi mãi trên đường đời đầy chông gai…".

<< Chương II | Chương IV >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 432

Return to top