Văn Quyền vào phòng Ban thư ký, thấy trên mặt bàn trải đầy bài vở chuẩn bị cho số báo tới, ngồi xem… Tình cờ thấy bài của mình. Những lần trước, nếu là bài của anh em trong tòa soạn thì anh em đều được đọc lại trước khi in, nhưng lần này lại không. Chắc là vội vàng ở một khâu quy trình nào đó?
Đây không phải là bài lý luận hoặc bài thơ hoặc bút ký hoặc truyện ngắn, mà là một bài viết dưới dạng trả lời phỏng vấn của phóng viên theo gợi ý của Tổng biên tập Quách Quyền Lực. Cách đây chừng một tháng, Lực có năn nỉ Văn Quyền viết một bài phê phán những lệch lạc của văn học nghệ thuật hiện nay. Văn Quyền từ chối. Vốn là một nhà văn trẻ tên tuổi mới nổi lên sau năm 1975, Văn Quyền không muốn xuất hiện trên các mặt báo với dạng bài có vẻ "lên lớp" người khác, mà chỉ muốn lặng lẽ in tác phẩm. Cho nên khi Lực đặt vấn đề, Văn Quyền đây đẩy thoái thác: "Em chưa đủ uy tín làm việc ấy. Anh nên đặt các nhà văn có tên tuổi. Làm việc đó quá sức của em…".
Nằn nì mãi không được, Lực nẩy ra sáng kiến: "Em viết theo kiểu phỏng vấn vậy… Người trong tòa soạn mới thiêng. Chứ người ngoài tòa soạn phát ngôn những vấn đề này thì sẽ kém thiêng". Nể quá, Văn Quyền nhận lời.
Nội dung bài trả lời phỏng vấn của Văn Quyền đại khái là sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không khí văn học nghệ thuật không sôi động như hồi. chống Mỹ. Chưa có tác phẩm xứng đáng với sự nghiệp chống Pháp chống Mỹ của dân tộc. Thơ in quá nhiều.
Không có những cây bút phê bình sắc sảo, vạch ra những cái dở cái hay, hướng dẫn thẩm mỹ cho công chúng. Các nhà thơ nhà văn thân nhau, bốc nhau mù mịt trên mặt báo. Rút cục là tác phẩm nào cũng được khen hay. Thậm chí nêu cứ căn cứ vào các bài phê bình thì có lẽ nước ta cũng có vài người được giải Nobel về văn học…
Quách Quyền Lực đã cả gan sửa lại và thêm vào rất nhiều theo ý của mình. Nào là văn nghệ sĩ không chịu thâm nhập thực tế vô cùng sôi nổi của đất nước đang từng tháng từng ngày từng giờ đổi mới… Nào là một số người quay lưng lại công cuộc đổi mới do Đảng ta đề ra, rút vào tháp ngà, sáng tác những cuốn tiểu thuyết, những truyện ngắn dung tục, bẩn thỉu, ô uế, sáng tác những bài thơ tình lãng mạn xác thịt, dâm dật, buồn bã, rên rỉ. Đó là dấu hiệu dẫm lại vết chân của bọn "Nhân văn - giai phẩm" đã một thời lợi dụng khuyết điểm của Đảng ta để chống chế độ, chống chủ nghĩa cộng sản, làm tay sai không công cho bon gián điệp phương Tây… Nào là có một số nhà văn nhà nghệ sĩ ăn cháo đá bát, được sống trong những ngày hòa bình, vội quên công ơn của Bác Hồ của Đảng đã đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân, hòng phủ nhận sự nghiệp to lớn của Đảng ta. Chúng ta phải kịp thời uốn nắn lại những tư tưởng lệch lạc vô hình trung tiếp tay cho bọn phản động quốc tế… Nào là chúng ta phải hâm nóng lời dạy của Bác Hồ "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Các bạn là những chiến sĩ trên mặt trận ấy"… Nào là Nào là…
Văn Quyền trợn to đôi mắt như mắt ốc bươu, nói với thư ký tòa soạn Phạm Lương:
- Đây không phải là bài của tôi!
Phạm Lương nhã nhặn:
- Sao lại không phải là bài của ông? Anh Lực đưa tận tay cho tôi, bảo tôi phải in ngay vào số này…
- Tôi có đáp ứng yêu cầu của ông Lực viết bài này. Nhưng tôi viết khác. Bài này hoàn toàn không phải là bài của tôi. Nếu muốn in, phải thay tên tác giả. Tôi sẽ xuống tận nhà in để kiểm tra, nếu còn để tên tôi thì tôi kiên quyết rút, lúc đó đừng có trách tôi là làm nhỡ việc của tòa soạn.
Phạm Lương hiểu ngay ra sự việc. Phạm Lương đã thuộc tính cách tổng biên tập, hạ giọng:
- Tôi sẽ trao đổi ý kiến của ông với ông Lực.
- Trao đổi hay không, tùy ông. Nhưng tôi xuống tận nhà in để kiểm tra…
Rất ít khi Văn Quyền nổi khùng như thế. Đôi mắt tròn xoe. To tiếng. Không nhân nhượng… Một số anh em trong tòa soạn xúm vào. Hoàng Bảo, Văn Quyền, Việt Sồ, cô Thuyên, cô Chanh… đứng quanh bàn. Chỉ vài phút sau, mọi người hiểu ra đầu đuôi sự việc.
Sau "vụ Thần tượng", Quách Quyền Lực lên giây cót rất căn về chính trị, về lập trường. Vì không có một vốn văn hóa vững vàng, một bản lĩnh vững chắc, cộng thêm tính cơ hội, Lực chao đảo từ cực này sang cực kia. Khi thì muốn vừa lòng "phái đổi mới". Khi thì muốn vuốt ve "phái bảo thủ". Lực luôn luôn như cái quả lắc đồng hồ… Và, dĩ nhiên, con người như thế thì không thể trung thực được. Anh ta sửa bài và thêm thắt vô tội vạ bài của Văn Quyền là điều dễ hiểu.
Việc Lực liều hnh sửa bài người này người nọ chỉ có thể cắt nghĩa rằng anh ta không có cái "phông" học thuật cần thiết để nghiên cứu về học thuật để tôn trọng học thuật. Bạn đọc rộng rãi và các nhà văn hóa nhận thấy tờ báo đã đi chệch đường ray học thuật. Ngay trong tòa soạn, những buổi họp phê bình báo mà vắng mặt Lực - chỉ lúc vắng mặt Lực thì không khí cơ quan mới có ít nhiều dân chủ - nhiều anh em lên tiếng khá nặng lời. Nhà phê bình An Lân nói "tờ báo nửa nạc nửa mỡ". Nhà văn Thế Tùng nói "tờ báo không ra dạng văn hóa quần chúng không ra dạng văn hóa bác học". Nhà nghiên cứu Hoàng Bảo nói "Diện tích mặt báo Văn hiến ngàn năm là diện tích đất Hàng Ngang, Hàng Đào, hai mươi cây vàng một mét vuông, anh Lực biến nó thành đất ở ngoại thành năm chỉ một mét vuông". Nhà Hán học Phan Thanh Quảng nói "Từ khi thành lập tờ báo đến nay, tờ báo là cơm gạo tám, anh Lực đã có công bình dân hóa biến nó thành nồi khoai nồi sắn"…
Số lượng báo trụt ầm ầm như núi đổ? Lực hoảng hốt. Nhưng Lực kịp thời trấn tĩnh bằng lý sự ngụy biện trơ tráo - trơ tráo đến mức dường như trước mặt Lực không phải là các nhà văn hóa, các nhà báo dày dạn kinh nghiệm, mà là một lũ trẻ con ngớ ngẩn. Khi ti-ra báo từ năm vạn tụt xuống ba vạn, Lực lên giọng tự lừa bịp mình và lừa bịp anh em: "Tờ báo ta không chạy theo thị hiếu tầm thường rẻ tiền của các bà bán hàng hè phố, nên số lượng tụt là điều đương nhiên". Khi ti-ra báo từ ba vạn tụt xuống một vạn bảy và dừng lại đó trong vòng nửa năm, Lực giả vờ hào hứng: "Số lượng báo ta rất ổn định. Trong thời buổi cơ chế thị trường mà số lượng báo ổn định như thế là một điều đáng mừng". (Lực vừa dứt lời, nhà thơ Việt Sồ bình luận: "Số lượng báo tụt đến đáy rồi, không trụt được nữa, thì gọi là ổn định"). Khi ti-ra báo từ một vạn bảy tụt xuống vạn tư, Lực vẫn trơ tráo và càng trơ tráo: "Độc giả của báo ta là độc giả chọn lọc, độc giả có học thức cao, độc giả sang trọng. Số lượng một vạn tư là số lượng sang trọng"… Ôi, ông Lực quả là một khoác-lác-sĩ trên tuyệt vời! Nếu làng Văn Lang ở Phú Thọ hay các ông trạng xứ Nghệ có tổ chức thi nói khoác, chắc chắn ông Quách Quyền Lực sẽ đoạt giải quán quân!
Không khí cơ quan rời rạc. Thu nhập đã thấp lại càng tụt xuống thấp hơn nữa, thấp hơn cả những tờ báo lá cải… Trước đây, cứ đến ngày báo in xong, vừa chở ở nhà in về là cả tòa soạn rộn rịp. Anh em biên tập háo hức cầm tờ báo mới, dở từng trang. Chị em phòng Hành chính đóng bó. Các cộng tác viên phát hành vào tận nơi buộc chồng báo vào sau xe máy hoặc xe đạp chở đến những sạp báo rải rác trong thành phố. Có chị đóng bao bì cẩn thận để gửi đến những tỉnh xa… Kẻ ra người vào. Bận rộn. Tấp nập. Có cô tự mình không chở hết, phải thuê mấy cậu xe ôm láng giềng. Cậu Thắng, cậu Thành và cả cô Hiền nữa, hễ thấy Ô tô chở báo từ nhà in về là ngừng ngay việc chở khách, đứng chờ ở cổng tòa soạn để nhận báo…
Trong số cộng tác viên phát hành, có một cụ già hơn bảy mươi tuổi tên là Thân. Cụ sống đơn độc trong căn phòng chật chội, tối tăm tại phố Hàng Bạc. Nghe tin tạp chí "Văn hiến nghìn năm" bán rất chạy, cụ tìm đến. Biết hoàn cảnh khắc nghiệt của cụ, cô Chiều nhường cho cụ hai mươi số báo. Cụ phấn khởi lắm, lần nào cũng bán hết. Từ đó, cụ thường qua lại thân thiết với anh chị em trong tòa soạn, đặc biệt cụ rất mến cô Chiều và hình như có chút… tình yêu… với cô Chiều. Thỉnh thoảng cụ tặng cô Chiều một bông hoa hồng, thậm chí có lần cụ tặng một lọ nước hoa. Để vừa lòng cụ, cô Chiều nhận, nhưng để bù vào đó, cô biếu lại cụ vài gói bánh bích quy hoặc dăm gói mì tôm…
Ở cái tuổi xế chiều của con người co quạnh mà tâm hồn đã cằn cỗi như một gộc cây khô, bỗng nhiên nẩy chồi non tơ run rẩy trước ngọn gió tình yêu. Cụ càng năng lui tới tòa soạn và thích thú việc phát hành báo. Mỗi lần thấy cụ bước vào cổng, các cô lại được dịp đùa vui:
- Người yêu cái Chiều đến kia kìa?
- Chị Chiều môi son má phấn vào mà đón người yêu.
- Mặt cái Chiều đỏ lựng lên rồi, sướng nhé!
- Đời em mà được một người yêu như "anh Thân" thì em chẳng cần phát hành báo nữa. Em cứ về hú hí với "anh Thân" là em toại nguyện lắm rồi.
Mồm mép tép nhảy nhất là cái Chanh. Nó ác khẩu lắm. Lúc thì nó bảo "cụ Thân được ăn cơm tám thơm!". Lúc thì nó bảo "ông già ôm được gái tơ - Như con cá cóc vượt bờ vũ môn!". Lúc thì nó nhoay nhoáy "Gái tơ vớ được chồng già - Còn hơn cô chủ vớ bà ô-sin"… Đùa quá trớn, không chịu được, cô Chiều nổi cáu: "Cái Chanh coi chừng, tao xé xác mày!".
Kéo dài mối tình hờ vô vọng thế này, Chiều cảm thấy bứt rứt, kiên quyết chấm dứt. Hôm ấy, cụ Thân vào nhận báo và tặng Chiều ba gói kẹo Tây. Chiều không nhận: "Cụ để dành tiền mà lo cho tuổi già, cháu không nhận của cụ đâu". Cụ Thân buồn bã đi ra phố, ỉu xìu ngồi tựa lưng vào cột điện. Cô Đào đi qua:
- Cụ ơi! Cụ mệt thì vào cơ quan cháu nằm nghỉ, sao cụ lại ngồi đây?
- Tôi không mệt… Cô Chiều ruồng rẫy tôi…
Đào hiểu ý, mỉm cười, vội về cơ quan nói cho Chiều và chị em trong cơ quan biết. Mọi người cười ồ lên:
- Cụ Thân mê mệt chị Chiều rồi!
- Cá cắn câu rồi. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ…
- Phúc bảy mươi đời cho cái Chiều, được một ông già chết mê chết mệt…
Chiều chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng đi ra phố, tìm cụ Thân:
- Cụ ơi sao cụ ngồi đây?
- Tôi mang ơn cô, tôi trả ơn, cô không nhận, tôi khổ lắm.
- Ơn với huệ gì đâu. Con thấy cụ khó khăn thì con giúp cụ. Con cũng như con cháu ruột rà trong gia đình cụ. Cụ cứ mua quà cho con tức là cụ không nhận con là con cháu trong gia đình nữa. Bây giờ cụ về nhà nghỉ, hôm nào bọn con sẽ rủ nhau đến thăm cụ…
Cụ Thân đứng dậy:
- Cô đừng gọi tôi là cụ, mà gọi là bác… Cô đừng xưng với tôi là con, mà xưng là… em…
Vạn bất đắc dĩ, Chiều giơ hai tay nâng cụ dậy và nói:
- Bác về nghỉ cho em yên tâm, bọn em sẽ đến nhà bác chơi…
Nhìn theo cụ Thân đi khuất trong hàng cây sấu, Chiều mới quay về, sống mũi cay cay…
Dạo này cụ Thân không đến Tòa soạn nữa, các cô mất một đề tài để trêu chọc, vui nhộn. Các cộng tác viên phát hành báo cũng không đến Tòa soạn nữa. Nguồn thu nhập về phát hành báo của mấy cô trong Tòa soạn bị xẹp xuống như cái bị cói vứt ở góc chợ. Mấy cô xoay hướng bán phong bì. Thật là kỳ lạ? Bán phong bì trở thành khoản thu nhập dáng kể. Làm gì có nhiều người gửi thư để bán phong bì?
Không! không! không! Từ cổ sơ đến nay, chức năng của chiếc phong bì vốn là để gửi thư giao lưu tình cảm; ngoặt một phát: phong bì làm chức năng đựng tiền. Phong bì hối lộ. Phong bì biếu cấp trên. Phong bì giao dịch ký các khoản hợp đồng. Phòng bì nhân dịp tết Nguyên đán, mồng 2 tháng 9, mồng 1 tháng 5, ngày nhà giáo, ngày phụ nữ, ngày giải phóng Sài Gòn, ngày thành lập công ty này công ty nọ, ngày nhận Huân chương, ngày khai trương Xí nghiệp… Rồi còn các khoản phong bì khác: sinh nhật ông to bà to, sinh nhật con ông to bà to, phúng viếng bố mẹ ông to bà to, sinh nhật bố mẹ ông to bà to… Rồi còn các khoản phong bì khác: giỗ chạp tổ tiên ông bà của các ông to bà to, thăm hỏi người nhà ốm đau của các ông to bà to… Đó là chưa kể đến các khoản phong bì linh tinh như tổng kết cuối năm, mừng tuổi đầu năm, mùa cưới, mùa cải táng, họp hành đột xuất, thanh tra cấp trên xuống làm việc ôi cha cha, bà rằm bà rì đủ các loại phong bì trong thời buổi cơ chế thị trường… Mấy cô xoay ra làm nghề "phát hành phong bì" là rất "trúng quả"! A ha, vị trí phong bì đã thay thế vị trí báo chí. Góc phòng, góc hành lang, chiếu nghỉ cầu thang trước đây chất những chồng báo thì nay chất những bịch phong bì. Các cộng tác viên trước đây phát hành báo thì nay được phát hành phong bì. Công nghệ dây chuyền phát hành phong bì được hình thành một cách nhanh chóng và quy củ. Địa điểm in và sản xuất phong bì xa tít bên Gia Lâm, mang đến tận Tòa soạn, rồi từ Tòa soạn chuyển đến nơi tiêu thụ… Gọn gàng lắm, hời lắm. Mỗi cục phong bì là một nghìn cái. Mười cục đóng thành một bịch tổng cộng một vạn cái. Khách hàng cứ thế mà nhận, yên tâm hoàn toàn, không suy suyển một li… Làm cái nghề này mỗi tháng bình thường có thể thu nhập được bốn trăm nghìn đồng. Tháng cao điểm vào mùa cưới, mùa tổng kết, mùa liên hoan, áp tết, có thể thu nhập được vài ba triệu đồng…
Cũng không phải bở xơi lắm đâu. Các cô phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Nơi sản xuất đưa đến lúc nào phải tiếp nhận lúc ấy bất kỳ là trưa, chiều, tối. Có hôm, vừa hết giờ hành chính, các cô định rủ nhau đi ăn cơm bụi thì phong bì chở đến, thế là phải nhịn đói, trằn lưng ra mà vác mà xếp, rồi lại đèo đi. Toát mồ hôi muối. Tóc tai, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Hối hả làm cho xong trong giờ nghỉ trưa để kịp vào giờ hành chính buổi chiều. Lắm hôm nhịn đói. Chiều tối đạp xe về nhà mới chợt nhớ ra ngày hôm ấy mình chỉ ăn điểm tâm lúc sáng sớm cho đến tận tối mịt mới được ăn bữa khác - hai bữa ăn cách nhau chừng mười tiếng đồng hồ…
Gặp cô Chanh lặc lè dắt xe đạp chở mấy bọc phong bì, Việt Sồ hỏi:
- Công nhân của mày đi đâu hết mà mày phải chở?
Công nhân của em đi chở khách hết rồi thì cô chủ phải làm thay thôi. Đơn giản lắm nhà thơ ạ…
Chanh định dắt xe đi thì Việt Sồ giơ tay ấn vai Chanh:
- Tao hỏi mày, một năm thằng Lực tiêu thụ cho mày mấy vạn phong bì?
Chanh ngoẹo đầu:
- Điều đó thì anh hỏi thầy em. Em biết sao được. Nếu em biết mà nói ra, em bị đuổi việc thì anh có o bế em không?
- Tao o bế mày! Tao o bế mày! Mày nói đi!
Việt Sồ giơ hai tay định ôm lấy đầu Chanh. Chanh xo vai rụt cổ như cái đầu rùa thụt vào trong mai… Thùy, Dung cũng từ trong đi ra, chất đầy sau xe mấy bịch phong bì:
- Hai anh em tâm sự gì mà vui thế?
Việt Sồ chìa ngón tay trỏ:
- Tao nói cho chúng mày biết, hiện nay có hai mặt hàng làm băng hoại xã hội: một là ma túy, hai là phong bì.
Thùy tròn xoe mắt:
- Ổ, một phát hiện kỳ diệu của nhà thơ Việt Sồ.
Chanh dẩu môi:
- Gớm?… kỳ diệu!… Em là người nghiên cứu pháp luật rất kỹ. Không một dòng nào trong luật ghi về tội trạng của người phát hành phong bì… Thì chúng em cứ tâng tâng tâng tâng…
Chanh nhảy lên xe. Dung, Thùy cũng đạp xe đi theo.
Nắng hạ chói chang. Bóng ba cô gái lăn trên đường phố thưa thớt người lúc chính ngọ…
***
Trong giấc ngủ trưa chập chờn, Lực thảng thốt nhận ra rõ ràng là số lượng báo trụt xuống một cách đáng sợ.
Vùng dậy rửa mặt qua loa, chạy sang phòng Hòn. Hòn đi vắng. Lực gọi điện thoại xuống phòng Hành chính:
- Báo cho anh Hòn gặp tôi ngay bây giờ!
- Thưa thủ trưởng, anh Hòn đi ra quán giải khát với mấy người bạn.
Không cần biết ai ở đầu kia giây nói, Lực giục sôi lên:
- Tìm ngay! Tìm ngay! Tìm ngay!
Một lát sau, Hòn về:
- Thưa bệ hạ, bệ hạ sai bảo thần điều gì?
- Ông có sáng kiến gì để vực số lượng lên không?
- Tôi đã bàn với ông nhiều lần rồi. Trước hết là phải tổ chức lại các ban bệ, sắp xếp người đúng khả năng công việc của họ. Không nể nang, không vuốt ve. Trước kia tôi thông cảm với ông phải vuốt người này ve người nọ. Nhưng bây giờ đã vấp cú đau về "Thần tượng", ông tuyên bố thẳng thắn trước toàn thể cơ quan là vì nể nang, ve vuốt mà vấp phải khuyết điểm nặng. Trong thời điểm này, ông cứng rắn về tổ chức, không ai trách ông đâu. Đây là thời điểm tốt nhất để làm tổ chức. Sẽ không có một thời điểm nào tất hơn. Anh em ở đây đều là những nhà văn hóa làm biên tập lâu năm, nhiều kinh nghiệm, ông phải khai thác khả năng của anh em. Chứ việc gì ông cũng ôm ìấy, anh em người ta chán nản…
- Thế bây giờ tổ chức như thế nào?
- Tôi đã bàn với ông nhiều lần rồi. Bản thân tôi, tôi cũng chán, vì bàn với ông mà ông không chịu làm, ông lại cứ đi nghe vu vơ những đứa ít hiểu biết.
Sau khi hai người bàn bạc kỹ với nhau, Lực tỏ vẻ rất quyết tâm:
- Mai họp! Mai họp! Mai họp!
Tự tay Lực viết thông báo lên bảng, bảo cô Chanh gọi điện thoại đến nhà từng người. Cuộc họp quan trọng lắm, không được vắng mặt một ai. Thường ngày, tấm bảng đặt khuất phía trong, hôm nay được khênh ra gần cửa để bất cứ ai ra vào cũng đọc: "Thông báo khẩn cấp! Khẩn cấp! Khẩn cấp! Đúng 8 giờ sáng mai, họp toàn thể cơ quan! Cả buổi sáng mai không tiếp khách. Đây là cuộc họp xốc lại tổ chức, tạo ra bước chuyển biến mới trong cơ quan trong tòa soạn…".
Xem xong thông báo, Việt Sồ lừ lừ mắt, cầm viên phấn gạch dưới dòng chữ "xốc lại tổ chức", rồi ném toẹt viên phấn xuống nền gạch:
- Xốc xốc xốc. Dăm ba tháng lại xốc một lần. Đến lúc nào xốc thằng Đấu lên làm tổng biên tập, xốc thằng Lực xuống làm lái xe thì mới hết xốc!
Hôm ấy. Trời mưa như trút nước. Nhiều đường phố bị ngập. Thế mà mới tám giờ sáng, anh chị em trong cơ quan đã mang áo mưa đến đông đủ. Không ít người thấp thỏm hy vọng "đây là cuộc họp tạo ra bước chuyển biến mới trong cơ quan".
Phòng họp im lặng. Lực ngồi nghiêm chỉnh trên chiếc ghế mây, dưới bức ảnh Hồ Chủ tịch. Lướt nhìn khắp mọi người, rồi đeo mục kỉnh, rút cuốn sổ tay trong cặp đen, bắt đầu…
"Làm báo tức là làm chính trị. Bất kỳ một tờ báo nào dù là báo văn hóa, báo văn hiến, báo nghệ thuật, báo thời trang, báo ẩm thực… cũng là báo chính trị. Người nào quên mục tiêu đó, xa mục tiêu đó thì đừng làm báo nữa, chuyển sang làm nghề khác càng sớm càng tốt… Tờ báo là cốt lõi của cơ quan ta, là trung tâm ngôn luận của cơ quan ta, là linh hồn của cơ quan ta, là đồng tiền là hạt gạo của anh em trong cơ quan cũng là tiếng nói của Đảng của chính phủ của nhân dân…"
Đã có một lúc rất thân tình, đang uống bia, Lực ghé vào tai Hòn, thầm thì: "Tôi chỉ nói riêng cho ông biết thôi, bạn nối khố mà, nói để ông giữ thân… Hiện nay khắp tất cả các phòng các ngóc ngách trong cơ quan ta đều gắn máy ghi âm của công an… mấy quán bia ở xung quanh tòa soạn cũng gắn máy ghi âm… dưới ghế phòng khách cũng gắn máy ghi âm… trong ghế ông đang ngồi đây cũng gắn máy ghi âm…". Vì thế, sau vụ "Thần tượng", trong cuộc họp nào, Lực cũng lên giọng thuyết lý nhiều về chính trị.
Thuyết lý nhiều và nói to. Nói to cốt để máy ghi âm ghi rõ từng lời của mình. Rồi sau đấy, máy ghi âm tâu lên thượng cấp: Quách Quyền Lực có ý thức chính trị rất cao, lập trường rất vững!
"Làm báo tức là làm chính trị. Tờ báo Văn hiến nghìn năm là một tờ báo chính trị, một tờ báo của Đảng của chính phủ của nhân dân, hoạt động theo cương hnh của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Máu của các đồng chí lãnh tụ đổ xuống như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu. Máu của hàng ngàn liệt sĩ đổ xuống. Tờ báo của chúng ta phải luôn luôn ấm máu của các vị tiên liệt… Ai không nhất trí với đường lối của Đảng của tổng biên tập Quách Quyền Lực, xin mời đi nơi khác. Tôi tạo điều kiện thuận lợi để chuyển sang công tác khác…".
Lực cao giọng quá, đôi lúc đứt hơi. Cô Đào chạy ra quán mua một lon Pepsi. Nhưng Đào không dám bê lên đặt trước mặt Lực, mà ẩy tay cô Chiều. Chiều rót ra cốc, nói nhỏ: "Mời anh uống nước đã". Sau khi uống ngụm nước ngọt, trơn cổ họng, Lực càng bô bô như cái thùng rỗng.
"Tờ báo của ta phải trong sáng tuyệt đối để động viên toàn Đảng toàn quân toàn dân tham gia tích cực vào sự nghiệp đổi mới của dân tộc của đất nước… Tờ báo của ta phải trong sáng tuyệt đối, phải vô trùng tuyệt đối, phải vô trùng tuyệt đối, phải vô trùng tuyệt đối…".
Hội trường đang im lặng, nổi lên vài ba tiếng cười. Việt Sồ nói xen vào:
- Vô trùng nhưng không được vô sinh. Vì vô sinh cho nên báo ế.
Hoàng Bảo cũng chêm một câu:
- Bây giờ thì tôi lo nhất là vô sinh, chứ không lo vô trùng.
Lực đỏ mặt, uồm hai tay về phía trước:
" Đừng có mỉa mai như thế anh Việt Sồ à, anh Hoàng Bảo ạ. Thái độ của chúng ta phải là thái độ xây dựng. Các anh đừng có lái tôi, lái tờ báo này đi theo hướng anh Nguyễn Toàn Năng mà khổ tôi, khổ cả tòa soạn, khổ cả cái đất nước này. Các anh có biết đài BBC nó nói gì không, đài AFP nó nói gì không? Âm mưu diễn biến hòa bình của kẻ thù thâm độc lắm. Hơn lúc nào hết lúc này chúng ta phải cảnh giác cao độ với âm mưu diễn biến hòa bình của kẻ thù…"
Hội trường lại im phăng phắc, chỉ vang lên giọng nói của Lực.
"Trăm công nghìn việc, việc gì cũng đến tay tôi. Tôi cũng là người như các anh chị. Tôi không có ba đầu sáu tay. Tôi xé thân tôi ra trăm mảnh để lo hết việc này việc nọ ở cơ quan, không còn chút thì giờ nào để chú ý đến gia đình. Các anh các chị phải biết thương tôi chứ…".
An Lân quay mặt nói với Thế Tùng.
- Ông ta tự ôm lấy việc, bây giờ lại đổ tội cho người khác.
Bản chất đa nghi rất nhạy với cử chỉ của mọi người xung quanh, Lực hỏi nhỏ Cấu:
- An Lân vừa nói gì với Thế Tùng?
- Hắn nói là "anh ôm việc, lại đổ tội cho người khác".
Lực nhảy chồm lên:
"Nhiều lần anh An Lân gay gắt phê bình tôl là ôm đồm. Tôi mà không ôm đồm thì tờ báo không ra gì. Tôi chỉ vắng mặt một ngày một giờ là tớ báo hỏng ngay, hỏng ngay, hỏng ngay, hỏng ngay, hỏng ngay…
"Cả cơ quan chểnh mảng với công việc chung, không ai chịu hy sinh một chút quyền lợi cá nhân để phụng sự tập thể. Có người chỉ hong hóng cuộc họp nào có phong bì thì mới đi, không có phong bì thì không chịu đi. Có ngày cả cơ quan chỉ vài ba người đến, ngồi uống trà uống bia rồi tán gẫu. Để dành thì giờ tán gẫu đó mà suy nghĩ cho tờ báo cho nền học thuật nước nhà, đầu tư tâm sức cho tờ báo cho cơ quan, khổ tâm khổ tứ cho tờ báo cho học thuật thì có ích biết bao nhiêu… Tình trạng chểnh mảng đã dẫn đến hậu quả là tờ báo trụt số lượng. Thế mà cứ đòi lương cao, đòi thu nhập cao. Cứ nằm đó mà chờ sung rụng vào miệng…!".
Mọi người ngơ ngác, im lặng. Đâu có phải lúc nào im lặng cũng là ưng thuận, mà lắm lúc im lặng lại là khước từ là khinh bỉ. Lực có biệt tài siêu đẳng là trơ tráo, trơ tráo nói thế này rồi trơ tráo nói thế khác. Đứng đầu một cơ quan học thuật lớn, làm ăn bê bối, lại đổ lỗi cho anh em không chịu làm việc, không chịu cộng tác với mình. Lực giống như một anh Hề trong chèo cổ. Hai chân Hề lấm bê bết bùn, trèo lên lau bàn, tay lau đến đâu chân quệt bẩn bùn đến đấy, lau đi lau lại vẫn bẩn, Hề chửi đổng: "Tiên sư chúng nó làm bẩn bàn tao" (!)
Việt Sồ lắc cái đầu xù xem đồng hồ:
- Gần mười hai giờ rồi, xốc tổ chức thì xốc đi!
Lực lôi ra trong cặp đen tờ "Quyết định của Viện trưởng Viện Văn hiến và tổng biên tập về việc chấn chỉnh tổ chức tòa soạn báo Văn hiến nghìn năm" đã đánh vi tính. Trên cùng có dòng chữ: "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Độc lập Tự do Hạnh phúc". Cuối cùng có chữ ký của Quách Quyền Lực đóng dấu đỏ. Rất quy củ. Rất đàng hoàng… Sau vụ "Thần tượng", Lực không những không bị phế truất, mà vẫn ngồi vừng trên hai ghế Viện trưởng và Tổng biên tập. Cho nên tất cả các loại giấy tờ có chữ ký của Lực đều cộp con dấu "Viện trưởng kiêm Tổng biên tập" ngay dưới chữ ký…
Ai nấy hồi hộp lắng nghe. Lực vừa đọc xong, rộ lên nhiều tiếng cười. Một kiểu đánh bùn sang ao! Đánh bùn sang ao! Đánh bùn sang ao! Xê xích vài ba người từ bộ phận này sang bộ phận kia. Toàn bộ văn bản quyết định "xốc lại tổ chức" vẫn là ve vuốt, vẫn là mị dân: đội quân của tòa soạn hơn ba chục người, chỉ có dăm người mang súng trường, còn hầu hết mang súng lục (?), chỉ huy đông hơn quân thì đánh đấm cái gì!
Hòn thất vọng, buồn xỉu. Suốt thời gian long đong vì vụ "Thần tượng", Lực gặp mình xoành xoạch để bàn bạc việc cơ quan chẳng qua là một cách giải tỏa tâm lý, một kiểu ve vuất, chứ thực tâm Lực không cay cú về học thuật, về việc đẩy tờ báo lên…
Nghe tin Lực đem bệnh teo ngọc hành của thằng Vệ để tranh thủ sự mủi lòng của cấp trên, Linh Vũ và bạn bè rất bực, không muốn gặp Lực nữa. Nhưng rồi không nỡ để bạn thui thủi một mình trong cơn hoạn nạn, Linh Vũ lại chăm đến nhà Lực để trò chuyện, an ủi và có lúc bàn bạc công việc của cơ quan Viện Văn hiến.
- Mày phải khai thác khả năng của thằng Hòn chứ, để nó gánh một phần nội dung cho mày. Trong lúc này mày không nghe lời của bạn bè chí cốt thì mày nghe ai? Mày nghe thằng Cấu à?
- Linh Vũ ơi, sao mày lại nỡ nghi ngờ tao như thế! Tao đã nói với thằng Hòn nhiều lần, nhưng nó không chịu làm nội dung.
- Sao lại có thể như vậy được?
Linh Vũ bèn tìm gặp Hòn:
- Mày ngãng ra lúc này là mày có lỗi với thằng Lực.
- Với thằng Lực, tao chẳng bao giờ ngãng ra. Nhưng thôi… cứ để tao làm việc khác có ích cho anh em trong cơ quan hơn…
- Mày khái tính quá. Lòng tự trọng quá cao. Phải có giới hạn, nếu lòng tự trọng vượt qua giới hạn đó thì sẽ trở thành gàn dở…
Do gợi ý của nhiều vị lãnh đạo cấp trên và nhiều bạn bè, Lực nói với Hòn tham gia làm nội dung. Nhưng Hòn không nhận vì biết chắc chắn rằng Lực không thể nghiêm túc làm học thuật với mình được. Ai đưa bài cậu ta cũng ký duyệt. Ai đưa bài cậu ta cũng cho in. Thậm chí báo đã trình bày xong, chuẩn bị đưa đi nhà in, cậu ta cũng bắt tháo dỡ để nhét bài của một người nào đó mới đến tận nhà đưa cho cậu ta… Nghĩa là Lực không có phong cách nghiêm túc của một người say mê với học thuật, mà chỉ cốt sao ve vuốt được càng nhiều người càng tốt.
Đành mang tiếng là "gàn", Hòn không nhận làm nội dung. Ngoài Hòn và một số ít người trong tòa soạn, không ai có thể hiểu thấu chi li tính cách và tâm địa của Lực. Kể cả Linh Vũ. Từ khi được nhảy vọt một phát lên làm Viện trưởng và tổng biên tập tờ báo lớn này, con người Lực đã biến dạng với một tốc độ chóng mặt, làm sao mà Linh Vũ biết hết được.
Cuối cùng Lực nẩy ra sáng kiến: cho ra thêm tờ phụ san đặt tên là "Thông tin văn hiến", và giao cho Hòn phụ trách. Không hiểu là còn những trò quỷ quái gì nữa sẽ diễn ra. Nếu không nhận, người ngoài tòa soạn không biết được cặn kẽ. sẽ cho Hòn là một thằng đại gàn. Đành phải nhận. Nhưng trước khi nhận, theo sự gợi ý của nhiều anh em, Hòn bàn kỹ với Lực về nhân sự. Lực đồng ý hai nhân sự là Văn Quyền và An Lân, vì theo Hòn "hai người đó có ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nga, có kiến thức phong phú về văn hóa trong nước ngoài nưởc, đẩy ti-ra tờ phụ san để gánh đỡ tài chính cho số chính". Lực hào hứng rung người và rung cả hai tay: "Tốt! Tốt! Tốt! Tuyệt vời!…".
Tưởng thế là yên được một bề. Có ngờ đâu sau cái phút "tốt tốt tốt! tuyệt vời!" ấy, Lực suy nghĩ: lão Hòn làm số phụ san hay hơn số chính thì mình còn mặt mũi nào nữa? Sao mình lại dễ dãi để cho lão ta sắp xếp nhân sự. Mình ngu quá. Quả thật là có nhừng phút mình nhẹ dạ, ngu đần…
Lực vò đầu, nắm tóc. Lúc giật tay ra, bàn tay đầy một nắm tóc. Ơ, tóc mình lại dễ rụng thế này à?… Được, được, mình sẽ có cách. Hòn không thắng được mình đâu… Máu đố kỵ sôi lên trong người Lực như một cái hố nung vôi. Kẻ nặng lòng đố kỵ luôn luôn sống trong nỗi dày vò vì sợ bạn bè hơn mình, dù là hơn một chủt xíu.
Đến hôm họp cơ quan, Lực trơ tráo và trắng trợn công bố danh sách những người làm tờ phụ san "Thông tin văn hiến": Cù Văn Hòn, Phan Chấn, Thanh Cấu. Hòn ngồi đớ người. Lực đã dùng quyền chức để lừa bịp mình. Chẳng lẽ mình lại nói toạc ra là Lực đã bàn với mình một đàng làm một nẻo? Nếu nói toạc ra, anh em sẽ nghĩ bụng "hai ông bạn chí cốt" này, hai ông phó ông trưởng này lại hục hặc nhau; vả lại Lực sẽ chối bay, mồm mình sẽ không thắng nổi mồm năm miệng mười của Lực. Và rồi, Cấu và Phan Chấn sẽ thêm cớ để thù mình… Thôi, đành im lặng, sẽ tìm cách gỡ dần…
Trong lúc Lực gặp hoạn nạn, Phan Chấn cũng như Cấu tảng lờ Lực, hơn thế nữa còn mưu mô hất cẳng Lực.
Cơn hoạn nạn qua rồi, hai gã này lại thường xuyên đến nhà Lực. Kẻ đa nghi và hám chức thì dễ dàng tin người xu mnh, Lực đáp lại ơn tri ngộ của Chấn và Cấu bằng những lời khen bốc lên tận trời.
Việc sử dụng ngay lập tức Chấn và Cấu một cách đắc lực như vậy là do tâm lý thực dụng của Lực. Từ khi lên cầm quyền, Lực sống một cách rất thực dụng, xử sự mọi việc một cách rất thực dụng. Thằng A hôm qua chửi mình, và biết ngày mai ngày kia nó lại chiửi mình, nhưng hôm nay nó quỳ dưới chân mình, ca ngợi mình và làm lợi cho mình thì mình cứ chiều chuộng và trọng dụng nó hôm nay. Hòn giận Lực đến tím mặt. Những cơn giận của Hòn thường không bộc lộ ra, mà lẳn vào trong, rồi tan đi lúc nào không biết. Đợi cho cơn giận tan, Hòn gặp Lực và cố giữ thái độ thân mật:
- Ông đã đồng ý là Văn Quyền và An Lân cùng làm với tôi, sao ông lại công bố Chấn và Cấu.
Lực trả lời, giọng cộc lốc và khô như ngói:
- Trong cơ quan này, tôi điều khiển ông hay ông điều khiển tôi?
Tự nhiên Hòn lạnh người, nhìn da mặt Lực ghê ghê như vỏ nứa.